Tôi Thấy Ánh Dương Trong Đêm Tối

Chương 53: Theo đuổi nữ thần anh rành lắm



Hứa Dịch Dương đắc ý dào dạt chở Diệp Thải Quỳ rời đi dưới cái nhìn ghen tị của đám anh em.

Thành thật mà nói, trước đây ai nấy ngờ ngợ, mờ mịt Hứa Dịch Dương trẻ trung triển vọng, đẹp trai lai láng, nhà mặt phố bố làm to sao để mắt đến phụ nữ có tuổi, công việc bấp bênh còn mồ côi cha mẹ như Diệp Thải Quỳ, làm như ngoại trừ sắc đẹp ra cô chẳng còn gì đáng nhắc tới, mà Hứa Dịch Dương đâu giống kẻ háo sắc.

Song hiện tại, bà con càng thêm mù mờ, đánh dấu hỏi cô gái giàu có, quyền lực lẫn xinh đẹp như Diệp Thải Quỳ, mắc mớ gì đi lấy cảnh sát quèn như Hứa Dịch Dương.

Thật không biết rốt cuộc ai mới bị ma dẫn đường quỷ đưa lối.

……

Giáp Tết, thị trường đóng cửa, những vấn đề tài chính dời qua năm mới, mọi người tạm cất chuyện lợi ích sang bên, chuyên tâm đón Tết.

Đêm Giao Thừa, thành phố tựa hồ bỗng chốc vắng tanh, hàng quán nghỉ bán buôn, tất cả cư dân rảnh rang, không còn chỗ nào đi ngoại trừ quần quần trong nhà.

Giữa trưa Diệp Thải Quỳ nấu cơm, hai người ăn chung, sau đó cô gói ghém vài món kho(1) hầm chín và mấy đĩa đồ ăn chờ tới tối đưa qua nhà Hứa Dịch Dương.

(1) 卤味/Lu Way/, gọi chung các món kho hầm từ thịt, nội tạng với sốt đặc chế. Những người gốc Hoa bọn mình hay xem đây là phá lấu kiểu Triều Châu

Hứa Dịch Dương thấy cô đóng gói thức ăn: “Sao em biết nhà anh không nấu mâm cúng Tất Niên?”

“Em đâu biết……” Diệp Thải Quỳ nói: “Em chỉ thấy không thể đi tay không, bèn mang tới vài món nấu chín cho tối dùng, ăn không hết thì để ba mẹ cất tủ lạnh ăn dần.”

“Bọn họ ít ăn cơm nhà, mỗi người đi làm xã giao nhiều, em cứ mang đủ phần cho tối nay là được.” Hứa Dịch Dương không dằn nổi trách than: “Mỗi năm Giao Thừa mâm cơm toàn đồ bán thành phẩm, mẹ anh không biết nấu, chỉ bắt lên cho chín hẳn, mỗi năm tới Tết quạnh quẽ từ bàn ăn tới bàn khách, không hề có chút không khí lễ Tết.”

……

Nghe Hứa Dịch Dương kể, sao cảm thấy nhà họ thiếu hơi ấm tình thân quá đỗi.

Diệp Thải Quỳ bất giác nhớ tới Đinh Cát Lị và ba Hứa Dịch Dương, dè chừng hỏi: “Tình cảm ba mẹ anh tốt không?”

Hứa Dịch Dương không nghi ngờ, trả lời: “Anh nhớ rõ khi bé tình cảm họ khá tốt.”

Trong trí nhớ thuở ấu thơ, tình cảm cha mẹ vô cùng thân mật, họ cũng hết mực yêu thương anh, gia đình ba người coi như ấm áp chan hoà, nếu không bởi thế, anh đã không chấp nhất tìm đường về nhà.

Cũng vì lẽ này, sau khi quay về mới nhận phải nỗi chưng hửng chênh lệch lớn nhường ấy.

“Sau này thì sao? Sao họ lại bất hoà?” Diệp Thải Quỳ hỏi tiếp.

“Anh không rõ, về nhà thì anh đã đủ lớn, cách trở nhiều năm, anh không biết đã xảy ra chuyện gì. Nhưng khi ấy họ lạnh tanh, đối với anh cũng thế. Thật lòng mà nói, họ cũng không yêu chiều em trai lắm, nhưng so với anh thì gần gũi nó hơn, chắc vì em trai anh dễ mến.”

“Suốt mấy năm qua, tình cảm họ mãi không cải thiện sao?”

“Mỗi người có sự nghiệp thành công riêng, thường bận bịu công tác hay đi xã giao, khi ở nhà họ chẳng mấy trao đổi, hoạ chăng cũng là bàn về công việc, tiền bạc, lợi ích liên quan.”

Thế à……

Diệp Thải Quỳ suy tư kết luận: “Điều này không đáng lạ, rất nhiều các cặp vợ chồng là vậy, cố ở bên nhau không phải vì yêu mà bởi cái giá phải trả khi tách ra quá lớn.”

Ngẫm lại cũng biết, hai người đứng đầu ở cơ quan tương ứng, đều là người có uy tín danh dự, bao nhiêu cặp mắt chằm chằm soi vào kia kìa? Người như họ sẽ không lựa chọn ly hôn.

Hơn nữa chưa kể tình cảm nông sâu, sống bên nhau vài chục năm đủ để họ trở thành người hiểu đối phương nhất, nắm không ít nhược điểm của nhau, nhỡ ly hôn thật, hai người không ai yên lòng, biện pháp vẹn toàn nhất là duy trì quan hệ hôn nhân.

Thấy Diệp Thải Quỳ cúi đầu tư lự, Hứa Dịch Dương cau mày hỏi: “Sao khi không em quan tâm đến tình trạng cha mẹ anh?”

Tuy Diệp Thải Quỳ và Hứa Dịch Dương đã là vợ chồng, nhưng sự tình dính líu đến bạn thân, cô nhất thời phân vân mình có nên kể với Hứa Dịch Dương không.

“Người một nhà cả, hiểu thêm tí cũng đâu xấu.”

“Không có gì để hiểu hết, cái nhà đó lạnh như băng mười mấy năm như một.”

Hứa Dịch Dương dường như không muốn nói nhiều hơn về cha mẹ, Diệp Thải Quỳ không tiếp tục đào sâu, gói đồ ăn đồng thời tán gẫu chuyện khác cùng anh.

Sẩm tối hai người tới cửa, thái độ ba mẹ Hứa Dịch Dương với cô mềm mỏng hẳn, khách sáo hơn, Diệp Thải Quỳ không mong mỏi tình thân ấm áp gì cho cam, giờ không ầm ĩ nữa đã đủ tạ ơn rồi.

Diệp Thải Quỳ không sai khi xách thức ăn tới, mâm cơm Tết nhà họ Hứa dù toàn món ngon, nhưng nhìn sơ là biết mua bên ngoài, giá cả đắt đỏ, thậm chí có hẳn Phật Nhảy Tường nhưng không hề có vị Tết, nức mùi chiếu lệ.

Cô nàng không khách sao, dù sao mẹ Hứa không giỏi nấu nướng, cô bèn xung phong vào bếp, giúp nấu cơm Tất Niên.

Mẹ Hứa Dịch Dương theo vào, bà không còn xét nét Diệp Thải Quỳ nữa, tôn trọng cô hơn, hỏi thăm cô chuyện làm hộ khẩu, chủ động đề giúp đỡ, cần thì để qua năm mới bà giúp cô cho nhanh, mau lắm, nhất định sẽ không ảnh hưởng đến việc xin giấy phép kinh doanh.

Diệp Thải Quỳ rửa rau trong khi cảm thán cách dòng đời lòng vòng khúc khuỷu.

Hồi đó gả cho Hứa Dịch Dương vì hộ khẩu, kết quả do cưới anh mà lỡ dở giấy tờ, sau này Hứa Dịch Dương từ chức càng thấy chuyện này thêm khó thành, người khi trước gây khó dễ giờ lại đề nghị hỗ trợ.

“Không cần đâu ạ.” Diệp Thải Quỳ nói: “Con tính rồi, định bụng sang năm con đóng quán, mở nhà hàng thiệt tình đuối lắm, thuở đầu kinh doanh xuất phát từ ham thích thôi, ham thích nên giữ trong sở thích, đừng biến thành sự nghiệp.”

“Vậy con tính ở nhà sanh con à?” Mẹ anh lại hỏi.

“Tụi con không tính có con.” Diệp Thải Quỳ trả lời gọn ghẽ: “Tương lai cũng sẽ không có.”

Mẹ Hứa Dịch Dương toan khuyên nhủ nhưng nghẹn về, bà biết có nói cũng vô dụng, cô con dâu này cao tay, con trai nghe hết theo vợ nó, bà căn bản không xía vào nổi chuyện hai đứa.

“Ờ, mấy đứa vui là được.”

Ngay lúc này Hứa Diệu Dương lủi vào bếp, ngửi thấy hương thơm: “Mẹ ơi, mẹ nói gì với chị dâu vậy? Cơm chiều xong chưa ạ, đói chết con.”

“Đang nói tới em đó.” Diệp Thải Quỳ nhả về một câu.

“Nói gì em?”

Diệp Thải Quỳ cười tủm tỉm ngó Hứa Diệu Dương, trêu chọc: “Nói ấy à, trách nhiệm kế thừa nhà họ Hứa phải giao cho chú em tài ba hơn người nhà mình chứ sao?”

“Cớ gì dính lên đầu em chớ?” Hứa Diệu Dương cười ngượng ngùng, vội nói: “Em còn sớm……”

“Sớm gì nữa, trong trường có ghệ chưa?”

Bị hỏi trúng câu này, mặt Hứa Diệu Dương đỏ ửng.

Bình thường tính tên nhóc này gắt lắm, nóng nảy bộp chộp, thế mà biết thẹn ư?

Mẹ Hứa bị khơi hứng thú, hỏi: “Có bạn gái rồi à?”

“Không có ạ.”

“Không có mà sao mặt em đỏ dị?” Diệp Thải Quỳ ghẹo cậu: “Nhìn là biết có người thương rồi phớ hôn? Sao nào, sáng dạ như em mà chưa tán đổ à?”

Hứa Diệu Dương mắc cỡ húng hắng hai tiếng. Bấy giờ Hứa Dịch Dương cũng vào bếp, anh nghe thấy người bên trong hình như tán dóc rất vui vẻ, thầm thấy quái lạ, hơn nữa anh ở ngoài ngồi với ba, không biết nói gì bèn tiến vào xem.

“Đang tám gì đó?” Hứa Dịch Dương thắc mắc.

“Nói về em trai anh và cô bé nó yêu thầm.”

“Em yêu thầm hồi nào?”

“Á à? Thế thì yêu ngoài sáng rồi.”

Mặt mũi Hứa Diệu Dương càng đỏ tợn, nhắc tới cô gái kia cậu không còn sót chút tinh ranh, song lại có đúng dáng vẻ cậu trai mười chín.

“Cũng không phải, người ấy giỏi giang lắm, em theo không kịp.”

Nghe tới đó Hứa Dịch Dương tự dưng nổi lên hứng thú về đời sống tình cảm thằng em mình: “Giỏi tới đâu?”

“Là đàn chị trường em, siêu tài luôn” Hứa Diệu Dương nhắc về cô bé kia là liên miên không dứt: “Cô ấy là người khắc kỉ nhất mà em biết, mỗi sáng rời giường lúc 6 rưỡi, kiên trì chạy bộ nửa tiếng, kéo dài suốt bốn năm. Sinh viên đứng đầu ngành, chưa tốt nghiệp mà đã có nhà đầu tư thiên thần(2) có ý định rót tiền vào hạng mục của cô ấy……”

(2) Nhà đầu tư thiên thần trong tiếng Anh là Angel Investor hoặc Seed Investor hoặc Angel Funder.

Một nhà đầu tư thiên thần là người có giá trị tài sản đầu tư lớn, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hoặc một công ty khởi nghiệp với mục đích thường là đổi lấy quyền sở hữu trong công ty. Các nhà đầu tư thiên thần có thể tài trợ bằng một khoản tiền ban đầu giúp doanh nghiệp bắt đầu hoạt động hoặc liên tục rót thêm vốn để giúp một công ty đi qua các giai đoạn khó khăn. 

Diệp Thải Quỳ càng nghe càng thấy thú vị, không thể tưởng được Hứa Diệu Dương kiêu ngất trời, gặp được cô gái mình thích cũng sẽ tự ti, thấy mình không xứng.

“Em vầy là không được.” Diệp Thải Quỳ dạy dỗ: “Biết định luật hấp dẫn không? Em càng thấy mình đuổi không kịp thì càng duỗi không tới. Có phải em xem con gái người ta là nữ thần không?”

“Cô ấy vốn là nữ thần.”

“Chìa khoá thu phục nữ thần ấy là, em đừng coi người ta như người trêи cao, giống như đi thi vậy, đầu tiên phải mang tinh thần chắc cú đã.”

“Chuyện này, em phải nghe anh.” Hứa Dịch Dương ra vẻ: “Anh dạy em cách cua.”

Hứa Dịch Dương vừa lên tiếng, ba người kia có phần giật mình, phải biết rằng ngày thường Hứa Dịch Dương chả mấy quan tâm đến chuyện trong nhà, đặc biệt không ưa đứa em, giờ lại chủ động muốn giúp nó cua gái, dù đang Tết nhất, nhưng cú chuyển mình này hơi lớn thì phải?

Hứa Diệu Dương hết hồn lắm chứ, thuở nhỏ cậu đã muốn gần gũi với anh Hai, nhưng anh ấy cơ bản chẳng đoái hoài tới cậu, tình cảm hai anh em tương đối xa cách, không nghĩ tới nay anh mình lại để ý tới chuyện cá nhân của cậu.

“Anh à…… Chuyện tán gái, anh chắc anh dạy được em á?” Hứa Diệu Dương không tin lắm.

Anh Hai là người thẳng đuột, có chút nào giống tay già đời đường tình đâu ta.

Nét mặt Hứa Dịch Dương nghiêm nghị như cũ, giọng điệu cũng bình bình, nhưng cảm nhận được anh dằn không nổi niềm tự hào đắc chí một cách rõ rệt, anh buông hờ đôi mắt từ trêи cao ngó xuống em mình, chậm rì rì phán: “Anh là người cua đổ chị dâu em.”

……

“Chuyện theo đuổi người trong mộng này không ai rành bằng anh.”

Bốn bề im ắng vài giây, sau đó Diệp Thải Quỳ không nhịn được bật cười, mẹ Hứa cũng không kìm được cười, không phải lời Hứa Dịch Dương nói gây hài, mà bà không cảm nhận được bầu không khí gia đình từ hồi lâu lắm rồi.

Người nhà quây quần trong bếp, tán dóc chuyện lông gà vỏ tỏi. Không cần phải cân nhắc giữ giá hay mua đứt căn nhà, không cần phải hỏi thăm thưa gởi lãnh đạo, không cần phải đưa quà cáp lễ lạt cho ai.

Bao lâu nay, trái tim mẹ Hứa khoá kín, cằn cỗi khô khốc, song giờ đây bà cảm tưởng như có gió lùa mơn man len qua kẽ tường nứt.

Hứa Dịch Dương nghiêm mặt, Hứa Diệu Dương tự hỏi lời anh nói, thấy hơi bị có lý.

Còn ai xứng làm nàng tiên bằng chị dâu cơ chứ? Đại gia lắm tiền nhiều của, mặt xinh, dáng đỉnh, sừng sỏ máu mặt còn được anh tán đổ, dựa vào đó, thật không ai rành rẽ cách cua tiên bằng anh ấy.

“Cua thế nào đây anh?”

“Phải quấn.”

……

Hứa Diệu Dương lừng khừng, rồi quyết ý rủ rê Hứa Dịch Dương: “Đi, anh Hai, tụi mình qua kia nói.”

“Được.”

Hai anh em thực sự ra khỏi bếp, tới chỗ khác chia sẻ bí kíp.

Diệp Thải Quỳ dở khóc dở cười, Hứa Dịch Dương chỉ đơn thuần muốn khoe mẽ thôi, ai dè Hứa Diệu Dương tin xái cổ……

Chờ khi trong bếp còn sót mỗi Diệp Thải Quỳ và mẹ Hứa Dịch Dương, mẹ Hứa mới xấu hổ thú thật: “Thuở trước mẹ có nhiều chỗ bất lịch sự, cảm ơn con đã không để bụng.”

“Đâu có gì đâu ạ, toàn người nhà cả.”

Diệp Thải Quỳ hiểu sâu sắc đạo lý được chăng hay chớ, rất nhiều thứ lắm khi khó tách bạch đúng sai phải trái, buông tha người khác là buông tha chính mình, sống ơ hờ đôi chút, cuộc đời mới tương đối dễ thở.

Mẹ Hứa Dịch Dương cười gục gặc, giúp Diệp Thải Quỳ một tay, hai người cũng coi như xí xoá nợ cũ.

Diệp Thải Quỳ xắt rau, thấy không khí khá hợp, bèn đề cập: “Thái độ Dịch Dương khi thoảng hay cứng nhắc, nhưng kỳ thật anh ấy để ý tới ba mẹ lắm, chẳng qua ngang sương về nhà nên khó dung hợp, con mong ba mẹ nhẫn nại và mềm mỏng hơn với anh ấy.”

Diệp Thải Quỳ chú ý động tác mẹ chồng đứng khựng, nét mặt ảm đạm, cô tưởng mình nói câu nào khiến bà không vui.

Nhưng Diệp Thải Quỳ không ngại mích lòng, vì thế tiếp tục: “Trái tim con người lệch hướng là lẽ thường, có điều thỉnh thoảng phải thể hiện mặt ngoài, đừng quá lộ liễu, bằng không chạnh lòng lắm ạ.”

Diệp Thải Quỳ biết, nếu chuyện này không được dứt gọn, Hứa Dịch Dương vĩnh viễn sẽ giữ khúc mắc, sẽ mãi canh cánh trong lòng, vì vậy cô mong mỏi dù đây chỉ là hơi ấm giả dối, ba mẹ anh cũng đừng biểu hiện quá bất công.

“Chắc Tiểu Dương thấy ba mẹ thiên vị em trai, không thương nó?” Mẹ Hứa Dịch Dương cười khổ: “Nó tưởng vậy cũng không đáng ngạc nhiên, nhưng con ngẫm lại xem, theo bản năng con người, ba mẹ phải thương đứa đầu lòng mới đúng.”

Diệp Thải Quỳ vốn tưởng mẹ anh không thích con dâu bàn ra tán vào chuyện riêng tư này, không ngờ bà lại thốt ra câu cô nhủ thầm chưa nói.

“Thế thì vì sao ạ?”

“Trước khi lạc mất Tiểu Dương, tình cảm mẹ và ba nó rất tốt, thiệt đó, hồi mới đầu mẹ đâu phải bà cô già khó ưa vầy, nhưng đời xoay mình con ơi. Sau khi bỏ mất Tiểu Dương, tình cảm vợ chồng liền rạn nứt. Ba mẹ quá thương nó, nếu không tàn nhẫn, oán hận, thì không thể nào đối mặt với nỗi đau mất con, bèn quay người trách móc lẫn nhau, mỗi ngày cãi cọ, đổ lên đầu đối phương cái tội sơ sẩy để con cái bặt tăm.”

……

“Nói thật, chúng ta suýt ly hôn, trùng hợp sao sự nghiệp ông ấy đang trêи đà thăng tiếng, mẹ lại có mang, bèn quyết định vứt bỏ quá khứ, bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng dẫu vậy, nút thắt trong lòng không sao tháo bỏ, không cách nào quay ngược thời gian.”

……

“Điều cha mẹ không ngờ tới chính là, mấy năm sau, Tiểu Dương tự mình trở về.”

……

“Mẹ không rõ ba nó nghĩ gì, nhưng mẹ không tài nào đối mặt với đứa con trai này. Nó ăn khổ biết bao mà vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm ba mẹ, nhưng chúng ta đã ruồng rẫy nó từ lâu. Nhiều khi tự thấy mình không có tư cách làm mẹ, nhìn Tiểu Dương mẹ thẹn lòng lắm. Song áy náy càng nhiều càng không thể nhìn thẳng. Hơn nữa, Tiểu Dương khi ấy đang ở tuổi nổi loạn, có lẽ có phần căm ghét ba mẹ sinh thêm em trai, bài xích giao tiếp với chúng ta. Mẹ không biết cách đối diện với những cảm xúc phức tạp đó, đành phớt lờ nó đi…… Ngay từ đầu tình cảm gia đình không được dàn xếp đúng lúc, về sau càng khó mở miệng, dần dà biến thành tình trạng bế tắc như hiện tại. Trong lòng nó oán trách ba mẹ, không chịu trao đổi với ba mẹ, cũng chẳng lọt tai lời ba mẹ, đôi bên đi vào ngõ cụt……”

Kỳ thực Diệp Thải Quỳ có thể lý giải trạng thái tâm lý tế nhị này, nhưng cô luôn cảm thấy đây không phải nguyên nhân bỏ mặc Hứa Dịch Dương, bèn hỏi: “Mẹ là mẹ anh ấy, nỗ lực vì ảnh khó lắm sao?”

Mẹ Hứa Dịch Dương cười cay đắng: “Nếu mẹ mạnh mẽ nhường ấy, dám đối mặt vấn đề đã không biến đời mình thành cái dạng này.”

Diệp Thải Quỳ cạn lời, mẹ Hứa tự hiểu mình đủ sâu thật, nhưng đấy chỉ về nhận thức mà không có dũng khí thay đổi.

“Giờ mẹ miệng cọp gan thỏ, cuộc sống bị vây kín bốn bề.” Mẹ Hứa Dịch Dương rửa sạch nguyên liệu đặt qua một bên, dửng dưng: “Con có biết, cha chồng con ăn vụng đấy.”

Bụng dạ Diệp Thải Quỳ vặn xoắn, động tác xắt rau tần ngần, vờ như bình tĩnh hỏi: “Với ai ạ?”

“Một cô gái chung cơ quan ông ấy.”

Lông tóc Diệp Thải Quỳ tê dại hết ráo, là ai thì đã rõ……

Mẹ Hứa Dịch Dương định nói gì thêm thì cửa nhà bếp mở ra.

Hứa Diệu Dương vào hỏi có gì ăn được chưa.

“Anh Hai với con chết đói tới nơi.”

Xem ra hai anh em tìm được mối đồng cảm thông qua công cuộc tán đổ nữ thần, tám khá hợp cạ nữa chớ.

Hứa Diệu Dương xuất hiện ngắt ngang cuộc trò chuyện giữa Diệp Thải Quỳ và mẹ chồng, cô đưa cậu dĩa chả giò chiên: “Xào dĩa rau nữa là xong, hai người bày bàn trước đi.”

Đợi Hứa Diệu Dương quay ra, hai người trong bếp ăn ý không nhắc lại đề tài vừa rồi, tám nhảm đôi ba câu, rồi ra sắp xếp mâm cơm Tất Niên.

Bày bàn ăn xong xuôi, cả nhà yên vị, đương lúc cụng ly khai bữa, di động Cục trưởng Hứa reo lên, ông nhìn thoáng qua, đi tới chỗ khác bắt máy.

Diệp Thải Quỳ theo bản năng dòm sang mẹ chồng, thấy con ngươi bà u ám, tự mình nhấp miếng rượu.

Chốc lát Cục trưởng Hứa trở lại, không nhắc tới cuộc gọi, cười nói nhẹ nhàng với người nhà: “Nào, chúng ta ăn cơm thôi.”

May mắn thay Hứa Diệu Dương hoạt bát, khơi dậy bầu không khí, từng người trong nhà ủ tâm sự riêng bắt đầu dùng bữa cơm Giao Thừa.

Diệp Thải Quỳ tự nhủ, đây chắn hẳn là bộ mặt chân thực của đời sống, chuyện cũ vừa xong phiền mới lại tới, có hoài như lông gà khắp đất(3)……

(3) Lông gà khắp đất: bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết tên 【一地鸡毛】của nhà văn Lưu Chấn Vân. Cuốn sách miêu tả những cuộc gặp gỡ khác nhau của nhân vật chính Kobayashi(?) trong công việc và gia đình cũng như sự phát triển trong quỹ đạo tâm linh của anh ta. Từ giỏ lương thực, vợ con, tàu hủ, иɦũ ɦσα em, đến những chuyện oan ức, đúng sai trong đơn vị công tác đều phản ánh cuộc sống hàng ngày và hoàn cảnh sống của hầu hết người dân Trung Quốc thập niên 1980-1990, đồng thời phản ánh sâu sắc những thay đổi bên trong và bên ngoài dưới thời cải cách và mở cửa đã mang lại cho con người. 

Hứa Dịch Dương trước mặt ba dường như rất nghiêm túc, không có nét tươi cười vừa rồi ở nhà bếp, cả buổi ăn nín thinh.

Hứa Vân Thiên nhìn đứa con Cả nửa ngày trời, không nhịn nổi nói lời thấm thía: “Tiểu Dương à, sau này con tính sao? Sang năm đâu thể ở nhà mãi được?”

Hứa Dịch Dương im ru bà rù.

Hứa Vân Thiên tiếp tục ra rả thuyết giảng: “Thiệt tình ba không lo hai đứa không đủ sống, ba biết giờ mấy đứa có của ăn của để. Nhưng dầu gì đàn ông phải có sự nghiệp, chứ không cả đời mơ mơ màng màng qua cái một.”

Đề tài đột nhiên trở nên trầm trọng, bầu không khí trêи bàn ăn có phần ngưng trệ.

Cả mẹ chồng và em chồng hơi căng thẳng, bởi vì mấy khi xưa, hễ Hứa Vân Thiên và Hứa Dịch Dương bàn chuyện chủ chốt là thể nào cũng sẽ xuất hiện ý kiến bất đồng, hai người nhất định sẽ cự cãi, không ai nhường ai.

Song lần này Hứa Dịch Dương không bật lại lời cha ngay, ngỏ ý nhìn Diệp Thải Quỳ.

Diệp Thải Quỳ câm nín, lòng nhủ thầm, Hứa Dịch Dương thành thật quá chi vậy, dẫu đã giao kèo để cô ra mặt giao tiếp với trong nhà, nhưng tuỳ tình huống chớ? Thời điểm này dĩ nhiên anh phải tự trả lời, chẳng nhẽ còn đợi cô phát ngôn thay.

“Đúng đó, anh tính sao?” Diệp Thải Quỳ cũng hỏi Hứa Dịch Dương.

Bấy giờ Hứa Dịch Dương mới thong thả đáp: “Anh muốn tiếp tục đua xe, năm sau bắt đầu mùa đua mới, đội xe đã liên lạc, anh rất muốn tham gia.”

“Nghe được đó.” Diệp Thải Quỳ nói.

Ba Hứa Dịch Dương và Diệp Thải Quỳ đồng thời lên tiếng: “Chắc đua xe không phải nghề chính đâu hả?”

……

Không khí trở nên vô cùng gượng gạo.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.