Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn (Sân Không Vắng Vẻ Tàn Xuân)

Chương 37: Ngoại truyện - Mười năm



Thời tiết nóng bức, sau buổi trưa chẳng có lấy một cơn gió. Cả cấm thành bí bức, vắng lặng. Màu đỏ trên tường cung cùng màu vàng phản chiếu từ ngói thủy tinh chói sáng lóa mắt, càng khiến người ta thấy nóng bức. Dường như có tiếng ve loáng thoáng đâu đây, âm thanh ấy thật là khiến người ta buồn ngủ, mà lại không thể ngủ. Bình trà trên bàn vơi đi quá nửa, Lương Cửu Công lau mồ hôi trên trán, tên tiểu thái giám vội đến rót cho hắn chén trà lạnh. Hắn cầm lên uống một ngụm. Bất chợt có tên thái giám mồ hôi nhễ nhại chạy đến, hấp tấp thỉnh an: "Lương am đạt."

Lương Cửu Công đặt chén trà xuống: "Cuống cái gì? Đúng là chẳng có tiền đồ. Có chuyện gì thì từ từ mà nói."

Thái giám hít sâu một hơi, trong giọng nói vẫn còn một chút lo sợ bất an: "Am đạt, Bát gia tới."

Câu này đúng là phạm quy củ, thái giám cung nữ thi thoảng lại gọi a ca tuổi còn nhỏ là "gia", xưa nay hoàng đế không thích, nhưng hiện giờ Lương Cửu Công cũng chẳng để ý chuyện này, chỉ hỏi một cách ngạc nhiên: "Bát a ca đến? Ai đi theo?"

Tiểu thái giám đáp: "Không có ai, một mình tới."

Lương Cửu Công dậm chân bình bịch mắng: "Vớ vẩn!" Lời vừa thốt ra đã sợ người ta hiểu nhầm mình mắng Bát a ca là vớ vẩn, hắn vội thêm một câu: "Bọn họ dám không ai đi theo, cũng chẳng lo rơi đầu nhỉ!" Vội vàng hỏi: "Bát a ca ở đâu?"

Tiểu thái giám cố gắng nói: "Ở ngay bên ngoài ạ."

Lương Cửu Công vội vã đi ra. Tuy hành lang có bóng râm, nhưng mặt trời ban trưa chiếu ngay bên người, nên ngay tức khắc hắn có cảm giác nóng bức hầm hập. Ánh nắng kia bao phủ lên toàn thân, nóng tới mức hơn ba mươi sáu ngàn lỗ chân lông kia không thoát nổi khí, không cần nói là khó chịu đến mức nào. Hắn lấy lại tinh thần, chỉ thấy trước cây cột đỏ son của hành lang có một thiếu niên mặc áo lụa mỏng màu xanh lam nhạt, tuy người chưa lớn, nhưng mắt mũi thanh tú, phần eo lưng thắt dây lưng màu vàng cho thấy thân phận hoàng tử - đúng là Bát a ca Dận Tự.

Lương Cửu Công thỉnh an, xong ôm lấy eo hắn nói nhỏ: "Ông trời của nô tài, sao người lại đi một mình đến nơi này?" Giọng càng nhỏ hơn: "Trương Quý Lâm đi cùng a ca đâu rồi ạ?"

Trương Quý Lâm là thái giám chưởng quản sự vụ theo hầu Dận Tự. Dận Tự đáp: "Trương am đạt không biết ta đến đây."

Lương Cửu Công nói: "Vậy nô tài lập tức sai người đưa a ca về. Nếu chậm một chút chỉ sợ người trong cung Huệ chủ nhân lo đến chết mất. Không khéo bây giờ đã như trời long đất lở rồi."

Hai mắt đen nhánh của Dận Tự nhìn Lương Cửu Công, bình tĩnh đáp: "Ta tới để gặp hoàng a mã, nếu hôm nay không gặp được thì ta sẽ không về."

Lương Cửu Công không hiểu sao lại thấy hơi lo lắng. Một đứa trẻ chín tuổi, trong mắt lại có sự kiên nghị cùng bình tĩnh khiến người ta không thể nghi ngờ, trên khuôn mặt trắng trẻo thanh tú hiện lên vẻ lạnh lùng thấu xương, làm người khác bất chợt không dám đối diện. Hắn chỉ nói: "Lúc này hoàng thượng đang nghỉ trưa ạ. Ngủ dậy còn phải gặp các vị đại thần. Bát a ca mau về thôi, lát nữa hoàng thượng dậy, thấy người thì người sẽ bị phạt mất."

Dận Tự lắc đầu: "Ta không thể không gặp hoàng a mã."

Lương Cửu Công khuyên: "Bát a ca làm khó nô tài cũng vô dụng, tuy a ca còn nhỏ tuổi, nhưng cũng biết nô tài tuyệt không dám không tuân theo quy tắc. Bây giờ Bát a ca nghe lời quay về đi cũng coi như thương lấy nô tài vậy." Đang lúc nói chuyện chợt nghe một tiếng hô nhỏ, thái giám Thượng Khâm đi ra, mở rộng từng cánh cửa lớn của điện. Lương Cửu Công biết là hoàng đế tỉnh rồi, càng vội gọi người đưa Dận Tự trốn đi, ai dè Dận Tự hét to lên một tiếng: "Hoàng a mã!"

Tiếng gọi của hắn lanh lảnh, Lương Cửu Công sợ hãi, mặt mày trắng bệch. Hoàng đế đã nghe thấy nên hỏi: "Là ai?"

Dận Tự giãy ra khỏi tay của Lương Cửu Công, chạy vào trong điện. Lương Cửu Công cũng theo sát ngay sau. Do hoàng đế mới đi từ phòng ngủ ra nên chỉ mặc áo lụa mỏng màu vàng, thái giám đang đứng đằng sau vẫn còn đang chỉnh khẽ lại vạt áo cho hắn. Thấy là Dận Tự thì hoàng đế ngạc nhiên. Dận Tự đã quỳ xuống: "Nhi tử thỉnh an hoàng a mã."

Hoàng đế hỏi: "Sao con lại đến đây?"

Dận Tự đáp: "Nhi tử tới xin hoàng a mã một chuyện."

Hoàng đế "ừ" một tiếng, bảo hắn: "Đứng lên đi rồi nói." Lại hỏi: "Người đi theo Bát a ca đâu?" Lương Cửu Công lưng toát hết mồ hôi, trả lời: "Nô tài đáng chết. Bát a ca đến một mình ạ."

Dận Tự quỳ đó không nhúc nhích, đáp rằng: "Là nhi tử đuổi bọn họ đi, tự chạy một mình đến đây. Nếu hoàng a mã tức giận xin phạt nhi tử. Một người gây chuyện một người chịu phạt, nhi tử không muốn liên lụy đến người khác."

Hoàng đế vừa bực mình vừa buồn cười: "Con cũng thật có chí khí... Lũ nô tài vô dụng đấy, đến cả chục người đều bị con đuổi đi hết sao?"

Dận Tự không hề sợ hãi, vui vẻ kể: "Nhi tử bảo bọn họ vào vườn tìm dế mèn. Lúc đầu là phái hai người đi, sau lại phái thêm hai người. Rồi lại sai hai người nữa đi tìm bốn người kia. Còn lại mỗi Chu ma ma và Trương am đạt. Nhi tử giả vờ muốn ăn hoa quả ướp lạnh. Chu ma ma sợ con ăn lạnh đau dạ dày nên cầm hoa quả đi bỏ vào nước giếng. Sau đó con lại sai Trương am đạt đi pha trà, thế rồi con bèn đi đến đây."

Hoàng đế dần dần nở nụ cười: "Dương đông kích tây, điệu hổ ly sơn, tuy là trẻ con nghịch ngợm không lường trước hậu quả, lần sau tuyệt đối không được làm như vậy." Quay mặt nói với Lương Cửu Công: "Sai người đưa Bát a ca về, căn dặn Trương Quý Lâm cho tốt vào. Lần sau mà để sơ xuất như thế này xảy ra nữa thì đem cả đám nô tài đấy cho Kính Sự phòng xử lý."

Lương Cửu Công "vâng" một tiếng, Dận Tự nói: "Nhi tử còn có chuyện muốn xin hoàng a mã."

Hoàng đế nói: "Đứng dậy đi rồi nói."

Vẻ mặt Dận Tự bình tĩnh, chỉ đáp: "Hoàng a mã không đồng ý với nhi tử thì nhi tử không đứng dậy."

Rõ ràng là có ý ép buộc, Lương Cửu Công sợ hãi, liên tục nháy mắt ra ý với Dận Tự nhưng Dận Tự làm như không thấy. Quả nhiên hoàng đế có đôi chút do dự, nhưng trên mặt vẫn là sự bình thản như cũ: "Con có chuyện gì?" Dận Tự lại dập đầu một cái xong mới đáp: "Nhi tử xin hoàng a mã, cho nhi tử được gặp ngạch nương."

Lương Cửu Công nghĩ đi nghĩ lại, cũng chỉ sợ mỗi một câu này. Không ngờ hắn sợ câu gì thì Dận Tự lại nói trúng ngay câu đó. Trong nháy mắt hắn cảm nhận được giọt mồ hôi chảy xuống uốn lượn sau cổ, không dám thở mạnh, hắn liếc trộm vẻ mặt hoàng đế. Tuy là không đoán được gì nhưng lòng hắn đã nơm nớp lo sợ. Quả nhiên, hoàng đế bình thản nói: "Ngạch nương của con không phải đang ở trong cung hay sao? Sớm chiều đều có thể gặp được, cần gì phải tới xin ta?"

Đôi mắt của Dận Tự long lanh như làn nước: "Người nhi tử muốn gặp là ngạch nương sinh ra nhi tử."

Hoàng đế im lặng một hồi lâu, nhìn chằm chằm vào Dận Tự ở trước mặt. Đường nét chỉ khắc họa lên một bóng dáng mơ hồ nhưng cũng đủ làm dấy lên một nỗi đau khó đè nén nhất. Cái mụn nhọt đã mưng mủ kia, hắn cứ tưởng đã khỏi từ lâu, lâu tới mức dường như đã quên khuấy mất. Ai dè ngay giữa thanh thiên bạch nhật này lại dấy lên, thì ra nó đã ăn vào tận sâu, càng sâu càng đau đớn hơn, rõ ràng là chưa từng khép miệng, chỉ là bề ngoài thì đóng vảy, còn bên trong đã trở thành bệnh nặng sau tháng ngày dài đằng đẵng. Một khi chạm tới liền loét đến mức không còn thuốc chữa nổi.

Lương Cửu Công thấy vẻ mặt hoàng đế vẫn không đổi, hắn nghe tiếng hô hấp nhẹ nhàng, có pha chút rối loạn trong nhịp thở. Nếu không phải vì hắn đã hầu hạ ngự tiền nhiều năm thì chắc chắn sẽ không phân biệt được sự khác nhau rất nhỏ này. Hắn biết tính tình hoàng đế cực kì bình tĩnh, trấn định, gặp loạn không sợ hãi, thấy biến thì giỏi xử lý. Rất ít khi thấy hoàng đế nổi trận lôi đình, thế nhưng Dận Tự lại cố ý phạm vào đại kỵ.

Đúng lúc Lương Cửu Công đang thấp thỏm lo sợ thì có thái giám Nội Tấu sự tiến vào dâng lên một hộp màu vàng. Hoàng đế mở ra đọc tấu báo về chiến sự ở tiền tuyến, đọc vô cùng nhanh, liếc mắt đã xong. Lương Cửu Công thấy vẻ mặt hắn dần đông cứng lại, đoán ngay là không phải tin tức gì tốt đẹp. Ai biết được là do Dụ thân vương Phúc Toàn cùng hoàng tử cả Dận Đề bất đồng ý kiến trong việc điều quân, dẫn đến đại quân nếm mùi thất bại dưới tay Cát Nhĩ Đan.

Lương Cửu Công đánh bạo nói: "Hoàng thượng, nô tài sai người dẫn Bát a ca về." Thấy hoàng đế khẽ vuốt cằm, hắn liền tới đỡ Dận Tự đứng dậy, không ngờ Dận Tự tuy còn nhỏ, nhưng tính tình kiên quyết, đẩy tay của hắn ra, không nghĩ ngợi mà bật thốt lên: "Hoàng a mã, ngạch nương của nhi tử xuất thân thấp hèn, hoàng a mã ruồng bỏ, nhưng nhi tử không thể ruồng bỏ..." Chưa kịp nói hết đã nghe một tiếng "phạch", hoàng đế đã quẳng luôn bản tấu đang cầm trong tay xuống đất. Giấy Tuyên Thành mau trắng thượng hạng mềm mại như lụa, bất chợt trải dài ra, như con rắn màu trắng đã chết cứng đờ.

Lương Cửu Công thấy hoàng đế giơ tay lên cao thì sợ hãi nhào tới ôm lấy chân: "Vạn tuế gia! Vạn tuế gia! Bát a ca vẫn là trẻ con, nói chuyện chưa biết chừng mực, Vạn tuế gia đưa a ca cho các thầy giáo ở thư phòng dạy bảo quở trách một hồi là được. Thời tiết nóng như thế này người đừng tức giận kẻo lại ảnh hưởng sức khỏe. Bát a ca đúng là nên phạt." Cảm nhận được thân thể hoàng đế hơi hơi run rẩy, Dận Tự kia cuối cùng cũng có một chút sợ hãi. Khóc "oa" lên một tiếng: "Nhi tử đáng chết, nhi tử làm a mã tức giận..." Nghẹn ngào nói, tay nắm chặt lấy vạt áo bào của hoàng đế: "Nhi tử nghe người ta nói là ngạch nương bị ốm rất nặng nên mới xin đi thăm người. Hoàng a mã không cho nhi tử đi, nhi tử không đi nữa là được."

Tay hoàng đế dần hạ xuống, trong điện chỉ còn nghe tiếng khóc nức nở khe khẽ của Dận Tự. Qua thật lâu sau, hoàng đế mới nói với Lương Cửu Công: "Phái người đưa Bát a ca tới thăm ngạch nương của nó."

Lương Cửu Công đáp vâng, Dận Tự dập đầu một cái: "Tạ ơn hoàng a mã." Xong mới đi chầm chậm theo Lương Cửu Công đi lùi ra ngoài. Chợt nghe hoàng đế nói: "Đợi đã."

Dận Tự cung kính chắp tay đứng lại, hoàng đế chăm chú nhìn hắn một lúc rồi nói dịu dàng: "Rửa mặt đã rồi đi."

Lương Cửu Công liền dẫn Bát a ca ra ngoài rửa mặt, lại sai hai tên thái giám đưa đến Tây Lục Sở, xong xuôi mới quay người đi vào, hầu hạ hoàng đế đi Thượng Thư phòng triệu kiến đại thần dâng tấu.Đến khi về Càn Thanh cung từ Thượng Thư phòng thì đã là hoàng hôn. Các cung đang thắp đèn. Bọn tiểu thái giám thắp lên từng ngọn nến to như bắp tay trên giá có cửu long uốn lượn bằng vàng ròng đặt hai bên ngự án. Trong điện dần sáng lên. Lúc hoàng đế phê duyệt tấu sớ luôn có tiểu thái giám hầu hạ bút mực. Hôm nay Lương Cửu Công lại tự mình đến hầu hạ, hắn thay nghiên mực thừa kia đi. Thấy hoàng đế chấm đầy mực lên đầu bút lông rồi nhưng lại ngẩn người nhìn hắn, hắn bèn nói: "Hay là để nô tài đi xem xem."

Tự dưng nói một câu không đầu đuôi như thế, hoàng đế lại hiểu ý của hắn, cũng chẳng đáp lời. Trầm ngâm một hồi, cuối cùng viết lên vài chữ trên bản tấu, hạ bút xuống. Hoàng đế duỗi tay ra cầm lấy chén trà cung nữ dâng lên. Lương Cửu Công lén liếc trộm, thấy là ba chữ "Ừ biết rồi." thì tâm trạng thả lỏng hắn, yên lặng lui xuống. Hắn dặn dò Triệu Xương - một tên thái giám tổng quản khác: "Ta có việc cần đi một chuyến, ngươi hầu hạ chủ nhân cho tốt vào."

Triệu Xương không rõ đầu đuôi, đành đáp: "Am đạt xin yên tâm."

Cái bấc đèn chợt bắn ra một đốm lửa, sáng lòa trong nháy mắt rồi tắt lịm. Tiểu thái giám vội cầm que bằng đồng đến gảy cái bấc cho sáng hơn. Hoàng đế chỉ thấy hai mắt mỏi nhừ, cung nữ đứng sau nhẹ nhàng quạt cái quạt lớn. Gió tạo thành lại thật nóng, khiến người ta có chút nóng nảy bực dọc. Hắn đẩy bản tấu ra, gọi: "Lương Cửu Công."

Triệu Xương đáp lời rồi tiến vào. Lúc này hoàng đế mới nhớ ra Lương Cửu công vừa ra ngoài, hóa ra đến giờ vẫn chưa về. Giờ mới thấy trong điện bí tới mức không hít thở nổi. Áo lụa trên người vốn dĩ mỏng manh như cánh ve, giờ cả người ra mồ hôi, dinh dính khiến người ta khó chịu. Nghe tiếng Triệu Xương hỏi: "Vạn tuế gia cần gì ạ?" thì đáp: "Đi pha chén trà lên đây. Đặc vào."

Triệu Xương lui xuống rồi, hoàng đế lại đọc thêm vài bản tấu nữa. Trà vẫn chưa được dâng lên. Hắn ngẩng đầu, đang định hỏi thì thấy có người đang dâng khay trà lên từ ngoài điện. Lại là một người mặc quần áo màu sắc mộc mạc, từ tốn tiến vào. Đợi đến lúc nàng đến gần rồi, vừa hay có một cơn gió mát thổi qua, thổi vào ống tay áo màu xanh biếc của nàng khiến nó nhẹ nhàng lay động, dáng điệu uyển chuyển, tư thế nhẹ nhàng. Gió thổi từng đợt vào, trong gió có một mùi hương hoa mai xa xăm tỏa ra, như quện với hương trà thoang thoảng. Trong tay hắn đang cầm một chiếc bút lông nhỏ màu sẫm, bất giác đặt luôn xuống.

Nàng tới trước ngự án, uyển chuyển quỳ xuống hành lễ: "Hoàng thượng vạn phúc kim an."

Theo lệ, phi tần gặp hoàng đế cũng chỉ cung kính một chút. Đã lâu nàng không gặp thánh giá nên mới quỳ xuống theo quy củ. Hắn không bảo đứng dậy, nàng đành quỳ yên ở đó, trong lòng cũng dần yên ổn.

Lần quỳ này vừa như rất dài, lại vừa như chỉ thoáng qua. Hắn phục hồi tinh thần: "Đứng dậy đi... Không phải là nàng ốm sao?"

Y phục mùa hè mỏng manh, giày có đế gỗ cao, bình thường không tiện đứng lên. Nàng tạ ơn xong, hơi lưỡng lự, huống hồ trong tay còn dâng khay tràn. Hắn lại định đứng dậy ------ vốn dĩ có thể gọi cung nữ đứng đằng sau lên đỡ, nhưng không hiểu thế nào mà hắn đã đứng lên rồi duỗi tay. Bàn tay đó vẫn mềm mại giống hệt như trong kí ức, chẳng khác chút gì. Tay hắn nắm lấy, cảm thấy mềm mại, không muốn buông ra. Nàng nói: "Thân thể chỉ hơi khó chịu một chút thôi. Vạn tuế gia phái Bát a ca tới thăm thiếp, thiếp thấy khỏe lên rất nhiều."

Nàng yêu con đến vậy... Năm đó hắn tự tay bế đứa con trong lòng nàng đi. Nàng không thể giành lại, không thể cãi, không thể buồn, cũng chẳng thể đau. Đến nước mắt cũng không được rơi xuống, mà vẫn phải tạ ơn. Đó là lần gặp mặt cuối cùng. Từ đó đến nay chưa hề gặp lại nàng ngoài những dịp tất cả càng cung bái kiến. Phi tần nhiều đến vậy, hành lễ theo quy củ. Trước nay hắn chẳng để ý đến hoa lá sặc sỡ đó, thế như... luôn có những lúc hắn không kịp đề phòng, muốn tránh cũng không được, trong mơ vẫn thấy đôi mắt kinh hoàng cùng đau thương kia, bi ai như làn nước lạnh.

Ngoài điện có tiếng sấm đâu đó, chắc là sắp mưa rồi. từng trận gió mạnh thổi vào điện, thổi những bản tấu đang đạt trên ngự án, khiến nó phát ra âm thanh xoạt xoạt nho nhỏ.

Theo bản năng, nàng đặt khay trà xuống, duỗi tay ấn lên. Ống tay áo kia nhẹ phất qua áo hắn, hương thơm trong tay áo tỏa ra chung quanh, quanh quẩn. Thanh khiết, quen thuộc, khiến hắn hốt hoảng nhớ về rất nhiều năm về trước, nàng cũng đứng duyên dáng trước ngự án, cũng cuống quýt giơ tay đặt lên mấy bản tấu bị gió thổi. Ai ngờ tay áo làm đổ chén trà, khiến áo hắn ướt đẫm. Nàng sợ đến mức mặt trắng bệch, chỉ hỏi: "Vạn tuế gia không bị bỏng chứ?" Cuối cùng lại là nàng bị bỏng ở tay, mấy ngày sau không làm việc được. Bên người hắn chợt trống trải, lúc đó mới thấy buồn vô cớ như đã mất đi.

Mười năm... Mười năm... Năm tháng thấm thoắt thoi đưa, thời gian cứ trôi, thế là đã thành quá khứ cả rồi. Giấu có tốt đến thế nào, sâu đến đâu, nhẫn nhịn khổ tới mức nào, "Túng sử tương phùng ứng bất thức. Trần mãn diện, tấn như sương."*

Chỉ có hắn biết rằng hóa ra hắn chưa từng quên, mà cũng không thể quên và sẽ không thể quên. Từ đó đến giờ, những người bên cạnh nhiều đến thế cũng chỉ là những bóng hình mờ nhạt, còn nàng, đã lưu lại dấu vết trong tim hắn. Đau cũng không đè xuống được, cho nên mới muốn không chạm vào nữa. Hắn quên nàng mười năm, chẳng bằng nói, hắn nhớ đến khắc cốt ghi tâm mười năm, vô vọng mười năm, nàng vẫn đứng duyên dáng trước mắt như xưa.

* Trích "Giang thành tử - Ất mão chính nguyệt nhị thập nhật dạ kí mộng" của Tô Thức:

Thập niên sinh tử lưỡng mang mang.

Bất tư lượng, tự nan vong.

Thiên lí cô phần, vô xử thoại thê lương.

Túng sử tương phùng ứng bất thức.

Trần mãn diện, tấn như sương.

Dạ lai u mộng hốt hoàn hương,

Tiểu hiên song, chính sơ trang.

Tương cố vô ngôn, duy hữu lệ thiên hành.

Liêu đắc niên niên tràng đoạn xử

Minh nguyệt dạ, đoản tùng cương.

(Phu thê hai người, một còn sống một đã chết được mười năm. Dù có nhớ đến thế nào cũng không thể gặp lại. Không muốn mình quá nhớ nhung nhưng bản thân lại khó mà quên được. Phần mộ cô đơn lãnh lẽo của thê tử xa xôi muôn trùng, chẳng thể nói với nàng nỗi đau cùng sự bi thương này. Cho dù có gặp lại cũng không thể nhận ra được, vì hắn bôn ba khắp bốn bể, mặt mũi đầy bụi, tóc tai đầy sương.

Buổi tối, trong lúc ngủ hắn mơ về quê hương. Chỉ thấy thê tử đang ngồi bên cửa sổ soi gương trang điểm. Ánh mắt hai người gặp nhau, có hàng ngàn lời muốn nói mà không biết bắt đầu từ đâu, chỉ có nước mắt là không ngừng rơi. Ánh trăng soi sáng như ban ngày, trên ngôi mộ mọc lên một cây thông nhỏ, đây chính là nơi hắn tưởng niệm thê tử năm này qua năm khác, đau tới đứt ruột gan.)

Nàng nhẹ nhàng sắp xếp lại tấu sớ, thành thục đem bút đặt lên giá. Trong nghiên mực, mực chu sa đỏ như máu, hắn chợt nhớ về năm đó dạy nàng viết chữ, Lâm Lang (琳琅)......... Chữ "王" nghiêng nghiêng, hai chữ "木", "王" nghiêng, rồi "良"... Mực đỏ viết trên giấy Tuyên Thành thượng hạng, từng nét từng nét, hai má nàng hồng như chu sa, ngay cả tai cũng đỏ hồng, vẻ mặt còn chăm chú như trẻ nhỏ mới học chữ.

Huyền Diệp (玄烨)......... Một chấm, một ngang, một phẩy hất lại một phẩy hất.... Tay hắn nắm lấy tay nàng, nét bút ngập ngừng không viết xuống, giọng nàng dịu dàng nói: "Nô tì khi quân phạm thượng..." Quả nhiên là khi quân phạm thượng, hóa ra nàng là một cao thủ của thể Trâm Hoa Tiểu Giai.

Nàng che dấu bao nhiêu, giấu diếm bao nhiêu...... Không nghe lời thì không tha, hắn phạt viết chữ.

"Trú lậu hi văn tử mạch trường, phi phi tế vũ quá nam trang.

Vân phi ngự uyển thu hoa thấp, phong đáo hồng môn dã thảo hương.

Ngọc liễn diêu lâm bình điện khoát, vũ kì cận bàng viễn lâm dương.

Sơ tình thiểu khoảnh bố vi liệp, hảo sấn thanh lương dược túc sương."

Không ngờ lại lấy bài thơ hắn mới viết để đối phó. Nàng đúng là một người thông minh, từng chữ viết ra thanh tú đẹp đẽ, trình độ có khi còn vượt trên "Cổ danh cơ thiếp" của Vệ phu nhân, vượt qua "Mai hoa phú" của Triệu phu nhân...

Hắn cầm bút lên, viết một hàng chữ nho nhỏ vào cuối:

"Đêm qua sao đầy trời, đêm qua gió nổi

Bên tây lầu hoạ, phía đông nhà quế."①

Chỉ một câu này đã khiến vẻ mặt nàng biến đổi, "Thân ta không có đôi cánh phượng lộng lẫy bay cao. Nhưng trong lòng có điểm sừng tê để cảm thông"②. Thông minh như nàng liền biết rõ lời hắn muốn viết, "Ngồi xa nhau chuốc chén rượu xuân nồng ấm. Cùng chia nhau niềm vui dưới ánh nến hồng"③. Dưới ánh sáng lập lòe từ ngọn nến hồng, hắn cứ tưởng là vui mừng, nhưng hóa ra hắn tưởng nhầm rồi, nhầm từ đầu đến cuối...

"Ôi, nghe tiếng trống giục đi việc quan. Ruổi ngựa tới lan đài như ngọn cỏ bồng"④. Ngoài cửa sổ, những bông tuyết trắng li ti đang rơi xuống, trong noãn các, dưới nền đất có một chậu than đang cháy đỏ hồng, hắn mỉm cười nói: "Trẫm vẫn may mắn hơn Nghĩa Sơn*, ít nhất thì khi có tiếng trống canh một không phải đi trực." Hóa ra đã sai rồi, từ đầu tới cuối đều sai.......

*: Lý Thương Ẩn tự Nghĩa Sơn.

①,②,③,④: Bài thơ "Vô đề" của Lý Thương Ẩn

Tạc dạ tinh thần tạc dạ phong

Họa lâu tây bạn quế đường đông

Thân vô thái phượng song phi dực

Tâm hữu linh tê* nhất điểm thông

Cách tọa tống câu xuân tửu noãn

Phân tào xạ phúc lạp đăng hồng

Ta dư thính cổ ưng quan khứ

Tẩu mã lan đài* loại chuyển bồng.

* Linh tê: một loài tê, cũng gọi là tê thông thiên; sừng bên ngoài có vệt trắng như tơ, bên trong có lỗ nhỏ thông suốt từ gốc đến mũi...

* Lan đài: còn gọi là ngự sử đài, tên một cơ quan trong triều đình cổ, giữ nhiệm vụ can gián vua và vạch lỗi các quan.

Dịch nghĩa như đã post ở ①,②,③,④

Dịch thơ:

Sao sáng đêm qua gió lộng không

Bên tây lầu vẽ quế đường đông

Thân nào cánh phượng bay muôn sắc

Tâm sẵn sừng tê điểm cảm thông

Chuốc rượu xuân nồng ngồi cách biệt

Chia bên đùa bắn dưới đèn hồng

Ôi nghe trống giục đi chầu chúa

Phóng ngựa lên đài tựa cỏ bồng.

- Người dịch: Đông A

Trong lúc hắn ngà ngà say, từng mơ hồ nắm lấy tay người bên cạnh nói: "Từ trước tới nay trẫm cứ luôn tưởng nàng ấy là nàng." Chỉ một câu này đã khiến một người cứng cỏi như Nghi phi khóc hết nước mắt, rơi lệ cả đời. Hắn xoay người dần chìm vào giấc ngủ. Chỉ có mình hắn biết được, thật ra, cả một đời này đều luôn nhìn người khác thành nàng.

Chỉ có nàng, mười năm nay đều là nàng, cả đời này chỉ sợ cũng là nàng.

"Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ.

Suất thổ chi tân, mạc phi vương thần."*

(Khắp thiên hạ đều là đất đai của vua,

Người bên cạnh đều là con dân của vua.)

Cửu ngũ chí tôn, thiên tử vạn niên.

Trong vòng bốn bể, thiên thu vạn tuế.

Lại chỉ có duy nhất một mình nàng, hắn không thể hận, không thể có được, và không thể quên được.

*Trích Kinh Thi - Tiểu Nhã (Kinh Thi là tổng tập thơ ca vô danh thời nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc; Tiểu Nhã là tên một nhánh nhỏ của Kinh Thi)

Mười năm nay... Mười năm nay...

Hắn cũng chỉ có thể hỏi một câu: "Sao nàng lại tới?"

Nàng đáp: "Lương am đạt đi thăm nô tì." Bỗng nhiên vẫn xưng hô như ngày xưa, vẫn cung kính khéo léo như lúc làm cung nữ ngự tiền. Nàng đáp một câu chẳng liên quan gì tới câu hỏi, hắn bất chợt không dám nghĩ thêm nữa, cứ coi như là Lương Cửu Công bảo nàng tới vậy, dù sao thì nàng cũng tới rồi. Hắn dang tay ôm nàng vào lòng, nàng thuận thế dựa vào ngực hắn, nơi đó vẫn có một ước muốn khó kiềm chế nhất.

Lương Cửu Công đứng nơi xa xa chỗ cửa, nháy mắt ra ý với người bên trong điện. Cung nữ thái giám đều lui xuống hết. Ngoài điện sấm sét đùng đùng, tiếng sấm vang dội, gió thổi vào cửa sổ phát ra tiếng cạch cạch. Lương Cửu Công đóng chặt chốt cửa sổ rồi lui ra ngoài, thuận tay đóng luôn cửa cung điện.

Trời mưa rồi. Mưa ào ào như trút nước, như đổ ầm từ trên trời xuống, như hàng ngàn sợi dây thừng không ngừng quất xuống mặt đất. Khắp nơi vang dội tiếng mưa, hàng ngàn giọt mưa thuận theo mái nhà rơi xuống. Hơi nước mát rượi tràn ngập, dập tắt cái nắng nóng kia đi.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.