Tôi biết rằng còn rất nhiều việc cần phải làm trước mắt, tôi quay lên nhìn quan và hỏi với giọng hết sức nhã nhặn:
-Thưa ông quan! Nếu cháu chưa đến số chết thì bây giờ cháu có thể trở về được hay không? -À... à... dĩ nhiên là ta sẽ bảo hai ông Hắc Bạch Vô Thường đưa cháu về. -Vâng, thế thì tốt quá ạ. – Tôi xoa hai bàn tay vào nhau, giọng nói vẫn rất nhẹ nhàng, kèm theo nụ cười xã giao. – Cháu thấy hai ông Hắc Bạch Vô Thường đây cũng là vì làm việc công, phàm đã là người thì không ai tránh được sai sót nên khi thành ma rồi cháu nghĩ chắc cũng thế phải không ạ? -Cũng không thể tránh được sai sót, chúng ta đều rất bận rộn với công việc của mình. -Vâng, tiện đây cháu mạo muội hỏi quan thêm vài điều không biết có tiện hay không?
Quan nhìn tôi, tôi nhìn quan. Quan có vẻ chần chừ, có lẽ ông ấy nghĩ rằng tôi sẽ được đằng chân, lân đằng đầu hạch sách gì đó, nhưng tôi không phải là người như thế, ít nhất là trong lúc này. Gây thù chuốc oán với lũ âm binh, phù thủy thì không sợ, dù sao thì thầy phù thủy vẫn còn sống nhăn răng, âm binh thì tôi cũng có nhiều cách đối phó nên không việc gì phải nhã nhặn nhưng quan sai dưới này thì khác. Nói gì thì nói, sớm hay muộn cũng gặp họ, gây thù chuốc oán sau này nhỡ đâu khi gặp lại mình không còn ai bảo kê sẽ bị hành cho đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, họ cũng chỉ làm việc của họ, nếu có sơ suất thì tôi cũng chẳng thể truy đến cùng được, người xưa có câu được vạ má sưng cơ mà.
-Được... Cháu nói đi, nếu ta trả lời được thì ta sẽ đáp ứng. -Lúc nãy ông quan cũng nghe hai ông Hắc Bạch Vô Thường đây trình bày thì hẳn đã biết ở ngoài cánh đồng làng cháu lúc ấy có một trận đại chiến, những vong hồn của làng đã giúp đỡ tuần binh chống lại âm binh do các thầy phù thủy phương Bắc đến đào trộm của cải, đánh đuổi Thổ Địa cũng như các vong hồn thân cô thế cô.
Tôi tạm dừng quay lại nhìn hai ông Hắc Bạch Vô Thường như có ý muốn hai ông ấy xác nhận lời tôi nói, thật may họ gật đầu xác nhận đúng là có chuyện như vậy. Tôi yên tâm nói tiếp:
-Người cầm đầu của đám ấy đã làm nhiều việc thất đức, ông ta có tên là Đường Ba Tài, còn gọi là Đường Thốc Tử, gốc người Tàu. -Ông ta năm nay bao nhiêu tuổi? – Quan hỏi tôi. -Thưa quan, điều này thì cháu không được biết. Nhưng cháu đang nghĩ đến một khả năng, ấy chính là việc cháu đang có mặt ở đây do hai ông quan sai này bắt nhầm đều nằm trong kế hoạch của cái ông Đường Ba Tài này ạ. -Tại sao ông ta phải làm như thế? -Cháu đã nhiều lần ngăn cản công việc của ông ta, việc này tất cả những vong hồn ở làng cháu đều biết, đều đồng lòng chống lại. Cả làng ma chỉ có cháu là người còn sống nên ông ta mới tìm cách sát hại cháu, cháu thành ma thì công việc của ông ta chắc chắn sẽ thành. -Lẽ nào có những chuyện như vậy? Ta đây cũng có nghe việc một số thầy phù thủy trên nhân gian xuống đây xin giấy tờ đi lại hoặc trình báo các việc. Tuy vậy ta chưa từng nghe việc một thầy phù thủy có thể huy động hàng nghìn âm binh cùng lúc.
-Ông ta là thầy Tàu. – Tôi nói rồi chỉ vào những Kim quân đang đứng phía sau. – Quan xem thử những quân lính này, cháu không phải là thầy phù thủy, quân lính này cháu được một vị cao tăng giúp cho để chống lại lũ âm binh.
Quan nhìn một lượt cả Hỏa binh và Kim quân lúc này đã được lệnh đứng nghiêm, phải nói thật là trang bị của binh lính ở Quỷ Môn Quan không oách bằng binh gạo, chứ chưa nói đến việc họ hành động nhanh gọn, dứt khoát.
-Trên cánh đồng làng, trước khi cháu bị đánh chết thì có khoảng một nghìn năm trăm binh lính như thế này đang chống lại lũ âm binh quỷ của cái ông Đường Ba Tài ấy. Chắc chắn hai ông Hắc Bạch Vô Thường nếu có đến câu hồn cháu sẽ nhìn thấy những binh lính mặc y phục như thế này. -Thưa quan, đúng là như thế, hai chúng tôi có nhìn thấy một đội quân đông đảo dùng hỏa khí chống lại những quỷ mắt đỏ. – Bạch Vô Thường lên tiếng xác nhận. -Ngoài ra còn một đạo quân khác, cũng rất đông. – Hắc Vô Thường tiếp lời. – Tuy nhiên trang bị của họ còn ghê gớm hơn, thiện chiến hơn. Nhóm này tôi cũng không biết của ai nhưng cũng cùng phe với những quân lính ăn bận giống như này. -Tại sao âm phần của làng này lại loạn đến mức ấy? Quan binh ở đâu mà để bọn âm binh lộng hành đến vậy? – Ông quan hỏi, chẳng biết là hỏi ai nhưng tôi vẫn đáp. -Quan binh của huyện cũng có một đội hơn một trăm lính, đội nón dấu lông gà gần giống với mấy ông sai nha ở đây, chỉ huy của đội ấy là ông Phùng Huy. -Cháu... cháu cũng biết việc này ư? -Cháu biết! – Tôi gật đầu. – Nhưng đã bị âm binh đánh cho tan tác và rút chạy, cháu mong là ông ấy vẫn chưa bị hồn siêu phách lạc. -Vậy đội binh thiện chiến mà hai ông Hắc Bạch Vô Thường vừa nói từ đâu mà ra? -Cũng thuộc quyền chỉ huy của cháu. – Tôi tranh thủ vơ vào, giọng tôi rất tự tin, mặc dù tôi không phải là chỉ huy của đội quân thiện chiến ấy nhưng giờ họ chẳng ở đây, nói vậy cũng không sao. – Cháu đã huy động một nghìn hai trăm quân như vậy. -Không... không thể nào! Mày... à cháu... cháu không thể...
Ông quan không thốt lên lời khi nghe đến con số tôi vừa nói, đến tôi nghe cũng còn bán tín bán nghi cơ mà. Nhưng đã nói thì phải nói đến cùng chứ không người ta lại nghĩ mình nói phét thì hỏng hết mọi dự định.
-Ông quan có biết trên trán của những binh lính thiện chiến ấy thích chữ gì không? -Thích chữ ư? Thích ở đâu? -Trên trán ạ. -Thưa quan, theo như học trò biết thì trước đây rất nhiều đội quân đã thích chữ lên cánh tay, tục lệ của người Việt chúng ta từ xa xưa đã như vậy, đặc biệt ở thời nhà Trần, binh lính xăm hai chữ “Sát Thát” để thể hiện lòng quyết tâm đánh đuổi giặc.
Mãi thì cái bạn học trò này cũng nói được một câu nghe lọt tai.
-Điều này ta cũng biết, nhưng xăm trên trán thì... -Thưa ngài, học trò đã từng đọc qua sách nên có biết, nếu thích trên trán thì ở thời Lý có tục lệ này. - Tôi nghe vị thư lại nói đến đây thì nhếch miệng cười, tự nhiên tôi không thấy ghét ông ta nữa. – Việc thích lên trán chỉ làm với những binh lính ở trong tử cấm thành bảo vệ nhà vua, đây là một vinh dự khi làm lính. -Ông học trò này nói đúng ạ. – Tôi nói tiếp. – Ông quan có biết trên trán của các chiến binh ấy thích chữ gì không ạ? -Ta nghĩ là thích ba chữ “Thiên tử quân”. – Vị thư lại nhanh nhảu nói. -Đấy là ông học trò nói, không phải cháu. – Tôi cười. -Vậy trên trán những chiến binh ấy thích chữ gì? – Quan hỏi tôi. -Thì ông học trò vừa nói đúng rồi, chính là ba chữ ấy! -Không thể nào! – Quan lại ngạc nhiên một lần nữa.
Binh gạo không có động thủ, cũng chẳng chĩa súng vào ai nhưng tất cả đều im lặng, diễn tả theo kiểu ở nhân gian ấy là tĩnh lặng đến mức cây kim rơi cũng có thể nghe thấy âm thanh.
-Thiên tử quân chỉ bảo vệ cho linh hồn của nhà vua. – Quan nói. -Cháu cũng nghe nhiều lần về việc ấy. – Tôi đáp. -Vậy tại sao... tại sao... -Cháu không biết.
Tôi đáp tỉnh bơ, dĩ nhiên tôi vẫn cười, nụ cười đầy thâm thúy, mục đích của nụ cười cùng ánh mắt của tôi lúc này là muốn ông quan và những ai nghe được sẽ hiểu theo điều họ muốn hiểu. Cũng giống như mỗi khi ai hỏi tôi bao nhiêu tuổi thì tôi lại đáp là tôi học lớp mấy, tôi không giấu, chỉ là tôi muốn họ nghĩ theo một cách logic mà thôi. Hơn nữa, tôi cũng không tin mình là con vua cháu chúa gì cả, mạo nhận nhỡ đâu sau này sinh chuyện. Tôi chỉ mớm lời chứ không tự miệng nói ra, điều này là khác nhau hoàn toàn. Khi trưởng thành tôi nhận ra rằng những kẻ lừa đảo cũng hay làm như vậy, chúng luôn nói hoặc hành động để người khác nhìn hoặc nghe điều họ muốn nghe rồi rút tiền ra cúng cho bọn chúng, thật may tôi không phải là một kẻ lừa đảo.
-Điều này có... có thật không? – Quan hỏi tôi, dường như quan không tin vào những gì tôi nói, cũng dễ hiểu. -Cháu nói dối quan làm gì, tí nữa hai ông Hắc Bạch đưa cháu về nếu gặp, cháu sẽ gọi ra cho hai ông ấy xem thử. Ngay bây giờ nếu ông muốn cháu có thể gọi một đô đến đây, một đô là một trăm quân hoặc gọi tất cả hai nghìn quân cũng được. Nhưng có một điều khó nói, ấy là mỗi khi gọi họ đến thì phải... cho họ đánh nhau, không có mùi tanh thì... -À... cái này không vội. – Quan xua tay ngay. – Chốc nữa nhờ hai ông Hắc Bạch xem giúp là được rồi, gọi họ đến đây làm gì, nơi này đã quá chật. -Vâng! Cháu cũng nghĩ như thế. -Vậy thân thế của cháu...? -Đây là một bí mật, cháu cũng không được phép biết, những người biết đều đã thành ma, những ma biết thì bây giờ đã thành cát bụi ạ.
Tôi nói câu này là nửa đùa nửa thật bởi vì làm gì có người nào biết tôi triệu hồi được Thiên tử quân. Tuy nhiên, câu nói này cộng với giọng điệu rất thản nhiên của tôi lại mang tính sát thương rất cao, vị thư lại làm rơi cả cuốn sổ đang cầm trên tay, mắt nhìn tôi chớp chớp đến mấy lần. Ông quan lặng im không nói nhưng ánh mắt nhìn tôi rõ ràng là đã thay đổi, tôi đoán được phần nào ông quan đang nghĩ gì. Hành động tiếp theo của quan khiến tôi phải cố nhịn cười bởi vì mình đã đoán đúng, ông quan đứng lên khỏi cái ghế rồi bước xuống sân, đứng ngay trước mặt tôi, vẻ mặt tươi cười.
-Cháu còn ít tuổi mà đã lo việc nghĩa như thế thật là tốt, thân già ta đây cảm thấy hổ thẹn. -Không có gì ông ạ, chỉ là cháu nghĩ phải có ai đó ngăn chặn bọn họ làm việc xấu, cháu cũng là người làng nên việc bảo vệ làng là điều nên làm. -Đúng, rất đúng! Còn bé mà đã hiểu lý lẽ này thì lớn lên nhất định sẽ thành tài.
Tôi nhận thấy cần phải thể hiện thêm thiện chí của mình nên mở miệng túi thu lại toàn bộ Kim quân, vài chục Hỏa binh dĩ nhiên tôi chưa thu lại, cẩn tắc vô ưu.
-Cháu muốn hỏi xem cái ông phù thủy Đường Ba Tài ấy liệu có xuống đây trình diện hay không.
Tôi đổi chủ đề, đúng hơn là quay lại ý định ban đầu của mình, thêm nữa tôi cũng không muốn ông quan nói những lời mà tôi không thích nghe.
-Nãy cháu nói hắn là người Tàu nhỉ? -Vâng! -Nếu là người Tàu nhưng chết trên đất Việt thì cũng phải đến Quỷ Môn Quan trình diện sau đó hắn sẽ được trao trả về quê quán của hắn. -Vậy ông ta có trình diện ông không ạ? -Ở đây có tất cả chín cửa vào, mỗi cửa là một quan nhưng cần thì ta sẽ thông báo trước, nếu có kẻ nào tên là Đường Ba Tài người Tàu... tuổi... tuổi... -Ông ta hiện tại khoảng ngoài năm mươi ạ. -À, tuổi ngoại ngũ tuần đến trình diện thì ta sẽ đích thân tra xét công, tội của hắn. Nhưng mà... nhưng mà... -Nhưng mà làm sao ạ? -Nếu ta có được bát tự của hắn thì tra sẽ nhanh, đỡ phải chờ. -Ông không cần phải chờ lâu đâu, cháu nghĩ là nội trong ba ngày tới kiểu gì ông ta cũng sẽ có mặt ở đây. -Sao cháu biết? -Nếu ông ta là người đã giúp cháu có cơ hội gặp quan thì cháu cũng sẽ giúp ông ấy có cơ hội gặp quan. Cháu chẳng thể làm gì ông ấy được nhưng sẽ có một vong hồn làm việc ấy, vong hồn đó mà biết cháu đã bị ông ta biến thành ma thì sợ là không đến ba ngày. -Ai... ai mà mạnh đến mức đó? Lại có thể thay đổi được số mệnh ư? Phù thủy không phải là kẻ dễ dụng đến một khi hắn còn khỏe mạnh. -Cháu chỉ có thể nói rằng vong hồn đó không nói lý như cháu, vong hồn ấy có lẽ giờ này đã biết tình hình của cháu rồi, nên sẽ không nói nhiều đâu ạ. -Rốt cuộc thì... thì thân thế của cháu ra sao? Cháu... cháu tên gì nhỉ? -Cháu được dặn rồi nên cháu xin phép không nói tên ạ. – Tôi cười. – Cháu chỉ muốn khi ông tra xét người mang tên Đường Ba Tài thì cứ đúng phép công mà làm, ông ta đã làm rất nhiều việc xấu. Chính mắt cháu đã từng nhìn thấy một đệ tử của ông ta xuất hồn dẫn âm binh đi đánh nha môn sau đó bị cho vào vạc dầu đun sôi. -Như thế nghĩa là quan binh đã ít nhiều có chứng cứ về những tội hắn và đồng bọn đã làm. -Nếu ông có tra xét thì cho cháu nhắn nhủ với ông ta vài lời được không ạ? -Được! -“Lêu lêu ông trọc đầu, tôi sống đến 86 tuổi cơ, còn ông dù có trường thọ nhưng đã làm nhiều việc xấu nên phải đền tội sớm, đáng ra ông sống đến chín mươi chín tuổi nhưng số ông đen!” Đấy ạ, cháu muốn gửi lời như thế. -Cháu biết được hắn ta sống đến 99 tuổi sao? Chả lẽ cháu biết trước số tử của người. -Làm việc xấu nhiều thì chỉ nên sống đến thế thôi ạ.
Tôi làm sao mà biết ông ta sống đến bao nhiêu tuổi, chỉ là tôi thuận miệng nói thế cho lão trọc đầu dù là ma rồi vẫn uất ức mà thôi. Mặc dù tôi không biết chị Ma có thể làm gì với ông ta nhưng với tính cách của chị Ma thì việc truy sát có lẽ sẽ diễn ra ngay từ đêm nay. Đường Thốc Tử có thể phòng bị nhưng liệu ông ta phòng bị được bao lâu khi xung quanh lúc nào cũng có một hồn ma sẵn sàng vặn cổ hay xô ngã ông ta vào một cái xe nào đó chạy ngược chiều?
-Được nếu gặp hắn thì ta nhất định sẽ chuyển lời như vậy, nhưng chữ “lêu lêu” liệu có cần phải nói lại hay không? -Hắn là người xấu, quan nhìn cái quầng sáng gì đó trên đầu ông ta là biết ngay, phải có lêu lêu thì ông ta có thành ma rồi vẫn uất ức mãi không thôi. -Lêu lêu! – Quan lè lưỡi, trợn mắt ra thử khiến tôi giật mình. – Lâu lắm rồi ta không thấy ai chơi trò này. -Vậy ông chơi thử đi, vui lắm. -Được, nhất định ta sẽ thử. Nhưng trên đầu cháu quầng sáng khi thì đen, lúc thì trắng. Ta đây làm quan tra xét đã hơn trăm năm ở cửa này cũng chưa hề thấy. Hoặc là đen hoặc là trắng chứ lúc đen, lúc trắng, lúc lại xám thế này thì... -Cháu tốt với người tốt, xấu với người xấu, nửa tốt nửa xấu với người nửa xấu nửa tốt nên có thể ông đã nhìn thấy như thế. Nhưng cháu không muốn đuổi cùng giết tận ai, cháu luôn nghĩ tốt về người khác, luôn muốn họ hướng thiện nhưng nếu... -Ra là vậy, chính tà khó phân định. -Một vị cao tăng từng nói với cháu khi còn nhỏ rằng, cháu có thể trở thành một tướng quân hoặc một tướng cướp, hiện nay cháu nghĩ mình đang là một người tốt, tương lai cũng sẽ như vậy. -Nên thế, rất nên. Ta tra xét ở đây gặp nhiều vong hồn trắng, vàng, hồng rất nhiều, mỗi khi gặp ta đều rất vui. Tuy nhiên màu đen vẫn chiếm đến hơn một nửa, dạo gần đây đen nhiều hơn trắng.
Tôi thu nốt đội Hỏa binh đang đứng gần mình, tôi muốn kết thúc câu chuyện để trở về với nơi mình nên trở về. Tôi cố không nói ra nhưng quan có vẻ hiểu nỗi băn khoăn của tôi, ông ta đúng là một vị quan thông minh, những người thông minh thì nên quen biết nhau.
-Hai ông Hắc Bạch Vô Thường đây sẽ đưa hồn cháu trở lại cánh đồng ngay bây giờ.
Tôi chép miệng, tỏ vẻ thở dài, cúi đầu buồn bã.
-Sao thế? – Quan hỏi. -Cháu đi lâu như thế có khi giờ này đã tàn cuộc rồi ạ. -À, làm gì mà lâu, bây giờ vẫn còn giờ Hợi. -Vẫn giờ Hợi ạ?
Tôi ngẩng đầu lên nhìn ông quan tỏ vẻ không tin, tôi nhớ là mình đã đi rất lâu, nói chuyện cũng rất dài, chẳng lẽ vẫn còn trong giờ Hợi ư? Nghe được điều này phải nói thật là tôi mừng húm nhưng vẫn cố tỏ ra bình thường.
-Từ cánh đồng làng cháu đến Quỷ Môn Quan tưởng là lâu nhưng lại không lâu, tưởng xa nhưng lại không xa, tưởng gần mà lại không gần. Ta không thể nói rõ được, chỉ có thể nói là không bao lâu mà thôi. -Vâng! Thế cháu cảm ơn ông quan, bảy mươi năm nữa cháu sẽ gặp lại ông, mong ông giúp đỡ ạ. -Được, được, ta nhất định sẽ giúp.
Tôi cúi đầu chào quan rồi lùi về phía sau vài bước, nghiêng người sang một bên nói với vị thư lại:
-Chào ông học trò nhé, cháu xin lỗi vì đã làm ông sợ. Nếu ông có trách tội thì chờ mấy hôm nữa hỏi tội cái ông Đường Ba Tài, ông ta chính là kẻ đã làm khó ông chứ không phải cháu đâu ạ.
Vị thư lại gượng cười, tôi chắc chắn rằng khi Đường Ba Tài mà có xuống đây thì bao nhiêu tức giận của quan, của vị thư lại hay cả những sai nha ở đây sẽ dồn vào lão trọc đầu. Trả thù thì có nhiều cách nhưng mượn tay người khác theo tôi là cách cao thủ nhất, dù sao thì lão ta cũng là kẻ đã gây ra những chuyện này.
Tôi chuẩn bị quay đi thì như chợt nhớ ra điều gì nên bước vội đến gần chỗ quan đang đứng, hai bàn tay xoa xoa vào nhau, dáng vẻ hèn mọn lâu lắm mới lại xuất hiện, tôi trình bày:
-Thưa quan! Chẳng là lúc đi đò qua đây, cháu có nói với ông lái đò bị câm rằng nếu cháu được trở lại cõi nhân gian thì sẽ tặng ông ấy hai hũ tiền xu, thật sự cháu cũng chẳng nghĩ mình có thể quay trở lại nhưng không ngờ lại gặp được quan, ngài là vị quan nhân đức, độ lượng, anh minh và hào phóng. Quan... quan có thể cho cháu hai hũ tiền xu để cháu cho ông lái đò được không ạ?
Quan nhìn tôi với ánh mắt trợn tròn vì ngạc nhiên, hẳn là ông ấy chẳng thể nghĩ được thằng lỏi con này đã thoát chết lại còn giở trò xin tiền.
-Cháu ở nhân gian cũng chẳng lấy gì làm giàu có nhưng cháu chăm chỉ làm việc tốt, hoặc quan cho cháu mượn, khi về nhà rồi quan cho cháu biết tên để cháu gửi vàng xuống trả ạ. -Hai hũ tiền cơ à? -Vâng, cũng chỉ là vui miệng nhưng cháu biết ma là rất giữ lời hứa, đặc biệt nhớ dai. -Thôi được, vì cháu cũng là người làm việc nghĩa, ta sẽ cho luôn ba hũ. Ta mong rằng lần sau gặp lại thì quầng sáng trên đầu cháu sẽ là màu trắng.
Tôi đứng thẳng người, ưỡn ngực lên và nói:
-Cháu sẽ phấn đấu trở thành người tốt ạ. Quan đúng là độ lượng và rộng rãi, không chấp trẻ con vô tri.
Sai nha đưa đến cho tôi ba hũ tiền xu đầy ắp, tôi nhanh chóng cầm lấy không quên cảm ơn quan rối rít.
-Cháu không phải là đứa trẻ vô tri đâu cháu bé ạ, ta đang cảm thấy giống như mình vừa bị lừa đấy. -Không đời nào, không đời nào. Cháu sao dám gạt quan được chứ. -Thôi đi mau đi không lại nhỡ việc. -Vâng! Cháu cảm ơn.
Hắc Bạch Vô Thường không nói câu gì, cả hai im lặng dẫn tôi đi ngược trở ra ngoài cổng, tôi cũng không quên cảnh giác trước sau sợ quan trở mặt. Ra khỏi cửa tam quan tôi phải dừng lại vì ôm ba hũ tiền xu không nặng nhưng vướng, tay phải tôi vẫn cầm thanh kiếm không rời.
-Hai ông Hắc Bạch Vô Thường ơi cháu nhờ một tí.
Tôi lên tiếng gọi, hai vị quan sai quay lại.
-Có việc gì? -Đây nhé, cháu xin được ba hũ tiền, mỗi ông một hũ, hũ còn lại thì cho cái ông lái đò.
Hắc Bạch Vô Thường nhìn nhau, có lẽ họ tưởng họ nghe nhầm, khi họ nhìn tôi thì tôi cười, hơi ưỡn ngực về phía trước ý muốn nói họ mau cầm lấy.
-Cháu không lừa gì đâu, tiền này cháu cầm về thì làm gì, người sống không tiêu tiền này. Tiền của ma thì lại cho ma. -Ngươi... ngươi không nói đùa đó chứ? – Bạch Vô Thường hỏi. -Sao lại đùa, cháu nói thật. -Nhưng bọn ta... -Chẳng biết một hũ có mua được nhiều rượu không nhưng làm quan thì phải có tiền, hai ông không có tiền nhất định sẽ không được coi trọng, điều này ai chẳng rõ. -À thì... nếu... nếu ngươi cho bọn ta thật thì bọn ta sẽ nhận. -Đây, cháu cho thật chứ nói đùa đâu. Hũ còn lại để trả ông lái đò.
Hắc Bạch Vô Thường cầm hũ tiền đầy ắp trên tay dường như vẫn chưa tin, tôi mặc kệ họ. Ngoái đầu nhìn lên tấm biển với những dòng Hán tự treo trên cao lần cuối trước khi rời đi, tôi chẳng muốn quay lại nơi này chút nào. --- ***