Đoàn sứ giả do Phạm Văn Tham dẫn đầu trở về không bao lâu thì có gia khách của Hoàng Ngũ Phúc là Nguyễn Hữu Chỉnh được cử đến. Phúc sai Chỉnh đem cờ, ấn, gươm, đến trại phong Nhạc làm Tuyên úy đại sứ, trấn thủ Quảng Nam, tước quận công. Thấy Chỉnh ăn nói lưu loát, thông hiểu kinh sách, khi bàn luận về sách lược lâu dài thì Chỉnh bộc lộ rõ tài năng am hiểu binh thư, an dân, giữ đất nên Nhạc rất quý mến, chiêu đãi như thượng khách.
Chỉnh còn mang theo một tờ sắc, phong cho Phan Văn Lân làm nha hiệu thống lĩnh một đội bộ binh. Lân nghe qua đạo sắc thì thầm nghĩ [hôm trước quận Việp cho ta suy nghĩ 3 ngày, không có ý gượng ép, nay lại muốn lấy việc sắc phong mà bắt người, quận công ơi là quận công, ta kính ngài chứ ta đâu có muốn đi theo ngài]
Lân cho người mang đến một hộp quà được gói cẩn thận trao cho Chỉnh.
''Đây là chút tâm ý của thảo dân, xin được dâng lên cho quận Việp. Trong đây có câu trả lời của thảo dân, nhờ Chỉnh tư thừa chuyển đến quận công giúp ta''.
Chỉnh mỉm cười nói: ''Chúng ta cũng được xem là bằng hữu, việc này cứ giao cho ta''
Lân chắp tay: ''Đa tạ tư thừa'' trong lòng Lân thầm cười [quả nhiên chỉ cần tặng vàng là thành bằng hữu ngay]
Sau khi trở về lại doanh trại, Chỉnh dâng hộp quà lên cho quận Việp:
''Bẩm quận công, tên Lân đô đốc kia nhờ tiểu nhân mang hộp quà này dâng lên cho ngài, còn nói trong đây có câu trả lời, kính quận công xem qua''
Hoàng Ngũ Phúc khẽ nhíu mày, liền cho người mở ra xem bên trong có những gì. Trong sảnh đường lúc này, các tướng lĩnh quân Trịnh cũng có mặt. Hộp quà được mở ra, thì thấy bên trong toàn là vàng.
''Đổ hết ra đi'' quận Việp ra lệnh
Người lính thân vệ lập tức làm theo, đổ hết vàng trong hộp gỗ ra, bên dưới lớp vàng ấy là một mảnh vải trắng được gấp lại, tên lính vội đưa lên cho quận Việp xem
Quận Việp đọc lớn:
''Mâu nhi vô dịch, mịch phi kiến tích. Ái lạc tâm trường, lực lai tương địch''
Đọc xong quận Việp tức giận ném mảnh vải ấy đi: ''Để ta xem bọn ngươi làm được hay không''
Nói rồi, liền quay gót bước ra khỏi sảnh đường, để lại các tướng lĩnh ngơ ngác nhìn nhau.
Xán trung hầu Bùi Bá Cầu lên tiếng hỏi: ''Việc này là như thế nào, sao quận công lại tức giận đến vậy, chẳng lẽ tên nhãi kia đã nói gì xằng bậy''
Các tướng lĩnh khác không đáp lời mà trầm ngâm suy nghĩ. Đình Đống liếc nhìn sang Nguyễn Hữu Chỉnh, trong lòng nghĩ [trước nay vẫn thường nghe tư thừa là kẻ tài học hơn người, chắc có lẽ nơi đây toàn người quyền cao chức trọng nên y mới không dám tùy tiện lên tiếng, để ta dò hỏi thử xem y có biết chuyện này không]
Nghĩ vậy Đình Đống lên tiếng hỏi: ''Tư thừa huynh đệ là người học rộng hiểu sâu, thông đạt kinh sử, chắc là hiểu việc này''
Chỉnh bấy giờ mới lên tiếng đáp: ''Bẩm tướng quân, kỳ thật Chỉnh tôi có chút hiểu, nếu như mấy vị muốn nghe thì tôi xin được diễn giải''
Mọi người nhao nhao cả lên ''Được, được, ngươi cứ nói ra xem nào''
Chỉnh từ tốn nói: ''Đó là ẩn ngữ, chữ mâu không phẩy nách là chữ dư, chữ mịch không có chữ kiến là chữ bất. Chữ Ái rơi mất chữ tâm thành chữ thụ, chữ lực chữ lai ghép lại thành chữ sắc, góp lại thành câu: dư bất thụ sắc (ta chẳng nhận sắc)
Nếu như chỉ là lời từ chối thì đã không khiến cho quận công phải tức giận đến vậy, tên kia cố ý khơi lại chuyện cũ nhằm vạch trần ý đồ của quận công nên người mới nổi giận''.
Nói đến đây, Chỉnh ra vẻ khó khăn, vì nếu như nói rõ ra ý đồ thì không biết quận Việp có trách phạt hay không. Nhìn thấy vẻ khó xử của Chỉnh, Đình Thể vội lên tiếng:
''Tiểu huynh đệ cứ nói rõ ra, chỉ bọn ta biết thôi, tuyệt đối không truyền ra bên ngoài, ngươi cứ an tâm''
Chỉnh trầm ngâm một lúc rồi mới nói: ''Chuyện này xảy ra cũng đã hơn trăm năm, vào thời Văn Tổ Nghị Vương (Trịnh Tráng). Mùa đông tháng 10, kỷ tỵ, năm thứ 16 (1629) chúa bàn với các đại thần mang quân đánh vào nam, Đường quận công Nguyễn Danh Thế nói rằng: Nay phương nam vua tôi hòa thuận, nước giàu binh mạnh, mà ta thì hằng năm đói kém, quân nhu không đủ. Không bằng sai sứ vào tiến phong cho tước quận công, ủy cho trấn thủ hai xứ, lại khiến đem quân ra đánh Cao Bằng, nếu vâng mệnh mà đến thì ta lấy rất dễ. Nếu không nghe mệnh thì ta đem quân đánh là có danh nghĩa.
Chúa nghe xong cho là phải, bèn sai Lại bộ thượng thư Nguyễn Khắc Minh đem sắc tiến phong chúa Nguyễn làm tiết chế Thuận Hóa Quảng Nam nhị xứ thủy bộ chư dinh, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái phó quốc công, giục đến Đông Đô để đi đánh Cao Bằng.
Khi nhận được sắc phong thì chúa Nguyễn mới bàn với các đại thần tìm cách đối phó. Có người nói: Sắc mệnh của vua Lê không thể không nhận. Cũng có người nói: Nhà nước ta có riêng bờ cõi, đời đời truyền nối, há còn đợi ai phong nữa. Một tướng của nhà Nguyễn là Đào Duy Từ thưa rằng: Đây là họ Trịnh mượn sắc mệnh vua Lê để nhử ta, nếu ta nhận sắc mệnh mà không đến thì họ có cớ nói được, nếu ta không nhận sắc mệnh thì họ tất động binh. Tạm thời ta cứ nhận cho họ không ngờ để ta chuyên việc phòng thủ, rồi sau dùng kế trả lại sắc, bấy giờ họ không làm gì được ta nữa.
Chúa Nguyễn cho là phải bèn hậu đãi sứ ta và bảo về. Sau đó nhà Nguyễn theo kế sách Đào Duy Từ mà cho xây thành, đắp lũy để phòng thủ. Khi thành lũy dựng xong thì chúa Nguyễn lại hỏi Duy Từ về kế trả lại sắc. Duy từ thưa rằng: Nên đúc một cái mâm đồng hai đáy, giấu sắc vào trong, ngoài sắm đủ vàng bạc lễ vật, lấy tướng thần là Văn Khuông làm sứ tạ ơn. Thần xin nghĩ hơn mười câu vấp đáp để trao cho mà đi, tùy cơ ứng đối. Đem mâm ấy tiến cho chúa Nghị Vương rồi thừa cơ mà ra về.
Văn Khuông làm y theo kế ấy, Nghị Vương căn vặn đủ điều nhưng do đã chuẩn bị kỹ nên Khuông đều trả lời trôi chảy, thái độ cũng vô cùng nhúng nhường, làm Nghị Vương rất vừa ý, bèn tiếp đãi rất hậu. Ngay hôm ấy, Văn Khuông lẻn được ra cửu đô thành, đi đường biển vượt trở về.
Các quan viên, đại thần triều ta thấy cái mâm đồng hai đáy thì lấy làm lạ, tách ra xem thì ở trong thấy một đạo sắc và một tờ thiếp viết: Mâu nhi vô dịch, mịch phi kiến tích. Ái lạc tâm trường, lực lai tương địch, đem trình Nghị Vương. Vương cho hỏi các quan đại thần, ai nấy đều không hiểu được, Thiếu úy Phùng Khắc Khoan nói rằng: Đó là ẩn ngữ dư bất thụ sắc''
Đình Thể gật gù: ''Thì ra là vậy, nhưng sao quận công lại tức giận đến vậy''
Chỉnh nhẹ giọng nói: ''Tên kia cố ý gợi lại chuyện xưa để nhắc lại mối nhục của triều ta, cũng nhân đó vạch rõ ý đồ của ngài ấy. Nếu như nhận sắc phong thì coi như phải làm người theo hầu quận công, Tây Sơn mất đi tướng giỏi, còn không nhận sắc thì sau này chúng ta có cớ, đường đường chính chính mà trách tội.
Quận công rào trước đón sau, dù nhận hay không đều bất lợi. Tên kia khéo léo từ chối còn ngầm cho quận công biết nếu như người trở mặt thì quân Tây Sơn cũng sẽ như triều Nguyễn, quyết tâm thủ vững, chẳng sợ gì chúng ta. Ngoài ra hắn còn khéo đề cập đến ý đồ quận công đang tọa quan sơn hổ đấu, và cho biết nếu Tây Sơn thắng thế thì sẽ tự lập riêng một bờ cõi. Chính vì vậy mà quận công mới tức giận''
Lúc này ở thành Quy Nhơn
Từ lúc nhận lệnh của anh chuyển đến Quy Nhơn chuẩn bị lực lượng lo việc nam chinh đối đầu với đại quân hơn hai vạn người do Tống Phúc Hiệp chỉ huy, Huệ ngày đêm đẩy nhanh công tác chế tạo vũ khí, những người thợ thủ công, thợ rèn, thợ đóng tàu từ khắp nơi được chiêu mộ về, tham gia công tác chế tạo súng, thuốc nổ, binh khí, tàu thuyền…
Binh khí mà Huệ sử dụng là thanh ô long đao, sự xuất hiện của thanh đao này cũng khá ly kỳ. Khi Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa, Huệ được giao cho một đội quân đi đánh chiếm phủ huyện. Lần đần tiên xuất quân, Nguyễn Huệ và các tướng rất náo nức. Nhưng, đoàn quân vừa rời khỏi căn cứ đi đến đèo An Khê thì bỗng chựng lại, hàng ngũ phía trước tự dưng rối loạn.
Nguyễn Huệ tới để kiểm tra nguyên do thì thấy có hai con rắn đen cực lớn nằm chắn ngang đường, cả hai đều vươn cổ lên, há miệng đỏ như đang ngậm máu. Quân sĩ Tây Sơn cho đó là điềm chẳng lành nên ngần ngại, không dám hăng hái đi tiếp. Nguyễn Huệ lập tức xuống ngựa, cung kính thi lễ và khấn rằng:
''Nay, anh em chúng tôi xuất quân là vì đại nghĩa. Nếu biết trước là sự nghiệp của chúng tôi sẽ thành công thì kính xin Xà Thần mở lối cho chúng tôi đi, còn như nếu biết trước được rằng chúng tôi chỉ uổng công vô ích thì xin Xà Thần hãy trị tội mình tôi mà tha cho hết thảy nghĩa sĩ đều được trở về với gia đình, vợ con''.
Không ngờ, Nguyễn Huệ vừa khấn xong thì cả hai con rắn đen cực lớn kia đều quay đầu lại, thoăn thoắt tiến lên phía trước, mở đường cho cả đạo binh cùng đi. Đi được một quãng đường khá xa thì bỗng một con rắn lao nhanh vào bụi rậm và chốc lát sau thì trở ra, miệng ngậm một thanh long đao có cán màu đen, vươn cổ lên trao cho Nguyễn Huệ.
Đó là thanh long đao cực bén, thế gian không ai có được. Nguyễn Huệ kính cẩn nhận lấy thanh long đao và thề sẽ vì đại nghĩa cứu dân, vì ân huệ của Xà Thần mà chiến dấu đến cùng. Hai con rắn đen nghe Nguyễn Huệ thề xong thì biến mất. Thanh đao đó sau này chính là Ô Long đao.
Ô Long Đao có cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi được rèn bằng kỳ kim, cũng mang 1 màu đen tuyền, khi đao rời vỏ, khí lạnh tỏa ra 1 vùng, lưỡi đao sắc lẹm đến lạnh người. Không những thế, bảo đao này còn có trọng lượng lớn, nếu không phải người có sức mạnh thiên phú thì không thể sử dụng được. Nguyễn Huệ trời sinh có thần lực nên vừa khéo thích hợp sử dụng đao này.
(Về sau, để tưởng nhớ ơn đức lớn lao của Xà Thần, Nguyễn Huệ đã cho dựng miếu thờ)
Hôm ấy, có một thiếu niên trẻ đến xin được đầu quân, tự nhận mình giỏi võ, tỷ võ trước nay chưa từng có địch thủ, nếu ai không tin có thể thử. Nghe được tin báo, Huệ mỉm cười nói :''Đúng là ngựa non háo đá, để ta ra xem thế nào''
Huệ bước ra bãi sân luyện quân, nhìn thấy một thiêu niên tuổi độ 15,16, thân hình cường tráng, thì đoán được ngay đó là kẻ vừa đến kia.
''Tiểu tử, ngươi tên là gì''
Thiếu niên đáp: ''Bẩm tướng quân, thảo dân là Nguyễn Quang Huy, vừa mới đến đầu quân''
''Ta nghe mọi người nói, ngươi rất giỏi võ nghệ, từng đọc qua binh thư''
Huy chắp tay thưa: ''Bẩm, trước nay thảo dân tỷ thí chưa từng bại, cũng có vài năm đọc qua binh pháp. Nếu tướng quân muốn biết rõ thì tại đây có thể thử''
Huệ cười lớn nói: ''Ha ha ha, tiểu tử ngươi cũng thật tự tin, tốt lắm, bây giờ ta sẽ cho người tỷ thí với ngươi, để xem võ nghệ cao cường đến đâu''
Truyện bạn đọc đã hết rồi, nhưng đừng bỏ qua bộ truyện về bóng đá Việt Nam hot nhất hiện nay, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, những sự kiện lịch sử, những con người huyền thoại, và hơn hết, là tình yêu bóng đá mãnh liệt được hun đúc thông qua những bước tiến của nhân vật chính. Xin mời các bạn cùng đến với