Đối với một thằng bé không biết chữ Tàu thì chữ nào cũng giống chữ nào, đều là những... chữ được vẽ một cách cầu kỳ. Tôi nhìn thấy trên tivi hay ở các lễ hội trong xã mà tôi đã có cơ hội được xem thì tôi không có thiện cảm với chữ Tàu, đơn giản là vì tôi thấy nó... khó viết chứ không có lý do sâu xa gì khác cả. Tôi nhớ đến cảnh một ông già khoảng ngoài sáu mươi tuổi, khăn đóng áo dài, đeo một cái kính lão, cầm một cây bút lông và cẩn thận viết từng chữ (thời ấy tôi không có khái niệm gì về thư pháp, đến bây giờ cũng không có khái niệm, dù thi thoảng nhìn cũng muốn mua một chữ về treo thử trong nhà, nhưng sau tôi lại thôi bởi vì tôi nhận ra mình thuộc tuýp người sống đơn giản.). Nếu viết như mấy ông cụ thì bao giờ tôi sẽ viết xong một trang giấy bằng chữ Tàu? Tôi cũng tự đánh giá bản thân mình là một kẻ kỳ dị hoặc kỳ lạ, những thứ gì tôi không thích nhất định chẳng muốn tìm hiểu, thậm chí từ chối hiểu. Hoặc là... hoặc là do duyên số, tôi cũng đã từng cố học thứ chữ tượng hình ấy để có thể có cơ hội đọc hiểu nhiều thứ nhưng luôn có ai đó muốn ngăn cản tôi.
-Mấy chữ trên kia là chữ gì thế hai ông đẹp trai? -Đi vào đi, hỏi linh tinh làm cái gì. – Hắc Vô Thường thúc giục tôi. -Thôi, giải thích ngắn gọn cho nó một tí cũng không làm sao. – Bạch Vô Thường nói với giọng chứa đầy sự cảm thông. – Đời người ai chẳng một lần đi qua đây. -À! Vậy ra đây là cửa tử ạ? -Cửa tử? – Bạch Vô Thường tỏ ra ngạc nhiên. – Ông đây không hiểu mày muốn nói gì nhưng đây là nơi mười người bước vào chỉ có một kẻ bước ra. -Nhà tù ạ? -Đây là Ải Quỷ Môn hay còn gọi là Quỷ Môn Quan, quan ở đây nghĩa là cửa chứ không phải ông quan, đã nghe thủng chưa thằng lỏi? -Cháu hiểu rồi, vậy ra cháu đang ở Lạng Sơn, đi qua cái cửa này là đến đất Trung Quốc đây mà. – Tôi tỏ ra hiểu biết. -Lạng Sơn nào? Sao lại sang Trung Quốc? Mày đang nói linh tinh cái gì đấy? Đã độn tri lại tỏ ra mình thông tuệ. – Hắc Vô Thường mỉa mai. -Có khi nào các ông nhầm không? Ở tỉnh Lạng Sơn, một tỉnh nằm giáp biên giới với nước Tàu, cố quốc của hai ông có một cửa ải gọi là ải Chi Lăng. Cháu cũng chưa được đến bao giờ nhưng cháu nghe nói xung quanh ải có những ngọn núi thấp như núi Hàm Quỷ, Phượng Hoàng, Kỳ Lân, Mã Yên... nhìn cũng giống mấy ngọn núi xung quanh đây. Năm 1020 vua Lý Thái Tổ cho mở “Đại lộ thông quốc” để đi sứ dược thuận tiện, con đường ấy qua ải Chi Lăng, nơi có núi Hàm Quỷ nên được gọi là Quỷ Môn Quan.
Tôi nhìn Hắc Bạch Vô Thường, hai bọn họ nhìn tôi chằm chằm, tôi nói tiếp:
-Ải Chi Lăng hay còn gọi là Quỷ Môn Quan tính đến nay cũng được một nghìn năm rồi, trong suốt một nghìn năm ấy nó từng đón nhận hàng triệu người phương Bắc giã từ nhân gian đi vào lòng đất khi muốn vào nước Việt. Cháu chưa được đến nhưng đoán đây chính là nơi được ghi trong sử sách. -Mày xem ra cũng là một đứa thông minh nhưng rất tiếc Quỷ Môn Quan này không phải nơi mà mày vừa nói đến, cái địa danh quan Quỷ Môn của mày chỉ là học theo nơi này để mô tả sự kinh hoàng mà thôi, nơi mà con người sẽ trở thành ma quỷ khi đi qua khu vực này. -Học theo? Xời ơi... cái tên Quỷ Môn Quan người ta đặt tên đã nghìn năm, các ông về làm tay sai ở đây được mấy trăm năm mà dám bảo là địa danh ấy học theo nơi này? -Các ông đây đã làm công việc câu hồn từ rất lâu, cái nơi này còn có trước bọn ta hàng nghìn năm, bởi thế cái địa danh mày nói là học theo nơi này mà đặt. -Hai ông làm công việc này lâu chưa ạ? -Cả nghìn năm rồi! – Hắc Vô Thường ưỡn ngực ra trả lời tôi, ông ta rất tự hào về công việc mà ông ta đang làm. -Lời của các ông không đáng tin, các ông làm việc này cả nghìn năm mà chẳng thăng tiến được tí chức vụ nào nên có hai khả năng: Một là các ông làm việc bất tài không được trọng dụng nên đì đẹt mãi không ngóc đầu lên được, hai là các ông sớm tối bê tha nên đầu óc lú lẫn rồi cũng chẳng được trọng dụng vì bất tài. -Hừ! Nói gì thì nói sau cùng nó vẫn muốn móc họng hai chúng ta, thằng này quả không đơn giản, rất là khá. - Bạch Vô Thường khoanh tay trước ngực, nhếch mép cười, cái mũ đội trên đầu ông ta gật gù như kiểu hài lòng. – Thôi thì cứ cho đây là cái ải Chi Lăng gì đó của mày đi nhóc, cũng không hại gì đến bọn ta. -Đi qua cánh cổng này bước vào cửa quan thì mày sẽ tuyệt vọng khôn cùng, hãy nhìn những hồn ma trên đường mày vừa mới gặp đi, bọn ta đây tốt bụng, làm việc thiện nên không muốn đôi co với mày. – Hắc Vô Thường bổ sung thêm, ông ta nói với tôi giọng đầy thương hại. Một lần nữa tôi nhìn lên tấm biển treo trên cổng, vậy ra đây là Quỷ Môn Quan à? Quỷ đâu nhỉ? Mấy ông đầu trâu mặt ngựa đâu? Tôi tự hỏi như vậy rồi đưa mắt nhìn xung quanh nhưng chẳng thấy ai có sừng trên đầu hay răng nanh trên miệng giống như tôi từng nghĩ. Nhờ quan sát mà tôi nhận ra ở đằng xa kia cũng có một cái cổng tam quan, nhiều bóng người mờ nhạt đi ra đi vào, còn nơi tôi đang đứng chỉ có loáng thoáng vài cái bóng mờ nhạt, lầm lũi đi qua cổng cùng các cặp Hắc Bạch Vô Thường khác.
-“Nếu có hai cổng vào có thể còn cổng thứ ba hoặc nhiều hơn nữa, bên trong là nơi nào?”
Hắc Bạch Vô Thường thúc giục nên tôi bước qua cổng tam quan, sau cổng là một lối đi lên dốc thoai thoải với nhiều bậc thang nối tiếp nhau. Tôi đặt chân lên bậc thang đầu tiên và nhận ra nó được ghép lại với nhau bởi những phiến đá màu xám lớn bởi vậy mỗi bậc hình chữ nhật đều rất rộng. Tôi lặng lẽ bước lên từng bậc thang như thế, hai mắt khi thì nhìn sang trái, lúc thì nhìn sang phải để ghi nhớ những cảnh vật mà mình vừa đi qua nhưng ký ức của tôi không lưu giữ được nhiều đến như thế. Lúc đầu tôi nghĩ mình đang bước lên trên cao nhưng nhìn những ngọn cây mọc hai bên lối đi thì không thấy lạ, đến khi tôi ngoái nhìn lại phía sau lại ngạc nhiên tột độ khi mà Hắc Bạch Vô Thường giống như đang bước từ trên cao xuống. Tôi nhăn mặt khó hiểu và tự hỏi mình đang ở chiều không gian nào mà kỳ khôi đến vậy.
-Nhìn mặt nó xem, bắt đầu hoang mang, thần trí bấn loạn rồi. – Hắc Vô Thường cười, hất hàm về phía tôi.
Bạch Vô Thường gật đầu đồng tình:
-Vào đến đây rồi thì hồn nào chẳng thế, mất phương hướng, hoa mắt chóng mặt, có khi nó cũng đã bắt đầu quên đi nhiều thứ rồi ấy chứ. Nhìn nó cười mới ngô nghê làm sao, đôi mắt tinh anh bây giờ đâu còn nữa.
Ban đầu tôi nghe không hiểu hai vị quan sai này đang nói về điều gì nhưng sau đó tôi hiểu ra rằng đi qua cánh cổng kia thực sự mình đã bước vào địa phận mà bọn họ gọi là Quỷ Môn Quan. Tôi lên thêm được vài bậc nữa cũng nhận ra bên trái hoặc bên phải mình, ẩn trong sương khói mờ ảo dường như đều có những lối đi khác dẫn vào ngọn núi trước mặt. Có lẽ Hắc Bạch Vô Thường nói đúng, nơi này dễ đến nhưng khó về. Tôi không biết những hồn ma trước đây đi trên lối này, ở bậc thềm này lúc đó nghĩ gì, phần nhiều sẽ nhớ về gia đình, về những điều chưa làm được... còn tôi thì tò mò về nơi mà mình sắp đến cũng như cách để trở về. Tôi tin mình không vắn số như thế, tôi thậm chí còn chưa tròn mười sáu tuổi.
Cuối cùng cũng hết những bậc thềm đá xám lạnh lẽo, tôi đứng trước một khoảng sân rất rộng, tôi đoán khoảng sân này hình vuông, chẳng có bất kỳ cây cối nào, xung quanh bốn bức tường cao khoảng một mét cũng màu xám tối, tường giống như được xây bằng gạch và vữa song tôi thấy không đẹp, đơn giản vì chúng đều lạnh lẽo, khói sương lẩn khuất, bám cả vào những bức tường ấy. Bên kia khoảng sân rộng lại có một cái cổng nhỏ hơn, vài lính gác nghiêm trang đứng canh giữ, qua cánh cổng gỗ nguyên tấm cũng màu tối thì tôi đặt chân đến một nơi nhộn nhịp. Không! Không phải là nhộn nhịp, chỉ là tôi thấy có quá nhiều người bắt đầu thành ma, cũng ăn mặc gọn gàng, ngay ngắn nhưng nét mặt không giấu nổi vẻ ủ rũ của một người mới từ giã cõi trần trở thành vong hồn.
Tôi phải xếp hàng, trước mặt tôi là bóng lưng của một người đàn ông mặc bộ comple màu lông chuột đang cúi đầu lau nước mắt, tôi ngoái nhìn lại không thấy bóng dáng Hắc Bạch Vô Thường đâu nữa, có lẽ họ đã xong nhiệm vụ dẫn giải tôi đến đây nên đã âm thầm rời đi không lời từ biệt, đừng để tôi gặp lại, gặp lại tôi sẽ không ngại ngần tẩn cho hai vị quan sai này một trận ngay giữa đường.
Bên trái tôi là một hàng lính đứng nghiêm trang, trên tay họ đều giữ một ngọn giáo dựng thẳng, nét mặt nghiêm trang, đặc biệt là đôi mắt dữ tợn với ánh nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống người khác. Tôi nghiêng đầu sang trái nhìn để xem bao lâu nữa thì đến lượt mình, tiện thể đếm xem có bao nhiêu người lính như thế này, tôi đếm được khoảng mười lính. Nhìn sang phía bên tay phải của mình tôi thấy một đoàn vong hồn xếp hàng, mỗi vong hồn cách nhau một khoảng vừa đủ, già trẻ lớn bé không thiếu, thậm chí còn có cả trẻ sơ sinh. Tôi không nghe thấy tiếng khóc nào dù bộ dạng của ai cũng thiểu não, trẻ con cũng không khóc, một số vong hồn đội mũ, có người còn cầm theo cả mũ cối hoặc cầm vật gì đó trên tay chứ tuyệt nhiên tôi không thấy tư trang như ba lô, túi xách đựng quần áo... Tôi nhìn lại mình và nghĩ:
-“Chả lẽ ai cũng chết vội như mình à? Không mang theo đồ đạc gì lấy đâu mà thay?”
Thanh kiếm gỗ vẫn trên tay của tôi, chẳng ai quan tâm đến thứ đồ chơi trẻ con vô hại này, kể cả khi tôi thử phe phẩy mũi kiếm xuống dưới đất, tôi muốn biết có gió hay là không, tôi có chút thất vọng khi chẳng có chút gió nào được tạo ra. Tuy nhiên tôi vẫn nhớ cái đêm xuất hồn đi giải cứu biệt phủ, không có gió thì trong khoảng cách ba mét vẫn hạ được đối phương, họ chẳng thể nào tiếp cận tôi được, trừ khi...
Tôi đưa mắt dáo dác nhìn lên trái mái của dãy nhà lớn trước mặt rồi nhìn khắp tứ phía rồi thở phào vì chẳng có một cung thủ nào ẩn nấp. Tôi cũng lo mình sẽ bị tịch thu thanh kiếm này nhưng khi nhìn hàng người bên phía tay phải thì chẳng thấy người lính nào tịch thu cái gì cả, tôi còn nhìn thấy lờ mờ cảnh một vong hồn – có lẽ là phụ nữ - gầy gò đang quỳ xuống trước một cái bàn, thật tiếc là chẳng nhìn thấy mặt ông nào đang ngồi trên cái bàn ấy. Ban đầu tôi tưởng cái hàng mình đang đứng sẽ gần hàng vong hồn bên phải nhưng tôi đã nhầm, đó là do tôi tưởng vậy thôi chứ thật sự là rất xa, xa đến nỗi tôi chẳng thể nghe được tiếng khóc nấc nghẹn ngào hay tiếng gào thét thê lương, đó chính là lý do tôi chỉ thấy hình mà bị mất tiếng.
Phía sau tôi chẳng có hồn ma nào, vong hồn người đàn ông mặc comple đứng ngay phía trước tôi đã biến mất làm tôi hơi giật mình nhưng khi nhìn thấy trước mặt mình trống trải tôi bước vài bước đã thấy người đàn ông này quỳ gối trước ai đó, đầu vẫn cúi, tay vẫn lau nước mắt nhưng tôi lại chẳng thể nghe được tiếng của ông ta đang nói hay trình bày, hai bên nơi người đàn ông đang quỳ có hai người lính cầm gậy giống như đã sẵn sàng cho việc đánh người. Tôi nheo mắt nhìn về phía trước, tuy rất mờ nhưng tạm hình dung ra vong hồn người đàn ông đang quỳ trước một cái bàn, bên trái cái bàn ấy có một bóng người mờ nhạt đang đứng, sau đấy lại là vài bóng lính canh. Bên phải của cái bàn cũng có vài bóng lính canh đứng im như tượng gỗ.
-“Trông có vẻ tươm tất hơn huyện mình.”
Tôi thò tay trái vào túi quần để kiểm tra chắc chắn rằng túi gạo vẫn còn, cẩn thận bóp nhẹ túi gạo vài lần thì tôi thấy rằng mình vẫn cảm nhận được từng hạt gạo rang cũng như độ mịn của cái túi thân thuộc nhưng tại sao tôi lại không cảm nhận được hơi thở của mình thì tôi không biết. Mắt tôi vẫn nhìn thẳng về phía trước, tôi làm động tác hít một hơi thật sâu (nhưng chắc là chẳng cần đến không khí đâu, có hít trăm lần cũng không thấy lồng ngực mình phồng lên, tôi đã thử từ lúc qua cầu gỗ rồi) rồi bước vài bước lên phía trước, sau mỗi bước chân tôi nghe bên tai có tiếng khóc nỉ non, tiếng rên la đau đớn, tiếng nấc... đủ cả nhưng không vì thế mà tôi dừng bước. Một bước chân như có thể đi hàng trăm mét, vài bước chân thì khung cảnh đã hiện rõ ra trước mắt, đúng như tôi nghĩ, trước mặt tôi chẳng khác gì trong nha môn và ngồi trên cái bàn bệ vệ màu tối kia là một ông quan đội mũ ô sa, bên phải của ông ta – tức bên phía trái của tôi – là một người thư lại đang đứng cầm một quyển sổ, hai bên là hai hàng lính nghiêm túc đứng bảo vệ.
-Lùi lại! Chưa đến lượt của nhà ngươi! Lùi lại mau
Tôi hơi ngẩng đầu nhìn sang bên trái, người lính tay cầm cái gậy gỗ đang trừng mắt nhìn tôi, tôi nói luôn:
-Tôi đang vội lắm! -Chết thì không cần vội, rồi cũng đến lượt, lùi lại đi!
Anh ta quát tôi. Tôi quay đầu nhìn bóng lưng người đàn ông mặc bộ comple đang sụt sùi, lẩm bẩm nói gì đó mà tôi nghe không rõ. Tôi bước lùi trở lại nhưng kín đáo dùng mũi kiếm... chọc một cái vào chân người lính vừa quát tháo mình, tôi không muốn làm gì anh ta ngoài việc đo khoảng cách cũng như kiểm tra độ sát thương của thứ mình đang mang theo.
-Á!
Anh ta rống lên, buông cây gậy dài rơi ra, tay ôm bắp chân nhảy lò cò trong khi tôi vẫn thản nhiên lùi lại vài bước với khuôn mặt thản nhiên như chẳng liên quan gì đến mình vậy. Anh ta nhìn xung quanh sau đó ánh mắt dừng lại ở chỗ tôi đang đứng rồi anh ta quay lên phía quan nói gì đó mà tôi nghe không thấy do tôi đã lùi lại phía sau vài bước.
-“Ảo ảnh mà các ông tạo ra đánh lừa được tôi nhưng không đánh lừa được thanh kiếm này. Tôi nhếch mép cười, trong lòng cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. - Chọc nhẹ mỗi một cái mà kêu to như cha chết thế, có thấy máu gì đâu, hay anh ta giả vờ nhỉ?”
Cuối cùng thì cũng đến lượt tôi, người lính cầm gậy đứng bên phải vẫy tay ra hiệu cho tôi bước lên, tôi gật đầu liền mấy cái như cảm ơn vì tôi phải đứng chờ lâu quá rồi (thật ra cũng chẳng lâu lắm vì không thấy mỏi chân).
-Đốn thủ!
Tôi bước vài bước lên, khung cảnh chân thật hơn rất nhiều, chẳng khác gì tôi đang ở trong sân một ngôi đình lớn vậy. Tiếng nói đồng thanh vừa rồi vang lên rất lớn như muốn uy hiếp tinh thần của tôi nhưng điều tôi cảm thấy kỳ lạ chính là mình chẳng cảm thấy gì, nghĩa là không bị giật mình hay run sợ. Dĩ nhiên tôi hiểu cái từ vừa rồi mình nghe thấy nghĩa là gì nhưng các quan nghĩ tôi không hiểu nên đã nhắc lại với giọng to và kéo dài hơn.
-Đốn thủ! -Sao cháu phải quỳ nhỉ? Thời bây giờ đứng nói chuyện cũng được mà.
Tôi nhìn thẳng lên cái bàn bằng gỗ trông khá đẹp ở trước mặt mình, đằng sau cái bàn là một ông quan, ông ta không to lớn mà có vẻ hơi gầy, bộ quần áo ông ta đang mặc có thêu vài hình thù nhưng nó quá rộng so với ông ta, nhìn không có vẻ gì là oai nghiêm. Ông quan lúc này không chú ý đến tôi, ông ta để ria mép, dưới cằm cũng có một chòm râu lún phún. Mũ, quần áo ông ta mặc, cái bàn ông quan ngồi và cả bộ râu trên mặt ông ta cũng đều là màu đen, lúc này ông quan một tay đang chống cằm, một tay đang làm việc gì đó mà tôi không thể biết vì nơi ông ta ngồi cao hơn chỗ tôi đang đứng, và tôi thì cũng chưa được cao. Tôi nhìn thái độ của ông ta cũng phần nào đoán được rằng ông ta sẽ tra xét mình, cũng chẳng quan tâm nhiều đến việc mình kể lể hay hỏi han gì đâu, chắc chắn là như vậy bởi vì một ngày ông quan này chắc phải hỏi hàng trăm vong hồn chứ riêng gì tôi.
-Quỳ xuống! – Người lính mà tôi nghĩ nên gọi là sai nha sẽ đúng hơn lớn tiếng với tôi. -Vừa mới hô lớn bảo tôi phải đốn thủ, giờ lại bảo tôi là quỳ. Thế sau cùng là đốn thủ hay là quỳ xuống? – Tôi hỏi lại với giọng khó chịu. -Vong mau quỳ xuống, gặp quan lớn mau quỳ! -Không quỳ có được không? Tôi đây từ lúc biết đi đến giờ chưa phải quỳ trước ai bao giờ, người ta bảo quỳ trước người lạ là nhục lắm đấy. -Nó không hiểu thì dạy cho nó hiểu, ma mới một số đứa ương bướng đều thế cả.
Tôi nghe rõ người thư lại nói với sai nha, tôi hiểu ý của ông ta muốn ra lệnh cho sai nha dùng gậy vụt vào khuỷu chân để tôi quỳ sụp xuống nhưng ông ta vừa mới dứt câu thì thanh kiếm trên tay phải của tôi nhanh hơn sai nha bởi vì anh ta còn mải nghe lời của cấp trên. Tôi quét nhẹ một đường kiếm, cái gậy gỗ to bằng cổ tay tôi mà anh ta đang cầm bị đứt thành hai đoạn, nhờ cây gậy gỗ đó nên anh ta không bị cụt chân nhưng ngã kềnh ra phía sau la hét vang trời. Tôi nhìn anh ta rồi nhìn quan, nhìn quan rồi lại nhìn anh ta, tất cả im phăng phắc, dường như chưa bao giờ họ gặp tình cảnh như thế này.
-Anh này bị đau bụng rồi, giống cái anh lúc nãy đứng bên kia cũng đau bụng chạy đi đâu mất rồi ấy.
Tôi vừa nói vừa chỉ tay giống như mình chẳng hề liên quan đến sự việc hiện tại. Trong lòng tôi lúc này rất vui mừng bởi vì nơi này chẳng thấy có gió nhưng Cuồng Phong kiếm lại tỏ ra sắc bén đến đáng sợ!