Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 335: Kim bài Bát lộ băng



Lướt qua chỗ hai chị ma đang đứng, tôi đi thẳng về phía lũy tre, đi qua chỗ cây xoan mà tôi đã mấy lần dựa vào thân thì tôi vẫn cảm thấy miệng mình hơi cứng nên chỉ còn cách không ngậm lá nữa. Tôi phải vội vàng như vậy là bởi vì muốn xem bên kia lũy tre có động tĩnh gì hay không, nếu nhẩm tính thì bọn họ chắc cũng sắp đào đến độ sâu cần thiết rồi đào ngang lên hướng Bắc. Nếu đám này lại đào lên hướng ấy, nếu may mắn và cao tay cùng lắm lấy được cái lá trầu không mà tôi đã từng đánh tráo để chị Ma đổi thành vàng bạc hoàn trả lại chỗ cũ. Tôi không hề lo lắng việc đám người này sẽ tìm được kho báu của chị Đẹp, họ đào theo hướng ấy có đến lúc bình minh lên cũng chẳng thấy gì ngoài đất và đất. Đào sâu bao nhiêu, đào theo hướng nào... thì tôi biết vì sau này chị Đẹp đã nói cho tôi, chị ấy chẳng giấu tôi thứ gì về kho báu của chị ấy, cũng giống như chị Ma vậy. Tuy nhiên có một số thứ tôi đã cố quên đi bởi lòng tham của con người là thứ rất khó kiểm soát. Để quên một cái gì đó thật khó, bởi vậy tôi đã chọn một cách khác thông minh hơn rất nhiều, ấy là tự trộn một số thông tin lại với nhau để chính tôi cũng sẽ nhầm lẫn. Tôi sợ rằng mình cũng có những phút yếu lòng trước cám dỗ. Thật sự thì lo xa chẳng bao giờ thừa, nhất là những việc liên quan đến tính mạng không chỉ của riêng mình mà còn cả những người mình yêu thương nữa. Vàng bạc là thứ mà ai cũng thích và tôi cũng vậy, nhưng có được những thứ quý giá ấy mà người thân của mình không được dùng, được tiêu được tận hưởng, chỉ có sướng cái thân mình thì còn gì là là hạnh phúc nữa?

Nấp bên lũy tre chờ đợi một lúc trong bóng tối, bên gò miếu cũng không có bóng người, chỉ còn nghe tiếng đào đất rất nhỏ vọng lên, nhón chân lên để nhìn nhưng tôi cũng chỉ có thể thấy một quầng sáng yếu ớt hắt lên từ dưới hố. Đứng thêm một lúc nữa thì mỏi chân nên tôi phải ngồi xuống để rình, thêm vài phút nữa trôi qua thì lác đác từng bóng người đi lên gò, chốc chốc lại có chút ánh sáng đèn pin chớp nháy như để dò đường. Ba hoặc bốn bóng người ngồi quanh miệng hố hỏi vọng xuống dưới hố, giọng nói ấy là của lão Dực:

-Tới nơi chưa?
-Vừa mới đo, còn khoảng hai mươi phân nữa.
-Nhanh tay lên một tí, mệt thì leo lên đổi ca.

Dưới hố có hai người bò lên, hai người khác lập tức nhảy xuống dưới. Tôi nhớ rằng họ phải đào khoảng ba mét, phải công nhận là đám đào trộm chuyên nghiệp này đào nhanh.

-Sắp nửa đêm qua ngày mới rồi, cố một tí rồi nghỉ uống nước.
-Ngoài kia lại có phát hiện gì hả anh?
-Mất mẹ bát hương.
-Sao lại mất được? Mấy đứa kia canh ở đấy mà?
-Thì canh, vừa mới vào đây được một loáng lấy hàng của đại ca quay ra thì chẳng còn thấy, có thằng đang phá.
-Bắt được nó chưa?
-Bóng chim tăm cá. Thôi mày uống nước đi, đại ca đang tức điên kia kìa.

Đúng như lời lão Dực nói, ngay sau đó có thêm mấy bóng người nữa đi lên gò thì thầm, tiếng của nhiều người lẫn vào nhau nên tôi nghe không rõ nội dung nhưng nhìn hình đoán tiếng thì bọn họ đang tìm cách đối phó với việc bị mất bát hương.

Một ánh lửa xuất hiện sau tiếng “tang” (sau này tôi biết đó là tiếng đặc trưng của bật lửa Zippo), mấy nén hương mới được đốt lên, chẳng hiểu từ đâu lại có một cái bát hương nhỏ khác được lấy ra. Ba nén hương được cắm vào cái bát hương mới, vài bóng người quỳ xuống đất vái lậy một hồi, khi cả nhóm đứng lên chỉ còn lại một người vẫn quỳ, tôi đoán đó chính là lão đầu trọc. Lão ấy ngồi khấn vái như vậy một hồi lâu mới đứng dậy, bát hương được mang đi, vị trí không đâu xa lạ, chính là thay thế cho cái bát hương vừa bị tôi lấy mất.

Bên gò miếu im lặng một hồi, sự im lặng của bọn họ khiến tôi chột dạ, nhưng khi nghe giọng của Đường Thốc Tử thì tôi thấy mình lo lắng hơi thừa:

-Mày nhắc bọn nó chú ý, chỉ còn cái bát hương nhỏ này thôi, hô thần nhập tượng cũng chẳng bằng cái bị mất. Chắc chắn thằng lỏi con ấy chỉ quanh quẩn đâu đây, bảo anh em nếu thấy cành cây, ngọn cỏ nào lay động thì cứ dùng hàng mà chém vu vơ, kiểu gì cũng trúng.
-Em biết rồi. – Lão Dực đáp.
-Bảo thằng nào sang vườn kiểm tra luôn cái bát hương kia.
-Mới khi nãy...
-Mày già đầu mà vẫn ngu, từ bao giờ làm việc lại khinh suất như thế?
-Vâng... vâng!
-Từ từ đã.
-Còn gì hả anh?
-Mày có chú ý không?
-Chú ý cái gì hả đại ca?
-Thằng lỏi con này rất tinh ranh, chẳng biết lúc tao ngủ thì thế nào nhưng chỉ mới có một lúc thức giấc tao đã nhận ra. Thằng này nó đang dùng kế giương Đông kích Tây. Nó tập trung quấy rối ở mé vườn bên kia đến khi chúng ta tập trung tìm kiếm thì nó nhân cơ hội ấy lấy trộm bát hương ở mé vườn bên này.
-Đúng nhỉ? Thế mà em không nghĩ ra.
-Chúng ta đã đánh giá thằng lỏi này thấp hoặc là... hoặc là không chỉ có riêng mình nó phá quấy nên phải cẩn thận gấp đôi. Hắt xì! Đm nó, tao mà còn một cơ hội nữa thì đầu nó không còn trên cổ, số thằng chó này đỏ thật.
-Mà... mà anh! – Lão Dực hỏi. – Chả lẽ nó khiển âm binh và cả rắn được thật à?
-Tao thì vẫn cho rằng ở tuổi của nó không thể đủ pháp lực được, tinh thần nó còn chưa vững sẽ không khiển được âm binh, thậm chí còn bị âm binh khiển ngược lại ấy chứ. Nhất định phía sau nó còn ẩn giấu điều gì đấy.

Im lặng... chỉ còn tiếng đào đất vọng lên, Đường Thốc Tử nói tiếp:

-Điều làm tao thắc mắc chính là tại sao chỉ ở tuổi ấy mà nó huy động được rất nhiều loại binh.

Tự nhiên tôi nghe giọng nói của Đường Thốc Tử rõ hơn, ngày một rõ hơn, lúc sau tôi phát hiện ra ông ta đang đứng rất gần lũy tre nơi tôi đang nấp. Tôi cách lão trọc đầu có khi chỉ hai mét.

-Ông tổ tao nói là quân của ông tổ đang phải chống lại với quân triều đình, một đội quân triều đình thời xưa, chúng nó rất thiện chiến. Từ trang bị mà đám binh lính ma ấy mặc thì ông tổ tao cho biết chúng nó thuộc thời Lý.
-Cả nghìn năm trước ạ?
-Tao không phải người nước mày nên tao không rõ lắm. – Đường Thốc Tử thừa nhận. Nhưng làng này có ai mang họ Lý hay không? Cờ hiệu của đám ấy như tao được nghe có ghi là Thần Sách quân.
-Họ Lý ở làng này không có, nước em cũng hiếm. Nếu là Thần Sách quân như anh nói có khi là một nhóm quân thời nhà Trần đấy, em từng đọc ở đâu đó rồi nhưng không nhớ.
-Không, nhà Lý, chắc chắn là như vậy. Tên của đội quân có thể giống nhau nhưng trang bị của lính mỗi thời kỳ chỉ nhìn qua là biết, ông tổ tao sinh ra trên lưng ngựa, sinh thời đóng quân ở đất Bắc này gần hai chục năm nên ông tổ nói là tao tin.
-Ý anh là thằng ôn ấy nó cũng có binh các cụ như anh ư?
-Thằng này phải diệt trừ sớm, mới tí tuổi ranh đã sở hữu cả nghìn quân như thế thì sớm muộn nó cũng là khắc tinh trong giới của bọn mình làm. Ngoài cái đám quân Thần Sách gì đấy thì nó còn một đạo lớn âm binh sử dụng hỏa khí, cái loại súng từ thời nhà Thanh triều bắn cắc bụp.
-Súng ấy thì bõ bèn gì,
-Nhưng nếu cả nghìn thằng âm binh cầm cùng một loại thì lại khác, cả nghìn mày hiểu không?
-Cả... cả nghìn ạ...? Anh... anh có chắc không?
-Chỉ huy dưới trướng của ông tổ tao đây là một vị tướng trận dạn dày kinh nghiệm, ông ấy nói là không có sai. Mày thử nghĩ lại xem vì sao bao năm qua mày đi làm cùng tao có vụ nào bể không?
-Không ạ.
-Chính là do âm phần nơi mình lấy của bị khống chế hoàn toàn, hậu quả cũng chẳng có nên mày mới sống phè phỡn như thế này. Cả nghìn khẩu súng cùng tiến cùng lui, cách đánh thì chẳng theo thể thống.
-Thế thì dẹp đám ấy đi.
-Chính là vì chúng nó chẳng đánh theo quy ước, theo binh pháp gì nên chẳng biết đằng nào mà lần. Tận mắt tao nhìn thấy đại bác bắn thì chúng nó tản ra nhưng vừa chạy vừa bắn. Đại bác ngưng thì bọn nó tụ lại, lúc mình tập trung diệt bọn nó thì lại có một đám kỵ binh chết tiệt đánh úp.
-Thằng ranh đó còn có cả những đội như thế ạ? Em trước nay thì dùng đỗ anh đưa nên...
-Tao nghĩ mày không phải đối thủ của nó hoặc người đang đứng phía sau nó. Đội âm binh dùng hỏa khí đó chẳng rõ thuộc thời kỳ nào, trang bị kiểu nửa cổ nửa kim, thấy bảo là mặc giáp sắt nhẹ.
-Thế em đoán là đằng sau nó có người giật dây chứ ở cái tuổi của nó cho dù tinh ranh đến mấy cũng chỉ là một thằng trẻ con chưa trải sự đời. Con em cũng tầm tuổi ấy chỉ ăn với ngủ, vô lo vô nghĩ chứ biết gì về đánh trận, huống chi...
-Luôn có những ngoại lệ, thằng ôn này có thể là một ngoại lệ hiếm thấy. Tao nhớ lại lúc tao nện vỡ đầu nó là nó đang đứng nói chuyện với một hồn ma ăn mặc đúng kiểu võ tướng, nhìn cách nó đứng nói chuyện rất tự tin. Mà tao cứ ngờ ngờ, nhìn không giống chủ tớ, người Việt chúng mày trẻ con đứng nói chuyện với người lớn tuổi tao thấy...
-Chả lẽ lại là tổ tiên của nó hoặc... bạn bè?
-Bạn bè ư? Tổ tiên của nó tao nghe hợp lý hơn, cũng như binh các cụ của tao. Nhưng tao thấy cách nó đứng, cách nó gọi quân đến không giống việc nó là con cháu, trông loắt choắt nhưng nhanh nhẹn rất giống một đứa đầu sỏ, chuyên dùng mưu kế.
-Kiểu gì cũng có cách đối phó với nó anh ạ.
-Bây giờ nhé! – Đường Thốc Tử hạ giọng. – Để đảm bảo an toàn, mày mang lá kim bài Bát lộ băng tao treo ở gốc cây kia ra treo ở cành tre.
-Để làm gì anh?
-Bát hương sơ cua này không bằng bát hương chính, phải có thứ để trợ giúp. Lũ khốn âm binh kia gặp bùa này là đứng chết trân đến sáng.
-Anh có mỗi một cái thôi à?
-Mày cứ làm như bùa đồ chơi ấy nhỉ? Những thứ này là công sức nửa đời của tao, làm được cái thứ hai còn chả biết được hay không.
-Còn ở đây thì sao anh?
-Tao đi nằm, tao sẽ nói ông tổ cho một đạo bảo vệ, xung quanh gò bây giờ vẫn cả đống quân canh cho chúng mày, chúng mày lo cái gì. Bảo thằng nào sang xem cái bát hương kia thế nào đi, thằng lỏi tinh ranh thì mình càng phải cẩn thận.

Tiếng bước chân của lão Dực rời đi, lão trọc vẫn đứng lại, tôi có thể cảm nhận được, kiểu giống như có người đang đứng ngay sau lưng đang nhìn mình vậy.

-Thằng ôn con! Đêm nay nhất định sẽ là ngày giỗ của mày, không thì đời mày từ nay coi như bỏ.

Đường Thốc Tử buông lời đe dọa vu vơ, điều này chứng tỏ lão ta đã hận tôi đến tận xương tủy. Tôi nghe mà cũng cảm thấy sợ trong giây lát, đến khi nhớ ra mình còn lâu mới toi thì tôi khẽ thở phào.

-“Nhưng mình không thể trở thành thằng ba ngơ được, đời còn chưa được đi đâu xa.”

Đường Thốc Tử cũng rời đi, chỉ còn lại một mình tôi ngồi thu lu bên cạnh lũy tre tối om. Tôi ngồi thêm một lúc nữa, khi chắc chắn rằng không còn kẻ nào nhìn ngó bên này mới cẩn thận bò về phía cây xoan để nấp. Nghe lỏm bao giờ cũng được những thông tin giá trị, tôi đang cố tưởng tượng ra cái lá bùa kim bài Bát lộ băng gì kia trông nó như nào.

-“Mình mà thó được cái đấy sẽ để dành dùng riêng. Sau này thi thoảng trêu hai chị cũng vui, hí hí hí.”

Tự nhiên trong đầu tôi nảy ra ý tưởng như thế, có ý tưởng này tự nhiên tôi lại miên man suy nghĩ lung tung rồi tự cười một mình chẳng khác gì một thằng dở hơi. Hồn ma của ông An kéo tôi trở lại với thực tại, ông ta nói gấp gáp:

-Bọn nó chắc trèo tường qua bên này đấy!
-Chắc để kiểm tra cái bát hương đó ông. – Tôi đáp lại với giọng bình thản.
-Nhưng mày phải làm gì đi chứ, chẳng lẽ để bọn nó dễ dàng sang đây như thế.
-Các ông có ném gạch được bọn họ không?
-Bình thường bọn tao điên lên thì ném, xô, trêu được.
-Thế bây giờ thì sao ạ?
-Chả hiểu bọn nó có mang theo cái gì bên người, nghe còn chả được huống chi là ném. Chẳng hại bọn nó được nên tao rất tức.
-Thôi được rồi, thì tặng cho bọn họ vài cục gạch, ông để cháu.
-Gạch hả, để tao chỉ cho mày chỗ.

Khu vườn yên ắng đến lạ, nhờ có cái bát hương vô tích sự mà lũ âm binh bên kia không bắn vu vơ sang bên này, giờ mấy người sang kiểm tra kỹ kiểu gì cũng phát hiện ra bất thường, tí nữa lại bắn nhau đì đùng điếc hết cả tai cho mà xem. Nhờ có ông An chỉ chỗ nên tôi tìm mấy cục gạch chẳng khó khăn gì, đi đến gần chỗ để bát hương khi nãy cũng đã thấy một bóng người đang nằm trên bờ tường chuẩn bị tụt xuống vườn. Tôi dựng thanh kiếm gỗ vào một gốc cây để đảm bảo rằng mình không bị phát hiện, mấy cục gạch giấu thì dễ thôi, cứ để xuống đất là xong.

Người thứ nhất nhẹ nhàng đặt chân xuống vườn, người thứ hai không trèo sang, người này chỉ kẹp nách thò đầu trên bờ tường với cái đèn pin để soi cho người ở dưới. Cả hai người đều không biết rằng trong vườn không chỉ có riêng bọn họ, chí ít là còn có tôi đang ngồi xổm cạnh người đàn ông, thậm chí tôi còn cúi đầu thật thấp để nhìn rõ mặt anh ta. Đây chẳng phải là gã có cái tên A Bân hay sao. Tôi thử đưa tay lên xoa đầu gã A Bân, cách xoa đầu giống như kiểu... xoa đầu con Vện hoặc con Mực ở nhà tôi. Gã A Bân lập tức ngẩng đầu lên dáo dác nhìn quanh rồi cất giọng thì thào hỏi gã đang ở trên tường.

-Anh... anh có thấy ai không?
-Ai?

Tôi đứng lên để nhìn thì nhận ra cũng là một gương mặt quen, chính là gã Cội mà tôi đã một lần đạp vào mang tai.

-Em thấy như có ai vừa sờ đầu mình.
-Đéo có ai, âm binh đông, gió lạnh nhiều nên mày tưởng thế thôi.

Tôi vẫn đứng, mắt thì nhìn gã Cội, tay với ra sau xoa đầu gã A Bân đang ngồi.

-Đấy! Như có ai sờ đầu em anh ơi.
-Làm đéo gì có ai, trong vườn thì ma nhiều hơn cả cây, chắc họ đụng vào mày đó thôi.

Tôi nhớ ra lần trước gã A Bân này chưa bị ăn đạp cái nào, mồi ngon dâng miệng thế này không trêu với dọa hai gã thì phí của. Tuy nhiên tôi phải chờ xem bọn họ làm gì đã.

-Hương thì vẫn cháy mà em thấy tro bị ẩm anh ơi, anh soi vào đây hộ em cái.
-Nói nhỏ cái mồm thôi, cẩn thận có chó sủa lại phiền hà.

Luồng sáng chỉ nhỏ bằng ngón tay cái của tôi chiếu xuống theo yêu cầu của A Bân, A Bân dùng một ngón tay ấn nhẹ vào tro trong bát hương rồi đưa ra nhận định:

-Đúng là ẩm anh ạ, kiểu như có nước ấy.
-Sao lại có nước được, mày nhầm à?

A Bân ấn thêm vài lần nữa rồi khẳng định chắc nịch là ẩm, gã nhổm người lên với tay lấy cái đèn pin của gã Cội dí sát vào chân hương để nhìn cho rõ.

-Đúng là nước, toàn bộ ẩm hết cả.
-Mày xem kỹ xem nào.

A Bân dùng hai ngón tay lấy một ít tro đưa lên mũi ngửi khịt khịt.

-Có mùi như... như nước đái anh ạ.
-Đm thế thì to chuyện, để tao hỏi anh Dực, mày chờ tí.

Gã Cội lập tức biến mất khỏi bức tường, sau đó đôi nghe tiếng bước chân rất nhanh bên vườn bưởi. Gã Cội đi rồi, A Bân dùng đèn pin chớp tắt, chớp tắt tìm xung quanh, gã ta cũng lướt qua mấy cục gạch tôi để gần đó. Tôi nhớ trong đêm ở cánh đồng sau làng thì Đường Thốc Tử hoặc ai đó gọi cho gã A Bân này hỏi chuyện thay vì gã Cội, điều này chứng tỏ A Bân có vẻ là gã được tín nhiệm hơn vì cẩn thận. Gã này đúng là cẩn thận thật. Gã nhẹ nhàng di chuyển bằng hai chân trong tư thế ngồi, cái túi nilon đựng nước giải ban nãy tôi vứt gần một lùm cây nhỏ được gã phát hiện ra. A Bân không chạm vào, gã dùng đèn pin soi thật kỹ, trong túi nilon nhỏ màu trắng vẫn còn một ít nước đọng lại. A Bân tìm được một cái que nhỏ lật cái túi mấy lần để xem xét, gã cúi đầu rất thấp (gã này cao phải một mét bảy) còn tôi khoanh tay đứng nhìn bên cạnh. Bên vườn bên kia có tiếng bước đi đến nên nếu tôi muốn làm gì thì phải làm thật nhanh, tôi không chọn cách sút vào mặt anh ta bởi vì... tôi không đủ can đảm làm như vậy, mặc dù tôi biết sút như thế chắc chắn sẽ rất đau. Chân phải tôi giơ lên rồi nhắm vào gáy của A Bân đạp mạnh xuống, anh ta cắm đầu xuống đất, mông chổng lên trời nhưng không kêu la một tiếng nào. Đạp cho A Bân sấp mặt xong thì tôi bước về phía bức tường, nơi mà trước đó vài phút gã Cội hãy còn thò đầu lên nói chuyện.

Bức tường gạch ở đoạn này và cả các đoạn khác đều tương đối cao, tôi nhớ là khoảng một mét rưỡi hơn một tí nếu đứng trong vườn nhà hàng xóm nhưng đứng ở phía vườn bưởi của bà ngoại tôi thì cao khoảng hai mét. Chính vì thế bọn họ mới phải trèo, chứ thấp lè tè như bên khu vườn này đối với những người trưởng thành chỉ với một lần lấy sức bật sẽ nhảy lên thành tường một cách dễ dàng.
---
***

vô địch lưu , hài hước đọc giải trí

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.