Nghe vậy, Tiết Khắc Kỷ đáp rằng chỉ giec một nha hoàn, quả thật chưa đủ để bị xử tử. Nhưng nhờ hắn đứng ra, mấy gia đình của những nô bộc từng bị Vương Văn Phụ hành hạ đến chec cũng dám đứng ra làm chứng.
Không phải người nghèo nào cũng vô tri, nhận tiền rồi cam chịu để kẻ quyền quý muốn lấy mạng con cái mình lúc nào cũng được. Chúng ta chỉ thiếu một cơ hội được đối xử công bằng, thiếu một nơi an toàn để nói ra sự thật mà thôi.
Qua lớp sách chất đầy, Tiết Khắc Kỷ ngẩng lên: “Phúc Nguyên cứ yên tâm.”
Chỉ một ánh mắt của hắn cũng đủ khiến lòng ta an ổn.
Những ngày lao lực khiến đôi mắt hắn đỏ ngầu. Ta chợt nhớ đến chuyện triều đình mà Từ Đại Yên nhắc đến, nhưng chẳng hiểu chút nào, chỉ biết vụng về nói: “Đại nhân, Tố Thủy tỷ tỷ từng đọc cho ta nghe một bài thơ:
“Xuân có hoa trăm sắc, thu có trăng, hạ có gió mát, đông có tuyết trắng. Nếu không vướng bận muộn phiền, ấy chính là mùa đẹp nhất nhân gian.”
Ta nghe có lý lắm. Đời người ngắn ngủi mấy chục năm, sống phải biết buông bỏ, mới có thể cười tươi vui vẻ.”
Tiết Khắc Kỷ khẽ nhẩm lại bài thơ, đôi mày dãn ra, nở nụ cười rạng rỡ với ta: “Phúc Nguyên, ta đã hiểu lòng ngươi, cảm ơn ngươi.”
Ngài hiểu lòng ta sao?
Ánh trăng lưỡi liềm lấp ló trên cành liễu khô, lòng ta yên tĩnh như màn tuyết đêm ngoài cửa sổ.
Đại nhân, ngài không hiểu lòng ta đâu.
Lòng ta đã sinh ra một mối tình sai trái.
…
Tin tức Vương Văn Phụ bị xử trảm đến ngay trước thềm năm mới. Tiết Khắc Kỷ ngồi cạnh lò sưởi uống trà, còn Từ Đại Yên đập bàn mạnh mẽ: “Phải như vậy mới đúng! Hắn đã cướp đi sinh mạng của bao cô gái không được nhìn thấy năm mới, vậy nên hắn cũng không xứng đáng được đón xuân.”
Tiết Khắc Kỷ đặt chén trà xuống, nhẹ nhàng nắm lấy tay nàng, vuốt ve: “Đập mạnh thế, phu nhân chẳng thấy đau sao?”
Hai người họ đã chẳng còn là đôi phu thê ngượng ngập từ ngày đầu ta gặp, mà luôn tâm đầu ý hợp, mắt họ nhìn nhau chẳng chứa ai khác. Là ta đã thay đổi. Vì tình cảm khó nói này mà lòng ta thấy chua xót. Nhưng ta giấu kín tất cả, ngoài chuyện của Tố Thủy, ta không hề trò chuyện gì thêm với Tiết Khắc Kỷ. Gặp gỡ ngẫu nhiên, ta cũng chỉ cúi đầu thật thấp, tránh cả tà áo của hắn.
Có tình mà giữ lễ, đó là cách duy nhất. Cũng vì thế mà dần dần lão phu nhân không còn đề phòng ta như trước. Từ Đại Yên thấy ta làm việc cẩn thận, tính tình ngoan ngoãn nên thường gọi ta đến phụ Tuyết Xuân.
Đến ngày Vương Văn Phụ bị hành hình, ta quyết tâm đến xem. Từ Đại Yên lo lắng, sai hai tiểu tư đi theo ta. Trước khi ra cửa, nàng đích thân khoác áo choàng lông tuyết lên người ta, ánh mắt đầy lo âu: “Nếu thấy sợ thì cứ quay về, Vương Văn Phụ đã là kẻ bị xử tội chec, ngươi có xem hay không cũng chẳng sao.”
Nàng lo ta sợ đến phát bệnh. Nhưng ta kiên quyết, nhất định phải tận mắt thấy kẻ ác đền tội.
“Ta không sợ, thưa phu nhân. Ta chỉ sợ hắn lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.”
Từ Đại Yên hiểu sự quyết tâm của ta, đành thở dài, nhẹ giọng bảo: “Ít nhất nhớ về sớm, ta còn chờ ngươi làm xong chiếc túi thơm thêu hoa lê cho ta nữa.”
Ta từng kể với nàng, Tố Thủy thích nhất là hoa lê. Những đêm lạnh buốt xương trong viện Chiêu Vũ Hiệu úy, ta ôm Tố Thủy đầy những vết bầm trên người, nghe nàng nói nàng thích loài hoa tinh khôi ấy biết bao. Mỗi đồ vật ta làm cho Tố Thủy đều thêu họa tiết hoa lê.
Đêm đêm, Vương Văn Phụ vui chơi hưởng lạc, mời nhạc công vào phủ, tiếng sáo tiếng đàn thoảng qua tường cao. Khi ấy, Tố Thủy khẽ vuốt ve những cánh hoa thêu, cười nói với ta: “Giờ thì ta cũng có người nhớ thương rồi.”
Ta và Tố Thủy đều sống dựa vào những yêu thương nhỏ bé ấy.
“Phúc Nguyên, nhất định phải sống cho ra con người.”
Những lời ấy như tiếng sáo lạnh vang trong đêm vắng. Nghe chuyện về Tố Thủy, không hiểu vì sao Từ Đại Yên cũng muốn ta thêu cho nàng một món đồ có họa tiết hoa lê.
Ban đầu, ta muốn từ chối: “Phu nhân, chữ ‘lê’ đồng âm với ‘ly’ trong ‘ly biệt’, không được may mắn cho lắm, hay là ta thêu cho người hình khác?”
Nàng lắc đầu, dường như đã hiểu nỗi đau trong lòng ta. Ta từng không thể đưa Tố Thủy thoát khỏi nơi đầy hiểm nguy, nên luôn tự trách cái chec của nàng là do ta. Vì vậy, ta đã bất chấp muốn dâng mình, chỉ mong Tiết Khắc Kỷ đòi lại công bằng cho nàng. Cũng vì thế mà ta liên tưởng hoa lê với chuyện này, tự trách bản thân vì đã phạm phải điều không may.
Từ Đại Yên nắm lấy tay ta, ánh mắt ấm áp như ánh nhìn của Tố Thủy thuở trước: “Ta không tin vào những điều không may mắn ấy, chỉ cần lòng không thẹn là đủ.”
Một câu nói ấy đã phá tan mọi phòng tuyến của ta.
Đó là lần cuối cùng ta quỳ lạy trước Từ Đại Yên. Ta thú nhận chuyện ta từng có ý đồ với Tiết Khắc Kỷ đêm đó.