Uông Xưởng Công

Chương 805



Trung thu vừa đi qua, Kinh Triệu liền xuất hiện một tin đồn. Tin đồn này ban đầu chỉ được truyền tai nhau giữa các quan viên trong triều, vậy mà cuối cùng lại bùng nổ trên điện Tuyên Chính.

Vào buổi chầu sớm, tư lang trung Lễ Bộ - Dương Doãn Cung bước ra khỏi hàng để bẩm tấu: “Hoàng thượng, thần có việc xin bẩm tấu. Thái tử bất tài, khiến nước nhà rối loạn trong khi giám quốc, khiến đời sống dân chúng khốn khổ. Thái tử bản tính tham lam, lấy tiền bạc của quốc gia làm của riêng, sống trên mồ hôi xương máu của dân chúng… Người bất tài vô đức, xa hoa cực độ như vậy quả thật không xứng làm thái tử của Đại An, vì vậy thần dâng tấu xin phế tử bỏ thái tử.”

Dâng tấu xin phế bỏ thái tử!

Dương Doãn Cung vừa nói hết câu, rất nhiều quan viên trong điện Tuyên Chính liền hít sâu một hơi, đồng loạt nhìn về phía giữa điện với ánh mắt không giấu nổi vẻ kinh ngạc.

Ngay cả tả bộc xạ Thượng Thư - Thiệu Thế Thiện cũng khẽ nhíu mày, liếc nhìn Dương Doãn Cung.

Lễ Bộ trực thuộc sự quản lý của Thượng Thư Tỉnh, Dương Doãn Cung là quan viên cấp dưới của Thiệu Thế Thiện, nhưng việc quan trọng như dâng tấu xin phế bỏ thái tử như thế này mà lại được nói ra từ miệng của quan viên thuộc sự quản lý của ông ta.

Lần này phiền phức lớn rồi!

Thái tử là người kế vị trong tương lai, việc phế bỏ người kế vị là chuyện quan trọng nhất của quốc gia, động một tí là sẽ khiến nước nhà rơi vào sự hỗn loạn lớn.

Là tả bộc xạ Thượng Thư, Thiệu Thế Thiện rất rõ tầm quan trọng của điều này. Ông ta chưa bao giờ nghĩ đến việc dâng tấu xin phế hay lập thái tử, nói một cách chính xác là ông ta chưa từng nghĩ đến việc phế hay lập thái tử vào lúc này.

Đúng là thái tử Trịnh Trọng đã gây nên rắc rối lớn trong thời gian giám quốc, nhưng đây đã là chuyện của mấy năm về trước. Khi đó, hoàng thượng đã tỏ thái độ, chuyện này đã khép lại từ lâu, sao bây giờ lại bị lật ra lần nữa, trở thành chứng cứ phạm tội để công kích thái tử?

Thái tử là người kế vị, quả thật có rất nhiều điều không hợp ý mọi người. Tuy nhiên trong mấy năm qua, thái tử luôn an phận thủ thường, không có sai lầm gì. Bản tấu xin phế bỏ thái tử thực sự không có căn cứ.

Nếu đã như vậy thì việc Dương Doãn Cung dâng tấu xin phế bỏ thái tử là điều bất thường, chẳng khác gì sét đánh giữa trời quang.

Vì sao Dương Doãn Cung lại dâng tấu xin phế truất thái tử vào thời điểm này? Ông ta là quan viên Lễ Bộ, bản tấu này có phải là ý của Lễ Bộ, thậm chí thể hiện xu hướng nào đó của Trung Thư Tỉnh hay không?

Ngay cả bản thân Thiệu Thế Thiện cũng nghĩ như thế thì càng không cần phải nói đến các quan viên khác.

Thật sự thì, ngay đến Vĩnh Chiêu Đế đang ngồi ngay ngắn trên ghế rồng ở trên cao lúc này cũng tràn đầy kinh ngạc, đủ loại suy nghĩ dâng lên trong đầu.

Xin phế bỏ thái tử, đó chính là thay đổi người kế vị của Đại An, là chuyện mà chính Vĩnh Chiêu Đế đã suy nghĩ nhiều lần cũng không dám tùy tiện đưa ra quyết định, thế mà hiện tại quan viên của Lễ Bộ lại dâng tấu xin phế bỏ thái tử ở trên điện Tuyên Chính.

Chuyện khiến Vĩnh Chiêu Đế bất ngờ hơn còn nằm ở phía sau, đó là không chỉ có mình Dương Doãn Cung dâng tấu xin phế truất thái tử.

Sau Dương Doãn Cung còn có một số quan viên của Công Bộ và Thái Bộc Tự bước ra khỏi hàng, cũng dâng tấu xin phế bỏ thái tử.

Cho dù chỉ có một quan viên đưa ra ý kiến như thế này cũng đã là điều không được xem thường, huống hồ bây giờ còn có rất nhiều quan viên làm vậy.

Chuyện này xảy ra quá đột ngột. Không, không hề đột ngột, trước đó đã loáng thoáng có tin đồn như vậy, nhưng Vĩnh Chiêu Đế cho rằng chỉ là tin đồn mà thôi, không thể nói lên điều gì.

Sắc mặt Vĩnh Chiêu Đế không biểu lộ cảm xúc nhưng trong lòng đã dậy sóng, lại nhất thời quên ứng phó với tình huống trước mắt.

Trong tình huống bình thường có người bước ra khỏi hàng dâng tấu, sau đó có người phụ họa giống như thế này, đương nhiên cũng sẽ có người phản đối. Tuy nhiên giờ phút này, trong điện Tuyên Chính lặng ngắt như tờ, không biết văn võ bá quan quá đỗi kinh ngạc hay vì điều gì khác mà đều không có phản ứng gì.

Ngay sau đó, Vĩnh Chiêu Đế liền tuyên bố bãi triều, chuyện bản tấu xin phế truất thái tử dĩ nhiên là để sau hãy bàn.

Sau khi đế vương rời đi, các quan chủ quản Tam Tỉnh như Bùi Đỉnh Thần, Thiệu Thế Thiện cũng vội vã đi tới điện Tử Thần. Tất nhiên, việc thảo luận giữa vua tôi về chuyện này là phải tuyệt đối bí mật.

Có điều, bản tấu của Dương Doãn Cung trên điện Tuyên Chính đã được truyền ra ngoài hoàng cung với tốc độ nhanh chóng mặt.

Khi thái tử Trịnh Trọng nghe được tin tức này, sắc mặt liền trở nên trắng bệch, cả người đều không kiểm soát được mà run lẩy bẩy. Nếu không phải hắn vừa khéo vịn được vào vách tường thì thậm chí đã không đứng vững nổi.

Tim Trịnh Trọng dường như bị quấn chặt bởi nỗi sợ hãi, gần như khó có thể hít thở, cảm thấy bản thân giống như người chết đuối, đã chìm xuống tận đáy nước.

Tai họa ngập đầu, đây chính là tai họa ngập đầu!

Vụ việc của Bình Hoài Thự xảy ra trong thời gian Trịnh Trọng giám quốc năm đó đã khiến thế lực của hắn bị diệt trừ hơn một nửa, thế lực của các gia tộc quyền quý do Lư thị đứng đầu là chỗ dựa lớn nhất của hắn, về sau cũng không còn.

Và còn cả chuyện công chúa Hi Bình cũng làm liên lụy đến hắn. Thế lực của hắn hầu như mất hết, khiến uy tín của hắn gần như bị quét sạch…

Trải qua nhiều chuyện như vậy, Trịnh Trọng hiểu rõ, vị trí thái tử của hắn chỉ như “hoa trong gương, trăng dưới nước” sẽ biến mất bất cứ lúc nào.

Hắn vốn không phải là người thông minh mạnh mẽ, sau khi trải qua những đả kích đó, hắn thật sự cảm thấy sợ hãi, sợ bản thân sẽ lại bị liên lụy lần nữa. Đến lúc đó, đừng nói là vị trí thái tử mà sợ rằng ngay cả tính mạng cũng chẳng còn.

Vì thế những năm qua, hắn làm việc cẩn thận, thận trọng khắp mọi nơi, chỉ sợ mình sẽ có chỗ sơ hở nào đó.

Lúc gặp chuyện, phản ứng đầu tiên của hắn chính là dàn xếp ổn thỏa, thà để bản thân chịu chút thiệt thòi cũng không muốn gây ra tai vạ gì.

Với phương châm này, hắn nhượng bộ từng bước trong thế cuộc triều chính. Nhưng đổi lại sự nhượng bộ đó không phải là điều tốt mà là sự khinh thường.

Hắn biết trong triều có quan viên lén gọi hắn là “thái tử nhu nhược”, ngấm ngầm cười nhạo hắn không ra dáng một thái tử. Nhưng như thế thì đã sao?

“Thái tử nhu nhược” dù sao cũng tốt hơn là thái tử bị phế, thái tử bị chết, chí ít hắn vẫn đang còn sống, hắn vẫn là thái tử.

Trịnh Trọng tưởng rằng bản thân đã nhún nhường để cầu toàn như vậy, đã nhẫn nhịn chịu đựng như vậy là có thể khiến một số người nào đó yên tâm. Song, hắn hoàn toàn không ngờ vẫn có người không buông tha cho hắn.

Hắn đã không còn thế lực gì, chẳng qua chỉ có cái danh thái tử mà thôi, chỉ là công cụ để phụ hoàng cân bằng các thế lực trong triều mà thôi. Nhưng hiện giờ, thậm chí còn không thể làm công cụ nữa sao?

Trịnh Trọng cảm thấy trước mắt tối đen, bàn tay đang vịn vách tường từ từ buông xuống, cả người cũng mềm oặt không còn sức lực mà trượt xuống, chẳng khác gì chó nhà có tang.

Một hồi lâu sau, hắn mới tìm lại được giọng nói của mình, hét lên điên cuồng: “Người đâu! Thay y phục cho bổn điện hạ, bổn điện hạ phải vào cung gặp phụ hoàng!”

Hắn đã làm thái tử hơn hai mươi năm, ngoài làm thái tử ra thì hắn không biết làm gì khác. Một khi hắn trở thành thái tử bị phế, vậy thì…
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.