Từng Gửi Tình Yêu Nơi Biển Núi

Chương 7



Trời trở lạnh, không khí Giáng Sinh đã ngập tràn khắp phố lớn ngõ nhỏ.

Mấy năm nay trào lưu về Giáng Sinh luôn mạnh mẽ, vừa sang tháng 12 là các cửa hàng lớn đã bắt đầu trang trí, đi đến đâu cũng thấy cây thông và ông già Noel.

Năm lớp 10, Giáng Sinh vừa hay rơi vào thứ Bảy, buổi tối không có tiết tự học nên chiều học xong là có thể về nhà ngay. Vốn dĩ vào thứ Bảy mọi người đều nóng lòng chờ đến giờ tan học hơn ngày thường, giờ lại có thêm lễ Giáng Sinh nên ai nấy đều để hồn vía trên mây, thậm chí còn xì xào nói chuyện trong lớp nhiều hơn.

Cả trường đều âm thầm thay đổi như thế, giáo viên cũng chẳng giữ kỷ luật nổi nên bắt đầu xử lý những món đồ mà học sinh có. Không biết việc tặng táo vào Giáng Sinh bắt nguồn từ đâu, các trung tâm mua sắm và cửa hàng lớn nhỏ đều trưng bày những trái táo được gói đẹp đẽ, thầy cô thấy trái nào là tịch thu trái đó, khiến khí thế của đám học trò vơi dần đi.

Đến chiều, mọi người lại tiếp tục lén lút đưa quà cho nhau, lấy sách vở, balo che chắn trong giờ chuyển tiết lúc không có giáo viên.

Song mấy chuyện này chẳng liên quan gì đến tôi, năm nào tặng táo vào lễ Giáng Sinh cũng là trào lưu rầm rộ, nhưng tôi không có bạn bè nên không có ai để tặng, tất nhiên cũng chẳng có ai tặng tôi.

Vốn dĩ ba người Trương Nam Nam và Tưởng Ninh chúng tôi có thể tặng cho nhau để tăng thêm không khí lễ hội, nhưng vì giáo viên kiểm tra rất gắt, mà ba người bọn tôi lại nhát gan nên đành từ bỏ, chúng tôi bàn nhau sẽ đến cửa tiệm nhỏ quanh trường mua lúc tan học.

So với tôi thì người muốn tặng cho Chu Gia Dã nhiều lắm.

Khoảng cách giữa chúng tôi chỉ là một lối đi nhỏ hẹp, nhưng lại như một con sông khó lòng vượt qua, thế giới của cậu ấy hoàn toàn khác với tôi.

Ngoài bạn học trong lớp chúng tôi thì mấy bạn lớp khác đến tìm cậu ấy nhiều không đếm xuể.

Vì trong các giờ chuyển tiết hôm nay Chu Gia Dã không có mặt tại lớp nên những người đến tìm cậu ấy đều nhờ tôi đưa giúp, tôi hệt như một trạm trung chuyển, chốc chốc là phải nhận một quả táo rồi nhét vào hộc bàn của cậu ấy.

Sau đó vì số lượng táo quá nhiều, mà hộc bàn cậu ấy vốn đã có nhiều sách vở, cậu ấy ngày càng học tập nghiêm túc, sách cũng nhiều lên từng ngày, tôi không thể bỏ vào hộc bàn được nữa, mà lại không dám để thẳng lên mặt bàn. Tôi sợ giáo viên thấy lại nghĩ là cậu ấy mua, lúc đó cậu ấy sẽ bị mắng.

Hộc bàn tôi vẫn còn hơi trống nên tôi đành để vào hộc bàn của mình.

Mãi sau cậu ấy mới quay về, vừa đưa tay vào hộc bàn thì thấy toàn táo là táo. Tôi vội vàng gọi cậu ấy, cậu ấy ngẩng đầu nhìn tôi ngay lập tức khiến tôi hết hồn, không dám nói tiếp.

Đường nét gương mặt cậu ấy vốn rõ ràng, là kiểu kiêu ngạo ngang bướng, bình thường cười lên sẽ tỏa ra sự ương ngạnh và lưu manh, nhưng khi không cười cậu ấy lại tạo cảm giác lạnh lùng và áp bức, khí thế ngời ngời khiến cười ta bất giác sợ hãi.

Giọng điệu của cậu ấy từ tốn, hỏi tôi: “Có chuyện gì vậy?”

Tôi nhanh chóng lấy mấy quả táo trong bàn tôi ra đưa cho cậu ấy: “Hộc bàn của cậu không bỏ vừa nữa, tớ để một vài trái bên bàn tớ.”

Cậu ấy ừ một tiếng: “Tạm thời cứ để ở chỗ cậu đi.”

Tôi ngỡ rằng ý của cậu ấy là bàn cậu ấy không để vừa, nhờ tôi giữ dùm cậu ấy, tan học cậu ấy sẽ lấy. Nhưng cậu ấy vừa dứt lời liền lập tức đứng dậy đi tìm bao nilon trong chỗ để đồ trực nhật.

Cậu ấy vốn bắt mắt nên đi đâu cũng có người để ý.

Có người hỏi cậu ấy định làm gì, cậu ấy không đáp, chỉ bảo là có việc.

Cậu ấy cầm bao nilon quay lại chỗ ngồi, vẫn im lặng rồi bỏ tất cả táo trong hộc bàn vào bao, mọi người quan sát cả quá trình đó, có người trêu rằng cậu ấy nhận nhiều táo thế, có người ghẹo trắng trợn hơn, hỏi cậu ấy quả nào là do Lưu Thần Nghệ đưa.

Đây là lần thứ hai tôi nghe cái tên này, lần trước là trong lúc cúp điện, bạn cậu ấy bắt chước giọng điệu làm nũng của con gái để gọi cậu ấy là anh Gia Dã, rồi bảo chiều hôm đó chẳng phải Lưu Thần Nghệ cũng gọi cậu ấy như thế sao.

Song cậu ấy chẳng hề đáp lại, sau khi dồn hết táo trong hộc bàn vào bao nilon, cậu ấy đưa sang chỗ tôi: “Bỏ vào đây đi.”

Dường như tâm trạng của cậu ấy hôm ấy không vui, bình thường cậu ấy luôn cà lơ phất phơ, hôm ấy lại không có biểu cảm gì, ngữ điệu cũng thờ ơ.

Tôi không dám hó hé, luống cuống bỏ hết táo vào bịch.

Cậu ấy vẫn luôn giữ bao chờ tôi bỏ vào, sợ làm phật lòng cậu ấy nên tôi dùng cả hai tay, nhưng do quá hấp tấp nên tôi làm rớt một trái, tôi vội vàng nhặt lên rồi nói xin lỗi cậu ấy.

Đây là câu nói thứ hai mà cậu ấy nói với tôi: “Cậu cứ từ từ bỏ vào, không cần phải xin lỗi tôi đâu.”

Khi tất cả táo được bỏ vào bao nilon, cậu ấy cột miệng túi lại rồi để dưới bàn, sau đó tìm quyển sách giáo khoa sắp học trong tiết kế tiếp.

Hôm nay cậu ấy im lặng hơn thường ngày nhiều, trong giờ chuyển tiết lại có người đến tìm cậu ấy, vừa may cậu ấy có ở đây, tôi không phải đưa hộ nữa.

Cậu ấy cũng chỉ bình thản nhận lấy và nói cảm ơn.

Thật ra không hẳn là tâm trạng cậu ấy không vui, chỉ là không sôi nổi như thường ngày, tôi nhìn dáng vẻ tràn trề sức sống của cậu ấy thành quen nên khi cậu ấy yên tĩnh mới thấy kì lạ.

Cậu ấy không hay nói chuyện với tôi đến thế, chỉ bắt chuyện khi có việc tìm tôi, ví dụ như mượn đồ hoặc hỏi bài tập, cũng ít khi tám chuyện với tôi.

Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net

Song cậu ấy rất hay làm trò, đôi khi cậu ấy đi vào từ cửa sau lớp sẽ khều đuôi tóc tôi, làm nó đung đưa qua lại.

Thi thoảng cậu ấy cũng chọc tôi, thấy tôi vùi đầu tìm bài kiểm tra thì lại ngồi bên cạnh bảo Lâm Ý cố tìm lẹ lên. Tôi vốn chẳng gấp gáp gì, nhưng cậu ấy cứ hối thúc mãi, cuối cùng còn hét toáng lên là giáo viên tới.

Mấy trò của cậu ấy vừa trẻ con vừa xàm xí, mà tôi lại là kẻ sa vào đó một cáchmơ hồ, có thể sung sướng hoặc hụt hẫng chỉ vì vài hành động của cậu ấy.

Vì tâm trạng của Chu Gia Dã không vui nên tôi cũng bình lặng hơn thường ngày, chút cảm giác mong chờ đến cuối tuần cũng chẳng có, buồn chán hơn bao giờ hết.

Lúc dọn tập sách khi tan học, tôi dọn đồ rất chậm, ánh mắt vẫn luôn dõi theo mọi hành động của Chu Gia Dã.

Nếu cậu ấy có thể để tâm đến tôi một chút, dù là một câu nói thôi cũng được, thế thì một ngày nặng nề bỗng trở nên viên mãn. Chỉ là đến khi cậu ấy lặng lẽ dọn cặp rồi ra khỏi phòng, cậu ấy vẫn không tìm tôi.

Có vẻ như đó là lẽ đương nhiên.

Và nó cũng chấm dứt mọi niềm vui của tôi.

Trương Nam Nam và Tưởng Ninh vẫn đến tìm tôi mua táo, bây giờ khắp nơi đều bán, cửa hàng văn phòng phẩm cạnh trường cũng xếp đầy táo.

Tuy nhiên vì tối nay không có tiết tự học nên hai người họ đề nghị đến con phố Văn Hòa ở xa hơn chút, đó là khu phố buôn bán sầm uất nhất thành phố Nam Đài, tập trung tất cả món ngon của địa phương.



Hơn nữa ở đó có nhà ga, ăn uống dạo chơi xong là có thể lên xe về nhà.

Hôm đó tới phiên Tưởng Ninh trực nhật nên bọn tôi phải đợi cô ấy thêm một lúc, sau đó mới cùng ra cổng trường và lên xe buýt.

Vì là lễ Giáng Sinh nên đường phố nhộn nhịp hơn hẳn. Mùa đông trời mau tối, hai bên đường toàn là ánh đèn rực rỡ và bài hát Noel, qua cửa kính xe là thế giới mơ mộng, nơi nơi đều có pháo hoa, rất gần với tôi.

Sau khi tới thành phố Nam Đài, tôi chưa đến phố Văn Hòa bao giờ dù đã nghe danh tiếng từ lâu.

Ở phố Văn Hòa đa phần là đồ ăn vặt, mọi người đều đến cùng bạn bè, túm năm tụm ba ngồi vào một bàn, tôi ngại đến ăn một mình, chẳng hợp với không khí náo nhiệt xung quanh gì hết.

Trương Nam Nam và Tưởng Ninh chủ động khoác tay tôi, ba người bọn tôi nhìn đâu cũng thấy sôi nổi, bọn họ biết tôi chưa từng tới đây nên đã giới thiệu các món ngon ở phố Văn Hòa suốt dọc đường.

Bọn họ miêu tả thật đến độ khiến người ta chảy nước miếng, họ còn bảo sau này rảnh sẽ dẫn tôi đi ăn hết một lượt, còn hôm nay sẽ ăn quán lẩu nổi nhất khu phố này.

Đây là lần đầu tiên tôi đi ăn cùng bạn bè chứ không phải đi một mình, cảm giác này rất lạ lẫm nhưng cũng ấm áp vô cùng.

Quán lẩu kia vô cùng đắt khách nên chúng tôi đành xếp hàng.

Người đưa số cho bọn tôi là bà chủ, thấy bọn tôi còn đeo cặp nên hỏi: “Mấy đứa học ở Nhất Trung hả?”

Cả ba bọn tôi đều ngạc nhiên, bởi vì trừ thứ Hai chào cờ và những buổi hoạt động thì Nhất Trung không bắt buộc mặc đồng phục, thường thì mọi người đều mặc đồ của mình.

Trương Nam Nam ngỡ ngàng hỏi: “Sao cô đoán được vậy?”

Bà chủ mỉm cười đáp: “Tại con trai cô cũng học ở Nhất Trung, thấy học sinh đến là cảm thấy quen thuộc, không ngờ đúng là Nhất Trung. Xíu nữa mấy đứa cứ thoải mái chọn món, cô giảm cho nửa giá.”

Cả ba bọn tôi đều ngỡ ngàng khi nhận được ưu đãi, vội bảo không cần. Nhưng tiệm quá đông khách nên bà chủ chỉ nói với bọn tôi dăm ba câu là phải rời đi ngay.

Số của bọn tôi ở khá xa, Trương Nam Nam chỉ sang bên kia đường, bảo bên đó có hàng tào phớ cực ngon, cô ấy và Tưởng Ninh đi mua, còn tôi tiếp tục đợi đến số.

Tôi cầm số bàn, yên lặng ngồi xuống ghế chờ.

Xung quanh khói nóng tỏa ra, người ra người vào tấp nập, Trương Nam Nam và Tưởng Ninh đi rồi, tôi lại yên lặng ngồi xuống một mình giữa nhóm người đông đúc, nhìn sự náo nhiệt trước mắt, tôi như hòn đảo bị lãng quên.

Khi ấy tôi không có điện thoại nên đành cúi đầu nghịch cái vòng tay mới mua trên đường, ba người bọn tôi mỗi người một cái.

Tôi đeo vào cổ tay, gỡ xuống rồi lại đeo lên, sau đó lại gỡ ra.

Lặp đi lặp lại như thế để giết thời gian và để cho bản thân không trông cô đơn đến thế.

Mãi đến khi có người ngồi xuống bên cạnh tôi, che mất một phần ánh sáng khiến tầm nhìn của tôi tối đi.

Người đến người đi ra vào quán lẩu, tôi chỉ nghĩ đó là một trong những người khách đang đợi tới lượt nên không để ý, vẫn cúi đầu nghịch chiếc vòng tay.

“Lâm Ý.”

Người bên cạnh khẽ cười: “Chơi vui thế hả?”

Tôi quay ngoắt lại, suýt nữa va phải Chu Gia Dã, cậu ấy cũng đang cúi đầu xem cái vòng trong tay tôi.

Tôi hoảng hốt lùi về sau theo bản năng nhưng bị cậu ấy giữ lại, dường như dáng vẻ này của tôi làm cậu ấy thấy buồn cười, cậu ấy bật cười: “Đụng tôi còn chưa đủ mà muốn đụng phải người khác nữa hả?”

“...”

Tôi xin lỗi: “Tớ xin lỗi.”

Cậu ấy buông tôi ra: “Sao cậu thích xin lỗi thế?”

“...”

Cậu ấy không phải kiểu người cố chấp hỏi cho ra lẽ, trừ khi cậu ấy đang cố tình chọc tức tôi.

Có điều tâm trạng của cậu ấy hôm nay không vui, giọng nói cũng trầm hơn thường ngày, đến cả cười cũng chẳng có mấy sức sống.

Cậu ấy cà lơ phất phơ dựa vào quầy thu ngân, cất giọng thản nhiên nhưng có chứa chút ý cười hỏi: “Cậu đến đây ăn à?”

Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net

“Ừm.”

“Với ai?”

“Tớ không thể đến ăn một mình được sao?”

Cậu ấy nở nụ cười, không phải là tiếng cười kiêu ngạo thường ngày, mọi hành động hôm nay của cậu ấy như thiếu một phần sức sống, giọng cười như ép ra từ trong cổ họng.

Song giọng cậu ấy vốn trầm ấm êm tai, chung quanh toàn là tiếng ồn ầm ĩ, tiếng cười của cậu ấy hơi khàn khàn, nhẹ nhàng đáp vào lòng tôi.

Cậu ấy cười rồi hời hợt đáp lại tôi: “Được chứ, đương nhiên là được.”

Sau đó cậu ấy hỏi: “Cậu đi với Trương Nam Nam hay Tưởng Ninh, hay là đi chung với cả hai người họ?”

Cậu ấy đoán một phát là trúng khiến tôi chẳng muốn thừa nhận, tôi khó chịu hỏi lại: “Sao cậu đoán được?”

“Cái này mà cần phải đoán hả? Chẳng phải cậu chỉ hay chơi chung với hai người họ thôi sao?”

“...”



Cậu ấy nói rất đúng.

Tôi lầm lì nên không thể hòa hợp với tập thể, điều này rõ ràng đến độ chẳng cần phải đoán. Tôi không nói thêm gì, tiếp tục cúi xuống nghịch cái vòng.

Cậu ấy cũng không lên tiếng, sự tấp nập của quán lẩu bao vây chúng tôi, tôi đã quen lạc lõng như thế rồi, nhưng cậu ấy như vậy tôi lại thấy không quen.

Cả ngày nay, cậu ấy như mất hết tinh thần vậy.

Tôi nghĩ, không thể lúc nào cũng đợi cậu ấy tìm tôi, tôi cũng nên chủ động một chút , dù sao người không bao giờ thiếu bạn bè là Chu Gia Dã, còn tôi là người muốn tiến đến gần cậu ấy hơn.

Tôi ngẩng đầu lên thì thấy cậu ấy đang gấp cái gì đó bằng tờ giấy màu đỏ. Cậu ấy lười biếng dựa vào quầy thu ngân, yên lặng và tập trung gấp.

Tờ giấy đỏ kia là tờ giới thiệu của quán lẩu, cậu ấy đang gấp nó, là kiểu gấp có chủ đích.

Tôi không kìm được mà hỏi: “Cậu đang gấp gì thế?”

“Hửm?”

Quán lẩu ồn quá nên cậu ấy không nghe rõ.

Tôi đến gần hơn và nói to hơn: “Cậu đang gấp gì thế?”

Cậu ấy cong môi, khẽ bảo: “Không nói cho cậu biết đâu.”

“...”

Cậu ấy không nói thì tôi tự nghiên cứu.

Tôi nhìn chằm chặp cách cậu ấy gấp rồi cố đoán ra đáp án: “Cậu đang gấp cái hộp à?”

Cậu ấy hơi nhướng mày, sự chú ý vẫn dồn vào món đồ trong tay: “Cậu muốn đoán thì hãy đoán có tâm chút đi.”

Tôi đoán lần hai: “Ếch hả?”

Cuối cùng lần này cậu ấy mới ngước mắt lên nhìn tôi, vẻ mặt thản nhiên, chẳng có chút cảm xúc nào.

Tôi tự biết đáp án này hơi lố nên chủ động giải thích: “Bởi vì tớ chỉ biết xếp hộp với ếch thôi, sau khi gấp xong con ếch thì nó còn có thể nhảy nữa, tớ thấy khá thú vị.”

Cậu ấy âm thầm dời mắt, tiếp tục xếp giấy.

Dường như cậu ấy không gấp cái gì đó quá phức tạp, cuối cùng chỉ cần gấp vài lần là xong, đến mấy bước cuối, tôi đã nhìn ra hình hài.

Tôi xấu hổ nói: “Hóa ra cậu xếp hạc giấy…”

Thế mà tôi lại đoán là ếch.

Cậu ấy chỉ cười một cái rồi không để ý tôi nữa, sau khi xếp xong xuôi, cậu ấy đặt nó lên bàn thu ngân.

Sau đó cậu ấy lại lấy một tờ giấy khác, gấp làm đôi rồi xé thành một mảnh dài và tiếp tục gấp. Lần này cậu ấy gấp nhanh lắm, tôi chưa kịp nhìn rõ thì cậu ấy đã xếp xong rồi, bóp các góc lại là thành một ngôi sao.

Cậu ấy không nói gì, tôi cũng chẳng trò chuyện nữa.

Thấy cậu ấy xoay người đứng lên, mở cửa quầy thu ngân đi vào, tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên: “Chu Gia Dã, đó là quay tính tiền của người ta, cậu đừng có vào.”

Cậu ấy không chỉ không nghe lời can ngăn của tôi mà còn ngồi xổm xuống, mở ngăn kéo của người ta ra.

Tôi lo sốt vó, cứ phải liên tục ngẩng đầu nhòm bà chủ và các chị nhân viên, tôi sợ cậu ấy sẽ bị bắt.

Thấy dáng vẻ ung dung tự tại của cậu ấy, tôi không thể không sốt ruột: “Chu Gia Dã, cậu lẹ lên, xíu nữa là bà chủ sẽ phát hiện ra cậu đó.”

Cậu ấy lấy một sợi chỉ dài từ ngăn kéo ra, từ từ đứng dậy, khẽ cười nói: “Chẳng phải cậu nên khuyên tôi dừng tay kịp thời à? Sao lời cậu nói như thể đang trông chừng hộ tôi thế?”

Cậu ấy cúi đầu quấn sợi chỉ vào tay, từ đầu chí cuối không thèm nhìn tôi, ngữ điệu thản nhiên của cậu ấy vô cùng khiêu khích: “Lâm Ý, thế này có tính là đồng phạm của tôi không?”

Giây phút này tôi chẳng thể thốt lên lời nào.

Trong quán hơi nóng liên tục bốc lên, ngoài đường là dải đèn đủ màu sắc, những bài hát Giáng Sinh vang lên khắp con phố, không rõ phát ra từ chỗ nào, người đến người đi chật như nêm, như thể màn đêm mới chỉ vừa buông xuống.

Mà giữa thế giới sôi động này, tôi chỉ lo ngửa cổ nhìn Chu Gia Dã trước mặt.

Tôi nhìn thấy hàng mi mỏng đang cụp xuống, cũng quan sát được từng ngón tay thon dài với khớp xương rõ ràng.

Hiếm khi tôi thấy cậu ấy yên tĩnh như thế.

Song khoảnh khắc này, giữa thế gian rộn rã thì cậu ấy lại êm dịu đến mức khó tin, con tim tôi cũng rộn ràng như màn đêm sôi nổi này, đập hối hả.

Sau khi làm xong, cậu ấy cầm món đồ trong tay, đưa đến trước mặt tôi: “Lâm Ý.”

Tôi vẫn ngơ ngác nhìn cậu ấy: “Sao cơ?”

Cậu ấy cong môi cười rạng rỡ, vẫn là Chu Gia Dã rực sáng kia: “Giáng, Sinh, vui, vẻ!”

Sau đó cậu ấy mở bàn tay ra, sợi chỉ rơi từ trong lòng bàn tay xuống.

Hạc giấy và ngôi sao được xâu vào nhau đung đưa như chuông gió, dường như nhiệt độ tối nay dần nóng hơn.

Hạc giấy và ngôi sao rơi từ lòng bàn tay cậu ấy ra khiến tôi cực kỳ muốn bắt lấy chúng.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.