Tuyển Tập Truyện Dân Gian Việt Nam

Chương 137: Trạng Khiếu



Câu Chuyện Quà tặng cuộc sống: Trạng Khiếu

Trạng Khiếu

Ngày xưa, ở đất Đồng Cống, làng Hữu Thanh, tỉnh Thái Bình, có một người mõ già làng xóm vẫn gọi tên là lão Đốp. Vợ chồng lão Đốp hiếm hoi sinh được một đứa con trai tuấn tú đặt tên là Bé Con. Nhà nghèo hèn, lớn lên Bé Con không được học hành, khi mười lăm tuổi thường ngày vác mõ đi rao thay cha già và đem phần biếu các quan viên.
Bấy giờ có cụ Thượng Lê về hưu trí, giữ chức tiên chỉ, có một người con gái 16 tuổi, tên là Hồng Ngọc. Đã có mấy đám con quan đến dạm hỏi song tiểu thư chưa bằng lòng lấy ai. Đến khi thấy Bé Con đến nhà mang phần biếu, Hồng Ngọc bỗng động lòng thương mến, rồi đâm ra tương tư. Thấy bệnh tình con gái nguy kịch, cụ Thượng bà dò hỏi mới vỡ lở ra rằng Hồng Ngọc đã gặp gỡ thề nguyền với con trai lão Đốp và quyết liều chết một phen nếu không lấy được người yêu.
Cụ Thượng lấy làm xấu hổ thấy con gái mình là một vị tiểu thư lại đi say mê một kẻ cùng đinh thất học, và gia đình một vị quan lớn phải thông gia với một nhà mõ, song lại sợ con chết, đành buộc lòng chiều theo ý con. Cụ Thượng cho mời họ hàng làng xóm đến xơi rượu để tuyên bố là nhà hết phúc, con gái nhà quan không chịu lấy chỗ môn đăng hộ đối, lại tình nguyện lấy con nhà mõ, cụ đành gả cho mà đuổi đi không nhận là con nữa.
Hồng Ngọc thu vén tư trang quyết chí đưa chồng đi nơi xa, tìm thầy cho học. Có cụ Thượng Phùng, vốn là bạn cũ với cụ Thượng Lê, mở trường dạy học danh tiếng tại Thanh Hóa, Hồng Ngọc đưa chồng vào đấy, nói dối là em trai út, vì học dốt và lười biếng, cha ghét đuổi đi, chị xót thương vì em, phải kiếm vốn đưa đi, buôn bán nuôi cho em ăn học, đợi đến khi thành danh sẽ đem về. Cụ Thượng Phùng nghe nói là con trai cụ Thượng Lê, nên sẵn lòng dạy bảo, xem con bạn cũng như con mình. Rồi cho dọn một buồng riêng tại nhà cho Hồng Ngọc ở để buôn bán nuôi em ăn học, còn Bé Con thì trọ tại nhà ngoài với các cậu con mà học, cho tiện nơi sách đèn.
Sau thời kỳ phá ngu, Bé Con học đâu nhớ đó, văn chương thơ phú lỗi lạc nhất trường, bạn bè không ai theo kịp. Học đến đầu năm thứ ba, một hôm cụ Thượng Phùng gọi Hồng Ngọc mà bảo rằng:
“Cậu em học chắc khoa này đỗ đầu thiên hạ, vậy cô về thưa với cụ loại khai cho cậu em đi học để đến kỳ thi vào thi, kẻo không kịp hạn”.
Hồng Ngọc bấy giờ mới khai thật Bé Con là chồng mình và kể lại sự tình đã xảy ra rồi thưa:
“Nhờ thầy mở trí cho, chồng con lại học được, nhưng chưa đỗ đạt gì thì con chưa dám về, mà nếu có về nói, cha con cũng chẳng tin nghe mà cho tên loại khai thi hạch, vậy xin thầy cho chồng con nhập tịch ở đây, nhờ thầy nói với làng, may ra chồng con thi đỗ rồi sẽ xin cải chính về làng cũ cũng được”.
Cụ Thượng Phùng ngẫm nghĩ rồi viết thư gửi cụ Thượng Lê kể hết mọi sự và mời bạn vào chơi để định liệu cho cậu con rể tài giỏi đi thi. Cụ Thượng Lê nhận được thư, động lòng thương xót rể, báo tin cho vợ hay. Cụ Thượng bà mừng rỡ giục chồng đi gặp hai con.
Vào Thanh, sau cuộc hàn huyên của đôi bạn già, cụ Thượng Phùng giở tập văn của Bé Con đưa cho cụ Thượng Lê xem. Suốt mấy trăm bài, cụ Thượng Lê đều chịu con rể có tài văn chương khôi giáp, nhưng lại ngờ có thầy tô điểm vào chăng, bèn cho gọi Bé Con vào để thử tài, ra đề cho làm một bài luật thi vịnh chiếc mõ, Bé Con vâng lời, múa bút viết luôn một hơi tám câu thơ:
Vì thiên hạ điếc đã lâu ngày,
Trời mới sinh ra chiếc mõ thày.
Phép nước vang lừng ran cửa miệng,
Lệnh làng thét lẹt khét trong tay.
Việc quan thúc bách ba dùi đốp,
Lộc thánh gia ban mấy hộc đầy;
Lốc cốc tre già măng lại mọc,
Đầu đình chót vót bổng tầng mây.
Cụ Thượng Lê xem xong vỗ đùi, tán thưởng:
– “Rõ ra khẩu khí con ông lão Đốp mà văn chương trạng nguyên”.
Rồi bảo rằng:
– “Không có lẽ con rể lại cùng họ với bố vợ. Con là con ông Đốp thì ta đặt cho con là họ Khiếu mà tên là Hữu Thanh. Để ta về bắt lý trưởng loại khai cho con mà đi hạch đi thi, chứ cha nào có nén tài con?”
Đoạn gọi Hồng Ngọc lên thăm vỗ về:
– “Khen con thật đã có mắt tinh đời, cha đành chịu cái lỗi không biết người mà từ tạ với con. Con cứ ở đây mà nuôi cho chồng ăn học, bao giờ chồng con thi đỗ sẽ vinh qui và vu qui một thể, lại càng rạng tỏ môn mi”.
Khoa hương năm ấy ở trường nam, Khiếu Hữu Thanh giật giải nguyên. Khi xướng danh ban yến, cụ Thượng Lê nghe tiếng viết thư bảo về vinh qui, song chàng thủ khoa từ tạ chưa chịu về làng, trở lại Thanh Hóa tạ ơn thầy rồi ở luôn tại đây học, bảo vợ gắng chờ sang năm thi hội và thi đình chiếm được bảng vàng hẳn về bái tổ vinh qui và vu qui, thăm mừng cha mẹ đôi bên.
Tới kỳ xuân thi, luôn bốn kỳ thông ưu, Hữu Thanh đỗ hội nguyên, rồi vào đình được vua Lê sắc tứ “Đệ nhất giáp tiến sĩ cấp đệ đệ nhất danh”.
Khi vào dự yến, cỡi ngựa xem hoa, chàng tân trạng nguyên dâng tạ biểu về vinh qui, vua Lê ngỏ ý muốn gả công chúa Quỳnh Hoa. Nghĩ tình Hồng Ngọc đã yêu thương gầy dựng cho mình được vinh hiển ngày nay, chàng không nỡ để cho vợ phải ở hàng dưới con vua nên cứ tình thật trình bày cùng vua để từ tạ. Vua khen chàng có nghĩa, ban cho biểu vàng “Ân tứ vinh qui” và gia ban cho “Ngự tứ hôn“.
Hàng tỉnh được giấy sức đi đón rước tự thành Nam trở về, cờ xí rợp trời, trống chiêng dậy đất, ngựa chàng đi trước, võng nàng theo sau. Cụ Thượng Lê kết lầu hoa đón rể và con. Những người trước kia đã chế diễu tiểu thư Hồng Ngọc lấy con trai lão mõ đều che nón không dám trông.
Cụ Thượng Hà bạn đồng liêu với cụ Thượng Lê, đến dự tiệc mừng Trạng Khiếu vinh qui, trong lúc cao hứng, ngỏ ý muốn gả cô gái lên mười tám làm vợ thứ cho Hữu Thanh. Trạng Khiếu cười đáp:
“Việc đó thì tùy ở vào nhà tôi có bằng lòng cho lấy vợ lẽ tôi mới lấy, chứ đến như công chúa Quỳnh Hoa sang đẹp là thế, nhà vua muốn gả mà tôi cũng xin từ vì đã có vợ nhà rồi”.
Hồng Ngọc nghe thế mới bảo rằng:
“Công chúa Quỳnh Hoa vì sang đẹp hơn tôi mà cậu không chịu lấy, chứ tiểu thư Bích Châu con cụ lớn đây thì tài sắc cũng xuýt xoát với tôi, lại là chỗ chị em bạn gái trong làng, tôi thiết tưởng cậu nên nhận lời, để về đỡ tôi cùng gánh vác giang sơn cho cậu, càng hay chứ sao”?
Ngày hôm ấy, Hồng Ngọc đón tiểu thư Bích Châu về làm vợ thứ cho chồng, chị em trên kính dưới nhường, thương mến nhau theo khuôn phép.
Trạng Khiếu làm quan được mấy năm thì lên chức Thượng thư, rồi tể tướng, ngoài bốn mươi năm sự nghiệp hiển hách. Đến khi cáo lão về làng, dân xã lập sinh từ, nay là đền quan Trạng Khiếu tại quê cũ Đồng Thanh. Con cháu họ Khiếu về sau ngày càng đông đúc, kể có mấy trăm người, nhiều kẻ thi đỗ cao, đời nào cũng có kẻ hiển đạt. Người sau noi về dòng dõi trạng nguyên con lão mõ làng có thơ truyền rằng: “Họ Khiếu vang trời kêu tiếng mõ kêu”. Tagged cổ tích cho bétrạng khiếuTruyện dân giantruyện hay cho bétruyện trạng nguyên
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.