Bị tấn công thì phải phản đòn, không sớm thì muộn, nhịn 1 chứ không nhịn 2, đó là cách nghĩ của con trai bọn tôi, đừng để đối phương sẵn nước lấn tới, được đằng chân lân đằng đầu, phải chống trả quyết liệt. Nhưng đó là con trai, còn con gái có như vậy ko thì tôi chưa biết, chỉ biết em Vy đã phát tối hậu thư tấn công mở đầu rồi, về phần Tiểu Mai nàng có đình chiến hay tham chiến hay không thì tôi dự là sẽ không, vì Tiểu Mai lúc nào cũng rất mực dịu dàng hoà nhã, ít nhất đó là ý kiến của bọn con trai 10A1.
Và sự thật thì đã đi ngược lại với những Gia Cát Dự tào lao, giờ trả bài Anh ngữ của cô Hiền, sau khi đọc qua một lượt điểm ngữ pháp mới thì cô Hiền ra đề dịch cho em Vy lúc này đang trả bài trên bảng:
- Em dịch cho cô câu này sang tiếng Anh nhé: “ Không có gì quý hơn độc lập tự do “!
Vy cắn môi suy nghĩ, tôi thì thành phản xạ rồi, cứ em nó lên bảng dò bài là tôi lại chú tâm theo dõi mà cũng suy nghĩ đáp án theo, để hên xui còn nhắc bài. Nhưng lần này là môn tiếng Anh, và tôi thì còn tệ hơn Vy nhiều, nên thà là ko giúp còn hơn, nghĩ đến đây tôi ngán ngẩm nhìn vô câu dịch bá láp của mình rồi giấu biến nó đi.
Tôi ngước lên bảng, em Vy sau một lúc ngần ngừ thì đã viết ra đáp án, vả chăng tôi tin chắc thế nào cũng sẽ đúng mà thôi.
- “ Nothing’s more valuable than independence and freedom! “
Cô Hiền gật đầu, ra chiều khá hài lòng về câu dịch này, dù thật sự nó chưa hoàn chỉnh lắm, nhưng học sinh lớp 10 mà được vậy là ổn rồi, à vâng đó là suy nghĩ của tôi.
- Có em nào phát biểu gì về câu dịch này ko? – Cô Hiền hỏi cả lớp.
- Trúc Mai thì sao? – Cô Hiền quay sang hỏi cô học trò cưng như mọi khi, vì cô rất thích cách tư duy ngôn ngữ cũng như những ý kiến thú vị của nàng.
- Dạ, nếu là em thì câu dịch này sẽ là “ Independence now, and independence forever “! – Tiểu Mai đứng dậy trả lời.
Tôi mặt ngu ra vì ko hiểu Tiểu Mai dịch kiểu gì, đến thằng dốt English như tôi cũng nhận ra câu dịch của nàng thiếu từ freedom và valuable, thiếu cả so sánh hơn, đằng này lại còn cả now và forever, mặc dù trong câu nói bất hủ này của Bác Hồ lại ko có những từ như “ bây giờ “ và “ mãi mãi “, cả lớp ngơ ngác, em Vy tròn mắt ngạc nhiên, và cô Hiền mỉm cười hỏi:
- Sao em lại dịch như vậy?
- Thưa cô, thứ nhất dịch theo bạn Vy cũng ko phải là sai, nhưng đó là cách dịch word by word, tức là dịch từ từng một, nhưng thật sự đó không phải là cách dịch hay! – Tiểu Mai từ tốn đáp, nhấn nhá từng từ một – Thứ hai, đây là một câu slogan, nên em nghĩ cần dịch thật ngắn gọn và súc tích nhưng phải có hồn trong đó!
- Ừm, em giải thích rõ hơn đi! – Cô Hiền yêu cầu.
- “ Independence now, and independence forever “ sẽ có khí khái và mạnh mẽ hơn, mang âm hưởng một câu khẩu hiệu nếu dùng ở phương Tây, đồng thời vẫn giữ nghĩa quý giá của độc lập và tự do, tuy nhiên nếu cần giải thích ột ai đó hiểu thì em sẽ dùng câu dịch của bạn Vy, đó là dịch ra nghĩa đen trong Anh ngữ! – Nàng giải thích đến đâu bọn tôi trố mắt đến đấy, y như là ngày đầu tiên học chữ viết vậy.
- Mình thì lại nghĩ Mai đi quá xa so với đề bài rồi! – Vy cười nhạt.
- Đã dịch sang tiếng Anh thì phải dịch theo lối nói và văn hoá của người nước ngoài, nhập gia tuỳ tục thôi Vy! – Tiểu Mai lạnh lùng đáp.
- Vấn đề là bạn đang ở Việt Nam, và sử dụng một câu thành ngữ Việt Nam đấy, nhập gia tuỳ tục ra sao đây?! – Em Vy sắc sảo phản biện.
- Học ngôn ngữ người ta, thì phải nói theo văn hoá người ta, cũng tức là khách vào nhà thì tôn trọng chủ thôi! – Tiểu Mai cũng không vừa.
Tôi gục mặt xuống bàn, K mập gãi đầu nhăn nhó, thằng T lắc đầu cười khổ, trong lớp đã xì xào bàn tán.
- Lại nữa, tui đoán rồi mà!
- Èo, chả hiểu gì sất, cao xa quá!
- Chiến tranh giữa các vì sao phần mới đây à?!
Quả thật là tôi chẳng biết đồng tình với ai, Tiểu Mai hay là Vy, vì cả hai ai cũng có lý lẽ riêng của mình, và ai nói tôi nghe cũng vừa tai, lập luận chặt chẽ, tôi mà cãi với 1 trong 2 nàng này thì đảm bảo ko quá 1 câu đã tắc tị rồi.
- Ừm, cách dịch của Vy có thể chấp nhận được ở trình độ phổ thông, còn của Trúc Mai thì cô hoàn toàn đồng ý nếu với tư cách là một người nước ngoài! – Cô Hiền nhận xét.
Và chẳng riêng gì giờ Văn và Anh, các giờ học thường xuyên phải thảo luận như Công dân, Lịch sử và Toán thì cả 2 nàng chẳng ai nhường ai, kình nhau thấy rõ, các môn xã hội thì em Vy hô mưa gọi gió, các môn tự nhiên thì Tiểu Mai một tay che trời, mấy thằng cán sự Toán Lý Hoá như bọn tôi với thằng L thằng T bị nàng cho ra rìa không thương tiếc, khiến bọn tôi lâm vào cảnh thất nghiệp trầm trọng, chỉ biết nhìn nhau rồi tặc lưỡi chắp tay sau lưng mà quay đi hệt như cao nhân từ quan về quê ở ẩn.
Nghĩ đi nghĩ lại, dù gì cũng tại cái bí kíp Da lông móng sừng của tôi gây ra tình cảnh này, nên tôi cũng có tới đề cập với em Vy:
- Hôm giờ 2 người kình nhau căng quá vậy? Hay là bỏ qua đi? – Tôi liếm môi đề nghị đình chiến.
- Kệ, ai bảo cứ thích tranh với Vy! – Em ấy gạt phăng ý tưởng đầy hoà bình nhân văn của tôi sang 1 bên.
Tôi ngán ngẩm lắc đầu, định lò mò sang đề nghị Tiểu Mai hãy hoà đàm đi, có gì thì từ từ giải quyết, có thể tôi nói ít nhiều gì nàng ấy cũng sẽ lưu tâm. Nhưng số phận của sứ giả thì chẳng có khi nào tốt cả, nhất là sứ giả này lại đang cặp kè với vua, mà làm bạn với vua thì như bạn với hổ, nên vừa thấy tôi định chuyển đối tượng can gián sang Tiểu Mai là em Vy nhìn tôi đầy sát khí, làm tôi rụt cổ mà dẹp ngay ý định vì hoà bình thế giới.
Những tưởng chiến tranh giữa 2 nàng sẽ cứ mãi tiếp diễn với nguy cơ trường kì đến hết năm học và hiểm hoạ vũ trang khi đã bắt đầu chuyển sang đả kích lẫn nhau, thì cơ hội hoà bình đã tới, nhưng để có hoà bình thì phải trả một cái giá không hề nhỏ chút nào, tức là phải có kẻ thua người thắng, lúc ấy mới có lý do để ngồi vào bàn đàm phán song phương mà chấm dứt chiến tranh.
Nhưng theo tình hình quan chiến bây giờ thì cả Tiểu Mai và Vy kẻ tám lạng người nửa cân, chẳng ai chịu thua ai, thế thì hoà bình lấy ở đâu ra khi muốn chiến tranh kết thúc phải có kẻ thua? Xin thưa đó là khi có bên thứ ba nhảy vào và giúp đỡ một trong hai bên, lấy ưu thế số đông mà áp đảo.
Bên thứ ba đó chính là tôi, kẻ luôn miệng kêu đình chiến nay đã tham chiến…