Sau khi xem hết thủ trát Hán gian và bản ghi chép của Đào Hương, Triệu Ngọc và Thôi Lệ Châu cảm thấy choáng váng, cùng thở dài một tiếng.
“Thế nào? Tôi thấy, hình như là chuyện lớn rồi nhỉ?” Thôi Lệ Châu đè lại lồng ngực của mình, muốn nhịp tim đang đập nhanh của mình chậm lại một chút: “Dự cảm của tôi... sao lại chuẩn đến vậy chứ? Sếp ơi... Hiện giờ, tôi đã suy nghĩ thấu đáo hết rồi, cha tôi ngoài nghiên cứu kỹ thuật trộm cắp ra, ông ấy thật sự đang làm một chuyện lớn!”
“Đúng thế!” Triệu Ngọc thở dài: “Thật không hổ là vua trộm! Không ngờ ông ta lại... có dã tâm lớn đến như vậy! Cái này có thể được tính là kho báu cuối cùng không? Có điều, tôi rất nghi ngờ, giả sử ông ta tìm được thì liệu có dám nuốt không?”
“Dám nuốt cũng không trôi nổi đâu!” Thôi Lệ Châu nói: “Tôi lại cảm thấy, nếu như cha tôi thật sự tìm được thì không chừng ông ấy sẽ nộp lên cho quốc gia! Ha ha, đem công cán tội, nhận lấy chiêu an, giống như tôi vậy?”
“Chậc chậc...” Triệu Ngọc bất giác nhìn thoáng qua quẻ “Khôn Đoái” trong đầu, hiện tại, cuối cùng hắn cũng hiểu rõ, nên giải thích cái quẻ văn này như thế nào?
Không ngờ trên quyển sổ ghi chép của Đào Hương lại ghi chép một sự kiện có liên quan đến kho báu lớn đến vậy.
Chuyện lớn này xảy ra bắt nguồn từ một trận trộm cướp khoảng ba mươi năm trước của Đào Hương.
Năm đó, ông ta chui vào trong nhà của một vị phú thương nào đó, lấy được một số đồ vật có giá trị không nhỏ, mà ở bên trong số đồ vật này có kèm theo rất nhiều bản thảo lịch sử quý giá.
Đào Hương là một người tinh thông nghiên cứu nghề nghiệp, vì để xác định được giá trị của những bản thảo này, xem có thể bán bao nhiêu tiền, ông ta bắt đầu nghiên cứu, chăm chú giải đọc. Ai ngờ, sau khi nghiên cứu sâu, một thủ trát tra hỏi thời kỳ Dân Quốc dần dần tiến vào mắt của ông ta.
Thông qua phân biệt lặp đi lặp lại, Đào Hương xác nhận thủ trát tra hỏi kia đến từ tài liệu nội bộ tuyệt mật của quân đội. Thủ trát đó chính là quá trình thẩm vấn một gã Hán gian tên là Lưu Điện Thần.
Nhớ lại năm đó, sau khi thắng lợi trong trận chiến tranh kháng Nhật, Cục Điều tra và Thống kê Quốc gia* xử tử một nhóm lớn Hán gian bán nước. Cấp bậc của Lưu Điện Thần có sự chênh lệch không nhỏ so với các Hán gian lớn đặc biệt khác. Cho nên, giá trị của thủ trát này rõ ràng là tạm chấp nhận được.
* Bureau of Investigation and Statistics (国民政府军事委员会调查统计局) - Cục Điều tra và Thống kê Quốc gia, thường được gọi là “Quân thống”, là cơ quan tình báo quân sự của Trung Hoa Dân Quốc trước năm 1946. Nó được thành lập nhằm thu thập thông tin tình báo và bí mật hoạt động gián điệp cho mục đích an ninh quốc phòng.
Nhưng điều khiến Đào Hương cảm thấy kỳ quái chính là trong bản ghi chép thẩm vấn Lưu Điện Thần này, chủ yếu chỉ có nội dung thẩm vấn, chứ không có chuyện bán nước của Lưu Điện Thần hay tại sao lại trở thành Hán gian, mà chỉ luôn triển khai quanh một số hoàng kim thần bí và kho báu.
Dựa theo nội dung trên thủ trát, hẳn là tên Hán gian này đã từng tham gia hoạt động nào đó của người Nhật Bản, hoặc là biết người Nhật Bản có bí mật gì, phía Cục Điều tra và Thống kê Quốc gia muốn điều tra rõ bí mật này. Mà Lưu Điện Thần thì vẫn luôn tích cực phối hợp điều tra, còn vẽ ra rất nhiều sơ đồ phác thảo.
Nhưng mà, thông qua nội dung chứng thực cuối cùng của thủ trát, Cục Điều tra và Thống kê Quốc gia thẩm vấn đến cuối cùng cũng chưa thể toại nguyện, đành phải bí mật xử tử Lưu Điện Thần!
Tâm tư của Đào Hương tinh tế tỉ mỉ, bản năng của ông ta ý thức được giá trị của thủ trát này có khả năng còn vượt xa tưởng tượng của ông ta! Cho nên, ông ta lại hao tốn thời gian và sức lực để nghiên cứu các nội dung liên quan.
Về sau, thông qua số lượng lớn tư liệu mà ông ta điều tra được, lại liên hệ với nội dung của thủ trát, Đào Hương càng cảm thấy khiếp sợ, một kho báu kinh thiên động địa vẫn luôn được ẩn giấu đã dần dần trở nên rõ ràng trước mắt ông ta.
Nếu như muốn biết rõ ràng cả sự kiện thì cần phải ngược dòng tìm hiểu đến thời kỳ chiến tranh kháng Nhật xa xôi. Năm đó, người Nhật Bản chiếm lĩnh Đông Bắc, thành lập chính quyền bù nhìn, bọn chúng vừa dùng nó để kiềm chế Liên Xô, vừa mưu toan chiếm đoạt toàn bộ Trung Quốc.
Bởi vì khoảng cách với Nhật Bản quá xa, cho nên bọn chúng liền làm theo phương châm lấy chiến tranh nuôi chiến tranh rất tàn ác, lợi dụng tài nguyên của Trung Quốc để phục vụ cho chiến tranh của bọn chúng.
Cho nên, trong hơn mười năm chiếm lĩnh Đông Bắc, bọn chúng thông qua áp bức bóc lột, vơ vét tài sản quý báu của nhân dân, dần dần tụ tập thành một đống tài phú lớn đến mức khó có thể tưởng tượng nổi, lợi dụng những thứ này để chế tạo vũ khí, xây dựng quân đội.
Nhưng mà lòng lang dạ thú của bọn chúng cuối cùng cũng tan vỡ theo bom nguyên tử Hiroshima. Năm 1945, Nhật Bản chiến bại, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, quân đội hốt hoảng rút lui.
Bởi vì chiến bại xảy ra đột ngột, lại thêm sự tham gia của Liên Xô nên người Nhật Bản căn bản không kịp chuyển đi.
Số lượng vàng bạc châu báu khổng lồ vẫn còn sót lại ở Đông Bắc.
Mặc dù sau khi chính phủ Dân Quốc tiếp nhận đã từng tìm được một phần, nhưng vẫn còn cách rất xa số lượng vốn có, một lượng châu báu tương đối lớn đã biến mất.
Thế là có người truyền miệng rằng số châu báu còn sót lại đã bị người Nhật Bản lén vận chuyển về nước; Còn có một cách nói khác lại cho rằng quan chức Nhật Bản đã giấu số châu báu còn lại ở trong một căn cứ bí mật, mưu đồ “tái khởi Đông Sơn” trong tương lai, trở lại Trung Quốc một lần nữa!
Từ xưa tới nay, liên quan tới hai loại cách nói, dù là phía chính phủ hay người dân cũng không thể kết luận được, cũng không thể nào khẳng định.
Nhưng phần thủ trát tra hỏi mà Đào Hương lấy được này lại có thể chắc chắn cho thấy rằng kho báu bị người Nhật Bản lặng lẽ chôn xuống thực sự tồn tại!
Mà người có thể chứng minh được việc này, chính là vị đại Hán gian Lưu Điện Thần kia!
Năm đó, Lưu Điện Thần làm bộ trưởng Bộ xây dựng cho chính phủ bù nhìn, bởi vì liên quan đến rất nhiều vấn đề xây dựng công trình quân sự nên gã cùng quân Kanto của Nhật Bản hay qua lại với nhau, thậm chí còn tiếp xúc với quan chức cấp cao.
Trong quá trình tra hỏi, Lưu Điện Thần đã xác nhận rằng vào thời kỳ cuối của chiến tranh, trong một lần họp mặt của quan chức Nhật Bản, gã đã từng nghe được rõ ràng từ ngoài cửa phòng họp, bọn chúng đang nói về kế hoạch kho báu.
Về sau, thông qua tìm hiểu nhiều mặt và từ một số con đường bí mật, gã biết được do thời gian cấp bách nên quân Nhật không kịp xây dựng lại nơi để kho báu, nên đã giấu đồ ở một vị trí quan trọng giống như Hoắc Nhĩ Mạc.
Vị trí của Hoắc Nhĩ Mạc rất quan trọng, được gọi là thành lũy Thắng Sơn, cũng chính là nơi mà bộ đội biên phòng Nhật Bản thành lập một công trình quân sự khổng lồ ở địa khu Đông Bắc sau biến cố 918*. Bọn chúng đào rỗng ngọn núi, kiến tạo cứ điểm quân sự tầm cỡ, bên trong có lượng lớn vật liệu chuẩn bị cho quân sự, cũng như phòng chỉ huy quân sự và chiến tranh, pháo đài, v.v…
* Sự kiện Phụng Thiên hay còn gọi là sự kiện Mãn Châu là một sự kiện do quân đội Nhật Bản sắp đặt để lấy cớ xâm lược Đông Bắc Trung Quốc (tức Mãn Châu) năm 1931. Ngày 18 tháng 9 năm 1931, một lượng nhỏ thuốc nổ được trung úy Kawamoto Suemori kích nổ gần một đường ray xe lửa thuộc tuyến đường sắt Nam Mãn Châu do Nhật Bản sở hữu gần Mukden (nay là Thẩm Dương). Dù rằng vụ nổ nhỏ không hề phá hủy đường ray cũng như một đoàn tàu đi qua đấy vài phút sau đó, Lục quân Đế quốc Nhật Bản đã buộc tội những người Trung Quốc chống Nhật chịu trách nhiệm cho việc này và trả đũa bằng cuộc xâm lược tổng lực dẫn đến việc chiếm đóng Mãn Châu, tại đó Nhật Bản dựng lên chính phủ bù nhìn Mãn Châu Quốc sau đó sáu tháng. Thủ đoạn này đã sớm bị phơi bày trước cộng đồng quốc tế, khiến Nhật Bản bị cô lập về ngoại giao và việc Nhật Bản rút khỏi Hội Quốc Liên tháng 3 năm 1933.
Ghê tởm hơn chính là, vì không để cứ điểm kiến tạo bí mật bị lộ ra ngoài, bọn chúng đã bắt một lượng lớn người Trung Quốc từ nơi khác đến, để người Trung Quốc vẫn chưa quen thuộc hoàn cảnh nơi đó xây dựng công trình. Mà sau khi thi công hoàn tất, bọn chúng đã tàn nhẫn dùng súng giết nhóm dân công ngay tại chỗ! Nơi đó được biết đến với tên “Hố ngàn người” cũng vì thế.
Đương nhiên, năm đó người Nhật Bản không chỉ xây dựng cứ điểm ở Thắng Sơn của Quan Đông. Giống như cứ điểm Đông Ninh, cứ điểm Hổ Đầu, mỗi nơi đều có quy mô lớn hơn cứ điểm Thắng Sơn.
Căn cứ vào lời khai của Lưu Điện Thần, năm đó, người Nhật Bản đã giấu số kho báu kia ở một trong những cứ điểm bí mật đó, cứ điểm này có lẽ không phải có quy mô lớn nhất, nhưng tuyệt đối là cứ điểm bí ẩn nhất!
Gã còn nói, vì để bảo mật thông tin này, người Nhật Bản năm đó đã dùng chính sách giết người diệt khẩu, hẳn là đã bí mật xử lý tất cả những nhân viên tham gia vào việc vận chuyển kho báu. Còn vị trí của cứ điểm thì chỉ có những sĩ quan cấp bậc tương đối cao mới có thể biết được.
Ở trên thủ trát kia, Lưu Điện Thần đã viết ra tính danh của các quan cấp cao Nhật Bản có khả năng biết được bí mật này. Nhưng mà, thông qua quyển sổ ghi chép sau này của Đào Hương, tính danh của mấy người Nhật Bản này người thì không có thật, người thì đang rút lui nửa đường đã chết.
Hơn nữa, thông qua việc tìm hiểu nhiều mặt, Đào Hương còn dò xét được một tin xấu. Nghe nói những vị quan cấp cao của Nhật Bản đã từng tham gia vào việc giấu kho báu kia, sau khi trở về nước, hoặc đang trên đường trở về nước, hình như đã từng bị ám sát.
Không biết đây là một sự trùng hợp nào đó hay là chỉ thị của quan chức Nhật Bản tối cao, bọn chúng thà rằng giết chết sĩ quan của mình chứ không muốn tiết lộ bí mật của kho báu ra ngoài!