Your Life Is Around You!

Chương 10: Ngày thứ 8



Hà, nhìn thì biết diện tích chẳng hơn nhau là mấy. Nhưng tại sao tôi lại cảm giác trường B lớn hơn trường A của chúng tôi nhiều lần thế nhỉ?

Đúng vậy, tôi đang đứng ở cổng trường B – nơi tôi sẽ thi HSG hôm nay. Từ xa đã nhìn thấy bọn lớp tôi, gồm thằng Hoàng, Đại Dương và Dương Minh đứng ngay trước cổng. Khi tôi dắt xe gửi cẩn thận ở chỗ để xe, quay lại đã thấy bọn nó kéo nhau vào trường.

Sân trường khá rộng.. Tôi nhìn bao quát một lượt. Đây là lần đầu tiên tôi đến trường B, còn những đứa như thằng Hoàng hay thằng Dương thì đã đến vài lần rồi, vì mấy năm trước chúng nó hay đi thi Toán các kiểu. Tòa nhà chữ T cao 4 tầng, wow, cao à nha! Tôi thầm cảm thán. Bên cạnh tòa nhà chữ T hình như có sân bóng rổ. Trường A chúng tôi có một sân bóng đá nhân tạo cũng rất ổn. Thôi, so sánh làm gì…! Trên sân trường, học sinh các trường trong quận 1 đứng tụm lại với nhau. Lớp 9B của trường A, tức là chúng tôi đứng ngay gần cổng trường. Quay đi quay lại đã thấy nhiều đứa đến, tập trung khá đầy đủ. Tôi cảm thán nhìn bảng tin của trường B. Trời ạ, danh sách học sinh đạt giải của mấy năm trước dài dằng dặc. Ngưỡng mộ thật!

Trong quận 1, có 5 trường THCS nổi bật. Trường A và trường B là hai trong số đó. Tuy nhiên, xét về khả năng dành giải trong các cuộc thi môn văn hóa, trường B hơn hẳn trường tôi. Nhất là môn Toán – Anh, khả năng cạnh tranh vô cùng cao. Nhưng trường A chúng tôi vẫn có thể tự hào vì kết quả thi lớp 10 đã luôn đứng nhất quận trong nhiều năm liền. Nói chung là, xét về cá thể, trường B thắng; còn xét về mặt bằng chung, trường tôi thắng. Trường B có số học sinh gấp ba lần trường tôi. Khi tôi biết điều này, tôi thực sự ngạc nhiên đấy. Một khối của trường B có tận gần 20 lớp, trong khi trường tôi chỉ có 8. Một sự chênh lệch quá lớn! Vì vậy, giả dụ như trường B có rộng hơn trường tôi một chút, tiện nghi hơn một chút, tôi hoàn toàn có thể hiểu được.

Chúng tôi đi xem phòng thi, số báo danh xong xuôi, quay lại thì lễ khai mạc đã bắt đầu. Vẫn là những nghi thức đọc các loại văn bản rườm rà, rồi nghe các quy định làm bài thi, tôi kín đáo lấy tay che miệng ngáp. 7h15 chúng tôi tập trung, cứ nghĩ có thể thi sớm về sớm, ai dè 8h5 mới bắt đầu làm bài.

Thời gian là hai tiếng rưỡi, điều này dập tắt hoàn toàn ý định quay về trường sau khi thi của tôi.

.

.

.

Đề thi có thể coi là không quá khó, theo tôi nghĩ là vậy. Trong ba phần, có hai phần là có thể làm được, một câu lý thuyết, một câu tôi đã được làm trong khi ôn thi đội tuyển một lần. Chỉ có phần cuối nhiều điểm nhất thì phải suy nghĩ. Dạng đề vô cùng quen thuộc: chứng minh một nhận định thông qua một tác phẩm văn học. Tôi thừa nhận khi phải ép mình vào một tình huống căng thẳng, mỗi người đều có thể phát huy khả năng “chém gió” của bản thân. Tôi ngoáy bút lia lịa, chữ cũng xấu chứ không đẹp như mọi khi, bù lại viết khá dài. Mặc dù kết quả thế nào, nhưng có lẽ, như vậy cũng coi như tôi dốc hết sức.

Có giải thì vui rồi, không có giải thì thôi. Có buồn cũng chỉ là cảm xúc trong nhất thời thôi. Điều này làm tôi nhớ lại hồi tiểu học. Có một lần, tôi và hai bạn cùng lớp được chọn đi thi viết chữ đẹp. Nhưng chỉ có hai đứa được đại diện đi thi. Chúng tôi cùng ra sức luyện chữ. Cuối cùng, tôi không được chọn. Lần đó tôi suýt khóc. Lúc cô giáo nhẹ nhàng an ủi tôi, tôi đã phải kìm chế những giọt nước mắt. Nhớ lại hồi đấy, đúng là trẻ con. Chẳng phải bây giờ chữ đẹp và trình bày luôn là thế mạnh của tôi sao? Cái giải chữ đẹp gì đó, lượn đi cho rồi!

Khát vọng dành giải của tôi không mãnh liệt như thằng Hoàng. Thằng Hoàng mong muốn nó đạt được giải thành phố năm nay, như vậy mới có thể được cộng điểm thi vào 10 chứ. Tôi không cho đó là điểm yếu của bản thân. Tôi cũng có những lúc phải giành giật, đấu tranh, nhưng không phải là việc thi cử thế này. Tôi không thích! Có lẽ vì vậy, tôi chưa bao giờ đạt bất kỳ một giải nào, dù tôi thi khá nhiều cuộc thi. Cũng có thể đó chỉ là lời biện hộ của bản thân về sự kém cỏi của bản thân tôi.

Chúng tôi lần lượt rời khỏi phòng thi. Đứa nào nhìn thấy nhau, câu đầu tiên hỏi sẽ là: “Mày làm bài tốt không?” Còn câu tôi trả lời cho mỗi đứa là: “Không nói trước được điều gì!”

Tôi ra chỗ danh sách thí sinh, lướt tay qua chỗ môn Anh, tìm tên một người. Đây rồi, quả nhiên có nó! Crush tiểu học của tôi. Ha, đúng là “hữu duyên thiên lí năng tương ngộ”. Vừa thấy tên nó trong danh sách xong, quay sang đã thấy nó đứng với bạn, chắc đang bàn tán gì đó ở góc bên kia sân trường.

Thằng Hoàng đi tới chỗ tôi, tôi quay sang nói thầm với nó:

-Tao vừa thấy crush cũ mày ạ!

-Hửm?

-Nhớ lúc nãy trong hội đồng ban giám khảo, có người tên Hà Lam Sơn không? Bố của nó đấy.

-À tao biết rồi. Thằng Hải (ở đây chỉ Quang Hải) nói với tao một lần rồi. Nghe một cái ra ngay.

Hà Lam Hải!

Tôi học với nó từ hồi lớp 1. Nói luôn là, tôi thích nó từ lớp 1. Thời trẻ con, những gì tôi nhớ được có thể biến thành hồi ức được rồi. Kể lại cho bạn nghe bây giờ cũng lười. Tiểu học mà, trẻ con lắm! Tôi nhớ thằng Lam Hải hồi đấy đẹp trai, da mặt trắng trẻo (nhưng mà tôi vẫn trắng hơn nó nhiều), học giỏi, dễ thương nữa, cũng hay chơi với tôi. Trong một tổ, nó là tổ trưởng, tôi là tổ phó. Giờ ngủ trưa, có một cái gọi là “luật” đề ra như sau, đại khái là tổ trưởng nằm đầu bàn, tiếp đến là tổ phó, sau đó lần lượt các bạn theo thứ tự ngồi từ trên xuống. Tôi nằm cạnh nó, bị nó gác chân lên. Tôi kể với bạn thân. Bạn thân yêu quý của tôi liền chạy ra trước mặt nó, gào lên: “Ai cho cậu gác chân lên người Thanh lúc ngủ?” làm tôi xấu hổ gần chết. Bây giờ nghĩ lại hồi ấy đúng là trong sáng, vô tư, “hồn nhiên như cây cỏ”. Tôi thích Phương 3 năm, nhưng tôi thích Lam Hải những 5 năm Tiểu học. Ngày cuối cùng chia tay của lớp 5, tôi vẫn không đủ dũng cảm nói với nó rằng “tớ thích cậu” (hồi đấy vẫn xưng hô cậu – tớ chứ không tao – mày như bây giờ). Năm sau họp lớp cũng không có mặt nó. Dần dần tình cảm “sửu nhi” một thời cũng phai dần. Đến thằng ngồi cạnh tôi hiện tại, tôi cũng có thể tỉnh bơ nói “tao đã từng thích mày” với nó mà mặt không biến sắc. Khi tôi tình cờ tìm thấy facebook và số điện thoại của thằng Hải, tôi vẫn không đủ tự tin nhắn tin với nó rằng “tao đã từng thích mày” giống như với thằng Nam. Lên cấp hai, nó học trường B, tôi học trường A. Học sinh trường Tiểu học của tôi đa số sẽ thi vào hai trường, hoặc A hoặc B, một phần nhỏ là trường khác trong top 5 của quận 1. Vì vậy tôi đã rất vui khi thấy thằng cùng lớp với tôi, còn hơi buồn vì tôi đã biết thằng Hải sẽ thi vào trường B có bố nó làm giáo viên ở đó. Dù ba năm không gặp mặt, tôi cũng có nghe qua tin tức về nó nhờ bạn bè cũ.

Ép bản thân không cần nhìn nó quá lâu, tôi cùng bạn bè ra về. Thằng Hoàng định rủ tôi về trường chơi một lát. Tôi đành từ chối dù rất tiếc, biết sao được. Bố mẹ tôi đang đợi ở ngoài.

-Tao về đây!

-Bye!

-Chúc mừng năm mới!

Phải rồi, vì hôm nay đã là ngày cuối cùng của năm 2015. Hẹn gặp chúng mày vào năm sau!
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.