Trường Dạ Vô Ninh - Đêm Dài Không Yên

Chương 18



“Ừ.” Hắn ưỡn thẳng lưng, nhéo nhéo khuôn mặt bụ bẫm hồng hào của Diễn Cẩn, “Trẫm không định diệt trừ nàng ta, trẫm không muốn lòng nàng bất an.”

Xem ra Vinh quý phi chưa đủ hiểu hắn, ta cũng đánh giá thấp hắn, người này quả thật bảo vệ ta quá chu toàn.

Mười tám tháng mười hai năm Cảnh Nguyên thứ bảy, nhị cữu của Uyển phi lại thông báo ta mang thai.

“Thật sự là có thai rồi đó ạ.” Trước vẻ sốt sắng dồn dập hỏi mấy câu hỏi lặp đi lặp lại của ta và Lý Thừa Mục, Hữu viện phán nói giọng chắc nịch như chém đinh chặt sắt, “Người làm y không nói dối bao giờ cả.”

Ta vẫn chưa thể nào tin vào kết quả này, nhanh nhảu móc ra chiếc khăn tay Uyển phi để lại, “Thế ông giúp ta kiểm tra xem đây là huyết hay chu sa…”

Lời còn chưa dứt thì Lý Thừa Mục đã giật lấy rồi ném cho Vệ công công, “Đem đi đốt đi, nàng đang mang thai, không được đụng vào máu hay chu sa.”

Mồng ba tháng chín năm Cảnh Nguyên thứ tám, đứa nhỏ này sinh ra cũng thật đúng lúc, Diễn Cẩn được phong Hoài vương được hai năm thì con bé ra đời.

Uyển phi lệ nóng quanh tròng, vừa khóc vừa cười vội bế tiểu công chúa đến cho ta nhìn: “Con bé giống Hoàn nhi quá này.”

Thật tốt, ta muốn thay Uyển phi hoàn thành tâm nguyện dang dở của nàng, sinh cho nàng một “Thừa Du” và một “Ngọc Hoàn”. Từ nay về sau trong cuộc sống của nàng đã bắt đầu lóe lên niềm hy vọng, có chỗ để gửi gắm ký thác. Khi tiếng khóc non nớt cất lên cũng là lúc linh hồn cằn cỗi héo mòn trên con đường hậu cung gian truân trắc trở ấy được tái sinh thêm một lần nữa.

Lý Thừa Mục cũng rơm rớm nước mắt, cả hai người ôm tiểu công chúa ngó trái ngó phải sờ tới sờ lui, nhìn tiểu công chúa xong lại nhìn nhau nắm tay hai mắt đẫm lễ, suýt chút nữa thì không khống chế được ôm đầu khóc rống.

Có điều rất nhanh sau đó họ đã chẳng giữ nổi sự hài hòa như ban đầu, bắt đầu lục đục nội bộ, tranh giành, thậm chí sinh lòng ghen tuông vì tiểu công chúa. Riết rồi tuồng cung đấu cũng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi ngày.

Nhiều lúc Lý Thừa Mục nhăm nhe lại gần muốn bế bồng tiểu công chúa thì vị Tiêu nương nương trước giờ hay giả bộ ốm yếu bệnh tật này lại lấy lý do nam nhân tay chân vụng về, không có kinh nghiệm không được ôm trẻ con để đẩy lùi móng vuốt của hắn. Còn khi Uyển phi rình rập muốn cướp tiểu công chúa nằm trong ngực hắn là lại bị hoàng đế thẳng thừng chê bai rằng mùi bệnh quá nặng, tay không đủ lực, thế là thành công đuổi được người đi. Uyển phi ức lộn hết cả ruột, tới nỗi phải biểu diễn công phu mã bộ* chứng minh mình đã sớm nói cáo từ với bệnh tật của quá khứ, thay đổi hoàn toàn, thân thể khỏe mạnh.

*Trung bình tấn

Và sau nữa là phần đặt tên khó khăn đau đầu nhất, Lý Thừa Mục tiếp tục trải qua quá trình viết một lần đọc một lần khổ sở. Uyển phi thì cực kỳ mê tín, đưa tờ giấy viết đầy chữ ra cho tiểu công chúa tự tay chọn.

Tiểu công chúa giống ta nhất ở nét tính cách bộc trực, dù sao nhìn cũng có hiểu gì đâu, thế là dứt khoát xé nát tờ giấy thành vụn nhỏ rồi nhét cả vào miệng. Uyển phi nhanh tay lẹ mắt vội vàng cản lại, còn bị hoàng đế răn dạy một trận tới bến, từ đó mất hết quyền được tranh giành tiểu công chúa.

Tên công chúa sẽ có chữ “Ngọc”, chữ “Lung” mà Lễ Bộ đề xuất có phần hợp ý Lý Thừa Mục, nhưng người này cẩn thận từng li từng tí, bảo “Lý Ngọc Lung” nghe thì quý giá có thừa đấy, nhưng mà không đủ linh khí. Uyển phi nói không bằng lấy chữ “Du”, kết hợp với tên của Diễn Cẩn sẽ là “hoài cẩn ác du”*, ý tưởng rất hay, còn về phần trong lòng nàng rốt cuộc có suy tính gì thì ta không tiện đoán mò.

*Phẩm chất tốt đẹp của con người

Cuối cùng, ta chợt giơ tay lên vỗ đầu, nói đứa nhỏ này mày rậm mắt to, tóc dày đen nhánh, khiến chúng ta suốt ngày mong con bé cả đời vô ưu vô lo không rụng tóc, thế thì đặt là Ngọc Trù* đi.

*Trù nghĩa là dày.

Uyển phi vừa định chửi bậy thì Lý Thừa Mục thích tâng bốc đúng lúc phụ họa: “Được, được, tên hay, cùng ý với trẫm.”

Mồng ba tháng chín năm Cảnh Nguyên thứ chín, Ngọc Trù tròn một tuổi.

Lý Thừa Mục dặn phải làm theo tập tục dân gian, để Ngọc Trù chọn đồ vật đoán tương lai. Con bé ngồi giữa đống châu báu rực rỡ muôn màu lăn lộn một vòng, sau đó chuẩn xác bắt lấy miếng ngọc bội treo bên hông ta, bàn tay nhỏ bé mềm mại vuốt ve hoa văn bó củi trên mặt ngọc.

Vinh quý phi thấy thế thì cười to, mặt Uyển phi ngốc trệ, hỏi ta bắt được bó củi là kiểu gì đây?

Ta nói, có thể về sau khi Ngọc Trù lớn lên sẽ muốn… sẽ muốn…

Uyển phi tiếp lời: “Ẩn cư núi rừng, chẻ củi săn thú, lượn lờ khói bếp, ung dung sống nốt quãng đời còn lại?”

“Chắc là muốn làm một đầu bếp đó.” Ta nuốt ngụm nước miếng.

Cũng có thể, điều con bé muốn là kiếp này “một đời một kiếp một đôi người”. Thâm tâm ta thầm mặc niệm, trời cao phù hộ cho Ngọc Trù của ta, đừng rơi vào hoàn cảnh hồn ở hai nơi, biển xanh khó thoát.

Mồng hai tháng hai năm Cảnh Nguyên thứ mười hai, theo tập quán trong cung thì phi tần có phân bị cao sẽ được xuất cung về thăm người thân.

Bấy giờ ta đã được phong thành hoàng quý phi, Hoài vương Diễn Cẩn tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã được lập làm thái tử. Với tư cách là mẫu phi của hai đứa bé tôn quý nhất thiên hạ, ta của lúc này vững vàng như núi, độc nhất vô nhị.

Lý Thừa Mục đã sắp xếp hạ thần thân tín ở ngoài kinh thành xa xôi của hắn là Diệp Nhung Diệp đại nhân của phủ Thái Nguyên lấy danh nghĩa người nhà mẹ đẻ của ta. Đây là chuyện đôi bên cùng có lợi, Diệp đại nhân vui mừng khóc lóc liên tục cam đoan sẽ toàn tâm toàn lực phụ tá bảo vệ ta và thái tử Diễn cẩn.

Khi ấy ta mới biết, chỉ sợ cả dòng họ của ta đều đã được Lý Thừa Mục sắp xếp xong xuôi ổn thỏa.

Mấy năm gần đây, khoảng thời gian bệnh cũ tái phát của Lý Thừa Mục lại kéo dài hơn so với lúc trước, cho dù có bình phục đi chăng nữa thì ít nhiều cũng sẽ để lại các di chứng nặng nhẹ. Bằng chứng là mỗi lần trời vào đông thì hắn sẽ ho liên tục, từ tận tháng mười năm ngoái đến năm nay vẫn ho không dứt, chẳng thấu có dấu hiệu chuyển biến tốt lên.

Lão nhị cữu bịp bợm của Uyển phi lại nhảy ra đứng trước mặt ta bảo đảm rằng sẽ không sao hết, đây chỉ là vấn đề nhỏ mà thôi.

Tất nhiên là ta chẳng tin vào lời của ông ta, lão bịp bợm này không khác gì Vinh quý phi là mấy, Lý Thừa Mục dặn phải nói gì là ông ta răm rắp nghe theo, nói lại không sai một chữ, chỉ có phụ nữ mang thai ngốc ba năm mới tin lời ông ta.

Cũng trong mấy năm nay ta hoàn toàn quên béng luôn khoảng thời gian năm năm mà Vinh quý phi đã nói, chúng ta đã yên bình trôi qua năm năm bên nhau.

Với trái tim bị nỗi sợ hãi đau khổ đeo bám, ta không chịu rời cung thăm viếng, nhưng Lý Thừa Mục lại nhất quyết bảo ta hãy tới phủ Thái Nguyên một chuyến. Hắn nói dù sớm hay muộn gì cũng nên đi, ta và Diệp đại nhân cần thiết phải đi lại nhiều hơn nữa, đều là vì tốt cho Diễn Cẫn lẫn Ngọc Trù.

Diễn Cẩn tuy chưa đến năm tuổi nhưng đã hiểu được đôi chút về thế sự, cu cậu bắt chước dáng vẻ của đại nhân, dẩu miệng nói với Lý Thừa Mục: “Nhi thần sẽ thay phụ hoàng bảo vệ mẫu phi.”

Dường như mùi vị sự xa cách cứ luôn ám theo ta, chỉ là ta không có can đảm để thừa nhận.

Chẳng phải nói nhiều nhất là năm năm thôi sao, ta tự lừa mình dối người. Giờ đây năm năm đã là quá khứ, hắn vẫn sống vui vẻ khỏe mạnh, chúng ta có thể lén lút trộm mấy tháng, có thể trộm được vài năm, thế thì cũng có thể trộm cả cuộc đời.

Mười hai tháng hai năm Cảnh Nguyên thứ mười hai, sau khi thăm hỏi người nhà xong thì ta trở về luôn, trên đường có ghé vào chùa Chiêu Nhân nghỉ chân.

Trong cung truyền tin báo sức khỏe hoàng đế không được tốt, lòng ta nóng như kiến bò trên chảo, vì vậy chỉ nghỉ nửa ngày ở phủ Thái Nguyên rồi lập tức ra roi thúc ngựa chạy về cung. Mắt thấy sắp về đến kinh thành rồi nhưng giữa đường lại có hai con ngựa kiệt sức chết, ta bất lực đảo mắt nhìn quanh, chỗ này là vùng hoang vu hiếm người qua, cho nên cách duy nhất là tạm thời vào chùa Chiêu Nhân trước rồi chờ trong cung phái người tới đón.

Trụ trì chùa bước ra tiếp đón ta, thốt nhiên ta nhớ về Ấu Bạch đã rất rất lâu rồi không gặp, thế là cất tiếng hỏi đại sư trụ trì: “Bốn năm trước có vị nương nương được đưa đến đây, hiện giờ nàng vẫn bình an chứ?”

Trụ trì ngẫm nghĩ rồi nói: “Chính là vị nữ tử bị câm kia sao?”

“Đúng rồi.”

Trụ trì bảo nàng rất đáng thương, trước kia bị kẻ xấu hạ độc làm mất đi giọng nói, chỉ biết viết vài con chữ linh tinh. Sau lại vào trong chùa liền nhờ người đi tìm thân nhân duy nhất ở ngoài cung của nàng. Ai ngờ vị thân nhân kia nhiều năm trước đã bị sát hại, nàng dành vài năm cố gắng tập viết chữ, cuối cùng để lại một phong thư rồi đi luôn.

Ta từng nghe nói về mẫu thân của Ấu Bạch, lúc cha ta còn sống cũng rất quan tâm đến mẫu thân nàng, khi Đồng gia bị tịch thu tài sản thì bà ấy không bị liên lụy, chẳng ngờ lại có người xuống tay sát hại bà. Có điều Ấu Bạch là người của Lý Thừa Mục, cả đảng thái tử thì bị tuổi tận giết tuyệt, người nào có khả năng sát hại thân nhân của Ấu Bạch?

Ta thốt lên chẳng kịp nghĩ ngợi: “Nàng đi đâu rồi?”

Trụ trì thở dài thườn thượt: “Ôi, hy vọng vị thí chủ kia có thể an nghỉ nơi cực lạc.”

Ấu Bạch của ta… Không một lời cáo biệt, vậy mà nàng đã dứt áo ra đi rồi…

Nước mắt ta lăn dài trên gò má, ta và Ấu Bạch từ bị chia cách tới lúc tương phùng cũng chưa nói được với nhau được đôi câu vài lời hỏi han mà nay phải nghe hung tin nàng đã vĩnh biệt cõi đời. Tiếc nuối của nhân gian lúc nào cũng là như thế…

Ta hỏi trụ trì phong thư đó là viết cho ai, có thể cho ta xem thử không.

Trụ trì nói đó là viết cho một vị nương nương họ Diệp trong cung, còn nói nhất định phải đưa tận tay cho Diệp nương nương, tuyệt đối không được để bất kỳ kẻ nào động vào, chỉ mình ta được xem.

Ta nói ta chính là Diệp nương nương mà nàng nhắc.

Trụ trì lại ngờ vực không chịu tin, bảo vị Diệp nương nương ấy phân vị không cao, chắc chắn không thể có tư thái của hoàng quý phi như này được.

Ta lại hỏi tiếp, khả năng Ấu Bạch sẽ để lại lời nhắn, nàng có dặn nếu Diệp nương nương đến đây thì lấy gì để tự chứng minh thân phận không.

Trụ trì nói lời nhắn của vị thí chủ kia là, hỏi Diệp nương nương muốn được thấy gì trong phong thư ấy, nếu nương nương nói không tin thì giao lại cho nương nương cũng có ý nghĩa gì đâu. Còn bảo nương nương hãy suy nghĩ cho thật kỹ, chuẩn bị tinh thần đối mặt với chân tướng sắp phơi bày.

Ta run giọng trả lời, tai họa bảy năm về trước, rốt cuộc tại sao lại xảy ra…

Trụ trì khẽ cảm thán, sai người đi lấy thư, đoạn quay sang nói với ta: “Nương nương bao dung, thân nhân của thí chủ đã khuất chết trong tay một vị nương nương trong cung, không thể không cẩn thận.”

Nửa nén hương qua đi, phong thư trên tay ta tuy chỉ là một tờ giấy mỏng manh nhưng sao ta lại cảm thấy nặng trịch tựa ngàn cân. Ta chẳng biết ta đã thật sự sẵn sàng chưa, nhưng ta biết một khi mở ra, đồng nghĩa sẽ có nhiều chuyện đổi khác không còn như ban đầu được nữa. Bất luận là việc Lý Thừa Mục và Ấu Bạch bắt tay tính kế Thừa Du lẫn Đồng gia được chứng thực hay là việc khác, thì có thể đều là những việc ta khiến ta mất hết can đảm đối mặt.

Bàn tay ta lạnh ngắt, xé một góc của phong thư mà không kìm được run rẩy. Cho đến lúc khi phong thư được xé hết ra, mồ hôi lạnh đã thấm đẫm lòng bàn tay ta, đầu ngón tay cứng ngắc tê liệt.

Ta gằn giọng đọc lên từng chữ viết trên phong thư, những chuyện mà Ấu Bạch viết, toàn là những chuyện ta chưa bao giờ nghĩ tới…

Tất cả quay ngược trở lại năm Kiền An thứ mười một khi tiên hoàng còn tại vị, năm ấy đúng vào kì tuyển tú năm năm một lần.

Ấu nữ Mai Lạc Tích nhà lục phẩm Quốc tử trợ giáo nhập cung.

Ngày hôm đó cha ta uống hết mười tám chén rượu, y hệt xác chết gục ngã trên con đường mà kiệu xe của Mai Lạc Tích đi qua tiến thẳng đến hoàng cung nguy nga tráng lệ.

Lúc bị gia gia của ta kéo về, gia gia cũng không biết chuyện này sẽ trở thành khúc mắc tiếc nuối nhất cuộc đời cha ta.

Dù sao trong mắt gia gia chỉ quan tâm đến tiền đồ của cha. Cũng may cha ta biết phấn đấu không chịu thua kém kẻ khác, tuổi còn nhỏ đã lên được hàng chính tứ phẩm đô úy bách chiến bách thắng, chinh chiến lập công trạng, Đồng gia vì thế mà được nở mày nở mặt.

Về phần trước khi tiến cung Mai cô nương có tình cảm sâu nặng với cha ta cỡ nào thì hiển nhiên ta không biết được, nhưng Ấu Bạch có nói cho ta một việc khác, mà từ việc này có thể tìm ra vài manh mối. Mẫu thân của Ấu Bạch thực ra là thiếp thất cha ta nuôi ngoài phủ, nguyên nhân là vì dung mạo có đôi nét tương đồng với Mai cô nương nên cha ta mới sủng ái đủ kiểu. Cứ thế cho đến khi tai họa thật sự phát sinh thì người ông chọn bảo vệ cũng là Ấu bạch và mẫu thân của nàng mà không phải đại tiểu thư con vợ cả Đồng gia là ta đây.

Ha, Lý Thừa Mục mà đứng ở đây thì ta đã cạnh khóe hắn một trận đã đời, hóa ra trò tìm người làm thế thân này cha ta đã chơi từ mấy chục năm trước rồi!

Lại nói về Mai cô nương, ngày tháng sau khi nhập cung cũng chẳng được sóng yên biển lặng. Ban đầu được phong làm đáp ứng, không màng nguy hiểm mang long thai nhưng vẫn chỉ là một quý nhân, ban thưởng phong hiệu “Dung”, bình thường không có ý nghĩa gì nổi bật.

Bản thân không được sủng, liên lụy đến cả đứa phải sống cuộc sống chẳng dễ chịu, ngũ hoàng tử năm ấy thế đơn lực mỏng bị người đánh đập bị người coi thường, khinh nhục, thậm chí là hạ độc.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.