Trời thu nhẹ và trong, từng vạt nắng vàng óng ả trải ra như lụa. Gió thu dịu nhẹ đưa hương cỏ thơm quyện với mùi sương sớm tươi mát. Lương Nhất Công cùng Tố Như đến vườn ổi phía bên kia hồ nước. Những thân ổi khẳng khiu, nhẵn nhụi vươn cao, cành lá che rợp đầu người. Dưới tán lá xanh, những trái ổi chín vàng mịn màng, kết thành từng chùm nhỏ xinh xắn. Lương Nhất Công với tay, ngắt lấy hai trái. Chàng khẽ đưa lên ngửi, cảm nhận hương ổi trước khi chuyền cho Tố Như. Trái ổi chín thơm lừng dịu ngọt, có thể giúp xoa dịu những tâm hồn. Tố Như đón nhận, nâng niu chúng trong tay như đang cầm nắm kí ức. Thuở bé, Dương Vinh cha nàng vẫn thường ngắt trái ổi chín, chia cho các con. Ba chị em hân hoan nhận lấy, cùng nhau hò reo, nô đùa quanh những gốc cây. Hai người em trai năng động, lại học võ, thường chèo lên những cành ổi, từ trên cao thả mình vắt vẻo mà trêu đùa chị. Những lúc như vậy, nàng lại khóc, lại xà vào lòng cha để được cha dỗ dành. Cha sẽ vì nàng mà quát mắng hai em, còn mẹ sẽ hiền hậu đứng ra phân giải. Lớn lên một chút, nàng theo sư cô lên chùa học Phật, ít có điều kiện về thăm gia đình. Dẫu vậy, mỗi lần về, nàng lại rủ cả nhà ra vườn ổi chơi. Mẹ và hai em đều tham gia, duy có cha là bận việc nên dần dà vắng mặt. Vườn ổi vẫn vậy, vẫn xanh tươi và sum suê trái, tất cả như vừa mới hôm qua, chỉ là người đã không còn nữa. Tố Như nhìn trái ổi chín trong tay mà rưng rưng hai hàng lệ. Nàng lại khóc. Tiếng khóc không nức nở, ai oán mà khẽ khàng, cam chịu, đôi khi không bật ra thành tiếng. Lương Nhất Công hiểu rằng nỗi đau với nàng giờ đã không còn phát tiết mãnh liệt nữa, mà trở thành một thứ âm ỉ, sâu thẳm nơi trái tim, ám ảnh và giày vò. Chàng cũng biết là đưa Tố Như đến những nơi như thế này sẽ làm nàng thêm tưởng nhớ, nhưng cũng còn tốt hơn là giam mình trong căn nhà tranh. Chí ít, những trái ổi chín dịu ngọt sẽ giúp nàng cảm thấy như có người thân bên cạnh. Chàng hi vọng rồi thời gian sẽ dần xoa dịu nỗi đau nơi trái tim nàng.
Cuối vườn ổi, nơi gò đất xanh cỏ, một đám trẻ chăn trâu đang túm tụm nô đùa, cùng nhau chơi trò bịt mắt bắt dê. Đám trẻ kết thành vòng tròn, ở giữa, một đứa lấy dây chuối khô để bịt mắt, đứa còn lại sẽ giả làm dê, nhảy qua nhảy lại để tránh sự rượt bắt. Lương Nhất Công cùng Tố Như bước tới. Chàng cất tiếng:
- Này mấy đứa, cho ta chơi với!
Đám trẻ nhìn chàng ngơ ngác. Sự xuất hiện của người lạ khiến chúng dừng cuộc chơi. Thằng nhóc bịt mặt kéo giật dây chuối khô xuống và nói:
- Anh lớn rồi, sao còn muốn chơi trò trẻ con?
Tướng nó gầy và cao, trông có vẻ khắc khổ, bù lại là đôi mắt sáng và khuôn mặt lanh lợi. Lương Nhất Công nhìn nó, mỉm cười và đáp:
- Lớn rồi thì đã sao? Mấy đứa có thể cho ta chơi cùng được không?
Thằng nhóc đang phân vân thì cái gái giả làm dê chen vào nói:
- Nhưng anh sẽ làm gì? Là bịt mắt hay làm dê?
Lương Nhất Công:
- Gì cũng được. Hãy để ta bịt mắt, còn mấy đứa sẽ giả làm dê nhé!
Thấy đám trẻ vẫn còn lưỡng lự, chàng liền dùng mồi câu:
- Thế này nhé. Mấy đứa cho ta chơi cùng, lát ta sẽ nướng khoai chiêu đãi mấy đứa được không?
Cả đám thấy sắp được ăn khoai nướng thì tủm tỉm cười thích thú, rồi hoan hỉ chào đón chàng tham gia. Lương Nhất Công nói với Tố Như:
- Tố Như vào chơi cùng luôn nhé!
Tố Như lòng mang tâm trạng, lắc đầu từ chối. Lương Nhất Công liền để nàng ngồi lại trên bãi cỏ, nhảy vào chơi cùng đám trẻ. Chàng thả mình, gạt bỏ hết mọi suy tư vướng bận trong đầu. Tiếng hò reo cổ vũ, tiếng cười rộn rã vang cả góc trời. Lương Nhất Công muốn dùng tiếng cười và sự vui tươi của đám trẻ để làm vơi bớt nỗi sầu đau nơi Tố Như. Trò chơi kết thúc, chàng liền dùng khinh công băng qua hồ nước, quay về gian nhà tranh trước khi trở lại với một bọc khoai lang trên tay. Đám trẻ nhanh chóng kiếm củi, đốt lửa nướng khoai. Khoai lang được nướng chín, dậy mùi thơm phức. Lương Nhất Công lần gạt trong đống than hồng, chia cho mỗi đứa một củ. Khoai hãy còn nóng bỏng tay. Đám trẻ vừa bóc vỏ vừa xuýt xoa thổi, những miếng cắn vội khiến chúng há to cái miệng, hà hơi như sắp tụt cả lưỡi. Lương Nhất Công nhìn đám trẻ ăn một cách ngon lành, khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt toát lên vẻ hạnh phúc thì nói:
- Ngày mai ta sẽ lại nướng khoai chiêu đãi tiếp mấy đứa, với một điều kiện.
Thằng nhóc cao gầy liền hỏi:
- Là điều kiện gì?
Lương Nhất Công:
- Điều kiện là mấy đứa ngày nào cũng phải đến đây chơi, được không?
- Tưởng điều kiện gì chứ ngày nào tụi em chẳng chăn trâu ở đây. Việc này đan rổ.
Cả đám lập tức nhao nhao:
- Đúng, đan rổ, đan rổ.
Bọn trẻ sử dụng nối nói trại để pha trò. Lương Nhất Công chưa hiểu, liền hỏi:
- Là sao
Cái gái nhanh nhảu giải thích:
- Đan rổ là đơn giản, đơn giản là đan rổ.
Lương Nhất Công nghe vậy thì bật cười thích thú, lại nói thêm:
- Còn một điều kiện nữa, đó là việc này mấy đứa không được kể với bất kì ai. Nếu như có người lạ tìm đến đây, sẽ không có thêm khoai nướng cho mấy đứa nữa, hiểu chứ?
Chàng muốn dụ bọn trẻ thường xuyên tới chơi để Tố Như bớt cô quạnh, nhưng lại đề phòng đám trẻ để lộ, kẻ thù của Dương gia có thể tìm đến. Đám trẻ nghe thấy điều kiện dễ như vậy lại nhao nhao lên:
- Việc này cũng đan rổ, đan rổ.
Sự hồn nhiên, vô tư của đám trẻ khiến Lương Nhất Công cảm thấy thật bình yên. Một ngày thong thả trôi đi, màn đêm buông xuống. Tố Như đã chìm vào giấc ngủ. Lương Nhất Công tranh thủ dạo quanh hồ nước, trăn trở với những suy tư. Rốt cuộc, h·ung t·hủ s·át h·ại người của Dương gia đường là ai? Liệu có phải là đám người Tống? Bọn chúng nguy hiểm như thế nào? Những câu hỏi sau mấy ngày tạm lắng nay lại trỗi dậy trong tâm trí, thôi thúc Lương Nhất Công phải điều tra cho sáng tỏ. Chàng cảm thấy cần phải quay trở lại Dương gia đường để lần tìm thêm manh mối. Dù sao Tố Như giờ cũng đã ổn định về mặt tinh thần, đã ít mê sảng và giật mỉnh hoảng hốt trong đêm. Chàng có thể tranh thủ đi được. Từ nơi đây đến Dương gia đường cũng chỉ hơn dặm, với tài khinh công của chàng, nội trong canh giờ có thể cả đi và về. Điều Lương Nhất Công lo sợ duy nhất lúc này là trong lúc rời đi, Tố Như sẽ tỉnh giấc và để rồi không thấy người đâu. Dẫu vậy, chàng vẫn quyết định sẽ đến Dương gia đường trong đêm nay, bởi thời gian ở đất Phong Châu là không nhiều. Cha của chàng đã cho thời hạn mười ngày. Sau mười ngày, chàng phải có mặt ở Thanh Sơn môn. Hôm nay đã là ngày thứ tư rồi, nếu không tranh thủ sẽ không kịp mất.
Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, Lương Nhất Công sử dụng khinh công lướt đi, âm thầm như cánh chim đêm. Chưa hết tuần trà, chàng đã có mặt ở Dương gia đường. Nơi này vẫn vậy, ngổn ngang đổ nát. Đã hơn mười ngày kể từ khi v·ụ t·hảm s·át xảy ra, mùi máu tanh nồng vẫn ám đặc trong không khí, cái hôi hám bám chặt lấy quần áo. Lương Nhất Công cảm thấy cần phải có một ngọn lửa để đốt cháy hết thảy thứ tử khí này, cũng có thể là đốt cháy đi sự sợ hãi ám ảnh trong tâm trí những người còn sống. Chàng sờ lên những dấu tích trên cột, trên cửa gỗ, nhắm mắt lại, để những đầu ngón tay cảm nhận.
"Sắc quá. Có thể cắt đứt cả thịt xương. Rốt cục là thứ binh khí gì?"
Chàng chăm chăm nhìn vào thứ dấu tích trước mặt. Những đường cắt quái dị, dài ngắn chẳng giống nhau. Nó thật mỏng manh, tựa hồ như được gây ra bởi những sợi chỉ vậy. Mà có thể nào là sợi chỉ được chứ? Binh khí trong thiên hạ vốn đa dạng, Lương Nhất Công lần điểm trong đầu. Chàng theo cha lăn lộn trên giang hồ gần mười năm, gặp qua không ít kỳ binh dị bảo. Nhưng dù đã điểm hết những thứ đã từng gặp, chàng cũng không thấy thứ binh khí nào có thể để lại dấu tích như vậy. Nếu đã không phải thứ binh khí thường gặp trên đất Việt, thì h·ung t·hủ càng được khẳng định là đám người Tống? Lương Nhất Công nghĩ:
"Hắc Long Trảm Nguyệt đao nghe nói là lợi phẩm thuđược của tướng nhà Hán. Nếu việc ở Dương gia đường chỉ là vì việc đòi đao hay tranhđoạt lợi ích bang phái thì còn đỡ, sợ rằng còn có liên quan đến những chuyện tolớn hơn."