Gà. Vịt. Thỏ. Cá. Lần lượt những món ngon được đầu bếp mang lên. Rượu cũng bày sẵn. Một bàn tròn với mười người ăn đã đông đủ.
Lão Phú Kiệm ở ngôi chủ vị, hoan hỉ cất lời:
- Mọi người, bữa nay Phú ta mời các vị tới, là có một khách quý, muốn giới thiệu với tất cả.
Tám vị khách có mặt trong bữa tiệc rượu, tướng tá giống dân buôn bán cùng đổ dồn ánh nhìn về phía Phúc. Chàng là kẻ lạ ở chốn này, đương nhiên chính là vị khách quý mà chủ nhà muốn giới thiệu. Lão Phú Kiệm vỗ nhẹ vào vai, như muốn chàng đứng lên cùng, rồi giới thiệu:
- Xin thưa với mọi người, chàng trai trẻ, người bạn của ta, người mà ta muốn giới thiệu chính là vị tráng sĩ đây.
Hai từ “tráng sĩ” được thốt ra đầy trịnh trọng, khiến cả tám vị khách kia chẳng khỏi phân vân. Một thanh niên trẻ hoắc, áo quần rách rưới lếch thếch, lại được kẻ có địa vị nhất phường Chiếu mở tiệc chiêu đãi, đích thân giới thiệu. Việc dù không muốn tin cũng phải tin sáu bẩy phần. Tám người liếc mắt nhìn nhau, như thể dò xét. Lão Phú Kiệm tiếp tục:
- Giới thiệu với tráng sĩ, đây là những người bạn đồng giới của ta. Tất cả đều là các ông chủ các cửa hàng lớn ở cái phường Chiếu
này.
Rồi lần lượt chỉ mặt, đọc tên. Sát ngay bên phải, đứng gần nhất là một lão đầu hói, hàng lông mày rủ xuống như buông mành, tên gọi Bảy Lụa, là chủ tiệm vải. Kế tiếp là Ba Chọi, một gã phương phi, hai mắt híp tịt, miệng nhềnh như cá ngão, làm chủ cửa hàng đậu. Rồi lần lượt là các chủ quán thuốc, tiệm chum lọ, lò rèn… đủ các các mặt hàng trên phố, nhưng nhiều nhất vẫn là những ông chủ tiệm chiếu võng. Phúc ít tuổi hơn cả, so ra chỉ hạng con cháu, thành thử phải giữ lễ.
- Ông chủ Bảy, ông chủ Ba, ông chủ Thà, Ông chủ Bùng …
Mỗi lần lão Phú Kiệm giới thiệu là một lần Phúc cúi đầu, gượng gạo chào hỏi. Chàng chào đến mỏi cả miệng, tưởng như muốn trẹo quai hàm. Bỗng nhiên, Phúc thấy mình thật lạc quẻ, chỉ muốn thoát ngay khỏi chốn này. Dù sao, được đón tiếp bằng tiệc rượu vẫn hơn là gậy gộc, dây trói. Chàng thầm nghĩ:
“Lẽ nào lão chủ đây thực sự muốn ta tới chơi? Đâu ai lại mở tiệc rượu, mời hết khách khứa đến chỉ để bắt một tên trộm cơ chứ. Kệ đi, dù sao cứ được chén rượu cái đã, thế nào để sau tính.”
Trong lòng lúc này cảm thấy nhẹ nhõm đi nhiều. Màn giới thiệu cuối cùng cũng kết thúc, tất cả cùng cụng chén, trước khi uống cạn. Rượu ngon, chỉ là phải uống bằng chén, thành ra không được đã. Đã mấy ngày nay, Phúc bị cơn khát rượu h·ành h·ạ. Chàng thuận tay uống liền hai chén. Rượu vừa được rót đầy đã lại hết. Phúc cứ thế tự rót tự uống, chẳng cần phải ai mời mọc. Chàng chỉ còn thiếu nước ngửa nậm lên, đổ thẳng vào miệng mà tu cho thỏa cơn khát. Vừa rót đến chén thứ ba thì từ phía đối diện, tay chủ tiệm chum lọ đánh tiếng:
- Tráng sĩ, cho phép Bùng tôi được kính tráng sĩ một chén – gã nâng chén lên, nhưng chẳng chịu uống ngay, lại nói tiếp - Không biết tên họ, cao danh của tráng sĩ là gì? Đám dân buôn chúng tôi quanh năm chỉ bám víu ở đất này, ít có điều kiện được giao du đây đó như ông chủ Phú, thành ra hiểu biết hạn hẹp. Xin tráng sĩ cho để tiền đường xưng hô.
Gã vừa nói, vừa đánh mắt nhìn lão Phú Kiệm. Quả nhiên, trong màn giới thiệu trịnh trọng khi nãy, chủ nhân của phường Chiếu không hề nhắc đến tên tuổi, danh tánh của chàng. Không phải sơ suất, mà quả thực là lão không biết. Từ khi gặp Phúc ở bến nước, lão luôn mồm một câu tráng sĩ, hai câu tráng sĩ, cứ gọi vậy thành quen. Nay nhân có người hỏi đến, lão mới sực nhớ ra:
- Phải rồi, tráng sĩ, cao danh của tráng sĩ là gì nhỉ?
Câu hỏi của lão khiến cả tám “thương nhân” lần nữa ngơ ngác nhìn nhau. Lão đã giới thiệu là “khách quý” là “bạn” có lý nào lại không biết tên tuổi cơ chứ. Phúc được hỏi thì cũng chẳng giấu diếm:
- Ta tên Phúc.
Câu trả lời có phần cộc. Lão Phú Kiệm lại hỏi:
- Là gì Phúc vậy? Thưa tráng sĩ.
Phúc liền đáp:
- Là Phúc.Từ bé tới lớn mọi người đều gọi ta như vậy.
Chàng trả lời rồi đổ tụt chén rượu vào miệng, mặc kệ vẻ mặt chưng hửng của tất cả. Vừa nuốt xong chén rượu thì lại một “thương nhân” khác có ý kiến:
- Cậu Phúc được ông chủ Phú gọi là tráng sĩ, ắt hẳn phải có sự tích anh dũng, hay cái tài nghệ hơn người. Chẳng hay… cụ thể là gì, có thể kể ra để chúng tôi ở đây cùng được ngưỡng mộ.
Câu hỏi này vốn dành cho lão Phú Kiệm. Phúc đang rót dở chén rượu, nghe thì ngớ người, không biết phải trả lời thế nào. Thực tình chàng chẳng ngờ lại có người gọi mình như vậy, cũng chẳng hiểu hai từ “tráng sĩ” nó khí phách, oai dũng ra làm sao. Lão Phú Kiệm là người khởi xướng cho việc này, đương nhiên có trách nhiệm phải làm cho rõ:
- Ông Ba hỏi hay lắm. Cậu Phúc, tráng sĩ đây sở dĩ được gọi như vậy, đương nhiên phải có cái tài nghệ, công trạng hơn người. Kể cho các ông biết, để ngày mai các ông còn lan truyền cái sự này cho cả phường ta cùng được nghe. Hỏi các ông, kẻ thù ác độc, thâm hiểm nhất của người Việt, của nước Nam ta là ai?
Lão không trả lời ngay, mà hỏi ngược lại như khơi gợi sự hiếu kì. Vừa dứt câu hỏi thì một người trong đám chủ buôn đã đáp:
- Còn ai ngoài cái thứ giặc Ngô chứ. Giặc bên Ngô không bằng cô bên chồng, các cụ chẳng bảo thế là gì.
Người khác cự lại:
- Ấy thế là còn kém bà cô của mình rồi. Giặc Ngô ác mấy thì cũng đâu bằng giặc Hán nhỉ? Thằng Mã Viện nó chẳng tụt cả quần, dùng cái bỏ mẹ đấy làm kế hại c·hết hai vua bà của ta đấy thây. Các ông xem, thế có tanh tưởi, bẩn thỉu không.
Một người khác nghe nhắc đến Mã Viện thì chẹp miệng, ra vẻ tiếc nuối:
- Kể ngày ấy mấy bà cứ xiên cho bọn chúng một nhát, cắt bố cái của nợ ấy đi thì con cháu chúng nó tịt nòi rồi không?
Người khác nữa lại nêu quan điểm:
- Thâm hiểm thế nào cho lại bằng tay họ Triệu. Vùng Cổ Loa dân đấy vẫn còn kể, ngày trước, để hạ thành, đánh thắng vua Thục Phán,
hắn còn cho gả con trai, bán hẳn sang ở rể mấy năm ở đất mình. Vì việc lớn của mình, đến con trai ruột hắn tay đó còn dám đem bán, thử hỏi đã đủ hiểm chưa.
Rượu đã có tí hơi, thành ra cuộc tranh luận sôi nổi. Mỗi người một ý kiến, sau hồi vẫn chưa thống nhất được. Lão Phú Kiệm đợi cho tất cả nói hết ra rồi mới tổng kết lại:
- Giặc gì thì cũng cùng một dòng giống nhà chúng nó, Hán, Đường, Ngô, Tống đều như nhau cả thôi. Các ông cứ tách bạch làm gì. Kẻ thù của người Việt, của nước Nam ta trước nay vẫn là lũ phương bắc ấy.
Nghe lão khẳng định như vậy, mấy tay khách cũng gật gù cho là phải. Một tay lại hỏi:
- Vậy thì có liên quan gì đến tráng sĩ đây?
Lão Phú Kiệm chỉ chờ câu hỏi này, đáp:
- Sao lại không. Tháng trước ở Mai Hoa cốc có tổ chức Kiếm hội, là nơi quy tụ toàn thể anh hùng các môn phái của người Việt ta. Ấy vậy mà lũ người Tống đấy dám mò đến. Chúng âm mưu muốn c·ướp đi thanh kiếm báu, lấy đi linh khí của đất nước ta. May sao có cậu Phúc đây. Chính cậu Phúc đã đả bại chúng, đánh cho bọn chúng một trận tả tơi, phải hộc máu mồm, không còn dám nghĩ đến chuyện c·ướp kiếm nữa. Các ông nói xem, sự tích anh hùng như vậy, có xứng được gọi là tráng sĩ không?
Những lời lẽ khoa trương, khiến Phúc phải giật mình. Mấy tay khách là kẻ ngoại đạo, nghe đến chuyện đánh đấm, đao kiếm giang hồ thì vừa kính vừa sợ, với cái gọi là “tráng sĩ” tất cũng đồng tình. Tất cả lại đồng loạt cụng chén. Lão Bảy Lụa, chủ tiệm vải như vẫn chưa thỏa mãn, lại đề nghị:
- Ông chủ Phú, tráng sĩ. Nghe ông chủ Phú kể như vậy, bọn tôi tất đều tin vào cái sự oai hùng của tráng sĩ đây, chẳng ai dám có chút lòng riêng nghi ngờ cả. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy. Ông chủ Phú đã cho chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ, lẽ nào lại không chiếu cố cho chúng tôi, gọi là được tận mắt thấy cái tài nghệ phi phàm, cái phẩm chất hơn người của tráng sĩ đây.
Lão Phú Kiệm ban đầu có vẻ khó chịu, nhưng sau thoáng nghĩ suy thì lại đổi qua đồng tình, hoan hỉ nói lớn:
- Đúng đúng, ông Bảy nói đúng lắm.
Rồi quay qua Phúc.
- Tráng sĩ, ta đã được thấy tráng sĩ dương oai ở Mai Hoa cốc, thành thực ngưỡng mộ rồi. Nhưng mấy lão ở đây thì mới chỉ được nghe kể lại, tất còn có kẻ bán tín bán nghi, chẳng thành cũng nghi ngờ lời nói của Phú này sao. Nếu bọn họ đã muốn kiểm chứng, ta nghĩ tráng sĩ cũng không nên tiếc công làm gì.
Phúc với lời đề nghị bất ngờ thì lúng túng. Chàng không biết bản thân có gì để đáng gọi là “tráng sĩ” làm sao để chứng minh được cơ chứ? Lão Phú Kiệm liền gợi ý:
- Để ta cho người tới. Tráng sĩ có thể coi họ là mấy tên giặc Tống. Hôm ấy ở Mai Hoa cốc tráng sĩ đá chúng thế nào, nay cứ thế làm lại là được.
Mấy tay khách kia cũng đồng loạt hưởng ứng. Rõ là lão đang xui chàng đi đánh người. Phúc nghe vậy thì vội gạt đi:
- Không được, không làm thế được.
Lão Phú Kiệm:
- Sao vậy? Tráng sĩ thấy có gì không được à.
Phúc:
- Tên người Tống đó có võ nghệ, là một cao thủ. Ta không thể lấy người của ông chủ Phú thay cho hắn được. Nhỡ may quá chân là c·hết người đó.
Chàng vẫn nhớ khoảnh khắc giao đấu với gã Mộ Bạch ở Mai Hoa cốc hôm đó. Nhờ có luồng chân khí của lão Hoàng Cái bộc phát, chàng mới đánh bại được gã. Nếu vô tình để người thường trúng phải cước đó, sẽ chẳng thể nào sống cho nổi. Mà dù có không, Phúc cũng nhất quyết từ chối. Khoe mẽ võ nghệ không phải điều gì nên làm. Trước khi xuống xuôi, ông đã luôn căn dặn như vậy. Bản thân Phúc cũng tự ý thức việc che giấu bản thân. Mỗi lần chàng để lộ ra võ nghệ, là những phiền phức, tai họa ập đến.
Lão Phúc Kiệm nghe nói đến việc c·hết người thì cũng có chút chờn, đảo mắt suy tính. Lão nhìn ra cây bưởi ngoài sân, nảy sinh ý tưởng:
- Đây rồi. Không cần phải đánh người nữa. Ngoài sân có cây bưởi, quả mọc ở tít trên cao. Tráng sĩ có thể lấy chúng làm đích.
Tất cả cùng hướng mắt nhìn ra sân. Chênh chếch bên phải ngay lối cổng vào có một cây bưởi lâu năm, đang vào mùa ra trái. Những
trái bưởi to bằng đầu người, treo tít trên cành cao hơn trượng, người thường tất chẳng chạm tới được. Quả là một ý tưởng tuyệt vời. Mấy tay “thương nhân” cùng đồng thuận:
- Đúng, đúng đó. Tráng sĩ hãy đánh rụng chúng xem.
Lão Phú Kiệm lại nói:
- Nếu như tráng sĩ có thể liền một hơi đánh rụng năm quả, Phú ta sẽ cung kính gửi tráng sĩ một quan tiền, coi như chút quà nhỏ khích lệ.
Có tiền treo thưởng, không khí trở nên náo nhiệt. Phúc nhìn mấy trái bưởi, trong đầu nghĩ về số tiền thưởng:
“Năm quả chứ đến mười quả cũng chẳng khó gì. Việc này nhắm mắt cũng làm được. Chỉ là … ta được người mời về chơi nhà, trả tiền công, lại cho rượu thịt ăn uống no say, há còn cần đến tiền thưởng kia sao? Thôi thì coi như biểu diễn mua vui, đáp lại lòng tốt của lão chủ nhà vậy.”
Nghĩ là vậy, chàng liền nhảy vọt ra sân. Một cái nhún mình, cả người đã ở trên không. Cước pháp đá ra, liền một hơi đánh rụng mười mấy trái bưởi. Những trái bưởi rơi bồm bộp, lăn lông lốc trên sân gạch. Đám khách “thương nhân” nhất loạt trầm trồ tán dương, tiếng vỗ tay rào rào không ngớt. Đến lúc này, tất cả đều đã tin vào cái oai phong phi phàm của bậc tráng sĩ. Cuộc rượu đến hồi tưng bừng rộn rã.