Phụ thân của Chỉnh là lái buôn, gia tư kể hàng vạn, ông nhờ Giám sinh họ Ðỗ tìm đất táng mả tổ để con cháu sau này được hưng vượng. Sau khi đi thăm dò địa thế tìm linh mạch, Đỗ phát hiện ra được núi Côn Bằng là nơi tụ hợp linh khí đất trời, nếu như tổ tiên được chôn ở đó thì đời sau con cháu ắt vinh hiển. Đỗ bèn nói với cha của Chỉnh rằng:
"Địa thế nơi đây như ngàn vạn con rồng đuổi ngàn vạn con hổ, xưng bá xưng vương đều được như ý"
Nghe Đỗ nói vậy thì ông rất mừng, liền mang hài cốt tổ tiên mà chôn cất nơi ấy. Ít lâu sau đó vợ ông có thai Chỉnh. Đến ngày sinh, giám sinh họ Đỗ cũng đến để chúc mừng. Khi nghe tiếng trẻ khóc, Ðỗ Giám sinh mặt biến sắc vội cáo từ ra về, trên đường về nhà ông thở dài mà than rằng:"Ðó là một kẻ gian hùng thời loạn, làm lỡ việc thiên hạ là ta rồi!"
Từ lúc còn rất nhỏ Chỉnh đã tỏ rõ được sự thông minh và tài văn chương của mình. Ngày Tết Chỉnh theo cha đi mừng tuổi Thầy Ðồ, Thầy bảo vịnh cái pháo, Chỉnh ứng khẩu làm bài thơ ngay:
Xác không vốn những cậy tay người,
Bao nả công trình, tạch cái thôi!
Kêu lắm lại càng tan tác lắm,
Thế nào cũng một tiếng mà thôi.
Lớn lên Chỉnh có phong tư đẹp đẽ, trí tuệ hơn người theo học nho, đã đọc khắp các kinh sử, năm mười sáu tuổi đỗ hương cống nên còn gọi là Cống Chỉnh .Năm 18 tuổi, Chỉnh dự khoa thi võ (Tạo sĩ), đỗ hạng Tam trường. Cha Nguyễn Hữu Chỉnh làm môn hạ cho quận Việp Hoàng Ngũ Phúc, thường dắt Chỉnh vào gặp quận Việp. Quận Việp thấy Chỉnh là người giỏi, nên nhận vào làm việc dưới trướng.
Chỉnh giỏi về thơ văn quốc âm. Vì mến công nghiệp của Quách Tử Nghi nhà Đường, Chỉnh có làm bài Quách lệnh công phú bằng chữ nôm, được nhiều người trong nước truyền tụng.
Tính Chỉnh lại hào hiệp, giao du khắp thiên hạ. Trong nhà Chỉnh lúc nào cũng có vài chục người khách, khi ngâm thơ, khi uống rượu, tuỳ theo sự hứng thú mà thù tạc với nhau. Nhà Chỉnh nuôi mười mấy ca nhi và vũ nữ, Chỉnh tự tay soạn ra bài hát, phổ vào đàn sáo, ngày đêm bắt họ ca múa để mua vui.
Vì thế, Chỉnh được xem là tay phong lưu bậc nhất ở đất Trường An (tức là kinh đô Thăng Long. Nguyên là tên kinh đô nhà Hán, sau thành danh từ chung chỉ kinh đô) hồi ấy.
Ngoài ra, Chỉnh lại còn có tài khôi hài, mỗi khi bông đùa ai cũng phải phục. Ở trong nhà quận Việp hơn mười năm, Chỉnh mới được cử ra coi đội Thiện-tiểu. Có kẻ thấy vậy chê rằng: "Sao nhỏ thế?".
Chỉnh liền đáp lại ngay: "Chớ cho điều thiện nhỏ mà không làm!" (câu này rút trong bài di chúc của Lưu Bị đời Tam quốc để lại cho con. Nguyên văn là: "Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi", ở đây Chỉnh mượn hai chữ Thiện-tiểu của Lưu Bị để chỉ đội Thiện-tiểu với ý khôi hài). Cả đám đều bật cười. Tài bông đùa của Chỉnh đại để là như vậy.
Năm Giáp Ngọ (1774), khi quận Việp vào đánh phương Nam, Chỉnh được đi theo giúp việc bút nghiên được cho giữ chức Tư-thừa (thư ký). Thấy Chỉnh có tài, quận Việp hết sức yêu mến.
Hoàng Ngũ Phúc cùng đại binh kéo xuống phía Nam. Mới vào đất Phú Xuân, một gã quần áo bẩn thỉu tiến lại, túm lấy càng xe của Hoàng Ngũ Phúc nói:
"Tướng quân, ngài đi vào ngày hôm nay sẽ gặp sự chẳng lành. Ngài nên dẫn đại binh quay về thì hơn''.
Hoàng Ngũ Phúc tức giận hét lớn: ''Nhanh lôi tên ăn mày bẩn thỉu này đi chỗ khác cho ta''
Trong lòng thầm nghĩ [bọn quan quân này thật vô dụng, dám để một tên ăn mày đến ngăn cản xa giá của ta]
Binh lính xúm vào xốc nách lôi người kia đi, người dân thấy sự lạ cũng đứng xa xa túm tụm lại mà bàn tán. Nhưng dù bị lính kéo lôi đi, tên kia vẫn ngoái đầu lại nói thêm: ''Ngài quan thị, nếu ngài không nghe lời ta thì cứ chờ đến ngày 18 sẽ rõ''.
Nếu là người dân tự ý xông vào ngăn cản kiệu của Phúc thì ít nhất sẽ bị phạt đánh gậy, còn cố ý gây rối, có ý đồ xấu thì có thể bị giết ngay tại chỗ. Nhưng khi Phúc nhìn kẻ ăn mày này lại không nổi lên ý trừng phạt, chỉ thấy bẩn thỉu, hôi thối nên muốn đuổi đi mà thôi. Kẻ ăn mày kia rời đi còn để lại câu nói như một lời sấm truyền, làm Phúc có phần hoang mang.
Tối ấy có một lão già tóc bạc đến nói với Phúc: "Ông là bậc tướng tài, trăm năm khó gặp, đã lánh xa quyền thế về lại quê nhà vui thú điền viên, nay vì lệnh chúa mà phải tiếp tục nghiệp binh đao, sáng nay ta cho người khuyên răn nhưng ông không nghe, lần này kiếp nạn e là khó thoát được, mong ông giảm bớt sát nghiệp mà giảm trừ tai họa''
Nói rồi ông lão biến đi mất, Phúc giật mình tỉnh giấc, tinh thần hoảng hốt. Dù muốn ngủ trở lại nhưng không tài nào ngủ được. Đến khi trời sáng thì có lệnh của chúa Trịnh Sâm từ Thăng Long truyền đến, lệnh cho Phúc nhanh chóng tiến quân đánh chiếm Quảng Nam, tiêu diệt triều đình nhà Nguyễn. Phúc thầm than [trời muốn trừng phạt nhưng lệnh chúa khó cãi, ta biết làm sao…]
Quân Trịnh sau khi sắp xếp ổn thỏa mọi việc ở Phú Xuân thì tiến hành vượt ải Vân tiến đánh đồn Trung Sơn, Câu Để.
Ở đồn này Nhạc chỉ bố trí một đội trưởng để bảo vệ đồn, quân sô trong đồn chỉ hơn 600 người. Quân Trịnh tấn công, quân giữ đồn nhanh chóng bị bại.
Hoàng Ngũ Phúc chia quân làm 5 đội đóng đồn. Do quân Trịnh vào sâu không hợp thủy thổ và thời tiết nóng trong nam, nhiều người bị nhiễm cảm, lương khô cũng hết. Quận Việp không thể tốc chiến được nữa, đành cho quân nghỉ lại để chờ triều đình vận lương đến và phát tiền cho quân Trịnh đi mua lương thực.
Tin tức đồn Trung Sơn bị chiếm nhanh chóng truyền về Mỹ Thị, Nhạc lập tức cho họp các tướng lĩnh lại
''Quân Trịnh đã tiến quân tới Câu Để, chẳng bao lâu nữa sẽ tiến quân tới nơi này, theo các vị chúng ta nên mang quân chặn đánh hay cố thủ trong thành''.
Phạm Văn Tham lên tiếng: ''Bẩm trại chủ, quân Trịnh đang thế mạnh chúng ta nên phòng thủ thì hơn, đồng thời triệu hai tướng Tài, Đình trở về lại nơi này cùng nhau chống quân Trịnh''
''Nếu như chúng ta cố thủ trong thành thì sẽ rơi vào thế bị động, ở phía Hội An trại chủ đã giao hẹn bảo vệ cho các thương nhân ở đó, nếu như rút đi, quân Trịnh tiến đến cướp phá thì công sức gầy dựng của chúng ta thành ra đổ sông đổ biển, theo mạc tướng vẫn nên mang quân đi chặn đánh'' Đào Văn Hổ nói
Tú nhìn sang phía Lân để xem đại ca có biểu hiện gì không, thấy Lân sắc mặt có chút đăm chiêu, ra chiều khó nghĩ nên Tú cũng thôi ý định muốn nói.
Nhạc cũng nhận ra điều đó nên không hỏi Lân mà quay sang hỏi Huy Đống:
''Theo ý tham tán thì như thế nào''
''Bẩm trại chủ, theo như thuộc hạ thì chúng ta nên mang quân chặn đánh, vừa có thể thăm dò được sức mạnh của quân Trịnh, lại được thế chủ động, giả như không ngăn nổi thì vẫn am hiểu tình hình mà bố trí phòng thủ. Hội An là nơi phồn hoa, thương nhân giàu có không ít, quân Trịnh có khả năng sẽ tiến đến chiếm lấy Hội An trước để cướp bốc của cải và lương thực nơi đó, chúng muốn hành quân đường dài, mưu đồ chiếm lấy cả miền nam nên ắt hẳn nhu cầu về lương thực và của cải sẽ cần rất lớn''
Nhạc gật gù tỏ ý hài lòng về câu trả lời của Huy Đống. Nhạc cho người trãi bản đồ ra, sau đó nói:
''Ta thì có ý định triệu hai tướng Tập Đình và Lý Tài tiến lên trước chặn đánh quân Trịnh. Hiện tại sẽ có ba khả năng xảy ra, đó là quân Trịnh sẽ từ Câu Để tiến thẳng đến nơi này công chiếm thành trì, đánh mạnh vào chủ lực, một trận định thắng thua. Khả năng thứ hai là chúng sẽ tiến đánh Hội An để lấy của cải, lương thực như lời tham tán nói. Thứ ba là chúng sẽ đóng quân ở giữa hai vùng Hội An và Mỹ Thị sau đó tìm hiểu tình hình cụ thể rồi mới quyết định đánh nơi nào, đồng thời cắt ngang liên hệ giữa Hội An và Mỹ Thị
Như vậy trong ba khả năng thì hướng hành quân của chúng sẽ dọc theo đường duyên hải biển. Địa điểm đến đầu là đồn sông Cẩm Lệ, vừa có đồn trú vừa có sông sâu yểm trợ, từ Cẩm Lệ có thể tiến xuống Cẩm Sa, vị trí cách Mỹ Thị hơn 40 dặm và cách Hội An gần 40 dặm''
Vừa nói, Nhạc vừa chỉ vào bản đồ về tuyến đường hành quân và các đồn trú, vị trí chiến lược.
Nhìn thấy tất cả các tướng lĩnh chăm chú nhìn vào bản đồ, Nhạc nói tiếp:
''Lần này ta sẽ cũng Lý Tài xuất lãnh bộ binh còn Tập Đình sẽ chỉ huy thủy binh. Tập Đình làm quân tiên phong, sử dụng đạo quân người Thượng và người Hoa làm mũi nhọn tập kích''
Đợi cho Nhạc nói xong, Lân mới lên tiếng nói:
''Bẩm trại chủ, lần tiến quân này, xin trại chủ cho phép mạc tướng ở lại trấn thủ thành''
Nhạc nhìn Lân kinh ngạc, trong lòng thầm nghĩ [Lân sư huynh trước nay luôn là người hăng hái đi đầu, nhưng nay lại xin ở lại trấn thủ, chẳng lẽ huynh ấy chỉ mới nghe danh quân Trịnh mà đã run sợ rồi]
Trong lòng thì nghĩ vậy, nhưng ngoài miệng thì lại nói khác:
''Lân đô đốc ở lại trấn thủ nơi này ta cũng an tâm, nếu như địch nhân có bất ngờ tập kích cũng khó lòng hạ được ngay, lương thực, vũ khí của chúng ta cũng cần có người bảo vệ an toàn. Được, ta chấp thuận đệ nghị của Lân đô đốc''
Lân chắp tay khom người nói:
''Đa tạ trại chủ đã ân chuẩn''
Sau buổi nghị sự, Nhạc cấp tốc cho người phi ngựa nhanh đến Hội An truyền lệnh cho cả hai tập hợp lực lượng, ba ngày sau tiến lên vùng sông Cẩm Lệ. Nhạc sẽ xuất lãnh một đạo bộ binh tiến đến hội quân, cùng nhau nghênh chiến quân Trịnh. Hẹn trong vòng 10 ngày sẽ hội quân với nhau tại Biều Than (ghềnh Bầu)
Còn Lân thì ra sức đẩy nhanh tiến độ sản xuất súng, cùng với các loại hỏa nổ. Huấn luyện binh lính thành thạo các chiến thuật bắn tỉa, du kích. Đồng thời kiểm tra các khối cầu đá trên các ngọn đồi, núi. Vận chuyển vật tư xây dựng ở các tuyến đường chính về hướng đông nam. Bố trí gần như toàn bộ các tuyến đường đều có tường chắn.
Mấy ngày sau có tin thám báo gửi về, trong thư có ghi
''Quân Trịnh đóng ở đồn Trung Sơn, binh lính không quen khí hậu nên bị bệnh rất nhiều, lương thực cạn kiệt nên Hoàng Ngũ Phúc đã cho quân dừng lại nghỉ ngơi chờ lương thực, ít nhất là trong nửa tháng tới không thể tiếp tục tiến quân''
Lân đọc xong thư thì thở phào: ''Ông trời cũng giúp ta có thêm thời gian chuẩn bị. Trong lịch sử thì quân Tây Sơn bại lui liên tục phải co cụm về Quy Nhơn. Nam – Bắc đều bị uy hiếp. Liệu rằng lần này ta có thể cản được bước chân của quận Việp, vị tướng già lão luyện''.
Truyện bạn đọc đã hết rồi, nhưng đừng bỏ qua bộ truyện về bóng đá Việt Nam hot nhất hiện nay, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, những sự kiện lịch sử, những con người huyền thoại, và hơn hết, là tình yêu bóng đá mãnh liệt được hun đúc thông qua những bước tiến của nhân vật chính. Xin mời các bạn cùng đến với