- Tráng sĩ, đây là loại vải tốt nhất của tiệm. Tráng sĩ hãy sờ thử xem có mịn không. Phải là loại vải này mới xứng để may y phục cho tráng sĩ.
Lão Bảy Lụa, chủ tiệm vải đưa ra thứ vải quý, hồ hởi giới thiệu. Chẳng biết có phải những sự trong cuộc rượu tối qua đã được lan truyền, mà sáng nay ra đường, cả cái phường Chiếu bắt gặp Phúc đều xúm lại chào hỏi, nhiệt liệt bày tỏ lòng ngưỡng mộ.
- Ông chủ Bảy, cảm ơn ông. Nhưng quần áo ta như này cũng được rồi, chưa có cần phải thay mới làm gì.
Phúc vừa nói, vừa giơ ra tấm áo đang mặc. Tấm áo đã sờn vải, lỗ chỗ rách. Mặc cho chàng khước từ, chủ tiệm vẫn nhiệt tình mời mọc:
- Sao lại chưa cần chứ. Quần áo tráng sĩ đều rách cả rồi, không lẽ tráng sĩ cứ định mặc như vậy sao. Đông đến, phong phanh sao được, cũng nên có thêm vài bộ. Tráng sĩ là bậc anh hùng, chiến công hiển hách, có mặc cũng phải mặc thứ vải tương xứng. Hay là tráng sĩ không thích loại này. Nếu vẫn chưa ưng, vậy để tôi đổi sang thứ khác, tráng sĩ thử xem sao.
Lão Bảy Lụa lục đục lôi ra ba bốn thớt vải quý khác, trưng lên trên mặt bàn. Thấy Phúc vẫn hững hờ, lão lại suy đoán:
- Hay là tráng sĩ lo chuyện đắt rẻ. Yên tâm, tráng sĩ cứ lựa thoải mái, vải này tôi xin biếu, cũng chẳng tính công cán gì. Nếu Bảy tôi dám lấy tiền của tráng sĩ, trời phật quở cho cả nhà mất lộc.
Phải thề thốt độc miệng, xem ra lão thực sự rất muốn được may cho “vị tráng sĩ trẻ” tấm áo mới. Lão Phú Kiệm đứng bên cũng động viên, thuyết phục chàng:
- Tráng sĩ…. cậu cũng nên sắm lấy bộ quần áo cho tươm tất chứ. Dù gì cũng là bậc anh dũng ở đời, tuềnh toàng quá người ta lại cho là… Đấy tráng sĩ xem, cái tay Cao Điện ở bến, hắn không biết, còn lầm tưởng cậu với lũ ăn mày, chẳng vậy mà đã mạo phạm đến.
Lời lão nói quả không sai. Phúc đi đến đâu, người ta cũng cho là ăn mày, nếu không xua đuổi thì cũng dè bỉu hắt hủi. Nhưng chàng đã quen với điều đó. Một kẻ lang bạt, áo quần rách rưới, bộ dạng cầu bơ cầu bất thì có khác ăn mày là mấy. Chàng chẳng vì vậy mà bận tâm, vẫn nhất quyết từ chối. Lão Phú Kiệm lựa không thuyết phục được ngay, quay qua nói với chủ tiệm.
- Ông cứ cắt lấy hai bộ, làm cho thật chỉn chu, xong chuyển đến nhà cho ta.
Lão Bảy Lụa gật đầu cung kính. Phúc cùng chủ nhân của phường Chiếu rời hàng vải, ghé qua hàng chiếu bên đối diện. Chủ hàng tên Thà, vừa nhìn thấy Phúc đã đon đả đón mời:
- Ông chủ Phú, tráng sĩ, hai người đến chơi.
Gã vỗ vai Phúc đôm đốp, nói cười suồng sã:
- Tráng sĩ còn trẻ mà sức rượu tốt quá. Đáng mặt anh hùng lắm. Hà hà hà. Chưa bao giờ Thà này lại phải vất vả như hôm qua. Hai người xem, lúc tàn bữa đứng dậy, thằng này còn chẳng nhớ nổi đường. May có ông chủ Phú cho người đưa về, không con mẹ ở nhà nó lại chẳng chửi đổng lên, sợ có khi đến giờ còn chưa dứt. Đúng là tuổi trẻ tài cao quá mà. Hà hà hà
Nhắc tới rượu, đến giờ Phúc vẫn thấy trong người còn có hơi men. Chàng chẳng biết bữa qua đã uống hết bao nhiêu, chỉ nhớ là bị chín người xúm lại chúc tụng, uống đến khi tất cả cùng không đứng nổi.
Từ đằng sau, ả vợ của chủ hàng chiếu đi ngang qua. Nghe nhắc đến mình, thị thì liền đứng chống nạnh, bĩu môi, “hứ” lên một tiếng. Có lẽ thị cũng nhận ra sự có mặt của lão Phú Kiệm, không biết là sợ hay nể, liền đổi dáng đi vào trong. Tay chủ Thà thấy vợ đi vào thì liền gọi giật lại, nói:
- Mẹ mày, cái Dịu đâu rồi nhỉ. Mẹ mày cho nó ra đây luôn. Có ông chủ Phú và tráng sĩ đến chơi. Mau bảo nó mang nước ra đây mời khách đi chứ.
Lão Phú Kiệm cũng tham gia vào:
- Được cô con gái diệu của ông Thà ra mời nước thì còn gì bằng. Biết đâu lại được vào mắt xanh của tráng sĩ đây, thì là cái phước của nhà này rồi.
Cả lão cùng tay chủ Thà cùng cười lớn. Từ trong, một thiếu nữ xinh xắn bước ra, chính là con gái của ông chủ tiệm chiếu. Dịu bưng theo khay nước, rót ra chén, lễ phép mời mọi người. Phúc ngước mắt nhìn theo. Quả là chàng có bị thu hút bởi vẻ nhẹ nhàng, hiền dịu của nàng. Tay chủ Thà thấy chàng có vẻ ưng thuận thì cũng chẳng ngại mà hỏi lớn:
- Đây là gái lớn của nhà này, cũng đến tuổi rồi. Tráng sĩ, cậu thấy sao?
Câu hỏi đường đột khiến Dịu ngại ngùng e thẹn, hai má ửng hồng, càng khiến nét xuân nữ thêm xinh. Nàng nũng nịu, khẽ gọi một tiếng “cha” như trách khứ rồi mau chóng đi vào trong. Phúc cũng bừng tỉnh. Tay chủ Thà lại gặng hỏi:
- Sao nào, tráng sĩ? Chỉ cần cậu ưng, Thà này sẽ lập tức gả nó cho. Có con rể là tráng sĩ thì còn gì bằng, phải không ông chủ Phú. Ha ha ha.
Lời nói chẳng biết là đùa hay thật, nhưng tiếng cười thì rất khoan khoái. Đời thuở, có ai lại đem con gái ra gả bán thô lỗ như vậy chứ. Xem ra, cái danh “tráng sĩ” quả là một thứ gì đó to tát. Lão Phú Kiệm cũng hưởng ứng:
- Con gái ông chủ Thà ở cái đất này là nhất rồi. Nếu mà được gả cho tráng sĩ đây, chẳng những là phúc của nhà ông, mà còn là phúc cho cả cái phường này. Ông Thà, nếu được vậy, Phú ta sẽ lo liệu, lễ lạt cưới xin thế nào ông cứ ra.
Tay chủ Thà như nhớ ra điều gì đó, vội biện bạch:
- Ấy c·hết, đâu có bằng được tiểu thư cành vàng lá ngọc của ông chủ Phú chứ. Tất cả xin nhường lại. Thà này biết thân biết phận, không có dám nghĩ chuyện tranh phúc với nhà ông đâu? C·hết thật, vô ý, vô ý quá.
Lão Phú Kiệm xua tay, nhẹ nhàng đáp:
- Cái này là ở tráng sĩ. Ta với ông đâu quyết được chứ.
Cả hai lại cười đầy vui vẻ. Riêng Phúc vẫn im lặng, không đoái hoài đến câu chuyện. Quả là con gái chủ hàng Chiếu có xinh đẹp, nhưng chẳng hiểu vì sao, lòng chàng không chút rung động.
Lão Phú Kiệm cứ thế dong duổi, dẫn Phúc đi hết một vòng phường Chiếu. Bỗng nhiên, Phúc trở thành một kẻ được dân chúng chốn này tôn kính. Ngày một, rồi đến ngày hai, sự tiếp đón nồng hậu, những ồn ã vây quanh khiến chàng cảm thấy mơ hồ, lạc lõng. Trong phòng khách của tư gia lão Phú Kiệm:
- Ông chủ Phú, cảm ơn ông đã đối đãi tốt những ngày qua. Ân tình của ông chủ, Phúc ta thực sự vô cùng cảm kích, không biết phải báo đáp thế nào. Có điều …
Phúc ngập ngừng, chưa thể nói hết câu. Lão Phú Kiệm từ tốn:
- Tráng sĩ sao vậy? Có phải có chuyện gì không hài lòng chăng?
Phúc lắc đầu:
- Không. Mọi chuyện ở đây đều rất tốt, ta không có gì phàn nàn cả.
Lão Phú Kiệm lại hỏi:
- Vậy có điều gì, xin tráng sĩ cứ nói. Ta sẽ cho người giải quyết ngay.
Phúc ngập ngừng:
- Cũng không có gì. Chỉ là… Phúc ta chỉ là một kẻ vô danh, lang thang nay đây mai đó, không hiểu sao lại được ông chủ Phúc coi trọng đến vậy. Ông chủ Phú càng đối tốt, ta lại càng cảm thấy không phải, thực không thể đón nhận thêm được nữa. Xin hãy cứ xem ta như một kẻ bình thường. Dù gì ông chủ Phú cũng đã trả công cho ta, vậy hãy để ta làm gì đó. Việc gì cũng được, bất kể nặng nhọc, hãy cứ để ta làm.
Nghe chàng bộc bạch, lão Phú Kiệm khẽ đáp:
- Tráng sĩ, ta thật lòng là ngưỡng mộ tráng sĩ, muốn được mời tráng sĩ về làm khách, ở chơi tại đây ít lâu. Thực sự là chỉ có vậy thôi, không có ý gì khác, xin tráng sĩ chớ nghĩ ngợi làm gì. Phú ta là dân buôn bán, thường ngày chỉ biết đến đồng tiền lời lãi, vẫn luôn ao ước có thể được kết giao, làm bạn với các bậc anh hùng kiệt, các bậc chí sĩ ở đời. Nhưng có mấy anh hùng hào kiệt lại chịu để mắt đến một con buôn nhỏ nhoi như ta chứ. Vì vậy, ngay khi gặp tráng sĩ, ta đã một lòng muốn được kết giao rồi. Việc này chỉ xuất phát từ sự kính trọng, quyết không có ý lợi dụng điều chi, xin tráng sĩ chớ lo.
Phúc vẫn cảm thấy áy náy, lại nói:
- Nhưng ta quả thực chỉ là một kẻ tầm thường, chẳng phải anh hùng hào kiệt gì, cũng đâu xứng là tráng sĩ.
Lão Phú Kiệm nhẹ cười, đáp:
- Với người khác thế nào không biết, chứ với Phú ta thì tráng sĩ chính là tráng sĩ. Chỉ một lần chứng kiến tráng sĩ đánh với lũ người
Tống ở Kiếm hội đã là quá đủ cho ta phải ngưỡng mộ rồi.
Lão không đợi Phúc lên tiếng, lại tiếp tục:
- Tráng sĩ thấy đấy, nhà ta đầy những người làm, kẻ ở, đâu có cần phải thuê thêm nữa đâu. Vì vậy, tráng sĩ cũng không nên lăn tăn chuyện đó. Với ta, chín đồng để có thể mua tráng sĩ bầu bạn cùng mỗi ngày là cái giá rất hời rồi. Tráng sĩ xem, ta là dân buôn bán, đâu có chịu thiệt đâu chứ. Xin tráng sĩ cứ ở lại chơi thêm mấy bữa nữa, để cho Phú này được thỏa ước nguyện trong lòng.
Trước thành ý của lão, Phúc đành nghe theo. Dù sao chàng cũng được người ta đối đãi hết mực, không thể quá cự tuyệt được. Phúc chỉ có một yêu cầu, muốn được gọi bằng tên thay cho cái danh xưng “tráng sĩ” hào nhoáng, mĩ miều kia. Lão Phú Kiệm vui vẻ nghe theo.