Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 99: Vị khách không mời



Vài ba ngày sau khi tiếp nam phụ lão ấu thì Thiên Đức quân có khách!

Một thuyền buôn lớn cập bến xin được gặp chủ tướng Thiên Đức quân. Chương lấy làm lạ nhìn Uyển Như nhưng cô nàng lắc đầu.

-Thưa chủ tướng, chủ thuyền xưng là Cả Lụa, thương nhân bên Siêu Loại.

-Hả? Sao?

Chương tròn mắt nhìn Duệ và Bình. Hai nàng cũng ngơ ngác.

-Ông ấy đến có việc gì?

-Thưa, ông ta không nói chuyện hệ trọng, chỉ muốn gặp chủ tướng.

Chương tặc lưỡi đồng ý, đoạn tự hỏi:

-Chả lẽ ông ta đến đòi con trai à?

Ông Cả Lụa được dẫn đến cổng nhà bà Cả Ngư, ngơ ngác nhìn đông ngó tây hẳn tưởng quân sĩ đưa ông đi nhầm chỗ nhưng Chương từ trong nhà bước ra sân, phía sau là ba cô gái xinh đẹp thì vị thương nhân dường như đã hiểu ra điều gì đó.

-Lão là Cả Lụa, thương nhân buôn vải vóc bên Siêu Loại xin được gặp chủ tướng Thiên Đức quân.

Chương hỏi:

-Cậu Miêu là tự ý đầu quân chứ Thiên Đức không bắt ép, ông đến đòi người hả?

-Cậu đây là…?

-Anh ấy là chủ tướng. – Lâm Uyển Như bước lên nói. – Lão gia, lâu rồi chúng ta không gặp.

-Uyển Như tiểu thư, cô cũng ở đây ư?

-Đây là phu quân của ta!

Lâm Uyển Như giới thiệu nhưng Chương húng hắng ho nên cô vội le lưỡi lủi nhanh ra sau.

-Chủ tướng, lão không đến đòi người, xin chủ tướng chớ hiểu lầm.

-Tiền bạc ta cũng trả ông cả vốn lẫn lãi. Cậu Miêu bây giờ không ở đây, cậu ấy đang lo việc, nếu ông muốn gặp, ta sẽ bảo người dẫn ông đi.

-Con lão không còn nhỏ, nó có chí của nó, lão không cản. Hôm nay lão mạo muội đến gặp chủ tướng là có việc riêng.

-Vậy chúng ta vào nhà rồi nói.

Chương bước sang bên mời khách vào nhà nhưng ông Cả Lụa có ý chờ cậu đi trước. Duệ mau chóng pha trà còn Uyển Như và Thiên Bình đứng phía sau Chương.

-Nhà cửa còn tuềnh toàng, thật ngại quá. – Chương cười.

-Ồ! Bậc trượng phu chí lớn, ở đâu là nhà, ngã đâu là giường, lão không để tâm, chỉ sợ người ta dẫn đến không đúng nơi.

-Chả hay ông đây đến gặp ta có việc gì?

-Chẳng giấu gì chủ tướng. Non nửa tháng trước ta nhận thư, túi gạo và mấy nén bạc mà sợ điếng người nhưng sau cho người đi nghe ngóng thì đỡ sợ hẳn. Thiên Đức quân hãy còn mới, chắc y phục hãy còn chưa có phải không?

-Hả? À… có tiểu thư Uyển Như đây lo rồi, nay mai là có thôi mà.

Tất nhiên là chương nói dối vì y phục, quân trang của Thiên Đức quân hãy còn sơ sài. Tiền bạc thì có song hãy còn nhiều việc để lo.

-Ông là thương nhân, là hào phú một phương quả nhiên khác người. Ta đánh giá rất cao thương nhân vì họ có cái đầu… khác lạ và tầm nhìn rất xa.

-Lão đến không có ý mời chào Thiên Đức quân mua y phục. Lão muốn giúp.

-Giúp? Ông muốn giúp gì?

-Con lão nay trong quân Thiên Đức, công danh chẳng biết đến đâu nhưng…

-Ông cứ yên lòng, chẳng ai biết cậu Miêu là con ông đâu. Ông sợ Lý Lệnh công làm khó chứ gì?

Ông Cả Lụa vội xua tay, nói:

-Cũng không. Chả giấu gì chủ tướng, là lão muốn hiến chút của cải cho Thiên Đức quân. Lão xưa nay nhờ buôn vải vóc lụa là mà có cơ nghiệp.

Chương khẽ nhún vai:

-Ta chẳng có gì để đổi cho ông cả, ông thấy đấy, binh sĩ còn chưa có y phục đồng bộ, à… gọi là đồng phục, chiến y hay… quân phục… gì cũng được.

-Lão cho không, chẳng có điều kiện gì.

-Ô! – Chương ngạc nhiên. – Ông là thương nhân chứ có phải người làm công quả đâu nhỉ?

Chợt ông Cả Lụa nhìn Uyển Như rồi hỏi Chương:

-Tiểu thư Uyển Như đây là nương tử của chủ tướng?

-Không có, không có! Cô ấy… à… cô ấy là bạn của ta.

Ông Cả Lụa nhăn mặt:

-Nhìn đâu giống? Uyển Như tiểu thư cũng xem là thương nhân có tiếng trong vùng hai năm nay, gia sản của ta nào có đáng gì so với tiểu thư vậy mà… vậy mà Uyển Như… xin thứ lỗi cho lão nói thật, rõ là tiểu thư Uyển Như đã chọn bến đỗ rồi.

-Xưa nay ta luôn đánh giá cao ông vì ông có mắt nhìn người, ông nói đúng rồi đấy. Đoàn thuyền Lâm gia của ta hơn một tháng nay đã về dưới trướng Thiên Đức quân.

-Ta biết tiểu thư tài trí hơn người nên chọn phu quân cũng không phải tầm thường.

-Thôi nhé! Ông đến gặp ta có chuyện gì thì nói mau, chốc nữa hàn huyên với cô ấy sau.

Chương tỏ vẻ không hài lòng.

-Chủ tướng! Ta sẽ cung cấp toàn bộ y phục cho quân sĩ của ngài theo yêu cầu, ta tặng, tặng mỗi quân sĩ hai bộ. Chỉ cần chủ tướng cho biết yêu cầu.

-Ông nói thật đi, thương nhân không đời nào chịu lỗ trắng tay như thế cả. Ta xưa nay cũng chẳng ăn không của ai cái gì, nhận của ông cái này ắt phải trả ông cái khác chứ không há miệng mắc quai à?

-Chủ tướng đã nói vậy thì lão cũng chẳng giấu. Hay lão có đề nghị như thế này… lão sẽ tặng Thiên Đức quân của chủ tướng… một vạn bộ y phục. Đổi lại…

-Đấy! Ông đã lòi đuôi cáo rồi!

Chương bật cười.

-Đổi lại, nếu sau này chủ tướng đánh chiếm Siêu Loại, có cần thêm y phục thì… thì hãy mua của lão được không? Hoặc giả như chủ tướng chiếm luôn đất bên Vũ Ninh vương, quân đông tướng mạnh rồi sẽ cần có y phục. Ta chỉ cần lời hứa của chủ tướng là được.

-Ta không có ý đi đâu sất, ở đây là đủ rồi, hơi đâu đi chiếm đất làm gì.

-Ta sẽ tặng hai vạn y phục! – Ông Cả Lụa cương quyết. – Hai vạn y phục theo yêu cầu, vải tốt. Chủ tướng không chiếm Siêu Loại, không chiếm đất của Vũ Ninh vương cũng được. Lão chỉ cần chủ tướng cho lão một lời hứa, ngày sau chủ tướng cần y phục thì… thì cho lão quyền bán. Tất nhiên, giá cả sẽ thương lượng, lão chỉ cần vậy.

Chương thắc mắc:

-Từ bao giờ lời hứa của ta lại có giá trị đến hai vạn bộ y phục chứ? Hai vạn y phục đáng giá bao nhiêu thế em?

Chẳng hỏi cụ thể là em nào trong ba em nhưng Duệ nhẩm tính chốc lát rồi trả lời:

-Một bộ y phục tốt đáng giá 20 đồng thì vị chi hai vạn y phục đáng giá 667 quan, thưa chủ tướng.

Ông Cả Lụa có phần kinh ngạc, trước hết là vì Chương chỉ hỏi “em” mà Duệ trả lời, Ông Cả Lụa nhìn đôi mắt, vầng trán cùng dáng vóc thì đoán đây chính là cô gái từng cùng Chương đến nhà ông mượn của cải. Cô gái chít khăn vàng, vận y phục đỏ sẫm nãy giờ im lặng chính là cô gái xin vào làm gia nhân trong gia trang. Thấy ông Cả Lụa nhìn chằm chằm, Thiên Bình hỏi:

-Ta có gì lạ mà ông nhìn kỹ vậy?

-À không!

Ông Cả Lụa vội lảng sang chuyện khác. Một thương nhân ngang dọc khắp chốn như ông, mấy chục năm buôn bán, vừa rồi ông nhìn Thiên Bình chính là vì tấm khăn vàng cô vấn trên đầu. Vải tốt cũng không đáng nói, đáng nói là nó màu vàng. Điều này gợi cho ông Cả Lụa nhiều suy nghĩ.

-Gần 700 quan không nhỏ, chả lẽ ông bỏ chừng ấy bạc chỉ để đổi lấy một lời hứa vô thưởng vô phạt?

-Lão là thương nhân, lão có cách nghĩ và cách làm của riêng thật không tiện nói. Lão tặng chủ tướng hai vạn bộ y phục vải tốt theo yêu cầu, chỉ cần chủ tướng cho lão lời hứa là được.

-Uyển Như? Chả lẽ lời hứa của ta đáng giá vậy ư?

-Lời của chủ tướng đáng giá ngàn vàng, bậc đế vương một khi đã nói ra thì đó là lệnh, có thể dời non nấp biển.

-Ta hỏi em một mà em đáp hai làm gì chứ? – Chương lại nhăn mặt.

-Chủ tướng có mất gì đâu? Nếu chủ tướng không đánh chiếm Siêu Loại, không đánh chiếm Vũ Ninh vương thì ta thiệt.

Chương nhoẻn miệng cười, ngả lưng ra ghế, khẽ thở dài:

-Từ thời thượng cổ đến nay, thương nhân luôn là những người nhạy bén song kẻ sĩ lại coi khinh. Ta không phải kẻ sĩ vì chữ bẻ đôi không biết. Ta đồ rằng ông đã có đủ thông tin ông cần, có đoán định của riêng ông về thời cuộc. Ta tay trắng, ông thì bạc vạn, ông không sợ lẽ nào ta lại sợ ư?

-Chủ tướng nói vậy là đồng ý với lão?

-Được, ta hứa với ông. Nếu Thiên Đức quân chiếm Siêu Loại và cả bên bờ Bắc của Vũ Ninh vương thì y phục… ý ta là quân phục dùng cho binh sĩ vận sẽ giao cho ông hết.

-Tiện thì chủ tướng hứa luôn cả Vạn Xuân cũng đâu mất gì.

Chương tủm tỉm cười và nghĩ ông này thật không vừa, chẳng tự nhiên mà ông ta giàu nứt đố đổ tường.

-Lý Lệnh công và Vũ Ninh vương mỗi người có hơn vạn quân, chỉ cần một binh sĩ hai bộ y phục thì ông có mối lớn, hơn bốn vạn y phục. Chỉ cần cung cấp được chừng ấy thì ông xem như hoà vốn, ta nói vậy có phải không?

-Chẳng gì giấu được chủ tướng, chủ tướng đúng là tài trí hơn người.

Chương nói tiếp:

-Giả như ta chỉ chiếm một trong hai nơi, hoặc là cả hai nơi thì kể cả ông có thiệt đôi chút về khoản vốn ban đầu nhưng ba năm thì ông sẽ có lãi vì binh lính đâu thể mặc mãi hai bộ đó được. Ấy là chưa kể, ông đây sẽ có một thứ gọi là quyền lực mềm, thâu tóm toàn bộ hoạt động mua bán vải vóc trong vùng ta kiểm soát. Đó mới là thứ ông nhắm đến chứ tiền bạc ông đâu thiếu. Ta nói thế có phải không?

-Mấy mươi năm buôn bán, nay mới có người đoán được ý của lão.

-Ông đàng hoàng thì ta cũng tử tế. Ta hứa với ông như vậy song ta cũng nói trước. Ta tôn trọng thương nhân, tạo mọi điều kiện cho thương nhân nhưng nếu ta cảm thấy ông có ý đồ khác thì… hẳn ông biết ta định nói gì nhỉ?

-Con trai lão theo chủ tướng, nó có con đường riêng. Lão làm ăn với chủ tướng, lão cũng có mục đích riêng. Lão chỉ quan tâm đến lãi, ngoài ra không để tâm đến chốn quan trường, chẳng có ý đồ bá vương.

-Ông Cả Lụa đây là người Vạn Xuân?

-Đúng thế, tổ tiên lão là người Vạn Xuân. Chủ tướng có thắc mắc gì?

-Ta chỉ hỏi vậy thôi. Ông làm ăn tính đường lợi là phải. Chỉ cần ông không đi ngược lại với cái lợi của bách tính Vạn Xuân thì ngày sau ông không những là cự phú một phương mà… thôi, cứ để xem sao.

Câu nói của Chương đầy ngụ ý nhưng ông Cả Lụa lập tức hiểu nên không đả động đến nữa. Chương nói đúng, thương nhân làm gì cũng tính lãi, nhìn đâu cũng thấy lợi và ông Cả Lụa cũng chẳng cho không biếu không. Ông Cả Lụa cũng giống Uyển Như, ông đặt cược cho ngày sau.

Tại sao lại đặt vào Chương?

Đơn giản, một kẻ cướp dọn gần như sạch gia sản song không lấy nữ trang, vẫn để lại chút tài sản đủ để ông Cả Lụa không tay trắng. Ông Cả Lụa tin là mất trắng, tờ giấy Chương đưa ngày nào ông bỏ vào xó tủ thầm nhắc bản thân ngày sau cẩn trọng. Ba tháng sau vụ cướp, ông nhận được một số bạc mà kẻ đưa đến nói đó là số lãi trong ba tháng vừa qua. Sau Tết vừa rồi thì ngoài lãi, kẻ đem bạc đến còn nói trả một phần gốc khiến ông Cả Lụa chuyển từ sợ sang lo. Muốn báo cho Lý Lệnh công bắt người nhưng lưỡng lự vì sợ bị trả thù. Hai tháng trước lại có kẻ đem bạc và cả vàng đến trả gốc và lãi khiến ông dù không muốn tin cũng bắt đầu tin vào sự tử tế cũng như lời nói của tên đầu lĩnh.

Một tháng trước, mấy kẻ đương đêm đột nhập vào nhà, ông tưởng lại bị cướp nhưng không phải. Chúng đem bạc vàng đến trả và đòi lại tờ giấy. Ngồi trước đống của cải có chân chạy về, hai đêm liền ông Cả Lụa và gia đình không ngủ được. Con trai ông quyết theo lũ cướp, ông cũng không cản bởi ông cảm thấy đây không phải là một toán cướp bình thường. Ngoài cướp nhà ông ra, gần đây chẳng nơi nào trong vùng bị cướp lớn nên không có chuyện chúng cướp người sau trả người trước.

Con trai rời nhà, ông Cả Lụa nhận thư thì thất kinh. Ông từng loáng thoáng nghe dân bên mạn sông Thiên Đức nói đến đội quân Thiên Đức kín tiếng song chẳng để tâm.

Ông Cả Lụa tự thân đi tìm hiểu bằng cách riêng và những sự kiện xảy ra gần đây khiến ông đưa ra một nhận định. Thiên Gia Bảo Hựu trước và sau khi dựng cờ chẳng có mấy thay đổi, chỉ là ba làng tập hợp nhiều trai tráng. Tính cho đến nay thay đổi chẳng nhiều, chỉ khác về số người đến xin nương nhờ, vậy thì gốc rễ thay đổi là ở đâu?

Làm ăn từ trước thời Lý Nam Vương lên ngôi nên ông ít nhiều cũng có cái nhìn khác so với những thương nhân sau này. Ông nhận thấy rằng Thiên Đức quân ắt có bí mật vì họ không phô trương thanh thế, tin tức đến gần nơi đó đều khó dò, thuyền bè lớn nhỏ đi qua đoạn sông từ Long Ngô Động đến quá khu đầm lầy đều không được ghé bến nếu không được phép.

Gần đây đội thuyền Lâm gia bỗng nhiên chuyển bến về neo gần khu đầm lầy, cờ Lâm gia đã hạ nhưng không hề bị cướp bởi ông Cả Lụa vẫn thấy nhiều gương mặt quen thuộc.

Sự việc ba nghìn dân bờ Bắc sang bờ Nam ở đoạn sông làng Long ngô Động đã lan truyền trong dân. Ông Cả Lụa buôn bán khắp nơi, dò hỏi gia nhân thì nghe bập bõm quân sĩ Vũ Ninh vương trở giáo theo đám Thiên Đức nào đó… Tập hợp tất cả những gì nghe, nhìn và nghĩ lại, Ông Cả Lụa khẳng định chắc nịch nơi con ông đầu quân sẽ có tương lai. Chỉ cần bắt mối khi họ còn non trẻ thì ngày sau chỗ tốt không thiếu.

Lâm Uyển Như tiễn ông Cả Lụa ra bến, trên đường đi, ông Cả Lụa hỏi:

-Uyển Như tiểu thư, ta nghe ý chủ tướng của cô thì cậu ấy có vẻ không thích người Hoa quốc?

-Đúng vậy.

-Tiểu thư cũng gốc gác bên ấy cơ mà?

-Anh ấy là người rõ ràng, anh ấy không thích Hoa quốc đâu có nghĩa là không thích dân Hoa quốc? Mà máu Hoa quốc trong ta cũng loãng rồi.

-Không thích Hoa quốc không có nghĩa là không thích dân Hoa quốc? Là sao nhỉ?

-Ông đã già đâu mà lẫn thế. - Uyển Nhi nói. – Ý là dân nào cũng là dân, Hoa quốc ở đây ám chỉ triều đình ấy.

-Hử? Bách tính chẳng phải con dân của Thiên tử sao? Ý của…

Uyển Như ngắt lời ông Cả Lụa:

-Ông nói không sai nhưng chủ tướng Thiên Đức quân nghĩ khác đấy. Đối với anh ấy thì dân là gốc, ý của dân to hơn ý vua.

-Ta nhất thời chưa thể hiểu được.

-Thì ông cứ lo việc buôn bán, mối hời sẽ là của ông, chẳng thiệt đâu mà lo.

-Uyển Như tiểu thư nói vậy chả phải tiểu thư sẽ lãi lớn sao?

-Tất nhiên, ta sẽ là phu nhân của chủ tướng.

-Sẽ… sẽ là… nghĩa là…

Uyển Như tỉnh bơ nói:

-Ta đến hơi chậm nhưng làm phu nhân cũng tốt.

-Vậy… vậy chính thất có phải là… là cô gái vận y phục đỏ sẫm?

-Sao ông biết?

-Ta chỉ đoán vậy, tại… tại cô ấy ít nói.

-Trông vậy thôi nhưng cô ấy tốt tính, ông đường hoàng thì chẳng lo gì.

Cả Lụa lên thuyền rời bến, vẩn vơ nghĩ đến tấm khăn vàng cô gái quấn trên đầu và toàn bộ y phục của nữ binh cũng được yêu cầu làm bằng vải lụa màu vàng, loại tốt nhất.

-“Phản nghịch, phản nghịch rồi! À… à không! Bây giờ đất nước chẳng có vua, kẻ nào cũng vỗ ngực xưng vương xưng bá mà… hình như chưa kẻ nào dám chọn màu ấy cả. Ván cược này nếu ta chọn đúng thì… Vạn Xuân này ai ai rồi cũng sẽ biết đến ta, nhất định là thế. Con ta bây giờ trong quân, nếu nó được trọng dụng cộng với ta trợ giúp tiền tài thì sao nhỉ? Hừ! Phải tìm cách đá đít lão già họ Lý kia đi thì quyền buôn vải vóc ở Siêu Loại ta sẽ chiếm phần nhiều. À… khoan đã… nãy gã tiểu tử nói gì nhỉ?... À phải rồi, hắn muốn ám chỉ ta đừng có tham, tham thì dễ toi sớm. Ây da… mới đôi mươi mà sao thâm sâu đến vậy chứ? Kẻ này ngoài mặt thân thiện nhưng lời nói thật ghê gớm. Xưa nay chơi với hổ phải khéo không thì…”

Thế là lại có thêm một người nghĩ đến việc tiễn Lý Lệnh công về thả gà chăn vịt, ai cũng vì lợi ích của bản thân cả, đúng sai không có chỗ.

Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.