Ván Bài Lật Ngửa

Chương 120: Phần VIII - Chương 05 phần 2




- Họ đòi hay ông đòi?
- Tôi đòi làm gì! Cần lối hai chục ngàn đôla. Không có thì không tổ chức nổi.
- Tôi phải xin ý kiến ông cố vấn…
- Chớ! Chớ! Tôi với ông thỏa thuận là xong mà…
- Vậy tôi ghi ba chục nghìn đôla…
- Phần ông bao nhiêu?
- Tôi một nửa, ông một nửa…
- Ít quá, ghi năm chục nghìn đi! Tôi mười lăm nghìn, ông mười lăm nghìn…
- Ôkê!
- Còn nữa…
- Cái gì?
- Mướn báo, truyền hình… Năm chục nghìn đôla thêm…
- Ông đừng chơi trội! Tôi được chia bao nhiêu?
- Thôi, ông lấy mười nghìn vậy!
- Ôkê! Nhưng, nhắc ông: ông cố vấn sẽ đếm người biểu tình, không đủ số thì khó mà nuốt trôi…
- Đếm làm sao nổi?
Cuộc biểu tình dự định chưa kéo đi đã giải tán: gom góp không được một nghìn người.
Ngô Trọng Hiếu và Cao Xuân Vỹ sợ mất mật. Nhưng, Nhu quên cái lệnh của anh ta…
*
**
Báo cáo của Nha cảnh sát đô thành về trường hợp Thạch như sau:
Bảy giờ tối, Thạch đến chỗ bán thuốc lá đường Đinh Tiên Hoàng, mua một tút Bastos xanh. Người bán thuốc quen mặt Thạch nên không thể lầm lẫn. Thạch cầm tút thuốc rời chỗ bán thì có một chiếc xe hơi chờ sẵn, vì bóng tối, người bán thuốc không rõ điều gì xảy ra, xong thấy hình như có cãi cọ hay xô đẩy gì đó, rồi xe chạy. Thạch lên xe hay không người bán thuốc không rõ… Xe du lịch, sơn màu hột gà; hiệu và biển số xe thì người bán thuốc không thể biết.
Một cảnh sát viên gác ngã tư Tự Đức – Đinh Tiên Hoàng – cách nơi bán thuốc chừng năm mươi thước và cách chiếc xe chừng ba mươi thước cho biết: Vào lúc bảy giờ, một xe Peugeot 240 dừng dưới bóng tối do tàn cây che khuất đèn, hai người xuống xe, đón một người từ nơi bán thuốc lá đi tới, hỏi han việc gì đó, hình như ấn người cầm thuốc lá vào khoang sau, và xe phóng chạy; người cảnh sát chỉ kịp thấy biển xe mang chữ NBO, còn số thì nhìn không kịp, nhưng chắc chắn con số bắt đầu bằng số 2. Xe phóng thẳng đường Đinh Tiên Hoàng, không rẽ qua Phan Thanh Giản.
Một cảnh sát viên gác ngã tư Phan Thanh Giản – Đinh Tiên Hoàng cho biết: Chiếc NBO vượt đèn đỏ, anh thổi còi, song xe phóng luôn. Không kịp đọc số xe vì một xe tải che khuất, nhưng anh chắc chắn người ngồi cạnh tài xế, qua đèn đường, có bộ mặt choắt và hình như cằm mọc một chùm lông đen…
Tin của Việt tấn xã.
Gần đây báo chí nước ngoài đề cập đến một cuộc vận động của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa qua một nhân vật ngoại giao thuộc một nước thứ ba để tiến tới sự dàn xếp gặp gỡ giữa Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và chính quyền Cộng sản Bắc Việt. Đó là loại tin đầy ác ý. Việt tấn xã được phép bác bỏ sự bịa đặt lố bịch kia.
Thông cáo về phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc.
Ngày 24 tháng 10, với sự thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, một phái đoàn của Liên Hiệp Quốc sang Sài Gòn để điều tra về cái gọi là “vấn đề Phật giáo,” theo nghị quyết ngày 7 tháng 10 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tới Sài Gòn trên chuyến bay thường lệ của Pan America. Phái đoàn mang bức thư riêng của Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc U Thant gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm và nghị quyết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc do chủ tịch khóa này là Carlos Sosa Rodriquez kí. Phái đoàn gồm có: Abdul Rahman Pazhwak, A Phú Hãn, trưởng đoàn và các đoàn viên, các ông: Correa Da Costa, đại diện Ba Tây: Seneral Gunewardere, đại diện Tích Lan, Fernado Volis Jimenez, đại diện Costa Rica; Louis Ignacioi Pinto, đại diện Dahomey; Ahmeh Tabi Benhima, đại diện Maroc, Matrica Prasad Koirala, đại diện Nepal.
Mọi phí tổn của phái đoàn do Liên Hiệp Quốc đảm nhiệm để bảo đảm cho sự vô tư của cuộc điều tra. Tổng chi phí ước tính 33 nghìn đôla Mỹ.
Đón phái đoàn tại phi cảng Tân Sơn Nhất có ngoại trưởng kiêm nhiệm Trương Công Cừu.
Theo dự tính, ngày 25 tháng 10, phái đoàn sẽ được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tiếp.
Lần đầu tiên, Sài Gòn nhắc đến Hà Nội.

Tin A.P - Việt tấn xã, cơ quan thông tin chính thức của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa vừa phát một số đoạn trong bài xã luận của tờ “Nhân dân” cơ quan trung ương của Đảng Lao động (Cộng sản) Bắc Việt. Đó là những đoạn mà Hà Nội lên tiếng kịch liệt phản đối việc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cử đoàn điều tra sang Sài Gòn để thu thập tài liệu về vụ Phật giáo. Theo “Nhân dân,” việc làm này là “một thủ đoạn của đế quốc Mỹ nhằm tước đoạt danh nghĩa của Liên Hiệp Quốc và bành trướng sự can thiệp cùng chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam, vi phạm thô bạo hiệp định Geneve năm 1954 về đình chỉ chiến sự và giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương.” Cũng theo “Nhân dân,” việc điều tra phải thuộc thẩm quyền của Ủy hội quốc tế…
Đây là lần đầu tiên trong vòng tám năm nay, Việt tấn xã trích trung thực những đoạn của tờ “Nhân dân” và điều đáng lưu ý là Việt tấn xã không hề để vào ngoặc kép những từ “đế quốc Mỹ,” “chiến tranh xâm lược,” “vi phạm thô bạo hiệp định Geneve”… Người ta có thể hiểu rằng Sài Gòn muốn cho thấy, trên một số vấn đề nào đó, họ không khác ý kiến của Hà Nội, điều mà trước đây họ coi như cấm kị. Đồng thời Sài Gòn, qua nguồn tin này, thả chiếc bóng thăm dò nhiều phía - cả Bắc Việt lẫn Mỹ.
*
**
Mặc dù rất lo lắng cho số phận của Thạch – và anh đã hình thành trong đầu phương án hành động sau khi đọc đoạn báo cáo của Nha cảnh sát đô thành liên quan đến gã ngồi cạnh tài xế chiếc Peogeut – “có bộ mặt choắt và chùm lông trên cằm” – Luân vẫn đến nhà chị Cả. Chỉ cách này, mong manh song còn hi vọng, anh tìm liên lạc với lãnh đạo.
Luân đỗ xe trước Bar Kim Sơn; bây giờ thì anh phải tự lái, gọi cà phê. Luân ung dung uống, kín đáo quan sát. Không có “cái đuôi” nào bám theo anh. Căn phố lầu số 31 bên kia đường Trần Hưng Đạo mang bảng hiệu: Hồng Hoa store. Anh không nhớ lần Ngọc dẫn anh trốn, cửa hàng này có chưa? Và chị Cả còn ở đấy không? Anh ngó lên tầng lầu, cửa đóng kín. Phải sang hỏi thôi…
Anh băng qua đường, vào cửa hiệu
- Ông đến có việc gì? - Một trung niên ngồi sau chiếc bàn chất đầy giấy tờ, đứng lên lễ phép hỏi Luân.
Cả căn phố bày la liệt mẫu hàng cùng với những bánh, những thùng – có vẻ đây là một hiệu buôn đồng thời kho hàng vải sợi.
- Tôi xin hỏi: người chủ căn phố này còn ở đây không? Tôi muốn thăm, tôi là bà con…
- Ông là bà con với bà chủ nhà?
- Dạ, đúng vậy! - Hai tiếng “bà chủ” khiến tim Luân đập mạnh
- Bà chủ ở tầng trên… Ông đến thang lầu cách đây ba căn
Luân theo chỉ dẫn, gõ cửa tầng trên.
- Ai đó? - Một giọng phụ nữ hỏi. Giọng trẻ, không phải của chị Cả.
- Tôi là bà con của chị Cả…
- Chị Cả nào? Ở đây, không ai là chị Cả… - Rõ sàng, sau cánh cửa, đôi mắt qua một lỗ nhỏ nhìn Luân
- Vậy là tôi nhầm. Xin lỗi – Luân chán nản, quay lưng.
- Ông kĩ sư! - Vẫn giọng đó và một luồng lạnh chạy theo cột sống của Luân - nhất thời anh chưa phân định được mừng hay sợ.
Cánh cửa hé – hé một chút
- Mời ông vào!
Luân lách qua cửa. Cửa khép sau lưng anh. Gian nhà hơi tối. Luân chỉ nhận ra một bóng nhỏ nhắn. Đèn bật sáng. Luân sững sờ: Mai đứng trước mặt anh.
Anh chụp tay Mai, siết mạnh:
- Cô bình yên!
Luân không giấu nỗi mừng. Mai thoát khỏi tay Trần Kim Tuyến, điều thật lạ.
- Mời ông kĩ sư ngồi!
Mai trở chiếc ghế tựa. Vẫn là chiếc ghế tựa năm xưa, khi anh được Ngọc đưa đến đây, sau trận bị bộ hạ của Mai Hữu Xuân truy đuổi ở Nhị Tì Quảng Đông, năm 1955.
- Tôi bình yên, nhờ ông kĩ sư… Ông kĩ sư nhắc tôi mấy lần về tâm địa của Đảng Đại Việt – Mai nói, giọng xúc động – Tôi chuyển chỗ ở trước. Quả, gần trưa ngày 27/2, công an chụp căn phòng tôi ở… Không có dấu vết gì. Tất nhiên, do Phạm Phú Quốc khai…
Giọng Mai bỗng như lạc:
- Chú tôi…
Cô ôm mặt khóc. Thế là, Luân hiểu, người lao công sở thú không còn nữa – cái chết thảm khốc ở P42, mồi ột con cọp nào đó... Luân chợt nhớ tới Ngọc. Chiếc đi văng kia! Anh lấy khăn lau mũi. Mai khó đoán lí do cái đau của Luân.
- Mỗi người trong cuộc chiến đấu này đều phải chịu mất mát… - Luân nói thầm.

Anh hỏi con của Mai.
- Tôi gửi đi xa…
Người mẹ ngậm ngùi nghe nhắc con, nhưng Luân tìm thấy trong câu trả lời của Mai sự yên tâm - hẳn cô đã gửi con ra miền Bắc. Luân không dám hỏi tin chồng Mai. Đủ rồi…
Bây giờ, Luân ngắm Mai. Cô gày rạc, tóc lốm đốm bạc. Trong khoảnh khắc, Luân nhớ liền khuôn mặt của Mai giống một người…
- Chú Sáu khỏe không, cô?
- Chú Sáu nào? – Mai hơi bối rối.
- Tôi tin chú Sáu là ba cô…
Mai ngó Luân trân trối:
- Tại sao ông kĩ sư biết ba tôi?
- Biết. Biết và chịu ơn…
Luân thuật vắn tắt cho Mai nghe trường hợp chú Sáu giúp Luân an toàn ra khỏi trạm kiểm soát của công an trên đường Phụng Hiệp đi Cần Thơ khi anh rời chiến khu về thành…
- À, tôi có nghe ba tôi nói. Ba tôi nói một cán bộ rất lớ ngớ trước công an… Không ngờ người đó là ông kĩ sư.
Không khí bỗng nhẹ nhàng. Bao nhiêu hình ảnh buổi ban sơ vụt sống lại. Luân hơi mỉm cười. Đúng, anh lớ ngớ thật, anh nghi kị, sợ hãi nữa. Nhưng, người anh gặp lại là chú Sáu, một người dân tốt bụng. Dẫu sao, người tốt bụng vẫn đông hơn…
- Chắc chú Sáu vào khu…
Mai không xác nhận và cũng không phủ nhận
- Chị Cả vẫn ở đây?
- Vẫn ở đây… Chị đi chợ, sắp về…
- Có tin gì của anh Cả không?
- Có..
Hai người thầm thì một lúc.
*
**
Bị kẹp giữa hai người lưng nách. Thạch không thể vùng vẫy. Hai khẩu súng chọc hai bên hông Thạch đau nhói – còn khẩu súng của anh, chúng tước ngay khi ấn anh vào xe.
- Mày ngồi yên! Hễ kêu lên hay ra dấu cho tụi cảnh sát gác đường thì coi như mày theo ông bà ông vải ngay lập tức…
Gã ngồi băng trước, quay lại dọa Thạch.
- Thiếu tá Hùng, như vầy là sao?
Thạch hỏi. Thiếu tá Hùng chẳng xa lạ gì với Thạch.
- Là sao? – Hùng cười khẩy – Là như vậy đó!
- Các ông làm sai luật. Tôi là người của Nha cảnh sát… - Thạch vẫn nói cứng.
- Im! - Thiếu tá Hùng quát - Luật lệ là cái con mẹ gì? Mày sẽ trả lời, chút nữa thôi. Nên nhớ mày chỉ có nhiệm vụ trả lời chớ không được cãi. Hiểu chưa con?

Xe quay về đường Hiền Vương, chạy một lúc, rẽ ngoặt vào một hẻm tối om.
Thạch hiểu số phận của anh: khi thiếu tá Hùng không cần giấu mặt thì có nghĩa là chúng sẽ khử anh.
Xe chui qua một cổng đã mở sẵn. Khi cánh cửa sắt đóng lại, hai gã kè Thạch bước lên bậc thềm một ngôi biệt thự.
- Còng nó lại! - Thiếu tá Hùng ra lệnh.
Thạch bị đẩy vào một chiếc ghế.
- Mày muốn sống hay muốn chết? – Hùng hỏi.
Thạch bây giờ thấy sợ.
- Ai mà không muốn sống!
- Ừ, biết điều đa! – Hùng cười hô hố, chùm lông cằm rung rinh.
- Mày biết Thiếu tá Lưu Kỳ Vọng?
Tất nhiên là Thạch biết tay trưởng Ty cảnh sát Kiến Hoà.
- Tại sao thiếu tá Vọng chết?
Thạch thuật lại những điều anh chứng kiến ở Trúc Giang. Anh chưa lấy lại bình tĩnh nên không rõ lí do cuộc cật vấn này - Thiếu tá Vọng và thiếu tá Hùng vốn là bạn chí thân.
- Tao không hỏi mày chuyện đó. Tao hỏi mày vậy chớ Thiếu tá Nguyễn Thành Luân tổ chức giết thiếu tá Vọng như thế nào? - Giọng Hùng gay gắt.
- Dạ, tôi đâu rành… Tôi… - Thạch lắp bắp.
- Mày rành! Mày phải rành! Ở bên cạnh thằng Luân mà mày không rành sao được…
Thạch chưa bao giờ nghĩ Luân dính vào một tội ác. Tuy sợ, anh vẫn lắc đầu:
- Không có chuyện đó đâu…
- Hà? Mày không chịu khai hả? - Thiếu tá Hùng chồm tới, dang tay định tát Thạch.
Cửa phòng xịch mở. Thiếu tá Hùng vội thu tay về, đứng thẳng người:
- Kính chào thiếu tướng!
Thạch nhìn lên, gặp nụ cười của Mai Hữu Xuân
- Sao lại còng thiếu uý Thạch? – Xuân nghiêm mặt.
Còng được tháo.
- Ta bắt đầu - Xuân ngồi xuống ghế, đối diện với Thạch. Thiếu tá Hùng vẫn đứng.
- Thiếu uý uống cà phê? – Xuân hỏi Thạch.
Không đợi Thạch trả lời, thiếu uý Hùng bước ra ngoài.
- Tụi nó chắc làm thiếu uý sợ… Không có gì nguy hiểm đâu, thiếu uý cứ yên tâm... Xuân nhồi thuốc vào pipe sau đó, nhấc bao thuốc Capstan về phía Thạch.
- Hút đi!
Thạch hoang mang thực sự. Lạ lùng quá. Anh rút điếu thuốc mà tay lẩy bẩy.
Thiếu tá Hùng trở vào với hai tách cà phê, rón rén đặt lên bàn.
- Mời thiếu uý! – Xuân bảo.
- Chắc thiếu tá Hùng vừa cật vấn với thiếu uý về cái chết của Thiếu tá Lưu Kỳ Vọng, đúng không?
Thạch khẽ gật đầu, lấm lét ngó Hùng
- Tầm bậy! – Xuân xoay người nhìn thiếu tá Hùng - Thiếu tá lẫn lộn chuyện chung với tình cảm riêng tư… Ta cần thiếu uý Thạch ở điểm khác.
Thạch không thể phân biệt Xuân khiển trách Hùng thật hay giả. “Họ cần gì ở mình?” Thạch hớp một tách cà phê mà như hớp một thứ nước đăng đắng chẳng ra mùi vị, dù Thạch nghiện cà phê.
- Tôi muốn thiếu uý trả lời mấy câu hỏi của tôi, mấy câu hỏi bình thường thôi… - Xuân hút thuốc, phả làn khói xám tỏa rộng, quanh ông ta - Thiếu uý làm việc với Đại tá Nguyễn Thành Luân bao năm rồi?

- Dạ, tám năm…
- Lâu dữ há?
- Dạ, cũng lâu…
- Thiếu uý có khi nào định xin thôi việc cạnh ông Luân không?
- Dạ… dạ không…
- Tại sao?
- Dạ, ông Luân đối với em rất tốt…
- Vợ anh ở Thân Cửu Nghĩa, Mỹ Tho?
- Dạ, phải.
- Vùng do Việt Cộng kiểm soát?
- Dạ, không. Vùng cửa an ninh…
- Nghĩa là ban đêm thì Việt Cộng, ban ngày là quốc gia?
- Dạ
- Tại sao anh không đưa vợ con anh lên Sài Gòn?
- Dạ, em còn cha mẹ già, còn miếng vườn. Lên Sài Gòn sống không nổi.
- Ừ, ừ… Tại sao gia đình anh không bị Việt Cộng làm khó dễ?
- Em không biết…
- Ừ, ừ… Nhà anh có ai theo Việt Cộng không?
- Dạ, không.
- Tôi hỏi chơi anh. Chớ nếu có người theo Việt Cộng, anh làm sao biết được. Ở xóm anh, người ta biết anh bảo vệ ông Luân không?
- Dạ, gia đình em giấu việc này… Dân thì không biết, nhưng một số người trong hội đồng hương, chính đồn trưởng, chỉ huy trưởng sân bay Thân Cửu Nghĩa biết.
- Tại sao hôm rồi vợ anh đau nặng, gọi anh về, anh lại không về?
- Dạ, em ngại…
- Ngại cái gì?
- Ngại Việt Cộng gài bẫy…
- Ừ, ừ… Rồi anh báo với đại tá?
- Dạ.
- Đại tá cho xác minh. Chỉ huy sân bay trả lời vợ anh không ốm. Phải không?
- Dạ, phải.
- Nếu bây giờ tôi báo với anh vợ con bắt bị bắt, anh tính sao?
Thạch rơi điếu thuốc, mồ hôi rịn.
- Dạ… vợ con em bị bắt… dạ, ai bắt?
- Việt Cộng chớ còn ai.
Xuân ngó chăm chăm nét mặt của Thạch và, Thạch đã tỏ ra không đủ bản lĩnh trước một tay mật thám cỡ Xuân: anh thở phào, tuy nhè nhẹ mà cả Xuân và Hùng đều nghe, mặt anh dãn ra.
- Đủ rồi… - Xuân cười nửa miệng – Anh có cảm tình với Việt Cộng nếu không nói anh chính là Việt Cộng!
- Thiếu tướng dạy sao? - Thạch dường như nghe nhầm – Em mà Việt Cộng?


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.