Ván Bài Lật Ngửa

Chương 106: Phần VII - Chương 08 phần 2




Thế là mọi người chỉ còn hai bàn tay trắng, đưa ra đón lấy những mũi nhọn của lưỡi lê ào ạt từ dưới lao lên. Lần lượt những người tu hành bị bọn người hung dữ thúc lưỡi lê vào ngực, vào lưng, dồn tới một xó chùa. Còn cảnh nào thương tâm bằng cảnh những người tu hành, từ bỏ tất cả trừ mảnh áo cũ kĩ che thân. Nay áo đó cũng bị rách tả tơi hoặc bị lựu đạn làm cho cháy xém rách nát cả da thịt.
Khi đã chiếm xong thượng điện, bọn người hung dữ tiếp tục khủng bố. Họ tràn vào thư viện bắt trói đánh đập các thầy ở đây rồi dẫn đi. Thầy Hoàng Lạc, không chịu để cho chúng bắt, thầy chạy ra sân lầu đại điện, nhào xuống đất để chết. Không ngờ lại rớt xuống trúng đầu bọn hung dữ ở phía dưới; chúng hoảng hốt nổ súng, nhưng thầy Hoàng Lạc đã rơi xuống sân nằm bất tỉnh, khiến những viên đạn này lại bắn lộn vào đám đông, mấy mạng gục xuống. Sau đó, chúng lục xạo khắp các phòng, chân đạp tung cửa, tay chuẩn bị bóp cò súng, miệng gầm thét chửi rủa tục tĩu...
Có nhiều thầy vừa ra tới cửa bị chúng còng tay, rồi đẩy đi. Qua một trận ngửi hơi ngạt các thầy mệt mỏi, bước đi chậm chạp, bị chúng tống báng súng vào lưng, khiến các thầy ngã sấp xuống gạch. Tay lại bị còng ra phía sau, không thể chống đỡ nên các thầy đành chịu cảnh dập mày dập mắt, máu tuôn ướt áo, ướt đường.
Như để hả giận, vừa dồn các thầy ra chỗ ngồi tập trung trước sân thượng điện, bọn người hung dữ vừa chửi rủa vừa đánh đập, chúng bất kể già trẻ, ngôi vị trong chùa.
Kế đó, đèn được bật sáng; mọi người mới biết đoàn người hung dữ này không ai xa lạ mà chính là bọn mật vụ, cảnh sát, và lực lượng đặc biệt do Trần Văn Tư, Giám đốc cảnh sát đô thành chỉ huy tổng quát. Riêng Dương Văn Hiếu, tay chân đắc lực của lãnh chúa miền Trung được đặc biệt phái vào Sài Gòn, chỉ huy mật vụ của Ngô Đình Nhu và Lê Quang Tung, Tư lệnh lực lượng đặc biệt thì chỉ thấy quân mà không thấy mặt chúng. Không rõ chúng chỉ huy đánh chiếm mạn nào hay nằm ở “Bộ tư lệnh chiến dịch đánh chùa?”
Theo lệnh Trần Văn Tư, bọn mật vụ lần lượt bắt hòa thượng Hội chủ, các thượng tọa, đại đức dẫn ra xe. Chúng vừa tìm kiếm vừa reo lên “A, thằng Tâm Châu đây rồi... cả thằng Giác Đức nữa, may quá!” Lập tức chúng xúm lại khiêng hai thượng tọa xuống. Đại đức Thích Đức Nghiệp cũng bị chúng lôi đi lệt xệt trên cầu thang. Thế rồi các vị bị chúng đưa đi, giam mỗi người một phương nào không ai biết.
Sau khi chúng kiểm soát kĩ lưỡng khắp chùa một lần nữa, thấy không còn sót ai, bọn mật vụ, cảnh sát, lực lượng đặc biệt, xếp hàng hai bên lối đi, mỗi đứa cách nhau một thước, nối tiếp nhau từ trên Phật điện, xuống cầu thang vòng ra cổng. Chúng quay mặt đối diện với nhau, rồi một bọn khác tới lùa mấy trăm tăng ni ra xe.
Chư tăng, ni đông quá nên cầu thang trở nên chật chội, không thể nào đi nhanh được. Điều đó lại để cho bọn mật vụ có cơ hội tức giận nguyền rủa. Từ phía sau, bọn chúng chửi bới, xô đẩy và dùng báng súng thúc mạnh vào lưng chư tăng. Trong đoàn tăng, ni bị xô đạp này, nhiều người yếu quá ngã xuống, nhất là chư vị, chân không giẫm lên những đống máu đông đặc lầy nhầy đọng trên cầu thang, khiến không gượng được nên ngã xuống.
“Mặc kệ!” “Chết bỏ!” Chúng vừa quát tháo, vừa xô mạnh cho những người phía sau giày xéo lên những người phía trước vừa ngã dưới bậc cầu thang. Có nhiều vị tăng chỉ vì cố dừng lại khiêng mấy ni cô bị ngã nhưng vì yếu sức không sao gượng dậy được giữa đám chân người lủng củng, dồn dập từ trên cao lấn xuống, nên bị chúng dùng gậy đập lên đầu đến váng óc té xỉu đi.
Cho tới ba giờ rưỡi sáng, bọn người gian ác này hoàn toàn thành công trong việc đánh phá chùa Xá Lợi.
Ngoài những thượng tọa bị đưa đi, giam riêng, còn bao nhiêu tăng ni chúng chất lên xe chở về Rạch Cát nhốt trong một cái đồn hoang dại, hẻo lánh thuộc quận 7, ngoại ô Chợ Lớn.
Sau đó, chúng đem xe hơi tới hốt các tăng, ni, đạo hữu bị chết, bị ngất hoặc bị thương trầm trọng, nằm la liệt trên sân thượng điện về bệnh viện Cộng Hòa. Chúng chở luôn cả những “chiến lợi phẩm” mà chúng không “nuốt” được như máy móc, giấy tờ về quận 3, còn bao nhiêu thứ có thể bỏ túi được thì chúng “chia bùi sẻ ngọt” với nhau.
Chùa Xá Lợi sau hơn ba tiếng đồng hồ sóng gió kinh hoàng, lúc này hoàn toàn tan hoang. Thứ duy nhất còn lại ngoài mấy chục bức tượng, đồ đạc hư nát là máu tươi, thịt bấy của tăng ni loang lổ khắp sân chùa.
Sáng ra, người ta mới biết người đàn bà đêm qua mặc quân phục, hằn học nhìn vào chùa Xá Lợi là bà Ngô Đình Nhu tức Trần Lệ Xuân.
Trần Lệ Xuân tới để chứng kiến cảnh tàn sát cho hả lòng căm giận đối với những người độc nhất trên đất nước này, dám công khai đả kích bà ta và công khai chống lại uy quyền của họ Ngô.
Ngoài ra, Trần Lệ Xuân còn tới để đôn đốc bọn tay sai phá chùa, chiếm lại bức thư của thân phụ bà ta mới gửi về tạ lỗi với các vị thượng tọa cách đây mấy ngày về việc Trần Lệ Xuân đã vô lễ xúc phạm tới mấy thầy, mạt sát Phật giáo, một tôn giáo mà họ Trần tôn thờ.
Trong khi chùa Xá Lợi chìm trong cảnh tang tóc máu lửa, thì hầu hết các chùa trong lãnh thổ gia đình Ngô Đình Diệm thống trị đều chung một số phận như vậy.
Riêng tại chùa Từ Đàm, Huế, trong đêm 20-8-1963, với năm nghìn Phật tử túc trực bao quanh nhục thân cố Thượng tọa Thích Tiêu Diêu đã là một cản trở rất lớn cho bọn tay chân Ngô Đình Cẩn. Ngô Đình Cẩn phải huy động hai nghìn quân, chiến đấu từ một giờ đêm đến tám giờ sáng mới thanh toán xong chiến trường. Sở dĩ có trận chiến đấu ác liệt như vậy là vì Phật giáo đồ tưởng rằng lực lượng Ngô Đình Cẩn tới cướp thi hài thượng tọa Thích Tiêu Diêu như chúng đã từng làm đối với các tăng ni tự thiêu trước đây. Và cũng vì vậy nên chư thượng tọa có mặt trong chùa để yên cho Phật giáo đồ cầm cự, cố sống chết bảo vệ lấy thi hài duy nhất của bốn vị tự thiêu tại miền Trung còn lại.
Trong những phút cuối cùng của cuộc giao tranh, Phật giáo đồ đã có lần phóng hỏa đốt chùa để cùng nhau chết trong vòng vây nguy khốn chứ không chịu khuất phục trước bạo quyền...
Nhưng việc làm này bị thất bại bởi lực lượng Ngô Đình Cẩn quá đông, chúng ào vào dập tắt lửa và tấn công dữ dội, làm cho Phật giáo đồ rối loạn, xô lấn, ngã chồng chất lên nhau.
Trong chùa lúc này, Phật tử chỉ còn hai bàn tay không giơ ra chống đỡ với lưỡi lê của kẻ bạo tàn. Bao nhiêu củi đuốc, bàn ghế, ấm chén, nồi niêu, bát đĩa, soong, chảo trong chùa, Phật giáo đồ đều dùng thay vũ khí và đã ném đi hết sạch. Vì thế, lực lượng vũ trang của Ngô Đình Cẩn chỉ còn việc lần lượt bắt trói từng người dẫn đi.
Thế rồi sáng hôm sau, ngày 21-8-1963, tại thủ đô Sài Gòn, thành phố Huế và khắp các tỉnh, khi mọi người thức dậy ra đường, đã thấy nhan nhản những truyền đơn, hiệu triệu và sắc lệnh thiết quân luật dán đầy trên tường. Xe thông tin gắn loa phóng thanh chạy khắp phố thường thôn xã loan tin: “Chính phủ đã diệt trừ xong bọn phản động!”
Chiều tối quần chúng lại được chính quyền cho biết, trong cuộc kiểm soát các chùa, quân đội tịch thu được vũ khí, tài liệu, chứng tỏ nhiều nhà sư hoạt động cho Việt Cộng...
*
TUYÊN CÁO CỦA TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA
Trước những biến cố gần đây do Cộng sản chủ mưu, đặc biệt nhất tại miền Đông Nam Á, Lào quốc, trực tiếp ảnh hưởng đến biên giới Việt Nam.
Đồng thời tại quốc nội, giữa lúc toàn dân toàn quân đang tận lực chống Cộng sản xâm lăng, đồng bào đã thấy rõ, từ ba tháng rưỡi nay, ý chí hòa giải tột bực của Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề do Tổng hội Phật giáo nêu lên, nhưng những cố gắng ấy không được hưởng ứng do một số người đầu cơ chính trị, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng thái độ hòa giải tột bực của Chính phủ liên tiếp hành động bất hợp pháp để tạo nên một tình trạng rối loạn phá hoại chính sách ấy, cản trở chủ trương dân chủ pháp trị, rất tổn thương cho uy tín của Phật giáo, chỉ lợi cho Cộng sản.
Do đó, chiếu điều 44 Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa, kể từ ngày 21 tháng 8 dương lịch 1963, tôi tuyên bố ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ quốc gia.
Ủy nhiệm cho quân đội Việt Nam Cộng hòa tận dụng mọi phương tiện và thi hành mọi biện pháp cần thiết do sắc lệnh ban hành giới nghiêm quy định để vãn hồi an ninh trật tự công cộng hầu bảo vệ quốc gia, chiến thắng Cộng sản, xây dựng tự do dân chủ.
Sài Gòn ngày 20-8-1963
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa
NGÔ ĐÌNH DIỆM

*
Việt Nam Cộng hòa
Tổng thống phủ
Văn phòng
Số 84 – TTP
TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA
Chiếu hiến pháp Việt Nam Cộng hòa nhất là điều 55;
Chiếu sắc lệnh số 124-TTP ngày 28-5-1961 ấn định thành phần Chính phủ;
Chiếu nhu cầu hiện tại;
Để đảm bảo an ninh trật tự công cộng.
SẮC LỆNH
Điều 1: Nay tuyên bố tình trạng giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam, kể từ ngày công bố sắc lệnh này cho tới khi có lệnh mới.
Điều 2: Luật lệ nào xét ra cần ngưng thi hành sẽ được tuyên bố tạm đình chỉ áp dụng.
Điều 3: Quân đội Việt Nam Cộng hòa chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh công cộng, và để đạt tới mục đích ấy, có quyền trong suốt thời hạn giới nghiêm:
+ Xét các tư gia bất cứ giờ nào, bắt giữ các người xét có hại cho an ninh công cộng.
+ Cấm mọi cuộc hội họp, tụ tập có thể phương hại cho an ninh trật tự công cộng.
+ Hạn chế tự do báo chí, kiểm soát hệ thống phát thanh, kiểm soát phim ảnh kịch trường.
+ Cấm tàng trữ, lưu hành những ấn loát phẩm, tài liệu, truyền đơn xét có hại đến an ninh công cộng.
Điều 4: Tất cả mọi vi phạm đến trật tự công cộng đều thuộc thẩm quyền của tòa án quân sự.
Điều 5: Các bộ trưởng và tổng tham mưu trưởng liên quân chiếu nhiệm vụ, thi hành sắc lệnh này.
Sắc lệnh này được công bố theo thủ tục khẩn cấp.
Sài Gòn, ngày 20-8-1963
Kí tên: Ngô Đình Diệm
*
QUÂN LỆNH SỐ 1 CỦA QUYỀN TỔNG THAM MƯU TRƯỞNG LIÊN QUÂN QUÂN ĐỘI VIỆT NAM CỘNG HÒA
Chiếu sắc lệnh ngày 20-8-1963, tuyên bố tình trạng giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bắt đầu từ ngày 20-8-1963 cấm chỉ dân chúng:
1. Trong giờ giới nghiêm không được ra khỏi nhà.
2. Cấm hội họp, tụ tập có thể gây phương hại đến an ninh trật tự công cộng.
3. Không được có hành động gián tiếp hoặc trực tiếp phá rối trị an như ấn loát, lưu hành và tàng trữ mọi tài liệu báo chí truyền đơn, hình ảnh có tính cách phá hoại an ninh quốc gia. Tất cả mọi ấn loát phẩm và điện tín đều phải chịu chế độ kiểm duyệt.
4. Phải trao lại tức khắc cho cơ quan quân sự địa phương gần nhất những vũ khí đạn dược dù đã được phép mang, kể cả những vũ khí bén nhọn.
5. Mọi vi phạm một trong các điều khoản ghi trên sẽ bị truy tố trước tòa án quân sự theo thủ tục khẩn cấp

KBC 4.002
20-8-1963
Trung tướng Trần Văn Đôn
*
LỜI KÊU GỌI ĐỒNG BÀO CỦA TIẾNG NÓI QUÂN ĐỘI
Kính thưa đồng bào,
Đã đến lúc toàn thể mọi người phải đứng dậy đập tan những mưu mô chia rẽ của bọn người vong bổn cấu kết với phong kiến thực dân và Cộng sản làm đất nước chúng ta lâm nguy từ mấy tháng gần đây. Không lúc nào bằng lúc này, quân đội chúng tôi đang xả thân chiến đấu vì chính nghĩa, vì tự do, vì sự an ninh của đồng bào thì trong khi đó một số người ngoan cố đã giày xéo lên sự hi sinh vô bờ bến đó. Hàng chục vạn chiến sĩ đã đổ máu gục ngã ngoài chiến trường chống Cộng để bảo vệ sự sống yên vui của toàn dân, để giành giật từng thước đất tự do, để lo bồi từng niềm tin mà lẽ dĩ nhiên có cả niềm tin rộng lớn của tất cả các tôn giáo. Trong khi đó, một bọn người an nhàn đã lợi dụng che mặt bằng hình thức này hay hình thức khác làm phân tâm li tán, cố làm những hi sinh của chiến sĩ trở nên vô nghĩa.
Hơn một năm nay, chính đồng bào từ thành thị tới thôn ấp đã hăng say nỗ lực nhỏ mồ hôi hòa cùng máu chiến sĩ để xây dựng một xã hội mới, một đời sống mới trên các tiêu chuẩn công bằng bác ái và dân chủ pháp trị. Sự hi sinh đó đang tiến mạnh trên con đường chiến thắng thì thình lình bị phản bội do mưu mô của bọn Việt gian phản quốc cấu kết cùng Việt Cộng, giặc chia rẽ và giặc chậm tiến phá hoại dân tộc chúng ta.
Đã từ lâu rồi, quân đội chúng tôi im lặng chịu đựng, tuân theo sự ôn hòa tột bực của Chính phủ. Sự chịu đựng, câm nín đó, chính là một sự hi sinh thứ hai mà chúng tôi đã phải gánh chịu. Mặc dầu bị khiêu khích bằng mọi cách, kể cả những cách nhỏ nhen nhất như ném đá vào đầu quân đội, tuyên truyền rỉ tai để phỉ báng quân đội, vu cáo cho đồng đội chúng ta đàn áp tự do, là vô nhân cách trong khi chúng tôi chiến đấu vì tự do, vì chính họ, vì hạnh phúc của toàn dân. Bọn Việt gian phản quốc đã gây dư luận xấu xa khiến thế giới tự do, một số người nhẹ dạ, đã nghe chúng làm hại đến uy danh của dân tộc. Danh dự của quân đội bị phỉ báng. Danh dự của dân tộc bị bán đứng như vậy mà bọn chúng reo cười! Bọn chúng reo cười cả trên những cái chết thảm khốc nhất. Chúng tưởng rằng như vậy là quân đội đã thua, quân đội đã chịu hàng phục trước những mánh khóe xảo quyệt của chúng. Nhưng chiến sĩ Cộng hòa không bao giờ chịu khuất phục. Đồng bào hãy cùng chúng tôi vùng lên quyết đập tan mọi mưu mô xảo quyệt, thanh toán tận gốc rễ bọn Việt gian phá hoại. Giờ phút lịch sử đã điểm!
*
ĐÀ NẴNG THIẾT QUÂN LUẬT SAU KHI CÓ BIỂU TÌNH BẤT HỢP PHÁP.
Đà Nẵng (VTX) 20-8.
Theo thông tín viên Việt tấn xã, một cuộc biểu tình bất hợp pháp tổ chức hồi mười sáu giờ ngày 18-8 vừa qua đã diễu hành từ hai chùa Phổ Đà và Thị Hội qua các đường phố thị xã Đà Nẵng.
Lối một nghìn người, kể cả những kẻ hiếu kì kéo theo sau, có mặt trong cuộc biểu tình này.
Chính quyền và quân đội tỏ tinh thần thiện chí hòa giải tột bực.
Chính quyền địa phương và quân đội đồn trú tại Đà Nẵng đã không ngăn trở cuộc biểu tình này vì muốn bày tỏ thiện chí hòa giải tột bực do Ngô Tổng thống đã đề ra trước đây.
Trung tá Trần Ngọc, thị trưởng Đà Nẵng, đã kịp thời kêu gọi anh em binh sĩ triệt để biểu dương tinh thần kỉ luật khả dĩ tránh được mọi âm mưu phá vỡ thiện chí hòa giải của Chính phủ. Nhờ đó, trật tự đã duy trì.
Dân chúng vô sự, nhưng một quân dân bị thương.
Phía Chính phủ, xe thông tin bị đập phá, một quân dân bị thương. Phía đoàn người biểu tình, không có ai việc gì.
Cuộc biểu tình đã chấm dứt hồi mười tám giờ cùng ngày.
*
THIẾT QUÂN LUẬT.
Lệnh thiết quân luật toàn thị xã Đà Nẵng đã được nhà cần quyền ban hành nội trong đêm 18-8 từ 22 giờ 30 cho đến 6 giờ sáng 19-8, nhằm bảo vệ an ninh cho dân chúng.
Đặc biệt lệnh này được thi hành suốt đêm ngày kể từ 6 giờ sáng ngày 18-8 cho đến khi có một quyết định mới.
*
TUYÊN NGÔN CỦA CHÍNH PHỦ
(21-8-1963)
I- Chính sách quốc gia từ tình trạng chậm tiến, chia rẽ và chiến tranh phá hoại của Cộng sản, nhằm tạo một cách nhanh chóng những điều kiện thuận lợi nhất cho sự thực hiện tinh thần hiến pháp và thực thi dân chủ pháp trị đồng đều ọi người, không phân biệt giai cấp, sắc dân, hay tôn giáo, là một chính sách mà Chính phủ quyết tâm theo đuổi cho đến cùng bất kể trở ngại từ đâu đến.
II - Chính sách của Chính phủ trong “vụ Phật giáo” nhằm cốt yếu việc thực thi chính sách quốc gia nói trên, vẫn được Chính phủ theo đuổi một cách kiên nhẫn và quyết tâm hơn.
Chính sự quyết tâm này đã đưa đến việc Tổng thống ban hành lệnh giới nghiêm để bẻ gãy sự cố tình phá hoại chính sách trên do một thiểu số sư tăng thuộc Tổng hội Phật giáo, và để sau đó tái lập những điều kiện thuận lợi cho sự thực thi chính sách của Chính phủ, chính sách mà mọi người đều công nhận không những là hợp với lẽ phải, mà còn là dựa trên một sự kiên nhẫn tột bực.

III - Chính phủ nhất định từ đây không dung túng một sự lạm dụng nào về tôn giáo với mục đích chính trị, một sự lạm dụng nào về các chùa chiền, biến nơi tôn nghiêm để cầu nguyện, suy niệm và hành đạo trở nên những trụ sở tuyên truyền phá rối, khủng bố hay âm mưu chống lại an ninh quốc gia, mọi hành động nào nhằm đầu độc những linh hồn ngây thơ, mê hoặc các tâm trí, xúi giục người khác tự hủy rồi khai thác xác chết trong bốn ngày để tổ chức mít tinh, biểu tình chống lại an ninh quốc gia.
Chính phủ, vì quyền lợi tối cao của quốc gia và vì tôn trọng Phật giáo, coi tất cả những hành vi đó là trọng tội, thứ nhất là nước đang có chiến tranh.
IV - Tất cả những người bị giữ vì những biện pháp đầu tiên của lệnh giới nghiêm đều được đối xử tử tế và họ sẽ được trả lại tự do một cách nhanh chóng nếu họ sớm dứt khoát với sự lầm lẫn đạo với đời, với sự lạm dụng tôn giáo vào mục đích chính trị.
V - Tất cả các cán bộ quân dân chính đều phải theo đường lối minh định trên đây.
*
Sài Gòn (VTX).
Vì phải bảo đảm an ninh và trật tự chung của hàng triệu sinh mạng đồng bào tại đô thành.
Vì quân đội đã nhiều lần kêu gọi và nhắc nhở toàn thể đồng bào hợp tác với quân đội để thi hành lệnh giới nghiêm.
Vì cần phải áp dụng mọi biện pháp cứng rắn cần thiết để ngăn chặn mọi cuộc bạo động có thể đưa đến kết quả tai hại cho nền an ninh quốc nội.
Vì phải cương quyết tiêu diệt mọi âm mưu khuynh đảo để tiếp tay cho bọn Cộng sản tạo điều kiện quấy rối để thôn tín quốc gia.
Tổng trấn đô thành Sài Gòn thông báo lần cuối cùng:
Kể từ ngày hôm nay, tất cả các lực lượng phụ trách an ninh tại đô thành như Quân đội, Bảo an, Dân vệ, Cảnh sát và Thanh niên chiến đấu đã được lệnh nổ súng vào tất cả các cuộc tụ họp, các đám biểu tình, các nhóm người bạo động vi phạm lệnh giới nghiêm tại đô thành.
Đồng bào hãy bình tĩnh, sáng suốt và tích cực đề cao cảnh giác để khuyên răn, gìn giữ, và dạy dỗ các con em hầu tránh mọi vi phạm luật pháp quốc gia, có thể đưa đến hậu quả vô cùng tai hại.
Sài Gòn, ngày 20-8-1963
Thiếu tướng
TÔN THẤT ĐÍNH
Tổng trấn đô thành Sài Gòn
*
Việt tấn xã
Sau đây là bức tâm thư gửi sinh viên, học sinh của Thiếu tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh quân đoàn 3 kiêm Tư lệnh vùng 3 chiến thuật, kiêm Tổng trấn đô thành Sài Gòn:
Trong cuộc chiến tranh cách mạng hiện nay của toàn dân chống kẻ thù chung Cộng sản; quân đội cũng như các bạn bảo an, dân vệ, thanh niên, hằng ngày phải dãi nắng dầm sương, và chịu xả thân khắp đó đây trên chiến địa để tạo thành sức mạnh chống đỡ quốc gia và giữ gìn biên cương lãnh thổ.
Trong lúc đó, từ tiền tuyến đến hậu phương, toàn dân ai nấy đều nỗ lực hăng say để kiến thiết quốc gia, xây dựng hạnh phúc và tiêu diệt Cộng sản thì lại có một nhóm âm mưu lợi dụng sự tranh chấp về tôn giáo làm mục tiêu đấu tranh chính trị, cấu tạo tình trạng rắc rối, phân tán tiềm lực quốc gia và cản trở sự chiến đấu của quân đội mà thật ra chỉ có lợi cho Cộng sản.
Ở tiền tuyến, quân địch đang tìm mọi cách áp dụng mọi hình thức chiến tranh để tiêu diệt ta mà hậu phương thì an ninh bị hăm dọa, trật tự bị xáo trộn, sinh hoạt quốc gia bị đình trệ, tạo nên tình trạng bế tắc mà dù cho nhân dân có tinh thần cao cả đến đâu, quân đội có hùng mạnh thế mấy đi nữa, cũng không thể nào đương đầu nổi với Cộng sản.
Trước tình trạng đe dọa và vô cùng nguy ngập hiện nay, có thể đưa đến sự tồn vong của đất nước, Chính phủ đã ban hành lệnh giới nghiêm để giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh và duy trì trật tự lại cho quân đội, hầu tạo lại tình trạng ổn định cho toàn thể đồng bào được yên vui sinh sống.
Trước hơn ai hết, các anh chị em là thành phần trí thức, là rường cột của đất nước, và tương lai và vận mệnh của quốc gia suy vong hay hưng thịnh đều tùy thuộc ở thế hệ của các anh – chị – em, gái cũng như trai.
Các anh – chị – em phải suy luận kĩ càng và mạnh dạn gánh lấy nhiệm vụ lịch sử để cùng góp sức với quân đội trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc hiện nay.
Tôi không đòi hòi ở các anh chị em một việc làm khó khăn, một công tác nguy hiểm, mà chỉ mong các anh chị em nhận thức rõ ràng tình trạng nguy ngập cho đất nước mà tất cả các anh chị em đều có trách nhiệm về sự tồn vong hầu phụ giúp quân đội chóng hoàn thành nhiệm vụ vì cứu quốc.
*
Bản tin tức về việc Quân đội Việt Nam Cộng hòa thi hành sắc lệnh ngày 20-8-1963.
Tại Sài Gòn – Thi hành Sắc lệnh ban hành tình trạng giới nghiêm của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã tức khắc mở các cuộc khám xét nhiều nơi được ghi là khả nghi.
Kết quả, tại chùa Ấn Quang ta đã tịch thâu được ba trái mìn, mười dao găm. Tại chùa Théravada, ta đã tịch thâu được một tiểu liên, mười bốn bánh plastic, radio.
Tại chùa Xá Lợi, ta đã bắt gặp nhiều dụng cụ ấn loát.
Cuộc khám xét chấm dứt hồi 1 giờ 30 sáng.
Công cuộc duy trì an ninh trật tự trên toàn lãnh thổ đang được thi hành nghiêm chỉnh, chúng tôi sẽ lần lượt loan tin trong những bản tin đặc biệt trong ngày.
Sài Gòn: Giới nghiêm từ chín giờ tối đến năm giờ sáng. Lưu thông trong giờ giới nghiêm phải có giấy đặc biệt.
*

Sài Gòn (VTX)
Thiếu tướng Tôn Thất Đính, Tổng trấn Sài Gòn – Chợ Lớn kiêm tư lệnh vùng 3 chiến thuật và quân đoàn 3 vừa ra thông cáo để cho dân chúng rõ về lệnh giới nghiêm tại thủ đô như sau:
Kể từ chín giờ tối ngày 21-8-1963, lệnh giới nghiêm từ chín giờ tối đến năm giờ sáng được áp dụng trong phạm vi thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Dân chúng cư trú trong thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn không được ra khỏi nhà hay đi trong các đường phố trong giờ giới nghiêm mà không có giấy thông hành đặc biệt do nhà chức trách quân sự cấp phát. Người nào bị bắt gặp ngoài đường phố, trong các giờ giới nghiêm mà không có giấy thông hành kể trên sẽ bị nghiêm trị theo quân luật.
Các toán tuần tiễu đã nhận được chỉ thị nổ súng vào bất cứ người nào bị bắt gặp ngoài đường phố trong những giờ giới nghiêm lẩn tránh hay chạy trốn không để toán tuần tiễu xét hỏi.
*
Luân về đến nhà vào bốn giờ sáng. Trong đời hoạt động của anh, đêm vừa qua đặc biệt nặng nề. Cọ xát với thực tế, anh đã có thể kết luận về điều gì nhất thiết phải xảy ra, không ngày mai cũng ngày kia. Khi đám cảnh sát dã chiến, mật vụ xông vào chùa, Luân án ngữ ngay cửa. Anh lóe một chút hi vọng: một sĩ quan cảnh sát nào đó nhìn ra mặt anh và anh có thể đứng ra dàn xếp. Nhưng, chính Thích Đức Nghiệp và Thích Tâm Giác đã lôi anh lên cầu thang. Rõ ràng cả hai không thích cuộc tấn công chùa Xá Lợi bị chận ở ngoài sân. Tiếng kêu thét kinh hoàng bên dưới giống lưỡi dao đâm vào tim Luân. Anh vùng khỏi hai nhà sư, gọi to:
- Dừng lại ngay! Tôi là...
Anh không thể nói hết câu. Bây giờ, không phải hai nhà sư mà đến mấy người lực lưỡng – anh không kịp đếm – vật anh ngã, bịt miệng anh. Anh cố vùng vẫy nhưng đã bị trói tay và chính Thích Đức Nghiệp nhét vào miệng anh chiếc khăn. Họ tống anh vào một góc phòng.
Trận chiến đấu vô nghĩa diễn ra trước mắt anh. Tại đây, anh chỉ quan tâm đến những cái chết, những vết thương mà anh biết không phục vụ cho cái gì cả. Chính phủ Ngô Đình Diệm ngu xuẩn đến độ dùng bạo lực đánh vào tăng ni. Và, một số người mang cái vỏ Phật giáo quyết dùng số tăng ni ấy làm vật hi sinh...
Luân cố cựa quậy. Anh cởi được dây trói anh, rút chiếc khăn khỏi miệng:
- Dừng lại! – Anh thét lớn.
Nhưng, một thanh gỗ - anh không thể biết từ phía nào – đã nện vào gáy anh và anh ngã quỵ, thiếp luôn...
- Dậy!
Luân bừng tĩnh nhờ một cú đá vào lưng của một cảnh sát dã chiến. Anh bị còng tay và bị xô xuống cầu thang. Anh không nhớ đã thiếp bao lâu, nhưng bây giờ cảnh chùa Xá Lợi tan hoang, toàn bộ sư, ni, tín đồ, quần áo tả tơi, máu me đầy người, đang khó nhọc trèo lên những chiếc xe bít bùng.
- Lẹ lẹ... Đồ...!
Có tiếng chửi thề. Và khi Luân nhận ra người chửi thề thì người ấy cũng nhận ra Luân.
- Ủa!...
Người đó là Trần Văn Tư, Giám đốc cảnh sát đô thành.
Tư hốt hoảng. Ông ta vừa chập gót chân vừa quát tên cảnh sát đang lôi xệnh Luân:
- Không được đụng đại tá!
Tên cảnh sát ngơ gác.
- Đứa nào còng đại tá? Mở còng ngay! – Tư quát, nhưng tay vẫn để trên vành kêpi.
Luân không buồn đáp lễ.
- Vì sao đại tá lại lọt vào đây?
Luân không buồn trả lời. Anh rất muốn được theo các tăng, ni đến nơi giam giữ.
Tư ra lệnh ột cảnh sát. Luân biết Tư cho gọi bộ đàm báo cáo với ai đó.
- Đại tá!
Người lao đến Luân là Thạch.
- Trời ơi! – Thạch kêu thảng thốt.
Luân cười an ủi Thạch:
- Không có chi, chú đừng quýnh...
- Em bị ngăn bên ngoài, không sao vào được. Em toan đi gọi điện, nhưng an ninh quân đội đã buộc em bất động trên xe. - Thạch hổn hển phân trần, y như việc vừa xảy ra với Luân là do lỗi của anh ta.
- Trình đại tá, ông cố vấn muốn nói chuyện với đại tá! – Trần Văn Tư báo cáo.
Luân nghiêng đầu nhìn viên chỉ huy cảnh sát thành phố, bước ra cổng chùa – không phải đến máy bộ đàm nói chuyện với Nhu mà lên xe về nhà.
- Còn gì để nói? – Luân lẩm nhẩm.
Dung thức trắng canh chờ chồng. Cô khóc òa khi Luân xuất hiện ở cửa.


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.