Ván Bài Lật Ngửa

Chương 70: Phần V - Chương 11




P5 - Chương 11
Ở Sài Gòn, “Ủy ban nhân dân” mừng Tổng thống thọ lục tuần do Tổng giám đốc Tổng nha thông tin, bác sĩ Trần Văn Thọ, đứng đầu cùng một số nhân sĩ, thương gia, tướng lĩnh ra thông cáo yêu cầu mỗi tỉnh thành lập một ủy ban như vậy.
Không có một lệnh chính thức nào của Chính phủ - đây là “sáng kiến của nhân dân!” – Nhưng trong vòng vài ngày, các ủy ban mừng thọ Tổng thống mọc lên khắp nơi. Ở cấp trung ương, phong trào cách mạng quốc gia dựng ra ủy ban từng ngành. Sự cố gắng làm rầm rộ ngày thọ của Tổng thống không còn cái hăm hở của những năm Diệm vừa cầm quyền – bây giờ, đến giới di cư cũng ngao ngán – mà cốt xóa đi phần nào vết thương 11-11 và quan trọng hơn nữa, lễ mừng thọ Tổng thống là cơ hội “hốt bạc” của quan chức.
Ủy ban tỉnh Kiến Hòa đề xuất mở hội chợ nhân dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu, để gây quỹ dùng cho các hoạt động rầm rộ trong dịp mừng thọ này. Tỉnh trưởng không có lí do gì để bác ý kiến đó.
Từ đầu năm dương lịch, hội chợ đã bắt đầu xây dựng, nhiều gian hàng che dọc con đường dẫn xuống sông – phần lớn là gian hàng của người Hoa ở Chợ Lớn. Có khu giải trí, ăn chơi. Có sân khấu lộ thiên. Sẽ có thi nữ công, bơi đua, thi hoa hậu. Ngày hai mươi ba Tết, cùng với lễ tiễn ông Táo về trời, thị xã Trúc Giang rực rỡ cờ băng – tỉnh trưởng khai trương hội chợ.
Luân dự định sau đó vài ngày, anh đi nghỉ vùng biển với Dung – từ khi hai người thành vợ thành chồng, chưa được một ngày rảnh rang. Nhưng, khai trương xong hội chợ, Luân vừa về nhà thì Lưu Kỳ Vọng báo khẩn: J.5 cho hay Việt Cộng sửa soạn tấn công thị xã Trúc Giang trong dịp Tết. Tuy chưa nắm cụ thể ngày giờ, lục lượng tấn công, song tin của J.5 luôn luôn chính xác. Luân đành hoãn dự định đi nghỉ và gọi Dung. Dung hẹn là sẽ xuống Bến Tre ăn Tết với Luân. Tại hội nghị quân sự tỉnh, Chung Văn Hoa trình kế hoạch tỉ mỉ, được tham mưu trưởng tán thành và được Lưu Kỳ Vọng bổ sung. Theo kế hoạch đó, sẽ dụ cho Việt Cộng thọc sâu vào thị xã rồi bao vây tiêu diệt. Lính được ăn Tết sớm, xong di chuyển khỏi thị xã, không ra lệnh cắm trại công khai để đánh lừa địch. Lính tập kết ở Cồn Phụng, An Hóa và Giồng Trôm, sẵn sàng phương tiện thủy và bộ. Hễ tình hình động, tung quân kèm cơ giới bít các đường ra, chia nhỏ Việt Cộng diệt từng nhóm một. Phòng xa, kế hoạch dự trù phối hợp với sư đoàn 21 đóng bên Mỹ Tho và phân đội giang thuyền của Bộ tư lệnh Hải quân đóng bên Vĩnh Long. Đó là trường hợp của lực lượng Việt Cộng có các tiểu đoàn chủ lực khu tham chiến.
- Trúng mối lớn rồi! – Lưu Kỳ Vọng hí hửng.
Luân rơi vào tình trạng khó xử. Anh không thể không duyệt y kế hoạch phòng thủ và phản kích – nói chung rất hợp lí này.
Theo ý Luân, quân giải phóng chưa đủ sức đánh chiếm một thị xã – quấy rối bằng đặc công, biệt động thì được, nhưng nếu đặt yêu cầu cao hơn thí khó tránh khỏi tổn thất. Tất nhiên, chắc chắn một trong các yếu tố mà Bộ chỉ huy quân giải phóng tính đến là thời cơ và bộ phận nội tuyến. Chưa rõ bộ phận nội tuyến mạnh đến đâu, chứ thời cơ thì coi như không còn bất ngờ nữa.
Làm sao báo động với các đồng chí mình? Luân bồn chồn chờ đợi Dung – mong cô ấy đã gặp được Sa và Sa đã nối được đường dây với anh Sáu Đăng.
Ngày hai mươi bảy Tết, Dung xuống Bến Tre. Tình hình liên lạc vẫn như cũ. Sa gọi điện cho cô: bản thân cậu ta cũng lúng túng.
Trưa hai mươi bảy Tết, Lưu Kỳ Vọng, như cơn lốc, ùa vào văn phòng của Luân mà không kịp gõ cửa.
- Trình trung tá, nắm được ngày giờ, kế hoạch tấn công của Việt Cộng rồi...
Vọng trao cho Luân một tờ giấy dầu – thứ dùng để gói hàng. Chỉ thị tấn công thị xã Trúc Giang nằm gọn trong tờ giấy đó. Người chép chữ khá đẹp. Chép bằng ngũ bội mài với nước – chất ngũ bội tiệp với màu vàng của tờ giấy dầu.
Bôi lên giấy nước phèn đen thì chữ hiện rõ. Chỉ thị do trưởng ban quân sự tỉnh Nguyễn Anh Đào kí. Ngày N là ba mươi Tết. Giờ G là đúng Giao Thừa. Mở đầu coi như dự lệnh một tiếng nổ lớn đánh sập cổng dinh tỉnh trưởng. Hiệu lệnh tiếp liền là bộc phá đánh nhà đèn. Lực lượng biệt động lập tức chiếm dinh tỉnh trưởng, Ty công an, khám. Các mũi nhanh chóng thọc vào thị xã, giữ các chốt giao thông và các cao điểm. Cơ sở nội ô phát động quần chúng phá kềm, diệt ác. Một bộ phận vũ trang sẵn sàng đánh viện từ các hướng. Nếu tình huống phát triển thuận lợi, sẽ giữ thị xã suốt ngày hôm sau để đủ thời giờ chuyển chiến lợi phẩm ra căn cứ. Nếu tình huống không thuận lợi, thì cố gắng làm chủ cho tới bốn giờ sáng, sẽ rút theo ngả Giồng Trôm và vượt sông Hàm Luông. Chú ý tránh thương vong cho dân...
J.5 ghi chú:
1) Bí thư tỉnh ủy Ba Địch đích thân chỉ huy.
2) Việt Cộng sử dụng nội tuyến, chưa rõ là ai, song rất có thể là người thân cận tỉnh trưởng.
- Tôi thấy không có gì cần phải thay đổi kế hoạch đối phó của chúng ta… - Vọng bảo – chỉ thêm hai chi tiết: tung hết lực lượng giang thuyền của tỉnh, xin giang thuyền của hải quân, thống nhất giờ hoạt động là mười hai giờ đêm, ngăn hẳn mọi lưu thông trên sông Hàm Luông, sông Ba Lai và sông Bến Tre; chia xe tăng, xe bọc thép làm hai cụm, một từ Giồng Trôm lên chiếm cầu Chẹt Sậy, một từ sân bay qua chiếm cầu Ba Lai.
Luân kí thêm vào phần bổ sung kế hoạch, Vọng mang đi gặp Hoa.
- Em mới nảy ra một ý kiến. Anh báo khẩn cấp với Tổng thống, Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh quân khu về cuộc tổng tấn công này. Ta hi vọng các anh của mình mã thám được, sẽ thông báo với tỉnh ủy Bến Tre. Hoặc trong các cơ quan kia có người của ta…
Luân đồng ý ý kiến của Dung. Anh cho thảo và đánh hàng loạt điện, nhưng bảo Dung:
- Trễ quá!
Xế chiều, Vọng lại đến. Công an phát hiện một người khả nghi vào tiệm trồng răng Xuân Tiến, nằm trên con đường sầm uất của thị xã. Người khả nghi đó là cậu học trò tên Thường… Sở dĩ Vọng phải báo cáo với Luân vì gã nghĩ rằng tay giáo Tâm và cậu Thường đã “chịu làm việc cho Luân.”

- Không biết Thường có hẹn với trung tá không? – Vọng hỏi.
Luân nhíu mày như để nhớ xem, rồi bảo:
- Tôi quên… Nhưng nếu nó xin gặp tôi thì bí mật đưa nó tới đây…
Thạch báo: Chuẩn úy Võ Văn Tập, lái xe, khai đau răng, xin đi khám.
Đây là một tin lạ. Hình như Tập chưa bao giờ bị đau răng?
- Chú cho chuẩn úy đi khám… - Luân dặn Thạch – Chú kín đáo theo Tập, nếu anh ta vào tiệm Xuân Tiến thì chú cho tôi hay ngay… Nhớ, đừng lộ với bất kì ai.
Mười phút sau, Thạch phi báo: Đúng, chuẩn úy Tập vào tiệm trồng răng Xuân Tiến, vừa đi vừa ngó dáo dác…
- Chú đến tiệm trồng răng báo với Tập là tôi có việc cần lái xe gấp. Chú giữ thái độ thật tự nhiên, chẳng hạn, chú bô bô: sục khắp các chỗ sửa răng, trồng răng mới gặp được Tập, v.v.
Thạch gật đầu. Anh ta rất phấn khởi vì đây là lần đầu Luân giao cho anh công việc có vẻ quan trọng.
Tập quay về, miệng cắn miếng bông to. Tuy nhiên, Luân đã nhận rõ cậu ta chẳng đau răng.
- Chú ngồi xuống! – Luân chỉ ghế cho Tập và anh chọn ghế đối diện.
- Sao? – Anh hỏi – Nhận bộc phá rồi chưa?
Tập giật thót. Miếng bông rơi xuống đất. Mãi một lúc sau cậu ta mới hoàn hồn:
- Bộc phá gì? Tôi không hiểu… Thưa trung tá – Giọng cậu ta lập cập.
- Đánh sập cổng dinh tỉnh trưởng, không bằng bộc phá thì bằng gì? – Luân nói, giọng đùa.
- Dạ…
- Tôi còn biết chú vừa gặp chú Thường để hẹn ngày giờ và nơi nhận bộc phá… Mười hai giờ đêm, giao thừa thì cho nổ.
Mắt Tập tóe lên ánh tinh nghịch, Luân hiểu ngay: Anh “tố” có điểm không đúng.
- Chú gặp chú Thường, phải không? – Luân hỏi lại.
- Thường nào? Trung tá càng nói tôi càng khó hiểu…
- Thường nào à? Chút nữa, tôi cho hai người đối chất, luôn tay thợ nhổ răng Xuân Tiến. – Luân lên giọng. Tập chớp mắt lia lịa, cậu ta núng thế!
- Mấy người cứ tưởng mình làm bí mật lắm… Đây, – Anh đưa cho Tập chỉ thị của Ban quân sự tỉnh – chú đọc đi, tài liệu của Giải phóng đó...
Luân theo dõi nét mặt của Tập khi đọc tài liệu: nó biến đổi liền liền…
- Chú chú ý phần ghi thêm ở dưới chót đó… Nội tuyến ngay cạnh tỉnh ủy! Ai, nếu không phải là chú?

- Tôi giao chú cho công an điều tra! – Luân hầm hừ.
- Ra! – Luân quát… - Để rồi vài hôm nữa, tôi tóm hết tụi Việt Cộng, cho chú sáng mắt…
Tập đinh ninh bị bắt, nặng nề đứng lên ra khỏi phòng. Nhưng chẳng ai chờ bắt cậu ta cả. Cậu xuống thềm. Chẳng ai theo. Cậu ra cổng. Cũng vậy.
Từ trong cửa sổ, Luân thấy Tập rảo bước và sau đó, chạy biến…
Thường cũng bị Thạch điệu về. Chú học trò không hề bối rối, lầm lì ngó Luân, cái đầu bướng bỉnh ngẩng cao dường như thách thức:
- Em biết tội chưa? – Luân hỏi, dịu dàng. Thường không đáp.
- Nếu tôi lại tha em, em có hứa là lo học không?… Tuổi của em cần học. Lớn lên, đủ trí óc, chừng đó muốn làm gì cũng được. Tôi nhớ có một lần nói với em như vậy…
Lời lẽ rất ân cần của Luân không động lòng chú học trò. Nó lắc đầu:
- Ông bỏ tù hay bắn tôi, cứ việc! Tôi không bị ông gạt đâu… Thầy Tâm bị ông gạt mà mắc tội với cách mạng. Tôi còn đây là nhờ mấy chú, mấy bác thương nhỏ dại…
Nói tới đó, mắt Thường đỏ hoe, và, có lẽ nó hơi phân vân: nước mắt chảy dài trên má viên trung tá tỉnh trưởng khét tiếng nhiều thủ đoạn chính trị nham hiểm!
Luân hiểu tất cả: giáo Tâm bị nghi ngờ và chắc không còn sống… Nhất định, J.5 giữ một vai trò nào đó trong vụ xử này.
- Em có thể thuật kĩ hơn cho tôi nghe không? Ông Tâm nay ra sao?
- Sợ gì mà tôi không nói… Thầy Tâm bị tòa án cách mạng xử tử, nhưng cấp trên giảm án. Thầy hối hận quá, tự vận chết… Tại ông hết ráo! Ông phao tin thầy Tâm với tôi chịu làm việc cho ông…
- Em tin chắc là thầy Tâm tự vận? – Luân hỏi, giọng buồn rầu.
- Thì tôi nghe nói lại…
- Cũng có thể ông bị bức tử, cũng có thể người ta giết ông…
Luân lẩm nhẩm.
Một lát sau, anh hỏi tiếp:
- Tại sao người ta dám cho em vô chợ?
- Tôi xin. Tôi phải chuộc tội!
- Vậy, bây giờ tôi thả em, em có dám quay lại mật khu không?
Thường ngần ngừ.
- Tùy em…- Luân thở ra. Anh định nói nhiều với Thường, song nghĩ kĩ, không tiện. Thường quá trẻ con để hiểu những lắt léo kiểu này – Em có thể ra khỏi đây, còn đi đâu, em quyết định lấy.

Thường rời khỏi phòng làm việc của Luân, uể oải bước.
Không khéo, J.5 khử luôn Tập và Thường!
Chợt Luân nhớ đến khối bộc phá. Tập giấu ở đâu? Rõ ràng nó cười mình vì mình “tố” trật. Có lẽ nó không nhận bộc phá ở Thường mà nhận từ trước. Đích thân Luân xuống ga ra xe. Chẳng khó khăn lắm, Luân tìm được khối bộc phá hai mươi cân giấu trong đống vỏ xe ngổn ngang.
… Ngay chiều tối hôm đó, đài truyền thanh thị xã loan báo: Phá vỡ một âm mưu của Cộng sản tấn công tỉnh lị. Phòng thông tin trưng bày khối thuốc nổ lấy được – không nói là lấy được ở đâu. Cả ngày hôm sau, hôm sau nữa Luân cho Ty thông tin làm rùm beng về “chiến công” của Kiến Hòa. Đài Sài Gòn tiếp thêm, không đâu là không biết sự kiện giật gân này.
Lưu Kỳ Vọng ngao ngán, nói lén với Chung Văn Hoa:
- Ông Luân khoái vỗ ngực xưng tên. Điệu này có đem kiệu rước, Việt Cộng cũng không đánh. Uổng quá trời!
*
Đúng như Lưu Kỳ Vọng đoán, thị xã Trúc Giang yên tĩnh suốt mấy ngày Tết.
Mồng ba, công sở chưa làm việc, nhưng James Casey đã có mặt. Hắn đến Kiến Hòa mà không thông báo trước mà mới tờ mờ sáng, hắn đã ngồi vắt vẻo giữa phòng khách, trong bộ quân phục đầy bụi đất, cùng với Lưu Kỳ Vọng.
- Trung tá phải khao tôi cái gì thật xứng đáng. – James Casey cười – Tôi lặn lội suốt đêm qua, nói cho cùng vì trung tá! Hoặc, nếu cần chính xác trong diễn đạt, tôi nói lại: Vì bà trung tá.
James Casey trâng tráo ngó Dung:
- Bà trung tá có mặt ở Kiến Hòa, để giữ an toàn tuyệt đối cho bà, tôi đích thân đi lùng sục…
Chưa rõ James Casey đã làm trò gì, Luân nhã nhặn:
- Nhà tôi và tôi rất cám ơn thiếu tá!
- Được, trung tá còn vài tiếng đồng hồ để trên tôi một cấp… Từ trưa nay, khoảng cách đó không còn nữa…
- Tôi chúc mừng trước cũng được… - Luân vui vẻ - Dung, em lấy chai Cognac!
Dung trao li rượu cho James Casey.
- Xin phép trung tá! – Hắn hôn đắm đuối bàn tay Dung.
- Giá đây là châu Âu thì tôi đã có thể xin bà ân huệ cao hơn! – Gã nuối tiếc rời tay Dung, đôi mắt háo hức…
- Nào! Ta cạn li mừng Trung tá James Casey!
Xong tuần rượu, Dung xin phép vào trong.
- Ồ! Bà trung tá là người của ngành An ninh, chỉ có lợi khi nghe chuyện của chúng ta – James Casey kêu to.
- Dẫu sao, nhà tôi vẫn thuộc cơ quan khác… - Luân lắc đầu.
- Tiếc thật!… Ta làm một li nữa… - James Casey tự rót – Li này tôi mừng trung tá… Trung tá có một phu nhân tuyệt vời!
Luân hiểu James Casey nói gì: anh và Dung đã thực sự thành vợ chồng trước con mắt sành sỏi ăn chơi của gã.
- Ta vào việc! – James Casey bảo Vọng: “Ông trưởng ty àng ‘quà’ tới đi…”
Vọng gọi điện và vài phút sau, chiếc jeep Willi sơn màu ô liu đỗ trước thềm.
Hai người bịt mặt bị xô té xuống đất. Cả hai chỉ mặc quần đùi.

- Trung tá không lạ gã này! – James Casey chỉ một trong hai người đó là Thường.
- Nó không phải là người của trung tá… Nó không nhận là người của trung tá. Dẫu sao, tôi cũng cứ đưa nó về… - James Casey nhếch mép – Còn đây, vật bảo đảm cầu vai tôi thêm một hoa mai. Trung tá có thể không biết, nhưng chắc chắn nghe danh: Ba Lùn! Đừng vì tên cục mịch của nó mà lầm. Lê Khắc Thuần… Trung tá nhớ chưa? Tỉnh ủy viên, bí thư thị ủy…
Lê Khắc Thuần - đã đứng dậy – không lùn, trái lại rất cao.
Luân chồm tới, bắt tay James Casey:
- Khen trung tá.
- Ăn thua gì… Tôi còn nhiều “chủ bài” nữa kia… Rồi, trung tá sẽ phải chập gót chân chào đại tá James Casey. Không lâu đâu… Tôi sắp tóm đầu sỏ Việt Cộng, cỡ thường vụ tỉnh… ngay hôm nay, vuột một con mồi… - James Casey cười hô hố - Con mồi đó… - James Casey chưa nói hết câu thì bắt gặp cái liếc của Vọng, gã im bặt.
- Có lẽ đưa họ về trại giam! Ông James Casey cần tắm rửa, ta ăn sáng… - Luân bảo.
- Tất nhiên, khai thác họ là chuyện của tỉnh trưởng. Song, “quà” như vậy đã hết đâu? – James Casey hất hàm ột nhân viên – chắc là người của biệt kích Mỹ - tên đó lấy từ trong xe ra một bọc ni-lông.
- Trung tá sẽ phải đền ơn tôi… Tôi tháo ngòi quả bom nổ chậm giúp trung tá…
Theo lịnh của James Casey, bọc ni-lông được mở ra: chiếc đầu còn đầm đìa máu của Chuẩn úy Võ Văn Tập.
- Tôi trả giá hơi cao về thằng tài xế của trung tá: nó bắn chết hai người của tôi… Chính tôi hạ nó. Và, nếu về tay không thì tiếc, tôi chặt đầu nó.
Luân tối xầm mặt. Tiền sảnh dinh tỉnh trưởng như chồng chềnh. Chỉ cần một phần mười giây, anh thanh toán hết – James Casey, thằng đi theo nó, Lưu Kỳ Vọng, thằng lái xe… Nhất định anh bắn chính xác – không lần nào chính xác hơn lần này.
- Trung tá không thích? – James Casey hỏi.
- Không! – Luân trả lời, nửa tỉnh nửa mê.
James Casey nhún vai:
- Lạ thật! Một sĩ quan từng trải mà lại nhát gan… Tôi sẽ mang nó về Sài Gòn…
Rõ ràng, mắt của chuẩn úy Tập mở to, nhìn Luân trừng trừng. Trong cái chết của Tập có phần lỗi của Luân – Luân hiểu như vậy.
- Trung tá đa cảm… Bây giờ tôi mới hiểu… Nó là tài xế của trung tá, song nó sẵn sàng giết trung tá. Như gã tài xế trước kia. Tôi thành thật khuyên trung tá nên bỏ thói bi lụy nguy hiểm đó.
“Mày nói bậy!” – Luân nghĩ bụng – “Toàn với Tập khác nhau.”
Chiếc đầu lâu được gói lại. Hai người bị bắt được đưa về Ty công an.
James Casey ăn sáng với Luân – gã kì kèo sự có mặt của Dung nhưng Dung chỉ ra chào gã, lấy cớ là không khỏe. Gã lên xe về Sài Gòn.
Hôm sau, Luân cũng đưa Dung về Sài Gòn. Anh đi dự hội nghị tổng kết công tác bình định. Trước khi đi, anh chỉ thị Ty công an chờ anh hỏi cung Ba Lùn. Còn Thường coi nó như người của tỉnh trưởng, chớ đụng tới.
Hoàn toàn dễ hiểu khi Luân được hội nghị vỗ tay kéo dài. Anh trình bày tóm tắt quan điểm của anh về công tác bình định. Ngồi ở hàng ghế danh dự. Nhu thỉnh thoảng gật đầu. Những cái gật đầu “đệm” của cố vấn Ngô Đình Nhu được cả hội nghị hiểu như mọi người có nghĩa vụ phải vỗ tay, mặc dù chưa chắc ai cũng tán thành Luân. Nói cho công bằng, chính không khí chính trị sau biến cố 11-11 đã hỗ trợ Luân. Đúng vào dịp Tết, Tổng thống kí lệnh thả một số thành viên của nhóm Caravelle liên can đến vụ đảo chính như bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, Tạ Chương Phùng… hầu hết những người thân Pháp. Ngô Đình Nhu quyết định ngọn đòn gió: tỏ cảm tình với Pháp để lấy lại thăng bằng trong mối quan hệ quốc tế của Việt Nam Cộng hòa. Số thân Mỹ hoặc ít nhiều quan hệ với Đảng Đại Việt bị đối xử cay nghiệt hơn nhiều, như Trần Văn Hương. Còn Phan Quang Đán thì là ngoại lệ. Trước tòa, Đán khóc nức nở, đấm ngực nhận tội, dùng đủ từ ngữ tâng bốc Diệm, cầu xin một chút ân huệ. Bộ máy thông tin sẵn sàng giới thiệu thật rộng rãi sự quy hàng nhục nhã của Đán. Đán được giam giữ trong một phòng đủ tiện nghi và người ta hứa sẽ trả tự do cho ông ta sớm nhất.
Cần phải hiểu rằng trong sự cố 11-11, bản thân Tổng thống cũng va vấp một điều thuộc lĩnh vực đạo đức, y hệt trường hợp bắt tướng Hòa Hảo Ba Cụt trước đây: giả bộ chịu điều đình với Nguyễn Chánh Thi qua môi giới của Đại tướng Lê Văn Tỵ để trì hoãn tốc độ tấn công của lực lượng đảo chính và khi quân “cứu giá” chiếm được ưu thế, Tổng thống trở cờ. Do vậy, Tổng thống và cố vấn Ngô Đình Nhu rất ngại đem các tay thủ lĩnh đảo chính ra xử trước tòa. Ai mà lường nổi họ sẽ nói gì giữa công chúng – đặc biệt, trước các nhà báo trong và ngoài nước.
Trước Tết, Nhu tập hợp được một số nhân vật sửa soạn khai sinh cái gọi là Đại hội đại đoàn kết chống Cộng, với các “cao thủ” chuyên áp phe chính trị: Nguyễn Gia Hiến, Trần Quốc Bửu, Phan Huy Quát, Đặng Văn Sung, Lý Trung Dung. Tình thế đòi chế độ phải đổi trang sức. Cho nên, cuộc chạy đua vào Dinh Độc Lập được dàn cảnh theo thời thượng: Ngô Tổng thống không còn là “Tổng thống suốt đời.” Trong danh sách tranh cử nhiệm kì II đã thấy, ngoài liên danh Diệm – Thơ, còn liên danh Nguyễn Đình Quát – Nguyễn Thành Phương và Hồ Nhật Tân – Nguyễn Thế Truyền. Đại khái, cho nó “dân chủ.” Quát chủ sở cao su, Phương tướng Cao Đài – đầu sỏ hạng “bán trời không mời thiên lôi.” Tân và Truyền – cặp lục bình cổ, đầy bụi bặm, chùi mãi chưa sạch. Cỡ đó thì chịu sao thấu với Diệm mặc dù, trong chương trình tranh cử, Quát dám nói: nếu đắc cử, ông ta sẽ điều đình ngưng bắn với Mặt trận Giải phóng.
… Luân nói không dài. Cũng chẳng có gì để nói. Tình hình an ninh ở Kiến Hòa “tốt hơn” như Phủ Tổng thống đánh giá – căn cứ và số trận đụng độ giảm rõ rệt với trước đây. Mà lí do thật sự là cơ sở hạ tầng của chế độ Sài Gòn thu hẹp đến mức không còn thể nào thu hẹp hơn nữa để có thể có nhiều cuộc đụng độ. “Đây là cuộc chiến tranh chính trị - Luân nhấn mạnh – không giống bất kì cuộc chiến tranh nào chúng ta từng biết tới. Việt Cộng sử dụng hình thức đánh du kích, nhưng đánh du kích chỉ mới là một mặt của toàn cục diện. Những nguyên tắc đánh du kích nổi tiếng của Mao Trạch Đông đã được cải tiến, bổ sung đến nỗi chúng thay đổi hẳn. Thật là lí thú khi chính các đoàn cán bộ Trung Cộng sang Nam Việt nghiên cứu học tập chiến tranh du kích – tôi có đủ bằng chứng nói như vậy. Vì là cuộc chiến tranh chính trị, cho nên cách nhìn hiện tượng của chúng ta bắt buộc phải khác với cách nhìn mà chúng ta quen thuộc trong sách vở và trong quá khứ. Không nắm được dân, không có cơ hội chiến thắng. Nắm dân tức là tranh thủ lòng dân, tranh thủ sự tín nhiệm của dân. Đừng nên bao giờ tách công việc bình định của các viên sĩ quan chiến trường với những cải cách của trung ương. Cũng như đừng nên bao giờ đo lường thành quả của công việc bình định qua các bản tin chiến sự với con số đối phương bị loại. Nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta không phải chỉ tước phần sinh lực của Cộng sản mà là hạn chế sự nảy nở của sinh lực đó. Tôi đang thử nghiệm và tôi tin sẽ kết quả - bớt hành quân, bớt nhà tù. Bao giờ tôi cũng nghĩ: Đây là cuộc tranh chấp giữa người Việt – cùng tiếng nói. Nói bằng lời bao giờ cũng tốt hơn bằng súng, bằng máu. Tôi xin thuật một chuyện để minh họa: Năm 1946, khi người Pháp trở lại Bến Tre, họ hành quân liên miên. Bấy giờ, ở Cầu Mống thuộc Mỏ Cày, có một người từng đi du học Pháp, tiểu điền chủ, tên Lâm Thiên Tứ. Nhà ông ta chứa du kích Việt Minh. Quận trưởng Mỏ Cày – bạn học của ông – bắt được ông và đem cả ông và đứa con trai là Lâm Thiên Trường ra bắn. Quận trưởng – tiếc là tôi không biết tên – ngỡ với đòn thị uy đó, Việt Minh sẽ xẹp. Trái lại, Việt Minh Mỏ Cày nổi dậy mạnh nhất Bến Tre và có đến hàng trăm Lâm Thiên Tứ về phía họ. Đến Bến Tre, tôi học bài học đó.
Tràng vỗ tay thật xôm và kéo dài. Nhu đón Luân, ôm choàng. Chưa phải Nhu cùng ý nghĩ như Luân đâu – Luân hiểu thái độ rất mực trọng vọng này là để đền bù công lao: Luân đã lựa đúng lúc để phô trương cái mà chế độ cần phô trương. Với phe phái, Luân giành về Tổng thống ngọn cờ thân dân nhân đạo. Với người Mỹ, Luân ám chỉ: Có ba bảy đường giải quyết vấn đề nội bộ Nam Việt.


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.