Phú ghẻ là một đứa bạn tốt nhưng mỗi khi đụng chuyện, nó luôn luôn chứng tỏ mình là một tên vô tích sự.
Lần trước tôi nhờ nó nhắn lời giùm với Cẩm Phô, hai nhà sát rạt bên nhau, vậy mà cả tuần sau nó mới tìm gặp Cẩm Phô được. Đúng là đồ con rùa.
Lần này cũng chẳng khá hơn. Tôi bảo nó tôi muốn mời Cẩm Phô đi ăn chè ngay ngày mai. Nó gật đầu và suốt mấy ngày liên tiếp, nó cứ loay hoay như gà mắc tóc. Ngày nào gặp tôi, nó cũng vò đầu bứt tai:
- Khổ ghê! Tao rình suốt, nhưng chẳng lúc nào gặp riêng nó được!
Phú ghẻ khổ một, tôi khổ mười. Tôi nôn nao muốn gặp Cẩm Phô biết bao. Từ hồi nghe Phú ghẻ hùng hồn khẳng định "nó thương mày chứ đâu phải nó thù mày", tôi càng mong gặp nó.
Nhưng Phú ghẻ làm tôi thất vọng quá chừng. Nhìn bộ mặt nhăn nhó của nó, tôi phát chán. Tôi chẳng buồn trách nó, chỉ nói:
- Ráng lên mày!
Nhưng Phú ghẻ chưa kịp ráng thì tôi đã chộp được một cơ hội bằng vàng.
Một buổi trưa lượn xe ngang tiệm thuốc tây Hồng Phát, tôi ngoảnh cổ ngó vào và giật thót người khi nhìn thấy Cẩm Phô đang đứng một mình, sau khi chạy thêm một đỗi xa, tôi cho xe vòng trở lại.
Lần này tôi biết chắc mình không lầm. Đích thị là Cẩm Phô đang đứng sau quầy thuốc, thế chỗ cho dì nó. Buổi trưa vắng khách, Cẩm Phô lôi sách ra để trên tủ kiếng, cắm đầu đọc. Vì vậy, nó không phát hiện ra bộ tịch dáo dác như thằng trộm gà của tôi.
Tôi tấp xe bên kia đường, một chân chống xuống đất, mắt láo liên quan sát. Tiệm thuốc tây Hồng Phát vẫn vắng tanh vắng ngắt. Trừ Cẩm Pô ra, trước sau tịnh không một bóng người. Ba mẹ nó giờ này chắc đang ngủ trưa trên lầu, tôi hồi hộp nhủ bụng và cái ý định xông vào tiệm thuốc tây càng lúc càng cháy bổng trong đầu tôi.
Tôi phải đích thân gặp Cẩm Phô. Tôi sẽ trực tiếp mời nó đi ăn chè trong quán bà Thường màkhông cần thông qua Phú ghẻ. Phú ghẻ là con rùa đen. Đợi cho nó chuyển được lời mời của tôi tới Cẩm Phô, lúc đó chắc tôi đã già chát.
Sau khi nghĩ tới nghĩ lui cẩn thận, tôi hít một hơi đầy lồng ngực và dắt xa băng qua đường. Dựng xe trước hiên, dòm quanh ngó quất một lần nữa không thấy ai, tôi hắng giọng một tiếng và hiên ngang bước vào nhà.
Nghe tiếng đằng hắng, Cẩm Phô ngẩng lên. Thấy tôi đứng lù lù trước mặt, Cẩm Phô rất đỗi sửng sốt. Cặp mắt nó tròn xoe, như không nhắm lại được.
Mãi một lúc, nó mới mỉm cười:
- Sao anh gan quá vậy?
Tôi chớp mắt:
- Nhà đâu có ai.
Cẩm Phô hất đầu:
- Ba mẹ Cẩm Phô ngủ trên lầu.
Tôi liếc về phía cầu thang bình tĩnh:
- Ngủ mà sợ gì!
- Nhưng sắp dậy rồi! - Cẩm Phô nói, nó hạ giọng vẻ đe dọa.
Tôi cười:
- Dậy cũng đâu có sao!
- Anh sẽ bị xé làm hai mảnh.
Tôi định nói "xé làm mười mảnh cũng không sợ" nhưng lời nói chưa kịp thốt ra khỏi miệng, bất giác tôi cảm thấy người run lên.
Tiếng lịch kịch thình lình vang lên từ phía đầu cầu thang khiến tim tôi như ngừng đập. Tôi nhìn về phía phát ra tiếng động và tái mặt khi nhìn thấy một cái chân rồi một cái chân nữa thò xuống từ trên lầu.
Không cần thấy mặt, chỉ nhìn hai cái chân cao lêu ngêu đó, tôi cũng biết là ba Cẩm Phô đang đi xuống.
Cẩm Phô là con nhỏ ăn mắm ăn muối. Nó bảo ba mẹ nó sắp dậy, tôi tưởng nó xạo chơi, không dè đúng chóc. Trong một thoáng, tôi định tháo chạy nhưng chân cẳng tự dưng cứng đơ, hệt như bị ba nó đứng trên lầu "cách không điểm huyệt".
Thoạt đầu, Cẩm Phô cố trấn tĩnh. Nhưng rồi thấy tôi mặt cắt không còn hột máu, nó bỗng lộ vẻ hoang mang. Nó nhìn tôi bằng ánh mắt lo âu, và gần như cùng một lúc cả hai đều buột miệng thì thầm:
- Làm sao giờ?
Nếu như trong một tình huống khác, có lẽ tôi và Cẩm Phô đã phá ra cười về sự trùng hợp ngộ nghĩnh này. Nhưng đang lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm, chẳng ai còn bụng dạ nào để cười cợt. Tôi nhìn Cẩm Phô, lắc đầu, miệng méo xệch, bụng chỉ thầm mong cho ba nó quành ra sau nhà súc miệng rửa mặt hoặc đi tiểu đi tiêu gì cũng được.
Có lẽ ba Cẩm Phô xuống lầu cũng với ý định đi ra nhà sau thật. Nhưng nhác thấy con gái mình đang đứng đối mặt với một người con trai lạ, ông nhanh chóng thay đổi ý định. Tôi thấy ông nhếch một nụ cười đanh ác và tiến thẳng lại phía quầy thuốc, với vẻ quỷ quyệt của một người thợ săn trông thấy con mồi.
Tôi rúm người lại, chưa kịp xỉu thì chợt thấy đôi mắt Cẩm Phô lóe lên. Và nó lật đật thò tay vào tủ kiếng lấy ra một vỉ thuốc đẩy về phía tôi:
- Paracetamol của anh nè!
Tôi ngơ ngác chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì Cẩm Phô đã giúi vỉ thuốc vào tay tôi, suỵt khẽ:
- Cầm đi!
Phải mất mấy mươi giây tôi mới hiểu dụng ý của Cẩm Phô. Nó là công chúa, hèn gì nó thông minh quá xá. Ừ, tại sao tôi lại không thể vào đây để mua thuốc hén? Đâu phải ai bước chân vào chỗ này cũng với mỗi mục đích là tán tỉnh con gái ông chủ tiệm. Vậy thì việc quái gì tôi phải run như cầy sấy nãy giờ!
Như tìm được lối thoát, tôi cố gắng hắng giọng rõ to và đứng thẳng lưng lên, thậm chí ngực hơi ưỡn về đằng trước ra vẻ mình là người đàng hoàng, cóc biết sợ ai. Nhưng đến khi cho tay vào móc tiền ra trả, tôi bỗng nghe lạnh toát sống lưng. Trưa nay tính chạy đi một chút rồi về ngay, tôi không hỏi xin tiền mẹ tôi nên bây giờ hai túi rỗng không. Thằng Chuẩn quần thừa túi rỗng là chuyện thường tình nhưng hôm nay cái sự thường tình đó lại đâm ra cực kỳ nguy hại. Ba Cẩm Phô đã nhìn thấy nó "bán" thuốc cho tôi. Nếu không nhìn thấy tôi móc tiền ra trả, chắc chắn ông sẽ nghi ngờ và chẳng chóng thì chầy sẽ khám phá ra tôi chỉ là một khách hàng giả mạo. Tới lúc đó, có trời mới biết chuyện gì xảy ra. Tôi bị xé tét thành hai mảnh đã đành mà đến ngay Cẩm Phô chắc cũng bị chặt làm chín khúc. Vừa than thầm tôi vừa cố thọc tay sâu hơn vào túi quần, những ngón tay như muốn xuyên thủng cả lớp vải, nhưng vẫn chẳng mò ra lấy một đồng bạc cắc. Thấy tôi lúng ta lúng túng, lục lục tìm tìm, mồ hôi lại chảy thành dòng trên trán, Cẩm Phô hiểu ngay ra cớ sự. Và cũng như lúc nãy, nó nhanh chóng tìm ra biện pháp thoát hiểm. Rút ngăn kéo đánh "soạt", Cẩm Phô lấy ra tờ bạc hai ngàn đưa cho tôi, giọng thản nhiên:
- Tiền thối nè!
Nó làm như trước đó tôi đã đưa tiền rồi, lại còn đưa dư nữa.
Như một cái máy, tôi chộp vội lấy "tiền thối", môi mím lại cho tay khỏi run, và quay lưng bước đi một mạch.
Cho đến khi phóc lên chiếc Huy Chương Vàng và chạy được một quãng khá xe, tôi mới thực sự tin rằng nỗi hiểm nghèo đã nằm lại sau lưng.
Khi tôi kể lại chuyện này cho Phú ghẻ nghe, nó tặc lưỡi:
- Nếu Cẩm Phô không ứng biến kịp thời, chắc giờ này mày đang nằm trong bệnh viện.
- Ừ, nó thông minh ghê! - Tôi hùa theo.
- Còn mày thì ngu!
Phú ghẻ phán một câu khiến tôi chưng hửng:
- Mày nói gì?
- Tao nói mày là một thằng ngu. Thứ nhất, lẽ ra mày không nên nóng ruột. Không nên xông bừa vào nhà nó như thế. Thứ hai, nếu đã liều mạng xông vào, phải nói ngay mục đích của mày rồi nhanh chóng rút lui. Đằng này, mày sém bị ăn ghế vô đầu mà rốt cuộc chẳng nói được cái cóc khô gì cả!
Tôi nhăn nhó:
- Tao chưa kịp nói gì thì ba nó đã dậy.
Phú ghẻ hừ mũi:
- Vì vậy tao mới bảo mày ngu.
Lời trách móc của Phú ghẻ khiến tôi thừ người. Mãi một lúc tôi mới thở dài:
- Trước mặt tao cũng là một thằng ngu.
Phú ghẻ nhảy nhổm:
- Tao mà ngu?
Tôi bĩu môi:
- Nếu mày khôn, mày đã chuyển lời mời của tao tới Cẩm Phô lâu rồi, đâu có để tao phải mạo hiểm như vừa rồi.
- Nhưng tao chẳng có cơ hội nào gặp riêng nó được! - Phú ghẻ nhún vai - Ông bà già nó lúc nào cũng theo giữ kè kè.
Tôi nhìn Phú ghẻ bằng ánh mắt thất vọng:
- Chẳng lẽ mày không còn cách nào khác?
- Còn một cách.
Tôi chớp mắt:
- Cách gì?
- Nhờ thằng Cường.
Đề nghị của Phú ghẻ làm tôi xụi lơ:
- Mày ở sát rạt nhà nó còn không ăn thua, thằng Cường ở xa lắc xa lờ làm được cái khỉ mốc gì!
- Mày ngốc quá! Thằng Cường học chung lớp với thằng Luyện bên Huỳnh Thúc Kháng. Nó đến tiệm Hồng Phát chơi với thằng Luyện còn dễ hơn mình chui rạp hát xem phim!
Trước lời giải thích của Phú ghẻ, tôi như người ngủ mơ choàng tỉnh. Không đợi cho nó kịp thay áo, tôi cầm tay nó kéo xềnh xệch:
- Lẹ lên! Tao với mày phải đi kiếm thằng Cường ngay!
Thằng Cường cầm tinh con chạch. Lúc chẳng có việc gì nhờ vả, đi đâu cũng đụng đầu nó. Lúc cần kíp, nó trốn mất tiêu.
Mãi đến chiều hôm sau, tôi với Phú ghẻ mới tóm được nó ở nhà Liên móm.
Tôi ngán Liên móm, đứng ngoài giữ xe, chỉ để mình Phú ghẻ vào nhà.
Tôi đợi một lát đã thấy thằng Cường lò dò bước ra cùng Phú ghẻ. Vừa thấy tôi, Cường đã bô bô:
- Tụi mày định rủ tao đi thụt biđa hả?
Tôi mỉm cười lắc đầu:
- Vậy là rủ đi tắm sông?
Tôi lại lắc đầu.
Cường liếc về phía rạp Thống Nhất:
- Hay là đi xem phim?
Lần này tôi không lắc đầu nữa. Mà nhún vai.
Cường bắt đầu ngạc nhiên:
- Chẳng lẽ tụi mày đi tìm tao chỉ vì nhớ tao?
Cuộc đối đáp tới đây đã chuyển sang chính đề. Tôi liếc Phú ghẻ, cầu cứu. Phú ghẻ khịt mũi:
- Không phải nhớ, mà là nhờ!
- Nhờ chuyện gì vậy? - Cường hỏi, giọng tò mò.
Phú ghẻ vẫn nhát gừng:
- Chuyện của thằng Chuẩn.
Cường sốt ruột:
- Chuyện gì tụi mày nói đại ra cho rồi, cứ bày đặt úp úp mở mở, nghe mỏi lỗ tai quá!
Phú ghẻ nhe răng cười. Và nó hỏi một câu chẳng ăn nhập gì đến yêu cầu của Cường:
- Mày đến nhà Liên móm chi vậy?
- Tao ôn tập! - Cường liếm môi.
- Ôn tập? - Phú ghẻ cười hô hố - Ai đời một đứa học bên Trần Cao Vân một đứa học bên Huỳnh Thúc Kháng lại ôn tập chung với nhau bao giờ!
- Nhưng tao thích thế! - Cường gân cổ.
Phú ghẻ trừng mắt:
- Mày đừng dóc! Chính Thùy Dương mới là đứa đến học chung với Liên móm, chứ không phải là mày! Mày đến đây chỉ cốt gặp Thùy Dương thôi. Thằng Chuẩn khù khờ họa may nó còn tin lời mày, chứ còn tao thì biết tỏng!
Phú ghẻ "nổ" một tràng khiến Cường tắt đài. Nó nghệt mặt một hồi rồi ngẩn ngơ hỏi lại:
- Chẳng lẽ tụi mày đến đây để chơi trò "phá đám"?
Phú ghẻ hừ mũi:
- Phá mày làm cái mốc xì gì! Nhưng mày muốn gặp em Thùy Dương thì thằng Chuẩn cũng muốc gặp em Cẩm Phô vậy!
Văn phong vắn tắt của Phú ghẻ khiến Cường ngơ ngác. Nó nhìn sững tôi:
- Mày muốn gặp ai thì cứ đi mà gặp, mắc mớ gì đến tao!
Tôi cười méo xẹo:
- Nhưng tao không "lọt" vô nhà nó được!
Rồi tôi kể cho Cường nghe ngày hôm qua tôi suýt bị xé làm hai mảnh như thế nào.
- Sao mày không nhờ Phú ghẻ? - Nghe xong, Cường hỏi.
Phú ghẻ đứng bên lắc đầu:
- Tao cũng chịu thua.
Tôi thở dài:
- Ở nhà thì ba mẹ nó kề hai bên, lên trường thì tụi nữ quái 10A2 bao vòng trong vòng ngoài. Tóm lại, trừ mày ra, trên thế gian này không ai có thể tiếp cận nó được. Mày là bạn thằng Luyện.
Thoạt đầu, thấy tôi liệt "hoa khôi" Thùy Dương của nó vào hạng nữ quái, cặp lông mày thằng Cường nhăn tít, nhưng rồi thấy tôi bốc nó lên tận mây xanh, nó khóai chí cười toe:
- Được rồi, tao sẽ giúp mày!
Cường giúp tôi chỉ với một ngón tay. Buổi tối đến chơi với thằng Luyện, lúc đi ngang qua Cẩm Phô, Cường nói khẽ "Chuẩn nhắn" và nó bật một ngón tay lên.
- Cẩm Phô sẽ hiểu là mày hẹn nó lúc một giờ trưa mai ở quán bà Thường!
Lần đầu tiên thực hiện "sứ mệnh", Cường về bảo với tôi như vậy. Nhìn vẻ mặt hí hửng của nó mà tôi phát rầu:
- Mày nhắn kiểu đó bố ai hiểu nổi!
Mới đi "công tác" về, chưa được khen một lời đã bị phê bình, Cường đổ quạu:
- Chỉ có đứa "đầu bò" như mày mới không hiểu chứ ai mà không hiểu!
Tôi hỏi, cố dằn lòng:
- Sao mày không nhắn miệng mà phải huơ tay huơ chân kiểu đó?
- Bộ mày tưởng tao không sợ "thần giữ cửa" nhà nó hả! - Cường nhăn nhó - Tao đấu láo với thằng Luyện cả buổi thì không sao chứ ấm ớ chừng vài câu với Cẩm Phô là ông già nó tống cổ tao ra khỏi nhà liền!
Hóa ra thằng Cường cũng chẳng "oai hùng" gì hơn tôi và Phú ghẻ. Nó chỉ hơn mỗi cái khoản được tự do tới chơi với thằng Luyện. Mà tôi thì chẳng bao giờ có ý định mời thằng Luyện đi ăn chè. Tôi chỉ muốn mời chị nó thôi. Trưa hôm sau, tôi xách xe ra khỏi nhà với tâm trạng đầy lo âu.
Và đúng như sự nghi ngại của tôi, tới quán bà Thường trước giờ hẹn mười phút, tôi ngồi chết gì trên ghế đúng một tiếng đồng hồ vẫn chẳng thấy bóng dáng Cẩm Phô đâu.
Lần này, hoang mang và thất vọng, tôi chẳng buồn rớ tới hai ly chè trên bàn. Đá trong ly tan ra thành nước, tôi cũng mặc. Tâm hồn ăn uống của tôi bữa nay đi chơi tận đẩu tận đâu. Trong lòng tôi chỉ ngập tràn một nỗi giận hờn vô bờ bến. Tôi giận cả Cẩm Phô lẫn thằng Cường. Với Cẩm Phô, dĩ nhiên tôi chỉ trách sơ sơ. Còn thằng Cường thì khỏi nói. Tôi rủa nó không tiếc lời. Nếu những lời nguyền của tôi mà thành sự thật thì thằng Cường không những bị xe cán mà còn bị sét đánh, bị té sông, bị quỷ một giò móc mắt. Đáng kiếp, ai bảo nó nhắn "người yêu" giùm tôi mà lại giơ ngón tay đầy cáu ghét của nó ra ngoắt ngắt, khều khều. Thấy nó chĩa tay, biết đâu Cẩm Phô lại tưởng tôi nhớ nó hỏi xin tiền. Cẩm Phô tưởng tôi xài hết hai ngàn "tiền thối" bữa trước, nay được trớn đòi nó "thối" thêm một ngàn nữa.
Suốt một tiếng đồng hồ, tôi ngồi ngóc cổ cò và nghĩ vơ vẩn. Trong thời gian đó, tôi chửi thầm thằng Cường đúng một trăm lẻ tám lần. Tôi không đủ sức ngồi chửi nó tới lần một trăm lẻ chín, đành thở dài đứng dậy dắt xe ra.
Nào ngờ tôi chưa kịp ra tới cổng đã thấy Cẩm Phô trờ tới. Nó thắng "kít" trước mặt tôi, mặt lộ vẻ ngạc nhiên:
- Anh hẹn Cẩm Phô tới, sao lại bỏ về?
Sự xuất hiện ngoài mong đợi của Cẩm Phô khiến tim tôi ngừng đập mất mấy giây. Mãi một lúc tôi mới mở lời nổi, nửa mừng nửa giận nên miệng méo xệch:
- Tôi cứ tưởng Cẩm Phô không tới.
- Sao anh lại nghĩ vậy?
Cẩm Phô hỏi, nó đứng xuống đất và dựa xe vào gốc lê-ki-ma.
- Tôi đợi Cẩm Phô hơn một tiếng đồng hồ rồi!
Tôi cũng dựng xe lại chỗ cũ và đáp, cố giữ giọng ôn hòa nhưng không được. Câu nói của tôi hàm ý trách cứ rõ rệt.
Nhưng Cẩm Phô chẳng tỏ vẻ gì áy náy vì đã đến trễ. Thậm chí nó còn cười:
- Ai bảo anh đến sớm làm chi!
- Cẩm Phô đến trễ thì có! - Tôi giận dỗi - Tôi hẹn một giờ mà giờ này Cẩm Phô mới đến!
- Anh hẹn hai giờ kia mà! - Mắt Cẩm Phô tròn xoe.
- Ai bảo hai giờ? - Tới phiên tôi chưng hửng.
Cẩm Phô chớp mắt:
- Anh Cường. Cẩm Phô thấy ảnh giơ hai ngón tay. Chẳng lẽ hai ngón tay không phải là hai giờ?
Nếu thủ phạm là Phú ghẻ, tôi đã chửi toáng lên "cái đồ ghẻ ngứa" rồi. Nhưng thằng Cường thì tôi chưa nghĩ ra một biệt danh xấu xa nào để gán cho nó. Vì vậy, lúc này tôi tức đến ói máu vẫn phải nuốt cục giận vào bụng. Tôi nhìn Cẩm Phô, cười gượng gạo:
- Ờ, ờ, hai ngón tay thì đúng là hai giờ rồi! Cẩm Phô thông minh ghê!
- Anh mới thông minh! Anh không những thông minh mà còn mà mãnh!
Chắc Cẩm Phô tưởng tôi nghĩ ra cái trò dùng ngón tay làm ký hiệu như vậy. Nó đâu có biết chính thằng Cường mới là tác giả của phương pháp liên lạc này. Và Cường đã vịn vào đó để chơi tôi một vố đau điếng.
Sau cuộc hẹn với Cẩm Phô, tôi tức tốc phóng xe tới nhà Cường. Tôi không tin sẽ tóm được nó vì sau khi gạt cho tôi ngồi ê mông trong quán bà Thường, nó thừa biết tôi sẽ đi tận chân trời góc bể để tìm nó.
Nhưng khác với dự đoán của tôi, Cường không thèm lánh nạn. Nó vẫn ngồi lì ở nhà, thậm chí thấy tôi tới, nó còn nhe răng cười:
- Thích hén!
- Thích cái đầu mày! - Tôi hầm hầm.
Cường giật thót:
- Mày sao vậy? Bộ Cẩm Phô không tới hả?
- Tới! - Giọng tôi vẫn lạnh băng.
Cường ngơ ngác:
- Tới sao mày chửi tao?
Tôi không thèm trả lời Cường. Mà hỏi "đốp" ngay:
- Hôm qua mày bật mấy ngón tay?
- Thì tao đã nói rồi. Một ngón.
- Vậy sao hồi trưa hai giờ Cẩm Phô mới tới?
Cường liếm môi:
- Làm sao tao biết được! Có thể nó bận chuyện nhà!
- Bận cái mốc xì! - Tôi hừ giọng - Nó bảo nó thấy mày đưa hai ngón tay!
Vừa nói tôi vừa chồm tới khiến Cường vội bước lui một bước và kêu lên:
- Tao chỉ giơ có một ngón hà!
Tôi nghiến răng:
- Mày thề đi!
- Thề thì thề chứ sợ cóc gì! - Đang hùng hổ, Cường đột ngột nhíu mày - À, à, tao nhớ rồi! Như vậy là hôm qua tao giờ trước sau tổng cộng hai ngón!
- Hai ngón là hai ngón chứ "trước sau tổng cộng" là cái khỉ khô gì!
Cường gãi cổ phân trần:
- Thoạt đầu tao chỉ giơ ngón trỏ, ý nói mày hẹn một giờ... Nhưng rồi sợ ra hiệu như vậy nó vắn tắt quá, tao mới giơ thêm ngón giữa chỉ chỉ về hướng nam ngầm bảo mày hẹn nó trong quán bà Thường.
Nghe Cường giải thích, tôi không biết mình nên cười hay nên khóc. Có lẽ là nên cười. Vì mẹ tôi từng bảo: con trai khóc trông xấu lắm !