Chương không phải thánh thần, cậu chỉ là chàng sinh viên năm thứ ba, hiểu biết cuộc sống hãy còn non nớt nhưng hơn một năm ở Vạn Xuân, dù muốn hay không, Chương bắt mình phải trưởng thành nhanh hơn.
Chương biết một khi Vũ Ninh vương kéo sang thì cả vùng này sẽ trở thành bình địa. Thiên Gia Bảo Hựu và Thiên Đức sẽ bị tàn sát đến người cuối cùng chưa kể dân trong vùng sẽ thêm một lần tay trắng và hoạ sát thân treo lơ lửng trên đầu. Thời thế này cá lớn nuốt cá bé, bại sẽ vong, chỉ có kẻ thắng mới tồn tại. Muốn bảo vệ người khác thì bản thân phải mạnh đã.
Chương đã từng nghĩ, bất quá đem cái xe tải ra, gắn thêm đao kiếm rồi càn thì mười vạn quân cũng chết. Địa hình tương đối bằng phẳng, gồ ghề thì đem ngàn người ra làm đường cho xe. Ban đầu nghĩ vậy nhưng Chương đã có giải pháp khác căn cơ hơn.
Nói về cái xe tải quân sự thì nó vẫn ở đấy. Chương đã lệnh cho quân sĩ rào quanh khu đất và… lập một đền thờ thần khí! Quân sĩ không ai được phép đến gần, gọi là đất thiêng. Ngoài phuy xăng hay dầu vẫn còn trên thùng xe thì những thứ khác tự tay Chương đã cất giấu ở nơi khác với sự giúp đỡ của Nguyệt, bà Cả Ngư và sau là Thiên Bình, Duệ và Cự Lượng. Chương nói đó là những thứ đưa cậu đến đây nhưng cậu không được phép dùng đến trừ khi nguy cấp. Những người biết bí mật này đã thề dù có chết cũng không tiết lộ, Chương tin họ. Một tháng đôi lần, Chương tự mình đi làm lễ tế khi trăng lên còn thực sự thì cậu kiểm tra xe tải, nổ máy chừng dăm mười phút rồi tắt.
Quân sĩ Thiên Đức nghe âm thanh lạ từ khu đất thiêng theo gió vọng đến càng tin rằng thần linh sẽ ủng hộ cho họ và Chương đích thị là con ông Bụt!
Chương quyết định sẽ chế tạo ra một vũ khí có tính sát thương cao, giúp cậu chống lại được quân địch đông hơn. Sau một cuộc họp dài với đầu lĩnh Thiên Gia Bảo Hựu và Ban chỉ huy Tiểu đoàn Thiên Đức. Chương nhận thấy các sứ quân hiện chỉ có bộ binh, kỵ binh và thuỷ binh. Các tù trưởng vùng cao có thêm tượng binh. Sứ quân nào quân đông, ngựa nhiều sẽ chiếm lợi thế khi giao tranh.
Pháo binh là thứ còn thiếu, nếu có pháo binh thì quân địch bao nhiêu cũng không còn đáng ngại song Chương không biết làm sao để có một quả đạn huống chi làm ra cả một khẩu pháo trong thời kỳ mà đúc thanh kiếm hãy còn chưa cứng bằng gậy ba trắc đây?
Pháo không có song một thứ tương tự như pháo thì Chương biết, đám bạn cày game có đứa chơi AOE hay nhắc đến cẩu đá hay còn gọi là máy bắn đá. Tả Đô đốc khẳng định với Chương là chưa từng nghe đến thứ đó bao giờ. Chương cho ông và hai phó tướng xem bản vẽ tay sơ sài mô tả một máy bắn đá thì cả ba đều ngạc nhiên chẳng hiểu thứ này để làm gì.
Trước đây, Phạm Tu từng nghe Hoa quốc có thứ Sảo pháo dùng để công thành. Tuy nhiên Vạn Xuân thời ấy thành quách không có nên thứ Sảo pháo ấy không rõ được đem về Hoa quốc hay huỷ mất. Chỉ biết khi quân Vạn Xuân của Lý Nam Vương đánh chiếm các thành thì không thấy gì.
Đó hẳn là một thứ vũ khí bí mật của Hoa quốc.
Chương đề nghị ba người giữ bí mật, chuyện này liên quan sinh tồn của hàng vạn người vì cậu sẽ chế tạo ra một thứ tương tự như Sảo pháo gì đó.
Chương lại ra bờ sông vẽ trên cát những hình thù kỳ lạ. Cứ vẽ rồi lại xoá, xoá rồi lại vẽ. Bọn Lượng, Bình, Duệ và đôi khi cả Nguyệt đều ngồi xổm gần bên lặng im quan sát kèm theo những cái lắc đầu khó hiểu. Thi thoảng Chương hỏi vài câu khó hiểu rồi tự trả lời, có câu Lượng trả lời được nhưng… rất ít.
-Cách địch bao nhiêu mét thì cung thủ bắn?
-Khoảng ba mươi trượng.
-Còn nỏ?
-Khoảng bảy mươi trượng, càng gần thì tính sát thương càng cao. Mà… cậu đang tính làm gì?
-Thứ gì đó có thể hạ gục địch quân nhiều trong thời gian ngắn và phá tan đội hình của chúng.
Từ những hình vẽ lạ và những con số, Chương bảo Lượng vót cho một nắm đũa tre hai đầu bằng nhau, dài chừng ba mươi phân. Nghe nói để Chương làm vật mẫu.
Đầu tiên, Chương bảo Lượng buộc bốn đũa tre thành tạo thành một hình vuông. Tiếp đến, bốn góc lại buộc bốn que dựng đứng rồi buộc đầu hai que lại với nhau. Kế đó lấy một que làm xà ngang.
-Nhìn dáng nom giống mái nhà nhỉ?
Thiên Bình hỏi Duệ, Duệ gật đầu đồng tình.
Chương bảo buộc thêm một que ngang song song với xà ngang, cách thanh làm xà ngang độ năm phân. Cuối cùng là một que làm tay đòn, về giá đựng thì sẽ dùng cói để đan giống như một cái thúng đựng một viên đá.
Đây là mô hình máy bắn đá Catapult mà học cấp ba Chương đã từng làm nhưng không để ý lắm. Điều khiến cậu trăn trở chính là dùng thứ dây gì có tính đàn hồi tốt?
Chương lại hỏi Lượng và Thiên Bình về cung, cả hai cùng bảo trong thập bát ban binh khí thì đệ nhất cung tiễn, đệ nhị nỗ, đệ tam thương, đệ tứ đao, đệ ngũ kiếm…
-Vậy dây cung làm từ gì?
Thiên Bình đáp:
-Bện từ gân thú, da và một số loại dây leo để có độ đàn hồi tốt.
-Anh cần loại dây to bằng cổ tay có được không?
Lượng và Bình tròn mắt, sau một hồi suy ngẫm, Thiên Bình và Lượng đều bảo làm được nhưng cần mấy cái, dài bao nhiêu thì Chương nói:
-Càng dài càng tốt, ít cũng phải một trượng.
-Sao… sao dài vậy?
-Có được không?
-Khó nhưng có thể. - Lượng đáp.
-Cái gì thiếu thì mua, như da với gân thú. Không được nói rõ mục đích mua, ở đâu có thì mua hết. Có ai hỏi thì cứ nói đại ra lý do gì đó. Đây là chuyện sinh tử vạn người!
Thấy cả ba vẫn ngồi ngây ra, Chương đành dùng vật mẫu đã hoàn chỉnh, đặt một viên sỏi lên cùi dừa gá tạm làm giá rồi kéo xuống thả tay ra.
Viên sỏi văng ra phía trước theo hình cầu vồng trong con mắt ngỡ ngàng của bọn Lượng.
-Thứ này gọi là Cự thạch pháo, viên sỏi sẽ thay bằng một viên đá lớn hoặc một quả cầu bằng chông nhọn, bên trong lõi là đất sét phơi khô. - Chương giảng giải. - Thứ này có tầm bắn chắc chắn xa hơn cung tiễn hay nỏ. Nếu đặt trên cao, tầm bắn sẽ xa hơn, độ sát thương cũng khủng khiếp hơn.
Chương lấy viên sỏi khác thử một lần nữa rồi nói tiếp:
-Chúng ta làm được bao nhiêu Cự thạch pháo tuỳ thuộc vào việc có bao nhiêu dây.
-Thứ này liệu… liệu bắn xa được bao nhiêu anh Chương?
Thiên Bình thắc mắc trong khi hai mắt dán vào mô hình.
-Anh tin là ít nhất phải một dặm hoặc… chừng một dặm vì nó phụ thuộc vào viên đá nặng bao nhiêu rồi góc bắn tối ưu nữa. Trước tiên chúng ta cần phải làm một nguyên mẫu với kích thước thật dựa theo mô hình này sau đó bắn thử. Làng Vạn, làng Lôi hay Thiên Bình đều nằm trong tầm bắn ấy. Anh muốn đặt những thứ này ở sườn núi, những cái nhỏ để trong làng bắn qua ngọn tre.
-Nếu quân địch đông đến vạn người thì cần bao nhiêu cái anh nhỉ? - Duệ hỏi.
-Anh cũng chưa biết nhưng anh biết thứ này sẽ thay đổi trận chiến. Đây là vũ khí bí mật.
Chương tổ chức họp gấp với bọn Trương Lôi, Cự Lượng, Thiên Bình, Duệ, Bỉnh Di, Quang Diệu và Xuân và quyết định thành lập riêng đại đội pháo binh gồm hai trăm người tuyển chọn từ Thiên Đức và Thiên Gia Bảo Hựu. Đại đội này tạm thời do Chương phụ trách, đến khi thành thục sẽ tách ra làm hai và tăng số lượng.
Đạn có hai loại, một loại bằng đá, một loại hình tròn làm từ đất sét cắm chông tre như lông nhím. Sau khi thử nghiệm hoàn thiện sẽ quyết định kích thước, trọng lượng, hình dáng tiêu chuẩn để làm hàng loạt và đạn sẽ liên quan đến tầm bắn xa gần.
Chương yêu cầu mọi người phải giữ bí mật tuyệt đối trong quá trình thực hiện. Những binh sĩ được chọn sẽ phải vào rừng đóng quân và hoàn thiện các máy bắn đá theo mẫu ban đầu.
Hai trăm binh sĩ theo Chương, Bình, Duệ vào rừng, vẫn là chỗ cạnh dòng suối cậu gặp Thiên Bình và Duệ lần đầu tiên. Phạm Bạch Hổ được Chương chỉ định làm chỉ huy đội quân này.
Trong khi bọn Chương đốn xoan, mít và tre gai làm mẫu đầu tiên thì Xuân cùng đội nữ binh của cô bện cho hai sợi dây tù da, gân động vật và đủ thứ dây leo dựa theo kinh nghiệm của Xuân, người thường dùng cung tiễn.
Chương mất nguyên buổi sáng giảng dạy cho binh sĩ những gì cậu muốn, cậu biết và bảo họ cần phải làm gì dựa trên mô hình trực quan. Nửa ngày còn lại, Chương đã có điều cậu muốn, một mô hình máy bắn đá lớn, cao gần một trượng. Giá đỡ bằng cói đã có mấy kích thước khác nhau, đính chặt vào cần. Sự thật thì Chương vô cùng yên tâm khi những người lính làm việc tay chân bởi họ rất khoẻ và nhanh nhẹn.
Máy bắn đá dựng ở bìa rừng, trên một khoảnh đất đã dọn dẹp bằng phẳng, rộng khoảng hơn ba chục mét vuông. Chương cho đốn một số cây trước mặt để mở rộng tầm nhìn xuống cánh đồng lúa chuẩn bị gặt.
Lần bắn thử đầu tiên với một viên đá to hơn đầu người đã có hai sự cố. Thứ nhất là độ căng của dây chưa đạt, thứ hai là tay đòn là cây tre vừa vung lên, viên đá bay đi thì máy bắn đá cũng lật về phía trước bởi Chương quên không cố định chân đế. Nếu dùng cọc tre đóng cố định thì sẽ chỉ bắn được một hướng.
Chương nảy ra sáng kiến sẽ làm một xà ngang dài, bốn binh sĩ đứng lên, và máy bắn đá không bị lật về trước.
Song giải quyết được vấn đề này thì ra vấn đề khác.
Dây kéo căng, tay đòn ném viên đá đi nhưng còn lực dưa thừa dồn cả lên phía trước, lực này không triệt tiêu thì đạn sẽ thiếu chính xác, mỗi lần bắn sẽ văng một nơi.
Vạn Xuân có sắt nhưng làm lò xo giảm chấn sẽ bất khả thi và Chương nghĩ làm bánh xe sẽ giải quyết phần nào. Bánh xe bò, trâu, ngựa kéo làm từ gỗ thì được nhưng chẳng biết hấp thụ được lực bao nhiêu hay chỉ sau một lần bắn là gãy trục, vỡ bánh.
Quân sĩ đốn một thân cây có đường kính hơn một người ôm rồi đẽo thành hình bánh xe, đục lỗ và thế là Chương có Cự thạch pháo đi động. Thời gian sau, cậu dùng tre tươi xếp lên nhau giống như nhíp xe tải để cải thiện độ giật và nó khá hiệu quả.
Đúng như Chương nghĩ, đạn nặng nhẹ sẽ bay xa hoặc gần, ngoài trọng lượng còn sức cản không khí. Dù không giỏi vật lý thì Chương cũng biết hình tròn sẽ tối ưu hơn cả vì cậu không thể cho binh sĩ đẽo đá thành hình viên đạn. Nếu không tròn thì tốt nhất nên gần giống hình tròn. Đạn đá tạm chia thành ba kích cỡ, Chương cũng lấy ký hiệu L,M,S làm tiêu chuẩn.
Bỉnh Di, Cự Lượng, Trương Lôi, Quang Diệu lệnh cho quân sĩ đục đá trong núi, mỗi người sẽ phải làm được ít nhất một vật thể hình tròn, nhỏ nhất phải to bằng đầu trẻ em và lớn nhất thì to hơn đầu người lớn. Đạn không yêu cầu tròn nhưng giống hình tròn là tốt nhất.
Triệu Quang Phục thấy vậy, thay vì đục đẽo đá, ông cho hai lò gạch thay vì làm gạch thì làm ra ba loại đạn gạch theo kích cỡ Chương muốn.
Với đạn là chông tre, mỗi binh sĩ trong quân phải làm hai viên đạn theo yêu cầu của chỉ huy. Nhờ vậy pháo binh có gần năm nghìn đạn chông kiểu này chỉ trong mười ngày. Chông từ tre, cây rừng, xoan, mít. Đầu chông đều được ngâm trong một chất độc gây ngứa do Xuân làm ra.
Trước khi trận chiến bắt đầu, đội pháo binh có hơn ba nghìn đạn đá các loại, gần năm nghìn đạn chông, hơn một nghìn đạn tròn bằng đất sét nung. Một số lượng đạn khổng lồ đủ kích cỡ.
Bởi không có kiến thức pháo binh, chỉ biết qua bắn thử để điều chỉnh góc bắn tối ưu nên Chương mất ba ngày để đưa ra thông số cơ bản khi bắn. Do có bánh xe nên pháo bắn được hai hướng. Trình độ có hạn, trình độ quân sĩ còn có hạn hơn mà thời gian không nhiều nên Chương nảy ra nhiều sáng kiến.
Nhờ có Duệ, Chương đã dạy cho binh sĩ ước lược tầm bắn dựa theo vật chuẩn. Ví dụ cờ trắng cách máy bắn năm mươi trượng, cờ vàng cách một trăm trượng và cứ thế… tầm bắn xa nhất khi dùng đạn đá nhỏ, hình tương đối tròn lên đến hơn một dặm, khoảng đâu đó một trăm tám mươi trượng. Đạn chông bắn xa loanh quanh một trăm trượng đổ lại.
Binh sĩ dựa theo vật chuẩn để tìm loại đạn thích hợp và bắn thành thục đến khi toàn đội đều hiểu.
Mỗi khẩu đội sẽ có tám người trong đó một người là khẩu đội trưởng. Khẩu đội trưởng phải là người thuộc Đại đội pháo binh, bảy người còn lại có thể là binh sĩ hoặc bất kỳ ai.
Chương đã thống nhất các khẩu lệnh, ví như:
-Tả 1 nghĩa là quay pháo trái mười phân
-Hữu 2 thì quay pháo sang phải hai mươi phân so với hướng chính diện.
Binh sĩ cũng đã nắm rõ được khi muốn bắn xa thì đạn nào, chỉnh thanh gỗ chắn về mức nào.
Chương đã trang bị được hai mươi Cự thạch pháo hạng nặng, ẩn trong các sườn núi sau ba làng Vạn. Mười khẩu khác ở chính nơi tập bắn và năm khẩu di động dùng ngựa kéo do Dương Cát Lợi chỉ huy.
Trong ba làng Vạn, mỗi làng được trang bị thêm ba pháo hạng nhẹ, tầm bắn chỉ năm đến bảy mươi trượng. Một pháo hạng nặng nguỵ trang đặt trên gò lớn có cột cờ. Trường hợp chiến sự nổ ra, dân trong hai làng Lôi và Thiên Bình gần hai trăm người sẽ phải rút vào ba làng Vạn.
Khoảng giữa tháng 5, toàn bộ đội pháo binh đã thuộc hết phần tử bắn và các vật chuẩn là những cây, những gò đống
Chương đặt cho đại đội pháo binh này là Đại đội Thần sấm. Sau này tách ra làm hai thì đội pháo của Thiên Gia Bảo Hựu được Phạm Tu đặt tên là Vạn Xuân trong khi Thần sấm vẫn giữ nguyên tên gọi. Phạm Bạch Hổ vẫn là chỉ huy pháo binh Thần sấm.
Quân Thiên Gia Bảo Hựu và Thiên Đức tuy không rõ đầu đuôi thứ gì được làm ở trong rừng mà vào mấy đêm sáng trăng nhiều người nghe thấy những âm thanh bịch bịch như gạch đá ném từ trên trời xuống.
Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.