Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 36: Quan Văn điện, Ngu Thế Nam thảo chiếu, Ái Liên đình, Viên Bảo Nhi khinh sinh.





Từ rằng:
Hứng thú chưa nguôi tình chưa mỏi
Sớm nghe ra lòng bồi hồi
Ngàn vui trăm thích chuyện loanh quanh
Muốn khoe vẻ tài tử
Cắn bút bài chưa thành
Đáng khen họ Ngu nguồn văn mạnh
Liếc nhìn người đẹp ngâm nga
Cớ sao hồ nước đành gieo mình?
Thấy cảnh lòng tan nát
Dứt thịt gọi "ái khanh!" .
Theo điệu "Lâm giang sơn"
Dượng Đế vốn rất hiếu thắng, việc gì cũng cậy mình tài giỏi, kịp đến khi thảo chiếu chinh phạt, thì mới thấy mình Giang Lang tài tận 1. Viên Bảo Nhi tính tình ngây thơ, liền nói vài câu châm chọc, đến tai Dượng Đế, khiến Dượng Đế buồn rầu vô hạn. Thế mới biết chuyện tài tình thật giả cũng không phải dễ mà lừa dối cho được.
° ° °
Lại nói, Dượng Đế cùng Tiêu Hậu, sau cuộc chơi trăng, một cuộc chơi mà các đời vua chúa cũng ít đời nào có cho được như thế, trở về cung, khi trống đã điểm canh năm mới cùng Tiêu Hậu đi nghỉ, nên ngày hôm sau tới giữa trưa mới dậy. Dượng Đế vì vẫn còn hứng thú chưa hết, lại nghĩ đến những lời thề thốt nhỏ to cùng với Quý Nhi trên yên ngựa, nhớ lại cảnh trăng khuya trong sáng, tình thật khó quên, chỉ giận trước kia đối với Quý Nhi chưa thật hậu tình, định ngày mai gọi Quý Nhi vào cung, cùng nhau trò chuyện, nhưng lại nghĩ: "Hôm nay, hoàng hậu có lẽ không sang Tây Uyển, chi bằng sang viện Nghênh Huy, thân thiết riêng với Quý Nhi một phen".
Toan tính xong xuôi lại thấy một người nội giám vào tâu:
- Sa phu nhân ở viện Bảo Lâm, tối qua vì cưỡi ngựa quá sức, trở về viện đau bụng dữ dội, sau đó đẻ non một nam nhi, nhưng không sống nổi. Nay phu nhân rất yếu, thần khí hôn mê, nên vội sai kẻ bề tôi này lại trình chúa thượng biết.
Dượng Đế nghe nói, dậm chân than:
- Tiếc thay! Thương thay! Đêm qua đáng ra không được cho Sa phu nhân đi, đó chính là lỗi ở trẫm không chu đáo.
Liền sai nội giám:
- Gọi Thái y Sào Nguyên Phương, tới ngay viện Bảo Lâm, xem mạch, bốc thuốc cho Sa phu nhân.
Và truyền cho nội giám ở viện Bảo Lâm:
- Ngươi về viện, thưa với phu nhân trẫm sẽ tới thăm ngay.
Tiêu Hậu nghe nói, cũng thở vắn than dài, và cho cung nữ tới hỏi thăm tin tức.
Dượng Đế ngự thiện buổi sáng xong, lên xe rồng định tới cung Bảo Lâm, thấy Trung thư thị lang Bùi Cử, tới dâng biểu triều cống của các nước, và thưa:
- Đột Quyết ở phía bắc, các nước Cao Xương ở phía tây, các tù trưởng ở vùng Sơn Khê phía nam, đều tới triều cận, duy chỉ có Vương Nguyên ở Cao Ly cậy mạnh không đến.
Dượng Đế nổi giận:
- Cao Ly tuy là nước ở góc biển, vẫn là đất phong của Cơ Tử ngày xưa, từ đời nhà Hán, đời Tấn trở lại đây, vẫn thần phục, đều là quận huyện của Trung Quốc, cớ sao bây giờ lại như vậy?
Bùi Cử thưa:
- Sở dĩ Cao Ly dám ngang ngược bởi cậy có hai mươi tư đạo, lại có ba con sông ngăn trở là Liêu Thủy, Áp Lực Giang, với Bối Thủy. Nếu muốn chinh phạt phải thủy lục cùng tiến mới xong. Hiện nay dãy Trường Thành phía bờ biển này, nghe nói đã đổ nát, mà vẫn chưa tu bổ gì được. Đường bộ thì không nói làm gì, từ Đăng Lai cho tới Bình Nhưỡng đều phải dùng dường thủy. Cho nên phải có người trí dũng kiêm toàn, mới có thể gánh vác được việc này.
Dượng Đế nghĩ ngợi hồi lâu, rồi sắc cho Vũ Văn Thuật đôn đốc chế tạo thuyền chiến, khí giới, phong cho làm Chinh Cao Ly tổng soái, Sơn Đông hành đài tổng quản Lai Hoạch Nhi phong làm Chinh Cao Ly phó sứ, còn các tướng khác, thì cho phép Vũ Văn Thuật, Lai Hoạch Nhi tùy tiện bổ dụng. Quan lại các cấp không được cản trở, theo đúng kỳ hạn mà làm, tùy theo công trạng mà thăng thường. Dượng Đế nhân Bùi Cử tâu việc Trường Thành sụt lở ở vùng duyên hải, liền nghĩ tới chuyện tu sửa, lại sợ đem ra đình thần bàn luận, lắm ý vào ra, liền viết luôn một đạo sắc chỉ, lệnh cho Vũ Văn Chúc làm Tu thành đô hộ, Vũ Văn Khải làm Tu thành phó sứ, phía tây từ Du Lâm, kéo mãi tới Tử Hà ở phía đông, phải bồi đắp các đoạn sụt lở lại như cũ. Sai phái xong, Bùi Cử vâng mệnh trở ra. Dượng Đế lên xe về Tây Uyển. Chưa được một dặm, đã thấy Thủ uyển thái giám Mã Thủ Trung chạy theo tâu:
- Đô viện Ma Thúc Mưu, hiện giờ chờ ở ngoài cửa xin được yết kiến chúa thượng.
Lúc này Ma Thúc Mưu đào sông đã xong, cưỡi ngựa về Đông Kinh phục chỉ. Dượng Đế nghe tâu lại phải vào điện ngồi, cho Mã Thủ Trung dẫn Ma Thúc Mưu vào. Thúc Mưu cùng thừa tướng Vũ Văn Đạt, Hàn Lâm học sĩ Ngu Thế Cơ tiến vào, Thúc Mưu lạy chào xong xuôi rồi thưa:
- Đường thủy đi Quảng Lăng, hạ thần đã đào xong, không rõ đến bao giờ thì bệ hạ có thể đi tuần thú phương Nam?
Dượng Đế hỏi chuyện dùng hết bao nhân công, sông sâu nông, rộng hẹp, dài ngắn ra sao, Ma cứ thế thuật lại tỷ mỉ. Dượng Đế vừa lòng lắm, thưởng cho rất hậu, lưu lại kinh đô để sai phái, chờ ngày tuần thú phương Nam. Vũ Văn Đạt tâu:
- Sông đào đã thông, bệ hạ tuần du, cần phải có mấy trăm thuyền rồng, như thế mới đúng nghi thức thiên tử, bằng đi thuyền dân chúng bình thường thì thật là bất tiện.
Dượng Đế đáp:
- Đúng lắm!
Vũ Văn Đạt lại thưa tiếp:
- Hoàng môn thị lang Vương Hoằng rất tháo vát, bệ hạ nên lệnh cho y tu tạo, nhất định sẽ vừa ý bệ hạ.
Dượng Đế bằng lòng, lại ban sắc chỉ, mệnh cho Vương Hoằng, ở vùng Giang Hoài, phải đóng mười chiếc thuyền rồng đệ nhất hạng, năm trăm chiếc thuyền rồng đệ nhị hạng, các loại thuyền linh tinh khác một nghìn chiếc, hạn trong bốn tháng phải xong. Ngu Thế Cơ lại thưa:
- Theo như ngu ý của thần, thì thuyền rồng đóng thế nào mà chẳng khác gì điện các ở trên cạn vậy. Để không thể nào gọi đó là những thuyền hình chim tu hú, thuyền hình ngỗng. Nhưng đã thế thì việc chống chèo sẽ làm thế nào?
Dượng Đế đáp:

- Việc chống chèo thì phải có thủy thủ thôi!
Ngu Thế Cơ thưa:
- Cứ theo ngu ý, chẳng gì đẹp tốt hơn là bệ hạ dùng gấm của Thục chế thành buồm, rồi lại lấy tơ ngũ sắc, bện thành dây thật chắc, buộc vào cột buồm. Có gió thì cứ giương buồm gấm Tây Thục lên mà đi, không có gió thì bắt dân phu dùng dây tơ ngũ sắc mà kéo, thật chẳng khác gì tòa lầu, điện các mà lại có chân đi được. Chẳng sợ gì thời tiết, gió mưa?
Vũ Văn Đạt vẽ thêm:
- Chuyện này rất hay rồi. Nhưng sợ rằng dùng phu kéo, trông không được đẹp. Bệ hạ sao không sai người đến vùng Ngô Việt, tuyển con gái khoảng mười lăm mười sáu, chia ra thành từng nhóm, từng đội như các cung nữ. Không có gió thì cho kéo dây đỏ ngũ sắc, có gió thì cho ngồi ôm mái chèo quanh thuyền. Bệ hạ dựa lan can mà ngắm, thật thú vị biết bao!
Dượng Đế cả mừng, lập tức sai bọn thái giám đắc lực Cao Xương, về vùng Ngô, Việt, tuyển lấy một nghìn con gái mười lăm, mười sáu tuổi, làm đội "Điệu cước nữ" 2. Ngu Thế Cơ còn tiếp thưa:
- Thánh chỉ chinh Liêu đã có, nay sông đào lại cũng đã xong, thuyền rồng cũng sẽ có ngay. Chi bằng nay cứ lấy danh nghĩa là chinh Liêu, còn chuyện tuần thú phương Nam làm sự thực, cũng không nói là trưng binh, chẳng cần phán là thu lương, chỉ cần ra một đạo chinh Liêu chiếu thư, bá cáo khắp thiên hạ. Nước Liêu là nước nhỏ, tự nhiên nhìn gió bay cờ mà hàng phục, trong khi đó thì bệ hạ vẫn đi tuần du Quảng Lăng. Thế có phải là lo một mà được hai việc không?
Dượng Đế lại càng hớn hở:
- Khanh nghĩ thật không chê vào đâu được? Cứ như lời khanh tâu mà làm.
Chúng quan lạy chào ra khỏi điện. Dượng Đế vì bàn bạc mọi chuyện, quên hẳn việc đến viện Bảo Lâm, thấy Quý Nhi cùng Bảo Nhi hai người tới. Dượng Đế hỏi:
- Các khanh từ đâu tới?
Bảo Nhi thưa:
- Bọn thiếp từ viện Bảo Lâm, thăm Sa phu nhân rồi tới đây.
Dượng Đế sực nhớ:
- Đúng rồi? Sức khỏe Sa phu nhân ra sao rồi!
Quý Nhi thưa:
- Sức khỏe thì thái y nói không có gì đáng ngại. Chỉ tiếc là không thể nào cứu được Thái tử.
Dượng Đế nói với Quý Nhi:
- Khanh hãy đi trước nói thay cho trẫm là, từ sáng tới giờ, trẫm phải lo thảo chiếu thư, không lúc nào rỗi, đợi công việc xong xuôi, trẫm sẽ tới thăm ngay. Nói xong, khanh lại đến đây.
Quý Nhi vâng mệnh trở ra.
Dượng Đế cùng Bảo Nhi tới Quảng Văn điện định tự tay viết chiếu thư, để khoe khoang với bề tôi. Nhưng ai ngờ muốn thì dễ, nói cũng dễ, chỉ có làm mới khó thôi. Dượng Đế cầm bút, nghĩ phải nghĩ trái, nghĩ đi nghĩ lại, nâng lên đặt xuống, mà chỉ được hai ba hàng, giơ lên xem lại, vẫn thấy không được, câu chẳng ra câu, ý chẳng ra ý, trong lòng vô cùng bực tức, đặt bút xuống, đứng dậy, đi loanh quanh một vòng, vừa đi vừa nghĩ ngợi. Bảo Nhi thấy thế khẽ cười thưa:
- Bệ hạ chẳng phải là từ thần, cũng chẳng phải sử quan, việc gì phải lao tâm khổ tứ đến thế?
Dượng Đế đáp:
- Nếu trẫm không ngự lãm việc này, chỉ sợ rằng các quan ở Viện Hàn Lâm, chẳng người nào chân tài thực học có thể làm được.
Bảo Nhi thưa:
- Ở Viện Hàn Lâm nhất định sẽ có người biết việc thảo chiếu, viết thư, soạn sách trình bệ hạ. Nay bệ hạ chỉ cần chọn một người vốn tài cao học rộng, gọi vào điện, cho thảo thử xem sao. Nếu chưa thật vừa ý, thì sửa lại. Việc gì phải trầm tư mặc tưởng khổ sở đến thế?
Dượng Đế lại nghĩ ngợi một hồi rồi phán:
- Có đây rồi!
Bảo Nhi vội hỏi:
- Ai thế? Thưa bệ hạ!
Dượng Đế đáp:
- Anh em nhà Hàn Lâm học sĩ Ngu Thế Cơ, tên gọi là Ngu Thế Nam, hiện đang giữ chức Bí thư lang. Người này có tài học lớn, nhưng không chịu sống hòa thuận với ai bao giờ, nên đã mấy năm nay vẫn chưa được thăng thưởng gì cả. Nay có việc thảo chiếu thư này, hãy gọi vào đây, lệnh cho viết thử xem sao?
Liền gọi hoàng môn gấp đi tuyên triệu Ngu Thế Nam, vào ngay Quảng Văn điện nghe mệnh hoàng đế.
Chẳng bao lâu, hoàng môn đã đưa Ngu Thế Nam vào. Lạy chào xong, Dượng Đế phán:
- Gần đây Liêu Đông Cao Ly cậy xa không chịu triều cống, trẫm sẽ thân chinh thảo phạt, nhưng trước hết cần phải viết một đoạn chiếu thư, báo cáo với bốn phương. Sợ Hàn Lâm Viện thảo không xứng ý trẫm, sực nhớ ra khanh là bậc tài học uyên bác, tất có những chỗ lập luận diệu kỳ, văn từ sâu sắc, nên triệu khanh vào đây, thảo cho trầm một tờ chiếu vậy.
Ngu Thế Nam thưa:
- Tiểu thần tài sức quê mùa, may ra chỉ tả được cảnh mây, gió, trăng, hoa, chứ làm sao mà hiển dương được thánh ý!
Dượng Đế đáp:
- Khanh không phải nhún nhường quá thế!
Rồi sai hoàng môn, kê một án thư riêng ngay bên phải điện Quảng Văn, rèm gấm vây quanh, đem đủ giấy, mực, nghiên, bút đặt trên án thư, lại ban cho đôn gấm để ngồi. Ngu Thế Nam tạ ơn, mở giấy ngự cũng chẳng phải nghĩ ngợi gì lâu, cầm bút mà viết, chẳng khác gì rồng cuốn rắn lượn, gió quét từng đợt trên giấy, không một lúc ngừng tay, chẳng mấy chốc đã viết xong, đưa trình Dượng Đế, Dượng Đế mở ra xem, thấy viết:
"Đại Tùy Hoàng Đế, vì Liêu Đông Cao Ly lỗi đạo lớn tôi con, nên phải cất quân chinh phạt. Trước xuống chiếu cho bốn phương thấy rõ uy vũ của thiên triều, đức dày của thánh đế.
Chiếu rằng:
Trẫm nghe:
Vũ trụ không hai vùng trời đất

Cổ kim chỉ một đạo vua tôi
Hoa Di tuy cách, nhưng hoàng đế giáo hóa không phân nội ngoại
Phong khí dù riêng, mà thần dân tôn triều chẳng kể xa gần
Nếu thuận thì lấy đức mà vỗ về, ban ơn mưa móc
Nếu nghịch thì dùng uy mà răn đánh, nổi giận búa rìu
Muôn phương triều cống, Nghiêu Thuấn nhận để mừng chữ thái bình
Một đứa ngoan ngu. Văn Vương dùng để lo câu răn dạy.
Thế cho nên:
Cao Tông có việc đánh Phương Quỷ 3, không nề khó nhọc ba năm
Hoàng Đế đem quân diệt Trác Lộc 4 chẳng ngại gian nan trăm trận
Đánh rợ Hiểm Doãn 5 vị nguyên lão nhà Chu thành công
Khắc đá núi Yên Nhiên 6 tướng Phiên diệu nhà Hán đại thắng
Từ xưa các bậc thánh đế minh quân chưa hề có việc thôn tính Di dịch, mà luôn luôn một dạ khoan dung
Huống chi Liêu Đông Cao Ly vốn trong vòng Điện Bặc 7 mà sao dám:
Ngạo nghễ không theo, tổn thương lượng cao dày của đấng vương giả
Ngông nghênh quen thói, xúc phạm uy sấm sét của trời Trung Hoa.
Cho nên:
Chỉnh đốn can qua, rạng rỡ thiên triều danh phận
Quan minh sát phạt, răn đe ngu tối lăng loàn
Hổ bôn ngàn đội, xông vào tổ mối, khác nào tuốt lá khô, bóp gỗ mục
Châu chấu một đàn, chống cự xe trời, đúng như cày vườn trống, cuốc ruộng hoang
Bảo cho:
Nếu biết mau mau đổi nết biết điều, thì cũng được nhờ ơn như Tam
Mêu thuở trước
Bỏng như ương bướng giữ bề ngoan cố, thì sẽ chịu lây tội như Lâu
Lan ngày xưa.
Thương vì:
Cũng thể dân đen, lẽ nào gạt ra vòng che chở
Đều bầy con đỏ, không nỡ lột hết manh áo quần
Sáu quân dậy đất, há như nghìn đội vương sư
Năm sắc rợp trời, cũng để hiếu sinh một cửa
Nộp khoản kịp thời, chuộc mình còn kịp
Binh hùng kéo đến, trăm miệng khôn phân
Sớm khá trước lo
Khỏi bề sau hối.
Nay chiếu
Đại nghiệp, năm thứ 8, tháng 9, ngày 22 8
Dượng Đế xem hết, cả mừng, cười lớn:
- Bút chạy không lúc ngừng tay, văn chẳng hề phải chữa một chữ. Khanh thực là bậc kỳ tài. Người xưa nói: văn chương Hoa Hạ, nay thấy khanh thảo chiếu, mới thật rõ thế nào là Hoa Hạ. Lần này bình định Liêu Đông, công của khanh quả là không nhỏ. Vậy phiền khanh viết luôn cho.
Liền gọi thị thần đem một tờ hoàng ma, là thứ giấy quý chuyên dùng viết chiếu thư của hoàng đế, trải lên án thư. Ngu Thế Nam, không dám không tuân, lập tức cầm bút, rõ ràng từng chữ theo lối chữ khải, viết lên giấy hoàng ma. Dượng Đế thấy thế, càng thêm trân trọng nhân tài, khen ngợi mấy câu, nhưng bởi Ngu Thế Nam phải chăm chú để viết, không thể nào trình tâu ngay được. Lúc này Bảo Nhi cũng đứng hầu một bên, nên Dượng Đế định quay lại nói chuyện với Bảo Nhi, thì thấy đôi mắt Bảo Nhi tròn như hạt châu, đang như ngây như dại nhìn Ngu Thế Nam viết chữ, đến quên cả chớp mắt, Dượng Đế thấy thế bèn không lên tiếng nữa, mặc cho Bảo Nhi nhìn.
Có lẽ Bảo Nhi thấy lúc Dượng Đế thảo chiếu, bứt đầu vò tai khổ sở mà chữ nghĩa vẫn không ra, nay thấy Ngu Thế Nam múa bút chữ như rồng bay phượng múa, trong lòng thầm nghĩ: "Vô tài dầu có gắng sức gia công cũng chẳng nên trò gì. Thực tài thì thật là tha hồ tung hoành ngang dọc". Lại thấy Ngu Thế Nam dáng người thanh thoát, nhẹ nhàng, đến như không mang nổi áo, đúng như cổ nhân thường khen: "Nhược bất thắng y", cho nên lại càng làm Bảo Nhi thất thần. Mãi lúc sau, quay đầu nhìn lại, Dượng Đế đang chăm chú nhìn mình, như thấy rõ những ý nghĩ sâu kín ấy nên giật mình sợ hãi, mặt mày đỏ bừng, trong người bứt rứt không yên, chẳng nói nên lời, nhìn Dượng Đế. Dượng Đế cũng chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ cười, biết rõ tính tình của Bảo Nhi lâu nay, nên Dượng Đế cũng chẳng nghi hoặc gì lắm.

Ngu Thế Nam viết xong chiếu, trình lên, Dượng Đế thấy nét chữ tươi đẹp rõ ràng, trong lòng mười phần hoan hỉ, gọi ngay tả hữu, rót thưởng cho ba chén rượu, lấy làm nhuận bút. Ngu Thế Nam bái nhận cạn chén, Dượng Đế hỏi:
- Khanh thật có tài nhả ngọc phun châu, lời lời hàng hàng uẩn súc thật đáng phục. Nhưng không biết những chuyện người đời đồn đại có đáng tin không?
Ngu Thế Nam thưa:
- Chuyện ngụ ngôn của Trang Tử, là những lời phúng thích rất đẹp đẽ nhưng đều là những điều huyễn hoặc của mồm miệng từ chương. Kẻ quân tử có tình mà chưa nói hết lẽ, cũng chưa đáng tin. Nếu được như sử ghi; kinh truyện thì tuy có kỳ quái, vẫn còn có chỗ đáng tin được.
Dượng Đế lại hỏi:
- Trẫm xem "Triệu Phi Yến truyện", nghe nói Triệu có thể đứng múa trên bàn tay người khác, lưng eo nhẹ nhàng, chưa đầy chét tay, gió thổi cũng có thể bay. Thường ngờ rằng kẻ làm văn chương có thêm bớt ít nhiều, phụ nữ trên đời này, mấy ai được như thế. Nay hãy cứ trông dáng điệu của Bảo Nhi đây, mới thấy rằng người xưa kể lại cũng không phải là chuyện hư ảo cả.
Ngu Thế Nam thưa :
- Viên Mỹ nhân có dáng dấp thế nào kia? Thưa chúa thượng!
Dượng Đế đáp:
- Bảo Nhi thì có nhiều dáng dấp ngây thơ, chả cần bàn đến cả làm gì, chỉ việc thấy khanh vung bút, đã nhìn chăm chú, mắt không muốn rời, thật là có ý khâm phục tài năng, cũng không phải là một dáng dấp đẹp hay sao. Khanh là kẻ có tài, hãy đừng phụ tấm lòng như vậy, thử làm một bài thơ về việc đó, để cho Bảo Nhi có thể cùng với Phi Yến, được truyền tụng trên đời này chăng?
Ngu Thế Nam nghe ra, không tiện chối từ, bước đến bên án, chẳng nghĩ gì lâu, cầm bút viết ngay bốn câu, trình lên Dượng Đế cầm xem thấy:
Bút hạ hoa tiên nét chửa thành
Vén tà áo đỏ đứng ngây nhìn
Bởi thế dung nhan càng yểu điệu
Lên điện thường theo chúa thánh minh.
Dượng Đế xem xong thích lắm, bèn nói với Bảo Nhi:
- Thật là những câu thơ tuyệt tác, chẳng phụ lòng ngươi đứng ngây nhìn cảm phục.
Lại sai ban cho ba chén rượu, Ngu Thế Nam uống xong, từ tạ ra khỏi điện, Dượng Đế còn hứa:
- Khổ khanh phải hết văn đến thơ, ngày khác trẫm sẽ thăng thưởng.
Ngu Thế Nam lại phải tạ ơn một lần nữa.
Chính là:
Văn chương chẳng biết nơi nào bán
Chinh chiến mà yên đến bỏ thừa!
Dượng Đế thấy Ngu Thế Nam đã về, bèn đưa chiếu thư cho nội tướng, huyện lệnh cho bộ Binh đem bá cáo khắp bốn phương, để khắp miền đều biết hoàng đế sẽ ngự giá chinh phạt. Nội tướng vâng mệnh, Dượng Đế lại cầm bài thơ của Ngu Thế Nam, đưa cho Bảo Nhi:
- Ngu Thế Nam chỉ trong phút chốc mà làm được bài tứ tuyệt này. Vừa mẫn tiệp, vừa có ý, có tình vậy.
Bảo Nhi cười thưa:
- Nghĩa của bài thơ ra sao, tiện thiếp quả không hiểu. Nhưng trông chữ viết thì thật là hàng hàng gấm thêu.
Dượng Đế lại cười, khẽ nói:
- Ngày mai, trẫm sẽ đem khanh thưởng cho Ngu Thế Nam làm vợ bé, ý khanh ra sao?
Bảo Nhi thấy nói thế, vội mặt ủ mày chau, lặng yên không đáp.
Dượng Đế đang còn định đùa Bảo Nhi nữa, bỗng thấy phía khóm tường vi bên trái, nghe như có ai đang thổi tiêu. Dượng Đế bèn đứng dậy, lững thững ra xem sao, loanh quanh một lúc, quay lại, không thấy Bảo Nhi đâu cả, đang định cho người tìm, thì nghe ở phía Ái Liên đình phía tây, có tiếng la hét.
- Có người nhảy xuống hồ!
Nguyên do Bảo Nhi giận mình trong một lúc lỡ ý, xem Ngu Thế
Nam thảo chiếu, để Dượng Đế nhận ra, muốn đem Bảo Nhi tặng Ngu Thế Nam, chẳng phân biệt được lời đùa lời thật, tự giận mình, liền lặng lẽ đi ra, nhảy xuống hồ, để may ra thanh minh cho tấm lòng của mình chăng?
Dượng Đế đi lại phía hiên tây của ái Liên đình, thấy một nội tướng ẩm từ dưới hồ lên một cung nga, nhận ra Bảo Nhi, giật mình hoảng hốt. Bảo Nhi mặt mày nhợt nhạt, hai mắt nhắm chặt, cả người đầm đìa những nước, Dượng Đế vào đình, ngồi lên trên một bệ cao, gọi nội tướng khiêng Bảo Nhi lại, hỏi nguyên do:
- Có phải vừa rồi Bảo Nhi ra hồ rửa tay, hay làm gì đó, rồi trượt chân ngã xuống hồ không?
Một nội giám thưa:
- Vừa rồi kẻ hèn này ngẫu nhiên đi tới đây, thấy Viên Mỹ nhân mặt mày đẫm lệ, chạy nhanh về phía hồ, nhảy xuống rõ ràng.
Dượng Đế cười hỏi Bảo Nhi:
- Cái con bé ngớ ngẩn này, gây ra chuyện là bởi tại làm sao?
Rồi cùng với nội giám cởi áo ngoài ra cho Bảo Nhi, thì mới thấy cả quần áo trong đều đã ướt cả, liền sai cung nhân, mau lấy quần áo khác cho Bảo Nhi thay. Dượng Đế thấy mọi người đã đi xa, bèn hỏi tiếp:
- Vừa rồi trẫm chỉ mới đùa thế, sao khanh lại cho là chuyện thật. Trẫm làm sao mà thiếu khanh một giờ một khắc cho được!
Bảo Nhi thấy nói thế mới tấm tức khóc, thì Hán Tuấn Nga cùng Chu Quý Nhi, tay mang quần áo từ từ đi lại, vừa đi vừa cười. Tuấn Nga hỏi:
- Đây là vì bệ hạ cần các cô gái giặt lụa, "Hoãn sa nữ" 9 ôm đá mà gieo mình xuống sông đây mà!
Dượng Đế đem chuyện Ngu Thế Nam thảo chiếu, cùng lời đùa của mình kể lại một lượt. Quý Nhi gật gật đầu khen:
- Phụ nữ phải cương quyết thế mới được.
Rồi cả hai thay quần áo cho Bảo Nhi, Quý Nhi thấy vạt long bào của Dượng Đế có vấy ít bùn nước, đòi đem áo khác để Dượng Đế thay, Dượng Đế không nghe mà còn nói:
- Trẫm phải mặc cái áo này, để biểu dương gương trinh liệt của mỹ nhân.
Tuấn Nga cười thưa:
- Bệ hạ không thể hiểu được chúng thiếp đã phải chiều chuộng con bé này thế nào. Thật là từ nhỏ đã không dám đụng đến nó, chỉ sợ rồi nó lại nổi cơn ngây dại, cho nên chẳng bao giờ dám nói nặng một lời.
Bảo Nhi thấy nói thế, liền cầm cái quạt ở tay Dượng Đế, đánh vào vai Tuấn Nga mà mắng:

- Thật là giống yêu tinh nhà chị! Tôi là con chị đấy hẳn?
Tuấn Nga cười đáp:
- Chị Quý Nhi thử xem, cái con yêu tinh này, thấy bệ hạ thương nó, nó lại thêm ngỗ ngược.
Rồi rũ rượi cười mãi không thôi. Dượng Đế giục:
- Thôi không nói đùa nữa. Các khanh hãy theo ta đến viện Bảo Lâm đi!
Đến viện Bảo Lâm, Dượng Đế lại trước giường, hỏi Sa phu nhân:
- Phu nhân, khanh thấy trong người thế nào? Đã uống thuốc chưa?
Sa phu nhân thưa:
- Tối qua thiếp du ngoạn, không ngờ xảy ra chuyện này, nghĩ là không còn được thấy chúa thượng nữa kia!
Dượng Đế đáp:
- Nếu phu nhân thấy đi lại đã khó khăn như thế, đáng ra là nên đi hương xa, thì đâu đến nỗi như thế. Đó chính là vì trẫm chưa thật chu đáo, không nghĩ đến chuyện điều độ, vừa phải cho các khanh, nên đến nỗi này!
Sa phu nhân đáp trong nước mắt:
- Cũng bởi tại tiện thiếp phúc mỏng mệnh bạc, đến nỗi không giữ trọn hậu duệ của chúa thượng. Thiếp thật đáng tội, bệ hạ nào có lỗi gì đâu?
Rồi lại giọt ngắn giọt dài, Dượng Đế phán:
- Phu nhân chẳng nên phiền não. Tần Vương Dương Hạo, hoàng hậu rất thương yêu. Triệu Vương Dương Cảo, nay đã bảy tuổi, do Lã Phi sinh ra, chẳng may Lã Phi đã qua đời. Trẫm đem Dương Cảo làm con của khanh, thế là kẻ mất mẹ nay có mẹ, người mất con nay có con. Không biết ý của phu nhân thế nào?
Quý Nhi đứng bên cạnh liền thưa:
- Triệu Vương cốt tướng khác thường, nếu được như vậy, thì thật là ơn sâu của bệ hạ. Sa phu nhân sao lại không mừng. Chúng thiếp rồi cũng được nhờ đội ơn sâu.
Sa phu nhân định trở dậy tạ ơn, Dượng Đế vội cản lại không cho. Bảo Nhi thưa:
- Phu nhân ngọc thể chưa an. Để chúng thiếp thay mặt lạy tạ ơn chúa thượng.
Các Mỹ nhân tề nhất quỳ lạy. Dượng Đế vội kéo dậy, rồi truyền:
- Đợi trẫm chọn ngày nhất định. Phu nhân hãy lo điều dưỡng cho chóng khỏi để rồi còn cùng trẫm tuần du Quảng Lăng nữa.
Bỗng thấy một nội giám, tay bưng một cái bình đẹp quỳ thưa:
- Tâu bệ hạ! Vương Nghĩa vừa mới nấu được cao "Vạn thọ diên niên", đến chờ ở cửa để dâng lên bệ hạ.
Dượng Đế cả mừng, nói:
- Ta đương có chuyện này định nói với y, cho gọi vào đây!
Vừa nói vừa đi ra phía điện, Vương Nghĩa vào quỳ lạy dưới thềm. Dượng Đế hỏi:
- Nhà ngươi nấu được cao gì quý vậy?
Vương Nghĩa thưa:
- Hạ thần vừa rồi nhân dịp tiết xuân, về vùng Nam Hải dâng hương. Giữa đường gặp một đạo trưởng, nói có bắt được ở trong núi một con hươu, chuyên ăn linh dược thảo, đem về nấu với nhụy của trăm hoa, thành một loại cao, uống vào có thể giữ cho khí huyết phương cương, kéo dài tuổi thọ. Hạ thần đem về, chăm chú pha chế, kính dâng bệ hạ, để tỏ chút lòng hiếu kính vậy.
Dượng Đế phán:
- Đó cũng là một việc thật đáng khen. Không lâu nữa trẫm sẽ tuần du Quảng Lăng, khanh phải thu xếp để cùng đi với trẫm. Ta ủy cho khanh coi sóc mấy chiếc thuyền rồng đệ nhất đẳng, không được sai sót.
Vương Nghĩa thưa:
- Cuộc tuần du này, nhất định hạ thần xin được theo hầu bệ hạ. Còn Khương Đình Đình xin cũng được theo hầu hoàng hậu.
Dượng Đế mừng nói:
- Ở dưới thuyền không như ở trong cung, nếu được cả hai vợ chồng khanh cùng di theo, càng thấy rõ tấm lòng hiếu thuận của khanh. Lại còn việc này nữa, đêm qua, trẫm cùng các phu nhân làm một cuộc chơi trăng, chẳng ngờ Sa phu nhân ở viện Bảo Lâm bị động thai, đẻ non mất một hoàng nam. Phu nhân đang rất đau xót. Trẫm còn thương cả Triệu Vương mất mẹ, nên đem cho làm con Sa phu nhân, cùng nương dựa lẫn nhau, khanh thấy thế nào?
Vương Nghĩa thưa:
- Hạ thần nghe Sa phu nhân vốn khoan hậu, đoan trang, Triệu Vương làm con thật là hợp ý, cũng đủ thấy tấm lòng nhân đức cao cả của bệ hạ.
Dượng Đế phán:
- Đó chính là do lòng yêu con của trẫm. Nếu như khanh nói, thì bên trong đã có Sa phu nhân cùng các mỹ nhân bảo dưỡng, còn bên ngoài thì phiền khanh trông nom hộ cho, giữ chức Phó bảo. Khanh hãy vì trẫm mà khắc một cái ấn ngọc phù hình vuông, trên có mấy chữ: "Triệu Vương, Dương Cão, tứ dữ Sa Ánh Phi tử vi tự" 10. Khắc xong, khanh cứ lặng lẽ đem vào đây cho trẫm.
Vương Nghĩa thưa:
- Thần hiểu rồi!
Dượng Đế truyền Bảo Nhi:
- Hãy đem ra đây cho ta hai tấm lụa dệt bằng tơ của loại sâu lạ trên núi, ban cho Vương Nghĩa.
Bảo Nhi đem tới, Vương Nghĩa lạy tạ ơn rồi ra khỏi ngự uyển.
Chính là:
Tình chàng gửi lại cho nàng
Vì yêu nhan sắc lời vàng chẳng quên
Nhưng rồi cuộc thế biến thiên
Thị phi sau trước có bền được đâu!--------------------------------
1Giang Lang, tên thật là Giang Yêm, người thời Lương, lúc ít tuổi chăm học, thơ văn được người đời đánh giá rất cao. Về già phú quý, làm tới Quang Lộc đại phu, nhưng văn chương thì mất hết khí sắc. Người ta đồn rằng, một lần Giang nằm ngủ, thần nhân đòi mất cây bút thần, hoặc tấm lụa quý trong bụng, nên "tài tận" về già (Thành Ngữ cố sự). 2Đội "Điệu cước nữ": Đội con gái làm cái chân của lâu đài, điện các. Gọi cho đẹp đội phu kéo thuyền rồng con gái! 3 phương Quỷ: miền đất thuộc vùng Quý Châu, Thanh Hải ngày nay. Vua Cao Tông nhà Thương phải tự thân dẹp loạn ba năm. 4Trác Lộc: Hoàng Đế, một trong ngũ đế của thời tối cổ ở Trung Hoa, đem quân diệt bộ lạc Trác Lộc ở phía bắc. 5Hiểm Doãn: Tên gọi một dân tộc thiểu số phía bắc, đã từng bị Chu Công Đán, nguyên lão của Chu Thành Vương đánh dẹp. 6Yên Nhiên: Phiêu diệu tướng quân Đậu Kiến, nhà Hán, dẹp xong Hung Nô phương Bắc, về đến núi Yên Nhiên khắc chữ vào đá núi để ghi công trạng. 7Điện Bặc: Vùng đất gần kinh đô, vẫn được thiên triều giáo hóa. 8Tức năm 613, sau công nguyên, Việt Nam lúc này cũng đang ở thời kỳ thuộc Tùy. 9Cô gái giặt lụa: Ngũ Viên chạy trốn, gặp một người con gái đập sợi ở bờ sông vắng. Hỏi xin cơm, ăn xong, bỏ đi. Được một đoạn quay nhìn, thấy người con gái ôm đá nhảy xuống sông tự tử. Vì trước khi đi, Ngũ Viên căn dặn mãi đừng nói chuyện với ai. Cô gái cho rằng mình có lỗi với chồng vì đã nói chuyện với đàn ông, lại bị Ngũ Viên nghi ngờ, nên ôm đá nhảy xuống sông tự tử (Đông Chu liệt quốc). 10Triệu Vương, Dương Cảo, ban cho phi tử Sa Ánh làm con.


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.