Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 351: Bà Hạ Con



Làng tôi năm nay có vài thứ mới dành cho đám trẻ con. Cuối cùng thì “ánh sáng văn minh” của Thủ đô đã chiếu về đến làng mặc dù làng tôi chỉ cách địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội có 17 cây số. Làng tôi có cửa hàng điện tử để bọn trẻ con giải trí. Gọi là cửa hàng cho sang nhưng tôi không nghĩ nó thực sự là một cửa hàng điện tử đúng nghĩa. Cửa hàng điện tử đầu tiên là quán sửa xe đạp đầu làng của chú Bình, quán này chỉ có hai cái máy bốn nút với hai tivi 14 inches. Mặc dù toàn những trò chơi cũ kỹ từ hai năm trước nhưng chẳng bao giờ vắng khách từ lúc giữa trưa cho đến gần nửa đêm, tôi nhớ là mỗi giờ chú Bình sẽ thu phí một nghìn đồng. Cửa hàng điện tử thứ hai có vẻ chuyên nghiệp hơn do anh Tuấn làm chủ. Cửa hàng của anh Tuấn có ba máy bốn nút, ba máy Sega (tôi chưa bao giờ cất công đi tìm hiểu tên chính xác của những máy móc đó là gì). Cửa hàng của anh Tuấn có cả thanh niên lẫn trẻ nhỏ, mở cửa từ sáng cho đến nửa đêm, bên ngoài sân anh Tuấn còn đặt một bàn bida phục vụ những thanh niên có sở thích này. Trẻ con trong làng chẳng còn chơi đá bóng mỗi chiều, chúng nó thích những trò chơi mới lạ như bắn ruồi, Contra, Mario... R9 cũng đã từng thử chơi vài lần và nó tỏ ra có năng khiếu trong trò bắn ruồi.

Trẻ con làng tôi cơ bản là đứa nào cũng có tiền nhưng chỉ là có mà thôi, chúng nó chơi mãi rồi cũng hết tiền. Vài tháng sau khi có hai cửa hàng điện tử thì lác đác trong làng có mất trộm vặt, toàn những thứ chẳng đáng gì như nồi nhôm, mâm đồng... tôi biết những thứ ấy được bán cho những bà, những ông đi thu mua đồng nát. Mâm đồng, nồi nhôm cùng những thứ khác đã biến thành những giờ chơi điện tử. Ông bà mà muốn tìm cháu của mình thì cứ ra cửa hàng điện tử sẽ thấy chúng nó.

Cửa hàng điện tử kiêm quán bida của anh Tuấn là một dãy nhà cấp bốn nhỏ, mới được xây trong mùa hè vừa rồi, ngôi nhà này nằm giữa khoảng từ cây đa cổ thụ đến cổng bãi tha ma Cầu Khoai. Anh Tuấn là bộ đội xuất ngũ về địa phương, anh ấy biết chơi bida nên dạy cho những thanh niên trong làng, ban đầu chỉ là chơi vui nhưng khi có ít tiền cược vào sẽ vui hơn nhiều. Tệ nạn cũng từ đó mà ra, cũng chỉ là những con gà, con vịt của nhà nọ nhà kia biến mất không rõ nguyên nhân.

Tôi không phải là một đứa mê chơi điện tử, những trò mà những đứa trẻ hay thanh niên ở làng tôi chơi thì tôi đã chơi từ đời tám hoánh vào những mùa hè trước đó rồi. Thi thoảng trên đường đi học về tôi cũng tạt vào đứng nhìn một lúc rồi lại về, R9 thường ở lại xem rồi tập chơi bida với những người khác. Nó là một thằng chơi bida rất khá nếu so với tôi, đến già đầu rồi mà tôi còn chẳng biết cầm cây gậy ra sao cho đúng. R9 đã từng nói tôi là người trời bởi vì tôi hờ hững với tất cả những thứ gì một đứa ở tuổi của tôi nên quan tâm. Để chứng minh rằng mình cũng là đứa bình thường, tôi đã gọi điện ra cho em trai tôi nhờ nó mua hộ một cái máy điện tử bốn nút cũ ở chính cửa hàng mà tôi hay chơi vào những mùa hè vừa rồi. Cái máy đó mua hết bốn trăm nghìn, những cái băng bằng nhựa màu vàng, màu nâu, màu đỏ... thì năm mươi nghìn một cái. Tôi có tiền mà, mua về chơi một mình vừa yên tĩnh lại vừa có thời gian nghiên cứu trò chơi. Có một vài trò tôi chơi khá giỏi bởi vì... chơi nhiều, đặc biệt là trò lái xe máy đi qua những địa hình lồi lõm đủ cả. R9 cũng hay lên chơi, về sau nó mê quá tôi cho nó luôn cái máy cùng những cái băng đó để các em nó khỏi phải ra đầu làng chơi.

Sau này cửa hàng điện tử ở làng cũng nâng cấp dần lên những máy điện tử mà tôi không nhớ hiệu, tôi chỉ nhớ đó là những cái đầu máy màu xi măng dùng đĩa bằng nhựa hình vuông, sau đó lên cả máy PS2 dùng đĩa DVD. Máy được nâng cấp thì số tiền giờ cũng vì thế mà tăng lên, gà vịt cũng vì thế mà biến mất nhiều hơn. Tôi cũng từng mua một cái máy điện tử về để chơi trò đá bóng. Tôi có thể khẳng định rằng thời cấp 3 nếu chơi những trò bóng đá thì ở huyện tôi chắc tôi không có đối thủ. Tôi chơi không giỏi nhưng tôi... có máy móc để luyện tập, khi tôi chọn chế độ chơi khó nhất và thắng dễ dàng thì tôi sẽ chán, kiểu như có thể xuất sơn được rồi. Cũng có vài lần có đứa rủ tôi chơi ăn tiền nhưng chưa đứa nào thắng được tôi cả, tôi không bao giờ thắng đối thủ một cách dễ dàng, tôi luôn cho đối thủ của mình cảm giác rằng tôi thắng họ được là do may mắn. R9 là đứa duy nhất biết rằng tôi có máy móc để luyện tập nhưng nó chẳng bao giờ nói ra, nếu tôi thắng thì nó có tiền, tôi chỉ cần cái danh mà thôi. Nếu các bạn 8x đã từng chơi trò đá bóng (tôi nhớ rằng nười chủ quán gọi là Pes2 hay gì đó) thì trong game có một phần bị lỗi, chỉ cần để đối thủ tấn công, khi cướp được bóng dẫn bóng đến vòng tròn trung tâm rồi sút hết cỡ thì khả năng bóng bay thẳng vào lưới là rất cao. Những ai từng chơi với tôi rất bực mình vì kiểu này, về sau họ phải giao hẹn rằng không được “chơi bẩn” nên tôi cũng đành chiều lòng.

Điện tử không phải là sở thích của tôi nhưng ở xứ mù thằng chột làm vua, chân lý này từ ngàn đời xưa rồi. Sau này R9 và Chắc Gạo hay đi chơi cùng nhau, chúng nó có những lần chơi đến gần sáng mới về. Tôi bị gạt ra rìa vì nếu tôi đi cùng thì tôi hay ngồi đằng sau bảo hết thằng này đến thằng kia... ngu nên chúng nó cáu. Đến khi hai thằng này luyện tập thành tài rồi mới cho tôi đi chơi cùng, ba thằng mà chỉ có hai tay cầm nên giao kèo “thua ra thắng ở lại”. Giao kèo này chỉ được vài lần bởi vì tôi lâu thua quá, cuối cùng tôi vẫn bị cho ra rìa. Hồi năm 2014 ba thằng chúng tôi đã lặp lại trò này, vẫn là thua ra thắng ở lại nhưng địa điểm đã ở TPHCM chứ chẳng còn ở quê của chúng tôi nữa. Ba thằng đàn ông vẫn chơi say sưa và chửi nhau như mười lăm năm về trước, tôi vẫn chửi hai thằng bạn mình chơi ngu và bị chúng nó cho ra rìa. Tôi chơi có thể không giỏi nhưng... tôi có máy PS3 ở nhà, trò khác thì tôi không dám nói nhưng Vice City hoặc Pes11 gì đó thì tôi chơi cũng tạm được.

Gần đến ngày giỗ cụ nội tôi, chiều hôm ấy tôi đi học về mới đạp xe qua cổng nhà thì nhìn thấy một bà cụ dáng thấp đậm, tóc bạc trắng như cước, đầu đội khăn màu đen. Ngay khi nhìn thấy mặt của bà cụ thì tôi lập tức đoán rằng đây chính là bà Hạ Con bởi vì bà có nhiều nét giống với bà Hạ Lớn cũng như ông nội tôi. Mỗi khi tôi gặp bà Hạ Lớn ít khi tôi dám nhìn thẳng bởi vì đôi mắt của bà cứ như nhìn thấu tâm can của tôi vậy.

-Cháu chào bà ạ!

Tôi cất tiếng chào khi vẫn còn ngồi trên xe đạp.

-A thằng cò Tý đã về đấy hử?

-Vâng ạ!

-Lại đây bà xem nào, nhìn mày cũng lớn quá rồi.

Tôi dựng xe đạp vào gốc cây bưởi sinh đôi rồi đi lại, hơi cúi đầu xuống để bà Hạ Con xoa đầu tôi. Xoa đầu xong thì bà nắn vai, bóp tay sau đó bắt tôi xoay một vòng tròn để nhìn trước ngó sau thằng cháu.

-Nhìn không to cao nhưng được cái cứng cáp. Đâu để bà xem nào, ờ, cái trán cao như này là giống ông mày, đôi mắt với cái mũi cũng thế.

-Mọi người nói rằng cháu giống mẹ cháu ạ. – Tôi đáp.

-Nhìn qua thì giống mẹ mày thôi nhưng sau này mày giống ông mày, bà làm sao mà nhìn nhầm được.

-Vâng, vâng! Bà về lâu chưa ạ?

-Bà vừa về lúc chiều.

Đây là lần đầu tiên tôi gặp bà Hạ Con nhưng cảm thấy rất gần gũi, có lẽ do bà là em ruột của ông nội tôi. Bà già cũng từng kể với tôi rằng bà Hạ Con rất ghê gớm, ghê gớm có tiếng nhưng tôi luôn có lòng tin vào việc lấy lòng người cao tuổi. Bằng chứng chính là việc bà Hạ Con lấy ra hai tờ Năm mươi nghìn màu xanh dúi vào tay tôi và nói:

-Bà cho mà ăn quà, cố mà ăn cho nhiều vào để chóng lớn.

-Cháu có tiền rồi bà ơi, bà lớn tuổi rồi nếu có tiền thì phải giữ để phòng thân chứ ạ.

-Cha bố anh, chỉ được cái dẻo miệng. Bà vẫn còn kiếm tiền được, bao nhiêu năm không gặp nên bà cho thì cháu cứ cầm lấy.

-Vâng ạ. Cháu xin.

Tôi rất vui khi nhà mình có khách, đặc biệt vị khách này lại là em ruột của ông nội tôi. Người ta hay nói rằng một giọt máu đào hơn ao nước lã là đúng. Mỗi lần nhìn bà Hạ Con thì tôi lại tưởng tượng ra ông nội mình và rồi tôi nhận ra bà Hạ Con cũng giống cụ nội, đặc biệt là đôi mắt và cái mũi vừa thẳng, vừa cao. Tôi nhớ rằng hai bà nội của tôi chẳng bao giờ mắng bố tôi một câu, hai bà cô của bố tôi cũng vậy nhưng tôi phải công nhận rằng lời nói của hai bà có uy lực thật sự, bố tôi không bao giờ dám nói lại, chỉ dám vâng dạ rồi nhất mực làm theo.

Cũng giống như bà Hạ Lớn và hai bà nội của tôi, bà Hạ Con dành sự quan tâm đặc biệt cho tôi vì bà nghe nói rằng tôi là một thằng bé ngoan, học giỏi (cái này thì sai bét). Theo quan niệm của bốn bà thì tôi sau này là đứa sẽ lo việc thờ cúng, trong những bữa cơm thi thoảng tôi có nghe lỏm được các bà nói chuyện với nhau như vậy. Tôi là đứa tiềm năng, sau này các bà có nằm xuống thì cũng không lo bị quên lãng.

-Bà về giỗ cụ nội phải không ạ?

Tôi hỏi bà Hạ Con trong bữa cơm tối hôm ấy.

-Ừ! Bà về giỗ cụ.

-Những năm trước cháu nghe bà Già cháu nói là bận bán hàng nên không về được, cháu cũng mong gặp bà.

-Thế cò Tý muốn gặp bà có việc gì? Bà không thích nói kiểu khách sáo đâu nhá.

-Thật mà, bà cháu bảo là bà rất giống ông nội cháu nên cháu tò mò muốn gặp.

-Đúng là có như thế thật. – Chợt bà Hạ Con đổi giọng. – Ta đúng là giống anh trai ta thật.

-Bà về rồi bà ở chơi có lâu không? Ở nhà có mỗi hai bà cháu cháu nên có thêm người thì vui lắm ạ.

-Bà cũng chưa biết khi nào thì đi, chắc cũng ở nhà độ mươi ngày. Giỗ cụ xong còn nhiều việc khác nữa.

-Việc gì thế hả bà?

-Bao năm nay bà không về. – Bà Hạ Con buông đũa nhìn ra cửa – Bà Hạ Lớn bây giờ mắt cũng mờ lắm rồi, nguyện vọng của chúng tao là xây cất mồ mả cha ông, làm xong mấy việc này thì chúng tao cũng yên tâm mà nhắm mắt được rồi.

-Bà còn khỏe như này thì lo gì, cháu nghĩ bà sẽ sống đến tận một trăm tuổi.

-Được vậy thì tốt. – Bà Hạ Con chợt thở dài. – Đúng ra năm nay bà cũng không về nhưng...

-Nhưng sao hả bà?

-Tuần trước tự nhiên bà nằm mơ thấy bố của bà.

-Hả? Cụ... cụ cháu ạ?

-Ừ! – Bà Hạ Con gật đầu – Cụ của cháu. Bà mất bố từ lúc mới lên tám nên chẳng còn nhớ mặt mũi cụ nội của cháu ra sao vậy mà đêm hôm trước ngủ mơ nhìn thấy rõ mồn một.

-Cụ... cụ cháu bảo gì hả bà?

-À! Cũng chẳng nói gì, cứ lẳng lặng đứng nhìn bà. Một tay chống gậy, một tay để ra sau lưng. Bà hỏi mấy lần nhưng cụ không nói gì sau đó quay lưng đi mất.

-Chỉ... chỉ là nằm mơ thôi mà, bà đừng quá lo lắng.

-Lúc chiều bà Già có nói tháng trước tự nhiên bát hương có lửa nhỏ vào buổi tối. Bà nghĩ là các cụ trách việc con cháu mải làm ăn không lo hương khói.

-Không đâu, bà cháu ngày nào cũng hương khói từ hồi về quê mà.

Bà Hạ Con nhoẻn miệng cười lắc nhẹ đầu mấy cái:

-Ta biết chị dâu ta là người cẩn thận nhưng mộ của cha mẹ ta hiện đã bị mất nấm, mộ của ông bà nội ta cũng vậy.

Tôi không nói thêm mà hơi nheo mắt lại suy nghĩ. Bà Hạ Con nói tiếp:

-Trước giải phóng thì mộ của các cụ, các ông, các bà vẫn còn nấm nhưng từ hồi bố mày thoát ly thì ruộng người ta chia năm xẻ bảy rồi cho thiên hạ thuê. Mồ mả ông bà vì thế mà cũng bị mất nấm. Chúng tao cũng già hết cả rồi, lại là phận đàn bà, nhiều lần nhắc bố mày nhưng thằng bố mày cứ gật đầu vâng dạ rồi để đấy. Cứ cắm đầu vào lo kiếm tiền mà không chăm lo mộ phần của tổ tiên thì hậu vận sao mà khá được?

Nói đến đó bà Hạ Con dừng lại nhìn tôi thật kỹ, chợt bà đưa tay lên giữ cằm tôi sau đó quay mặt tôi hết sang phải rồi lại sang trái đến mấy lần mới thôi.

-Bà Hạ Lớn nói không sai, sau này chị em mình phải nhờ vào thằng này thôi chị ạ.

Bà Hạ Con quay sang nói với bà Già.

-Tôi cũng mong như thế, đấy bà xem. Tôi chăm nó từ lúc còn ẵm ngửa, mãi đến năm ngoái vẫn còn kỳ lưng cho nó khi nó tắm đấy.

-Chị chăm nó như thế sau này nhất định chị sẽ hưởng phúc. Tôi chú ý từ lúc chiều đến giờ trong khi nói chuyện nó rất hay nhắc đến chị, rất hay nói đến “bà cháu” một cách đầy tình cảm. Thằng này được.

Tôi nghe bà Hạ Con nói vậy chợt rùng mình, hóa ra bà còn để ý cả những điều nhỏ nhặt đến như vậy, quả nhiên lời bà Già nói không sai, không phải tự nhiên mà bố tôi mỗi khi gặp hai bà cô ruột lại ăn nói nhỏ nhẹ như con gái mới về nhà chồng như thế.

Sau bữa cơm tối hôm ấy, bà Hạ Con nằm trên võng kể cho tôi vài điều, bà cũng kể lại sự tích cái tên của tôi và vì sao bà Hạ Lớn lại chọn cái tên hiện nay thay cho tên Hùng như mong muốn của mẹ tôi. Bà cũng kể cho tôi vài điều về ông nội tôi cũng như những gì bà từng được nghe kể khi còn nhỏ. Tôi lắng nghe một cách say sưa những câu chuyện của bà Hạ Con mãi cho đến lúc khuya khi bà muốn đi nghỉ mới thôi. Bà Hạ Con không ngủ chung giường với bà Già mà ngủ trên cái giường bên cạnh cái phản gỗ lim nơi tôi ngủ, cái giường ấy tôi chưa ngủ bao giờ vì tôi đã quen ngủ trên phản. Tôi đề nghị với bà Hạ Con:

-Hay bà ngủ trên phản này này, nếu bà sợ đau lưng thì cháu trải thêm một cái chăn cho bà nằm.

-Không! – Bà Hạ Con lắc đầu – Tấm phản này phụ nữ không được ngủ, nhất là con gái đã đi lấy chồng.

-Ơ!

Thấy tôi ngạc nhiên nên bà Hạ Con giải thích:

-Bà Già chắc đã không nói cho cháu về cái phản phải không? Cái phản này chỉ người trong gia đình mới được ngủ, con gái xuất giá rồi là không được nằm ngủ trên đó. Lúc bà còn nhỏ thì cụ bà cũng có dặn rồi.

-Thời xưa có thể như thế nhưng thời nay khác rồi mà bà.

-Không có xưa thì sao có nay. Bà còn nghe nói ngủ ở tấm phản này cũng lạnh lắm, cháu ngủ có thấy lạnh không?

Tôi vội lắc đầu rồi nói:

-Cháu thấy mát.

-Thấy mát là tốt rồi, thời ông nội cháu còn vẫn hay nói là tấm phản này sau để dành cho thằng cháu đích tôn. Thật tiếc là ông anh của bà nhắm mắt xuôi tay khi còn trẻ nên chẳng thể nhìn thấy thằng cháu nội. Bà nhìn cháu là cũng thấy có mấy phần giống ông nội rồi đấy. Nếu ngủ ở phản mà thấy cái gì hay nhớ kể cho bà với nhé.

Bà Hạ Con xoa hai chân vào nhau rồi chui vào màn. Tôi cẩn thận nhét chân màn xuống dưới chiếu, bật quạt số nhỏ rồi mới đi tắt điện. Trước khi tôi chìm vào giấc ngủ say tôi đã mất rất lâu suy ngẫm về những lời nói đầy ẩn ý của người em gái ruột của ông nội tôi – bà Hạ Con.

Tôi cảm thấy cứ như có bàn tay vô hình nào đó cố ý sắp đặt mọi chuyện xảy ra xung quanh tôi.

---
***

Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.