Bơi Đêm

Chương 143: Quay phim chính là chờ đợi



Chiếc xe minibus màu xám xịt dừng lại trước mặt bọn họ rồi hạ cửa sổ xuống.

Anh tài xế thò đầu ra từ bên trong, miệng nhai trầu cau, hỏi một cách mơ hồ: "Đều là đến đây để đóng phim à? Báo tên cho tôi."

Hồ Già và những người khác nói tên, tài xế đối chiếu với danh sách rồi mới cho họ lên xe, Hồ Già ôm ba lô, bị người ta kẹp như một miếng bánh. Trong đám diễn viên quần chúng bọn họ, có người bình thường hai, ba mươi tuổi, cũng có nữ diễn viên xinh đẹp tuyến 18 (*), trời mưa lớn ở thị trấn, mọi người đều có mùi như chó lớn, một mùi cơ thể ẩm ướt. Hồ Già lau nước mưa trên mặt rồi hắt hơi một cái.

(*"Diễn viên tuyến 18" dùng để ám chỉ những diễn viên kém nổi, thường chỉ đóng vai phụ hoặc danh tiếng và năng lực chưa tới đâu, nói nôm na là "vô danh tiểu tốt".)

Nữ diễn viên bên tay trái nhìn cô cười híp mắt rồi hỏi: "Trông em nhỏ quá, bao nhiêu tuổi rồi?"

Hồ Già nói thật: "Em mười bảy, sắp tốt nghiệp cấp ba rồi."

Nói xong, mọi người trước sau trái phải đều quay sang nhìn về phía cô.

Nữ diễn viên ghen tị nói: "Tốt thật, trẻ thật đấy."

Xe chạy đến nhà máy nhựa phía đông thị trấn, anh tài xế kéo xoạch cửa xe rồi gọi họ xuống.

Hồ Già mặc áo khoác của Điền Tư, cài nút mũ rồi xuống xe, trời mưa phùn nhỏ, cô không cảm thấy lạnh.

Nhà máy nhựa là một tòa nhà cũ từ thế kỷ trước, phần tường xi măng già nua, dây leo mọc um tùm đến dữ dội, nhà máy đã ngừng hoạt động như nửa mở nửa đóng. Hồ Già và những người khác không giống như diễn viên chính, họ không có khách sạn ở, đoàn phim chỉ thuê ký túc xá công nhân của nhà máy nhựa cho họ. Ký túc xá là một phòng sáu người với sàn xi măng ẩm ướt, Hồ Già và nữ diễn viên ở chung, hai người họ để hành lý xuống, sờ phần chăn đệm nửa khô nửa ướt, bất đắc dĩ mà cười.

Tối đến, đoàn phim phát cơm, gửi bài PR.

Hồ Già và nữ diễn viên ngồi trên giường ăn cơm hộp, hai món chay một món mặn, món đậu phụ nhạt nhẽo, món trứng hoa nhỏ như bông gòn.

Hồ Già đã bị Điền Tư chiều đến quen miệng, gắp hai miếng cô đã hết muốn ăn, chỉ nghẹn cổ mà cố nhét đống đồ cứng đó vào trong.

Nữ diễn viên dứt khoát để phần cơm hộp xuống đất, ném đũa, than thở: "Còn bảo là đại chế tác (*), thức ăn như này là sao, chó nhà chị còn ăn đủ chất hơn chị." Hồ Già cười với cô. Nữ diễn viên than thở xong rồi xoay người xuống giường, lục từ vali ra hai hộp mì tôm Đạt Nhân, lại đào ra một ấm đun nước, gọi Hồ Già qua ăn mì, vậy nên Hồ Già cảm thấy rất vui sướng.

(*Đại chế tác / Đại IP: những tác phẩm cho đầu tư và quy mô lớn. Từ đạo diễn biên kịch chế tác đến dàn diễn viên đều là những người nổi danh.)

Hai người dùng vali làm bàn, như chú chó con nằm úp mặt lên hút mì.

Nữ diễn viên thổi thổi sợi mì, như vô tình mà mở lời: "Chị tên Lý Tưởng, em tên gì?"

Hồ Già nói: "Em tên Hồ Già, Hồ Già mười tám nhịp của Hồ Già, tên chị thú vị ghê, là Tưởng của 'lý tưởng' ạ?"

Lý Tưởng cười híp mắt uống một ngụm nước, gật đầu nói: "Đúng, là chữ Tưởng đó." Nói đến đây, hai người lại hết chuyện để nói, chỉ cúi đầu xì xụp hút mì. Ăn xong, Hồ Già xem tờ thông báo mà nhà sản xuất phát, trên đó yêu cầu họ ba giờ sáng mai phải dậy chờ, Lý Tưởng nói: "Mai trời chưa sáng đã phải dậy, tí nữa chị đắp mặt nạ rồi ngủ, em cũng ngủ sớm đi, không là dậy không nổi đâu."

"Vâng." Hồ Già lục từ túi ra phần kịch bản đã nhàu nát, "Em xem chút nữa rồi ngủ."

Lý Tưởng cười nói: "Không có lời thoại của em mà em cũng chăm chỉ xem kịch bản à?"

Hồ Già nói: "Xem chút thôi ạ, để biết diễn cái gì."

Lý Tưởng đắp mặt nạ rồi lại muốn nói chuyện với Hồ Già, cô nói ảnh hậu và ảnh đế đều có mặt trong đoàn.

Hồ Già nhìn điện thoại, vẫn không có tín hiệu: "Là vấn đề của điện thoại em hay là tín hiệu ở đây kém vậy?"

Lý Tưởng nhắm mắt nằm trên giường, bình thản nói: "Núi che mất tín hiệu rồi, quay phim trong núi là vậy, em hãy quen dần đi."

Hồ Già không tin, cô lại gọi cho Điền Tư mấy cuộc nữa, đều không gọi được, cô đành phải thôi. Lý Tưởng ngáp một cái, muốn ngủ một giấc, Hồ Già nhẹ tay nhẹ chân tắt đèn, trốn vào trong chăn, dùng đèn bàn gấp đọc kịch bản, ngón tay nhẹ nhàng chỉ vào từng chữ, cẩn thận đọc như đang nhặt vụn bánh quy.

Bộ phim cô đóng có tên là "Quýt đỏ cà chua xanh".

Kịch bản rất dài, có hai nữ chính, quay từ Cách mạng Tân Hợi đến khi Hong Kong Macau được trả về, kể về cuộc đời Đường Văn Hòa và Chu Gia Bình, vừa là kẻ thù vừa là bạn cả đời.

Đoạn Hồ Già đóng là thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Đường Văn Hòa với tư cách y tá chiến trường đóng quân tại căn cứ trong núi sâu, Chu Gia Bình thì cùng vị hôn phu trốn đến Hong Kong lánh nạn. Hồ Già đóng một y tá nhỏ, tổng cộng chỉ có hai câu thoại, diễn cảnh bệnh nhân của cô đi mất, Hồ Già cúi mi mắt, nghiêm túc thật thà niệm thoại: "Sáng nay đi rồi... Anh ấy nói là anh ấy muốn về nhà."

Trước khi ngủ, Hồ Già đem lời thoại nhẩm đi nhẩm lại trong miệng như đang lăn một hòn đá nhỏ vậy.

Hôm sau, Hồ Già và Lý Tưởng quả nhiên là ba giờ đã phải dậy.

Chuyên viên trang điểm giúp họ trang điểm như một dây chuyền sản xuất, tài xế chở họ vào trong núi, hai người đều lạnh đến phát run, gặm phần bánh bao.

Đạo diễn và diễn viên chính đều chưa đến, nhà sản xuất và phó đạo diễn thì đã đến rồi, dùng bộ đàm nói chuyện ồn ào tại hiện trường, người quay phim miệng nói phải đuổi kịp mật độ, dùng thiết bị tinh vi đo ánh sáng, bố trí nguồn sáng, Hồ Già lặng lẽ nhìn theo, cô chỉ thấy thứ gì cũng mới lạ, không ngờ rằng trong phim trường cũng có đủ loại người, có thợ đèn đeo găng tay, có chuyên viên trang điểm đang ngáp, có nhân viên chạy đông rồi chạy tây, còn có cả quần chúng ngồi la liệt trên mặt đất.

Qua một tiếng đồng hồ rồi nhưng vẫn chưa bắt đầu quay, Hồ Già lạnh đến mức nước mũi cũng đã chảy ra, cô quấn chặt áo lông vũ ngoài đồng phục y tá.

Lý Tưởng nhét cho Hồ Già một miếng giữ ấm, rất có kinh nghiệm mà nói với cô: "Đợi đi, quay phim chính là chờ đợi."

______Edited by Koko
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.