Ván Bài Lật Ngửa

Chương 88: Phần VI - Chương 12 phần 2




Fishel đã vồ Minh Hiến trở lại và hai người gần như hòa làm một… bản nhạc du dương nhưng hai người lại cuồng loạn.
- Giáo sư thích ca sĩ Minh Hiến!
- Không phải… Ông Fihel chưa hề biết thích ai, kể cả tôi. Ông ta li dị vợ và cưới tôi, nhưng không phải vì say mê tôi…
Luân giả bộ kinh ngạc.
- Tôi là người Kuwait. Xứ sở tôi, theo dự báo của các nhà địa chất, sẽ trở thành một trong những nơi sản xuất dầu hỏa hàng đầu thế giới. Đấy, vì sao Fishel cưới tôi. Công vụ đòi hỏi ông ấy như vậy và ông ấy cũng thích như vậy… - Giọng Saroyan buồn buồn.
- Thế, tại sao giáo sư không cưới một phụ nữ Việt Nam, Minh Hiến chẳng hạn?
- Trước kia, ông ấy định cưới một phụ nữ Việt Nam, trong gia tộc ông Diệm, con của bà Cả Lễ hoặc của ông Khôi. Nhưng khi ông biết rằng, ông sẽ rời Việt Nam sang công cán ở Trung Đông, ông cưới tôi… Trước tôi, bà vợ mà ông ấy li dị là một người Nhật – đẹp mê hồn… Còn trước nữa, một người Đức, xấu hơn bất kì người phụ nữ xấu nào trên hành tinh này… Chắc chắn tôi không phải là bà Wesley Fishel cuối cùng… Ông Fishel đã vào tuổi sáu mươi hai rồi đó!
Hết bài nhạc, Luân đưa Saroyan về chỗ.
- Tôi là bạn của Fanfani, Helen nhắc ông luôn! – Saroyan cười tinh quái. “À, thì ra là cô nhà báo đã ba hoa về mình.” Luân ngồi cạnh Saroyan, suy nghĩ về mối quan hệ hơi đột ngột hôm nay. Fanfani nói gì?
- Helen mê ông, nhưng cô ta biết là tuyệt vọng… Bà trung tá hãnh diện hay ghen về các mối qua hệ đó?
- Thùy Dung của tôi rất hiểu… - Luân trả lời lơ lửng.
- Không hiền đâu! Một nhân viên công an thì làm sao hiền được… Nhưng, nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Tự nhiên, Luân cảm thấy thương hại cô gái Ả Rập. Anh chợt nhớ Tiểu Phụng, cô gái Hoa mà cái chết bi thảm ám ảnh dai dẳng Luân.
Giữa lúc đó, Thùy Dung từ phía trong bước ra.
Saroyan cầm tay Dung, kéo ngồi xuống cạnh:
- Bà trung tá ẩn mình đâu đó theo dõi chúng ta! May mà trung tá không hôn tôi, hoặc ngược lại. Cũng may mà đêm nay không có Fanfani… - Saroyan cười hồn nhiên.
- Tôi chỉ cảm thấy bà và anh Luân tôi nhảy rất đẹp! – Dung không chịu kém – Nếu các bạn hôn nhau, tôi xin được chia sung sướng… Nói thế thôi, anh Luân tôi xấu trai lắm!
- Bà nói sai! – Saroyan reo – Bà mà bỏ trung tá, tôi lấy ngay!
Dung lay Luân:
- Thế nào, anh Luân?
Luân chưa hề đùa kiểu đó bao giờ, tai anh nóng bừng bừng, trong lúc Saroyan vẫn chưa buông tha anh:
- Nhảy đẹp đôi chứ! Bà đồng ý nhường trung tá cho tôi không?
- Nếu cả hai người tình nguyện, tôi chẳng những không phản đối mà còn hoan nghênh!

James Casey chực hờ từ bao giờ, bỏ cô vũ nữ giữa sân nhảy, phăm phăm đến trước Dung:
- Xin mời bà trung tá! Xin phép trung tá…
Dung dứt cười, vẻ tinh nghịch tan biến, uể oải đứng lên:
- Tôi không được khoẻ, xin tiếp Trung tá James Casey một bài ngắn thôi.
- Đúng đấy! – Saroyan bảo.
- Bà trung tá theo nếp phụ nữ châu Á chặt chẽ quá! – Saroyan bình luận khi James Casey dìu Dung ra sàn, cô giữ khoảng cách với hắn và không rời khu trung tâm, nơi ánh đèn sáng hơn mọi nơi.
“Tội nghiệp Dung. Đối với cô đấy là cực hình...” Luân liếc vợ, chia sẻ.
- Bà trung tá ra sân nổi bật như hoàng hậu của buổi dạ vũ. – Saroyan khen – Ông hạnh phúc lắm. Tôi rất thích ông vì ông yêu vợ. Giá mà tôi được như Dung…
Saroyan không thể biết Dung khổ sở như thế nào trong những buổi tập khiêu vũ - ở trường của Bộ Nội vụ trước kia và ở nhà sau này; hai vợ chồng học động tác nhảy theo sách…
- Bà có thấy mọi người đàn ông ghen với tôi không? – James Casey tán.
Dung không trả lời, trông cho bài nhạc mau hết. Cô thở phào rời sân nhảy, James Casey trả Dung về chỗ.
- Bà thật quá dè sẻn với tôi… Liệu còn dịp nào tôi được tiếp bà nữa không?
Dung lặng lẽ sà cạnh Luân.
- Ông không cho bà Luân nhảy bấy nhiêu với ông là một đặc ân sao? – Saroyan gỡ cho Dung.
- Thế, tôi xin bà Fishel cho tôi một đặc ân thứ hai. – James Casey chìa tay cho Saroyan.
- Tôi có thể nhảy với ông cho tới sáng, nhưng, ông xem kia, ông Nhu sắp chúc chúng ta ngủ ngon…
Buổi dạ vũ kết thúc vào nửa đêm. Nhu nói mấy lời cảm ơn. Nolting xin phép đưa Lệ Xuân sang phía trái Dinh Độc Lập, nơi ở của gia đình Nhu. Vừa lọt vào hành lang, Nolting đã thầm thì:
- Nhớ nhé, cuối tuần, Nha Trang, Olivia không đi…
- Ngài đại sứ biết em không từ chối bất kì một đòi hỏi nào của Ngài. Em yêu Ngài. – Lệ Xuân dán sát người vào Nolting – Song nhiều việc khiến em không vui…
- Ví dụ?
- Trước hết, dư luận về chúng ta. Kế đó, gia đình chúng em bỗng trở thành đối tượng đả kích của dư luận báo chí Mỹ, họ đánh chúng em còn hung hăng hơn đánh Cộng sản…
- Ô, bọn báo chí! Để ý làm gì! Tổng thống Mỹ cam kết ủng hộ Tổng thống Diệm. Vả lại…
Đến đúng lối rẽ vào phòng của Lệ Xuân, Notlting hôn Lệ Xuân.

- Em không thể mời anh vào phòng em lúc này... Anh đừng giận nhé…
Nolting thô bạo, ghì Lệ Xuân thật mạnh. Trong một thoáng, Lệ Xuân nhận thấy đôi mắt Nolting lóe một tia kì dị.
- Cuối tuần, Nha Trang…
Nolting rời Lệ Xuân. Gã nuối tiếc – Lệ Xuân khó hiểu nổi nguyên nhân đích thật của sự nuối tiếc kia… Mụ đinh ninh gã đại sứ thèm mà không thỏa mãn.
Ngoài thềm, Saroyan bắt tay Luân và nhân lúc Nhu và Fishel đang tỉ tê, bà nói thật nhanh vào tai Luân:
- Bất kể như thế nào, sáng mai, ông cũng không được đến đây trước tám giờ… Ông nhớ!
*
Tin của Reuter:
Sài Gòn bàng hoàng vì những tiếng nổ lớn. Hai chiếc máy bay ném bom AD6 ném bom và bắn phá Dinh Độc Lập từ lúc tờ mờ sáng. Nhiều cột khói bốc cao. Chưa rõ số phận của Tổng thống Diệm.
Tin của AFP:
Một lần nữa, quân đội can thiệp vào chính trị ở Sài Gòn. Hai chiếc máy bay chiến đấu Skyraider, vừa được Mỹ trang bị cho quân đội Nam Việt đã ném bom và bắn phá dữ dội Dinh Độc Lập, nơi tượng trưng quyền uy của chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Hình như không có bộ binh can thiệp. Khu vực trung tâm thành phố bị cô lập. Dư luận đồn đãi Tổng thống Ngô Đình Diệm thiệt mạng…
Tin của Hãng thông tấn Trung ương Đài Bắc:
Một trận oanh kích xảy ra sáng nay ở Sài Gòn nhằm vào Dinh Độc Lập. Một phi cơ phản loạn bị bắn rơi. Thiệt hại không đáng kể. Tổng thống Diệm an toàn. Thống chế Tưởng Giới Thạch đã nhân danh Trung Hoa Dân quốc gửi điện cho Tổng thống Diệm…
Tin của AP:
Dinh Độc Lập giữa trung tâm Sài Gòn bị hai phi cơ chưa rõ xuất xứ ném bom và bắn phá từ 7 giờ 15 đến 7 giờ 25, giờ Sài Gòn. Bốn quả bom rơi vào cánh trái Dinh Độc Lập, nơi ngụ của gia đình ông bà Ngô Đình Nhu, bào đệ của Tổng thống Diệm. Cánh trái đó sụp đổ hẳn. Cao xạ của Hải quân đã hạ một trong hai phi cơ, tại Nhà Bè, ngoại ô phía nam thành phố vào lúc 7 giờ 35. Viên đại úy phi công tên là Phạm Phú Quốc, nhảy dù, bị bắt sống. Phái viên bản hãng quan sát tại chỗ: căn lầu tư thất của ông bà Nhu và văn phòng của bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần cháy dữ dội. Bà Ngô Đình Nhu bị thương nặng.
Thông báo của Phủ Tổng thống:
Đài Sài Gòn phát vào mười giờ sáng: Sáng nay, hai phi cơ chiến đấu AD6 do hai sĩ quan phi công Phan Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử lái, đã ném bom Dinh Độc Lập vào hồi 7 giờ 15. Bom gây một số thiệt hại vật chất. Hai nhân viên phục dịch Phủ Tổng thống mà một là phụ nữ, thiệt mạng. Tổng thống và gia đình an toàn. Lực lượng bảo vệ Phủ Tổng thống và Hải quân đóng trên bến Bạch Đằng đã can thiệp kịp thời, đánh đuổi bọn phản nghịch. Một trong hai phi cơ bị bắn rơi tại Nhà Bè, tên Phạm Phú Quốc, lái phi cơ bị bắt sống. Chiếc kia bay sang Cambốt, hạ cánh vào 8 giờ 50 tại phi trường Pochengtong. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã mời đại diện Cambốt đến trao công hàm chính thức yêu cầu trao trả phi cơ và tên Nguyễn Văn Cử. Dư luận ghi nhận cả hai tên phi công thuộc Đảng Đại Việt và được đào tạo tại Trường không quân Carolina.
Phủ Tổng thống kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Bọn phản loạn tay sai ngoại bang và Cộng sản nhất định sẽ bị trừng trị đích đáng.
Nhật lệnh của đại tướng Tổng tham mưu trưởng có đoạn viết: Hành vi đơn độc của hai tên phản loạn chỉ khiến cho tướng lĩnh và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa càng siết chặt hàng ngũ quang Ngô Tổng thống…
Bức tâm thư của Đại úy Nguyễn Cao Kỳ, do đài quân đội phát và do đại úy đọc có đoạn: Nhân danh lực lượng không quân, tôi cực lực lên án hành động bỉ ổi của hai tên lạc ngũ Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử. Đó là những tên “ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản,” chúng cần phải được nghiêm trị. Trong giờ phút trọng đại của đất nước, âm mưu ám hại Tổng thống, vị lãnh tụ anh minh của dân tộc, đồng nghĩa với sự quỳ gối dâng miền Nam tự do cho Cộng sản…
Cái đáng tức cười hơn cả là báo chí Sài Gòn phát hành buổi sáng 27-2 đăng tin và tường thuật đêm dạ vũ trong Dinh Độc Lập, kèm nhiều ảnh. Riêng các tờ “Cách mạng quốc gia,” “Ngôn Luận,” “Tự Do” in ảnh Diệm và Nolting chạm cốc, bài nói của cả hai. Việt tấn xã viết một xã luận, nhan đề: Không khí đầm ấm Việt Mỹ, một cái tát vào bọn chia rẽ khối đoàn kết thân hữu vững chắc. Tờ Tiền Tuyến đề tựa cho bài bình luận: Bọn tung tin đảo chính, hãy coi đây! Dưới bài, ảnh Nolting và Lệ Xuân, Nhu và Olivia đang lả lướt…

*
Điện thoại reo. Trần Lệ Xuân bị một mảnh gạch chém nhẹ vào má, cầm ống nghe.
- Nolting đây… Việc gì đã xảy ra? Ai ở đầu dây đó? Tổng thống Diệm, ông Nhu, bà Nhu như thế nào? Tôi sẽ đến ngay.
- Nolting gọi! – Lệ Xuân che ống nói bảo Nhu.
Nhu trong bộ áo ngủ xộc xệch, cau mày.
- Em trả lời nhé? – Lệ Xuân hỏi… Nhu gật đầu.
- Alô... Tôi, madame Nhu đây…
- Hoan hô… - Nolting gào trong máy.
- Rất tiếc, thưa đại sứ, tất cả chúng tôi đều bình yên…
Lệ Xuân gác máy, mạnh tay.
Ngày 28, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố: Tình hình Nam Việt rất vững. Tổng thống Kennedy gửi điện chúc mừng Tổng thống Diệm thoát nạn, lên án “những tên Cộng sản” phá hoại…
Ngô Trọng Hiếu và Trương Công Cừu kiến nghị tổ chức cuộc mít tinh phản đối bọn Thức – Phong – Cộng. Nhu trả lời: Dẹp! Tốn tiền vô ích.
Ngày 4-3, lễ Không quân nhất trí tại bến Bạch Đằng. Tổng thống Diệm ngồi sát đại sứ Nolting xem các kiểu phi cơ nhào lộn, trong lúc các tàu hải quân chĩa cao xạ tua tủa.
Cùng ngày, Trần lệ Xuân đáp máy bay sang Nhật: vết thương trên má cần được các chuyên gia thẩm mĩ xử lí. Chỉ có Ngô Đình Nhu và các con tiễn Lệ Xuân.
… Cuộc điều tra cấp tốc do Trần Kim Tuyến tiến hành cho biết: 7 giờ 10 phút sáng, hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử được lệnh xuất kích can thiệp ở vùng Đức Hòa – một toán Việt Cộng không rõ quân số tấn công một đồn Bảo an. Khi hai máy bay AD6 rời phi đạo, lấy vòng bay khác thường. Đài chỉ huy cảnh cáo phi công: máy bay mang bom, không được vượt ngang thành phố. Từ độ cao 3.000 mét ở phía Nhà Bè, tránh ánh mặt trời vừa nhô, hai máy bay nối tiếp nhau lao xuống Dinh Độc Lập, nhả liền mỗi chiếc hai quả bom loại sát thương, cân nặng mỗi quả 100 cân Anh… Bom rơi khá chính xác. Lấy bựng khói làm điểm, máy bay lao lần thứ hai, xả tiểu pháo 20 li kì hết đạn. Chiếc do Cử lái cất đầu lên và bay thẳng về phía tây. Chiếc do Quốc lái vì tránh cao xạ của Hải quân, bay chệch về phía Nhà Bè và trúng đạn. Quốc nhảy dù, rơi xuống vùng Tân Thuận… Quốc không chống cự khi bị lực lượng an ninh bao vây.
Nhu gọi cả Bộ tư lệnh không quân đến Sở mật vụ, đích thân hỏi cung: Có đúng là hai phi công cần phải xuất kích can thiệp một đồn bị tấn công không? Tại sao hai phi công phản loạn lại có thể cùng bay một lượt? Tại sao chọn rạng sáng ngày 27 là ngày Dinh Độc Lập dậy muộn sau đêm dạ vũ?
Những cuộc bắt bớ âm thầm nhưng ráo riết lan ra ngoài binh chủng không quân. Số tình nghi Đại Việt đều bị câu lưu.
“Sau Dù và Không quân, đến lượt binh chủng nào trở mặt?” Nhà báo Fanfani đặt câu hỏi. Đó cũng là câu hỏi của Nhu – và cũng là của Nguyễn Thành Luân.
*
Khi những tiếng bom rung chuyển đập mạnh vào kính cửa sổ, Luân vọt ra khỏi nhà. Anh linh tính là sự cố đang đến.
- Đúng như bà Saroyan nói với anh. – Dung bảo.
Thạch trèo lên ngọn cây trước nhà:
- Dinh Độc Lập “bị” rồi!
Hai chiếc Skyraider lao xuống lần thứ hai, tiếng rít rờn rợn.
- Công trình của Fishel… - Luân và Dung ngó nhau.
Luân chưa đoán tình thế sẽ đi đến đâu và cũng chưa biết việc nên làm trước mắt là gì thì pháo cao xạ nổ dữ dội. Trên đường phố, tiếng xe chữa lửa réo liên hồi – chứ không phải xe tăng.

- Một máy bay trúng đạn, bốc cháy… Phi công nhảy dù… - Thạch tiếp tục thông báo.
- Chắc chỉ có bấy nhiêu thôi… - Luân bảo Dung, thất vọng. Anh quay điện thoại. Dinh Độc Lập trả lời…
- Một lời cảnh cáo nữa… - Dung nhận xét.
- Có thể, lần cảnh cáo sau cùng…
Luân chợt nhớ đến Mai. Nhưng, nhiệm vụ không cho phép anh mạo hiểm gặp Mai. Nơi anh phải có mặt là Dinh Độc Lập.
Luân vấn an Tổng thống và giám mục. Cả hai đã chuyển sang Dinh Gia Long. Mặt cả hai tái mét, có thể không vì sợ những quả bom phản bội vừa rồi mà sợ những bất trắc khôn lường trong những ngày sẽ tới.
Nhu lạnh lùng nhìn Luân.
- Thế đấy! CIA! – Nhu rít qua khẽ răng. Chỉ có mấy mươi phút, Nhu như già thêm hàng chục tuổi.
Rồi Nhu lên xe, đến chỗ bác sĩ Tuyến. Trông bàn tay anh ta run run mở cửa xe; Luân biết bầy cọp ở sở thú sẽ được no nê.
Buổi chiều, Dung từ Tổng nha cảnh sát về cho biết: Phạm Phú Quốc, sau mười lăm phút hỏi cung, đã khai tuốt luốt. Vũ Liệu chạy trốn song không thoát – ông ta bị Mai Hữu Xuân bắt trên đường ra miền Trung. Trong danh sách những kẻ trọng phạm, có Mai và người chú của cô, lao công sở thú.
Luân không ngại một chút nào Mai khai cho anh. Song, anh thấy không thể nào cứu Mai nổi. Mai sẽ chết thôi, chết cực kì đau đớn như người chồng.
*
Đầu tháng tư, Luân được lệnh của Tổng thống đi tu nghiệp ở Trường tham mưu sĩ quan cao cấp tại Fort Brag, Hoa Kỳ. Thời hạn là một năm. Dung cũng được tu nghiệp ở Học viện cảnh sát Bắc Caroline. Đồng thời với lệnh đó, Luân được thăng hàm đại tá và Dung, trung úy.
Họ thu xếp để Thạch vào Trường cảnh sát Quốc gia, khóa đào tạo sĩ quan, mở ở Chợ Nhỏ, Thủ Đức.
Báo chí đưa tin về Luân xuất ngoại. Như vậy, anh Sáu Đăng, A.07 và Sa sẽ biết…
Tổng thống, giám mục và vợ chồng Nhu tiễn họ bằng một bữa cơm gia đình. Đó là bữa cơm mà những người dự ít nói nhất.
- Tôi mong anh, sau khi tốt nghiệp, về ngay… - Nhu bắt tay Luân thật chặt.
- Nếu tướng Harkins không làm áp lực đến mức chỉ định đích danh anh, tôi không chịu nhả anh trong lúc này đâu… Thôi, đằng nào cũng phải qua một khóa – cái nhãn bắt buộc các sĩ quan và tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa.
Luân định từ giã số bạn bè như Nguyễn Thành Động, đại tá Lâm, Lê Khánh Nghĩa… song thấy không có lợi.
Đại tá Đặng Văn Quang đưa vợ chồng Luân ra tận cầu thang máy. Đưa vợ chồng Luân còn có Fanfani, James Casey và một thiếu tướng thay mặt cho Harkins. James Casey cho hay hè này hắn về Mỹ và sẽ tìm thăm Luân và Dung… Fanfani đùa: Có thể tôi về Mỹ vì bị trúc xuất!
Saroyan điện thoại cho Luân trước đó: hẹn gặp ở Mỹ.
Chiếc Boeing nghiêng cánh, quay ra biển cả.
- Một năm tái ngộ! – Luân vẫy thành phố Sài Gòn đang chói chang nắng.
- Một năm! Bao nhiêu biến đổi!
Dung chép miệng.
Qua ô cửa máy bay, Dinh Độc Lập tàn phá đang bị đập nốt phần còn sót. Sơ đồ xây lại dinh đã thông qua. Lần này, chính Tổng thống Diệm chỉ đạo, Dinh Độc Lập sẽ kiến trúc theo các quẻ của Kinh Dịch, mặc dù người thiết kế là một Tây học – Ngô Viết Thụ.


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.