Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 89: Bắc bếp thổi cơm




Nửa đêm canh ba, Sứ tướng Khánh đang yên giấc thì có tin cấp báo.

-Bẩm Sứ tướng, doanh trại gần bờ sông chỗ bọn Thiên Đức giở trò mới bị tập kích.

-Cái gì? Bọn chúng vượt sông sao? Bao nhiêu đứa?

-Dạ bẩm không thấy địch quân tấn công, doanh trại ba trăm binh sĩ của ta bị tập kích bằng đá, quả nào cũng to như quả bưởi. Ba binh sĩ chết tại chỗ ngủ, năm người khác bị thương ạ.

-Quân khốn nạn! Doanh trại đó do tướng nào quản?

-Tướng quân Hoàng Ngưu ạ.

-Tướng quân đâu?

-Bẩm, tướng quân cho anh em lùi lại trăm trượng vì trời tối không nhìn thấy gì. Bọn thuộc hạ đốt đuốc định xông ra phía bờ sông đối chiến nhưng gạch đá rơi loạt soạt trước mặt. Tả tướng quân đã điều hơn nghìn binh mã chốt chặn phía sau đại tướng Hoàng Ngưu. Bên kia tuyệt nhiên không thấy có tiếng hò hét tấn công nhưng chúng ta đốt đuốc tự nhiên sẽ thành bia cho chúng.

-Lệnh của ta, bảo Tả tướng quân cử một đội cảm tử trang bị nhẹ bò lên thám thính, phải diệt ngay nếu bọn chúng đặt chân lên bờ. Ta sẽ dẫn đại quân đến ngay.

Trong đời binh nghiệp, Sứ tướng Khánh ăn không ngon ngủ không yên kể từ khi bọn Trương Lôi một đi không trở lại cùng bọn Chu Diện. Cơn ác mộng bắt đầu khi Kiều Công Ngạn tả tơi trở về với nét mặt bảy phần thất kinh và… Dương Ngôn, kẻ cùng vào sinh ra tử với Khánh thì trở về trên chiếc cáng phủ khăn.

Khánh sợ?

Để có địa vị dưới một người mà trên vạn kẻ khác như bây giờ, Khánh đã dùng tài năng của bản thân, tiễn bao kẻ xuống suối vàng, sao có thể sợ hãi khi giao chiến cho được.

Nhưng Thiên Đức quân, một đám ô hợp vây quanh một thằng nhãi tuổi mới đôi mươi dùng thứ vũ khí gì đó có thể một địch mười mà quân của Khánh không thể đến gần. Nếu không thể đến gần thì sao có thể phân tài cao cấp?

Lời con ranh sứ giả không phải không có lý, rõ là nó doạ bọn Khánh song muốn thể hiện cái uy với sứ giả thì cần phải có thứ khiến chúng sợ.

Nhưng bây giờ Khánh có gì?

Mất một Hữu tướng quân, vài Đại tướng và hai nghìn quân sĩ trở giáo, hơn nghìn kẻ bỏ mạng. Lòng quân đang dao động. Khánh không còn dám đánh giá thấp tiểu tử đứng đầu quân Thiên Đức nữa. Nó thả cho binh sĩ về, chính những kẻ ấy trở thành kẻ tuyên truyền cho nó. Dân những làng quanh thành cũng bắt đầu nhớn nhác, dáo dác khi đêm xuống những kẻ ở bờ Nam bắn thứ gì đó lên trời.

Bây giờ Khánh biết, kẻ lừa Khánh vào tròng không phải Tả Đô đốc Phạm Tu mà chính là thằng ranh kia. Nó là ai? Từ đâu đến? Châu Vũ Ninh này xưa kia Khánh chưa từng nghe có họ Mạc.

Kiều Công Ngạn bây giờ như chim sợ cành cong, nghe mấy bà vợ hắn nói đương đêm hắn ngủ mà bật dậy la thét. Kiều Công Ngạn không phải kẻ hèn nhát, Khánh hiểu Ngạn rất rõ.

Thua một kẻ hậu sinh đã bực lắm rồi, giờ nó lại cả gan gửi thư yêu cầu bồi thường chiến phí. Vũ Ninh vương tức giận, Khánh cũng tức, bọn tả hữu thì cười nhạo đám trẻ ranh không biết trời cao đất dày là gì nhưng Vũ Ninh vương và Khánh đi lên từ binh đao nên biết, kẻ mạnh có quyền kiêu ngạo.

Hơn mười năm nay, Khánh chưa từng nghe đến chuyện đối phương sau khi thắng trận, với quân số ít hơn lại đòi bên thua đền bù thiệt hại. Thằng ranh ấy đã đòi gì?

Một trăm bốn mươi hai binh sĩ của nó thiệt mạng, trong đó có ba mươi hai quân vốn trước đây của nó. Nó đòi đền 20 nén bạc cho mỗi quân tử trận để trả cho gia quyến người ta. Quân nó hai mươi tuổi, mỗi năm nó tính một nén. Số một trăm mười binh sĩ vốn quân của Kiều Công Ngạn nên nó đòi 1 nén, vị chi là 750 nén bạc chẵn. Số bạc này không phải là nhỏ.

Kẻ tự xưng chủ tướng Thiên Đức cũng đòi 100 hộc gạo (khoảng 7 tấn) vì quân của Dương Ngôn kéo sang phá lúa sắp gặt. Đây rõ là ngang ngược, lúa đã gặt xong từ đời tám hoánh, kể cả chưa gặt thì mấy làng mé gần khu đầm lầy sao thu hoạch được nhiều đến thế.

Thứ đến, thằng ranh cũng đòi người có ghi tên sẵn trong một cuốn sách, xem qua thì thấy có đến gần ba nghìn người, toàn người già, đàn bà và con trẻ. Họ là gia quyến của binh sĩ đang đầu quân cho nó. Thằng khốn viết, nếu không trả người, binh sĩ tâm tư, sợ sẽ tự ý sang bờ Bắc dẫn về. Đây chả là ám chỉ nó sẽ đưa quân sang đánh ư?

Lúc Khánh đôi mươi cũng không ngang ngược như vậy.

Thư còn khuyên Vũ Ninh vương cứ đánh một giấc cho thoải mái hãy trả lời. Hôm qua Vũ Ninh vương đã bảo Khánh tự quyết việc này. Đêm nay nó cho quân sang phá trại bằng thứ mả mẹ gì đấy hẳn là lời nhắc nhở rằng nó không nói đùa.

Sĩ khả sát bất khả nhục! Khánh muốn đích thân dạy cho đám ô hợp một bài học để chúng biết không nên vuốt râu hùm.

Khánh dẫn ba nghìn quân xuất thành, cho hạ trại ngay trên cánh đồng hãy còn trơ gốc rạ. Bọn Kiều Công Ngạn và Hoàng Ngưu đến gặp Khánh, báo rằng đã chọn ra một trăm cảm tử quân cho tiến lên mé bờ sông chỗ tháp canh bị phá.

-Chuẩn bị sẵn sàng cho quân tràn lên, lấy số đông bóp chết bọn nó. Đẩy chúng xuống sông. Hoàng Ngưu, ta giao cho ông ba trăm cung thủ làm tiền quân, đi sau đám cảm tử. Bây giờ trời còn tối, làm gì làm mau trước khi trời sáng. Bọn chúng ta không thể bị bỡn mặt như vậy được.

Đích Thân Khánh ra trước trận tiền, đèn đuốc thắp sáng rực một góc trời trong khi phía bờ sông là khoảng tối. Đêm nay mây nhiều, trăng không tỏ, tầm nhìn rất hạn chế.

-Bẩm Sứ tướng, đội cảm tử đã rút về.

-Sao lại rút về?

-Bẩm… bẩm… chỉ có bảy mươi ba người về ạ.

-Gọi kẻ chỉ huy đến đây.

Chỉ huy đội cảm tử được gọi đến, mặt mũi hãy còn lấm lem bùn đất.

-Bẩm Sứ tướng, bọn tiểu nhân không rõ quân số của địch nhưng vô tình chạm trán bọn chúng ở đoạn gần tháp canh cũ.

-Sao không quyết chiến mà rút lui?

-Thưa Sứ tướng, bọn tiểu nhân còn không nhìn rõ địch đã hứng mưa tiễn, rút lui được vài trượng có nghe vài tiếng cạch cạch như thể các cây va vào nhau và… hình như cũng là đá.

-Hừ! Mưa tiễn ư? Như vậy chúng phải có ít nhất hai trăm cung thủ. Ông Ngạn đâu, tăng cường thêm cho bọn Hoàng Ngưu đủ năm trăm người tiến ra bờ sông. Cứ đi năm bước thì bắn một loạt. Ta không tin bọn chúng mình đồng da sắt và đông hơn chúng ta được.

Sứ tướng Khánh có phần nóng vội nên quên mất một điều nhỏ, tưởng chừng không liên quan lại liên quan không tưởng. Ấy là quân doanh đốt đuốc sáng rực thể hiện quân đông tướng mạnh lại vô tình làm lộ đội cung thủ. Quân Thiên Đức ẩn nấp gần bờ sông, kẻ nào kẻ nấy đều nằm sấp, lưng dùng ván gỗ đắp bùn non trộn rơm đã nhìn thấy những đối phương dàn quân tiến ra đông nghịt.

Cơn mưa tên dội xuống những thửa ruộng, cắm lên cả những ván gỗ nhưng quân Thiên Đức tuyệt nhiên không bắn trả. Cho là địch đã rút nhưng để chắc ăn, Hoàng Ngưu hạ lệnh vừa bắn thẳng, vừa bắn cầu vồng.

Vài trăm mũi tên bay vút vào màn đêm yên tĩnh. Tình huống này chẳng khác gì bịt mắt đánh nhau.

Tháp canh bằng tre cao hai trượng nay chỉ còn là mấy cái cột chơ vơ in rõ trên nền trời đầy mây đen. Chuồng cu có mái tranh che nắng đã bay mất vì quân Thiên Đức ném đá sang.

Hoéttttt!

Bỗng nhiên trong màn đêm trước mặt có âm thanh như tiếng huýt gió. Bọn Hoàng Ngưu lập tức cảnh giác cao độ.


Hàng chục tiếng cạch cạch như vang lên cùng lúc. Có mấy thứ như quả bưởi xuất hiện trên nền trời, còn chưa kịp hiểu đó là thứ gì vài chục cung thủ đứng hàng đầu bỗng kêu thất thanh. Những tiếng kêu la còn chưa dứt thì có những âm thanh lịch bịch. Bản thân Hoàng Ngưu cũng chỉ nghe tiếng ối á của quân sĩ.

Hoàng Ngưu thét lớn lệnh xạ tiễn bắn thẳng cả loạt nhưng binh sĩ liên tục kêu la thất thanh. Một trong những kẻ đứng gần Hoàng Ngưu ngã quỵ.

Thêm hàng chục âm thanh cạch cạch khác lại vang lên và loáng một cái, Hoàng Ngưu lại nghe hàng chục tiếng kêu la thất thanh.

Nhớ lại những gì Kiều Công Ngạn và đám tướng sĩ thoát chết trở về mô tả. Hoàng Ngưu bỗng thấy lạnh toát sống lưng vội thét lớn cho lui quân. Đội cung thủ cắm đầu chạy, va luôn vào bộ binh tiến phía sau.

Hoàng Ngưu nhớ rõ trong khi rút lui vẫn có binh sĩ kêu thất thanh.

Rút về phía sau trăm trượng, Hoàng Ngưu yêu cầu dừng lại. Đội bộ binh vài trăm người kẻ giáo kẻ đao cũng rút chạy.

Hoàng Ngưu vội cho kiểm đếm quân số và thất kinh khi còn chưa đầy bốn trăm. Vội vàng trở về quân doanh cách đó hơn trăm trượng báo cáo tình hình.

-Địch quân đông đến ngàn kẻ, mạt tướng không nhìn thấy gì nhưng…. thưa Sứ tướng… bẩm… chỉ loáng một cái mạt tướng đã mất hơn trăm quân.

Khánh đập bàn, mặt đỏ phừng phừng, hai nắm đấm run lên vì tức, định nói gì đó nhưng lại thôi.

-Bẩm Sứ tướng, cung thủ của bọn chúng dùng tiễn ngắn, dài chưa bằng phân nửa của ta.

Hoàng Ngưu đưa cho Khánh một mũi tên bịt sắt thon gọn, dài chưa đến ba mươi phân hãy còn dính máu.

-Thứ này mạt tướng lấy từ bả vai của binh sĩ, có kẻ trúng đến hai mũi.

Khánh thảy mũi tên cho Ngạn và nói:

-Tầm bắn thứ này chỉ mươi đến mười lăm trượng. Vậy là bọn chúng phục, chờ các người đến gần mới bắn.

-Thưa đúng, chiều của mũi tên hướng từ dưới lên trên. Nằm bắn không thể nhanh mà chúng bắn như mưa. Mạt tướng nghe âm thanh của dây cung thì có điều hơi kỳ lạ.

-Lạ thế nào?

-Tốc độ bắn nhanh gấp ba lần chúng ta, nếu mạt tướng không nhầm.

Khánh và Ngạn nhìn nhau rồi ngó Hoàng Ngưu trân trân. Hoàng Ngưu là tay xạ tiễn giỏi, gốc gác miền thượng du, săn bắn từ nhỏ nên lời của Hoàng Ngưu rất đáng tin.

-Chúng ném đá, những viên đá hẳn to bằng quả bưởi giống như lúc phá trại của mạt tướng. Thưa Sứ tướng, thứ ấy rơi vào người thì…

-Thứ ấy có nhiều không?

-Bẩm, mạt tướng không rõ. Mỗi khi có tiếng cạch như này ạ… - Hoàng Ngưu lấy một cây giáo vụt mạnh vào thân cây trong lều trại. -Âm thanh gần giống như vậy, mỗi khi loạt tiếng ấy vang lên thì đá bay trên trời.

-Ngươi nghĩ đó là thứ gì?

-Mạt tướng ngày nhỏ thường dùng dàn ná bắn chim muông, bọn chúng hẳn đã chế ra những thứ tương tự như vậy. Có điều… viên đá to và nặng đến hai, ba cân mà bắn xa thì thật khó.

-Ngươi nói có lý, thứ chúng dùng hẳn là giống như dàn ná. - Đoạn Khánh hỏi Ngạn. - Thứ ông nhìn thấy to chừng nào?

-Mạt tướng nhớ chúng được làm từ gỗ hoặc tre, cao thì… đâu đó khoảng một trượng hơn.

-Ông còn nhớ hình dáng chứ?

-Lúc ấy loạn quá, mạt tướng chỉ nhớ mang máng, hình như là hai thân cây song song, các nhau chừng… mạt tướng không nhớ song chắc chắn nó cắm sâu xuống đất.

-Vậy chỉ có thể là dàn ná lớn, bọn chúng chế ra được thì chúng ta cũng chế được.

-Ngươi có chắc làm được không?

-Mạt tướng muốn thử.

-Được, vậy ngươi hãy tìm cách chế ra thứ ấy. Ta không tin bọn Thiên Đức làm được mà chúng ta lại không.

Kiều Công Ngạn bước ra trước mặt Khánh hỏi:

-Sứ tướng, tiếp sau đây chúng ta nên làm gì?

-Không thể thí quân vô ích, chúng ta đành chịu thiệt phen này. Quân tử trả thù mười năm không muộn, sẽ có ngày ta làm cỏ cả bọn ấy không chừa kẻ nào.

Khánh lệnh cho quân sĩ bố phòng cẩn mật chờ trời sáng. Mới sớm tinh mơ, quân vào báo rằng bọn Thiên Đức đang nổi lửa nấu cơm ngay bên bờ sông.

-Khoảng năm mươi tên, thưa Sứ tướng, trong đám ấy có hơn chục kẻ là đàn bà.

-Bọn này thật láo xược, dám coi khinh ta vậy ư?

Khánh dẫn sĩ tốt đi phăm phăm ra hướng bờ sông. Đúng như binh sĩ báo, Khánh thấy bọn Thiên Đức đang chổng mông thổi lửa nấu cơm, tuyệt nhiên không có vẻ gì sợ hãi khi hàng nghìn quân sĩ của Khánh tay lăm lăm binh khí sẵn sàng đợi lệnh. Từ chỗ Khánh đang đứng đến đám to gan lớn mật kia chỉ hơn trăm trượng.

Như thể nhận ra Khánh trước hàng quân, một kẻ trong đám bỗng đứng lên, hai tay cầm hai kỳ hiệu nhỏ, một cái màu đỏ chỉ lên trời, kỳ màu vàng vẫy vài lần sang bên tay hữu của hắn rồi… hắn lại ngồi xuống chờ ăn cơm như thể chả thấy Khánh và đội quân dưới trướng vậy.

Kẻ vẫy kỳ hiệu sau này Khánh biết hắn tên họ là Phạm Bạch Hổ.

Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.