Việc quân không phải lo nhiều, Chương dành một ngày họp và gặp từng vị chỉ huy cấp tiểu đội để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nhất là những góp ý của họ. Chương khuyến khích điều này vì cậu hiểu một cánh én không thể làm nổi mùa xuân.
Từ những mong muốn của binh sĩ, Chương biết mình phải nghĩ ra cái gì đó để quân thiện chiến hơn, tăng tính cơ động.
Mặc dù Lâm Uyển Như muốn đưa toàn bộ gia sản cho quân nhưng Chương nói chỉ nhận người. Lâm Uyển Như không chịu, Duệ lại nói vào nên Chương đành họp cổ đông Công ty Thiên Đức. Số bạc vàng Lâm Uyển Như, Chương đổi cho hai mươi lăm phần trăm cổ phần và bổ nhiệm Uyển Như làm… Trưởng phòng kinh doanh thay cho Thiên Bình.
Số bạc vàng bán cổ phần rất nhiều, một phần Chương nói Duệ gửi về Thiên Gia Bảo Hựu, ba phần dùng để trả hết cho ông Cả Lụa. Sáu phần còn lại cả bốn quyết định nhập làm vốn của công ty, phục vụ việc buôn bán của Uyển Như. Uyển Như có quyền quyết định mua gì, bán gì mà cô muốn, tiền bạc bàn với Duệ, khó mới hỏi Chương.
Lương của quân sĩ Vũ Thắng giữ theo cách Uyển Như vẫn trả. Còn quân sĩ Thiên Đức cũng được tăng lương thành 25 đồng một tháng đối với quân sĩ. Chỉ huy tiểu đội 30 đồng, trung đội 40 đồng, đại đội 50 đồng. Tiểu đoàn trưởng, phó mỗi người nhận 60 đồng, tương đương 1 tiền trong một tháng. Vị chi mỗi tháng, lương bổng của binh sĩ và các đơn vị nhỏ trực thuộc không tính quân Vũ Thắng chừng khoảng 120 nén bạc. Tương đương 1,4 tỷ đồng theo cách Chương tính. Binh sĩ lập công hay có phát kiến hay đều được thưởng gạo hoặc tiền.
Chương mượn từ Thiên Gia Bảo Hựu ba người thợ rèn lành nghề đến gặp riêng để hỏi chuyện. Sau đó họp các Đại đội trưởng bàn tính chuyện cơ mật.
Dân Vạn Xuân dùng xe bò kéo nhưng trục hay bánh vẫn làm hoàn toàn từ gỗ, không thể chuyên chở nặng, di chuyển chậm nên trước hết cần có một số cải tiến phục vụ việc quân.
Chương đưa ra bản vẽ xe rùa có một bánh lớn làm bằng gỗ, nan hoa cũng bằng gỗ, vòng bi (bạc đạn) cũng làm bằng gỗ. Xe rùa phục vụ nhiều việc, kể cả thương binh để không cần hai người khiêng. Hành quân thì xe rùa chở được vài quả đạn đá hoặc chông cùng lương thực.
Lâm Uyển Như cho rằng đây là phát kiến vĩ đại nên tất cả thống nhất mỗi xe rùa sẽ trang bị thêm một rìu hoặc xà beng. Trường hợp phải bỏ lại cần phải phá hoàn toàn không được để lọt ra ngoài. Mỗi tiểu đội tự trang bị xe rùa theo nhu cầu nhưng không được ít hơn năm xe.
Đối với xe bò kéo hoặc trâu kéo, Chương sẽ cùng làm việc với các thợ rèn để làm ra vòng bi bằng sắt và ốp sắt lên bánh xe để xe kéo nhanh hơn, chở được nặng hơn.
Chương cũng cùng Bình đi gặp Xuân để trao đổi thêm các vấn đề nhằm cải tiến nỏ Liên Châu, tiến tới trang bị cho tất cả nữ binh trong hai quân và việc bảo mật cách làm ra nỏ cần ưu tiên hàng đầu, kế đó là tính chính xác là lực sát thương khi bắn.
Khoảng một tuần sau trận chiến, Chương cho gọi Phạm Bạch Hổ cùng hai chỉ huy dưới quyền là Dương Cát Lợi và Trần Thái Bộc. Bộc và Lợi từng chiến thắng trong cuộc thi năm trước, nay là Trung đội trưởng 1 và 2 của Đại đội Thần Sấm.
Cuộc họp có thêm Cự Lượng, Trương Lôi và không thiếu mặt ba cô gái. Dù chả ai nói ra nhưng bọn Cự Lượng ngầm hiểu với nhau ba cô này đều là nữ tử của chủ tướng nên họ họp cùng là lẽ tất nhiên.
Song sự thực không phải vậy.
Chương cho biết sẽ cải tiến pháo. Đầu tiên là gắn bánh xe ốp sắt có vòng bi để di chuyển nhanh hơn khi cần, làm giảm sóc bằng tre, mây để giảm độ giật khi bắn. Lâm Uyển Như sẽ tăng cường mua quặng sắt, đồng từ nguồn tiền sinh lãi của công ty Vạn Xuân để cải tiến pháo một vài chi tiết của pháo cũng sẽ được kim loại hoá dần.
Đạn pháo vẫn chia làm hai loại chính, đá và cầu gai với ba kích cỡ. Lượng đạn pháo mỗi loại cần có sẵn một nghìn cũng như số lượng pháo đặt quanh quân doanh cần tối thiểu ba mươi khẩu hạng nặng và năm khẩu hạng nhẹ do đội Thần Vũ quản lý. Cơ bản, pháo hạng nhẹ vẫn sẽ chịu quyền quản lý của Hổ khi cần nhưng qua thực chiến thấy cần có pháo cơ động hỗ trợ bộ binh khi tấn công song vì đây là vũ khí mật, chưa thể trang bị lẫn trong bộ binh mà phải hiệp đồng với nhau.
Lần đầu tiên, Chương nói với bọn Hổ, Lợi và Bộc về chiến thuật “tiền pháo hậu xung” để giảm bớt thương vong cho bộ binh hoặc khi bộ binh buộc phải rút chạy thì pháo bắn chặn hậu. Để được vậy thì pháo cần bắn chuẩn, tầm bắn xa.
Tiếp đó Chương giảng giải thêm cách bày trận pháo, một trong số đó là hoả khí phân tán, hoả lực tập trung.
Những gì Chương nói ra đều được đúc kết bằng xương máu của các thế hệ cha ông ở nơi cậu đến. Nay kiến thức này cậu dạy lại cho tướng sĩ Thiên Đức. Chẳng riêng các sĩ quan mà ba cô gái, nhất là Lâm Uyển Như mới gia nhập, nghe say mê. Ba cô chẳng hiểu tại sao người con trai mình thích lại có thể thông tuệ đến vậy.
Sau cùng, Chương yêu cầu Hổ tìm vị trí thích hợp bên bờ sông, chỉ giữ lại mười khẩu trên sườn núi, còn đâu đem hết ra bờ sông tập bắn. Mục đích cần đạt được là bắn xa nhất có thể.
-Ngày bắn, đêm bắn! - Chương nói. - Cần cho đội pháo binh tất cả đều thành thục, ngày sau mỗi người đều có trở thành chỉ huy. Ta muốn một ngày nào đó Thiên Đức có đến hai trăm vị chỉ huy pháo binh.
-Hai… hai trăm? - Cự Lượng há hốc miệng.
-Đúng, tương đương ba đến bốn vạn quân pháo binh.
Chương nói nửa đùa nửa thật trong khi mọi người nhìn nhau, chỉ có ba cô gái mờ mắt vì yêu thì tin là thật.
-Nhờ anh Lượng với chú Lôi cho quân canh phòng, tuyệt đối không được để dân thấy pháo, cần thì dựng phên tre che kín pháo và… à… cả che nắng mưa cho pháo binh nữa.
Đến chỗ này thật chả ai hiểu Chương muốn làm gì, phải biết là để có một viên đạn đá hoặc đạn gạch nung cũng rất kỳ công đâu thể đem ra bắn hú hoạ.
Biết mọi người thắc mắc, Chương hỏi Duệ:
-Một tháng mình trả lương quân sĩ khoảng 130 nén em nhỉ?
-125 nén tất cả ạ. - Duệ đáp.
-Được, vậy chúng ta sẽ biến gạch đá thành bạc.
-Anh Chương, hồi trước anh bảo rằng anh đang nghiên cứu biến nước bọt thành tiền nhưng em chưa thấy. - Thiên Bình hỏi.
-Ừ, thì bây giờ anh biến đá với gạch thành bạc cũng được vậy.
-Bằng cách nào?
-Việc quân cơ, không nói được.
Chương đáp mà ánh mắt lộ rõ vẻ tinh quái khiến ai nấy đều nhìn nhau lắc đầu.
Một ngày sau, Hổ dẫn Yếu Kiêu đến gặp Chương. Nhờ Yết Kiêu cho ý kiến dựa theo địa hình bờ sông, Chương quyết định chọn một roi đất gần làng Nung vì lòng sông chỗ ấy hẹp nhất. Chương bảo Cự Lượng cho quân quây phên, làm lán tạm ở nơi ấy.
Hổ nhờ Thiên Gia Bảo Hựu quân di chuyển pháo trên sườn núi xuống trong đêm. Mười khẩu trên sườn núi thì bọn Bạch Hổ phải tự di chuyển. Mượn thêm chín pháo hạng nhẹ trong ba làng Vạn cùng quân của Bùi Thị Xuân. Thiên Bình cũng phải đưa quân Thần Vũ đến tập bắn.
Yết Kiêu cho làm tạm hàng chục bè tre, gắn bù nhìn rơm neo ở giữa dòng và gần mạn bờ Bắc. Ngay quân Thiên Đức cũng chẳng biết chủ tướng định sẽ làm gì nói chi đến bên Thiên Gia Bảo Hựu.
Ai nấy đều vô cùng tò mò.
Lán tạm dựng dài đến trăm trượng ngay bờ sông, ở bờ đối diện nhìn sang cũng chẳng thấy pháo vì phên đã che kín.
Đội pháo binh và đội nữ của hai bên đến bốn trăm người họp trong làng Nhất Vạn. Chương nói rõ hơn về nhiệm vụ, trong đó nữ binh chia làm chín nhóm, dùng pháo hạng nhẹ nhắm bắn những tấm bè tre, bắn đến khi nào trúng tối thiểu năm trên mười mục tiêu chỉ định thì được nghỉ. Bắn lung tung hết đạn mà chưa đạt yêu cầu thì tự phải làm đạn mả bắn, đạn gì thì tuỳ.
Pháo hạng nặng có hai mươi lăm khẩu chia làm hai mươi lăm đội, cách thức có khác đội nữ binh. Một là phải đạn không rơi xuống sông, hai là phải bắn trúng mục tiêu do chỉ huy chọn. Mục tiêu có thể là bụi cây, bụi cỏ nào đó. Bắn trúng năm trên mười lượt là đạt.
Ba nhóm nhất, nhì, ba của mỗi bên trai, gái sẽ được thưởng 1 quan và mỗi người trong nhóm sẽ nhận thêm một bộ quần áo mới cùng ba đấu gạo trắng.
Tướng sĩ trên dưới đều nghĩ Chương tổ chức thi bắn đạn giỏi nhưng đều thắc mắc chung một lý do tại sao địa điểm bắn ở đó và bắn sang bờ Bắc làm gì.
Bỉnh Di cũng chỉ biết nói với mọi người:
-Thằng Chương xưa nay nó không làm gì vô công rỗi nghề, rõ là nó có âm mưu gì đấy chứ tập thì đem nhau vào núi chả phải đạn bắn đi còn nhặt lại được ư?
-Có thể nó muốn rèn quân, kiểu như bắn bậy thì tự đi mà đẽo đá ấy. - Triệu Quang Phục đoán.
-Cái thằng ranh thật biết làm người khác nhấp nhổm.
Ngay cả Phạm Tu ngày nào cũng cưỡi ngựa ra xem dựng lán với đạn pháo chia đều mỗi nhóm dò hỏi con trai là Bạch Hổ nhưng con trai ông cũng lắc đầu không biết.
Bà Dung cũng ra xem rồi về làng bảo:
-Tế tử của ta chắc chuẩn bị cho việc đánh Vũ Ninh vương.
Thiên Bình, Duệ, Uyển Như ngọt nhạt hỏi Chương nhưng cậu tỉnh bơ bảo đây chỉ là cuộc thi.
Chương gặp Ngọc xin vải vụn, quần áo cũ rách nát rồi đưa cho Hổ, nói Hổ quấn quanh những đạn đá nhỏ sẽ bắn vào ban đêm. Ngoài quần áo tẩm dầu lạc, có thể quấn thêm dây leo khô dễ cháy, miễn sao đạn cháy bắn được qua sông.
-Ban đêm cậu cho bắn sang đó cái gì cũng được, kể cả một viên gạch nhưng phải có lửa.
-Mục tiêu thì sao anh Chương?
-Đấy, bắn được qua bờ sông, bắn vui thôi cũng được. Ta muốn người bờ Bắc thấy lửa trên trời vậy nên cậu bắn cao cho rơi lung tung xuống sông cũng chẳng sao. Cốt cho anh em thành thục, bắn nhanh.
-Anh muốn phá quấy bọn họ phải không?
-Suỵt! Ta muốn trấn tiền của Vũ Ninh vương, Tả Đô đốc có hỏi cũng không nói nghe chưa?
-Sao lại trấn được tiền của ông ta nhỉ?
-Rồi cậu xem, trên đời này người ta thường sợ thứ người ta không biết và nếu tiền có thể giúp họ yên thân thì dễ, ông ta thiếu gì tiền. Hừ! Quân sĩ Thiên Đức thiệt mạng hôm nọ cũng sẽ ngậm cười nơi chín suối, ta không để họ oan mạng đâu.
Và thế là vào một sáng, mặt trời mới ló đằng Tây thì các khẩu pháo bắt đầu nhả đạn. Sau khi được thay cần là những thân cây nhỏ, có độ dẻo và chắc thì tầm bắn của pháo đá xa hơn khoảng hai mươi phần trăm so với hai thân tre buộc làm một. Hướng bắn cũng chuẩn hơn vì tay đòn được cố định bằng hai sợi dây da buộc hai bên giúp cho cần bắn khi vung lên sẽ giảm biên độ lắc ngang.
Vô tình hoặc hữu ý, tháp canh nằm sâu khoảng năm mươi trượng so với bờ Bắc trở thành đích ngắm bắn của những khẩu pháo hạng nặng. Lòng sông rộng đến trăm trượng hơn, pháo đã cải thiện tầm bắn nên những viên đạn bằng đá tròn, đường kính khoảng hai mươi lăm phân còn bắn vượt qua. Song để trúng tháp canh không phải là điều dễ làm.
Những khẩu pháo lớn lần lượt bắn nhưng khoảng cách xa, ống nhòm không có, vị trí đặt pháo ngang với mục tiêu nên việc bắn mỗi quả đạn đều dựa vào cảm giác. Những viên gạch vồ cũng được đem ra làm đạn nhưng bắn gần cả canh giờ mà không trúng mục tiêu.
Hổ đổi ý cho pháo bắn vào những lùm cây ven bờ, tầm nhìn tốt hơn nên có khoảng hai mươi phần trăm đạn trúng mục tiêu.
Hết nửa buổi sáng, gần hai trăm con người nhận ra không dễ ăn nên ngồi bàn tính với nhau hòng tìm ra cách giải quyết. Nhớ lời dặn của Chương là đạn cần tròn và thực tế đã thấy đạn tròn bay xa hơn. Hổ đi hỏi Chương, Chương đem theo mâm gỗ và dây, bảo bọn Hổ đo từ chỗ đặt pháo lớn đủ một trăm trượng dọc theo bờ sông về hướng Tây thì cắm tạm một cọc tre và Chương vẽ lên mâm đựng đầy cát số 1, nơi đang đứng, và số 2, nơi đặt pháo rồi kẻ một đường thẳng.
-Từ số 1 đến số 2 là một trăm trượng, là đường thẳng, các cậu phải nhớ cho rõ.
Sau đó Chương hướng dẫn cả bọn dùng sợi dây đưa lên ngang tầm mắt, lấy số 2 làm mốc, căng dây đến khi chạm nóc tháp canh thì dừng, cắt dây.
-Bởi nơi các cậu đặt pháo đối diện với tháp canh nên ta gọi cái tháp canh này là số 3 nhé. Chúng ta không thể qua sông nhưng các cậu có thể đo trên cánh đồng. Đây nhé, đứng nguyên vị trí cũ, đưa dây ngang tầm mắt di chuyển sang bên trái. Điểm cuối của sợi dây, các cậu cắm cọc đánh dấu sau đấy đo xem từ chỗ số 2, nơi đặt khẩu pháo, đến chỗ vừa cắm cọc, ta gọi là số 4.
Bọn Hổ làm theo và đo được một trăm bảy mươi trượng từ chỗ pháo đến cọc vừa cắm. Yêu cầu phải là cái cọc, khẩu pháo và tháp canh bên kia sông cần thẳng hàng.
-Đây có thể gọi là nguyên lý tam giác cân có hai cạnh bằng nhau.
Vừa nói Chương vừa dùng que vẽ trên cát, giảng giải cho binh sĩ.
-Có thể chưa chính xách tuyệt đối nhưng ta tin rằng đúng đến chín phần mười. Muốn biết thì các cậu thử tầm bắn khoảng một trăm bảy mươi trượng rồi điều chỉnh thêm.
Chương dạy thêm cho bọn Hổ về tam giác có cạnh huyền, theo đó, pháo đặt cao hơn sẽ bắn xa hơn so với pháo đặt thấp.
Từ cách ước lượng sơ khai ban đầu, sau này đội pháo binh chọn ra những người sáng dạ đi quan sát, thám thính, đo đạc, tính toán, ước lượng trước phần tử bắn. Các khẩu pháo sẽ theo số liệu cung cấp mà đặt đạn, chỉnh nấc chắn phù hợp rồi khai hoả không cần nhìn nữa.
Hổ hỏi liệu có thể chế tạo một khẩu pháo lớn hơn không? Chương nói nếu làm lớn chỉ nên đặt ở trong quân doanh, không cần nhiều và đạn cũng sẽ lớn theo và tầm bắn cũng không vì vậy mà xa hơn, chỉ cải thiện tính sát thương. Chương hứa sẽ vẽ ra bản thiết kế đẹp hơn, khi ấy máy bắn đá sẽ dùng toàn gỗ nhưng mỗi máy sẽ kèm theo hai rìu để phòng khi bỏ lại phải huỷ bánh, chặt dây, đem cần đi không để rơi vào tay địch. Nếu đủ thời gian thì đốt.
Đúng như Chương nói, sau bốn lần chỉnh bắn, đến lần thứ năm, viên đạn đá rơi thủng mái tháp canh bằng rơm. Ai nấy vui mừng khôn xiết, họ tự đặt cho chủ tướng của họ biệt danh “Thần pháo” khiến Chương cũng đỏ mặt.
Đội nữ binh có phần công việc dễ dàng hơn, lại được các tráng niên chỉ bảo tỉ mỉ nên chỉ sau hai ngày là các cô có thể bắn được trúng mục tiêu, tuy rằng còn chậm. Nhờ việc tập bắn pháo mà vài chục cặp nên duyên, sau này Chương được làm đại diện nhà trai còn Tả Đô đốc đại diện nhà gái.
Song cuộc vui chỉ bắt đầu khi đêm xuống. Bọn Hổ và các nữ binh thi nhau bắn lung tung đạn cháy qua sông. Hổ dặn cứ lấy gạch, đá hay bất cứ thứ gì có thể cháy được mà không rơi xuống sông. Thế nên các chàng và các nàng vào rừng đốn cây làm đạn bắn ban đêm. Nhờ vậy thao tác của họ trở nên thuần thục, ai cũng như ai, chỉ có số ít vượt trội hơn nhưng không đáng kể.
Hàng nghìn quả đạn đủ loại được bắn qua sông trong vài ngày, tuy chả làm ai thiệt mạng nhưng nỗi sợ đã lan truyền trong quân và một bộ phận dân chúng bờ Bắc. Sứ tướng Khánh và Vũ Ninh vương không biết đối phương dùng cách gì mà ném được đá nặng qua sông. Cho quân đi dò chỉ thấy những tấm phên quây che giấu thứ gì đó bên trong.
Binh sĩ thất trận trở về ở cả hai cánh quân đều bảo rằng đá, chông rơi từ trên trời xuống. Toà thành Bát Vạn này nếu bị thứ chông, đá ném vào có khác gì cá trong rọ? Tường thành cao ba trượng cũng chẳng thể làm gì, không lo không được.
Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.