Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 352: Ma hộ mệnh



Bà Hạ Con dành nhiều thời gian đi thăm họ hàng, làng xóm vì bà đã xa quê lâu ngày, cũng là tranh thủ mời cỗ vài nơi thân thiết trong làng. Bà đi từ sáng cho đến tối mịt mới trở về nhà và ăn cơm cùng hai bà cháu tôi. Ở vào tuổi ngoài bảy mươi mà bà vẫn đi lại nhanh thoăn thoắt, dáng người thấp đậm của bà khiến tôi cảm giác bà khỏe hơn bà Già của tôi rất nhiều. Chẳng hiểu sao nhưng tôi cứ có cảm giác rằng bà già vẫn giữ nếp xưa khi trong suốt thời gian bà Hạ Con ở nhà chơi thì bà Già lo cơm nước đầy đủ. Điều này làm tôi tưởng tượng ngược lại vài chục năm trước khi bà mới về làm dâu. Cũng có đôi lần tôi hỏi bà Già tại sao các bà lên chơi hoặc ở chơi mà bà cứ phải cặm cụi xuống bếp lo cơm nước làm gì, bà Già chỉ trả lời rằng đó là do thói quen. Tôi không thích thói quen này của bà Già. Tôi muốn mọi người bình đẳng nhưng lại không thể nói, đến khi tôi có thể nói thì các bà lại chẳng còn minh mẫn nữa, tuy vậy tôi đã cố gắng áp dụng sự công bằng dành cho những người phụ nữ xung quanh mình ở những thế hệ sau.

Làng tôi không có cửa hàng cắt tóc, người lo việc cắt tóc cho dân làng Bưởi Cuốc là một ông khoảng ngoài sáu mươi tuổi mà chúng tôi gọi là ông Phó Hồ. Tên thật của ông Phó Hồ là gì thì bọn trẻ chúng tôi không biết, người già cũng chẳng biết. Sở dĩ chúng tôi gọi như vậy là do ông ấy người làng Đông Hồ còn từ “phó” kia là cách gọi từ xa xưa truyền lại. Tôi nghĩ rằng thời trước người ta coi khinh thợ thuyền nên dùng từ “phó", "phó" nghĩa là thứ yếu. Ngày nay ai cũng biết “phó” nghĩa là phụ cho chính, kiểu như Phó Giám đốc, Phó phòng... rồi còn gọi vui là “phó thường dân”. Thường dân đã là hạng chót nhất trong xã hội rồi mà còn gọi là “phó thường dân” nữa thì bết bát quá mức. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng bản thân tôi cũng như những đứa trẻ khác đều được ông Phó Hồ chăm lo đầu tóc cho đến lúc hết cấp 3. Tôi không phải là người cầu kỳ nên cắt ra sao cũng được, bản thân tôi nghĩ rằng mình không đẹp trai nên có xấu hơn một chút nữa cũng không có gì đáng lo.

Chiều trước ngày giỗ cụ nội tôi, khi đi học về mặc dù trời đã nhá nhem nhưng ông Phó Hồ vẫn đang cặm cụi cắt tóc cho bọn trẻ con dưới ánh đèn điện hắt ra từ một hàng quán nhỏ ngay đầu làng. R9 rủ nên tôi cũng gật đầu, thế là hai thằng vào ngồi chờ đến lượt. Ông Phó Hồ một tuần chỉ đến làng tôi vào ngày thứ Ba và thứ Sáu trong tuần, ông ấy giữ lịch làm việc này mãi cho đến khi tôi đã rời làng khoảng hai năm. Tôi không biết ông ấy bỏ nghề vì lớn tuổi hay do làng tôi quá ít khách. Thi thoảng trong những lần trở lại làng, tôi vẫn thấy ông Phó Hồ với cái xe đạp cùng bộ đồ nghề nhuốm màu thời gian cùng cái gương treo trên thân cây giống như lúc tôi còn nhỏ. Tôi nghĩ nhiều về khả năng ông ấy phải bỏ nghề khi đã ngoài bảy mươi tuổi, hơn nữa đám trẻ cũng có nhiều lựa chọn hơn khi lác đác trong xã cũng có những cửa hàng cắt tóc.

Tôi trở về nhà khi trời đã tối hẳn mặc dù mới chỉ hơn 6 giờ, hai bà đang ngồi xem tivi chờ tôi. Ngày mai là giỗ cụ nội, hai mâm cơm sẽ được làm, khách khứa đã được mời xong, thật ra cũng chẳng có mấy ai nhưng mỗi khi có ngày giỗ của bất kỳ tổ tiên nào trong nhà thì tôi đều cảm thấy phấn chấn hơn đôi chút bởi vì đó là ngày mà những người thân gặp mặt. Bên cạnh đó, thảng hoặc tôi còn nghe được những câu chuyện từ xa xưa.

Đám giỗ của cụ nội lần này bố tôi cũng có mặt. Từ lúc công việc làm ăn trở nên bận rộn thì những đám cũng giỗ vào các tháng âm lịch như tháng Tư, tháng Chín, tháng Mười một... rất ít khi bố tôi thu xếp để có mặt. Bởi lần này đám giỗ có mặt bà Hạ Con nên bố tôi nhất định phải có mặt. Ngoài bà Hạ Con, bà Hạ Lớn, bố tôi thì còn có thêm một bà cụ khác là em họ của hai bà hiện đang làm dâu ở làng Bưởi Nồi được con cháu trở đến, cùng với những bà cụ khác trong làng thì đám giỗ tập hợp toàn cụ bà.

Bố tôi về đến nơi lúc 9 giờ sáng, khi hai bố con ngồi hóa vàng ở gần gốc cây bưởi sinh đôi thì tôi lên tiếng hỏi bố:

- Con nghe bà Con nói là bà sẽ ở nhà lâu lâu, trước hết là gặp họ hàng còn sau đó bà muốn xây mộ cho các cụ. Bà đã nói gì với bố chưa?
- Chưa! – Bố tôi nheo nheo mắt vì lửa nóng tỏa lên từ cái chậu nhôm đang hóa vàng - Bố cũng đoán lần này hai bà cô sẽ đề cập đến việc này.
- Sao bố biết?
- Không phải tự nhiên bà Con về. Hôm qua bố có gọi cho cô Thúy để hỏi thăm thì cô ấy có nói rằng bà Con nằm mơ thấy cụ nội mà cụ chẳng nói gì lại quay lưng bỏ đi nên bà nhất định bỏ công việc buôn bán để về lần này.
- Chẳng lẽ chỉ vì mơ thôi ạ?
- Bố nghĩ như vậy, các bà lớn tuổi rồi nên cả nghĩ. Nhiều thứ các cụ nghĩ bố con mình không thể hiểu hết được đâu. Con phải biết là công việc bán hàng của bà Con đã mấy chục năm nay chưa có ngày nào nghỉ, trừ khi ốm không thể đi lại được mới thôi. Lần này cô Thúy nói với bố là bà dự định về ở đến cả nửa tháng chứ chẳng ít.

Tôi trầm ngâm không nói thêm, tay chống cằm chăm chăm nhìn ngọn lửa xanh đỏ trước mặt.

- Bố biết là các bà đặc biệt quan tâm đến con, vậy nên trong thời gian bà Con ở nhà thì con phải chú ý lời ăn tiếng nói. Bà nói gì phải nghe chứ đừng có cãi.
- Vâng, con biết rồi. Hồi nhỏ chắc bố cũng bị hai bà cô để ý lắm ạ?
- Còn sao nữa, mãi đến khi bố đi Bắc Giang năm 76 thì mới thôi. Nói chung là các cụ cũng chỉ muốn tốt cho bố con mình thôi, bây giờ các cụ toàn ở tuổi gần đất xa trời nên tính tình cũng ít nói hơn nhưng lại để ý nhiều hơn. Hồi bố bằng tuổi con thì chuẩn bị thoát ly, nhưng cũng phải thừa nhận là hai bà cô lo lắng cho gia đình mình nhiều.
- Tại vì bố là người thờ tự phải không?
- Cũng có thể xem là như thế. Con chú ý thử sẽ thấy, mọi người gọi bố bằng cái tên đi học như con đã biết, chỉ riêng hai bà cô vẫn luôn gọi bố theo đúng tên cúng cơm.

Bố tôi vừa nói vừa cười, dùng cái que tre nhỏ gẩy những cái áo giấy màu đỏ, xanh... để lửa cháy đượm hơn. Đoạn bố tôi nói tiếp:

- Sắp tới cũng là mùa đông nên công việc của bố sẽ đỡ bận rộn hơn, bố tính về làm lại giấy tờ đổi tên trên chứng minh thư để tiện công việc.
- Sao lại phải đổi hả bố?

Bố không trả lời câu hỏi của tôi mà lấy từ trong ví ra cái chứng minh cũ đã làm từ những năm 80. Tôi không nhận thấy có gì bất thường trên chứng minh của bố cần phải sửa.

- Bố chỉ thêm cái tên Khoa vào đấy thôi.
- Vậy là bố có hai tên ạ?
- Không! Bố thêm vào sau tên cúng cơm.
- Làm sao mà làm được, con cũng sắp được làm chứng minh thư, con nghe nói là...
- Tại sao lại không được? Nếu con có quen biết cộng thêm tiền chi đúng chỗ thì chẳng có gì là khó cả. Trong cuộc sống sau này con đừng tuyệt đối tin vào bất kỳ điều gì nghe thấy, phải luôn đặt câu hỏi.
- Đặt câu hỏi để làm gì ạ?
- Đặt câu hỏi để đầu có linh hoạt, làm kinh doanh là phải linh hoạt, nhạy bén. Tuyệt đối không được rập khuôn. Mình là dân thường ra ngoài làm ăn thì phải tinh ranh, không nhạy bén sẽ không kiếm ra được tiền.

Thế là bố tôi dành vài phút giảng giải cho tôi một vài điều cơ bản để kiếm ra tiền. Tôi chẳng biết thực tế bố tôi đã làm như thế nào nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó tôi thấy bố tôi có Chứng minh thư mới với một cái tên họ dài đến bốn chữ. Người ký là ông Trưởng công an xã – bố của thằng Tiến, bạn học cấp hai của tôi. Tôi đã gật gù thán phục bố mình vì điều này bởi tôi biết thay đổi tên họ trên Chứng minh thư không phải là điều dễ dàng gì.

Trước khi trở vào nhà bố tôi nói thêm:

- Mùa Đông này chắc bố sẽ thu xếp thời gian về tìm và xây mộ cho các cụ.

Tôi không biết vì sao tự nhiên bố tôi lại nói điều này với tôi. Tôi đi học lúc 12 giờ trưa nên không nghe được các bà và bố bàn bạc cụ thể những gì nhưng bà Già có nói lại với tôi rằng hai bà cô của bố tôi yêu cầu bố tôi xây mộ của ông nội tôi trong năm nay, không thể để qua sang năm được. Tôi chẳng hiểu vì sao lại phải xây trong năm, nhưng bà Hạ Lớn biết nhiều thứ mà những người khác không biết, nên nghe theo lời của bà là lựa chọn tốt nhất, thêm nữa điều này cũng phù hợp với lẽ thường. Dự kiến việc xây mộ cho ông nội tôi sẽ bắt đầu vào mùa đông, ngay sau ngày giỗ thứ ba mươi hai của ông vào cuối tháng Mười một âm lịch.

Lại nói về chị Đẹp, từ hồi chị ấy trở về thì tôi chưa gặp được lần nào bởi vì chị ấy còn bận tung tăng khắp nơi, chị Ma cũng ít gặp tôi. Những ngày tháng êm đềm cứ thế trôi qua. Sau ngày giỗ cụ nội tôi hai ngày thì tôi nghe thấy tiếng động bên cửa sổ, tối hôm ấy là ngày rằm tháng Chín.

- Tiếng gì đấy?

Bà Hạ Con cũng nghe thấy tiếng động bên cửa sổ. Tôi đóng nắp bút và hỏi lại bà:

- Tiếng gì hả bà?
- Tao vừa nghe thấy như có tiếng sỏi hay đất ném vào cửa sổ.
- Sao cháu không nghe thấy gì nhỉ?

Tôi dỏng tai lên nghe một lúc nhưng không có thêm tiếng động nào nữa nên nói với bà Hạ Con:

- Chắc bà nghe nhầm tiếng trên tivi rồi, cháu có thấy tiếng gì đâu nhỉ?
- Tiếng tivi à? – Bà Hạ Con khẽ thở dài – Thế là tao già thật rồi.
- Bà còn khỏe chán, nhìn bà còn khỏe hơn cả bà Già nữa ạ. Sao bà không sang bên kia ngồi xem tivi cùng bà già cho vui?
- Thôi tao quen ngủ sớm rồi. Bà mày hôm nào cũng ngồi chăm chú xem đến hết phim mới đi ngủ, cái phim gì có con bé tên Tiểu Yến Tử ấy, toàn phim Tàu.
- Bà không thích phim Tàu hay gì ạ?
- Tao không! Có cải lương hay tuồng chèo thì tao xem.

Nói xong bà Hạ Con lại nằm xuống giường phe phẩy cái quạt giấy. Tôi biết bà chưa ngủ nhưng cũng giảm ánh sáng bằng cách tắt một bóng đèn tuýp đi, chỉ để lại một bóng đèn tròn.

- Sao lâu thế?

Chị Ma cất tiếng hỏi khi tôi đang bước xuống thềm. Tôi chỉ tay vào trong nhà và nói:

- Bà cô em về chơi mấy ngày, vừa rồi chị báo hiệu mà bà cô em cũng nghe thấy.
- Bà cụ nghe được à?

Tôi gật đầu. Chị Ma khẽ chau mày:

- Bao lâu nay bà Già không nghe được mà bà cụ này lại nghe được. Bà cụ bao nhiêu tuổi?
- Em không biết ạ. – Tôi đáp – Tên của bà em còn chẳng biết.
- Thôi kệ đi, chắc bà cụ nhạy cảm với ma nên nghe thấy.

Tôi chỉ biết nhún vai đồng ý với nhận định vừa rồi.

- Đợt vừa rồi em có gặp cụ nội của em phải không?
- Em có nằm mơ thấy ạ, cũng lâu rồi.
- Thế đã nhớ mộ của ông cụ chưa?
- Em có nhớ, cũng ở ngay cánh đồng đằng kia chứ đâu.
- Ông cụ có dặn thêm gì không?
- Cụ em ngoài việc dặn em nhớ kỹ mộ của cụ thì còn bảo là sắp tới sẽ có nhiều cụ khác tìm gặp em nữa.
- Cũng sắp hết năm Mậu Dần rồi, năm tới là Kỹ Mão.
- Vâng. – Tôi đáp lấy lệ vì việc này ai chẳng biết.
- Em hẳn là sẽ còn gặp các cụ nhà em nhiều, ngoài cụ tứ đại còn có ngũ đại, thậm chí là thất đại nữa đấy. Em đã chuẩn bị tinh thần chưa?
- Dạ?
Tôi tỏ ra ngạc nhiên. Tại sao chị Ma lại nói trước những điều này nhỉ? Trong khi tôi còn băn khoăn thì chị Ma chỉ tay về hướng lũy tre và nói với tôi:
- Em còn nhớ gò đất trước đây em hay ngồi chơi vào mỗi tối chứ?
- À! Gò đất đó bố em bảo có mộ của cụ tổ ngành nhà em.
- Đúng! Trước đây nơi đó có rất nhiều mồ mả của những người trong làng. Mấy chục năm trước người ta đều di dời đi hết chỉ còn mỗi ngôi mộ đất của cụ tổ ngành nhà em đấy.
- Bố em không phải là trưởng nên việc mồ mả liên quan đến tổ tiên đều do những bác họ của em quyết định.
- Đúng rồi. – Chị Ma gật đầu – Mộ đấy chắc cũng sắp được di dời.
- Em chưa nghe ai nói về việc này ạ.
- Chưa ai nói bởi vì chưa đến lúc mà thôi. – Chị Ma nở nụ cười đầy tinh quái – Sẽ mau thôi, tự khắc sẽ có người đưa ra ý kiến xây mộ.
- Xây mộ cho tổ tiên là việc tốt mà chị nhỉ?
- Còn tùy em ạ. Động mồ động mả chưa hẳn là chuyện tốt.
- Mấy việc trọng đại như thế em chắc chẳng được tham gia đâu.

Chị Ma chợt cúi xuống nhìn tôi thật gần làm tôi ngạc nhiên phải lùi lại vài bước.

- Sao em nghĩ em sẽ không tham gia?
- Bố em còn chẳng được có ý kiến gì thì em...
- Cái mả đó nếu em không động tay đến thì không bao giờ con cháu tìm được xương cốt của ông cụ.
- Em... em...
- Nghe chị nói này.

Chị Ma chợt đổi giọng nghiêm khắc:

- Em có tin vào số mệnh không?
- Em... số mệnh gì hả chị?
- À, số mệnh của một con người, kiểu như vận hạn hoặc... hoặc khi nào thì người đó sẽ giàu sang, phú quý hoặc là chết.
- Em làm sao mà biết được. Em chỉ quan tâm đến việc em sẽ sống đến bao nhiêu tuổi mà thôi. – Tôi vừa nói vừa cười.
- Đừng có nói dối, chị biết em không phải là đứa như thế.
- Chị hiểu rõ em quá còn hỏi mấy thứ thừa vậy làm gì chứ?
- Em sống lâu là điều dĩ nhiên rồi. – Chị Ma quay đầu nhìn quanh như sợ có người sẽ nghe thấy điều chị ấy sắp nói – Nhưng chả phải em cũng muốn những người thân của em cũng sống lâu sao?
- Điều này thì đúng, chẳng ai muốn người thân của mình gặp họa hoặc...
- Đấy chính là điều chị muốn nói. Em có muốn thay đổi số mệnh của người thân mình hay không?
- Em có thể ư?
- Nếu cố gắng thì biết đâu đấy. Ngoài việc thay đổi số mệnh của người thân thì em cũng cần phải thay đổi số mệnh của chính em nữa.
- Em làm sao mà phải thay đổi?
- Em đã từng chết đuối một lần lúc hơn ba tuổi.
- Sao... sao chị biết? – Tôi giật mình. Đến chính tôi còn lúc nhớ lúc quên, điều này tôi nhớ được là do bà Già kể lại, và ngay khi nghe bà Già kể thì một số đoạn ký ức chạy qua trong đầu tôi như một thước phim quay chậm.
- Nếu em muốn sống lâu như em đã từng biết thì sắp tới đây em phải chịu khó một tí.
- Em... phải làm gì? Em bị làm sao à? Mấy tháng trước em cũng mới chết hụt xong.
- Đại nạn của em phải vài năm nữa mới hết, khoảng thời gian sắp tới đủ để em thay đổi số mệnh của mình.

Chị Ma càng nói tôi càng cảm thấy khó hiểu.

- Nếu chị đã biết trước mọi việc sao chị không nói cho em để tìm cách tránh đi?

Chị Ma lắc đầu:

- Chị đã bảo rồi, chị cũng chỉ là Ma chứ có phải thánh thần gì đâu mà biết trước được số mệnh của em. Chúng ta lại không phải máu mủ nên càng không thể.
- Nhưng...
- Em đừng lo lắng. Chỉ cần chịu khó một tí thì đâu sẽ vào đó cả thôi. Hãy nhớ rằng giữa tiền và sinh mạng thì nên chọn sinh mạng. Sau này em thành con ma già thì tha hồ mà tiêu tiền, chị và cái Khuê sẽ cho em.
- Tự nhiên chị lại nói đến tiền và mạng sống? Có chuyện gì ư?
- Chị chưa thể nói được, chị cũng chỉ nghe phong thanh được chừng vậy. Nhiệm vụ của chị ở mảnh đất này để bảo vệ cho em.
- Gì ạ? Em làm sao mà phải bảo vệ?
- Quá tam ba bận, em mới chết hụt có hai lần.
- Nếu... nếu em mà gặp lại mấy cái ông quan ở dưới kia thì em... em sẽ quậy tung lên. Bây giờ em còn có cả là bùa kia nữa.
- Chỉ khi không còn cách nào thì hãy nghĩ đến việc đấy. Chẳng lẽ em muốn phần đời sau này của mình không có nổi một giấc ngủ ngon hay sao?
- Dĩ nhiên là em muốn ngủ ngon rồi.
- Thế thì phải nghe theo chị.
- Ơ! Thế chị là Thiên thần hộ mệnh của em à?
- Chị là ma, thiên thần cái gì.
- À thì ma hộ mệnh.
- Thế mà em cũng nghĩ ra được, xưa nay chị chưa từng nghe.

Hai chị em đang mải cười thì tôi nghe tiếng gọi từ trong nhà:

- Tý ơi! Mày đâu rồi?
- Cháu đây ạ!
- Mày làm gì ngoài đấy mà lâu thế?
- Cháu đi vệ sinh ạ.
- Đêm hôm mày ra ngoài nhỡ đâu trúng gió độc lăn quay ra đó thì sao.

Tiếng bà Hạ Con từ trong nhà. Tôi quay sang nhìn chị Ma, chị Ma cười:

- Thôi vào đi, bà cụ này cũng đáo để lắm. Các bà cô nhà em không ai vừa cả.
- Chị cũng thế thôi.
- Chị không phải là bà cô của nhà em.
- À, chị là ma hộ mệnh nhờ.
- Sao cũng được. Thế nhé.

Chị Ma cười tươi, phẩy tay ra hiệu cho tôi mau vào nhà. Tôi vừa mới quay đi vài bước, nhìn lại đã không thấy bóng dáng của chị ấy đâu.
---
***

vô địch lưu , hài hước đọc giải trí
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.