Tam hoàng tử đã chịu lời mời ở lại cung Phồn Dương dùng bữa ngọ thiện, nhưng giữa chừng lại có hoạn quan đến báo tin. Lâu Nguyệt Dao để ý thấy nét mặt hai người họ nghiêm trọng, chừng như đã xảy ra chuyện đại sự. Thân Duy Thượng đành phải cáo lỗi, hẹn khi khác rồi ra về.
Dùng bữa xong, nhũ mẫu Lâm Thu Nương đưa công chúa Vĩnh Xuân đi nghỉ trưa. Lâu mỹ nhân bèn mời Ty Tịch Chúc Tự uống trà bàn chuyện. Nhâm Hòa mau mắn dâng lên ấm trà Bích La Xuân thơm nồng mà Chúc Tự ưa uống.
Nữ quan bình thản phẩm trà, chẳng buồn liếc nhìn Lâu mỹ nhân ngồi ghế chủ vị lấy một lần. Lâu Nguyệt Dao biết thị thanh cao, không thích cấu kết bè phái. Âu đó là khí tiết của kẻ sĩ có thực tài vậy.
- Chuyện lần trước may nhờ có Ty Tịch giúp đỡ. Nguyệt Dao đội ơn tiên sinh, không biết nên báo đáp thế nào cho phải! - Nàng mở lời trước, đoạn, dâng lên hai cân trà Bích La Xuân và một cây bút lông sói loại thượng hạng.
Chúc Tự cầm bút lên xem thử, sắc mặt tươi tắn lên nhiều. Thị để lại cây bút vào trong hộp lót gấm đỏ, đáp không kiêu không nịnh:
- Nương nương quá lời rồi. Hạ quan không giúp đỡ nương nương vì chính nương nương mà vì Nhâm Hòa.
Ty Tịch Chúc Tự từng nhận ơn huệ của tổ mẫu Nhâm Hòa thuở mới vào nội đình. Được biết Nhâm Hòa theo chủ nhân tiến cung, Chúc Tự cũng nhiều lần hỏi thăm, chiếu cố.
Trong gian trung đường khi ấy chỉ có ba người họ. Nhâm Hòa cũng không đứng hầu mà dâng trà xong đã ngồi lên chiếc đôn con con kê bên dưới ghế chủ vị của Lâu Nguyệt Dao nghe chuyện. Trông đôi chủ tớ Lâu, Nhâm chẳng khác nào đôi tỷ muội đương xuân thì.
- Ta biết. - Lâu Nguyệt Dao cười xòa, không lấy làm để tâm đến ý cự tuyệt tôn xưng tiên sinh của nữ quan Ty Tịch.
-
- Nhưng chung quy ta cũng đã nhận được lợi ích từ tiên sinh. Không có lời cảm tạ thì không phải phép.
Nương nương chỉ cần đối xử tốt với con bé Nhâm Hòa là được rồi. Đợi khi con bé đủ thâm niên, nương nương phải cho nó tham gia kì thi thăng chức cung quan, không được giữ nó ở lại cung Phồn Dương nữa đâu đấy! - Thị cất giọng đanh thép.
Nhâm Hòa nhổm người, toan phản đối. Lâu Nguyệt Dao đã níu tay cô, ý bảo cô khoan nói vội. Nàng mỉm cười nói tiếp:
- Tiên sinh hãy cứ yên tâm. Đợi đến khi Nhâm Hòa đủ thâm niên, muội ấy mà muốn đi, ta nhất định sẽ không cản trở con đường thăng tiến của muội ấy.
Chúc Tự nở một nụ cười khinh khỉnh rồi xin cáo lui. (1)
Nhâm Hòa theo Lâu Nguyệt Dao về nội tẩm. Cô hầu mỹ nhân thay xiêm áo, gỡ búi tóc để nghỉ ngơi. Nhận thấy Nhâm Hòa cứ ngần ngừ muốn nói lại thôi, Lâu Nguyệt Dao bèn chủ động nắm tay cô, hỏi:
- Muội muốn nói chuyện thi thăng chức nữ quan đúng chứ?
- Nô tỳ không muốn thi thố gì hết. Nương nương à tiểu thư đừng đuổi muội đi.
Mỗi bận Nhâm Hòa muốn xin xỏ điều gì, cô thường sẽ đổi xưng hô từ nương nương sang tiểu thư, hệt như cái lúc hai người bọn họ vẫn còn là hai đứa trẻ sống nương tựa lẫn nhau trong phủ đệ họ Lâu. Mà Lâu Nguyệt Dao thì lần nào cũng mủi lòng trước chiêu trò năn nỉ của cô.
Nhâm Hòa đủ thông tuệ và từng trải để nhận ra những lời mà Lâu Nguyệt Dao nói với Chúc Tự ban nãy không phải lời qua lấy lệ mà là lời dốc từ tận gan ruột.
Hay nói cách khác, nếu cô muốn, chủ nhân của cô thực sự sẽ để cô đi.
- Muội không muốn làm cung quan à? Đàn bà chúng ta mà được lên làm cung quan tức là được xếp phẩm trật, có quan hàm áo mũ, được hưởng bổng lộc triều đình cả đời. Nữ quan phẩm cấp cao đảm đương chức trách giáo huấn cung nhân. Những vị có học vấn và phẩm hạnh xuất chúng, phi tần trong cung nghe tiếng thơm, cho mời tới giảng giải đạo lý thi thư, hay cao hơn nữa là được bề trên tin tưởng giao trọng trách giảng bài cho công chúa chẳng hạn như Chúc Tự thì còn có thể được tôn xưng tiên sinh hoặc học sĩ như nam giới ngoài triều đình. Dù thực tế nữ quan là người hầu hoàng gia thì nếu được hoàng tử, công chúa kính trọng, người trong cung cũng trọng vọng hơn.
Lâu Nguyệt Dao trông sắc mặt Nhâm Hòa có vẻ do dự, đoán ra cô không phải không muốn làm nữ quan, mà đại khái là không nỡ xa mình. Nàng cũng chẳng thúc ép cô phải đưa ra quyết định sớm, chỉ nói:
- Hãy còn sớm mà. Cung tỳ muốn thi lên nữ quan chí ít cũng phải phục dịch cung đình năm năm. Muội cứ nghĩ kĩ rồi hẵng quyết định cũng không muộn. Nhưng muội phải nhớ đừng vì bất cứ ai mà làm lầm lỡ tương lai của chính mình. Với cả, học vấn của muội rất khá nhưng chớ chủ quan, phải thường xuyên ôn luyện, không chỉ để tương lai muốn thi thố với người ta mà còn phục vụ cho hiện thời. Sắp tới ta muốn dạy Tôn quý nhân và Liễu mỹ nhân học chữ, muội phải đỡ đần cho ta đó. (2)
Chưa đến mươi ngày kể từ khi tam hoàng tử vác khuôn mặt đầy suy tư rời khỏi cung Phồn Dương, Hoàng đế đột nhiên thăng bậc cho Từ Tố Chiêu. Lần phong thưởng này đưa đến nhiều lời bàn tán xôn xao, bởi lẽ trước nay chưa từng có tiền lệ một ngự thị không phẩm cấp thăng một phát lên hẳn bậc sung viên thuộc hàng cửu tần tam phẩm. Hậu cung sôi trào như nồi nước đang sùng sục trên bếp lò. Cung tỳ, thái giám được phái đi thăm dò nguyên do nhiều vô kể. (29
Sau cùng, đám phi tần cấp cao cũng được hé cho biết chút tin tức từ ngoại triều: biên cảnh phía bắc có biến. Họ đoán ra ngay Nguyên Hựu bệ hạ muốn phái Lương Quốc công lãnh quân đánh dẹp.
Hoàng đế tỏ thái độ, đám phi tần cũng ngả theo chiều gió. Giáng Tiên các của cung Trân Minh trước nay quạnh quẽ, đìu hiu bỗng chốc náo nhiệt hẳn lên. Cung nhân ra vào tấp nập, ai nấy cũng đều tươi vui hớn hở, như thể không ai hay biết hoặc tham gia vào những lần chèn ép Từ ngự thị trước đó vậy.
Rốt cuộc ngày này cũng đến. Khi Lâu Nguyệt Dao biết tin, nàng ngồi trong thư phòng thần người một hồi lâu. Nàng bần thần vì Từ Tố Chiêu phất nhanh chỉ là một lẽ, dù sao cũng biết trước rồi, không bất ngờ lắm. Điều khiến Lâu Nguyệt Dao đau đáu hơn cả là nàng thân làm cung quyến ở sâu trong đại nội lại không thể góp được chút sức mọn cho gia quốc.
Nếu trung cung có bậc quốc mẫu danh chính ngôn thuận, nàng còn có thể giả vờ bóng gió đề nghị Hoàng hậu có động thái góp sức cho tiền tuyến. Chẳng hạn như phi tần, cung nữ cùng may áo bông ấm gởi ra quân doanh. Hay vận động các nhà mẹ đẻ của hậu phi quyên góp ít nhiều. Dẫu biết lần này quân ta chỉ có đại thắng chứ không thể thua thì nàng cũng mong có thể làm gì đó để giảm bớt thương vong cho tướng sĩ, cho dân chúng.
Nhưng ở kiếp trước, lời bóng gió của Lâu Nguyệt Dao bị coi là hành vi thăm dò chính sự, hậu cung can dự triều chính, bị Hoàng thái phi chỉ trích trước toàn thể phi tần. Chưa kể kiếp này, nàng đã trở mặt với cung Vĩnh Ninh rồi. Tuy đôi bên vẫn lá mặt lá trái với nhau, song, Lâu Nguyệt Dao biết chuyện công chúa Vĩnh Xuân chọn mình làm dưỡng mẫu ở trong mắt phe cánh cung Vĩnh Ninh đã biến thành hành vi rắp tâm dụ dỗ, không chịu quy thuận bề trên rồi.
Hơn nữa cung nhân bây giờ đang bận bịu lắm, còn chồng chất thêm nhiều việc sẽ sinh lòng oán than. Nàng cũng không ngu đến độ tự nhảy xổ vào lưỡi dao của người khác.
Chú thích:
Vụ cung tỳ cần thâm niên 5 năm mới được thi thăng chức nữ quan là hàng tự đặt ra, sẽ áp dụng trong tất cả các truyện có bối cảnh cung đình của Mèo. Điều kiện để thi thăng chức từ cung nữ lên nữ quan thực tế là gì thì Mèo chưa khảo cứu được, mọi người đừng nhầm lẫn nha.
Khi tìm hiểu về nữ quan, Mèo thấy có cơ quan tên là Văn Học quán, có lẽ là để các nữ quan có học thức giảng dạy cho phi tần và cung nhân. Tuy nhiên, để giảm bớt cái sự đồ sộ của các ty các cục (để bạn đọc và cả Mèo đỡ bị loạn), Mèo viết là nữ quan hai cục Thượng cung, Thượng nghi chia ra đi giảng bài cho công chúa (môn nhạc đúng ra sẽ do nhạc sư cung đình dạy), bỏ hẳn Văn Học quán. Theo tìm hiểu thì ty Tịch có chức năng quản lý 4 bộ kinh sách cùng bút viết bàn kỷ, thiết nghĩ rất là hợp để làm thầy cho công chúa rồi.