Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 57: Vũ Ninh vương & Sứ tướng




Bờ Bắc sông Thiên Đức thuộc châu Vũ Ninh là một vùng rộng lớn và đông dân, phía Đông giáp với phần đất thuộc La thành, phía Tây và Tây Nam giáp Hải Môn trấn. Vũ Ninh vương tên huý là Nguyễn Lôi Công, thân cao hơn năm thước, giọng nói oang oang khiến người nghe lắm khi giật mình. 

Vũ Ninh vương năm nay tròn năm mươi tuổi, tổ tiên bốn đời là người Hoa quốc. Thời Lý Nam Vương dấy binh khởi nghĩa, Vũ Ninh vương mới ngoài hai mươi. Mặc dù tổ tiên là người Hoa quốc nhưng bản thân là người tham vọng, Vũ Ninh vương gia nhập đội quân của Lý Nam Vương và mau chóng thăng tiến. Thời điểm Lý Nam Vương băng hà, Vũ Ninh vương đang nắm binh quyền huyện Đông Ngàn. Quần hùng khắp nơi nổi lên tranh giành nên Vũ Ninh vương không chịu thiệt, với hơn năm nghìn quân sĩ trong tay, chỉ sau một thời gian ngắn ông đã có cho mình một cơ đồ rộng mở, không ngừng mở rộng thực ấp. Ông xây Nguyễn Xá Trang ở Đông Ngàn sau đó đem quân đánh dẹp các hào trưởng trong vùng. Đặc biệt, nhờ sự giúp sức của hai người anh em, Vũ Ninh vương đánh đuổi luôn Thứ sử châu Vũ Ninh lúc bây giờ là Dương Huy, chiếm giữ lỵ sở xưng là Vũ Ninh vương. Vũ Ninh vương có hai người anh em là Nguyễn Lôi Vũ và Nguyễn Lôi Phong đều là sứ quân cát cứ, trong đó Nguyễn Lôi Vũ đang giữ Đông Phù Liệt, một vùng tiếp giáp với Tế Giang còn Nguyễn Lôi Phong giữ Tam Đái, vùng trung du phía Đông Bắc châu Vũ Ninh.

Vũ Ninh vương cho đắp luỹ xây thành Bát Vạn ở vùng núi Bát Vạn. Bát Vạn là một toà thành lớn với hơn một vạn quân đóng giữ trong và ngoài thành, cách sông Thiên Đức khoảng ba mươi dặm đường. Ngoài số quân trú đóng trong thành, Vũ Ninh vương còn có khoảng một vạn quân chia thành nhiều trại nhỏ đóng rải rác khắp nơi trong vùng, mỗi trại khoảng năm trăm quân.

Vũ Ninh vương từng cho quân vượt sông đánh sang vùng Siêu Loại vài lần nhưng thế trận giằng co, sợ Long Xưởng lợi dụng thời cơ đưa quân sang đánh úp nên buộc phải thu quân. Lần gần nhất Vũ Ninh Vương cho quân vượt sông đánh vào vùng Siêu Loại là khoảng sáu năm trước nhưng cũng không thu được kết quả gì bởi Lý Lệnh công chỉ thủ trong thành đất, không chịu công. Ngẫm thấy Lý Lệnh công chỉ là một lão già muốn an phận, Vũ Ninh vương không đưa quân sang đánh nữa, thay vào đó dùng sông Thiên Đức làm giới tuyến chỉ tập trung đối phó với sứ quân Long Xưởng ở phía Đông, sứ quân mạnh nhất về nhiều mặt. 

Sứ tướng giỏi nhất dưới trướng Vũ Ninh vương là Nguyễn Quốc Khánh năm nay tuổi đã ngoài bốn mươi, đã theo Vũ Ninh vương mười lăm năm, đặc biệt được tin dùng. Nguyễn Quốc Khánh đang nắm quyền chỉ huy thành Bát Vạn.

Thời gian gần đây Khánh nhận được tin báo về, bờ Nam sông Thiên Đức, ngay dưới chân núi Linh Sơn có một đám giặc cỏ trong ba làng tụ lại với nhau dựng cờ lấy tên Thiên Gia Bảo Hựu, quân số ước chưa đến nghìn người. Thay vì lo lắng, sau khi bẩm báo với Vũ Ninh vương, cả thầy lẫn trò đều tỏ ra có phần vui mừng bởi lão họ Lý sẽ ăn không ngon ngủ không yên. 

-Một đám giặc cướp nổi lên ắt sẽ có đám khác cũng không chịu thiệt mà gióng trống mở cờ.

Dự liệu của Vũ Ninh vương quả nhiên đã đúng. Hơn một tháng trước tin báo về bên bờ Nam có thêm một đám giặc cỏ tụ tập với nhau gần khu đầm lầy, dựng cờ tự xưng là quân Thiên Đức.

-Một đám trai tráng hơn trăm đứa, tự xưng danh Đại đội Thiên Đức, thưa ngài.

Khánh vừa dứt lời thì Vũ Ninh vương cười khẩy:

-Lại thêm một cái nhọt nữa cho lão họ Lý. Ta nói không sai, lão ta chỉ thích an phận nên đám bất mãn tụ tập lại với nhau, nơi ấy chẳng mấy mà loạn. Một dải đất ven sông mấy mươi dặm, sau lưng là núi mà đã có đến hai đám dựng cờ xưng hùng, cứ kệ chúng chém giết lẫn nhau nhưng nhớ theo sát tình hình. Đừng để bọn chúng túng quá hoá liều tràn sang bên này cướp bóc, cần canh phòng cẩn mật, nên sắp đặt thêm các điếm canh nhỏ nhô ra gần mé bờ sông.

Nguyễn Quốc Khánh cho lập nhiều điếm canh tạm thời nằm dọc theo bờ sông, mỗi điếm chỉ ba đến năm binh lính thay nhau trực gác nhưng cả tháng trời không có động tĩnh gì. Hơn một tuần trước Khánh tung quân do thám sang bờ Nam dò la hai đám giặc cỏ đang mưu đồ chuyện gì? Chúng đã diệt nhau chưa hay đang trong thời kỳ gây dựng thế lực.

Quân do thám không trở về theo như giao hẹn, ba ngày trước vì nóng ruột nên Khánh đã tung thêm hơn chục quân lợi dụng nửa đêm chèo thuyền sang. Theo giao hẹn, hôm nay phải trở về báo tin nhưng đã sắp hết ngày mà vẫn bặt vô âm tín. Khánh là người kinh qua trận mạc nên hiểu rằng hai toán quân đi mà không về ắt là điềm không lành. Chờ đến trời tối hẳn vẫn không thấy tin tức, Khánh lật đật đi bẩm báo Vũ Ninh vương.

-Độ mươi hôm trước ta có nghe nói đám trai tráng gần khu đầm lầy rủ nhau ra tắm ở ven sông, hình như chúng đông hơn?

-Thưa ngài, mạt tướng đã thật không biết rõ, hai toán thám thính một đi không trở về, sợ rằng đã bị bắt hết lượt.

-Ngươi có đánh giá cao bọn chúng quá không? Ngươi phái những kẻ nào đi?

-Dạ bẩm, hai toán được phái đi đều là những người theo mạt tướng nhiều năm, cả nam và nữ, họ giả trang làm thương nhân hoặc lưu dân hoặc bất cứ ai phù hợp. Mạt tướng có lòng tin ở họ, đó không phải là những tay mơ.

-Vậy đưa thêm người sang nhưng cần thay đổi cách thức.

Khánh trở về mà lòng dạ bồn chồn, hai tay cứ đấm vào nhau, miệng lầm bầm không ngớt. Bỗng có quân sĩ chạy đến báo tin bắt được một kẻ tình nghi, khánh vứt chỗ văn kiện xuống bàn ra lệnh dẫn vào nhưng Khánh lộ rõ vẻ ngạc nhiên khi quân sĩ dẫn vào một bé gái tuổi trạc mười ba, mười bốn, dáng vẻ gầy gò, y phục rách rưới hãy còn ướt, mặt lấm lem, môi tím tái, mái tóc cắt ngắn. Binh sĩ đẩy bé ngã lăn xuống sàn gạch rồi bẩm báo:

-Thưa tướng quân, chúng tôi bắt được con bé này đêm hôm từ mé bờ sông mò vào, hỏi gì nó cũng không nói. Mé ấy không có nhà cửa, đám mục đồng mấy năm cũng không chăn trâu hướng ấy.

-Nó không chịu khai thì chúng bay phải tìm cách cho nó khai chứ? Dẫn nó đến đây làm gì?

Một binh sĩ xốc nách bé gái dậy và nói:

-Chúng tôi đã cho nó mấy cái bạt tai nó mới hé miệng nhưng nhất định đòi gặp tướng quân.

-Cái gì? – Khánh nhăn trán. – Đưa nó lại gần đây xem nào.

Hai bên má của bé gái vẫn còn đỏ ửng, hằn những vệt ngón tay. Khánh hất hàm hỏi:

-Nói đi, ngươi muốn tìm gặp ta có việc gì?

Giọng bé gái yếu ớt:

-Thưa ông, cháu… cháu… cháu đói… đói quá… cháu… xin ông cho ngụm nước.

Khánh khẽ nhướng mắt ra hiệu, binh sĩ đem đến một bát nước cho bé gái, cô bé giằng lấy uống vội, khẽ thở hắt ra rồi thều thào:

-Xin ông, xin ông cho cháu thêm bát nước nữa, cháu đói… cháu… cháu có việc cần bẩm… bẩm báo… báo ạ.

Thấy lạ, Khánh cho quân sĩ đem đến một bát cháo trắng, bé gái húp một hơi hết sạch, đưa tay quệt miệng nhưng vẫn cố liếm sạch cái bát.

-Có việc gì mau nói, nếu có ích thì ta sẽ ban thưởng.

-Đội ơn các ông, cháu đội ơn các ông ạ. Cháu… cháu cố sống cố chết… cho cháu xin bát nước nữa ạ.

Cô bé lại uống ừng ực như thể đã bị bỏ đói bỏ khát lâu ngày.

-Thưa ông, cháu tên Cái Hĩn ạ.

-Ừ, ta đang nghe.

-Ông có phải là Đại tướng quân Nguyễn Quốc Khánh không ạ? Cháu cần gặp đúng ông ấy, không được gặp người khác ạ.

-Chính là ta.

-Dạ bẩm ông, cháu từ bên làng Long Ngô Động, giáp Thiên Đức chạy qua đây ạ. Cháu muốn gặp ông…

-Cái gì? Ngươi từ bờ bên kia sang đây? Ngươi sang bằng cách nào?

-Bẩm ông, có cô chở cháu qua bằng thuyền, dạ không phải, ý cháu là cháu chèo thuyền chở cô ấy qua.

-Ngươi chở ai? 

-Dạ bẩm ông, cô ấy tên là Lụa, cô ấy bảo cháu chạy về bẩm ông.

Khánh giật mình vì Lụa là một trong những người Khánh đã đưa sang bờ bên kia vào ba ngày trước. Khánh vội đứng dậy, vòng qua đầu bàn dẫn Cái Hĩn lại bàn uống nước, lệnh cho lính mau đem đồ ăn thức uống tới ngay.

-Cháu nói rõ ta nghe đã có chuyện gì?

-Bẩm ông, cháu là trẻ chăn trâu mướn, mấy hôm trước cháu có gặp cô Lụa, cô ấy biết gia cảnh nhà cháu khốn khó nên đã cho cháu bánh với gạo. Biết mẹ cháu bị bệnh nên cô Lụa tạt vào thăm và cho cả tiền mua thuốc, cô ấy ngủ ở nhà cháu hai đêm.

-Ừ, ừ! Rồi sao nữa? 

-Chập tối nay cháu rong trâu về thì thấy có quan quân từ làng Vạn kéo nhau đi tìm người trong Long Ngô Động, cháu không biết tìm ai nhưng lúc về ăn cơm tối cháu kể thì cô Lụa bảo phải đi ngay. Cô ấy…

Nói đến đây Cái Hĩn ôm mặt khóc nức nở, đôi vai gầy rung lên bần bật khiến Khánh nóng ruột nhưng cũng cố vỗ về để mau biết rõ đầu đuôi câu chuyện. Cái Hĩn nói trong tiếng nấc nghẹn:

-Cô ấy bảo cô ấy phải đi ngay mà ra đến cổng thì chạm mặt mấy ông đang đi lùng tìm người lạ. Mẹ bảo cháu dắt cô Lụa ra lối sau vườn, chẳng biết có ai chỉ điểm hay không mà các ông ấy đạp cổng xông vào nhà. Mẹ cháu chạy ra cố ngăn thì bị đánh, chắc… chắc mẹ cháu bị đánh chết rồi ông ơi.

Cãi Hĩn lại khóc nấc, Khánh vẫn cố nén cơn giận để nghe.

-Cháu dẫn cô Lụa chạy ra bờ sông, họ đuổi theo gắt lắm, y như bắt trộm. Cô Lụa kéo cháu lên thuyền giấu trong lùm cây rồi hai cô cháu vội vàng chèo sang bên này.

-Thế… thế cô Lụa đâu?

-Chỗ cô Lụa giấu thuyền còn có một thuyền nữa, những người ấy dùng thuyền đuổi theo, có người đứng trên bờ dùng cung nỏ bắn bừa xuống. Cô Lụa bị trúng một tên vào chỗ này này.

Cãi Hĩn nghiêng người chỉ vào bả vai rồi kể tiếp:

-Cô Lụa cố chèo thêm được một quãng ngắn thì đau không chèo được nên cháu gắng sức nhưng… nhưng gần đến bờ bên này thì bị các ông ấy đuổi kịp. Cô Lụa lịm đi, bảo cháu cố về báo cho Đại tướng quân Nguyễn Quốc Khánh là bị lộ rồi, tất cả đã bị bắt. Ông ơi, ông cho các chú ấy về cứu mẹ cháu với.

-Chúng có bắt được cô Lụa đó không?

-Cháu nhảy vội xuống sông bơi, lúc gần đuối sức cũng vào được bờ ạ. Trời tối, lúc cháu ngó lại thì ánh đuốc bập bùng, chắc cô ấy bị bắt mất rồi. Cô ấy có bị làm sao không hở ông?

-Mẹ khỉ! – Khánh bực dọc văng tục. - Bọn giặc cỏ này cũng có nghề đấy.

Cãi Hĩn luôn miệng van xin Khánh cho người về cứu mẹ, Khánh ậm ừ rồi hứa sáng mai sẽ cho người sang đưa mẹ Cái Hĩn sang đây. Con bé nước mắt ngắn nước mắt dài, lạy lục van xin khiến Khánh, một người đàn ông, một người cha cũng không đặng lòng đành lệnh cho quân sĩ đưa con bé đi tắm rửa, thay quần áo, ăn uống no nê rồi sáng mai sẽ hỏi chuyện sau.

-Khốn nạn! – Khánh đấm tay xuống bàn gỗ một cái thật mạnh. – Chúng bay dám túm hết hai mươi mấy người của ông, quân khốn nạn. Bay đâu! Gọi Tả tướng quân đến cho ta, gọi luôn cả Hữu tướng quân nữa, mau lên!

Khánh đi lại trong phòng cho đến khi hai thuộc tướng có mặt, Tả tướng quân là Kiều Công Ngạn, Hữu tướng quân tên huý là Dương Ngôn, cả hai thuộc tướng của Khánh tuổi đã ngoài ba mươi, gốc gác đều người châu Vũ Ninh.

Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.