Ông lão hắng giọng rồi chầm chậm kể:
"Ở huyện Hòa Vang chúng ta có người tên là Lê Cảnh, mồ côi cha từ lúc còn bé, tư chất ngu độn, mẹ khuyên đi học, nhưng khổ nỗi học không nhớ, thường cắp sách qua lại bến đò An Hải. Có một đêm người lái đò mộng thấy một ông già bảo rằng: "Sáng nay có quan Hàn lâm qua đây, sao không dậy đến xem", thức dậy thì thấy Lê Cảnh đã ở đấy rồi, liền nói rằng: "Sau này anh phú quý, xin đừng quên tôi". Lê Cảnh ngạc nhiên, hỏi lại thì người lái đò bảo cho biết về việc thần báo mộng.
Lê Cảnh nói : "Vãn bối tư chất đần độn, có đâu dám mong cao thế", rồi khiêm tốn mà đi. Lê Cảnh theo học trường làng, ngày đêm cố học không lúc nào bê trễ. Một hôm chàng ta ghé ngang qua quán trà của phụ thân lão hủ, uống hết một bình trà thì nghe trong bụng lộp độp như tiếng pháo, từ đấy tư chất trở nên sáng láng, ngày học ngàn câu, rất mau tiến bộ.
Đời Hiển Tông hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu) thi hương đỗ, được trao chức Hàn Lâm viện làm quan đến Ký lục Chính dinh, có chính tích tốt. Đời Túc Tông hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chú), chết tại chức, tặng Tham nghị, không có con nối, Cảnh làm quan hai đời chúa, học hành văn chương được người đời tôn trọng."
Kể xong thì mọi người nhao nhao cả lên, có người nói:
"Sau lần nào ông kể cũng liên quán đến quán trà của ông thế, nếu thật là thế thì nơi đây đã khai sinh ra biết bao kỳ nhân dị sĩ"
Có người lại nói:"Ta đây tư chất cũng ngu độn, uống nước nhà ông mãi sao chẳng thấy tư chất trở nên sáng láng"
Mọi người nghe anh chàng kia tự nhận ngu độn thì cả cười. Ông lão chủ quán mỉm cười mà nói: "kỳ thật chuyện uống trà nhà ta rồi trở nên thông minh là do ta thêm vào cho vui thôi, còn như chính truyện thì chẳng ai biết vì sao ngài ấy trở nên thông minh"
Có người lên tiếng nói: "Ông kể làm tôi suýt chút nữa thì tin là thật, nếu quả uống trà nơi đây có thể đỗ đạt làm quan, thì chắc ngày nào ta cũng tới uống nước thay cơm"
Nhưng cũng có kẻ đề phòng mà nói: "Ông kể chuyện quan triều đình, không sợ bị quân khởi nghĩa bắt tội hay sao"
Ông lão vuốt râu từ tốn nói: "Triều đại nào cũng có quan tốt, quan xấu. Nơi này của chúng ta có người tài ra làm quan, lại là quan thanh liêm, tiếng tốt đồn xa, làm rạng danh quê nhà thì con cháu sau này cũng lấy đó mà tự hào. Ta kể cho mọi người nghe là để lưu lại tấm gương cho thế hệ sau noi theo, ra sức học tập, lấy tài trí mà góp sức xây dựng non sông thêm tươi đẹp. Giả như có người bắt tội thì hóa ra lại là người hẹp hòi, có cái nhìn thiển cận"
Mọi người nghe vậy thì vỗ tay tán dương. Lân cũng gật gù thầm nghĩ [ở nơi quán nhỏ này không ngờ lại có người trí giả, quán đơn sơ nhưng lại đông khách là vì cớ này]
Nghe xong chuyện Lân gọi đứa cháu của ông chủ quán ra tính tiền rồi cùng mọi người rời đi.
Đi thêm một đoạn thì tới chợ, đang vào lúc tết nên mọi người mua bán trao đổi hàng hóa rất đông, các khu giải trí cũng theo đó mà dựng lên. Dọc đường người ta bày ra các sạp hàng buôn bán như vải, lụa, đồ trang sức, trái cây, đường cát, đồ gốm, mật ong, chim mía, tổ yến…đủ các loại.
Thấy có người bài bán đá, hình dáng màu sắc giống như nam châm, nên Lân ghé lại hỏi:
"Ông chủ, cái này là gì, bán ra sao"
Ông chủ đáp:
" Đây là đá nam châm ở núi Quế Sơn, mang về nhà có thể thu hút tài lộc, sức khỏe dồi dào, loại nhỏ thì 3 đồng, loại lớn thì 5 đồng, huynh đệ muốn lấy loại nào cứ thoải mái lựa chọn"
Lân chọn 3 viên đá nhỏ, tính tiền xong thì đưa luôn cho Thanh Tâm.
Thanh Tâm khó hiểu hỏi:
"Huynh cho muội mấy viên đá này để làm gì"
Lân cười nói:
"Công dụng hút tài vận, trị bệnh gì gì đó thì ta không biết, nhưng cái này có thể hút được kim loại, muội là người hay may vá, thêu thùa, nên có lúc sẽ đánh rơi kim khâu, muội lấy chỉ cột vào viên đá này mà dò tìm, nó sẽ hút kim khâu bám vào ngay"
Thanh Tâm à lên một tiếng:"Vậy thì cảm tạ đại ca"
Đi ngang qua tiệm cẩm thạch, Lân và Tú chọn cho mỗi nàng một chiếc vòng tay. Cả hai cô nàng đều rất thích thú, vẻ mặt rạng rỡ hơn. Tới sập vải thì Tú vội vàng kéo tay Thanh Tâm đến để chọn cho một một sấp vải tốt. Thanh Tâm vẫn cứ e ngại không chịu chọn, nàng nhỏ giọng
"Cái này đắt lắm, ở nhà quần áo của muội vẫn còn dùng tốt, không cần phải mua đâu"
Tú cười hề hề nói:
"Muội không cần phải ngại, huynh dư sức mua cho muội, vả lại hôm nay chúng ta đi cùng một đại tài chủ nên chắc ngài ấy không để chúng ta trả tiền đâu, muội đừng có lo"
Nói rồi Tú quay sang Lân vẻ mặt tươi cười:
"Đệ nói đúng không đại ca"
Lân mỉm cười thầm nghĩ [cái tên tiểu tử này quả thật biết cách moi tiền của ta mà, vậy thì ta sẽ cho ngươi chịu khổ một phen]
Nghĩ vậy nên Lân lên tiếng: "Người làm đại ca như ta lẽ nào để tiểu đệ của mình phải chịu thiệt, hai muội cứ chọn thỏa thích, chọn xong thì tên tiểu tử này sẽ mang về"
Thanh Tâm có sở thích với các loại vải, lụa nay được mua nên nàng rất phấn khích, tay run run sờ vào các sấp vải được bài bán. Ông chủ là người tinh ý, phát hiện đây là khách có tiền nên ra sức lấy lòng, ông ta còn mang cả ra những loại tơ lụa đắt tiền, mỗi sấp có giá tới mấy quan tiền.
Hai cô nàng lựa đi lựa lại rất lâu mới chọn cho mình mỗi người một sấp vải. Thanh Tâm nói:
"Khi về muội sẽ may cho tỷ một bộ y phục, đảm bảo tỷ sẽ hài lòng"
Phi Yến cũng cười nói:
"Nếu vậy thì tỷ đa tạ muội trước"
Lân chờ hai người chọn vải đến mòn mỏi, đợi cả hai chọn xong thì Lân đứng dậy đi tới chọn mỗi loại một sấp, còn lụa tốt thì hai sấp.
Ông chủ nói nhỏ:
"Loại lụa này rất đắt, chỉ sợ đi đường có kẻ dòm ngó, để tôi đây gói kỹ lại cho ngài, nên để lẫn vào trong các sấp vải kia để người khác không nhìn thấy được. Thời buổi loạn lạc, trộm cướp đầy đường, khách nhân nên cẩn thận"
Lân chắp tay:"Cảm tạ lão bản đã nhắc nhở"
Tính tiền xong, Lân giao toàn bộ vải cho Tú ôm mang đi. Tú đưa vẻ mặt khổ sở ra nhìn Lân như muốn nói:
"Đại ca, người không mang giúp đệ một phần hay sao"
Lân ngó lơ như không nhìn thấy, còn hai cô nàng thì trố mắt kinh ngạc nhìn Lân.
"Bây giờ thì chúng ta mua gì đó để chiều về làm một buổi tiệc nhỏ đi"
Tú hăm hở hưởng ứng ngay: "Đệ cũng đang có ý này, chúng qua bên kia đi, bên đó có rất nhiều hải sản cùng các loại thịt rừng"
Đi qua phía Tây chợ, quả thực người nơi này bài bán rất nhiều loại gà, vịt, chim, hải sản, thịt rừng. Lân ghé qua một cái chòi nhỏ của một tráng hán đang bài bán cua, nhìn những con cua này rất săn chắc, đã lâu Lân không được ăn cua nên khi nhìn thấy liền muốn mua.
Tráng hán kia nhìn thấy có khách tới thì niềm nở chào bán:
"Đây là cua đá ở ruộng bùn xã Hóa Khê trang tây, phải khơi xuống mấy thước đất mới bắt được nó, thịt chắc lại thơm, ăn rất ngon, còn có công dụng chữa chứng đau mắt nữa"
Thanh Tâm hỏi:
"Giá cua này thế nào"
Tráng hán đáp:
"Chính vì nó khó bắt, những con này là loại to nhất, rất hiếm nên giá có hơi cao, mỗi con có giá nửa tiền"
Nghe xong giá thì Thanh Tâm lè lưỡi, cái này quả thực quá đắt. Lân không nghĩ ngợi mà nói ngay:
"Gói lại cho ta hết đi"
Tổng cộng có mười sáu con là 8 tiền, tráng hán bán được hết cua thì vui mừng khôn xiết, luôn miệng cảm tạ, tay thì thoăn thoát cột những con cua lại với nhau thành một chùm. Tiếp đến là mua gà, rồi cá gáy, các loại gia vị…trên tay mỗi người lúc này đều đã cầm không ít đồ. Thấy việc đi lại có hơi bất tiện nên Lân bỏ tiền ra mua hẳn một chiếc xe kéo nhỏ, chất đồ lên đó cho Tú kéo đi.
Gần tới cuối chợ thì có các đoàn tạp kỹ, trình diễn ảo thuật, có võ sư đi mãi võ, lấy đá để trên người mà đập hoặc dùng giáo đâm yết hầu rồi đẩy cong thanh giáo. Người dân vây quanh xem rất đông, có người cho tiền, có người thì cho gạo, muối…Đến cuối chợ thì có mấy cái chòi người dân vây xem đông hơn cả. Phi Yến reo lên
"Là chơi bài chòi"
Lân quay sang nhìn Tú như muốn hỏi "Ê cu biết cái này không"
Tú thì bắt chước bộ dáng ngó lơ của Lân khi nãy, không thèm nhìn mà thủng thẳng kéo chiếc xe theo sau hai cô nàng
Lân cũng lắc đầu [đúng là tự mình tạo nghiệt mà], ở thời hiện đại Lân không biết về loại hình này, dường như là vẫn còn duy trì vào các dịp tết Nguyên Đán. Còn dựa theo ký ức của thân thể này thì hình như là có nghe qua nhưng rất mơ hồ.
Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của dân lành. Để chống lại thú dữ, người dân trong làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò.
Để phù hợp với hoàn cảnh khi đó, người trên các chòi đã ngồi trên chòi để hát - hô đối đáp nhau giữa chòi này với chòi khác.
Lân quan sát qua một lượt thì thấy, trên một khoảng đất trống người ta dựng lên những cái chòi cao lêu nghêu, thành hai dãy mỗi bên 4 cái đối mặt nhau. Một chòi dựng ở giữa, đằng cuối dãy, gọi là chòi trung ương. Trên mỗi chòi có để mõ và cây dùi. Đối diện với chòi trung ương là một cái rạp, chỗ ngồi của các bậc tai mắt trong làng. Một cái bàn kê trước rạp trên cắm các cây cờ nhỏ và ống thẻ dành đề sẽ phát cho các nhà con. Bên trái bàn là một cái trống chầu, bên phải một cái chiêng.
Trò chơi này là một lối đánh bài. Các con bài thuộc thứ bài riêng gọi là bài trùng, bài tới, được bình gọi bằng những tên: ầm ầm, cổ điều, chín cu, chín gối, tám miếng, tám giây, bảy thưa, bảy hột, sáu miềng, sáu thưa, năm dụm, ngũ dít, tứ tượng, cháng ba, cháng hai, nhất trò, nhì bí, tam quăn, tứ cẳng, ngũ trợt, lục chạng, thất dung, bát bồng…Mỗi tên dùng cho hai con bài, mỗi con bài được dán trên một thẻ.
Khi bắt đầu người ta bán chòi cho các tay chơi. Mỗi chòi là 50 đồng, tất cả tiền thu là 450 đồng. Chòi trung ương không vì cái tên đặc biệt của nó mà được đối xử khác với các chòi kia. Mỗi người được lãnh 5 thẻ. Rốt lại, ở nơi bàn phát thẻ, người ta giữ lại 1 con (9x5=45, 46-45 =1). Con bài còn lại nơi tấm thẻ kia làm thẻ đôi. Thành ra, ở một trong 9 chòi trên kia tất có một chòi giữ tấm thẻ đồng tên với con bài dưới rạp này.
Một người cầm cái thẻ ra đứng giữa sân hô lên. Chòi nào giữ con bài ghép đôi với con bài còn lại, sẽ đánh 2 tiếng mõ báo hiệu mình có để người kia đem thẻ trao cho. Trong khi phát thẻ, mỗi chòi hiếm khi giữ được các thẻ có con bài đồng tên. Nếu đủ cặp họ giữ lại, nếu không đủ cặp, có con lẻ, nhân dịp nhận con bài dưới sân, chòi vừa đánh mỏ, đưa ra một con lẻ, gọi là con rác. Người chạy thẻ lại ra sân hô lớn tên con bài để có chòi nhân ra thẻ đồng loại, đánh ba tiếng mõ gọi tới. Và cứ thế chuyển bài tiếp tục một cách chậm chạp.
Giữa sân lúc bấy giờ cũng đang trình diễn một vở tuồng của ban hát đảm nhận giúp vui. Thường là hát bội hoặc hát bài chòi. Tiếng chiêng, kèn cũng nổi lên phụ giúp cho tiếng hát, trống chầu được nện thùng thùng để khen tài tử. Ngồi trên chòi, không phải chỉ một người mà có thể vài ba người hoặc một lũ trẻ, miễn là đừng quá sức chịu đựng của một cái chòi. Họ bỏ thòng chân xuống dưới giữa khoảng không, theo dõi tiếng hô trên thẻ, điệu bộ tài tử đóng tuồng, khán giả tụ tập qua lại. Trống chầu, trống chiêng, tiếng hát, tiếng hô thẻ, mõ đánh, tiếng ồn ào của người xem, họp thành một âm thanh nhộn nhịp trong một quang cảnh rộn ràng vui mắt.
Vì chòi nào, với 5 thẻ được phát, chỉ có thể có tối đa là hai đôi, nên luôn luôn có một con bài lẻ để chờ. Con bài đánh từ rạp ra nhiệm vụ của con bài thứ 6 chờ đợi đó. Khi nó dừng ở một chòi, thì một con bài khác từ chòi đó kế tục làm nhiệm vụ của nó. Chòi nào được 3 đôi đầy đủ thì đánh lên một hồi mõ dài. Họ thắng cuộc, người ta trao cho chủ chòi một cây cờ cán tre, lá giấy hồng điều được cắm trước chòi. Một cây cờ trị giá bằng một lần góp tiền (50 đồng). Trong hội 9 phần hùn trên, người ta phải chia cho người cầm trống 1 cờ, ban hát 1 cờ. Bảy cờ còn lại do các chủ chòi tranh nhau.
Trong bài chòi, người chuyền thẻ khi thấy một con bài gì đưa ra, cũng hô lên một câu thơ có ý nghĩa để người ngồi chòi đoán tên bài qua câu thai. Việc này có ý nghĩa vừa kéo dài trò chơi vừa làm vui người dự cuộc, ví như
Đi đâu quảy chiếu đi hoài
Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không
(Con bài là nhất trò)
Đầu quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hườn quăn
(Con bài tam quăn)
Ngó lên hòn núi Chóp Dung
Ai cưới nàng đó, tôi chung hai tiền
(Con bài thất dung)
Vai mang bị bạc kè kè
Nói quấy nói quá, nẫu nghe ầm ầm
(Con bài ầm ầm)
Đại khái là như vậy, người kêu con bài phải rất sáng tạo, có vần điệu thu hút người xem, người chơi. Giống như ở thời hiện đại có kêu lô tô, hát rất vần điệu, người kêu lô tô phải không ngừng sáng tạo ra để kêu số, ví dụ như:
Trong căn nhà hoang dường như có ma, nó lú dầu ra làm em cái giật mình, con ma đầu đinh hàm trăng nó trắng tinh, nó cắt đầu đinh xịt keo mà cứng khừ, con số tư, con số tư.
Bốn thầy trò lên núi tụng kinh cái bụng trình ình là chư bát giới, cái tai phơi phới là quỷ sa tăng, cái mặt hay nhăn là đường tam tạng, cái tính liều mạng là tôn ngô không, người cầm cái bát phật tổ như lai, hóa phép bàn tai nhốt anh khỉ đột, con số một, con số một
Hai cô nàng Phi Yến và Thanh Tâm rất mê cái này, cố chen vào để được chơi. Nhưng qua 2 lượt vẫn không nàng nào được thắng đành phải nhường chòi lại cho người khác. Lúc ra về Phi Yến lên tiếng nói:
"Hay là chúng ta mua thêm tranh đi, nhà của Thanh Tâm vẫn chưa có tranh để treo"
Tú hưởng ứng ngay "Tốt lắm, tốt lắm, tranh treo giá cũng rẻ à, mua bao nhiêu cũng được"
Lân cười nói: "Tranh treo cốt ở ý nghĩa chứ đắt, rẻ gì. Giả như treo hàng hàng lớp lớp mà không có ý nghĩa thì treo cũng như không"
Thực ra ban đầu Lân dự tính sẽ mua câu đối về dán trước nhà Thanh Tâm, nhưng lại thấy không hợp lắm nên đành thôi.
Truyện bạn đọc đã hết rồi, nhưng đừng bỏ qua bộ truyện về bóng đá Việt Nam hot nhất hiện nay, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, những sự kiện lịch sử, những con người huyền thoại, và hơn hết, là tình yêu bóng đá mãnh liệt được hun đúc thông qua những bước tiến của nhân vật chính. Xin mời các bạn cùng đến với