Vẽ Lại Mối Tình Đầu - Tây Tây Đặc

Chương 11: Điên à



Trong ống nghe không có âm thanh.

Vốn dĩ Giang Tùy đang khó xử vì chính câu nói kia của mình, bên đầu kia điện thoại lại không có phản ứng khiến anh càng xấu hổ, mới sáng ra đã phát hỏa.

“Sao, cho rằng tôi ăn nói lung tung à? Cậu không nghĩ xem, trong khi đang tập huấn mà bỏ sách vở hoàn toàn không sờ vào tí nào, đến lúc thi tuyển sinh xong phải quay về học các môn văn hóa thì đã muộn rồi.”

Trần Ngộ tựa vào cái tủ cạnh điện thoại bàn, thờ ơ nói: “Tôi chỉ cảm thấy mỗi ngày chúng ta dậy từ 6 giờ sáng, nguyên ngày đều vẽ tranh đến tối 10 giờ mới tan học, về còn phải vẽ thêm một lúc. Thời gian không đủ xài, tinh thần và thể lực cũng không theo nổi, không chắc sẽ để tâm được đến các môn văn hóa.”

“Ông đây làm được.” Giang Tùy nói.

Trần Ngộ thấy người trong điện thoại bắt đầu giở tính trẻ con thì buồn cười, cho bậc thang để leo xuống mà cũng không leo, cô không nhịn được nữa mà khẽ cười: “Vậy cậu quá giỏi.”

Đây là lần đầu tiên Giang Tùy nghe thấy cô cười, ngẩn cả người ra, tai tê dại. Anh bỏ ống nghe ra mắng một câu đệch với không khí, xong xuôi lại áp ống nghe vào tai như không có chuyện gì mà hỏi vu vơ.

“Các môn văn hóa của cậu thế nào?”

Trần Ngộ tách dây điện thoại đang quấn vào nhau ra: “Cũng được, phát huy như bình thường thì sẽ không bị rơi xuống dưới tuyến chính quy.”

Một khoảnh khắc im lặng ngắn ngủi trôi qua, Giang Tùy khẽ gằn giọng: “Vậy cậu còn học mỹ thuật làm cái quái gì?”

Trong điện thoại không có âm thanh.

“A lô?”

Giang Tùy nhìn ống nghe điện thoại: “Người đâu rồi?”

Không một tiếng động như cũ.

Trên điện thoại bàn vẫn hiển thị đang trong cuộc gọi.

Giang Tùy như đứa ngốc mà cầm ống nghe lên, trừng mắt nhìn: “……Đệch!”



Đầu bên kia, Trần Ngộ nhíu mày ấn điện thoại bàn, hô về phía sân: “Mẹ, điện thoại hỏng rồi.”

“Hả?”

Mẹ Trần đang cầm chày gỗ bạch bạch đập áo choàng bên hồ: “Lại hỏng rồi? Mới nãy không phải đang tốt à?”

Trần Ngộ ấn lại hai cái nữa, xác nhận: “Không có tiếng.”

“Dùng tạm đến cuối năm đi, sang năm đổi.”

Mẹ Trần bỏ chày gỗ xuống, nhanh nhẹn quệt xà phòng lên áo, vò một lúc trên ván giặt: “Bây giờ điện thoại chẳng bền gì cả, mưa một trận sét đánh một cái đã hỏng rồi.”

Bố Trần ở trong phòng bếp sửa lời: “Đấy là bị chập điện.”

“A Ngộ, ra đây múc cháo.”

Trần Ngộ đặt ống nghe vào điện thoại bàn, phủ lên đó một cái khăn đỏ rồi xoay người ra khỏi phòng.



Bữa sáng có cháo, trứng luộc, rau dưa ngon miệng, đậu phộng chiên, còn có cả bánh dưa vuông.

Tất cả đều do một tay bố Trần nấu, chứa đựng hạnh phúc ngày thường của một gia đình bình thường.

Trần Ngộ bê đồ ăn lên bàn, rửa mặt xong rồi quay trở lại. Cô vừa mới kéo ghế từ dưới bàn ra đã bị hỏi.

“A Ngộ, tóc của con nên cắt rồi nhỉ?”

Mẹ Trần chuyển đĩa bánh dưa vuông sang bên chỗ con gái: “Mẹ thấy con gái vẫn nên để tóc ngắn, trông gọn gàng thoải mái lại còn dễ xử lý.”

“Con không muốn cắt.” Trần Ngộ lấy một miếng bánh dưa ăn: “Con muốn để tóc dài.”

Trong lòng mẹ Trần đã xoay được 180 vòng(*).

(*Ý chỉ đã suy nghĩ được rất nhiều chuyện trong 1 khoảng thời gian ngắn.)

Hai mươi năm trước bà cũng là một cô gái. Thời thanh xuân ngây thơ ấy, hoặc là mầm tình chưa nở, hoặc nở rồi thì chỉ có kinh thiên động địa.

Cá nhân bà cho rằng để tóc dài đồng nghĩa với yêu cái đẹp, đồng nghĩa với muốn yêu đương.

Chuông cảnh báo trong lòng mẹ Trần đột ngột kêu vang, bà có rất nhiều suy nghĩ, muốn từ chỗ chồng mình nhận được sự đáp lại để ông cho ý kiến.

Kết quả ông không phát hiện, còn đang húp cháo xì xụp.

Mẹ Trần không trông cậy được gì, đành phải nói chuyện với con gái: “Vậy để cũng được. Hôm nào mẹ lên phố mua cho con hai dây buộc tóc.”

“Có thể để tóc dài, nhưng không được để quá dài.”

Mẹ Trần cằn nhằn: “Giống như Tiểu Kha ấy, dài qua cả mông thì sẽ hút máu đó.”

Bố Trần mặt lạnh xuống: “Hút máu cái gì? Bây giờ thời đại nào rồi, tin tưởng khoa học tí được không, làm gương cho con đi chứ?”

“……”

Mẹ Trần không muốn cãi nhau với ông ở trên bàn cơm nên không phản ứng, chỉ nói đúng vào chủ đề chính.

Con gái trưởng thành sớm, trầm tính hơn so với bạn cùng trang lứa, tính cách hướng nội không thích thể hiện ra ngoài, trong lòng có cái gì cũng không nhìn ra được.

“A Ngộ, đứa bé gọi điện thoại đến là ai?” Mẹ Trần nói như vô tình hỏi đến: “Mẹ nghe giọng chắc mới chỉ bảy, tám tuổi hả?”

Trần Ngộ gắp đậu phộng: “Em gái nhỏ hôm qua mới quen ạ.”

Mẹ Trần thấy hơi lạ mà nhìn con gái: “Không phải con ở phòng vẽ tranh à, sao lại quen?”

Bố Trần đá chân bà ở dưới bàn, hỏi hỏi hỏi, chỉ biết hỏi, bánh dưa cũng không chặn được miệng em.

Mẹ Trần đá lại một cái, trừng mắt.

Bố Trần ngoan ngoãn luôn.



Làn gió vù vù thổi qua quần áo đang được phơi trên sân, những giọt nước vẩy ra khắp nơi.

Trong nhà đang tràn ngập mùi thơm ấm cúng của thức ăn.

Tư thế cầm đũa của Trần Ngộ khác với những người khác. Ngón tay dùng sức không đúng, cũng không biết sao lại tạo thành như vậy, sửa mãi thì cô cũng gắp được đồ ăn. Nhưng những thức ăn có hình tròn thì không gắp tốt lắm, ví dụ như hạt đậu phộng chiên dầu bóng nhẫy, cô gắp nữa ngày cũng không gắp nổi một hạt.

Sau khi chật vật một lúc, Trần Ngộ bê đĩa lên gạt một ít đậu phộng vào bát khuấy cùng với cháo.

“Dạ là em gái của một bạn học trong lớp vẽ tranh, hôm qua đến chơi.”

Mẹ Trần còn định hỏi cái gì thì điện thoại trong phòng vang lên. Bà đang định đi nghe thì con gái đã ngăn lại.

“Tìm con đấy.”

Trần Ngộ đối diện với ánh mắt dò xét của bố mẹ, bình tĩnh nuốt đồ ăn trong miệng xuống: “Vẫn là em gái nhỏ kia, cô bé lại gọi đến, lúc nãy chưa nói xong.”

Nói xong thì buông bát đũa vào nhà. Điện thoại vừa được kết nối, không ngoài dự đoán đã nghe được giọng nói cáu giận cực kỳ của chàng trai.

“Đệch, cái quỷ gì vậy, điện thoại dỏm của nhà cậu thành tinh đúng không? Ông đây gọi bao nhiêu lần đều không được, suýt nữa đã bẻ gãy luôn ống nghe.”

Ánh mắt Trần Ngộ nheo lại: “Gọi không được thì cậu gọi làm gì? Bị ngốc hả?”

Trong điện thoại im lặng một thoáng, có tiếng thở dốc nặng nề hỗn loạn của chàng trai, sau đó là tiếng gầm vừa kiêu căng vừa hung dữ của anh.

“Mẹ nó chứ ai ngốc hả, ông đây có chứng ám ảnh cưỡng chế. Sao, không được à?”

Màng nhĩ của Trần Ngộ nhói đau.

Chứng ám ảnh cưỡng chế ghê lắm à?



Giang Tùy mắng xong, thu lại cảm xúc mất tự nhiên và chút xíu thẹn quá thành giận, giả vờ không có việc gì hỏi: “Có phải nhà cậu chỉ có một cái điện thoại, không có máy con đúng không?”

Trần Ngộ cũng vờ như không có chuyện gì trả lời: “Ừhm.”

Giang Tùy cảm thấy hài lòng về việc cô gái có thể theo kịp tiết tấu của anh chứ không nhắc lại chuyện cũ, lải nhải dài dòng: “Vậy bố mẹ cậu không hỏi?”

“Hỏi rồi.”

“Cậu nói như nào?”

Giang Tùy nghe thấy hơi thở ngừng lại một chút của cô gái, nụ cười có ý xấu hiện lên bên miệng: “Để tôi đoán nhé. Bạn Trần, có phải cậu nói dối không?”

Giọng nói của Trần Ngộ không phập phồng tí nào, hoàn toàn không nghe ra đang hoảng loạn hay lộ ra sơ hở nào: “Trước đó khi Thu Thu gọi đến thì mẹ tôi nghe, bà nhìn thấy cùng một số máy thì cho rằng vẫn là Thu Thu.”

Giang Tùy thấy hứng thú: “Nếu phát hiện là anh của Thu Thu thì sẽ thế nào?”

Trần Ngộ nhìn cửa phòng: “Không có con trai gọi đến nhà tôi.”

Giang Tùy đùa giỡn nói: “Bạn Trần, quan hệ với người khác giới của cậu tệ thế cơ à?”

“Đúng vậy.”

Trần Ngộ bâng quơ: “Nếu có con trai gọi đến nhà tôi mà để bố mẹ tôi biết thì họ sẽ gọi lại điều tra hộ khẩu. Gọi hai lần trở lên thì sẽ trực tiếp tới tận nhà.”

Giang Tùy: “……” Đệch.

Trần Ngộ mơ hồ nghe thấy gì đó, trong mắt có nét kỳ lạ: “Cậu đang ăn bánh quy à?”

Giang Tùy nhai cồm cộp, trả lời bằng giọng mũi mơ hồ: “Ờm.”

Trần Ngộ không biết nên khóc hay cười: “Bữa sáng không ăn, chỉ lo gọi điện thoại?”

“Không thế thì sao.” Giang Tùy ăn cả một miếng bánh quy, thở dài u sầu: “Chứng ám ảnh cưỡng chế hại chết người đó.”

Trần Ngộ: “……”



Giang Tùy ăn hết cả hộp bánh quy cà chua của em gái, nghẹn đến mức cuống lên.

Má nó, một bàn đầy các món ăn tinh xảo cầu kỳ, món Trung món Tây kết hợp, muốn ăn món gì cũng có. Thế mà anh ở đây gặm bánh quy đến mức cổ họng khô khốc khó chịu, rốt cuộc là bị gì đây.

Lần sau không cho con nhóc Thu Thu kia mua vị cà chua nữa, ăn mà nóng hết cả ruột.

Giang Tùy cảm thấy đến lúc nên gác máy rồi. Nói chuyện thì không nên dài quá, dài quá thì không hay lắm, vậy mà miệng anh lại nhảy ra một câu.

“Lúc đó cậu đang nói chuyện điện thoại với em gái tôi, đột nhiên đổi thành tôi, lại còn nói đến bài thi hôm qua. Vậy cậu không ngạc nhiên, không tò mò sao em gái tôi tìm tôi hả?”

“Không nghĩ nhiều như thế.”

“Bạn Trần, không biết sao nhưng cậu làm tôi có ảo giác…… giữa hai người chúng ta có khoảng cách thế hệ.”

“Không phải.”

“Không phải?”

“Không phải ảo giác.”

Sắc mặt Giang Tùy lập tức tối sầm lại. Thế này còn gọi con khỉ, cúp máy cho rồi.

Kết quả lại má nó không có chủ đề thì tự tìm cái để nói.

“Nói tiếp việc lúc nãy, thành tích của cậu tốt như vậy, cậu học Mỹ thuật làm gì?”

Trần Ngộ không hiểu nội tâm Giang Tùy cho lắm, cô không đồng tình quan điểm của anh: “Thành tích tốt thì không thể học à?”

Giang Tùy nghe vậy, khóe miệng khắc nghiệt hơi căng ra: “Học Mỹ thuật đa số là do các môn văn hóa không tốt lắm nhưng lại muốn vào đại học, bởi vậy mới chọn con đường đó để cược một phen. Cậu vốn dĩ có thể lên đại học, cần gì làm điều thừa thãi.”

Trần Ngộ lời ít ý nhiều: “Thích.”

Giang Tùy nhìn thời gian trò chuyện trên máy bàn, nghe câu trả lời của cô, ngẩn ra một lúc: “Thành tích môn văn hóa cao vậy mà, lãng phí quá.”

“Không lãng phí.” Trần Ngộ nói: “Học viện Mỹ thuật yêu cầu.”

Giang Tùy thấp giọng cười một tiếng: “Còn muốn vào Học viện Mỹ thuật cơ à, có chí khí đấy, bạn Trần.”

Trần Ngộ không tiếp lời này, hỏi câu khác: “Vậy cậu vẽ tranh là vì điều gì?”

Nhất thời có hứng thú, hoặc là một vấn đề đã sớm bị gác lại sau đầu.

Giang Tùy một tay đặt lên đầu, nở nụ cười vừa kiêu ngạo vừa thản nhiên: “Cậu quản ông đây à?”

Trần Ngộ cảm thấy hình như mình đã chạm đến vấn đề riêng tư: “Coi như tôi chưa hỏi.”

“Hỏi cũng hỏi rồi, sao mà coi như chưa hỏi được? Nói buồn cười thật.” Giọng của Giang Tùy như đang đùa giỡn mèo con: “Hỏi lại một lần nữa, tôi sẽ nói cho cậu.”

Trần Ngộ không nghe theo: “Không hỏi.”

Giang Tùy đang nói thì rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, gân xanh trên thái dương nhảy thình thịch, Bé Tóc Vàng đúng là Bé Tóc Vàng, không ra bài theo lẽ thường.



Trong một lúc, hai đầu điện thoại đều không có ai nói chuyện, lạ lùng là bầu không khí cũng không ngượng ngùng chút nào.

Trải nghiệm lần này rất mới lạ, từ trước tới nay chưa từng có. Ngón tay Giang Tùy đè lên huyệt thái dương gõ gõ, một cái tay khác đang gác trên bàn cầm lấy Transformers: “Bạn Trần, cậu học Xã hội hay là Tự nhiên?”

Trần Ngộ: “Tự nhiên.”

Giang Tùy khẽ chậc một tiếng: “Cậu không hỏi tôi học cái nào à?”

“Cậu học Xã hội.” Trần Ngộ nói: “Tôi biết”

Lực tay của Giang Tùy mất khống chế, bẻ rớt một chân người máy. Anh vô thức lưỡi chạm răng rồi cười: “Cậu lén hỏi thăm về tôi à bạn Trần?”

Trần Ngộ không nhanh không chậm giải thích: “Đi wc thì nghe được thôi.”

Giang Tùy: “……”

“Vậy trí nhớ của cậu cũng không tệ.” Anh lại bẻ rớt một chân khác của người máy.

“Các cậu ấy hay bàn luận về cậu lúc ở phòng vẽ tranh, nghe nhiều thì tự nhiên sẽ nhớ thôi.”

Trần Ngộ thấy người hơi khó chịu. Đứng lâu như thế nên eo đau như sắp gãy cả ra, cô nói một cách mệt mỏi: “Không nói nữa, tôi đi ăn sáng đây, gác máy đi.”

Giang Tùy không gác máy mà rất tự nhiên ném ra một câu: “Biết rồi, cậu gác máy trước đi.”

Trần Ngộ: “Hả?”

“Tôi nói,” Giang Tùy để người máy đã tàn tật sang một bên, nhíu mày mất kiên nhẫn: “Tôi bảo cậu gác máy trước.”

Động tác đấm eo của Trần Ngộ hơi khựng lại: “Vì sao?”

“Tất nhiên là vì……”

Đột nhiên Giang Tùy ngẩn ra, đúng nhỉ, đệch, vì sao? Sao tôi lại phải làm thế nhỉ?

Điên à.

Giang Tùy bỏ ống nghe xuống. Lúc sắp đặt vào điện thoại bàn thì tay như bị ai đè lại không đặt xuống được, kẹt ở chỗ đó.

Trong lòng bốc lên ngọn lửa khó hiểu, anh nhấc ống nghe để bên tai, gào lên với đầu bên kia.

“Gác máy đi, không gác mà còn làm gì vậy? Đợi đến ngày lành tháng tốt à?”
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.