Sau khi ăn cơm xong, Nhất còn cho người mang đến cho Lân một ấm trà, rồi tự tay rót cho Lân một chén, cười rạng rỡ nói:
''Không biết đại ca đã lấy lại sức chưa, có cần đệ xoa bóp luôn không''
Lân cười mà rằng: ''Thôi đi, tay ngươi vừa thô vừa chai, xoa bóp ta càng mệt thêm, ha ha. Thôi được rồi, nể tình cái ấm trà này nên ta sẽ kể tiếp về chuyện của vị đệ nhất khai quốc công thần này:
Đào Duy Từ, hiệu là Lộc Khê, quê ở xã Hoa Trai, thuộc Thanh Hoa. Cha ông tên là Đào Duy Hán, một xướng hát chuyên nghiệp. Cha Duy Từ mất khi ông lên 5 tuổi, ông được mẹ là Vũ Kim Chi nuôi ăn học. Duy Từ tỏ ra là người thông minh sáng dạ, năm 14 tuổi ông vào học trường của Hương cống Nguyễn Đức Khoa.
Nhưng Duy Từ không được thi Hương vì luật lệ của nhà Lê bấy giờ cấm con kép hát đi thi vì tục bấy giờ cho rằng xướng ca vô loài, mẹ Duy Từ phải nhờ một viên xã trưởng là Lưu Minh Phương khai đổi họ cho ông từ Đào Duy Từ thành Vũ Duy Từ theo họ mẹ. Viên xã trưởng nhân thế, ép mẹ Duy Từ phải cưới mình thì mới chịu giúp, mẹ Duy Từ bàn lẩn đi bằng cách bảo khi nào Duy Từ thi đậu mới tiến hành cưới xin.
Khoa thi Hương năm Quý Tị (1593), Duy Từ thi đậu Á Nguyên, viên xã trưởng Lưu Minh Phương bèn đòi cưới bà Kim Chi nhưng bà viện lý do Duy Từ mới thi đậu mà mẹ đã tái giá thì xấu hổ mà từ chối, rồi bảo rằng Minh Phương hãy cho con gái lớn về lấy Duy Từ thay thế. Giận dữ, Lưu Minh Phương nộp đơn kiện bà Kim Chi làm lộ việc đổi họ của Duy Từ, viên quan huyện thụ đơn sau đi báo lại cho quan Hiến Sát.
Lúc bấy giờ, Duy Từ đang ở Hội văn trên Thăng Long dự thi và có bài văn được cho là hay nhất trường thi ở Thanh Hoa. Khi quan thái phó Nguyễn Hữu Liêu đang phân vân chấm Duy Từ vì một số bài bàn về cải cách chính trị có hơi trái ý chúa Trịnh Tùng thì bộ Lễ truyền lệnh xóa tên Vũ Duy Từ, đánh tuột Á Nguyên, lột mũ áo và đuổi về.
Nghe tin này, bà Kim Chi cắt cổ tự vẫn. Duy Từ vừa hỏng thi vừa mất mẹ nên đau buồn lâm bệnh nặng, nằm lại tại nhà trọ.
Sau khi bị lột hết áo mũ và bị đuổi về quê, Duy Từ sống bằng nghề dạy học. Một hôm ông nói với bạn rằng:
''Tôi nghe chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận Quảng, làm nhiều việc nhân đức, lại có lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền... Nếu ta theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương Lương (đại mưu sĩ của Lưu Bang) về Hán, Ngũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, ta không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời....''
Rồi mùa đông năm Ất Dậu (1625), Đào Duy Từ trốn được vào xứ Đàng Trong. Đầu tiên, ông ở huyện Vũ Xương hơn một tháng để nghe ngóng tình hình. Ông đi tìm chúa Nguyễn nhưng đến nơi thì không gặp do chúa đã đi xa để kinh lý. Hết tiền tiêu, Duy Từ phải tìm đường khác. Ông dò được là Khám lý Trần Đức Hòa vốn là một thân tín của chúa Nguyễn nên đi đến Quy Nhơn để kiếm cơ lập thân.
Sau biết khám lý Hoài Nhân là Trần Đức Hòa là người có mưu trí được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng, ông vào Hoài Nhân, đến thôn Tùng Châu để ở chăn trâu cho nhà phú hộ Chúc Trịnh Long cách nhà Trần Đức Hòa một con sông nhỏ. Tâm ý của Duy Từ là ẩn mình, chờ đợi thờ cơ đồng thời dò xét chính sự Đàng Trong.Con trai của vị phú hộ, tên là Chúc Hữu Minh, mở Tùng Châu thi xã, lấy Duy Từ làm thư đồng để phục vụ các bằng hữu văn chương.
Một hôm, khi nhà phú nông đang vui vẻ đàm luận kinh sử, Đào Duy Từ dắt trâu về chuồng. Biết đó là đám quan Nho, ông đặt chân lên bậc thềm và nhìn chằm chằm không chào hỏi gì.
Trịnh Long cùng con trai là Hữu Minh nhìn thấy thì cả giận quát:
''Kẻ chăn trâu không biết gì, sao dám hành động càn rỡ''
Duy Từ cười lớn rồi nói: ''Trong làng Nho cũng có quân tử, cũng có tiểu nhân. Trong bọn chăn trâu cũng có kẻ chăn trâu anh hùng và kẻ chăn trâu tôi tớ''.
Khách nghe Đào Duy Từ đáp như thế rất lấy làm ngạc nhiên, bèn hỏi: ''Ngươi bảo ai là Nho quân tử, ai là Nho tiểu nhân?''.
Duy Từ cười đáp: ''Nho quân tử thì phải thông hiểu tam tài. Ở nhà lo giữ đạo cha con, anh em và vợ chồng. Khi ra giúp việc cho nước nhà phải biết tìm mưu lược để giữ yên lòng dân và cứu chỗ hiểm, phò chỗ nguy, bày binh bố trận, phải lập công danh sự nghiệp, để tiếng thơm lại cho mai sau, đời đời còn rạng rỡ, ngàn năm không phai mờ.
Còn như Nho tiểu nhân, tài học nhiều lắm cũng ở mức tầm chương trích cú, chỉ muốn thong dong nơi bút mực văn chương để cầu danh lợi, mượn Nho để cười gió giỡn trăng, coi thường những kẻ hào kiệt ở đời".
Khách nhà Nho nghe nói thì kinh ngạc, bèn hỏi tiếp: ''Thế nào là kẻ chăn trâu anh hùng, thế nào là kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ, ngươi thử nói tiếp cho rõ ràng xem''.
Đào Duy Từ lại mỉm cười rồi nói: ''Kẻ chăn trâu anh hùng thì như Ninh Thích phục hưng được nước Tề, Điền Đan dùng kế hỏa công mà thu phục những thành trì bị người nước Yên chiếm cứ, Hứa Do dắt trâu ra khe uống nước mà cũng biết được lẽ hưng vong và thịnh loạn, Bách Lý Hề đi chăn dê vùng miền trung nước Tần mà cũng nắm vững sự thịnh suy, bĩ thái...''
(Ninh Thích, người chăn trâu ở Dao Sơn Ninh Thích, người nước Vệ đời Xuân Thu. Người có tài kinh bang tế thế. Lúc còn hàn vi, chưa gặp thời, mình mặc áo cộc, đầu đội nón rách, đi chân không, thường gõ vào sừng trâu mà hát ở núi Dao Sơn. Lúc bấy giờ Tề Hoàn Công đem binh đánh Tống. Tể tướng nước Tề là Quản Trọng đi trước.
Ngồi trên xe nghe tiếng hát, biết không phải là người thường mới sai quân sĩ đem tặng cơm rượu.
Ninh thích nói: ''Tôi muốn được yết kiến quan Tể tướng''
Quân sĩ nói: ''xe quan Tể tướng đã đi khỏi''
Ninh Thích nói: ''Tôi có một câu này nhờ người đọc lại cho quan Tể tướng nghe. Ấy là câu: "Nước trong leo lẻo..."
Quân sĩ theo kịp xe Quản Trọng, thuật cả lại cho nghe. Trọng không hiểu được ý câu nói ấy ra sao. Có người thiếp yêu là Tĩnh Nương vốn thông minh học rộng thường được theo hầu.
Quản Trọng hỏi, nàng nói: ''Thiếp nghe cổ giả có bài thơ "Nước trong". Có câu: "Nước trong leo lẻo, cá lượn giữa dòng; người đến triệu ta, ta cũng bằng lòng". Ý chừng người chăn trâu muốn ra làm quan đó. Quản Trọng lập tức dừng xe lại, cho người mời
Ninh Thích đến chào mà không lạy. Trọng hỏi qua họ tên, thân thế và học thức, Ninh Thích đối đáp thông suốt như nước chảy.
Trọng khen tài, bảo: ''Kẻ hào kiệt lúc chưa gặp thời, không có người tiến dẫn thì sao cho rõ tài được. Đại binh của chúa công ta đi sau, chẳng bao lâu cũng đến đây, ta viết cho nhà thầy một bức thư để cầm đưa cho chúa công ta, tất chúa công trọng dụng''.
Ninh Thích cầm lấy thư trở lại Dao Sơn. Ba hôm sau, đại binh Tề Hoàn Công kéo đến. Ninh Thích gõ vào sừng trâu, cất tiếng hát: ''Thương lang chi thủy, bạch thạch lạn, Trung hữu lý ngư trường xích bán. Sinh bất phùng Nghiêu dữ Thuấn thiện, Đoản hạt đan y tài chí cán. Tùng hôn phạn ngưu chí dạ bán. Trường dạ man man, hà thời đán''
(Kìa sông Thương Lang, đá trắng lởm chởm, Có con cá chép dài một thước hơn. Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp, Áo cộc che thân độ đến ngang lưng, Ta cho trâu ăn từ tối đến đêm. Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng).
Tề Hoàn Công nghe thấy lấy làm giận, sai quân đòi đến. Hoàn Công hỏi họ tên rồi bảo: ''Nhà ngươi là đứa chăn trâu, sao dám gièm chê việc chính trị''.
Ninh Thích đáp: ''Tôi có dám gièm chê chính trị đâu''.
Hoàn Công nói:
''Ngày nay trên thì có thiên tử nhà Chu trị vì, dưới thì các chư hầu theo lệnh. Nhân dân vui vẻ, cây cỏ tốt tươi, dẫu đời Nghiêu Thuấn thái bình chẳng qua cũng chỉ như thế. Vậy mà nhà ngươi dám bảo rằng: "Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp", lại bảo: "Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng". Thế không phải gièm chê chính trị là gì?''
Ninh Thích thưa:
''Tôi nghe nói đời Nghiêu Thuấn mưa gió thuận hòa, dân gian không phải lo sợ gì, chỉ việc cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống. Đời bây giờ trái lại, giềng mối đổ nát, giáo hóa suy đồi, thế mà bảo "Nghiêu Thuấn thái bình" thì thật tôi không hiểu được.
Vả lại đời Nghiêu Thuấn trừ bốn kẻ hung ác mà thiên hạ được yên. Từ bấy giờ không phải nói mà dân tin, không phải giận mà dân sợ. Nay chúa công mới hội chư hầu, đã thấy nước Tống bội ước, nước Lỗ hiếp thề, chinh chiến quanh năm. Tôi lại nghe nói vua Nghiêu bỏ con là Đan Chu mà nhường thiên hạ cho ông Thuấn, Thuấn không chịu nhận bỏ trốn ra Nam Hà, trăm họ rủ nhau mà theo Thuấn.
Bấy giờ ông Thuấn bất đắc dĩ mới lên nối ngôi. Nay chúa công giết anh ruột mà cướp nước, lại mượn uy thiên tử để sai khiến các chư hầu. Vậy thì tôi không biết có phải là lối vái nhường nhau như vua Nghiêu, vua Thuấn ngày xưa không?''
Tề Hoàn Công nổi giận, quát:
''Đứa thất phu dám nói càn! Liền truyền quân sĩ dẫn ra chém''
Loạn thế khởi, hào kiệt phân tranh.
Nơi máu anh hùng và lệ mỹ nhân hoà quyện vào nhau.
Nhân quả và luân hồi đan xen tạo thành bánh xe vận mệnh.
Giữa mộng và tỉnh, đúng và sai, đâu mới là con đường chân đạo.
Tất cả chỉ có tại