Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 64: Nhắm làng Vạn




Trăng hạ tuần lên muộn, trời tối đen như mực, gió từ mặt sông hắt lên mát rượi. Trong ngôi nhà mái tranh của bà Cả Ngư còn sáng đèn, thi thoảng có bóng người cầm đuốc ra đứng trước cổng nhà soi đông soi tây rồi trở vào.

Cách đó chưa đầy hai trăm mét, có những bóng đen nối đuôi nhau lặng lẽ giẫm lên những tấm ván gỗ, vạch cỏ cây lom khom chạy về hướng núi Linh Sơn. Đây là toán đầu tiên gồm ba mươi quân sĩ của Kiều Công Ngạn, khí giới, lương thảo đầy đủ qua sông trên hai con thuyền. Dật, Lượng cùng một số người khác dẫn đường, một nhóm dăm người ở lại xoá dấu vết.

Theo tin Dật và Lượng dò la được thì Thiên Gia Bảo Hựu đã cử một tốp ba mươi quân sĩ đóng ở trong ngôi nhà gần bờ sông và gần bụi tre, bởi vậy việc đưa quân sang phải hết sức cẩn trọng. Số quân này theo lệnh của Kiều Công Ngạn sẽ vào núi ẩn nấp đến khi nào có lệnh.

Đêm đầu tiên trót lọt, hai đêm sau mỗi đêm có sáu thuyền chở quân cập bờ, mỗi thuyền mười lăm người, vị chi có hai trăm mốt cả thảy. Trần Thông qua sông cùng nhóm sau cùng và cũng ở trong núi. Chỉ huy số quân sĩ này là Chu Diện, tổ tiên ba đời gốc Hoa quốc và phó tướng Triệu Văn Khoát, gốc gác vùng thượng du bởi số quân này, như Dật nói với Lượng thì quá nửa là tộc Sán Dìu. Lượng không biết tộc này, nghe Dật nói bọn họ khoẻ và di chuyển tốt ở những nơi như rừng hoặc đồi.

Dật sắp đặt chỗ ở cho quân của Chu Diện, ban ngày không được nấu nướng vì sợ khói, đến khi tối trời mới nổi lửa. Hàng tuần sau đó, mỗi khi đêm xuống, Lượng sẽ cho vài người dẫn các toán quân nhỏ của Chu Diện đi thám thính địa hình và trở về trước khi trời sáng. Chu Diện và Triệu Văn Khoát rất ưng Lượng vì Lượng nhanh nhẹn, hiểu chuyện nhưng cả hai chưa gặp được Chương và Mạc lão tiên sinh. Theo như Lượng cho biết thì Mạc lão tiên sinh và Chương chia nhau đi tuyển thêm tráng sĩ bất mãn với Thiên Gia Bảo Hựu để bù đắp số tổn thất hôm trước.

Chu Diện đem theo lương thực đủ cho quân dùng trong một tháng. Quân của Chu Diện đóng sâu bên trong núi, còn quân Thiên Đức thì ở trong những lán trại sát bìa rừng. Dật vẫn hay gặp cô gái mà anh ta có cảm tình song cô nàng rất kiệm lời. Mỗi khi gặp, Dật đều dúi cho cô gái khi thì mấy củ khoai, lúc thì mấy nắm gạo và cá khô.

Cô gái tên Hồng, ở cùng với hơn chục cô gái khác gần bờ suối. Thi thoảng Dật xuống suối lấy nước, đi ngang lán đều tìm cách nấn ná, chào hỏi dăm ba câu. Vài lần khác, Dật hăm hở xách nước hộ Hồng nhưng Hồng không có bất kỳ biểu cảm nào tỏ ý khó chịu hay đồng tình.

Trần Thông trong những ngày này hết ăn lại ngủ, gã có đem theo vài quyển sách để đọc khi rảnh rỗi. Cuộc sống trong rừng, như Thông tự nhận định, cũng không đến nỗi nào. Chu Diện mỗi lần gặp Thông đều thi lễ đàng hoàng vì Kiều Công Ngạn đã lệnh cho quân phải nhất nhất nghe theo sắp xếp của Thông.

Dật hầu Thông nên cũng không có nhiều việc để làm nên dành thời gian kết thân với vài quân Thiên Đức nhưng câu trước câu sau đều chỉ hỏi về Hồng. Lượng nắm rõ chuyện này, báo lại cho Chương. Chương bảo cứ để mọi thứ diễn ra tự nhiên, chỉ cần để ý xem Dật có mưu đồ gì xấu không, nếu anh ta thích Hồng thì sau có thể lợi dụng được.

Quân Thiên Đức bây giờ, dù xuất thân từ làng Vạn hay Long Ngô Động hoặc Đường Vỹ đều nhất nhất nghe theo lời chủ tướng. Lượng thì nể anh thầy đến bảy phần, ba phần còn lại chưa chịu vì Chương ít tuổi hơn và… không biết võ nghệ. Thứ nữa thần khí chó lửa gì đó Chương đeo kè kè bên hông cũng chưa từng dùng đến. Chỉ biết nếu nó sủa thì có kẻ thiệt mạng.

Gần nửa tháng kể từ khi Chu Diện và quân sĩ ẩn ấp trong rừng thì tất cả đã cơ bản thông thuộc lối đi từ núi đến làng Vạn rồi trở về. Chu Diện xin thêm một trăm quân Sán Dìu và được đáp ứng cùng với lương thảo đủ cho ba trăm người dùng trong hơn một tháng. Bọn Lượng cũng được cho thêm lương thảo và vũ khí.

Trần Thông gặp lại Chương tay bắt mặt mừng như gặp tri kỷ. Chương trở về với hơn ba mươi tráng niên ăn vận khá tuềnh toàng, tay không tấc sắt. Được bữa cơm trắng với cá khô thì mỗi kẻ đánh liền ba bát khiến Chu Diện lắc đầu ngán ngẩm. Song nhìn những tráng niên kẻ nào kẻ nấy đều khoẻ mạnh thì Diện hài lòng.

Diện khá hờ hững khi gặp Chương bởi nghe nói Chương không biết chữ, võ nghệ lại càng không nhưng được tướng tá cao và khéo ăn nói. Bản thân là một người gốc Hoa quốc, lại là võ tướng nên Diện không thích những kẻ ăn cơm mềm. Nhìn có thể thấy, Chương đứng đầu đảng là vì vớ được con gái Mạc lão tiên sinh nào đó chứ so về bản lĩnh không bằng phân nửa gã Lượng kia. Diện cũng không thích cái cách khi nói chuyện, Chương cứ khom lưng, miệng cười giả lả một dạ hai vâng song thấy Trần Thông niềm nở nên Diện chỉ ậm ừ mỗi khi chạm mặt.

Ở trong rừng được ba đêm, Chương dẫn theo mấy cô gái, nói là đi dụ thêm dăm chục tráng sĩ nữa. Diện nghe càng khó chịu vì dùng đàn bà câu dẫn đàn ông là việc hạ đẳng, Diện không thích. Hồng và hai cô khác ở lại lo cơm nước cho cả trăm trai tráng.

Sau thời gian quan sát, Diện lại thêm ưng đám Thiên Đức, dù đã được cho lương thảo nhưng chúng ăn dè sẻn, ban ngày toả vào rừng đào củ, hái rau và săn bắn chim. Điều này chứng tỏ đám Thiên Đức có chí dựng cờ, nếu vào trong quân thì chỉ một tháng sẽ trở thành những dũng sĩ. Mỗi lần gặp Diện, đám trai Thiên Đức đều cung kính chứ không muốn lấy lòng Diện như Chương.

Nghe tin Mạc Lão tiên sinh dẫn theo ngót năm chục trai tráng về đến, Trần Thông và Chu Diện liền đến gặp. Mạc Lão tiên sinh vừa gặp đã luôn miệng cảm tạ Tả tướng quân Kiều Công Ngạn cùng Mạnh Đức tiên sinh và Chu Diện tướng quân.

-Lão nông họ Mạc, tên là Quang Phục, năm nay tứ thập lục niên. Xưa kia là thầy dạy nghệ ở kinh đô, vì bị quan binh hà hiếp nên đã về châu Vũ Ninh này được mười bốn năm.

Chu Diện đã có câu trả lời cho thắc mắc vì sao đám Thiên Đức lại có chí và dũng mãnh khác người, thì ra đầu lĩnh từng là một võ sư. Chu Diện nổi hứng muốn được thử sức với Mạc lão tiên sinh, hai bên thống nhất chỉ trao đổi chiêu thức, không dùng lực vì sợ mất hoà khí.

Quân sĩ hai bên kẻ đứng người ngồi xem chủ tướng giao đấu giữa rừng nhưng không được hò reo.

Quang Phục và Chu Diện đấu quyền bất phân thắng bại nên đổi qua binh khí. Quang Phục dùng gươm, Chu Diện dùng giáo, hai bên giao đấu mấy chục hiệp đều bất phân thắng bại sau đó cười hỉ hả rồi chén tạc chén thù dùng lời lẽ đề cao nhau.

-Chú Phục! - Lượng thì thào bên tai. - Chú ngắm ăn được thằng đó không?

Quang Phục nhếch miệng cười nhạt, hé một mắt ra nói qua kẽ răng:

-Sao phải dùng dao mổ trâu để giết gà, cháu đủ sức hạ nó.

-Cháu thấy nó khá mà.

-Thứ nghệ nó múa sẽ doạ được khối người nhưng khi giao chiến thì không hữu ích đâu. Với địch, cái ta cần là hạ gục nhanh nhất có thể. Cháu nên kè kè thằng đó khi có biến, cầm tặc cầm vương là cái lý dùng binh xưa nay rồi.

-Còn thằng tướng họ Triệu?

-Chọn bừa bọn thằng Nguyên hay thằng Lý đều được. Chúng nó hơn ba trăm quân, ta một nửa là có chủ ý. Thằng Chương có ba chục nữ binh, con Xuân cho mượn thêm đủ năm chục. Một trăm ở trong rừng do thằng Lịch dẫn sẽ bám sát để đánh tạt sườn. Những nhóm nhỏ khác đều ba mươi, nhớ dặn anh em khi xung trận thì vận khăn trắng để nhận nhau. Duy chỉ có nữ binh đội khăn vàng thôi đấy. Tả Đô đốc trước sau cắt đủ năm trăm, mệnh lệnh là hàng sống chống chết.

Trời vừa tối thì Quang Phục đội nón cầm gậy rời khỏi rừng, mấy cô gái còn lại cũng đi theo, chỉ có Hồng ở lại giúp cơm nước theo ý của Chương.

Trung tuần tháng 11, người do Chu Diện và Lượng đi nghe ngóng báo rằng Thiên Gia Bảo Hựu quân đang có rục rịch tập trung binh mã, khoảng năm, sáu trăm quân chưa rõ định làm gì. Tin này được cấp báo cho Kiều Công Ngạn, Công Ngạn truyền tin lại, sẽ lệnh cho một nghìn tinh binh vượt sông đánh úp làng Vạn khi đám Thiên Gia Bảo Hựu rời đi. Chu Diện sẽ dẫn cả quân Thiên Đức đánh vào mé Tây của một trong ba làng hòng tạo thế gọng kìm.

-Trong ba làng sẽ chỉ còn khoảng hơn ba trăm quân và dân thường chừng năm trăm theo như bọn thuộc hạ dò la được mấy tháng trước. - Thuộc hạ báo với Diện. - Chưa rõ chúng tập trung quân định làm gì và cũng chưa biết trong thời gian vừa qua chúng thu nạp được bao nhiêu binh sĩ, thưa tướng quân.

-Chúng ta ẩn nấp ở đây đã ngót một tháng, hành động cẩn mật, không thể bị lộ. Ngươi bám sát động tĩnh của chúng, có gì lạ lập tức báo ngay. Đám Thiên Đức có hành động gì không?

-Thưa tướng quân, đám cũ vẫn đào củ, bắn chim chóc và hái rau dại còn đám mới đến hàng ngày tập luyện võ nghệ. Quân số của chúng trước sau khoảng một trăm năm mươi.

Chu Diện và Triệu Văn Khoát, cả hai cùng thống nhất ý kiến, rằng Thiên Gia Bảo Hựu sẽ qua vùng Siêu Loại bởi khu rừng này và cả phía Đường Vỹ không có gì để lùng sục. Cả hai ước tính Thiên Gia Bảo Hựu sẽ có số binh sĩ khoảng một nghìn hai trăm. Kiều Công Ngạn cho một nghìn tinh binh vượt sông đánh vỗ mặt làng Nhất Vạn trong khi bọn Chu Diện dẫn gần năm trăm quân hỗn hợp đánh vào một trong hai làng còn lại, khả năng là Tam Vạn vì làng này nằm ở mé Tây.

-Tương quan lực lượng thì đám Thiên Gia Bảo Hựu còn ở trong làng nhiều thì bảy trăm, chúng ta gấp đôi. - Triệu Văn Khoát nói. - Công thành thì bốn đánh một mới được. Chưa kể chúng cắt cử binh lính canh giữ mỗi làng khoảng mươi đứa nên binh lực sẽ càng mỏng.

-Đây là giao chiến chớp nhoáng, sẽ chỉ trong một đêm. Ba làng này bao quanh là hào sâu và luỹ tre gai dày đặc không thể xem là thành đúng nghĩa nên hai địch một cũng là đủ. Ba làng này, mỗi làng chỉ có một lối vào duy nhất, cũng không có cổng lớn.

Chu Diện dùng que vạch trên đất nói thêm:

-Một trăm quân cảm tử đánh thẳng vào cổng chính là xong.

-Hào rộng đến ba trượng, chưa kể chúng sẽ cắm chông nhọn.

-Ván gỗ làm cầu, thang dài. - Chu Diện nói. - Chỉ cần hai thứ này có thể vượt qua được hào. Luỹ tre bao bọc quanh làng thì dùng hoả công, bọn chúng khác gì cá trong rọ.

Triệu Văn Khoát gật gù đồng tình. Chu Diện chọc que xuống đất, nói:

-Cốt yếu nằm ở bọn Thiên Gia Bảo Hựu sẽ rời làng khi nào? Chúng có đi thật không hay đây là một âm mưu? Cần phải theo sát.

-Ông nghĩ ai sẽ chỉ huy đội tinh binh vượt sông? Và Tả tướng quân sẽ vượt sông khi nào?

-Thời điểm vượt sông thì trăng chưa lên nhưng khi công thì cần sáng trăng. Ta nghĩ sau ngày hăm mươi, tiết trời đẹp sẽ hành sự. Còn ai sẽ dẫn binh à?

Chu Diện bặm môi đưa tay bóp trán suy nghĩ một hồi.

-Đội tinh binh khả năng gốc là tộc Sán Dìu và tộc Kinh ở vùng giáp thượng du, ta nghĩ Đại tướng quân Trương Lôi chỉ huy, phó tướng hẳn sẽ là Lý Văn Ba.

Việc ai chỉ huy đội tinh binh sẽ giúp Chu Diện và Triệu Văn Khoát nắm được vài phần thắng lợi. Trương Lôi là một dũng tướng, quê gốc châu Đại Hoàng còn phó tướng Lý Văn Ba, tộc Sán Dìu, cũng dũng mãnh không kém. Quan chế võ quan dưới trướng Vũ Ninh vương cơ bản theo như Vạn Xuân trước đây. Thấp nhất trong hàng tướng là Tướng quân, cao hơn một bậc là Đại tướng quân, Thượng tướng quân, Tả hữu tướng quân, Lãnh binh sứ và cao nhất là Sứ tướng.

-Ổn cho người theo sát ba làng Vạn và cũng phải lưu tâm đám Thiên Đức phòng bất trắc. Chả hiểu sao ta cứ cảm thấy gã tế tử của Mạc lão tiên sinh có gì đó gian trá.

-Những kẻ ăn cơm mềm, đi bằng đầu gối xưa nay hoặc là bất tài hoặc là chấp nhận chịu nhục hòng đạt đại sự. - Triệu Văn Khoát nói. - Cái thằng ấy ngoài cái mã ra thì còn gì khác? Đâu phải riêng ông thấy.

Chu Diện nghe vậy liền cho là phải.

Mấy ngày sau đó, bất kể sáng đêm, Chu Diện cho quân theo dõi chặt ba làng Vạn trong khi bọn Lượng vẫn chăm chỉ kiếm thức ăn từ rừng, Chu Diện sai gì thì cho người làm nấy, thể hiện rõ là những kẻ chỉ biết làm theo lệnh.



Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.