Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 499: Đào Thị Động Thủ



Nguyễn Đông Thanh cung kính trả lễ, trong lòng thì lại thầm nghĩ:

“Đừng nói là mười năm, cho dù cô đọc sách cả ngàn năm cũng không ngộ ra được. Những tư tưởng này, người trái đất chúng tôi trải qua cả mấy trăm năm, trả giá vô số máu tươi xương trắng mới kết luận được đấy.”

Hồ Ma Huyền Nguyệt trở về phủ thành chủ...

Ngày hôm sau, y thị tuyên bố lệnh chiêu binh, bổ sung một đợt lính mới chuẩn bị lên tiền tuyến “đấu với Lệ Chi sơn”. Đối tượng chủ yếu là ngục tốt, nha sai, kế đến là đầy tớ gia nô trong các gia tộc lớn.

Các thế gia đại tộc thành Bạch Đế nhao nhao phản đối, dẫn đầu không phải ai khác ngoài Đào thị, sau đó là các hào tộc ở Bát Bảo lộ. Tuy không dám công khai chống lại chuyện mộ binh, bởi lẽ việc thành Bạch Đế tiếp quản chiến sự Lệ Chi sơn là do đích thân Trư Đế Lê Dực hạ chỉ, song trong bóng tối làm một ít động tác nhỏ, ngoài sáng mượn miệng cánh thư sinh, nho sĩ kêu ca than phiền xảy ra có thể nói là đều như vắt tranh, bốn khu thành đông tây nam bắc nơi nào cũng xuất hiện.

Hồ Ma Huyền Nguyệt thấy hai phe mình dựng lên để cân bằng, ngăn chặn lẫn nhau thế mà bắt tay cùng làm khó dễ phủ thành chủ, càng lúc càng cảm thấy đề nghị của phủ Khai Phong không tệ.

Thế là...

Đến ngày thứ hai, Hồ Ma Huyền Nguyệt chính thức thông qua hai đề nghị của phủ Khai Phong.

Một là toàn lực mở rộng loa phường, không tiếc mở bảo khố của phủ thành chủ cho ba người họ Hàn của phủ Khai Phong thi thố tài năng.

Thành Bạch Đế không hổ là thiên hạ đệ nhất thành, những năm nay tích góp không thiếu bảo vật, nhất là các loại kì kim dị thạch hiếm có khó tìm cơ hồ là chất thành đống. Ba người Hàn Thu Thủy nhìn mà choáng váng, thậm chí còn sinh ra ý nghĩ táy máy tay chân, biển thủ công quỹ một phen. Hàn Thu Thủy thì còn đỡ, dù sao cũng là đệ tử dòng chính, ứng cử viên thừa kế gia tộc, từ bé đến lớn được thấy vô số nguyên liệu hiếm gặp. Hai anh em kia thì khác, nếu không phải còn đang đại biểu Bích Mặc tiên sinh, chỉ sợ Hàn Thanh Tú, Hàn Anh Tuấn sẽ thực sự dùng chiêu diệu thủ không không.

Thứ hai, đó là cải cách về thuế quan.

Nguyễn Đông Thanh chủ trương hạ thấp thuế đầu người có từ thời Nhân Tông, Nếu ngày trước, trẻ từ sáu tuổi trở lên mỗi năm phải đóng mười đồng thuế cho phủ thành chủ, thì hiện giờ đổi thành mười lăm tuổi, mỗi năm đóng ba đồng tiền thuế.

Đồng thời, gã lại cho sửa lại thuế đất.

Ruộng lúa cứ mười mẫu thì đất thì tính là một thửa, mỗi năm nộp một phần thu hoạch, mỗi thửa đóng mười đồng tiền thuế. Nếu người nào có hai thửa ruộng trở lên thì từ thửa thứ hai thuế tăng gấp đôi, có trên mười thửa thì từ thửa thứ mười một tăng gấp ba, cứ thế mà tính.

Hơn nữa, nếu như để ruộng bỏ hoang, thì cứ mỗi thửa để không sẽ tăng gấp đôi tất cả thuế má năm đó, cộng theo cấp số nhân.

Cơ cấu thuế bậc thang tham khảo từ thuế thu nhập cá nhân hiện đại này chẳng khác nào một can dầu tưới vào lửa, nháy mắt đã làm đám thế gia đại tộc cơ hồ bạo động. Nhất là Đào thị, sở hữu hơn một nửa ruộng đất quanh thành Bạch Đế, thuế má hàng năm tính sao mà kể?

Các gia tộc lớn khác ở đường Bát Bảo tuy không bị đào thẳng vào căn cơ như Đào thị, song cũng đứng ngồi không yên. Bọn hắn lợi dụng quy định của Nhân Tông, từng bước ép buộc dân thường không trả nổi thuế thân, sau đó mua đứt đất đai điền sản bằng giá rẻ mạt.

Ruộng đất mua về cứ tích lũy để đó, cho dù không kiếm đủ nông nô đầy tớ cấy cày cũng không sao, chỉ miễn là có đất là được. Chờ lúc dân thường không gánh nổi áp lực của đồng thuế, thì cũng chỉ có thể từ bỏ dân tịch, chấp nhận vào làm nô làm tớ cho bọn chúng để mà né tránh đồng thuế thân. Quả thật là ngoài đường dân chết đói, trong nhà hào môn gạo mốc meo. Càng tìm hiểu về cách địa chủ kiếm ăn, lại càng cảm thấy không thể không thực hiện mục tiêu “người cày có ruộng”.



Lại nói về đám hào cường thế gia thành Bạch Đế.

Dưới công cuộc cải cách thuế của Nguyễn Đông Thanh, bây giờ chẳng những bọn hắn phải gánh vác lượng thuế đất khổng lồ đột nhiên đội lên, còn phải mau chóng tìm đủ nhân lực cày cấy những mảnh đất gia tộc bọn hắn âm thầm nuốt chửng những năm này.

Thành thử...

Hào môn thế gia, văn sĩ quý tộc trong thành nhao nhao phản đối luật thuế mới của Nguyễn Đông Thanh.

Không thể không phản kháng, bằng không chờ đợi bọn hắn chỉ có một con đường táng gia bại sản trước cách tính thuế mới.

Đối với chuyện này...

Nguyễn Đông Thanh chỉ đưa ra hai lựa chọn.

Hoặc là đi nơi khác mà sống, hoặc là tiếp nhận. Đương nhiên, bọn hắn có thể thử phản kháng, nhưng đến lúc đó đừng trách hắn khép tội cố tình cản trở triều đình chinh phạt Lệ Chi sơn, điều binh mã đến trấn áp.

Ngoài ra...

Bích Mặc tiên sinh còn liên lạc với Hữu Tiền liên minh, chuẩn bị bán công nghệ sản xuất giấy cho bọn hắn. Để thể hiện thành ý, Hữu Tiền liên minh đồng thuận trợ giúp thành Bạch Đế mua lại ruộng đất của cánh hào môn đại tộc, biến ruộng tư thành ruộng công.

Rút kinh nghiệm từ cải cách ruộng đất ngoài đời, Nguyễn Đông Thanh không dám cho người dân đấu tố. Hắn biết rõ, con người là một loại động vật cảm tính. Chỉ cần một nhóm người bất kỳ trong xã hội có đặc quyền trong tay, thì bọn hắn chắc chắn sẽ tìm cách lạm dụng thứ đặc quyền này.

Bất kể là nông dân, công nhân, trí thức, quý tộc, đều không ngoại lệ.

Dù vậy, nhờ có loa phường bước đầu được triển khai, hai bút cùng vẽ, mà dân chúng các nơi ở Bạch Đế đều được nghe chính miệng người của Khai Phong phủ giải thích về thuế mới, có thể nói là đã bước đầu giật lại quyền giải thích khỏi miệng cánh nhà Nho.

Mọi chuyện đang tiến triển vô cùng thuận lợi, có được sự hậu thuẫn của thành chủ, việc nghiên cứu của hai anh em họ Hàn cũng có nhiều tiến triển. Thế gia vọng tộc trong thành, dẫn đầu bởi Đào thị, cơ hồ cũng co vòi rụt cổ lại không dám ngáng đường.

Ở Huyền Hoàng giới, cũng bắt đầu truyền tai nhau về phong cách làm việc của vị Bích Mặc tiên sinh kia.

Tĩnh thì như rừng sâu biển rộng – thâm ảo khó dò, động thì tựa cháy rừng, sóng thần – thế không thể cản.

Hồ Ma Huyền Nguyệt sẽ không cho rằng đám thế gia, vọng tộc này sẽ chịu thua đơn giản như vậy, cho dù có đối đầu cùng Bích Mặc tiên sinh đi nữa. Chuyện lần trước xử án, không phải bọn hắn cũng dùng đủ các loại thủ đoạn để thò mặt ra, nhảy nhót tưng bừng hay sao?

Y thị vốn muốn ở lại Bạch Đế tọa trấn thêm ba tháng, nửa năm gì đó, chờ cải cách của Nguyễn Đông Thanh hoàn toàn thâm căn cố đế rồi mới lên đường.

Ngặt nỗi...



Mười ngày sau khi Nguyễn Đông Thanh động thủ, Vân Trọng Mạc xuất hiện ở Bạch Đế.

Nhân vật như vậy, Hồ Ma Huyền Nguyệt không thể không tự mình ra đón.

Vân thị là khai quốc công thần, một trăm năm mươi năm trước sinh ra một kỳ tài, tên là Vân Kiêm Gia. Vì có công bày mưu tính kế trợ giúp Nhân Tông đánh bại các hoàng tử khác, nên còn có hiệu là Văn Xương, làm đến chức thái úy, trải ba triều vua.

Lão lại có ba đứa con, đều là dạng thanh niên tài tuấn, thiên kiêu một đời, gọi chung là Vân Thị Tam Long.

Con cả Vân Trọng Mạc, chiến công hiển hách, nam bình Sơn Man, đông trấn phản loạn, nên được phong tước Cửu Tiêu Hầu.

Đến mấy chục năm trước, chiến tranh Tề – Việt nổ ra, Vân Kiêm Gia bị mượn cớ trừ bỏ, Vân Trọng Mạc nổi giận thề không xuất chiến, đóng cửa mặc kệ thế sự.

Lúc này, hai người còn lại trong tam long đồng thời xuất thế, giành được chiến công hiển hách.

Con thứ Vân Tiêu Mạc dẫn đại kích sĩ đánh chặn quân Tả Dực, chém đầu vô số. Một trận đánh ở Nhất Tuyến Nam Thiên thậm chí kém chút khiến Tả Dực quân toàn diệt, từ đó được danh xưng là Nho Tướng.

Con thứ ba Vân Quang Mạc phụng chỉ đi sứ phương bắc, vừa lắng lại can qua với Đại Tề, vừa dùng thuật hợp tung mượn thế ba nước Hàn, Sở, Thục ngăn chặn quân thế của đối thủ. Thành thử, tuy cái chết của Nghiêm Hàn khi đó khiến cả Đại Tề bi thương, ý chí báo thù sôi sùng sục, Hải Đại Quý cũng không dám vọng động xuất binh. Sau chuyện này, Vân Quang Mạc còn có danh hiệu là Liên Hoa Thiệt (lưỡi hoa sen).

Đương nhiên, về sau cũng có người hoài nghi lần đó Vân Trọng Mạc cố tình đóng cửa không ra, để cho hai đứa em tích lũy danh tiếng.

Thật giả thế nào chỉ Vân thị biết, song cho dù không tham chiến trong trận Đại Việt – Đại Tề thì địa vị và danh vọng của Cửu Tiêu Hầu Vân Trọng Mạc cũng không thể coi thường được.

Vân Trọng Mạc đến Bạch Đế, vào phủ thành chủ. Hai bên tranh cãi chuyện gì đó, thậm chí còn có dấu vết động thủ. Mây trên bầu trời phủ thành chủ cơ hồ là bị chia làm hai, một nửa nhuộm sắc đỏ rực, một nửa nhuốm ánh xanh lam lạnh lẽo. Dân chúng cả thành, cũng như các làng chung quanh đổ xô nhau ra xem, cánh thế gia vọng tộc ngày thường rất thích tham gia hội hè náo nhiệt, khoe khoang tài sản, xây dựng tiếng tăm, thì bấy giờ đều lựa chọn ở trong phủ, đóng chặt cửa nẻo.

Ngay sáng hôm sau, toàn thành nhận được lệnh của Hồ Ma Huyền Nguyệt tập kết binh lính, ba ngày sau tiến về Lệ Chi sơn.

Trước khi lên đường, Hồ Ma thành chủ còn cố ý để lại một ngọc giản, giao cho Nguyên Đông Thanh, dặn nếu thế gia vọng tộc trong thành phản kích thì có thể lấy ra để đối phó, không cần vọng động lệnh bài điều binh của Võ Hoàng.

Nửa tháng sau khi y thị dẫn quân tiến về chiến trường, một toán người lặng lẽ chạy đến thành Bạch Đế.

oOo

Trong giai đoạn gần đây và sắp tới, truyện sẽ đi vào một giai đoạn gọi là đại tranh chi thế (hint từ arc Kiếm Vực), nên nvp xuất hiện rất nhiều, cũng có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện chính. Nếu phải so sánh thì đây là giai đoạn “trước đại chiến Xích Bích”, “trước Cơ Xương rời Triều Ca” của truyện. Nên anh em nếu còn theo dõi thì cứ sử dụng phần "nhân vật" của yy để tra cứu cho tiện.

Anh em ai đọc thấy hay thì like, comment, và đề cử ủng hộ nhóm tác giả ạ! Nếu truyện được ủng hộ nhiều likes mà tồn cảo đủ, nhóm tác sẽ cố gắng đăng nhiều chương hơn mỗi tuần!
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.