Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 58: Kế phản gián




Sớm hôm sau Cái Hĩn được cho gọi đến, hai mắt con bé sưng húp, tóc tai rối bời. So với tối hôm qua, Cái Hĩn chỉ khác mỗi bộ quần áo có vẻ tươm tất hơn.

Khánh và hai thuộc tướng, Kiều Công Ngạn và Dương Ngôn đã ngồi chờ sẵn. Ngay khi vừa được dẫn qua cửa, Cái Hĩn nhào đến quỳ mọp xuống vái như tế sao, nước mắt ngắn nước mắt dài cầu xin Khánh cho người về cứu mẹ. Kiều Công Ngạn đang ngồi bèn đứng dậy xách Cái Hĩn lên, trừng mắt, rít qua kẽ răng:

-Nói mau, đứa nào sai mày báo tin láo? Nói láo ông bẻ cổ bây giờ! Này thì…

Cái Hĩn nhận luôn một cái bạt tai nổ đom đóm mắt, loạng choạng ngã bật ngửa ra sau. Kiều Công Ngạn không tha, gã chồm đến túm lấy cổ áo Cái Hĩn nhấc lên, gằn giọng:

-Ranh con nứt mắt dám dối gạt bọn ông hả? Nói!

Cái Hĩn sợ đến nỗi không nói nổi câu nào, toàn thân run lẩy bẩy. Kiều Công Ngạn thả tay ra, Cái Hĩn nằm bẹp dưới đất rồi gào khóc đầy ấm ức, bò lê bò toài về cái bàn nơi Sứ tướng Khánh đang ngồi. Công Ngạn thúc mũi giày da vào mạng sườn, sau một tiếng ối thì Cái Hĩn co rúm người quằn quại dưới nền gạch. Khoé miệng con bé đã rỉ máu vì cái tát khi nãy.

-Ông ơi, ông cứu con với.

-Con ranh, nói cho ông biết đứa nào sai mày sang đây?

-Ông ơi! - Cãi Hĩn chắp tay, run rẩy vái Công Ngạn. - Ông tha cho con, ông ơi!

Bấy giờ Sứ tướng Khánh mới cất giọng ôn tồn:

-Ông bình tĩnh, có gì từ từ hỏi thì cháu nó mới nói được, con bé này ngoan, nó đã cất công đến báo tin đấy.

Đoạn Sứ tướng Khánh quỳ một gối đỡ Cái Hĩn dậy, giọng nhẹ nhàng như giải thích:

-Cô Lụa là vợ ông đây, ông ấy nóng giận nên làm cháu đau. Có ta ở đây đừng sợ, cứ nói thật cho ông ấy tỏ tường là được. Chúng ta đội ơn cháu.

Cái Hĩn nấc nghẹn từng tiếng, đưa tay quệt máu trên khoé miệng, lấm lét nhìn Kiều Công Ngạn trong khi gã vẫn phùng mang trợn mắt như thể sẵn sàng ăn tươi nuốt sống con bé.

-Sao hả cháu? Đây… ngồi đây. Cháu kể lại những gì đã kể cho ta tối qua cho ông đây nghe.

Khánh dìu Cái Hĩn ngồi lên ghế đối diện với Kiều Công Ngạn, mãi một lúc sau Cái Hĩn mới trấn tĩnh kể lại đầu đuôi thêm một lần. Trong khi kể, con bé nhìn Khánh với ánh mắt van lơn, cố lảng tránh cái nhìn của Công Ngạn.

-Mày nói láo! Tại sao lại có hai con thuyền trong bụi? Tại sao mày không lật cái thuyền mà để chúng nó đuổi?

Cái Hĩn chắp tay run rẩy đáp:

-Bẩm ông, cháu thật không rõ ở đó có mấy thuyền vì trời tối. Cô Lụa kéo nên cháu chạy theo, lúc ấy cháu sợ.

-Vậy sao mày bảo trong bụi có hai thuyền?

-Cháu nghĩ thế vì cô Lụa mới chèo được một quãng đã thấy họ đẩy thuyền, nước lõm bõm ông ạ. Họ đứng trên bờ, đuốc sáng rực, họ bắn xuống như mưa ông ạ.

-Mày bao nhiêu tuổi?

-Thưa ông, cháu năm nay mười ba.

-Tại sao mày không cứu cô ấy mà bỏ cô ấy lại?

-Ông ơi, cháu sợ, cháu không biết phải làm gì, cô Lụa bảo sao thì cháu làm vậy. Ông ơi, ông cho người về cứu mẹ cháu với, họ đánh mẹ cháu chết mất.

-Mày cứ nói cho thật, ta sẽ giúp mày.

-Bẩm ông! - Cái Hĩn rời ghế, quỳ xuống vái Công Ngạn. - Con biết gì con đều nói hết, con mong ông cứu mẹ con với. Nhà con chỉ có hai mẹ con nương tựa, cha con hồi trước có theo Vũ Ninh vương đánh giặc nhưng…

Cái Hĩn lại nấc nghẹn, quệt nước mắt nói tiếp:

-Cha con mất lúc con mới bảy tuổi, ba năm nay con mới được nhận chăn trâu cho người trong làng. Con được nuôi ăn, mẹ con mỗi tháng có thêm đấu gạo, gần đây thì được trả thêm đấu nữa là hai. Bẩm ông, con có sao nói vậy, con không dám dối các ông.

-Cha ngươi theo Vũ Ninh vương? Hừ! Tử trận ở đâu?

-Bẩm ông, mẹ con bảo là cha con thác ở Siêu Loại nhưng không biết thây chôn nơi nào. Sau này con lớn, con cũng sẽ đánh ông Lý Lệnh công trả thù cho cha con.

Dứt lời, Cái Hĩn lại khóc nấc, nhìn bộ dạng rất thảm thương.

-Được, ta tạm tin mày. Muốn ta cứu mẹ thì mau nói cho ta biết vài điều, càng nói rõ thì ta càng mau cứu được mẹ ngươi.

-Bẩm các ông, chỉ cần các ông cứu mẹ con thì muốn con làm gì cũng được ạ. Con đội ơn các ông. Con chỉ còn mẹ, mẹ mà bỏ thì con thành mồ côi.

Cãi Hĩn cố nín khóc nhưng đôi vai nhỏ bé vẫn rung lên từng chặp.

-Ngươi ở Long Ngô Động, nếu ta nhớ không lầm thì cách một cánh đồng là Đường Vỹ thôn.

-Bẩm ông đúng ạ. Con vẫn hay thả trâu ở cánh đồng ấy.

-Gần đây ở Đường Vỹ có một đám tụ tập, ta muốn biết bọn chúng là ai, từ đâu đến?

Cái Hĩn nhăn nhó chốc lát rồi đáp:

-Bẩm ông, ở mé ấy mới có quân Thiên Đức ạ

-Chúng có đông không?

-Dạ, hôm con đi xem thì có một trăm người, toàn các anh lớn, trong làng con cũng có mấy người tham gia.

-Kẻ cầm đầu quân Thiên Đức là ai?

-Dạ bẩm ông, là Mạc tiên sinh.

-Ông ta người ở đâu?

-Con nghe nói Mạc tiên sinh là ông đồ ở thôn Đường Vỹ, tuổi ngoại ngũ tuần, dáng cao lớn. Ông ấy cho mỗi người đến xem một đấu gạo nếu chịu ở lại đến hết buổi.

Kiều Công Ngạn liếc nhìn Dương Ngôn rồi hỏi tiếp:

-Chúng tụ tập ở đấy làm gì?

-Bẩm ông, Mạc tiên sinh hiệu triệu mọi người chống lại Thiên Gia Bảo Hựu, là mấy ông ở chỗ làng Vạn.

Cãi Hĩn vừa kể vừa ngập ngừng, rằng thì là mấy ông làng Vạn thu thêm thuế thân, thuế trâu. Nhà nào không có thóc gạo thì nộp bằng khoai, sắn hoặc ngô. Làng Đường Vỹ không chịu mà chẳng có trai tráng nên rủ thêm Long Ngô Động và mấy làng khác, gom lại được trăm người dựng cờ lấy tên sông làm quân hiệu. Quân bên làng Vạn kéo sang đánh, quân Thiên Đức bỏ chạy vào trong núi Linh Sơn chờ yên lại về. Gần đây, quân Thiên Đức rủ nhau gùi gạch đá vào núi đắp luỹ, thi thoảng lại ra sông học bơi. Nghe nói quân Thiên Đức muốn tìm cách sang đầu quân cho Vũ Ninh vương, nhờ Vũ Ninh vương cho quân sang đánh. Chính vì thế mà quân bên làng Vạn hay truy bắt, cũng đã bắt được một số người và gọi hàng, kẻ nào về đầu quân sẽ nhận được ngay hai chục đấu gạo.

-Chúng xây được luỹ trong núi chưa?

Kiều Công Ngạn dịu giọng hỏi, Cái Hĩn đáp:

-Đám mục đồng kháo nhau là chưa xây được ông ạ. Thi thoảng chúng con cũng thả trâu chỗ bìa rừng, chỗ ấy có con suối, nghe bảo mới dựng được lán.

-Có thật chúng muốn sang đầu quân cho Vũ Ninh vương?

-Bẩm ông, đấy là con nghe mẹ con nói thế. Nhà con cũng chả còn gì ăn, cô Lụa là người ơn. Cô ấy đã cho mẹ con tiền, cô còn ra chợ mua nhiều thức ăn và cả ngô với gạo. Chắc cô ấy bị mấy ông làng Vạn bắt rồi ạ.

-Sao lại làng Vạn? Chả phải người từ Đường Vỹ sang ư?

-Bẩm ông, bên Đường Vỹ toàn những anh ở trần còn các ông làng Vạn ăn vận chỉnh tề, khí giới đủ, đi rất đông. Con rong trâu về con tận mắt nhìn thấy, không lẫn đâu ạ. Mẹ con từng bảo nếu trốn sang được bờ Bắc thì tốt vì bên này không lo bị đói chứ làng con trước đây Lý Lệnh công thu thuế, bắt người. Còn bây giờ thêm mấy ông làng Vạn rồi cả mấy anh Thiên Đức, khó sống lắm ông ạ.

-Đám Thiên Đức thường trú đóng ở đâu?

-Họ dựng lều trại ngay gần luỹ tre, từ bờ sông đi lên chỉ chưa đầy hai dặm.

-Có bao nhiêu trại?

-Hôm con đến xem thì có cả thảy hai chục túp lều, gần đây họ làm thêm mấy cái nhà tranh để ở chung. Nhà không có tường để nếu có bị đánh úp thì dễ bề chạy.

-Sao ngươi biết việc ấy?

-Bẩm ông, các anh ấy thường cho bọn con củ khoai, củ sắn và dặn thấy người lạ thì báo, các anh ấy sẽ trả công mười đấu gạo.

-Ngươi biết bên làng Vạn có bao nhiêu người không?

-Bẩm ông nơi ấy xa, con chưa biết nó ở chỗ nào, chỉ nghe làng Vạn thôi ạ.

-Được, ta tạm tin lời ngươi, giờ cho ngươi đi nghỉ. Chúng ta sẽ bàn cách cứu mẹ ngươi.

Cái Hĩn lập tức tươi tỉnh đứng bật dậy chắp tay vái hết cả ba người đàn ông, luôn miệng nói đội hơn, đi giật lùi ra đến cửa cũng vẫn luôn miệng cảm tạ không ngớt.

-Sao? Hai ông thấy thế nào?

-Thưa Sứ tướng, tôi nghĩ những gì con bé nói là thật. Những gì trước đây chúng ta thu thập được cũng na ná như vậy. Con này bị đánh như vậy, mắt sưng húp và luôn miệng xin cứu mẹ nên tôi tin nó không dám nói láo.

Sứ tướng Khánh gật đầu.

-Bọn làng Vạn chỉ như mắt muỗi, lão già họ Lý bất tài nên để chúng hoành hành. Hai ông tìm người tin cẩn, mỗi người chọn ra một đội nhỏ tung sang thám thính làng Vạn. Chúng không có thuyền lớn nên chưa sang bên này được, diệt chúng sớm sau đỡ mệt.

-Còn bọn Thiên Đức ngài tính sao?

-Đám ấy không đáng để tâm nhưng nếu chúng có thù với bọn làng Vạn thì lợi dụng được. Chúng làm nội ứng được thì tốt.

Đoạn Sứ tướng nói với Công Ngạn:

-Ông cho người sang bờ bên đó gặp lão Mạc tiên sinh, bảo chúng rằng nếu theo Vũ Ninh vương, làm chỉ điểm dẫn chúng ta đánh úp bọn làng Vạn thì ta sẽ thu nạp, sau cho chúng kiểm soát khu vực bờ Nam.

-Thưa vâng! Tôi sẽ chọn người tin cẩn.

-Để nhanh gọn và cho chúng thấy thiện ý, đem cho lũ khố rách ít ngũ cốc và mươi nén bạc. Nói với chúng, nếu trung thành thì sẽ nhận được nhiều hơn gấp trăm lần. Làm ngay đi!

Tả, Hữu tướng quân rời đi, Nguyễn Quốc Khánh mới thở phào. Chí ít Khánh cũng biết được nguyên nhân việc quân thám thính mất tích, cũng dễ ăn dễ nói với Vũ Ninh vương.

Theo lệnh của Khánh, Kiều Công Ngạn và Dương Ngôn chọn ra được gần hai chục người rồi tiếp tục lợi dụng đêm tối chèo thuyền qua sông. Đồng thời, Công Ngạn sai thuộc hạ theo dõi chặt chẽ động tĩnh phía gần đầm lầy và chuẩn bị một thuyền lương thảo đủ dùng cho trăm người ăn trong cả tháng rồi sắp đặt người làm sứ giả theo thuyền qua sông.

Sớm ngày hôm sau, một thuyền nhỏ chèo qua sông, thuyền lớn hơn dừng giữa dòng. Thuyền lớn có sáu lính trang bị giáo và đoản đao giắt hông, một người vận khăn đóng áo dài, dáng vẻ nho nhã đứng trên mũi thuyền, tay cầm quạt giấy che ánh mặt trời của ngày mới chiếu rọi. Thấy tín hiệu hồi đáp, chiếc thuyền chậm rãi tiến vào bờ.

Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.