Xuyên Qua Ngàn Năm

Chương 35: Không phải cô Tiên, cũng không phải Bồ Tát



Ngọc Mai thấy Baba cứ ngồi ngẩn người không nói tiếng nào cũng không nhúc nhích, suy nghĩ như trôi dạt miền hư vô nào đó, cô lên tiếng kéo ông về hiện tại: 

"Nhìn thấy người đó con biết ngay là ba nhỏ, con gọi người có quay lại nhìn nhưng người không nhận con, người nói con nhận nhầm, có nói kiểu gì người cũng không chịu nhận con."

Nói đến đây Ngọc Mai lại thấy mũi chua xót, mắt đỏ hoe, không muốn để bản thân thấy hụt hẫng thêm, cô cố gắng bình ổn cảm xúc rồi nói tiếp: "Ba nhỏ nhìn không khác gì lúc trẻ, chừng ấy năm mà không già chút nào, cả vết chân chim trên mắt cũng không có, nhìn cỡ ba mươi mấy là cùng."

Ông Ba lẳng lặng nhìn Ngọc Mai, chăm chú quan sát một lúc lâu mới lựa lời lên tiếng:

"Vậy ba nhỏ của con chắc đã dùng ngọc thể, nếu em ấy không nhận con chắc là có lý do gì đó, theo tính cách của em ấy sẽ chủ động tìm đến chúng ta sớm nhất khi có thể. Mọi việc trong cuộc sống ít nhiều đều xoay quanh chữ duyên, duyên còn thì dù có trốn duyên cùng tự tìm đến, duyên hết thì con có cố níu kéo cũng không được. Con nên suy nghĩ tích cực một chút, còn nhỏ tuổi nên tránh xa buồn phiền cùng không vui đeo bám, rất ảnh hưởng tâm trạng.”

Ngọc Mai hiểu ý Baba, không muốn người lo lắng thêm cho mình nên mỉm cười lên tiếng trấn an: “Dạ, con hiểu mà, thôi Baba nghỉ ngơi sớm đi nhé, con cũng về phòng ngủ đây, chúc Baba ngủ ngon.”

Trở lại phòng, Ngọc Mai không tắt đèn đi ngủ ngay mà ngồi ngẩn người ở trên giường, suy nghĩ mông lung lan man về biểu hiện của ba nhỏ sáng nay, cô quyết định chờ ba nhỏ đến tìm trong thời gian cô và Baba còn ở lại Phủ, nếu ba nhỏ vẫn không đến cô sẽ là người đi tìm, ba nhỏ vẫn còn nợ cô một lời hứa, không dễ dàng gì mới gặp lại được ba nhỏ, kiểu gì cũng phải đòi cả vốn lẫn lời.

Xoay người, Ngọc Mai với tay lấy balo trên đầu giường xuống, lục lọi đem ra em gái lật đật bé nhỏ, đây là món quà đầu tiên cô nhận được từ thời còn bé thơ đến lúc gặp được ba nhỏ. Giai đoạn được Baba nhận nuôi là thời gian cô hạnh phúc nhất, có đến hai người ba lúc nào cũng yêu thương và lo lắng cho cô.

Em gái lật đật này tuy chỉ là món đồ chơi bằng nhựa không quý giá gì, nhưng đối với Ngọc Mai đây là thứ vô giá về mặt tinh thần. Từ nhỏ, mỗi lần vấp ngã hay té đau, bản thân Ngọc Mai luôn là người tự đứng dậy, đi xin dầu gió sức vào các cục u hoặc vết bầm. Thói quen đó hình thành cho đến khi về ở chung với ba lớn và ba nhỏ, không biết ba nhỏ đã quan sát Ngọc Mai từ lúc nào vì cô và người hầu như chưa từng gặp mặt trước đó bao giờ, lúc đưa quà ba nhỏ có nói một câu mà đến giờ Ngọc Mai vẫn còn nhớ như in:

“Từ giờ trở đi, sau mỗi lần vấp ngã đứng dậy, con nên nhớ sẽ luôn có hai ba đứng phía sau làm chỗ dựa cho con, con có thể thoải mái khóc òa, nhõng nhẽo hay ăn vạ đều được.”

Lần đầu trong đời Ngọc Mai vừa được quà vừa có ba yêu thương nên cô vô cùng xúc động, rất trân trọng mỗi phút giây được ở bên cạnh hai người ba này. Ngọc Mai không những không nhõng nhẽo mà còn ngoan và hiểu chuyện hơn gấp nhiều lần, tuy nhỏ tuổi nhưng đun nước, nấu cơm, quét dọn nhà cửa cô đều có thể làm được, đỡ đần được rất nhiều việc, thậm chí ngoài giờ đi học cô còn phụ giúp ba lớn bào chế dược liệu. 

Ngôi nhà nhỏ phía sau tiệm thuốc, cũng chính là nơi lần đầu tiên Ngọc Mai được trải nghiệm cái gọi là bữa cơm gia đình, cùng quây quần chia sẻ những câu chuyện vụn vặt trong ngày, sự ấm áp đó khiến Ngọc Mai trở nên mê muội, cô vô cùng tham luyến và tự nói với lòng, phải nghiêm khắc với bản thân hơn, phải ngoan hơn, phải giỏi hơn nữa. Vì ngôi nhà này, vì hai người ba thân yêu, dù hiện tại hay trong tương lai, cô đều muốn ở lại mãi nơi này bằng mọi giá.  

Dù đã dặn lòng như thế, nhưng theo thời gian chung sống với hai người ba Ngọc Mai dần dần thay đổi hoàn toàn tính tình, bình thường cảm xúc của bản thân Ngọc Mai thường giấu nhẹm đi, nhưng khi tiếp xúc với hai ba Ngọc Mai càng ngày càng sống thật hơn với độ tuổi cô đang có, bớt ép buộc bản thân trở nên cầu toàn, cởi mở nhiều hơn, cười nhiều hơn, có khi còn biết làm nũng, hay kể lể tâm sự dài dòng chuyện trường chuyện lớp, đôi lúc còn giận hờn luôn cả hai ba. Có thể nói người hiểu và lo lắng cho Ngọc Mai nhất chính là ba lớn, còn người chìu chuộng yêu thương cô nhất lại chính là ba nhỏ. 

Nhìn lại em bé lật đật trên tay, Ngọc Mai nhè nhẹ vuốt ve, lúc có được em này cô yêu quý vô cùng, xem như một người em nhỏ thân thiết, đi đâu làm gì cũng đem theo, thậm chí ăn ngủ đều kè kè bên người. Hiện tại, em bé lật đật đã phai màu theo thời gian, mảng màu bị phai bóng loang loáng ánh lên dưới ngọn đèn dầu, do thường xuyên được miết nhẹ hay vuốt ve. Thói quen mang theo em lật đật từ nhỏ này Ngọc Mai vẫn giữ cho đến ngày nay, đi đâu làm gì cũng bỏ trong balo, tối ngủ thì lấy ra để kế bên gối, tối nào không có em này kề bên cô sẽ trằn trọc lăn qua lộn lại ngủ không yên. 

Ngọc Mai thở dài cái thượt để balo lại chỗ cũ, đưa tay kéo thả mùng xuống, sửa soạn lại chỗ ngủ xong xuôi mới bước xuống giường, đi kiểm tra cửa nẻo cẩn thận sau đó đóng luôn cửa sổ lại, ngang qua bàn nước thổi tắt đèn dầu rồi mới leo lên giường. Ngọc Mai tự lẩm bẩm với bản thân, nhất định phải bắt ba nhỏ thực hiện lời nói vẫn còn nợ cô, sau này gặp lại ba nhỏ sẽ nhõng nhẽo, ăn vạ cho đã cái nư, ba nhỏ đừng nghĩ sẽ trốn được, chưa từng có ai nợ gì của cô mà không trả lại đủ hoặc gấp nhiều lần, ba nhỏ hãy đợi đấy! 

Vài ngày sau đó, ngoài thời gian tiếp đón mẹ nuôi và chuẩn bị thêm nguyên vật liệu làm nước mắm như tìm một lu nước biển, vài xấp vải sạch, xin xỏ Nhất thiện thêm hũ mật ong, thì tất cả thời gian còn lại hầu như Ngọc Mai đều ở không. Cũng chẳng có việc gì cần nhúng tay đến nên Ngọc Mai tạm thời làm sâu lười, ăn rồi ngủ, ngủ rồi lại dậy ăn. 

Sáng nay, sau giấc ngủ ngon không mộng mị, Ngọc Mai không muốn nằm nướng như mọi ngày nữa, mà hứng trí bừng bừng thức dậy sớm làm bữa sáng cho Baba. Khi ông Ba đến nhà ăn đã thấy Ngọc Mai ngồi đợi sẵn, bình thường mọi ngày Ngọc Mai thường hay ngủ nướng đã giấc mới chịu dậy, nhiều hôm còn bỏ lỡ luôn cả bữa sáng cùng ăn với ông, thế nhưng sáng nay lại rất chịu khó. Chuyện gì đây? Ông Ba âm thầm lên tinh thần trước cho bản thân, rất vui vẻ chờ đợi. Bước nhanh đến bàn ngồi xuống, ông không cần động tay đã thấy tô cháo trắng còn đang bốc khói với đĩa cá kho được đẩy đến trước mặt, kèm theo nụ cười tươi roi rói của con gái.

Nhìn thấy tâm trạng Ngọc Mai tốt, tâm tình của ông Ba cũng tốt theo, ăn một hơi hết tô cháo, mùi vị hơn hẳn mọi ngày. Đang ngồi ăn tô cháo thứ hai thì có người vào báo hai ông cháu A Mã đến tìm Ngọc Mai, ông Ba nghe vậy xâu chuỗi lại các biểu hiện khác lạ hôm nay của con gái bèn hiểu ra. Định lên tiếng hỏi thăm xem sáng nay con gái định nhờ vả ông làm gì, nhưng khi ngước mắt lên thì không thấy bóng dáng Ngọc Mai đâu nữa, ông sửng sốt lầm bầm: “Chạy gì lẹ dữ vậy?”

Ông Ba muốn đi hóng chuyện, nên húp lấy húp để cho mau hết tô cháo, lúc đi ra đến sảnh thì có hai bóng người bước ngang qua, nhìn kỹ thì thấy đó là Bá An và Nhất thiện, mỗi người đang rinh một sọt cá đầy ụ bước đi như bay, ông Ba đứng nhìn theo họ tấm tắc khen: sao mà khỏe thế! 

Vừa quay đầu lại, thì có thêm hai dáng người nữa lướt vụt qua, lần này họ đi còn nhanh hơn hai người trước, nhìn bóng lưng ông Ba đoán là hai ông cháu A Mã. Đang đứng xớ rớ nhìn bốn người đi xa dần, thì tới phiên Ngọc Mai chạy lạch bạch tới, ông Ba đứng chờ xem Ngọc Mai có định nhờ vả gì không, nhưng có vẻ con gái chẳng thèm để ý đến ông mà chuẩn bị chạy lướt qua, ông Ba vội đưa tay giữ Ngọc Mai lại tự đề cử bản thân:

“Con định ủ mắm luôn trong sáng nay à? Có cần Baba phụ gì không?” 

Ngọc Mai đang vội nhưng cũng ráng đứng nán lại trả lời ông: “Không cần đâu Baba, có bốn sọt cá thôi, ít xịu hà! Con làm loáng một cái là xong, Baba cứ an tâm đi làm cho trưởng tử tộc nhé, đừng lo cho con.”

Nói xong, không đợi ông trả lời Ngọc Mai lại lạch bạch chạy đi tiếp, vừa chạy vừa quơ tay lên làm động tác bái bai Baba mình. Ông Ba đứng nhìn theo cảm thấy tâm trạng kém hẳn, cứ ngỡ con gái cần ông nhưng hóa ra không phải, sự mất mát như đang từ từ gặm nhấm toàn thân khiến ông có cảm giác bị vứt bỏ. 

Lúc này nhiều việc nên ông cũng lơ là không thường xuyên quan tâm đến con gái nhiều, đã vậy mẹ nuôi của con bé ngày nào cũng đến thăm để bồi dưỡng tình cảm, không khéo ông bị cho ra rìa mất, ông cảm thấy thật sai lầm khi đồng ý cho con bé có thêm mẹ nuôi, nguy cơ quá! Càng nghĩ càng thấy tức tối cái người làm cho ông rơi vào tình cảnh dở dở ương ương này, thế là dòng họ của vị Vương nào đó lại bị hỏi thăm. 

Chạy xuống đến chỗ để mấy cái khạp, đã thấy mọi người đang đứng tụm lại nhìn mấy con cá trong sọt, vừa nhìn vừa bình phẩm, Ngọc Mai cũng lăng xăng muốn chen vào ngó. Mọi người thấy Ngọc Mai đến bèn tản rộng ra chừa chỗ, nhìn những con cá nhỏ cỡ lòng bàn tay đang búng tanh tách tươi roi rói, Ngọc Mai ưng ý hết sức, loại cá này nhìn rất giống con cá nục. 

Ngọc Mai hỏi hai ông cháu A Mã có thiếu tiền không? Biết bốn sọt cá này chỉ có mười hạ thể một sọt Ngọc Mai mừng húm, bèn móc trong túi áo ra thêm hai mươi hạ thể đưa cho A Mã muốn đặt thêm ba sọt cá như vầy nữa, A Mã gật đầu cái rụp cười tủm tỉm đồng ý, hẹn vài hôm nữa sẽ đem đến.

Bỏ mặc Nhất thiện và Bá An đứng đó tò mò với mấy sọt cá, Ngọc Mai tiễn hai ông cháu A Mã ra về, sẵn tiện đi tìm A Đoàn nhờ ghé chỗ cũ mua giùm thêm hai cái khạp. Khi quay lại thì chỉ còn thấy mỗi Nhất thiện đang đứng săm soi, thấy Ngọc Mai ông mặt dày lên tiếng: “Ngọc Mai à! cho chú đứng nhìn con làm từ xa thôi được không?” 

Vừa nói Nhất thiện vừa bày ra vẻ mặt tội nghiệp như ai vừa ăn trộm hết của nhà ông, Ngọc Mai ngẫm nghĩ dù ông có xem gần cũng chưa chắc ủ ra được nước mắm ngon, nhưng dù sao đây cũng là miếng cơm manh áo của cha con cô, lúc này hai cha con cô rất nghèo, đã vậy cô còn định để dành tiền bỏ nhà đi bụi để tìm ba nhỏ nữa. Nước mắm khi đưa ra thị trường bán rộng rãi nếu không nổi bật thì không nói làm gì, nhưng nếu nổi như cồn thì khó nói lắm, đâu ai biết được lòng người, vẫn nên phòng ngừa trước thì hơn, không thể để ông học lỏm được nên đành ủy khuất ông vậy. 

Ngọc Mai lựa lời lên tiếng: “Chú à! đây là con đường kiếm sống của nhà cháu, cháu rất tiếc không thể để cho chú nhìn được, không phải cháu có ý nghi ngờ gì chú, mà là bí quyết gia truyền thì không thể để người ngoài nhìn được, mong chú thông cảm cho cháu. Đợi có mẻ nước mắm đầu tiên, cháu nhất định sẽ tặng chú ăn thử trước mà không lấy tiền nhé.”

Nhất thiện dù có hơi thất vọng một chút, nhưng cũng nằm trong suy đoán của bản thân, ông cũng biết mình đòi hỏi hơi quá đáng! Do bấy lâu nay đã quen cách sống hào sảng của Ngọc Mai, nên nào đến giờ đều cho rằng Ngọc Mai tuy còn nhỏ tuổi nhưng lại là cô gái hiểu chuyện, hiền lành, lòng dạ thì vô cùng rộng lượng, và rất thường hay giúp đỡ mọi người, nên ông mới có suy nghĩ muốn học lỏm càng nhiều càng tốt. 

Mải mê học điều mới lạ mà quên thu liễm lại bớt tính tình nên lợi dụng hơi quá đà, khiến bản thân trở nên xấu xí trong mắt Ngọc Mai. Nhất thiện cảm thấy quá xấu hổ, lên tiếng xin lỗi Ngọc Mai xong thì thất thểu quay về bếp nấu cơm, vừa đi vừa sỉ vả bản thân là đồ tham lam, ỷ già ăn hiếp trẻ, làm khó dễ một cô gái hiền lành dễ thương như thế.

Nếu Nhất thiện biết rằng Ngọc Mai không đẹp đẽ như những gì ông nghĩ, thậm chí đến tính cách cũng hoàn toàn trái ngược, và điều quan trọng ông không ngờ được nếu không nói ra, chính Ngọc Mai mới là người đang lợi dụng ông. Sống trong môi trường lạ nước lạ cái, mỗi bước đi đều phải thận trọng, khác biệt văn hóa là rào cản lớn nhất, nên Ngọc Mai lợi dụng triệt để sự hiểu biết của Nhất thiện về thới giới này. Từ tập quán, lối sống, suy nghĩ, thói quen, quan trọng nhất chính là ăn uống, mọi thứ thông qua Nhất thiện Ngọc Mai đều nắm rõ, nhưng những thứ Ngọc Mai chia sẻ cho Nhất thiện thì ngược lại, chỉ được tám hoặc chín phần, không bao giờ đủ mười phần, mỗi món ăn đều bị thiếu một hoặc hai gia vị cuối cùng. 

Vì sao Ngọc Mai phải làm như vậy? Vốn dĩ trong cuộc sống rất khó đoán trước được chữ ngờ, và cái điều không ngờ đến nhất đó chính là lòng dạ con người, thương ai nghĩ cho ai cũng không bằng gia đình và bản thân. Muốn giúp đỡ thiên hạ thì cũng phải xem lại gia đình và bản thân đã sống tốt trước chưa cái đã, Ngọc Mai không phải là cô Tiên năm hai ngàn, có nghĩa vụ từ Sài Gòn xuyên đến đây để giúp đỡ mọi người. Cô chỉ là một con người bình thường, cũng không có tấm lòng vĩ đại của các vị Bồ Tát để đi phổ độ chúng sinh, thất tình lục dục cô đều có đủ cả. 

Nếu Nhất thiện biết những điều Ngọc Mai đang suy nghĩ, dám ông sẽ khóc thét vì bất ngờ đến sửng sốt, có khi còn hoài nghi với cuộc đời. Thật tội nghiệp chú Nhất thiện đáng thương đang tự trách bản thân, Ngọc Mai thấy chú cũng tội nhưng thôi kệ, cô còn có cả khối chuyện để lo lắng và quan tâm đây, không còn dư hơi sức đâu quan tâm người ngoài. Ngẫm nghĩ thông suốt Ngọc Mai quẳng sạch sẽ những điều phiền não ra khỏi đầu, vui vẻ đi tìm rổ xúc muối bắt đầu xắn tay áo lên ủ cá.

*Phổ độ chúng sinh: Thành ngữ của đạo Phật chỉ việc Phật cứu giúp mọi người ra khỏi bể khổ. 

*Thất tình lục dục: chỉ bảy tình cảm mà mỗi người đều có (hỷ=vui mừng, nộ=giận dữ, ai=buồn bã, lạc=vui vẻ, ái=yêu thương, ố=ghét và dục=ham muốn) và 6 ham muốn trở thành thói khó sửa của mỗi người (sắc dục, hình mạo dục, uy nghi tư thái dục, ngữ ngôn âm thanh dục, tế hoạt dục, nhân tượng dục).

Nguồn vi.wiktionary.org
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.