Ván Bài Lật Ngửa

Chương 99: Phần VII - Chương 05 phần 1




P7 - Chương 5
Cuộc họp tuyệt mật của số sĩ quan cấp tướng mà Saroyan báo với Luân, về phía Mỹ không có James Casey. Lí do là đại sứ Nolting không tán thành cuộc họp này, ông ta không muốn liên can quá lộ liễu đến một âm mưu chống lại Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thâm tâm Nolting chưa tán thành quan điểm loại Diệm vào lúc này - mối quan hệ nhân ngãi với Lệ Xuân giữ một tỉ lệ nào đó, tất nhiên, trong thái độ do dự này, đồng thời ông ta lại làm mọi cái có thể làm để cho việc loại Diệm chín muồi hơn mà vẫn giữ được tiếng là kẻ hết lòng ủng hộ Diệm. Fishell và Katterburg, với danh nghĩa những người bạn của các tướng lĩnh Việt Nam đến góp ý kiến về thời cuộc, thật ra là tác giả kiêm đạo diễn của vở kịch lớn được thai nghén rồi soạn thảo từ lâu, với những phân đoạn kĩ thuật chi tiết, chia thành từng trường đoạn, thậm chí với một bảng bố trí vai diễn - có vai chính và có vai phụ.
Về phía Việt Nam, có các tướng Mai Hữu Xuân, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, và hai đại tá - Nguyễn Hữu Có và Đỗ Mậu - có vẻ như Lê Văn Kim hoặc Trần Văn Đôn khởi xướng cuộc họp tạo phản này, nhưng, trước khi khai mạc, Katterburg rầm rì rất lâu với Đỗ Mậu, còn Fishell thì trao đổi riêng với tướng Xuân.
Nơi họp là nhà riêng của đại tá Có - một bữa tiệc thịt rừng vào chiều thứ Bảy, gồm những người bạn thân Việt và Mỹ.
Ngay những người dự họp đều không biết một chi tiết khá thú vị: sau khi nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu, Fishell đã bí mật gặp John Hing; còn John Hing, để chuẩn bị gặp Fishell, đã làm việc mấy tiếng đồng hồ liền với Lâm Sử có thể tóm gọn như sau: Trung Cộng dùng ảnh hưởng của mình để hạn chế tối đa mức hoạt động của Việt Cộng một khi xảy ra biến động có tầm cỡ quốc gia ở Sài Gòn. Lâm Sử thừa biết cái “biến động tầm cỡ quốc gia” ấy là gì, tuy nhiên anh ta đắn đo về lời cam kết. Lâm Sử tự đánh giá anh ta không có khả năng làm việc đó một cách trực tiếp. Bề ngoài, Lâm Sử phải tỏ rõ cho Việt Cộng thấy Bắc Kinh nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Anh ta có thể xin gặp Khu ủy Cộng sản khu Sài Gòn - Gia Định, thậm chí có thể xin gặp Trung ương Cục miền Nam nhưng sẽ chẳng ăn thua nếu anh ta lại đưa ra đề nghị Việt Cộng đừng lợi dụng thời cơ rối loạn ở Sài Gòn để đánh rã quốc sách Ấp chiến lược và đánh rã quân đội Sài Gòn. Một đề nghị như thế chẳng khớp chút nào với khẩu hiệu mà đài Bắc Kinh đang ra rả suốt ngày. Lâm Sử dễ dàng hẹn với Nghị Lực, một cán bộ lãnh đạo các tổ chức lao động và học sinh người Hoa ở thành phố thuộc Khu ủy Cộng sản Việt Nam. Cũng vậy thôi, Nghị Lực là một người trọng nguyên tắc, rất có kinh nghiệm chính trị, đôi khi đề nghị của Lâm Sử lại cung cấp cho Nghị Lực cơ sở để phản ánh về cơ quan lãnh đạo cấp cao của Việt Cộng và kết quả sẽ ngược hẳn ý muốn của Lâm Sử. Hơn nữa, gần đây mối quan hệ giữa nhóm Lâm Sử và nhóm Nghị Lực bắt đầu có những biểu hiện mâu thuẫn. Mâu thuẫn lớn xoay quanh một loạt quan điểm. Từ lâu rồi, Lâm Sử bảo vệ phương châm mà anh ta cho là “nguyên lí của chủ nghĩa Mác ở châu Á” - lực lượng cách mạng Nam Việt Nam phải trường kì mai phục, xúc tích lực lượng, chờ đợi thời cơ, dùng nông thôn bao vây thành thị, ở nông thôn thì cơ bản là tác chiến du kích và phòng ngự, không cần thiết xây dựng lực lượng chủ lực quá cấp đại đội. Diễn tiến của tình hình chung ở Nam Việt Nam từng ngày một chẳng những đính chính mà còn phủ định cái nguyên lí kia - cái nguyên lí đã đưa phong trào cách mạng một loạt các nước Đông Nam Á vào chỗ khó khăn nghiêm trọng. Mâu thuẫn cụ thể giữa hai nhóm xuất phát từ đối tượng mà hai nhóm phụ trách.
Xét về một nghĩa nào, mâu thuẫn đó thật sự gay gắt. Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm người Hoa thuộc tầng lớp tư sản mà số không nhỏ là tư sản mại bản. Do vấn đề được đổi quốc tịch, số tư sản người Hoa đã tham gia chính quyền ở nhiều dạng và nhiều mức, giữ vị trí then chốt trong một số ngành kinh tế như tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, thương nghiệp. Nghị định cấm mười một nghề của Ngô Đình Diệm thực tế bị vô hiệu hóa bởi vì tổng đại lí mua bán sắt thép không phải là Pô Xường Thài mà là Bá Thượng Đài. Ở đây, nảy sinh một tranh chấp tất yếu giữa một bên là những ông chủ - tất cả đều vừa giữ quan hệ tốt với sứ quán Đài Loan, vừa giữ quan hệ bí mật với nhóm Lâm Sử - và một bên là những người Hoa lao động, mang quốc tịch Việt Nan hay theo quy chế ngoại kiều. Với số lao động này, nghị định cấm mười một nghề vẫn giữ nguyên hiệu lực. Trong vòng vài năm nay, nhiều cuộc đấu tranh nổ ra giữa chủ người Hoa và lao động cũng người Hoa. Mỗi lần nhóm Lâm Sử gặp nhóm Nghị Lực, cuộc tranh luận không còn dừng ở ngang các lời lẽ hữu hảo chung chung, ủng hộ lẫn nhau chung chung, mà thật sự là cuộc đối đầu giữa hai thế lực phản ánh vị trí xã hội đối lập mà hai nhóm đại diện. Lúc đầu, nhóm Nghị Lực đề nghị nhóm Lâm Sử hướng dẫn các chủ nhân người Hoa giải quyết thỏa đáng yêu cầu của những người làm thuê Hoa và Việt trong một số xí nghiệp, tiệm buôn nhất định. Thường thường nhóm Lâm Sử né tránh bằng cách giảng giải tràng giang đại hải về sách lược đối với Hoa kiều tư sản ở Đông Nam Á. Sau này, nhóm Nghị Lực đặt thẳng các yêu cầu và nói rõ vấn đề mà họ quan tâm là lợi ích của người Hoa nghèo trong cộng đồng Hoa - Việt ở miền Nam và ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Họ không có trách nhiệm gì đối với chính sách Hoa kiều của Bắc Kinh. Có thể nói được rằng, quan hệ của hai nhóm đang khá căng thẳng. Gần đây nhất, nhóm Nghị Lực đưa ra một loạt yêu sách về cải thiện điều kiện làm việc và lương bổng của công nhân các hãng dệt lớn nhất thành phố như hàng Vimytex và Vinatexco. Cả hai hãng gồm đến hơn một vạn công nhân, phần lớn là thiếu nữ người Hoa và cả hai hãng đều tồn tại dưới dạng tổ hợp Việt - Mỹ, nên hiểu Việt là những tư sản người Hoa đổi quốc tịch Việt Nam.
Một việc khác cũng không kém phức tạp. Nhóm Lâm Sử phát hành tờ tin lưu hành trong giới học sinh - là khu vực theo thỏa thuận giữa hai đảng, thuộc phần quản lí của nhóm Nghị Lực. Tờ tin mang tên “Diện hướng Tổ Quốc,” đăng tải các bài nói về công xã nhân dân, về bước “đại nhảy vọt” và các câu của “người cầm lái vĩ đại” được thần chú hoá, Nghị Lực đã trực tiếp phản đối việc làm này, coi như là sự can thiệp vào nội bộ Việt Nam và trái ngược với những điều đôi bên đã giao ước. Thế của nhóm Nghị Lực ngày một lớn do phong trào của người Hoa kết hợp với phong trào của người Việt trong xí nghiệp và ở trường học phát triển mạnh, được cuộc chiến tranh giải phóng ở nông thôn và các hoạt động vũ trang ở đô thị hậu thuẫn. Nhóm Lâm Sử hết rơi vào chỗ lúng túng này đến chỗ lúng túng khác bởi thiếu nhất quán trong lập luận của họ. Lâm Sử đã nhiều lần lên Nam Vang gặp đại sứ Trung Cộng xin chỉ thị. Liêu Thừa Chí, người cầm đầu Vụ Hoa kiều của Bắc Kinh đã điện cho Lâm Sử, truyền đạt chỉ thị của Trung ương Trung Cộng, nhưng đó cũng chỉ là những giáo huấn rất chung.
Chính sách của Bắc Kinh đối với Ngô Đình Diệm từ đầu năm 1962 đã thay đổi. Không phải Liêu Thừa Chí mà Hàn Niệm Long, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Trung Cộng, đồng thời là nhân vật chủ chốt của Ban đối ngoại trực thuộc Trung ương Trung Cộng đã điện cho Lâm Sử qua đại sứ Trung Cộng tại Nam Vang: Thay đổi Ngô Đình Diệm bằng cách nào đó là cần thiết đối với lợi ích của Trung Quốc bởi lẽ, trong tình hình hiện nay, sự tồn tại của Ngô Đình Diệm đồng nghĩa với việc xúc tiến những điều kiện thuận lợi để cho Việt Cộng kiểm soát toàn bộ Nam Việt Nam, hoặc trực tiếp do lực lượng Việt Cộng của Nam và Bắc phối hợp thực hiện hoặc thông qua bước quá độ kiểu Chính phủ liên hiệp ở Lào. Hết sức đề phòng khả năng đảo chính tại Sài Gòn do chịu ảnh hưởng Việt Cộng hoặc vì sức ép của Việt Cộng ngoài chiến trường. Nếu có đảo chính thì lợi nhất đối với Trung Quốc là người Mỹ tổ chức đảo chính liên hiệp với các thế lực thân Pháp. Sự kiện đó xảy ra càng sớm càng tốt.
Phương hướng đã được vạch rõ. Những gì John Hing trao đổi với Lâm Sử, chỉ minh họa thêm chỉ thị của Hàn Niệm Long.
Trong một lần về Bắc Kinh, Lâm Sử đã được nghe các nhận định khái quát về phân chia vùng thế lực ở Đông Nam Á và Đông Dương của Trung ương Trung Cộng. Riêng Việt Nam, Nam vĩ tuyến 17 nằm trong vùng ảnh hưởng của Mỹ, có dung hòa lợi ích với Trung Cộng. Nước Việt Nam sẽ chia cắt lâu dài. Điều gì đụng chạm đến chủ trương đó đều phải bị gạt bỏ.
Trung Cộng hi vọng xa hơn: tạo ngay trong ruột của Việt Cộng ở miền Nam một phân hóa nào đó dẫn đến tư tưởng “tự trị” đối với cả nước; muốn được như vậy cần phải kéo dài chiến tranh, Mỹ cần phải tham gia sâu hơn vào chiến sự.
Trung Cộng theo dõi thật chi li những diễn tiến của tình hình Nam Việt và lo lắng về khả năng chính Ngô Đình Diệm, bị dồn vào thế bí, chìa bàn tay xin xỏ sự giúp đỡ của Việt Cộng. Cả John Hing và Lâm Sử đều nhìn Nguyễn Thành Luân, nay là đại tá, như một thứ gạch nối cực kì nguy hiểm một khi Diệm muốn thoát khỏi bế tắc. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, ý kiến của John Hing chưa được Fishell chấp nhận. Hơn thế nữa, một số nhân vật cao cấp của Mỹ còn đặt Nguyễn Thành Luân trong ngôi thứ trọng yếu khi Mỹ thay đổi “đồng minh” ở Nam Việt.

Gì thì gì, Lâm Sử vẫn phải trả lời cho John Hing. John Hing không bằng lòng câu trả lời nguyên tắc mà muốn hiểu xem Lâm Sử tác động cụ thể như thế nào với Việt Cộng.
- Các ông đã để vuột ra khỏi tay mình các ông bạn đồng minh Việt Cộng quý hóa của các ông... - John Hing nhún vai sau khi nghe câu trả lời rất lúng túng của Lâm Sử.
- Chúng ta phải suy tính cách của chúng ta. - John Hing bảo Fishell, sau khi lắc đầu về vai trò của nhóm Lâm Sử trong kế hoạch hành động của họ.
- Tôi đánh cuộc với Tổng thống Kennedy rằng, sẽ không có hậu quả gì đáng kể nếu ông Diệm bị thay thế. Dĩ nhiên, tình hình sẽ tùy thuộc ở chỗ sự thay thế êm thấm hay ồn ào. Tôi chủ trương cố gắng để thay thế êm thấm. Tất nhiên, ông Diệm và gia đình ông ta rất cứng đầu, cần thiết phải có một sức ép. Sức ép đó, phải từ các quân nhân bởi vì Nam Việt đang có chiến tranh, ông Diệm không thể giữ ghế Tổng thống nếu không được các tướng ủng hộ.
Cuộc họp bắt đầu bằng những lời phân tích của tướng Mai Hữu Xuân. Tướng Xuân nói trước hết về tình hình chiến sự mà theo ông là bi đát. Với tư cách là Tư lệnh hành quân, ông phác qua đại cương trạng thái các chiến trường, các binh quân chủng và quy kết mọi trách nhiệm vào sự lãnh đạo của Tổng thống Diệm, đặc biệt nhấn mạnh đến sức phá hoại chính trị của vợ chồng Ngô Đình Nhu. Nói chung, những người dự họp không phản đối nhận định của tướng Xuân. Cái rắc rối bắt đầu ở chỗ phương pháp giải quyết. Tướng Xuân hăm hở nói đến một cuộc đảo chánh quân sự.
- Hành động chớp nhoáng bảo đảm chắc chắn thành công. Ở đây, tướng Đôn là tư lệnh lục quân. Với những điểm phải thanh toán, chúng ta cần một sư đoàn bộ binh, được pháo và thiết giáp yểm trợ... Đại tá Có đang là Phó tư lệnh vùng 3 chiến thuật, sẽ ngăn ngừa mọi hướng tiếp ứng mà theo tôi, nếu có cũng không lấy gì làm quan trọng...
- Tôi nghĩ công việc sẽ không đơn giản như tướng Xuân tính, - tướng Lê Văn Kim, người được các tướng cho là “bộ não của một quân sư” phát biểu với sự dè dặt thường lệ của ông. - Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống không phải là những “cây kiểng.” Sư đoàn 5 của Đại tá Nguyễn Văn Thiệu đóng cách thủ đô có 30 cây số. Hải quân chưa có dấu hiệu bất mãn. Không quân còn là ẩn số. Chúng ta có thể hi vọng ở lính Dù, một bộ phận bảo an... Kế hoạch hành động khôn ngoan phải bao gồm một loạt tính toán, trong đó yếu tố chính trị là hết sức quan trọng...
- Chính phủ Mỹ sẽ tuyên bố ngay lập tức ủng hộ Chính phủ mới. - Mai Hữu Xuân cắt ngang lời của Kim, liếc về phía Fishell. Fishell và Katterburg thì khoanh tay im lặng.
- Tôi cho là trở ngại chính của chúng ta không phải thuộc vấn đề kĩ thuật – đại tá Có nói - Ai sẽ cầm đầu Chính phủ mới? Người đó, phải đủ uy tín trong quân đội và lời kêu gọi đầu tiên của người đó phải có hiệu lực làm bất động ít ra các đơn vị đóng quanh thủ đô và được giới Phật giáo ủng hộ.
- Tôi muốn lưu ý các anh: Tướng Tôn Thất Đính đang là Tư lệnh ở vùng 3 chiến thuật. Lực lượng ở trong tay của anh ta không phải là nhỏ. Chỉ cần anh ta bác bỏ Chính phủ mới, chúng ta sẽ phải lâm vào tình thế khó xử và do đó chính biến phải kéo dài.
Nhận xét của tướng Đôn đẩy hội nghị vào điểm chết. Không ai hẹn ai, cả ba tướng đều giống như những tín đồ chờ lời phán xét của Chúa Trời. Mai Hữu Xuân bực bội mở bản đồ Sài Gòn, bản đồ bọc trong giấy kiếng, đã được vạch các mũi tên bằng bút chì mỡ. Ông toan thuyết trình tiếp. Đỗ Mậu ngó lên trần nhà, như đeo đuổi một ý nghĩ nào đó.
- Chúng tôi ủng hộ mọi sáng kiến nhằm cải thiện tình hình Nam Việt. - Fishell nói - Tuy nhiên nếu điều kiện khách quan đã tỏ ra bức xúc ột sự thay đổi người cầm đầu nhà nước Nam Việt - thì thế lực để thực hiện việc đó lại còn quá mỏng. Tất cả chúng ta, không ai nuôi nấng ý muốn riêng tư nào đối với cá nhân Tổng thống Ngô Đình Diệm...

Fishell nói đến đây, ngó thẳng vào mặt Mai Hữu Xuân.
- Vấn đề là đường lối của Chính phủ. Muốn chiến thắng Việt Cộng, Chính phủ Nam Việt không thể để “lún sình” trong vụ Phật giáo. Thái độ của quân đội rõ ràng liên quan đến thái độ của Chính phủ đối với Phật giáo, bởi số đông binh sĩ là tín đồ của tôn giáo này. Chính phủ Mỹ đã làm hết sức mình để hướng Tổng thống Diệm vào chính sách mềm mỏng. Những cố gắng ấy, cho đến nay, đã không thành công. Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh và với những điều kiện như vậy, các tướng lĩnh Việt Nam cần có tiếng nói. Theo tôi, yêu cầu của những người cầm quân đối với Tổng thống Diệm có thể chia làm hai bước. Bước thứ nhất là công khai bày tỏ những lo lắng của các tướng lĩnh đối với tình hình Chính phủ đàn áp đạo Phật và đề nghị Tổng thống Diệm ban hành ngay quyết định chấm dứt sự đàn áp đó. Kiến nghị phải mang nhiều chữ kí, nhất là phải có chữ kí của những tướng được quân đội tin cậy. Tôi muốn nêu một ví dụ: tướng Big Minh, nếu tướng Big Minh thay mặt cho tướng lĩnh trình bày yêu sách thì tôi tin là Tổng thống Diệm phải xét lại một cách căn bản chính sách của mình. Bước thứ hai, nghĩa là nếu bước thứ nhất không mang đến kết quả, thì các tướng lĩnh phải bằng một hình thức nào đó, biểu thị thái độ kiên quyết hơn như yêu cầu Tổng thống từ chức và xuất ngoại giống Tổng thống Lý Thừa Vãn ở Đại Hàn. Bước thứ hai tiến sát đến một hành động dứt khoát, nếu như tình thế bắt buộc và các ông, chỉ có các ông mới đủ sức cho ông Diệm thấy là các ông không nói suông. Thời gian không còn nhiều nữa. Nếu sự phản kháng của tín đồ Phật giáo lắng dịu thì coi như các ông đã đánh mất con chủ bài. Đại sứ Mỹ hiện nay sẽ chẳng tán thành bất kì một toan tính nào để thay đổi ông Diệm. Nhưng, đại sứ cũng sẽ không phải là trở ngại đối với các ông. Tôi phải nói điều đó, bởi vì, trong nhiều bản tuyên bố, các giới chính trị tại Sài Gòn hàm ý “cột” Chính phủ Mỹ với chính sách khủng bổ Phật giáo của ông Diệm. Không phải như vậy. Và tôi cũng nói thẳng với ông Diệm: Nhiệm kì của đại sứ Nolting sắp chấm dứt...
Tướng Xuân xếp bản đồ lại. Những lời “phán” của Fishell có làm cho ông ta cụt hứng nhưng ông ta vẫn chưa chịu rút lui.
Bức thư gần đây nhất của Savani, người thầy và người bạn Pháp của ông, đã giúp ông nghị lực:
“Cái chúng ta chờ đợi, cái đó đang đến gần. Sự có mặt của nước Pháp ở Đông Dương thuộc Pháp vốn bắt nguồn từ những điều kiện lịch sử sâu xa, thái độ quay phắt của ông Diệm dù sao cũng chỉ mang ý nghĩa nhất thời. Đối đầu với Cộng sản ở Đông Dương, là nhiệm vụ mà thượng đế chỉ giao cho nước Pháp. Chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta đã thua một số trận, thậm chí một số chiến dịch, nhưng, nói theo đại đế Napoléon, chúng ta chưa thất trận. Trái lại, người Mỹ đang cầu cứu chúng ta. Số sĩ quan được nước Pháp đào luyện, kể cả sĩ quan cao cấp, vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong quân đội Nam Việt Nam. Đa số chính khách và trí thức Sài Gòn đều giữ cảm tình với nền văn minh Pháp. Còn dân chúng, họ đã có điều kiện thực tế để so sánh hai lối cư xử, nhất định sự hào hoa và tế nhị của Pháp bao giờ cũng được mến chuộng hơn tính cách thông tục và thực dụng kiểu Mỹ. Bản thân thiếu tướng, những cái mà thiếu tướng còn nắm được, không quá nhỏ bé - tôi muốn nói hệ thống điệp viên của Sở mật thám và của Phòng Nhì. Dĩ nhiên, hơn lúc nào hết, thắng lợi tùy thuộc ở tài suy đoán và chiến thuật của thiếu tướng. Sẽ không cần thiết làm như Nguyễn Chánh Thi đã làm. Điều kiện chính trị hiện nay khác hẳn năm 1960. Chỉ cần khéo léo lợi dụng các mâu thuẫn đang có thật trên cái nền phẫn nộ của dân chúng, biểu hiện gay gắt qua thái độ mỗi lúc một quyết liệt của tín đồ đạo Phật. Thiếu tướng gần đi đến đích mà chẳng nhọc công, vẫn bảo toàn được thế lực. Đó là tôi chưa nói một yểm trợ khác, gián tiếp hơn, nhưng vẫn không quan trọng: chính sách của Thái tử Sihanouk và xu thế của Chính phủ Phouma. Hoàn toàn không nên lầm lẫn chủ thuyết trung lập của nhóm Băngđung - thực tế có lợi cho Cộng sản - với chủ thuyết trung lập Đông Dương của tướng De Gaulle. Đông Dương phải trung lập, nghĩa là phải thoát khỏi ảnh hưởng của Cộng sản lẫn của Mỹ. Giữa chúng ta, ông và tôi, nên thẳng thắn nhìn lại bước đường cũ. Chúng ta đã vấp một số sai lầm kĩ thuật mà Chính phủ Pháp đã khắc phục sau này đối với Algérie và các thuộc địa thuộc châu Phi khác.
Sớm hơn như Nguyễn Chánh Thi là phiêu lưu. Nhưng, bây giờ trễ hơn là mất mát. Trễ hơn sẽ có nghĩa trên trận địa chỉ còn có Mỹ và Cộng sản. Vai trò “đệm” của chúng ta đòi hỏi “chớp” lấy những cái gì mà cả Mỹ, ông Diệm và Cộng sản đang biếu không.
Ông bạn Xuân thân mến, hẳn ông bạn đã đọc tiểu thuyết của Dumas: Truyện về Bá tước Monte Cristo. Gần đây, các nhà điện ảnh Pháp dựng lên bộ phim “Vengeance de Monte Cristo.” Tôi biết gần mười năm qua, ông bạn nuôi nấng một cách khôn khéo ý chí phục thù. Bây giờ, thiếu tướng thân mến, hãy như Bá tước Monte Cristo, tuốt lưỡi gươm phục thù...”
- Tại sao chúng ta không bổ sung những bước đi của Ngài Fishell bằng kiểu của Stofenberg đối với Hitler? - Xuân đặt câu hỏi, đôi môi thâm mỉm cười.
- Bất kì ai trong chúng ta cũng có thể đóng được vai trò của Stofenberg.
Xuân nói tiếp rất tự tin.
Từ nãy giờ Đại tá Đỗ Mậu chỉ nghe và suy nghĩ. Lần đầu, ông nói:

- Tất nhiên, mang một khối thuốc nổ cực mạnh chừng một kí lô, đựng trong chiếc cặp với chiếc đồng hồ điều khiển giờ nổ và đặt nó trong phòng họp có mặt Tổng thống Diệm, bất kì ai trong chúng ta đều có thể làm được. Stofenberg giả đò đi gọi dây nói để lấy tài liệu báo cáo với Hitler và chuồn thẳng; chiếc bàn đã cứu sống Hitler. Tôi hiểu chuyện ngày 20-7-1944 tại tổng hành dinh Maduri, Nhưng, vây quanh Hitler là Keitel, Goering, Himler... Còn vây quanh Tổng thống Diệm là ai? Tôi tán thành sự bổ sung của tướng Xuân với điều kiện là quả bom phải đặt dưới gường ngủ của Tổng thống Diệm, điều mà chắc chắn không ai làm nổi.
Giọng của Đỗ Mậu pha chút châm biếm khiến tướng Xuân tái mặt.
- Vả lại, - Đỗ Mậu nói tiếp - Vấn đề không phải là một âm mưu, một cuộc ám sát. Tôi nghiêng về khuyến cáo của các bạn Mỹ.
Thế là đại tá Có được giao việc tiếp xúc với tướng Big Minh và cuộc họp chấm dứt. Buổi thịt rừng gần như không ai nâng li cầm đũa...
*
Nhu gọi Luân vào Dinh Gia Long.
- Sau khi xin ý kiến Tổng thống, tôi muốn nhờ anh một việc. Như anh biết, sau cái chết của Thích Quảng Đức, tình hình tiếp tục xấu. Có thể, vấn đề Phật giáo ở Việt Nam Cộng hòa sẽ bị lợi dụng để “quốc tế hóa.” Nước láng giềng của chúng ta là Cambốt, một nước theo đạo Phật. Ở Việt Nam Cộng hòa, có gần ba trăm nghìn người Cambốt, tất cả đều là tín đồ Phật giáo phái Thereveađa, chịu hệ thống lãnh đạo của các vua sãi ở Nam Vang. Hiện nay, chống lại sự phá hoại của các nhà sư phải bằng chính những người theo đạo Phật. Chúng ta có được một số sư sãi và tín đồ di cư thuộc phái Tăng già Bắc Việt, một số thuộc phái Cổ Sơn Môn ở Nam Việt, cần tranh thủ thêm phái Therevađa. Anh nên đi Nam Vang một chuyến. Nhiệm vụ của anh là gặp Sihanouk. Sở dĩ Tổng thống và tôi nghĩ đến anh trong sứ mạng này là vì chúng tôi biết anh và Sihanouk từng học chung ở Trường Chasseloup Laubat, cùng lớp thậm chí cùng phòng interne(1). Anh nghĩ sao?
(1) Nội trú (nói tắt).
Luân hơi sửng sốt trước đề nghị của Nhu. Làm thế nào mà Luân có thể thuyết phục nổi các vua sãi ở Nam Vang, còn với Sihanouk, đúng anh và ông ta là bạn học khá thân, nhưng tình đồng môn chắc chắn chẳng nghĩa lí gì trước sự chia rẽ chính trị không còn thể cứu vãn giữa Nam Việt và Cambốt. Hay là Nhu một lần nữa muốn anh làm con thoi nối với đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại sứ Nguyễn Thương cùng học Đại học Hà Nội với anh. Phòng thông tin của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở Nam Vang hình như do bạn của anh, Nguyễn Văn Hiếu phụ trách.
- Tôi sẵn sàng chấp hành mọi chỉ thị của Tổng thống và của anh. Song, tôi chưa hiểu tôi sẽ đến Nam Vang với tư cách nào và bằng cách nào trong khi ngoại giao của hai nước đã gián đoạn sau vụ nổ bom ở Hoàng cung. Ý kiến của anh quá đột ngột đối với tôi, liệu rằng tôi có thể tác động được gì các vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo ở Cambốt và với thái tử Sihanouk.
- Gần đây bằng con đường không chính thức, Chính phủ hoàng gia Cambốt muốn có một cuộc tiếp xúc giữa họ và chúng ta. Tôi chưa rõ họ định tiếp xúc vì vấn đề gì, có thể là vấn đề biên giới. Cũng có thể là một cớ để họ đánh lạc hướng chú ý của chúng ta. Có lẽ anh biết Cộng sản bắt đầu sử dụng một phần biên giới Cambốt làm bàn đạp luyện quân, đặt cơ sở hậu cần nhất là rút lương thực từ nội địa Cambốt. Tôi cử một đoàn đại biểu Quốc hội lên Nam Vang, đi bán chính thức do ông Hà Như Chi cầm đầu. Anh sẽ tháp tùng phái đoàn đó, không mang danh nghĩa gì cả vì anh không có chân trong Quốc hội. Đại khái, anh giữ chân cố vấn của phái đoàn. Đến Nam Vang, anh cứ tùy cơ ứng biến. Ông Ngô Trọng Hiếu sẽ giới thiệu với anh một số địa chỉ Việt kiều có thể làm “đầu cầu” giúp anh. Hoặc tự anh nảy ra sáng kiến tại chỗ. Trong phái đoàn Quốc hội có một vài tín đồ của đạo Phật, họ sẽ gặp các vị lãnh đạo tinh thần của đạo Phật ở Nam Vang và dĩ nhiên anh chỉ đạo họ, có thể cùng đi với họ, nếu tiện, có thể không cần... Cách thức tiến hành cụ thể, văn phòng Quốc hội sẽ bố trí hoặc phái đoàn đi đường bộ, hoặc đáp máy bay.
... Luân suy nghĩ rất nhiều về chuyến “công du” khá đặc biệt này. Có thể nào nhân đây mà liên hệ với A.07? Tình hình Nam Việt Nam chuyển động vùn vụt, anh cần được chỉ đạo cụ thể. Không rõ vì sao cấp trên không liên lạc với anh? Nhưng, nguyên tắc bí mật lại dằn vặt anh. Riêng chuyến đi theo ủy thác của Nhu, cũng cần đánh tiếng với Mỹ như thế nào cho hợp lí. Anh mà đóng vai cố vấn của một phái đoàn Quốc hội Nam Việt, thì chỉ có những tên ngốc mới không đặt dấu hỏi và không theo dõi. Số lượng CIA ở Nam Vang cũng không kém ở Sài Gòn. Phòng nhì Pháp thì nhất định nhung nhúc rồi.
Như vô tình, trong mộc cuộc điện đàm với James Casey, Luân cho biết anh phải vắng mặt ở Sài Gòn vài ngày.
- Tôi đã thấy danh sách của đại tá trong phái đoàn Quốc hội Việt Nam Cộng hòa bán chính thức “đi thăm thiện chí” Vương quốc Cambốt! - James Casey kêu lên - Hẳn là một thứ “mission impossible”(2). Chắc ông Nhu muốn nhờ đại tá đi “giải độc” vụ Phật giáo.

(2) Nhiệm vụ bất khả thi.
- Đúng vậy! - Luân cũng cười trong máy nói - Chỉ có điều không biết tôi có thể giải độc nổi hay không.
- Chúc đại tá may mắn.
Phái đoàn đáp máy bay. Một chuyến bay dân dụng đặc biệt được thỏa thuận giữa hai nước và hai nước cũng thỏa thuận không đưa tin này lên các phương tiện truyền thông đại chúng. Do đó, tại Tân Sơn Nhất không có lễ tiễn và tại Pochentong cũng không có lễ đón.
Tại Tân Sơn Nhất, Luân gặp một rắc rối nhỏ - đúng hơn, bị vây vào một rắc rối mà anh không lường. Khi xe đưa Luân vào sân bay - Dung không tiễn anh theo quy định chung - thì anh thấy một đám cảnh sát dã chiến bao quanh một phụ nữ người Âu, như sắp ra tay đàn áp. Chính là Helen Fanfani, săn tin từ đâu, chực sẵn ngay cửa phòng khách quốc tế sân bay, chờ chụp một số pô ảnh và phỏng vấn trưởng đoàn Hà Như Chi. Cảnh sát dã chiến cấm cô ta và cô ta phản đối.
- Đại tá Luân! Ông xem này... Họ định hành hung với tôi, toan đập vỡ máy ảnh và máy ghi âm của tôi... - Fanfani kêu to.
- Thế nhưng tại sao cô đến đây? Đến đây rất không hợp thời và không cần thiết... - Luân vẹt đám cảnh sát, bảo Fanfani.
- Xin lỗi đại tá... Nghề nghiệp của tôi... - Fanfani vừa nói, vừa mở máy ghi âm đeo trên vai...
Luân nhanh nhẹn thò tay tắt máy:
- Tôi cũng xin lỗi cô... Không có điều gì cần thu thanh cả và xin cô chớ gương máy ảnh lên... Trong trường hợp đó, cảnh sát dã chiến sẽ tịch thu máy của cô...
- Thế, tôi không cần cầu cứu ông nữa! - Fanfani giẫy nẩy - Tôi nhờ ông Hà Như Chi vậy...
Hà Như Chi còn nhanh hơn Luân, hấp tấp lọt vào phòng khách.
- Tôi thất bại! - Fanfani thểu não... - Lẽ nào ông không thấy cái lợi khi báo Mỹ đưa tin ông đi Phnôm Pênh?


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.