Xuân Giang Hoa Nguyệt

Chương 122



Chẳng mấy chốc, Cao Kiệu đã tìm thấy thi thể của Thiệu Phụng Chi trước một ngọn đồi thấp cách đó không xa. Gã bị ai đó cắt cổ gi ết chết, trên mặt đất có rất nhiều máu, và gã đã chết từ lâu.

Cao Kiệu và mọi người tìm kiếm khắp nơi gần đó nhưng không thấy tung tích của Tiêu Vĩnh Gia đâu cả.

Trời đã tối, cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục, nửa đêm, Lý Hiệp nghe tin cũng vội vàng dẫn theo rất nhiều người gia nhập hàng ngũ tìm kiếm.

Ngày hôm sau, họ đã tìm kiếm hàng chục dặm xung quanh, nhưng vẫn không có tin tức gì về Tiêu Vĩnh Gia.

Ba ngày trôi qua, Cao Kiệu không ngủ không nghỉ, hai mắt căng cứng khô khốc gần như sắp nhỏ cả máu. Nhưng mà Tiêu Vĩnh Gia lại giống như một giọt nước hoàn toàn biến mất dưới ánh mặt trời không một dấu vết.

……

Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Tình hình chiến sự ở mặt trận phía tây quận Vọng Giang rất nguy cấp, phản quân Kinh Châu thế như chẻ tre, chỉ trong thời gian mấy ngày ngắn ngủi, quân coi giữ không ngừng xin tiếp viện, nhưng mà Kiến Khang đã không còn thừa binh lực để phân ra nữa.

Trước đây, toàn bộ binh lực trong tay Cao Kiệu buộc phải chia làm bốn, một ở quận Vọng Giang, một ở Kiến Khang, một ở tuyến phòng thủ tam giác Câu Dung, Khúc A và Bì Lăng, còn một tuyến hiện đang hoạt động ở nội địa.

Quận huyện Dương Châu vùng Đông Nam gần như toàn bộ đã rơi vào tay Thiên Sư Giáo, đội quân này ban đầu được điều động ở khu vực trung tâm để ngăn chặn Thiên Sư Giáo đang tiếp tục mở rộng như một bệnh dịch vào khu vực trung tâm của Đại Ngu, nhưng hiện giờ, dưới sự uy hiếp của một mối đe dọa nghiêm trọng khác từ hướng Tuyên Thành ép tới, sau khi suy nghĩ kỹ, Cao Kiệu đành phải tạm thời từ bỏ kế hoạch này, ra lệnh cho quận binh các quận trung bộ tiếp giáp Đông Nam gồm Bà Dương, Dự Chương, Lâm Xuyên, Kiến An tự tổ chức chống đỡ, ngày hôm qua ông đã điều đội quân này trở về.

Quân đội không bị phái đi tuyến tây. Nhưng dù là lúc này lao tới đó thì cục diện cũng không thay đổi được bao nhiêu.

Phản quân Kinh Châu tuy rằng thất bại trong cuộc Bắc phạt, nguyên khí bị đại thương nhưng căn cơ vẫn còn đó. Đối với thực lực của quân đội này, Cao Kiệu hiểu biết quá rõ. Dưới tiền đề không đủ binh lực để đối kháng lại, sở dĩ trước đây ông bố trí phòng thủ ở quận Vọng Giang vốn dĩ chỉ là để giảm tốc độ xuôi ven sông mà xuống của phản quân, để cho Kiến Khang càng có nhiều thời gian chuẩn bị hơn.

Lần này, đội quân được triệu quay về này được sáp nhập vào Kiến Khang và phòng tuyến tam giác. Phía sau phòng tuyến là đế hậu, bách quan, mấy chục vạn dân chúng từ Kiến Khang bị sơ tán tới đó cùng với rất nhiều dân chạy nạn từ các quận Đông Nam của Đại Ngu vì loạn Thiên sư giáo mà chạy trốn tới, không thể nào để mất được.

Cao Dận hiện đang là người chỉ huy cao nhất ở phòng tuyến này.

Khúc A nơi đế hậu đang tạm lánh nằm ở vị trí trong cùng của tuyến phòng thủ hình tam giác, có thành phòng thủ vững chắc để dựa vào, Cao Dận giao nó cho Lục Giản Chi đang giữ đạo hiếu nghe tin mà đến. Còn bản thân y mấy ngày này vẫn luôn chạy qua chạy lại giữa Câu Dung và Bì Lăng.

Chạng vạng ngày hôm nay, y vừa mới hợp nhất một quân đội ước chừng một ngàn người từ Câu Dung suốt đêm đi Bì Lăng, khi đi qua một thôn xóm chỉ còn lại non nửa thôn dân trốn thoát được, thấy một binh lính cưỡi ngựa đang ôm một con gà mái sậy đang kêu quang quác và một tay nải hiển nhiên là không phải của mình leo lên ngựa chạy trốn, phía sau là một bà cụ tóc bạc trắng đang đuổi theo.

Binh lính này tuy đã mất đi mũ chiến đấu, nhưng chỉ cần nhìn quần áo là nhận ra đó là người xuất thân từ Quảng Lăng quân. Bà cụ chân đi lại bất tiện, làm sao chạy thoát được một kỵ binh trẻ tuổi như vậy. Khi thấy mình bị bỏ lại càng lúc càng xa, bà cụ bị ngã dưới đất, khóc lóc gào lên. Binh lính kia cũng không quay đầu lại, thúc ngựa phóng nhanh vào sâu vùng đất hoang.

Quảng Lăng quân của Cao thị trong những năm qua tuy đã lập được nhiều công lao lớn, quân kỷ cũng nghiêm minh hơn rất nhiều so với các ngoại quân Nam Triều khác. Nhưng Cao Dận cũng biết, không ít tướng lãnh cao cấp trong quân xuất thân thứ đẳng sĩ tộc Cao thị tuy rằng tác chiến dũng mãnh nhưng trên người lại mang theo bệnh chung không thể tránh khỏi của một số ít sĩ tộc. Trên làm dưới theo, không phải quân đội nào cũng có thể tuân theo các quy định của quân đội.

Dù là thúc phụ Cao Duẫn của y tuy kiêu dũng thiện chiến, càng vất vả công lao càng lớn, nhưng mà tính cách lại rất nóng nảy, thích nghe nịnh hót, tính cách kiêu ngạo, dù là đã được Cao Kiệu thường xuyên nhắc nhở nhưng ông ta đôi khi khó tránh khỏi cũng sẽ mắt nhắm mắt mở cho thủ hạ quấy nhiễu dân chúng.

Bá phụ Cao Kiệu không phải là không biết việc này. Trước đây ông cũng đã cố gắng làm trong sạch kỷ luật quân đội, nhưng giữa sĩ tộc, quan hệ người với người từ nhiều thế hệ trong đó luôn rắc rối khó gỡ, từ lâu đã ăn sâu bén rễ, giống như căn bệnh trầm kha muốn trừ tận gốc trừ thì thường là nói dễ hơn làm. Thường thường là Cao Kiệu nghiêm túc, mọi người đều nghe theo. Nhưng khi nghiêm túc qua đi, dần dần thói quen cũ lại manh nha trở lại nếp cũ, cứ lặp đi lặp lại như thế.

Bá phụ cũng bó tay hết cách.

Những điều này Cao Dận từ lâu cũng đã nhìn thấy. Nhưng ngay cả bá phụ cũng không thể trị được tận gốc, y có thể làm được gì. Bình thường điều y có thể làm cũng chỉ là quản lý bộ hạ của mình nghiêm hơn mà thôi.

Trong lúc quốc nạn đang nguy nan, ấy thế mà vẫn còn có sĩ binh của Quảng Lăng quân ức hiếp bá tính, càng không nói vừa nhìn là biết đây chính là đào binh.

Cao Dận giận dữ, lập tức cho dừng hành trình lại sai người đuổi theo, chặn đào binh kia bắt lại, trả lại con gà mái già và tay nải cho bà cụ, chờ bà cụ hết khóc lóc cảm ơn rồi đi rồi, y mới quay người quất roi vào binh lính kia. Trong cơn tức giận, y hạ lệnh chặt đầu đào binh này ngay tại chỗ.

Binh lính lăn lộn trên mặt đất, trong ngực rơi ra kim sang dược, khóc lóc cầu xin tha thứ, biện luận mình chỉ là một lính liên lạc, không phải cố ý trốn khỏi doanh trại mà là sự việc có nguyên nhân của nó.

Gã nói, mình đã hơn ba mươi tuổi, xưa nay chưa từng có phụ nữ, ngày hôm trước truyền tin trở về, khi đi đường tắt đi qua vùng hoang dã vô tình gặp được một người phụ nữ bị thương nặng, hơi thở thoi thóp, cô gái lấy thân báo đáp, cầu xin gã cứu mình. Gã nóng đầu lên lại có tâm tư riêng đã giấu cô gái kia đi. Ngày hôm nay ra ngoài là tìm kim sang dược cho cô ta, vừa rồi đi ngang qua thôn trang thấy bên trong có vẻ như vẫn có người, nhất thời nổi lên ý xấu cho nên mới đi vào cướp đồ.

Binh lính khóc lóc thảm thiết, cứ dập đầu xin tha liên tục, còn nhiều lần đảm bảo chỉ cần tha cho tính mạng của mình thì sẽ quay về binh doanh ngay lập tức, không dám đào binh nữa.

Chiến sự chạm vào là nổ ngay, Cao Dận nào có thời gian rảnh rỗi nghe gã nói này nói nọ, hạ lệnh kéo gã đi chém, nhưng lại đột nhiên nhớ tới một chuyện, nét mặt khẽ động, kêu dừng lại, hỏi tuổi tác của người phụ nữ bị thương, tướng mạo như nào, bị thương ở đâu, địa điểm bắt gặp, trong lòng thoáng cảm thấy đúng người rồi, lập tức sai người đi theo binh lính này qua đó để bắt cô gái kia.

Nơi đây cách Kiến Khang chỉ khoảng nửa nửa ngày khoái mã, Cao Dận gặp người xong lập tức phái người trở về đó báo tin.

Sáng sớm hôm sau, khi trời vừa tờ mờ sáng, trên con đường dẫn đến Kiến Khang, tiếng móng ngựa càng lúc càng rõ, Cao Kiệu suốt đêm đuổi đến.

Cao Dận cũng là hôm qua đi Kiến Khang, gặp Cao Kiệu mới biết chuyện mấy ngày trước bá mẫu sắp sinh của mình bị tập kích và đã mất tích, bá phụ đau khổ tìm kiếm mấy ngày nhưng không có tin tức, chiến sự lại đang thúc giục càng ngày càng ép chặt, ông chỉ đành phải để người ở lại tiếp tục tìm kiếm, mình thì quay về trước.

Hôm qua nhìn thấy bá phụ, thấy tinh thần ông vốn dĩ rất tốt vậy mà mới chỉ vài ngày ngắn ngủi mà đã gầy rộc đi trông thấy, tiều tuỵ đến mức làm cho Cao Dận gần như không thể tin được vào hai mắt của mình. Biết rõ trong lòng ông đang đau xót cực độ, đại chiến đang đến gần, đành phải tạm gác lại chuyện kia lại toàn lực ứng phó kẻ địch đang tới, lúc ấy trong lòng y cũng khổ sở vô cùng.

Trước khi đi, Cao Kiệu đã nói riêng với y về tướng mạo và hình dáng của Thiệu thị, nói người phụ nữ này khả năng biết được tung tích của trưởng công chúa, ông đang sai người tìm kiếm khắp nơi, dặn dò y nếu có thời gian thì lưu ý hộ một chút.

Ngày hôm qua nghe miêu tả của đào binh, lúc đó y tức khắc liên tưởng đến Thiệu thị, bấy giờ mới lập tức không kể ngày đêm đi thông báo cho Cao Kiệu, thấy người tới thì vội ra đón.

– Bá phụ, cháu nghi ngờ người phụ nữ kia chính là Thiệu thị. Có điều là cháu có hỏi thế nào bà ta cũng không đáp. Cháu định đưa bà ta đi Kiến Khang nhưng lại sợ bà ta bị thương nặng, ngộ nhỡ chết trên đường đi thì sao, cho nên mới gọi bá phụ tới ạ…

Cao Dận đưa Cao Kiệu tới trước một căn nhà nát, nói:

– Ở bên trong ạ, bá phụ vào xem xem.

Cao Kiệu nhìn chằm chằm vào cánh cửa, sau đó bước nhanh tới đẩy cửa ra.

Trong góc tối dựa vào tường, có một người phụ nữ đang cuộn tròn, cổ nghiêng dựa vào tường, quần áo tả tơi, trên ngực có một vết máu khô, khuôn mặt lộ ra ngoài và trên tay đầy vết cào xước, sắc mặt trắng bệch như tờ giấy, dáng vẻ mệt mỏi, đôi mắt hơi nhắm hờ như chết đi sống lại, không chút sức sống.

Nghe được tiếng đẩy cửa, người phụ nữ chậm chạp mở mắt ra, tầm mắt rơi vào người tới trên mặt, trong mắt lập tức sáng ngời, cả người tựa hồ trong nháy mắt sống lại. Chị ta vội ngồi dậy, đưa tay vuốt tóc mai cho gọn gàng hơn.

– Cao…

– Đồ đàn bà độc ác, trưởng công chúa đang ở đâu? Ngươi đã đưa nàng đi đâu rồi?

Hai mắt Cao Kiệu ghim vào mặt chị ta, một bước xông vào quát lên. Gân xanh trên trán ông nảy lên, tiếng nói nghẹn ngào giống như mặt trống nhỏ bị kéo nứt ra.

Sự nhẫn nhịn, ghê tởm và thù hận sâu sắc trong ánh mắt mà ông ném ra là điều mà chị ta chưa từng thấy trước đây. Thiệu Ngọc Nương làm sao không biết năm đó mình đã đánh mất cơ hội lớn, với địa vị tôn quý của Cao Kiệu và sự ti tiện của mình, cả đời này chị ta sẽ không có cơ hội đi theo ông nữa.

Cũng chính bởi vì thế, chị ta càng hận thù Tiêu Vĩnh Gia gấp bội.

Nhưng chị ta vẫn không chịu từ bỏ, trong lòng vẫn ôm chút kỳ vọng. Nhưng mà ngay khoảnh khắc này, chị ta đột nhiên hiểu ra, mình đã hoàn toàn tuyệt vọng rồi.

……

Ngày hôm đó, Thiệu Ngọc Nương thấy Tiêu Vĩnh Gia chạy thoát đi ra ngoài, bèn cố gắng chống người đứng lên đuổi theo vài bước, lại tiếp tục mắng chửi Thiệu Phụng Chi.

Thiệu Phụng Chi bị chị ta ép buộc lại đuổi theo Tiêu Vĩnh Gia.

Thời điểm đuổi đến trước sườn núi nhỏ, ngay khi chị ta cho rằng Tiêu Vĩnh Gia sẽ bị bắt được, lại từ xa nhìn thấy một cô gái trẻ tuổi đột ngột xuất hiện ở đầu kia sườn đồi, ngăn ở trước mặt Thiệu Phụng Chi.

Chỉ một động tác giơ tay lên, chị ta còn chưa kịp nhìn rõ cô gái kia ra tay như thế nào thì Thiệu Phụng Chi đã ngã xuống.

Tất cả những gì chị ta thấy là một dòng máu theo động tác giơ tay của cô gái kia phun ra từ cổ họng em trai mình, bắn tung tóe cao vài thước.

Thiệu Ngọc Nương không biết cô gái trẻ tuổi xuất hiện đột ngột này.

Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời chị ta thấy một cô gái lại có thể giết người một cách gọn gàng và điêu luyện như vậy.

Chị ta nhìn thấy cô gái kia quay đầu từ xa nhìn về phía mình, chị ta không quan tâm những thứ khác nữa, trong sự cầu sinh mãnh liệt chị ta cố gắng bỏ chạy, đúng lúc ngay gần đó có một vách đá đầy gai dại, chị ta liều lĩnh nhảy xuống, chịu đựng sự đau đớn khi bị gai đâm, lăn xuống chân dốc.

Cô gái kia đuổi đến, đứng ở bên trên không nhìn thấy được bóng dáng của chị ta, có lẽ là so với việc giết chị ta thì càng để ý đến Tiêu Vĩnh Gia hơn, cho nên không liều mạng đi xuống tìm chị ta mà quay người rời đi, Thiệu Ngọc Nương cuối cùng cũng tìm được đường sống trong chỗ chết.

Nhớ lại ngày đó, sau khi trốn thoát khỏi tay lao bà kia, chị ta trở lại Kiến Khang, nhân lúc khắp thành đang hỗn loạn, chị ta lẻn đến gần nhà Cao gia ẩn nấp và theo dõi. Sau khi bám theo Cao Kiệu đưa Tiêu Vĩnh Gia đến nơi này, sau đó, trong bảy tám ngày ở trong núi, chị ta vẫn luôn quanh quẩn ở gần đó, cảm nhận địa hình, nắm vững địa hình và tìm kiếm cơ hội.

Sau khi tra xét đến thôn xóm nhỏ gần đó, cuối cùng chị ta cũng nghĩ ra một cách. Đêm hôm đó chị ta phóng hoả đối núi, sau đó chạy đến phụ cận thôn xóm nhỏ trốn ở đó trước. Quả nhiên, chị ta chờ được đoàn đội Tiêu Vĩnh Gia đến, tính toán họ sẽ dùng đến nước uống, bèn lén lút hạ thuốc vào giếng nước.

Trong một thời gian dài, để trả thù, nhẫn nhịn, lên kế hoạch, bày mưu tính kế và thậm chí là tự hại cơ thể mình, khi thấy mình đã sắp đạt được ước nguyện, nhưng đến phút cuối cùng lại thất bại trong gang tấc. Tưởng tượng đến sau này có lẽ mình sẽ không bao giờ có cơ hội nào khác có thể đưa mình đến gần với sự trả thù thành công như lần này, những ngày qua, chị ta không lúc nào là không oán hận, hận ông trời bất công.

Nhưng mà bất kể đả kích nào cũng không thể nào so được ánh mắt của Cao Kiệu giờ khắc này nhìn chị ta, chị ta đã không còn nhìn thấy vẻ thương hại mà ông nhìn mình lúc trước nữa.

Chị ta vô cùng khẳng định, không chỉ hai mươi năm trước, thậm chí không lâu trước đây, dù cho biết chị ta giết người phóng hỏa, ánh mắt ông nhìn chị ta cũng vẫn luôn mang theo sự thương xót không đành lòng.

Mà hiện tại, nó đã biến mất, hoàn toàn biến mất!

Chỉ còn lại sự căm hận và thù ghét sâu sắc.

……

Bàn tay đang vuốt tóc từ từ thả xuống.

Thiệu Ngọc Nương nhìn vào khuôn mặt căng lên vì hận của Cao Kiệu.

– Đương nhiên là cô ta đã chết rồi, cả đứa con sắp sinh trong bụng cô ta cũng đã chết rồi. Thi thể bị ta nghiền thành xương thành tro, đổ vào sông rồi. Cả đời này, kiếp sau, ngươi đừng mơ gặp lại cô ta.

Mạch máu trong người Cao Kiệu lạnh băng, cả người cứng đờ.

Mấy ngày nay ông phái rất nhiều người, tìm kiếm tất cả những nơi thê tử của mình có thể tới, mở rộng cả phạm vi tìm kiếm, nhưng cũng không có tung tích của nàng.

Ngày tháng trôi qua, nàng giống như đá chìm đáy biển.

Những người xung quanh đều đã nhận định nàng đã không còn sống nữa.

Nhưng mà ông vẫn không muốn tin, càng không thể nào chấp nhận kết quả này.

Ở trong lòng ông trước sau vẫn luôn ôm một tia hy vọng, rằng vợ mình chưa chết, chỉ là hiện tại đang vẫn ở một nơi mà ông vẫn chưa tìm tới mà thôi.

Đây cũng là nguyên nhân vì sao ông gấp gáp muốn tìm được người phụ nữ trước mặt này.

Mà giờ khắc này, hy vọng đã tan biến.

Ông nhìn chị ta chòng chọc, đáy mắt dần dần đỏ hoe:

– Thiệu thị, ngươi lặp lại lần nữa cho ta?

– Cô ta đã chết rồi!

Thiệu Ngọc Nương phá lên cười, tiếng cười rất chói tai.

– Cô ta chết là đúng tội, có chết cũng chưa hết tội. Năm xưa nếu không phải thiếp cứu trượng phu của cô ta, thì cô ta đã thành quả phụ từ lâu rồi. Cô ta không cảm ơn thiếp thì thôi, không thành toàn cho thiếp, còn lấy oán trả ơn. Cô ta hại thiếp trở thành như ngày hôm nay, tất cả đều là cô ta tự chuốc lấy.

– Con tiện nhân Tiêu Vĩnh Gia này ngày hôm đó vẫn còn lừa gạt thiếp, nói rằng ngài ở trước mặt cô ta nói thiếp vô sỉ…

– Phập.

Một âm thanh của lưỡi kiếm sắc bén đâm vào thịt.

Cao Kiệu đột ngột rút kiếm đâm mũi kiếm vào ngực Thiệu Ngọc Nương, từ giữa hai xương sườn trước ngực của chị ta đâm sâu mà không có bất kỳ sai lệch nào, kiếm đâm xuyên qua lưng.

Thiệu Ngọc Nương miệng còn mở, nhưng thanh âm đột nhiên ngừng lại.

Chị ta mở to mắt nhìn Cao Kiệu

Cao Kiệu hai mắt đỏ ngầu, nhưng mặt không chút biểu tình, rút ​​kiếm từ trong ngực chị ta ra.

Cơ thể Thiệu Ngọc Nương theo động tác rút kiếm của ông ngã xuống đất.

Cao Kiệu lại không nhìn chị ta lấy một cái, cầm theo chuôi kiếm nơi mũi kiếm máu vẫn còn đang không ngừng chảy xuống quay người rời đi, mới đi được hai bước, Thiệu Ngọc Nương còn chưa chết kêu thảm thiết một tiếng, dùng hết sức lực toàn thân giãy giụa bò lên, rồi nhào về phía trước ôm lấy chân ông.

– Cao lang quân…trước khi chết, cầu xin ngài nói thật với thiếp, năm xưa, có phải ngài cũng có tình cảm với thiếp không, bởi vì e ngại Tiêu Vĩnh Gia nên mới từ chối thiếp…

Chị ta ngửa mặt lên, máu không ngừng chảy ra từ khoé miệng, nhìn vào mắt Cao Kiệu mà vừa cầu xin, đầy yếu ớt và đáng thương, giống như vẻ ngoài xinh đẹp khi chị ta lần đầu gặp nam tử áo trắng.

Cao Kiệu đứng lại quay đầu lại nhìn người phụ nữ dưới đất, gằn từng chữ nói:

– Thiệu thị, ngươi nghe cho rõ đây, A Lệnh không hề lừa ngươi. So với A Lệnh, ngươi có xách giày cho nàng cũng không xứng! Ta có một thê tử như thế, làm sao mà có tình cảm gì với ngươi được. Từ đầu đến cuối, trong lòng Cao Kiệu ta cũng chỉ có A Lệnh mà thôi.

Ông dùng chân đá văng bàn tay chị ta đang ôm chặt lấy mình, ra khỏi phòng, bước nhanh rời đi.

Cao Dận thấp thỏm chờ ở bên ngoài, chợt thấy Cao Kiệu đi ra thì đi lên đón:

– Bá phụ thế nào rồi ạ? Có tung tích gì của bá mẫu…

Còn chưa hỏi xong đã thấy Cao Kiệu lảo đảo, sắc mặt trắng bệch thì giật nảy mình, vội xông lên đỡ lấy cánh tay của ông.

– Bá phụ, trong người có gì khó chịu ạ?

Cao Kiệu cảm thấy ngực đột nhiên nhói lên, trước mắt tối sầm lại, một chất lỏng vừa nóng vừa tanh xông tới cổ họng.

Đột nhiên từ đằng xa có một con ngựa phi nước đại đến, người mang tin tức nhìn thấy Cao Kiệu thì hô to:

– Cao tướng công, không tốt rồi, phản quân Tuyên Thành đã đánh tới Lịch Dương, cách Kiến Khang chỉ còn bốn trăm dặm!

Cao Kiệu nuốt lại chất lỏng nóng kia, nhắm mắt lại, mở mắt ra đưa tay bám vào cánh tay của cháu trai, nói:

– Ta không sao. Ta trở về ngay lập tức. Cháu cũng mau quay về Bì Lăng đi.

Cao Dận nhìn bá phụ vội vàng lên ngựa gấp gáp trở về Kiến Khang, trong lòng y chợt trào lên một cảm giác bất an.

– Bá phụ! Chỗ Lý Mục chẳng lẽ không có tin tức gì ạ?

Y không nhịn được hỏi to.

Cao Kiệu hơi dừng lại, nói:

– Nó đã quay về rồi. Trên đường về thì bị quân đội ở lại phòng thủ của Hứa Tiết và Bắc Hạ hai mặt giáp công. Ngày trở về của nó còn chưa xác định.

Nói xong, ông dẫn theo tuỳ tùng phóng ngựa đi.

Hết chương 122
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.