Lý Trường Thiên đang nhìn tờ bố cáo viết hai chữ "Tuyển lính" kia đến xuất thần thì giọng nói của Yến Thù đột nhiên vang lên bên tai hắn.
"Cứu tế khó khăn, tuyển lưu dân làm lính để Tiết Độ Sứ điều động quản thúc có thể giải quyết các vấn đề ấm no của nạn dân và loạn lạc." Yến Thù bình thản nói.
"Vậy à." Lý Trường Thiên gật đầu, bỗng nhiên chỉ vào bố cáo quay lại hỏi Yến Thù, "Vậy ta có thể tham gia không?"
Yến Thù sững sờ hỏi: "Ngươi muốn làm lính?"
"Ừm." Lý Trường Thiên khẽ gật đầu, "Ta chẳng trông mong gì tìm được người thân, sau này cũng không thể cứ đi theo ngươi ăn nhờ ở đậu mãi, ta đã nợ ngươi không ít nhân tình rồi."
Yến Thù trầm mặc một lát rồi nói: "Làm lính thì một khi có chiến loạn chính là đem đầu đặt trên lưỡi đao, dù không có chiến loạn nhưng nếu dị tộc Bắc Địch xâm phạm biên cương cũng phải đem tính mạng ra bảo vệ, ngươi nghĩ kỹ chưa?"
Yến Thù cứ tưởng Lý Trường Thiên chỉ là hứng thú nhất thời nên muốn nhắc hắn suy nghĩ chu toàn.
Ai ngờ y vừa dứt lời Lý Trường Thiên lại mỉm cười.
Lý Trường Thiên cong cong khóe miệng, nụ cười phóng khoáng, ánh mắt sáng ngời sắc bén, trong mắt tựa như có lửa cháy, hắn trả lời từng chữ không chút do dự.
"Ta nghĩ kỹ rồi, cách đây rất lâu đã nghĩ kỹ rồi."
Yến Thù sửng sốt: "Ngươi...... Ngươi......"
Y quay đầu nhìn lại tờ bố cáo kia, giấy trắng mực đen, góc dưới bên trái bị rách nên cong lên, nhìn lẻ loi trơ trọi đến đáng thương.
Yến Thù bất giác nhớ lại khi còn nhỏ, một ngày trước khi Yến phủ bị xét nhà.
Y níu lấy tay áo của Yến thái y, khóc đến khàn cả giọng: "Cha, đừng đưa con đi, con muốn đi theo cha."
Yến Tử Khanh ôn nhu sờ đầu Yến Thù nói khẽ.
"Thù nhi, con người sống một đời dù thế nào cũng phải có chỗ để đi."
Nhưng y bị Yến Tử Khanh đưa đi tám năm, đến nay vẫn chưa tìm được nơi nào.
Yến Thù không khỏi ghen tị với Lý Trường Thiên.
Ghen tị với câu nói kia của hắn.
Ta nghĩ kỹ rồi.
Còn mình thì sao?
Bắc vọng Mang Sơn, Nam thán thuyền hoa, cuối cùng đều không trở lại quê hương.
"Với thân thủ của ngươi nhất định có thể làm nên chuyện lớn." Yến Thù nói, "Đợi mấy ngày nữa ta tra án xong sẽ giúp ngươi nói với nghĩa phụ một tiếng."
"A?" Lý Trường Thiên cảm kích nói, "Đa tạ, haizz, ngươi xem, ta lại nợ ngươi một ân tình nữa rồi!"
Đang nói chuyện thì Tần Quyết Minh quay lại, không còn sớm nữa, sắc trời dần tối, ba người đi đến thành trấn.
Trở lại Tần phủ, trước tiên phải ngang qua Tây viện có phòng khách, sau khi cáo biệt Lý Trường Thiên, Yến Thù và Tần Quyết Minh về phòng.
Không còn ai bên cạnh, Yến Thù lên tiếng: "Nghĩa phụ, thật ra lần này con đến đây......"
Tần Quyết Minh ngắt lời Yến Thù: "Ta biết vì sao con đến."
Yến Thù gật đầu đi theo Tần Quyết Minh tới thư phòng.
Hai người vào thư phòng, nhờ ánh trăng mà Yến Thù thấy cách bài trí ở đây cũng không khác gì so với trong trí nhớ của mình, thế là quen chỗ tìm nến thắp lên, cả gian phòng bỗng chốc được chiếu sáng.
Trong thư trai rộng rãi được bài trí gọn gàng, công văn trên bàn gấp lại chỉnh tề, Yến Thù hệt như khi còn bé mỗi lần vào thư phòng đều ngẩng đầu nhìn.
Ngay trên tường phía trước bàn có treo một bức tranh.
Đó là chân dung của một người đã treo ở đây tám năm.
Trong tranh là một nam tử tướng mạo ôn nhuận như ngọc ước chừng hai mươi tuổi, mặc trường sam màu xanh nhạt ngồi trên ghế thái sư, tay cầm quyển sách y điển, nụ cười ấm áp.
Người trong tranh là Yến Tử Khanh, cha của Yến Thù.
Tuy nói là phụ thân nhưng thật ra Yến Thù và Yến Tử Khanh không có quan hệ máu mủ.
Nghe nói Yến Thù là kết quả của mối quan hệ vụng trộm giữa cung nữ và thị vệ, lúc còn mặc tã đã bị vứt bỏ ở nơi hẻo lánh, lẽ ra nên chết cóng hoặc chết đói, cuối cùng chôn ngay tại chỗ, hài cốt không còn.
Yến Tử Khanh lại đem y về dốc lòng chăm sóc nuôi dưỡng, xem như con ruột.
Đây cũng là lý do năm đó Yến Tử Khanh bị oan, cửu tộc bị liên luỵ lưu vong, chỉ có Yến Thù trốn thoát được.
"Thù nhi." Tần Quyết Minh gọi, "Ngồi đi".
Yến Thù bỗng chốc bị kéo ra khỏi dòng suy nghĩ, y thu hồi ánh mắt ngồi xuống đối diện với Tần Quyết Minh.
"Thù nhi." Tần Quyết Minh nhìn Yến Thù rồi chậm rãi mở miệng, "Con muốn hỏi chuyện Binh bộ Thị lang Từ đại nhân của triều đình vận chuyển mười vạn lượng bạc đi Hoài Bắc và ba mươi ba Cẩm y vệ cùng nhau biến mất phải không?"