Chỉnh thấy Huệ còn rất trẻ lại mạnh miệng đến thế thì thầm nghĩ [đúng là nghé con không sợ hổ, ngay cả đại huynh ngươi còn không dám chắc có thể đánh bại quân Nguyễn, mà ngươi lại dõng dạc tuyên bố trong mười ngày có thể đánh tan hai vạn đại quân]
Tuy trong lòng nghĩ vậy nhưng ngoài miệng thì nhẹ nhàng khuyên:
"Hay lắm! Nhưng việc quân thắng bại là lẽ thường, tướng quân sao đã vội định ngày. Vả lại Tống Phúc Hiệp là một lão tướng của Định Vương, tướng quân đừng nên khinh địch mà chuốc lấy bại vong".
Nói rồi Chỉnh viện cớ còn có việc gấp cần làm ngay cho quận Việp nên vòng tay cáo biệt ra về. Đợi cho đoàn sứ giả đi xa rồi, Nhạc mới quay sang quở trách Huệ:
"Trước mặt Hữu Chỉnh đệ đã vội hứa trong mười ngày phá xong địch chiếm Phú Yên. Ngộ nhỡ trong mười ngày mà việc không xong hoá ra ta nói khoác với họ thì còn mặt mũi nào?"
Huệ mỉm cười thưa:
"Xin đại huynh chớ lo, trận này đệ xin lãnh binh phá địch, nếu trong mười ngày không thắng xin chịu mất đầu theo tướng lệnh".
Huệ vừa nói xong bỗng có một người xồng xộc bước vào nói lớn:
"Biện Nhạc sao dám lừa dối ta. Ngươi hứa đánh Trịnh chiếm lại Phú Xuân tôn phò ta lên ngôi chúa, mà nay đi nhận sắc phong của họ Trịnh là nghĩa làm sao"
Mọi người nhìn lại hoá ra là Đông cung Thế Tử Nguyễn Phúc Dương. Nguyễn Huệ thấy Đông cung Dương bước vào liền ứng biến cơ mưu đáp rằng:
"Xin Đông cung Thế tử chớ có hiểu lầm. Đại huynh tôi buộc phải giả hoà với quân Trịnh để làm kế hoãn binh, vì không thể đem hết toàn quân ra đánh Trịnh. Bởi ở Phú Yên Tống Phước Hiệp đã đem đại binh hai vạn lăm le đánh chiếm Qui Nhơn, Đông cung Thế tử đã biết chưa"
Nguyễn Phúc Dương đáp:
"Việc này ta có biết".
Huệ lại nói:
"Giờ xin Thế tử hãy viết một bức thư nói rõ ý tôn phò của đại huynh tôi cho Tống Phúc Hiệp được biết, yêu cầu ông ấy lui binh. Nếu Tống Phúc Hiệp chỉ nghe lệnh Định Vương Nguyễn Phúc Thuần mà không nghe lệnh Thế tử thì quân Tây Sơn ta phải đánh Tống Phúc Hiệp trước, sau đó sẽ dốc toàn lực quay sang đánh Trịnh, mới có cơ thu phục được kinh thành đưa Thế tử lên ngôi chúa. Chẳng hay ý Thế tử thế nào?"
Kế sách này là do Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ tối qua thảo luận với nhau, hòng làm cho Tống Phúc Hiệp phải lưỡng lự, không tiến quân thêm nữa
Nguyễn Phúc Dương còn nhỏ tuổi thật thà, trước nay chỉ ở trong cung nên không hiểu nhiều về nhân tình, thế thái, nghe Huệ nói thế tỏ ý ăn năn đáp:
"Ta thật là hồ đồ, chút nữa đã hiểu lầm tấm lòng trung nghĩa của các vị tướng quân. Để ta viết thư cho Tống Phúc Hiệp xem thử ý ông ấy thế nào?"
Nguyễn Phúc Dương viết xong, Nhạc liền sai người đưa Dương về phủ, không quên dặn dò lính gác phải chọn những cô nương trẻ tuổi, có tư sắc đến hầu hạ cho Thế Tử.
Thế tử đi rồi Nhạc mới sai người cho gọi Nguyễn Thung vào gặp. Thung đến phòng nghị sự chỉ thấy có mình Nhạc và Huệ thì có chút bất ngờ
"Trại chủ, là có đại sự gì cần ta làm à"
Nhạc cười nói: "Lâu ngày gặp lại, vừa mới gặp đã phải giao trọng trách cho huynh rồi"
Thung ngồi xuống, từ tốn nói: "Bây giờ chúng ta đang ở thế bị kẹp ở giữa, nếu không nhanh chóng tạo ra kỳ biến thì e là khó đứng vững, trại chủ không cần phải khách khí đến vậy, đã là việc đại sự thì ta sẽ dốc hết sức hoàn thành tốt, không phụ tấm lòng tin tưởng của trại chủ"
Nhạc gật gù, nói tiếp: "Kỳ thật lần này ta muốn dùng kế đầu hàng quân Nguyễn để chúng lơ là phòng bị, nhân đó mà bất ngờ đánh úp bọn chúng. Huynh là người khéo ăn nói, lại có tài thuyết phục, việc này giao cho huynh là thích hợp nhất. Đây là thư do thế tử viết, nhờ huynh làm sứ giả đưa thư sang Phú Yên cho Tống Phúc Hiệp"
Nói rồi Nhạc lấy thư trao cho Thung. Cầm thư trên tay Thung vội nói:
"Sự việc cấp bách không thể chậm trễ, ta liền đi làm ngay"
Nhạc gật đầu: "Ta chúc huynh thượng lộ bình an, sớm ngày trở về"
Tiếp sau đó Nhạc cùng Huệ đi đến nơi luyện quân ở đèo Cù Mông để kiểm tra tình hình. Đến nơi, Nhạc phải kinh ngạc trước một đội quân ngũ hăng hái và trật tự. Quá quen với đạo quân liều mạng hỗn độn của Tập Đình, Lý Tài, Nhạc ngỡ ngàng khi thấy cách tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, phong thái tự tin và trầm tĩnh của hầu hết tướng sĩ dưới quyền Huệ.
Nhạc hỏi em đã giao vai trò mũi xung kích cho toán quân nào? Huệ chỉ toán quân của Sở, lúc ấy đang tập sử dụng hỏa nổ trước bản doanh. Nhạc thấy họ trẻ tuổi và hiền lành quá, lo lắng hỏi:
"Liệu có kham nổi không? Trước đây bao giờ huynh cũng giao mũi này cho quân hai tướng Tập Đình, Lý Tài. Lần này ta có mang theo quân của Lý Tài, nếu đệ cần có thể dùng số Hòa nghĩa quân còn lại trên phủ. Cả tháng nay bọn chúng chỉ chuyên phòng vệ, suốt ngày chỉ uống rượu. Tuy vậy chúng cũng có kinh nghiệm sa trường, đánh trận thì liều mạng xông lên không hề biết sợ".
Huệ vội từ chối: Đệ không cần đến bọn ấy. Đệ tin tưởng hoàn toàn vào toán xung kích của Văn Sở. Kế hoạch của đệ thế này, đại huynh xem thử có được không?
Trong lòng Huệ nghĩ thầm [đưa cho đệ cái đám quân ô hợp đó thì làm được gì, quân mà không kỷ luật thì không thể dùng]
Hai anh em bàn thật kỹ về từng điểm nhỏ, với sự hăng hái có cơ sở, sự liều lĩnh có tính toán của Huệ cuối cùng thuyết phục được Nhạc. Nhạc vỗ vai Huệ bảo:
"Thôi, tùy ý chú. Nên nhớ trận này cũng quan hệ đến chúng ta như trận Bích Khê. Nếu thua nữa, ta còn mặt mũi nào mà nhìn tướng sĩ! Gần đây ta xuất binh đánh nhau với quân Trịnh chỉ toàn thua!"
Nói xong, Nhạc lên ngựa xuống đèo Cù Mông trở về phủ Qui Nhơn, tất cả mọi việc chuẩn bị đánh phủ Phú Yên đã hoàn tất.
Tại Phú Yên, sau khi bố trí trận địa xong, Tống Phúc Hiệp đích thân cưỡi ngựa đến ải Cù Mông xem xét. Thấy núi non trùng điệp đá dựng hiểm trở, chỉ có một con đường độc đạo lên đến đỉnh đèo, Hiệp nói với các con:
"Ải Cù Mông hình thế hiểm trở, quân Tây Sơn lại đóng ở trên đỉnh đèo có lợi thế từ cao đánh xuống. Dù ta có thiên binh vạn mã cũng khó có thể vượt qua ải này. Các con hãy chia quân đóng giữ các nơi hiểm yếu, cho binh sĩ nghỉ ngơi dưỡng sức rồi ta sẽ tính kế sau".
Người con nhỏ của Hiệp là Viết Nghĩa hỏi:
"Thưa cha ải này không cao và hiểm trở bằng ải Vân Phong (đèo Cả). Ải Vân Phong ta còn lấy được dễ dàng thì ải Cù Mông này sao cha lại ngại?"
Tống Phúc Hiệp vuốt râu cười:
"Ải Vân Phong tuy rằng hiểm trở nhưng giặc Tây Sơn chỉ lui mà không đánh nên ta mới chiếm được dễ dàng. Còn ải Cù Mông này con hãy nhìn xem trên sườn núi dọc theo đường đèo lều trại san sát, mỗi một khúc quanh, đá đều gom thành đống, chứng tỏ chúng phòng bị rất kỹ càng, không thể nào đánh được. Nếu như ta cố tiến quân thì ắt sẽ hao binh tổn tướng trầm trọng".
Nói xong liền quay ngựa về doanh trại. Vừa đến nơi có quân canh vào bẩm:
"Thưa đại tướng quân, có sứ giả quân Tây Sơn xin vào yết kiến".
Phúc Hiệp phất tay: "Cho hắn ta vào".
Đến trước án, Nguyễn Thung thi lễ nói:
"Tôi là sứ giả của Tây Sơn xin được ra mắt tướng quân".
Hiệp vênh mặt hỏi:
"Tây Sơn các người đánh nhau với ta thua quá bỏ luôn ba dinh Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên mà chạy về Quy Nhơn. Nay cùng đường Nguyễn Nhạc sai ngươi đến cầu hoà chăng"
Thung ung dung đáp:
"Trại chủ tôi bỏ ba dinh lui về Quy Nhơn không phải vì thua tướng quân, mà vì trại chủ tôi với tướng quân đều là tôi trong một nước nên không muốn chém giết lẫn nhau đó thôi"
Hiệp vỗ bàn quát:
"Láo xược! Nguyễn Nhạc khởi loạn ở Tây Sơn kéo ra đánh Quảng Nam đuổi chúa ta chạy vào Gia Định sao dám bảo ta với hắn là tôi trong một nước. Nhà ngươi không giải thích rõ ta liền lôi ngươi ra chém, bêu đầu giữa chợ".
Loạn thế khởi, hào kiệt phân tranh.
Nơi máu anh hùng và lệ mỹ nhân hoà quyện vào nhau.
Nhân quả và luân hồi đan xen tạo thành bánh xe vận mệnh.
Giữa mộng và tỉnh, đúng và sai, đâu mới là con đường chân đạo.
Tất cả chỉ có tại