Ván Bài Lật Ngửa

Chương 153: Phần IX - Chương 13 phần 2




Một tuần lễ sau cuộc họp báo của Mac Namara, tại Sài Gòn lại nổ ra các cuộc biểu tình nhân ngày gọi là “quốc hận” 26-7 kí hiệp định Genève năm 1954 đình chỉ chiến sự ở Đông Dương. Khẩu hiệu: chống Cộng, chống Pháp.
Vài nhóm sinh viên dùng sơn bôi lên tượng đài “Tướng sĩ trận vong” do Pháp dựng trước đây, vài nhóm khác đập phá bên ngoài đại sứ quán Pháp, đốt vài cái xe. Chính quyền Quảng Trị tổ chức một cuộc biểu tình ở bờ sống Bến Hải...
Thế nhưng, cái đập mạnh dư luận là “Đêm không ngủ” do sinh viên, học sinh tổ chức tại Trường Đại học Văn Khoa. Ở đây, hai xu hướng đụng nhau, một là phe lớn tiếng đổ tội chia cắt đất nước cho Cộng sản và Pháp, một phe khác, đông hơn cướp diễn đàn, kết án “Mỹ và tay sai” mưu toan gây chiến tranh, mưu toan biến Nam Việt thành một bang của Mỹ. Tổng hội sinh viên ra tuyên bố không chịu trách nhiệm về các cuộc bạo động bài Pháp của một thiểu số ăn tiền của bọn phản động.
Cuộc dàn dựng của Nguyễn Khánh không thành công. Bởi vậy, khi Tổng thống Mỹ loan báo số quân Mỹ ở Nam Việt từ mười sáu nghìn lên hai mươi mốt nghìn, bố trí hệ thống cố vấn Mỹ đến cấp tiểu đoàn trong lực lượng Nam Việt thì sinh viên một số trường đại học Sài Gòn đột ngột mở hội thảo, công khai phản đối chính sách mới của Mỹ và phê phán gay gắt Nguyễn Khánh – nhiều diễn giả coi Nguyễn Khánh như Gia Long “cõng rắn cắn gà nhà.”
Phản ứng dây chuyền lan tận Duy Xuyên – một huyện của Quảng Nam, nơi năm 1955 xảy ra cuộc thảm sát những người kháng chiến do Đảng Đại Việt nhân danh chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện. Tại đây, chính quyền Quảng Nam đã phải giải tán một cuộc biểu tình lớn chống Nguyễn Khánh và bắt giam gần hai nghìn người. Cả Phật giáo lẫn Đảng Đại Việt đều lên tiếng phản đối.
*
St. MADDOX VÀ TURER JOY: CỬA ĐỘT PHÁ ĐI VÀO CHỐN VÔ TẬN.
Helen Fanfani (Financial Affairs).
Sài Gòn, 9-8-1964.
Tôi choàng thức dậy khi cả phố, vào giờ tấp nập nhất – bảy giờ sáng, vang lên tiếng còi báo động. Trong vòng một tuần lễ nay, người ta cố gắng cưỡng bức thành phố - bây giờ nhiều tiệm buôn, cắt tóc, may, giặt ủi, tiệm ăn và nhất là quán rượu kết hợp với khiêu vũ mang nhãn hiệu Mỹ - phải tự xem như sống trong thời chiến khi mà quân số Mỹ tăng thêm. Giới ngoại giao cùng nhất trí: thình thoảng, một quả mìn nổ tung một rạp hát, một quán rượu đông đặc lính Mỹ, ví dụ ngày 1-8 vừa rồi, tại nơi tụ tập các sĩ quan Mỹ đường Nguyễn Minh Chiếu: tuy nhiên hình thái chiến tranh lạ lùng ấy không chỉ mới mẻ, nó xuất hiện từ lâu và gây tổn thất nặng nề, so với những vụ đang xảy ra. Lịnh giới nghiêm do Tướng Nguyễn Khánh ban hành ngày hôm qua – cấm mọi đi lại từ mười một giờ đêm đến bốn giờ sáng – hoàn toàn không phải vì tình thế gay gắt thật sự. Trước đây hai hôm, Tướng Nguyễn Khánh ra sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn trương khắp lãnh thổ Nam Việt, trong đó ông tái lập chế độ kiểm duyệt báo chí và cấm các cuộc hội họp dân chúng, trừ lí do tôn giáo.
Đòn chiến tranh cân não của Tướng Nguyễn Khánh là bản phối âm với sự kiện được gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ.” Ngày 2-8, tuần dương hạm Maddox của Hải quân Hoa Kỳ, theo thông báo của bộ tư lệnh Mỹ, đang tuần tra thường lệ trên hải phận quốc tế thuộc vùng Vịnh Bắc Bộ thì bị ba tiểu đỉnh Cộng sản Bắc Việt truy đuổi, bắn đại liên và phóng ngư lôi. Maddox bị một số thiệt hại. Phi cơ Mỹ từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga can thiệp. Ngày hôm sau, cũng chính chiếc Maddox “bị một số thiệt hại” này cùng với chiến hạm Turner Joy lại bị các tiểu đỉnh Bắc Việt tấn công. Ngày 5-8 các tiểu đỉnh Bắc Việt đánh tiếp tàu chiến Mỹ. Tổng thống Johnson xuất hiện trên vô tuyến truyền hình – vị thầy cải chuyên nghiệp này đã thuyết phục dân chúng Mỹ rằng an ninh Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng và sau đó, ông thuyết phục luôn Quốc hội Mỹ cho phép ông áp dụng mọi biện pháp cần thiết, kể cả vũ lực, để đối phó ở Đông Nam Á.
Hàng đàn máy bay chiến F.102 như chực sẵn lao xuống một loạt địa điểm ven biển Bắc Việt: Gòn Gai, Tuần Châu, Hòn Mê, Hải Phòng, Kiến An, thậm chí Vinh... Có ngày, Mỹ sử dụng đến sáu mươi tư phi xuất... Lời báo trước của Bộ trưởng Mac Namara đi vào giai đoạn thực hiện. Sài Gòn đào công sự, hầm trú ẩn, nhưng những lao công chiến trường vừa xẻng đất vừa đùa. Cơ quan truyền thông đại chúng do Chính phủ kiểm soát muốn dùng các hình ảnh “khẩn trương” để cân bằng với tiếng bom ầm ĩ phía bắc vĩ tuyến 17.
Mọi thủ đoạn trơ tráo đều tung ra và không một ai, nguyên thủ quốc gia Mỹ hay Việt Nam như chưa hề biết hổ thẹn là gì. Vài chiếc phóng ngư lôi của Bắc Việt lại có thể uy hiếp cả hạm đội số 7 của Mỹ, sự tưởng tượng dù bay bổng tới đâu cũng khó mà đạt tới. Nhất là, người ta chỉ chờ một phát súng lục bắn vào tuần dương hạm Maddox để phân bua: Nước Mỹ phải tự vệ. Kế hoạch phản ứng soạn trước – giới ngoại giao ở Sài Gòn gọi kế hoạch bằng cái tên thực chất: Mỹ leo thang chiến tranh. Không có vụ Maddox thì sẽ có vụ khác. Chẳng khó khăn gì gây một khiêu khích - cứ cho tàu chiến xâm nhập hải phận quốc gia có chủ quyền và khi quốc gia kia phản ứng, Mỹ hí hửng bắt được cái cớ. Chuyện của nhiều thế kỉ trước và Tổng thống Johnson sao chép gần như nguyên văn.
Thế là chiến tranh vượt khỏi lằn giới tuyến được hiệp định Genève công nhận.
Tướng Nguyễn Khánh có lí do phấn khởi: địa vị của ông có vẻ vững vàng hơn trước, Mỹ cần người như ông. Tuy vậy, báo chí địa phương giới thiệu một nhân vật khác. Trong bộ quần áo phi công chiến đấu, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng cạnh một máy bay ném bom và khoe: ông ta vừa hoàn thành một phi vụ ném bom xuống Vinh kết hợp với Không lực Mỹ. Nguyễn Khánh không chỉ đối phó với tướng Kỳ. Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh quân khu I, tuyên bố đã sẵn sàng vượt sống Bến Hải.
Tổng thống Johnson chắc chắn toại nguyện. Ông thề dìm cả nước Việt Nam trong biển lửa, sự kiện Bắc Bộ mở màn theo ý ông. Ông chọc một lỗ thủng lớn để nước Mỹ tuôn của cải và sinh mệnh. Maddox và Turner Joy quá nhỏ bé nhưng sẽ được nhắc lâu dài, bởi vì từ hai chiến hạm vô danh này, nước Mỹ lọt vào một không gian và thời gian đối thoại bằng vũ khí có thể nói là vô tận.
*
Thông cáo ngày 11-8 của Hội đồng Quân đội Cách mạng:

Xét công lao và tài năng nay thăng Trung tướng Trần Thiện Khiêm lên quân hàm đại tướng.
Xét công lao và tài năng nay phong các đại tá có tên sau đây quân hàm chuẩn tướng: Nguyễn Đức Thắng, Vĩnh Lộc, Nguyễn Xuân Trang, Đặng Văn Quang, Hoàng Xuân Lãm, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Văn Kiểm, Nguyễn Cao Kỳ.
Chủ tịch Hội đồng.
Nguyễn Khánh.
*
Thông cáo của Hội đồng Quân nhân Cách mạng:
Ngày 16-8, Hội đồng Quân nhân Cách mạng đã họp toàn thể ở Vũng Tàu quyết định ban hành Hiến chương mới thay cho Hiến ước lâm thời số 2 kí ngày 7-2-1964. Do tình hình đất nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Hội đồng Quân đội Cách mạng thấy rằng cần phải tập trung quyền lực vào những người đủ tài đức, ngỏ hầu tránh nạn phân tán làm suy yếu công cuộc kháng Cộng. Chủ tịch Hội đồng Quân đội Cách mạng phải kiêm luôn chức Quốc trưởng. Hội đồng nhất trí bầu Trung tướng Nguyễn Khánh đảm nhiệm cả hai chức vụ trên. Chủ tịch và Quốc trưởng Nguyễn Khánh được Hội đồng giao các quyền đặc biệt trong tình hình hiện nay: chọn lựa Quốc hội gồm một trăm nhân viên dân sự và năm mươi nhân viên quân sự, ban bố và thu hồi các sắc lệnh về tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tổ chức, quyết định thành phần nội các, đề bạt và hạ cấp quân nhân từ cấp tướng trở xuống bất kỳ thuộc binh chủng nào.
*
Thông cáo của Bộ Thông tin:
Sau khi Hiến chương Vũng Tàu công bố, nhiều địa phương và đoàn thể gởi điện văn và kiến nghị: Nhiệt liệt hoan nghinh hiến chương ban bố đúng lúc, kính dâng trung tướng chủ tịch lời chúc mừng nồng nhiệt, nguyện đồng tâm nhất trí đoàn kết sau lưng trung tướng, vị lãnh tụ tài ba của Việt Nam Cộng hòa.
Quốc trưởng Phi Luật Tân, Đại Hàn, Trung Hoa Dân quốc, gởi điện chúc mừng Trung tướng Nguyễn Khánh.
*
Điện mật:
Nơi nhận: Đại sứ M. Taylor – Sài Gòn.
Dư luận Mỹ không thuận lợi lắm về bản hiến chương mới ở Việt Nam và về vai trò của tướng Khánh. Tổng thống nhận được nhiều điện hoài nghi của các đồng minh. Cũng có một số nhân vật Sài Gòn gởi điện phản đối. Báo chí Mỹ sẽ lên tiếng, chắc chắn dấy lên làn sóng bất bình.
18.8.1964.
Rusk.

*
Điện mật:
Nơi nhận: Ngoại trưởng D. Rusk – Washington.
Chúng tôi chưa hoàn toàn kiểm soát “vụ Vũng Tàu.” Sẽ báo cáo sau.
18.8.1964.
M. Taylor.
*
Phó tổng thanh tra quân lực Việt Nam Cộng hòa, Đại tá Nguyễn Thành Luân đến Cần Thơ, như lịch làm việc của cơ quan Tổng thanh tra thông báo với các cùng. Nhiệm vụ của Tổng và Phó tổng thanh tra đơn thuần chuyên môn: xem xét năng lực chiến đấu của quân đoàn và các đơn vị, ghi nhận kiến nghị của các Tư lệnh địa phương và đơn vị về trang bị, về hậu cần...
Tướng Dương Văn Đức tiếp đại tá Luân. Lẽ ra, một sĩ quan phụ tá tư lệnh đã có đủ tư cách làm việc, nhưng chính tướng Đức muốn thông báo về mọi mặt của vùng IV mà ông hay phàn nàn là “đứa con út, ít được Bộ quốc phòng và Tổng tham mưu chiếu cố.”
Buổi họp chính thức không dài – chừng hai tiếng đồng hồ. Luân phải nghe cả một bảng cáo trạng của tướng Đức với lời lẽ mạnh mẽ về đủ loại khó khăn: thiếu quân số để đóng đồn hoặc hành quân, thiếu phương tiện vận tải, thiếu pháo và xe lội nước để có thể thọc sâu vào vùng đầm lầy, nhiều sông rạch, thiếu hải thuyền để đảm bảo an ninh từ Phú Quốc đến Nam Du, thiếu vật liệu xây dựng tuyến phòng ngự ngăn lính Cambốt dọc kinh Vĩnh Tế...
Sau buổi họp chính thức tướng Tư lệnh vùng mời cơm đại tá – cũng khá đông sĩ quan dự. Tiệc đến tám giờ tối. Bởi nói chung đó cũng là nhà riêng của tướng Đức, cho nên tiệc tan, đại tá Luân ở lại “cụng tay đôi” với tướng Đức và anh sẽ nghỉ tại đây. Bàn ăn chỉ còn hai người – họ chuyển chỗ ra góc sân vắng vẻ – tướng Đức mới thật sự bộc lộ điều ông ấm ức.
- Thằng Khánh muốn làm tên độc tài. Hiến chương Vũng Tàu chính là “chiếu lên ngôi” của nó. Thằng đểu cáng hết chổ nói. Nó thị tất cả sĩ quan là con nít. Tôi quyết ăn thua đủ với nó...
- Ăn thua bằng cách nào? – Luân hỏi.
- Anh quên tôi là Tư lệnh vùng sao?
- Nhưng, như anh báo trong cuộc họp, quân của anh yếu...
- Đó là yếu với Việt Cộng chớ đâu có yếu với thằng Khánh.

Luân mân mê li rượu, không hỏi thêm. Tướng Đức nóng tính, định làm gì thì không ai ngăn nổi. Chắc chắn ông ta sẽ động binh thôi. Song, liệu ông ta làm nên được cái gì không?
- Tại sao anh im lặng? Giữa tụi mình, giữ kẽ làm chi... - Đức hơi bực dọc.
- Tôi đâu có giữ kẽ. Tôi đang suy nghĩ... - Luân trả lời điềm đạm.
- Tôi liên kết được nhiều tay lắm... - Đức kề miệng vào tai Luân nói nhỏ.
- Các sĩ quan thuộc quyền anh biết ý định của anh không?
- Biết chung chung...
Luân thở dài, nghĩ bụng: Ông tướng ăn nói bạt mạng này chắc đã phun ráo kế hoạch với các sĩ quan chung quanh...
- Anh tin đi! Tụi nó một bụng với tôi...
- Anh đã hỏi một người bạn Mỹ nào chưa?
- Tại sao phải hỏi Mỹ?
- Trong hoàn cảnh của anh, muốn thành công, phải hỏi hai người: Mỹ và Việt Cộng.
- Mỹ thì tôi chưa hỏi. Còn Việt Cộng thì tôi hỏi rồi!
- Anh hỏi ai?
Tướng Đức trỏ vào ngực Luân:
- Hỏi anh! – Và ông cười ha hả.
- Ta bàn đại sự, anh đừng đùa... Tôi khuyên anh hỏi một người Mỹ nào đó có vị trí mà anh tin...
- Tay cố vấn quân đoàn chắc chắn không phản đối tôi. Hắn đảm bảo tôi sẽ được ủng hộ.
- Ai ủng hộ?
- Tướng Westmoreland...
- Tôi chưa tin. Song, anh vẫn không thiếu cơ may nếu...

Luân bỏ lửng câu nói, nhấm nháp li rượu.
- Nêu anh bắt được tướng Khánh và quả quyết hành động, không giống tướng Vĩ với đám Ngự lâm quân năm xưa...
- Ối! Thằng Vĩ là lính cậu. Tôi “phơ” ráo bọn sớm đầu tối đánh. – Giọng tướng Đức dứt khoát.
- Nhưng, còn một vấn đề nữa, quan trọng không kém: anh sẽ bố cáo với quốc dân về chính sách đối nội đối ngoại như thế nào?
Tướng Đức lắc lư cái đầu:
- Chuyện đó tôi chắc phải nhờ anh.
- Điều tối cần là một mặt kiên quyết với Nguyễn Khánh, một mặt khôn khéo với Mỹ. Phải làm cho người Mỹ thấy anh có thể chiến thắng được Việt Cộng mà không cần phải thêm quân Mỹ...
- Chà! Rắc rối quá... Tôi ghét thằng Khánh, quất cho nó hết phách láo. Cái thứ chính trị lôi thôi, nếu anh không giúp thì tôi cũng phải nhờ người khác giúp...
- Anh sẵn sàng chưa?
- Chưa thật sẵn sàng, phải chờ thêm một ít nữa...
- Chúc anh thành công! – Luân cụng li với tướng Đức.
- Anh cụng li với tôi không thấy phấn khởi lắm?
- Biết nói thế nào với anh đây... Mỗi người chọn con đường hành động riêng ình. Bao giờ cũng phải đặt ra nhiều giả thiết, nhiều tình huống với nhiều phương án thích hợp. Và chọn đúng thời cơ. Nguyễn Khánh ban bố Hiến chương Vũng Tàu là thời cơ. Thời cơ đó sẽ qua...
- Nhưng tôi phải bàn với tụi kia...
- Rất tiếc! Và, anh biết là tôi không có quân trong tay... - Luân nói gần như tâm sự với bạn bè.
- Tôi biết quá, đời nào tụi nó dám giao quân cho anh... Không sao. Anh chưa đến nỗi thất nghiệp đâu...
Hôm sau, Luân rời Cần Thơ. Anh buồn buồn:
- Tướng Đức chắc nổ ra được một cú giật gân, song không thể tạo bước chuyển biến. Ông ta không có hậu thuẫn chính trị và bản thân cũng không có đường lối chính trị... Và, quan trọng hơn hết, ông ta bỏ lỡ thời cơ.
Mấy ngày sau, tình hình chứng minh ý kiến của Luân là đúng đắn.


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.