Ván Bài Lật Ngửa

Chương 81: Phần VI - Chương 08 phần 1




P6 - Chương 8
Mùa mưa năm nay ảm đạm hơn mọi năm. Thông báo chiến sự hằng ngày dày đặc tin tức chẳng lành đối với Việt Nam Cộng hòa; ngay dù trên báo chí mà Việt tấn xã đã hạ đến mức thấp nhất tổn thất của phía Chính phủ và thổi lên đến mức phi lí thiệt hại của Việt Cộng, từ sự kiện đụng độ thường xuyên đã gieo trong dân chúng ấn tượng xấu về tình hình an ninh khắp lãnh thổ.
Ngày 16-7, tiểu đoàn nhảy dù giao chiến từ giữa trưa kéo dài sáu giờ liền với một tiểu đoàn Việt Cộng mang số hiệu 502 tại vùng trống trải Cao Lãnh. Đại tá Cao Văn Viên, thôi nhiệm vụ tham mưu biệt bộ, đảm trách tư lệnh Dù, trực tiếp chỉ huy trận đánh ác liệt này. Tất nhiên, quân Dù mất có ba, còn tiểu đoàn chủ lực thuộc quân khu II của Việt Cộng, tức Trung Nam Bộ, thì coi như bị loại đến một phần ba quân số - đó là bản tin của Việt tấn xã. Báo cáo tuyệt mật của đại tá tư lệnh Dù gửi đại tướng Tổng tham mưu truởng lật ngược con số. Trận đánh được đại tá mô tả như “quân ta rơi vào trận địa phục kích giăng sẵn của Việt Cộng, theo chiến thuật ‘công đồn đả viện’.” Căn cứ Mỹ Quý, tiền tiêu của Bảo an Kiến Phong đóng sâu nhất vào vùng Cộng sản ở Đồng Tháp Mười báo động khẩn: giữa đêm, Việt Cộng dùng kích bích pháo và đại bác không giật đánh hư nặng vòng phòng thủ rìa căn cứ lấn chiếm từng chiến hào; quân trú phòng gồm một đại đội tăng cường và một cố vấn Mỹ đề kháng anh dũng, nhưng không thể chặn cái “biển người” mỗi lúc một thít vòng vây. Bộ chỉ huy viện trợ Mỹ nhận bằng đường liên lạc vô tuyến điện riêng, lời cầu cứu SOS của viên cố vấn Mỹ. Họ chưa thể tùy tiện tung quân – chưa đủ quân số chiến đấu, nhất là quân đổ bộ đường không; vả lại, Kennedy chưa bật đèn xanh – nên trao đổi với Bộ tổng tham mưu Nam Việt. Đại tướng tổng tham mưu trưởng điều tiểu đoàn Dù xuất trận và lệnh cho đại tá lữ trưởng phải đích thân chỉ huy.
Tin thì khẩn cấp – coi như căn cứ Mỹ Quý thất thủ đến nơi – song suốt đêm, Việt Cộng chỉ đến vòng rào cuối mà không tấn công thêm một bước nào. Pháo sáng soi rõ còn hơn ban ngày cả vùng. Đại bác Cao Lãnh rót tới tấm quanh đồn, nhất là tập trung dọn bãi trên một cánh đồng rộng. Tờ mờ sáng, khu vực AD6 ném bom ngót một giờ. Tám giờ, trời quang, gió nhẹ, hơn chục Dakota nhả trên không Đồng Tháp trọn tiểu đoàn Dù tinh nhuệ nhất – một trong ba tiểu đoàn của lữ đoàn Dù. Tiểu đoàn chạm đất an toàn tuyệt đối. Đại tá Viên đáp trực thăng đến giữa đội hình tiểu đoàn vào chín giờ. Liên lạc với đồn Mỹ Quý nối được ngay. Vẫn lời kêu cứu như kẻ sắp chết.
Quân Dù thận trong tiến về căn cứ, chia làm hai mũi. Họ lội trên đồng, nước cao độ hai tấc, khoảng cách chừng 5 cây số, họ mất gần hai tiếng. Hai máy bay trinh sát bay thật cao – của Bộ chỉ huy viện trợ Mỹ - thúc hối họ. Còn vài trăm mét nữa. Căn cứ Mỹ Quý phơi mình dưới ánh nắng. Có vẻ như Việt Cộng đã rút. Đài liên lạc lên tiếng đều đều…
Và, rõ ràng căn cứ vẫn chờ đón quân tiếp viện. Vào cái phút mà tiểu đoàn Dù thở phào, đặt chân lên còn đường lớn đến vào đồn thì súng nổ. Và súng rộ bốn phía, kể cả phía đồn. Hai khẩu trọng liên bố trí trên tầng cao – ngọn cờ ba sọc vẫn phấp phới – dường nín thở khạc những tràn đạn khủng khiếp.
Tiểu đoàn Dù bị giã như người ta giã giò lụa. Buồn cười nhất là đài trong căn cứ không ngừng phát lời kêu cứu của quân dân Mỹ và hai máy bay trinh sát nhất mực thúc giục… Đại tá Viên – nhờ Trời Phật thôi – chỉ bị thương nhẹ vào tay, chạy thục mạng.
Khi tỉnh hồn, đại tá biết bị mắc lừa. Đồn Mỹ Quý chắc rơi vào tay Việt Cộng trong đêm. Bây giờ, nóc đồn đã cắm cờ sao vàng nền đỏ xanh. Máy bay khu trục hủy diệt đồn – hẳn hủy diệt số xác lính trú phòng…
Báo cáo tuyệt mật đó không tới tay Tổng thống và cố vấn Ngô Đình Nhu. Tổng tham mưu trưởng và các cộng sự bàn sửa chữa báo cáo với ý kiến đồng lõa của đại tá lữ trưởng. Nó không quá thô bỉ như tin của Việt tấn xã song màu sắc nói chung cũng rực rỡ. Cái rầy rà là viên thượng sĩ Mỹ mất tích. Cũng may, đó là một thượng sĩ da đen, Bộ chỉ huy của tướng Harkins dễ quên anh ta…
Một tuần sau vụ Mỹ Quý, cũng giữa ban ngày, đoàn công xa chạy trên đường 14, ngoại ô xã Buôn Mê Thuột – lâu nay an toàn – bị phục kích. Quận trưởng sở tại, hai dân biểu quốc hội và phó tỉnh trưởng Darlac chết.
Tháng tám, thông báo chiến sự giới thiệu thêm phiên hiệu nhiều nhiều tiểu đoàn của Việt Cộng: 502, 506, 514, tiểu đoàn Tây Đô, Đồng Tháp…

Tháng chín, mở đầu bằng trận đánh lớn ở Toumơrông, đông bắc Kontum. Đồn Poko và Đakka bị tràn ngập. Quân số Việt Cộng, như báo cáo lên tới một nghìn.
Giữa tháng, tỉnh lị Phước Thành mất. Lần đầu tiên, Việt Cộng đánh chiếm một tỉnh lị. Và, cũng lần đầu tiên báo chí Sài Gòn đăng cáo phó: Thiếu tá tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn, đại úy tỉnh phó Nguyễn Thành Tiết đã “anh dũng đền nợ nước” tại Phước Vĩnh.
Quân lực Việt Nam Cộng hòavất vả tái chiếm Phước Vĩnh – thật ra, chẳng giao chiến nhưng phải băng rừng suốt mấy ngày: tỉnh lị trống trơn, xác quân lính Chính phủ được Việt Cộng chôn cất trước khi rút lui, mấy nghìn di cư bỏ Phước Thành, tìm nơi khác làm ăn. Mũi dùi mà Chính phủ toan thọc vào giữa chiến khu Đ đã gãy: tỉnh Phước Thành bị quên lãng, không có một lời giải thích.
Đầu tháng mười, sự cố còn phức tạp hơn. Đại tá Hoàng Thụy Năm mất tích. Ông là trưởng phái đoàn Việt Nam Cộng hòa bên cạnh Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến ở Việt Nam – thành lập theo hiệp nghị Genève 1954, gồm Ấn Độ, Canada và Ba Lan mà hoạt động bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa vô hiệu hóa ngay vào những ngày đầu. Điều tra của công an cho biết: Đại tá Năm có trại chăn nuôi riêng ở xã Linh Chiểu, sát tỉnh lị Thủ Đức, hôm đó, 1-11-1961, như thường lệ, ông và một cận vệ lên trại vào xế chiều. Xe vào cổng trại, đổ ngay thềm ngôi nhà nghỉ. Người trại trưởng đón ông. Ông vào phòng rửa mặt. Cận vệ và tái xế yên trí ông làm việc với trại trưởng, rủ nhau ra ngoài cổng uống bia.
Mãi mặt trời sắp lặn, cận vệ vào tìm ông theo lời ông dặn, để về Sài Gòn trước trời tối. Ông biến mất, cùng với trại trưởng. Nơi ông ngồi, đồ đạc vẫn nguyên vị trí, nghĩa là không có xô xát. Không ai trong trại thấy ông – mỗi khi lên trại, ông thường mặc áo sơ mi ngắn tay, đầu trần.
Gặng hỏi mãi, sau cùng, một nhân viên cho biết, lối bốn giờ, ba quân nhân từ phòng trại trưởng đủng đỉnh đi ra phía sau trại, một trong ba người khá to con; một trong ba người hình như bị thương nên quấn băng kín mặt. Họ mang ba lô dã chiến… Người nhân viên không thể xác định có phải đó là đại tá Năm và trại trưởng không vì anh bận cho heo ăn. Cạnh trại là căn cứ của đại đội địa phương quân – quân nhân ra vào trại hằng ngày…
Đại tá Năm tự nguyện theo Việt Cộng hay bị bắt cóc? Và, nhất thiết chỉ Việt Cộng thọc tay vào không? Số phận của ông ra sao rồi?
Phủ Tổng thống quan tâm đặc biệt đến vụ này, mặc dù trên danh nghĩa, Đại tá Hoàng Thụy Năm chỉ là một sĩ quan liên lạc “đang ngồi chơi xơi nước,” dành hầu như hết thì giờ chăm sóc khu trang trại với vài nghìn heo giống Yorkshire.
Nhu trao đổi với Luân. Anh ta muốn biết, theo Luân, nếu Việt Cộng bắt cóc đại tá Năm thì để làm gì? Thật ra, Luân chỉ gặp Hoàng Thụy Năm trong vài lần ông đến Phủ Tổng thống báo cáo tình hình của ủy hội quốc tế. Diệm ít khi nghe. Nhu lại nghe chăm chú. Luân không được dự các cuộc họp mặt như vậy.
Anh bảo thật với Nhu là anh chưa rõ nguyên nhân và cũng không có điều kiện để phán đoán. Nhu cắn môi mãi. Rõ ràng anh ta băn khoăn.

- Còn nếu không phải Việt Cộng? – Nhu hỏi.
- Có khả năng đó sao? – Luân hỏi lại.
- Có… tôi cho là có…
Rồi Nhu gọi điện sang chỗ bác sĩ Tuyến, dặn phải canh đài Giải phóng và đài Hà Nội xem có tin tức gì của đại tá Năm hay không…
Chưa bao giờ Sài Gòn huy động một lực lượng công an, cảnh sát lớn đến như vậy. Cuộc lần dấu Đại tá Hoàng Thụy Năm phóng ra nhiều hướng, mà Củ Chi và Bến Cát là hướng chính.
Trong ngày, Tổng giám đốc cảnh sát Quốc gia nhận hàng chục cú điện thoại của Phủ Tổng thống, hầu hết do Nhu đích thân hỏi han tình hình. Thùy Dung, vì vậy, rất bận rộn. Đêm, cô phải trực đến mười một giờ. Đôi lần, Dung tiếp điện của Phủ Tổng thống. Dù quen tiếng nói của Dung, Nhu vẫn không một câu xã giao nào, toàn hạch về cuộc truy lùng. Dung trả lời – chưa kết quả - thì giọng Nhu đanh hẳn, thậm chí quát tháo nữa.
Nhu càng bồn chồn, Luân càng thêm cơ sở đánh giá vụ Hoàng Thụy Năm. Năm lãnh một trách nhiệm tối mật nào đó của Nhu. Trách nhiệm gì? Dễ đoán thôi. Trong tư cách trưởng phái đoàn liên lạc với Ủy hội quốc tế. Hoàng Thụy Năm rất có thể thăm dò phái đoàn Ba Lan hoặc Ấn Độ nhờ họ làm môi giới để Diệm tiếp xúc với “phía bên kia.” Có vẻ lần này Nhu quyết rấn một nước cờ chứng tỏ với Mỹ rằng chế độ họ Ngô còn đủ tư cách đối thoại và quyết chọn con đường đối thoại nếu chính sách Mỹ chập chờn đối với “nền Đệ nhất Cộng hòa.” Rồi đây, kín kín hở hở, Nhu sẽ “khoe” cái nhịp cầu mà anh ta đã lao và đã tìm được mối, một “cây đinh” trong vở tuồng làm nũng. Ở bước khởi sự, Nhu muốn không một ai biết, nhất là người Mỹ.
Nước cờ liều lĩnh của Nhu phạm hai sơ hở nghiêm trọng. Một là, nó đơn thuần hù dọa Mỹ; thâm tâm Nhu, cho đến cuối năm 1961 này, không hề nghĩ đến việc tìm một giải pháp chấm dứt xung đột qua thương lượng. Với anh ta và cả gia tộc Ngô Đình, chẳng có một điểm nào gọi là gần gũi giữa phe của họ với Việt Cộng. Cái sơ hở đầu dẫn đến cái sơ hở thứ hai: Mỹ không sợ. Mỹ không sợ vì biết chắc không đời nào Diệm – Nhu thương lượng thật sự với Việt Cộng.
Đột nhiên, Hoàng Thụy Năm mất tích. Có dư luận đánh dấu hỏi: Phải chăng Việt Cộng “cấy” Năm vào chính quyền Việt Nam Cộng hòa, bây giờ gọi ông ta ra khu? Lối đoán mò kiểu đó đang thịnh hành ở Sài Gòn. Song, ít người tin, bởi họ Hoàng Thụy cũng là một vọng tộc ở Huế, bản thân Năm cũng chịu ân sủng nhà Ngô rất nặng, đồng thời, là một “cậu ấm” – chẳng thể đủ bản lĩnh luồn sâu, leo cao đến như vậy.
Hoàng Thụy Năm bị bắt cóc – dứt khoát rồi. Ai bắt cóc? Ai bắt cóc cũng gây nguy hiểm cho Diệm, Nhu cả.

Luân viết báo cáo gửi anh Sáu Đăng. Báo cáo đề xuất: nếu ta bắt Năm thì đề nghị khi tách thật nhanh và tạo một cớ hợp lí để thả Năm ngay.
*
Công cuộc truy tần Đại tá Hoàng Thụy Năm bị cơn bão đột ngột gây khó khăn. Phát xuất từ biển Đông, cơn bão đổ bộ vào bờ biển Tây Nam phần – thật hiếm có. Trong mấy ngày liền, mưa lớn, kéo dài. Mực nước sông Cửu Long lên nhanh cấp kì. An Giang, Kiên Giang, Phong Dinh, Chương Thiện, Kiến Phong, Kiến Tường, Long An ngập sâu. Gần một triệu người bị cơn bão – tên quốc tế của nó là Wilda – cuốn sạch nhà cửa. Lối một triệu mẫu ruộng, giữa lúc lúa trổ đòng đòng, chìm dưới nước. Bão Wilda quay lại hướng tàn phá ra các tỉnh Trung phần, Quảng Ngãi đến Huế.
Trong hoàn cảnh rối ren như vậy, tướng Maxwell Taylor, cố vấn quân sự đặc biệt của Tổng thống Kennedy được cử sang thị sát tình hình Nam Việt. Bức thư tay của Kennedy gửi cho Ngô Đình Diệm do Taylor chuyển, nhấn mạnh đến “tình hình Nam Việt biến chuyển ngày mỗi xấu hơn và hiện giờ thì rõ ràng là nghiêm trọng.” Diệm, Nhu tiếp nhận nhận xét của Kennedy như một thứ cảnh cáo.
Đưa cho Luân đọc toàn văn bức thư tay – văn chương bóng bẩy song ý tứ thì không thể nhầm lẫn – Nhu lại đi lại trong phòng, lo âu và tức giận đè nặng từng bước của anh ta dù anh ta đi trên thảm len.
- Người Mỹ thúc bách chúng ta! – Nhu hằn học. Đúng là Mỹ bổ vây các hướng khép anh em Diệm vào chân tường. Nhưng, câu nói của Nhu còn hàm ý khác: Mỹ bắt buộc anh em họ phải trả đũa ngay. Điều bí ẩn của mọi bí ẩn là Nhu sẽ trả đũa như thế nào, bằng cái gì… Phong trào Thanh niên Cộng hòa mà Nhu là Tổng thủ lĩnh? Phong trào Phụ nữ Cộng hòa mà Trần Lệ Xuân là Tổng thủ lĩnh? Phong trào Cách mạng Quốc gia mà Trần Chánh Thành là Chủ tịch? Hay Quân lực Việt Nam Cộng hòa? Hay là cái gì khác?
Nhu là một chính khách sắc sảo. Luân thừa nhận bộ óc của Nhu khác thường: linh hoạt, nhạy bén. Tuy nhiên, thời kì mà một ý kiến chỉ đạo đưa ra tạo liền tác động chính trị, thời kì đó đã trở nên xưa cũ. Ngay thế lực Thiên Chúa giáo di cư từng là chỗ dựa đáng tin cậy nhất của Ngô triều cũng đang phân hóa. Nói chung, người ta ngao ngán chiến tranh. Những câu phù chú “Cần lao nhân vị,” “thế giới tự do”… mất đến chín phần mười linh nghiệm. Bộ phận còn hăng máu không tìm được lối ra ở cung cách và sức mạnh làm chiến tranh của Diệm – Nhu.
Bỗng dưng, sự chọn lựa đặt lên đòn cân: hoặc chế độ tự do của Nam Việt hoặc gia đình Tổng thống Diệm. Thực chất trên đòn cân là, Mỹ một đầu, Diệm một đầu. Đối trọng này, vào những tháng cuối năm 1961 thật bất tiện đối với Diệm.
- Anh tham gia phái đoàn Việt Nam! – Nhu ngồi xuống ghế, cũng nặng nề như anh ta bước… - Lần này, ngoài Staley, có Taylor… Tôi hi vọng tài ứng phó của anh.
Nhu nói, mệt mỏi. Thế là cái mà Nhu phản giáo lại Mỹ trong cơn bị bức bách chỉ có bấy nhiêu. Cả một ý đồ lớn lao còn trông cậy mỗi một tài miệng lưỡi trong một cuộc hội đàm – đúng ra, một cuộc họp mà người Mỹ giành quyền đọc dictée(1), còn người Việt thì ghi chép, ghi chép sao cho khỏi phạm lỗi chính tả.
- Tôi vốn kém môn écriture(2) – Luân đùa.
Nhu bật cười:

- Anh quỷ quái thật. – Rồi Nhu nghiêm trở lại: - Ta cố tranh thủ thời gian, khi lực lượng quân sự ta khá lớn, thế trên chiến trường cân bằng hơn, bấy giờ anh không cần môn écriture nữa, thậm chí không cần môn éloquence(3)… Bấy giờ, anh chỉ gật hoặc lắc đầu…
(1) Bài văn mà thầy giáo đọc và học sinh viết để kiểm tra trình độ mẹo luật và chính tả của học sinh.
(2) Môn viết chữ đẹp.
(3) Hùng biện.
Giấc mơ của Nhu viển vông thật. Nếu quả đạt tới một thế cân bằng trên chiến trường thì nó phản ảnh thế không cân bằng đến mức anh em Diệm – Nhu không còn là cái gì trên đòn cân cả.
Luân hiểu – và, trong thâm tâm, có phần ái ngại cho cách tự làm êm dịu thần kinh của Nhu.
- Anh nên nghỉ ngơi… - Luân bắt tay Nhu với lời khuyên bè bạn.
- Cám ơn anh!
Hình như đây là lần đầu Nhu siết tay Luân chân thành.
*
Maxwell Taylor – một đại tướng đẹp lão, nhã nhặn – những thứ bề ngoài cần thiết ột sĩ quan cao cấp mà lí lịch dày đặc những chi tiết. Con đường hoạn lộ của Taylor khá thong dong: hai mươi hai tuổi, từ chân tú tài môn khoa học xã hội, tốt nghiệp Viện hàn lâm quân sự; ba mươi hai tuổi, giảng viên đại học quân sự và chuyên nghề giảng dạy các đại học quân sự trong và ngoài nước, kể cả ở Seoul, ở Manila. Thông thạo nhiều ngoại ngữ, từng học ở Tokyo, tùy viên quân sự ở Bắc Kinh. Năm 1939, công tác tại ban chỉ huy sư đoàn không quân 82 tham chiến ở Sicile và Ý, năm 1943 – 1944, chỉ huy sư đoàn không quân 101 ở chiến trường Viễn Tây. Tham mưu trưởng không quân Mỹ ở châu Âu, tư lệnh vùng chiếm đóng Berlin sau Thế chiến, chỉ huy sư đoàn số 8 trong chiến tranh Triều Tiên, tổng chỉ huy quân lực Mỹ ở Viễn Đông và Thái Bình Dương… Tóm lại, một viên tướng Mỹ sừng sỏ, trí thức. Cuộc họp không nghi thức, tiến hành tại một phòng rộng của Đại sứ quán Mỹ, đường Hàm Nghi.


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.