Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 51: Ân Cừu Kết Liễu, Kiếm Thư Hoàn




Trương-Siêu-Trọng và Quan-Đông Tam-Ma cỡi ngựa đi suốt đêm thật là thoải mái, không còn phải sợ bị sói rượt nữa. Đến canh ba, bỗng nhiên bên đường có một bóng người vụt qua nhanh như chớp, đi thẳng vào bên trong một cái nhà mồ.
Bốn người liền phóng ngựa tới trước cửa mồ lớn tiếng quát hỏi:
-Ai?
Một người Duy đầu đội mão từ bên trong nhà mồ ló đầu ra, miệng cười nói bằng tiếng Hán rất sành sõi:
-Ta là người chết dưới mồ này!
Bốn người nghe nói khẽ giật mình. Cổ-Kim-Phiêu nạt lớn:
-Người đã chết nằm dưới mồ, ban đêm còn chui lên làm chi?
Người kia đáp:
-Thả bộ đi chơi cho vui!
Cổ-Kim-Phiêu giận dữ hỏi:
-Người chết mà đi chơi à?
Người ấy gật đầu liên tục đáp:
-Phải! Phải! Các vị đừng cản trở ta! Đừng! Đừng!...
Nói xong, người ấy lại đi vào bên trong. Hấp-Hợp-Đài cả cười. Cổ-Kim-Phiêu giận lắm, đề nghị cả bốn người xuống ngựa đi thẳng vào trong nhà mồ để xem xét, nhưng chẳng thấy bóng dáng nào ở đâu cả.
Trương-Siêu-Trọng nói:
-Cổ đại ca! Kệ nó đi! Chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Bốn người lại trở ra, bất ngờ trông thấy một con lừa ốm nhom đang ăn cỏ bên lề mộ. Cổ-Kim-Phiêu nói:
-Lương khô hết rồi. Hãy bắt con lừa này đi theo phòng khi kiếm không ra thực phẩm.
Chợt nhìn ra con lừa đuôi cụt ngủn, Cổ-Kim-Phiêu bật cười nói:
-Không ngờ có người đã ⬘xơi⬙ trước cái đuôi rồi! Thật là ⬘hữu thủ vô vỹ⬙ (#1)!
Hắn vừa dứt lời bỗng nhận ra trên lưng có người cỡi. Trương-Siêu-Trọng và Tam-Ma nhận ra là người trong mồ khi nãy.
Người kia cười rộ lên, rút trong túi ra một cái đuôi lừa nói:
-Cái đuôi lừa hôm nay vấy bùn khó coi lắm, bởi vậy cho nên tôi cắt phứt đi cho xong chuyện.
Trương-Siêu-Trọng thấy động tác người ấy nhanh nhẹn dị thường, định bụng muốn thử võ công xem sao, liền giục ngựa từ phía sau đến, tung ra một chưởng vào bả vai y. Người kia nghiêng mình né tránh đồng thời tung một chưởng quét ngang đầu Hỏa-Thủ Phán-Quan. Trương-Siêu-Trọng kinh hãi, lách mình sang một bên né tránh. Cái mão của y bỗng tuột khỏi đầu rơi xuống. Người kia thúc lừa lên, nhanh tay bắt lấy từ trên không.
Liếc mắt nhìn qua, Trương-Siêu-Trọng thấy người kia cầm cái mão của mình trên tay, miệng cười toe toét nói:
-Thì ra mi là quan tướng gì của nhà Thanh đem quân đi xâm lăng, đánh phá người Duy của chúng ta. Cái mão này đẹp đấy, ta thích lắm! Vừa có lông chim lại vừa có vòng tròn pha-lê.
Trương-Siêu-Trọng cả kinh nghĩ thầm:
-"Không ngờ thủ pháp tên này lại ghê gớm đến như vậy!"
Trương-Siêu-Trọng nhảy xuống ngựa, nắm chặt hai tay lại hét lớn:
-Ngươi là ai? Có gan thì lại đây thử với ta vài chiêu cho biết!
Người ấy chẳng thèm đáp lời, lấy cái mũ của Trương-Siêu-Trọng đội lên đầu con lừa, thích thú, vỗ tay cười lớn nói:
-Con lừa đội cái mão của quan triều đình Mãn-Thanh! Trông thật là đẹp, và vừa vặn hết sức!
Dứt lời, người ấy thúc vào hông con lừa một cái, làm con vật chồm tới phi như bay. Trương-Siêu-Trọng nhặt một viên đá ném vào hậu tâm người kia nhưng người ấy vẫn chẳng thèm né tránh.
Bỗng nhiên một tiếng ⬘kẻng⬙ vang lên, viên đá như chạm vào một vật gì bằng kim loại. Tiếng người kia như xuýt xoa, kêu lớn:
-Ái chà! Mi định ⬘giết⬙ cái nồi đồng của ta à? Không! Cái nồi đồng của ta không chết được đâu!
Trương-Siêu-Trọng và Tam-Ma kinh ngạc, trố mắt nhìn nhau. Trương-Siêu-Trọng nói:
-Thôi! Chúng ta đi phứt cho rồi!
Bốn người sau đó lại tiếp tục cuộc hành trình. Chúng đi liên tục, không nghỉ. Nhờ các dấu chân chó mà cả bốn tìm đến được chân núi Bạch-Ngọc-Phong. Và rồi chúng tìm được con đường hầm dẫn lên trên đỉnh núi...
Vào đến bên trong cung điện, bất chợt, binh khí cũng như ám khí của Trương-Siêu-Trọng và Tam-Ma đột nhiên rơi loảng xoảng xuống dưới đất không biết vì lý do gì. Tiếp theo đó là hai tiếng ⬘bộp! bộp⬙ đánh tắt hai cây đuốc của bọn chúng. Đột nhiên Trương-Siêu-Trọng cảm thấy một vật gì cứng đánh lên đầu y một cái. Hoảng hốt, Trương-Siêu-Trọng cùng Tam-Ma vội bỏ chạy ra ngoài.
Bỗng có tiếng của Tiêu-Thanh-Đồng nói lớn:
-Mau rượt theo! Đừng để cho chúng chạy thoát.
Bóng Trần-Gia-Cách từ đâu phóng ra rượt theo. Nhưng chưa chạy được bao xa bỗng nghe ⬘xoẹt⬙ một tiếng, một cánh cửa đá từ trên ngã xuống bịt kín miệng hầm.
Trần-Gia-Cách phóng tới tông mạnh vào cánh cửa. Nhưng cánh cửa bằng đá quá dày, không hề di chuyển một ly. Mò mẫm mãi mà vẫn không tìm được chỗ hở nào để giở tảng đá lên. Chàng liền thắp một ngọn đuốc lên. Tiêu-Thanh-Đồng và Kha-Tư-Lệ cũng vừa chạy tới nơi.
Tiêu-Thanh-Đồng thất sắc hỏi:

-Cửa hang bị bít?
Trần-Gia-Cách gật đầu, cầm đuốc soi, thấy trên cửa đá có đủ các dấu chặt, chém, đốt, cậy... Nhưng mặt cửa cũng chỉ bị hơi trầy trụa mà thôi. Điều này chứng tỏ đã có bao nhiêu người dùng vũ khí cố mà phá cửa nhưng không thành công, tìm không được lối thoát!
Trên mặt đất bày la liệt, này binh khí và xương người, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Tiêu-Thanh-Đồng cảm thấy ngậm ngùi trước thảm trạng của người xưa và nguy biến của bọn ngưòi nàng ngày nay nên lặng thinh chẳng nói được lời nào.
Hương Hương công chúa như thấu được nỗi lòng của chị, nắm tay Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Tỷ tỷ! Đừng sợ!
Trần-Gia-Cách cười nói:
-Lỡ chúng ta có bỏ mạng nơi này cũng chẳng một ai hay biết!
Cúi xuống đỡ một bộ xương khô lên, Trần-Gia-Cách nói:
-Này đại ca! Coi bộ anh sắp có thêm ba người bạn mới rồi đó!
Tiêu-Thanh-Đồng nhìn Hương Hương công chúa và Trần-Gia-Cách nói:
-Chúng ta hãy trở lại thạch thất. Nơi ấy thanh tịnh, có thể giúp cho đầu óc chúng ta sáng suốt trở lại để tìm kế thoát thân.
Xem lại tấm họa đồ, Tiêu-Thanh-Đồng thấy rõ ràng đây là tuyệt lộ. Chỉ có một cách thoát ra được duy nhất là người ở bên ngoài mở cửa hộ mà thôi. Ai nấy thấy vậy đều thở dài.
Đột nhiên Hương Hương công chúa nói:
-Để em hát mấy khúc nhé?
Trần-Gia-Cách gật đầu tán thành nói:
-Ừ, phải đấy! Em hãy ca lên cho mọi người giữ vững được tinh thần!
Hương Hương công chúa liền cất giọng lên. Tiếng hát của nàng thật là hết sức dịu dàng và ngọt ngào, khi trầm, khi bổng, nghe như âm điệu ở cõi thiên thai vậy.
Tiêu-Thanh-Đồng như không còn chút cảm hứng nào để nghe. Nàng ôm đầu, nhíu mày, bóp trán...
Hát xong một bài, Hương Hương công chúa nói:
-Tỷ tỷ! Hình như chị mệt lắm rồi! Hãy nghỉ ngơi một lát cho khỏe đi.
Hương Hương công chúa chạy lại cái giường bạch ngọc, tay nâng đầu bộ xương khô lên nói:
-Nằm đây đã bao nhiêu năm rồi, chắc không cần cái gối này đâu. Cho chị tôi mượn tạm nghỉ lưng một tí.
Hương Hương công chúa vừa rút cái gối ngọc ra thì bỗng một vật gì rớt xuống đất. Nàng cúi dậy nhặt lên, thì ra là một cuốn sách. Hương Hương công chúa ngạc nhiên hỏi:
-Cái gì thế này?
Trần-Gia-Cách và Tiêu-Thanh-Đồng cùng chạy đến xem thử. Thì ra đó là một cuốn sách bằng da dê. Theo thời gian, tấm bìa bằng da dê đã biến sang màu đen.
Mọi người thấy rõ ràng những hàng chữ Duy ghi chép thật kỹ lưỡng. Nét chữ thật là mềm mại, đẹp đẽ, chứng tỏ người viết thuộc về phái yếu. Da dê màu đen, chữ viết bằng màu đỏ sẫm cho nên đọc được dễ dàng.
Tiêu-Thanh-Đồng lật từng trang một ra xem. Nàng chỉ vào bộ xương nói:
-Tên của nàng là Mã-Lan-Hương. Lúc sắp lìa trần, nàng lấy máu viết lại để lưu dấu lại cho đời sau.
Trần-Gia-Cách hỏi:
-Mã-Lan-Hương?
Hương Hương công chúa nói:
-Cái tên thật là đẹp! Hoa lan mọc trong hang sâu, để dấu mùi thanh thoảng không cho khách tục thưởng thức vẻ cao quý của mình, nhưng vẫn đưa hương xa nghìn dặm vì vậy nên có câu:
"U cốc hữu hương thiên lý viễn" (#2)
Cái tên của nàng có một ẩn một ý đẹp đẽ kín đáo. Chẳng những nhan sắc nàng đẹp tuyệt vời mà cuộc đời nàng cũng chứa đựng một tâm sự thanh cao bí mật!
Tiêu-Thanh-Đồng đặt cuốn sách xuống, lại lật tấm họa đồ ra xem rồi nói:
-Hình như nơi này còn một con đường bí mật mà em chưa tìm thấy được trong họa đồ.
Trần-Gia-Cách thở một hơi nhẹ, nói với Hương Hương công chúa:
-Em có thể dịch tuyệt bút của nàng Mã-Lan-Hương này cho anh nghe được không?
Hương Hương công chúa gật đầu. Nàng vừa xem vừa dịch lại cho Trần-Gia-Cách nghe.
...
Trong thành này có cả hàng nghìn vạn người đã chết. Dưới ngọn núi thần này có vài trăm vệ sĩ của bạo-chúa cùng với những dũng sĩ Y-Tư-Lan (#3) đều bỏ mạng. Anh A-Lý (#4) của tôi cầu xin Chân-Thần phù hộ cho tôi là Mã-Lan-Hương được đến nơi này. Tôi nguyện đem tất cả sự thật của bọn chúng mà ghi lại để đời sau con cháu Chân-Thần biết rõ. Không cần thắng hay bại, bọn dũng sĩ Y-Tư-Lan chúng tôi quyết chiến đấu đến cùng, nhất định không chịu khuất phục.
Trần-Gia-Cách nói:
-Quả thật nàng Mã-Lan-Hương không phải chỉ đẹp thôi mà còn dũng cảm lạ thường!
Hương Hương công chúa lại tiếp tục:
Bạo chúa Long-A áp bức chúng tôi 40 năm. Trong thời gian này, bạo chúa bắt buộc hàng vạn lương dân phải kiến tạo bức mê thành này. Giữa đỉnh núi thần này, bạo chúa xây dựng cung điện nguy nga tráng lệ, không biết là bao nhiêu tòa. Tất cả những công nhân này đều bị bạo chúa sát hại.
Sau khi bạo chúa Long-A chết, con hắn là Sâm-Trấp-Ba lên thay, còn tàn bạo hung ác hơn cả cha hắn. Giáo đồ Y-Tư-Lan nuôi 10 con dê phải nạp cho hắn 4 con, nuôi 5 con lạc đà phải phần hắn 2 con. Mỗi năm chúng tôi lại nghèo đi. Toàn bộ trâu, dê, lạc đà của chúng tôi đều bị hắn cướp đoạt. Như thế hắn vẫn chưa thỏa lòng. Nhà nào có trai tráng mạnh khỏe, có con gái xinh đẹp đều bị hắn bắt đi. Những ai bị hắn bắt đi không bao giờ có ngày trở về.
Chúng tôi là những đấng A-Phùng của Y-Tư-Lan, có thể nào lại để cho thứ tôn giáo khác (#5) khinh khi, bức hiếp như thế được. Dĩ nhiên là không! Trong vòng 20 năm, chiến sĩ của bọn tôi đã tấn công lên Mê-Thành đến 5 lần. Vì không rõ địa thế thành ra không lần nào thoát ra khỏi thành được. Có 2 lần, chiến sĩ của chúng tôi tấn công mạnh mẽ lên núi thần, vào sâu trong cung điện. Nhưng chẳng biết Sâm-Trấp-Ba dùng phép ma phép quỷ nào mà tước đoạt hết binh khí trong tay các chiến sĩ chúng tôi, để rồi cuối cùng bị đám vệ sĩ của hắn giết sạch!
Năm ấy, tôi vừa được 18 cái xuân xanh. Cha mẹ tôi bị bộ hạ của Sâm-Trấp-Ba tàn sát. Anh tôi là tộc trưởng của giáo đồ Y-Tư-Lan Mã-Luân.
Năm đó, có anh A-Lý đến. Anh ấy là một đấng anh hùng vĩ đại nhất của chúng tôi. Anh ta tay không đã từng đánh chết 4 con sư tử hung dữ nhất trong vùng. Mãnh thú trông thấy anh A-Lý là đều phải tránh xa. Sức anh ta có thể địch được hàng trăm người. Nhưng anh ta hiền như một con nai tơ. Mắt anh ta hiền từ, biểu hiệu cho tình nhân ái. Thân thể anh ta đẹp như hoa tươi. Uy vũ của anh ta như đại vũ giữa vùng sa mạc.
Trần-Gia-Cách cười nói:
-Nàng này quá thương anh kia nên phóng đại quá lố!
Hương Hương công chúa gấp cuốn sách lại nói:
-Phóng đại quá lố? Bộ anh nghĩ trên thế gian không có được một người như vậy à?
Dứt lời, nàng lại đọc tiếp:
Anh A-Lý đến bàn thảo với anh tôi kế hoạch đánh Mê-Thành. Anh A-Lý nói có đọc được một bộ sách cổ rất quý của người Hán viết về các thứ võ công thượng thừa. Nếu tập luyện kỹ theo sách có thể dùng hai bàn tay không mà giết chết bao nhiêu vệ sĩ của Sâm-Trấp-Ba dễ dành như một bầy chuột. Sau đó, anh A-Lý chiêu mộ được 500 dũng sĩ để truyền cho họ những môn võ công thượng thừa này để giúp anh ta thêm đắc lực. Chỉ hơn một năm, 500 dũng sĩ này đã thuần thục hết các võ công bí truyền này. Anh A-Lý thân với tôi nên cũng cho tôi biết rằng trận này anh ta nhiều hy vọng toàn thắng.
Mặc dầu có võ nghệ cao cường, anh A-Lý và các dũng sĩ lại không biết đường sá vào thành này, lại không biết được những bí mật trên đỉnh núi thần cho nên suốt ba ngày bàn thảo mà vẫn không đi đến kết quả nào. Hai người chỉ kết luận rằng phải có một người vào được Mê-Thành để làm nội ứng thì đại sự mới thành công được.
Lúc ấy tôi xin tình nguyện nhận lãnh công tác ấy. Anh A-Lý là bậc đại anh hùng thế mà nghe tôi tình nguyện nhận công tác thì không cầm nổi những giọt lệ.
Thế là tôi lùa 100 con dê và 30 con ngựa thả ngoài Mê-Thành giả bộ đi chăn. Sau 7 ngày, tôi bị bọn thủ hạ Sâm-Trấp-Ba bắt về dâng cho hắn. Sâm-Trấp-Ba hết lời dụ dỗ. Tôi khóc suốt 3 ngày 3 đêm. Sang ngày thứ tư, tôi bằng lòng ăn ở với hắn. Sâm-Trấp-Ba một mực yêu tôi. Bất cứ điều gì tôi muốn là hắn sẽ chiều cho bằng được.
Ban đầu, Sâm-Trấp-Ba không cho tôi bước ra khỏi phòng nửa bước. Ngày ngày tôi lại nhớ đồng cỏ xanh. Tôi nhớ đến thú chăn dê. Và tôi nhớ đến anh A-Lý.
Sâm-Trấp-Ba thấy tôi càng ngày càng thêm buồn bã, trở nên gấy ốm thì hỏi thăm duyên cớ. Tôi bèn nói thật cho hắn nghe. Bỗng nhiên hắn nổi giận tát cho tôi một cái nẩy lửa. Một tuần liên tiếp tôi không nói với hắn nửa lời. Đến ngày thứ 8, Sâm-Trấp-Ba dắt tôi ra ngoài Mê-Thành. Tôi ghi nhớ từng con đường, từng khúc quẹo, từng ngã rẽ vào trong trí. Cuối cùng, tôi đã tự vẽ được trong óc địa đồ của Mê-Thành một cách dễ dàng, không chút sai lạc.
Sau đó đêm nào tôi cũng khóc. Sâm-Trấp-Ba hỏi, tôi mới nói:
-Ăn ở với nhau có một con rồi mà chàng vẫn không thương thiếp!"
Sâm-Trấp-Ba nói:
-Sao tôi lại không yêu nàng chứ? Có điều gì nàng muốn mà tôi chưa thực hiện không? Nàng muốn gì cứ nói ra! San hô dưới đáy Hồng-Hải hay Lam-Bảo-Thạch ở phương Nam?
Tôi đáp:
-Thiên hạ đồn rằng chàng có một cái hồ phỉ thủy. Người xấu xí tắm nước dưới hồ ấy trở nên xinh đẹp, mà người đẹp tắm thì còn xinh đẹp thêm bội phần.
Sâm-Trấp-Ba tái mặt, giọng run run hỏi tôi:
-Ai đã nói điều đó?
Tôi dối hắn rằng nằm chiêm bao thấy một bà tiên hiện lên báo mộng, nói lại điều ấy chứ tôi hoàn toàn không biết. Sâm-Trấp-Ba thú nhận rằng điều đó đúng. Nhưng xưa nay hắn chưa hề cho ai đến đó. Theo luật tổ tiên hắn quy định thì hễ ai trông thấy hồ phỉ thủy đều bị cắt lưỡi để khỏi tiết lộ bí mật. Hắn yêu cầu tôi đừng đi, nhưng thấy tôi nài nỉ mãi nên chiều lòng đành phải dẫn tôi đi.
Đến hồ phỉ thủy tất nhiên phải đi qua cung điện ở đỉnh non thần. Tôi mang trong mình một con dao nhỏ, định bụng sẽ hành thích hắn ở hồ phỉ thủy. Nhưng khi đi qua cung điện, con dao của tôi bị thấp sơn (#6) hút mất. Nhờ thế mà tôi lại biết thêm được bí mật ở đấy.
Tắm gội xong, chẳng biết có xinh đẹp hơn thêm chút nào không. Chỉ biết Sâm-Trấp-Ba quá yêu tôi nên không nỡ cắt lưỡi. Và tôi nhận thấy bí mật hồ phỉ thủy cũng không giúp ích gì cho việc tấn công Mê-Thành.
Ngày ngày tôi vẫn cầu nguyện với Chân-Thần (#7), xin thương đứa con gái bé nhỏ này mà ban cho trí tuệ.
Sâm-Trấp-Ba có một thanh bảo kiếm luôn luôn đeo bên mình, không một lúc nào rời. Đó là một thanh kiếm có hai cái vỏ bọc ngoài lưỡi kiếm. Cái vỏ kiếm thứ hai khó phân biệt là vỏ hay lưỡi vì nó cũng sắc bén vô cùng. Chung đụng với hắn vài đêm, tôi xin được thanh bảo kiếm.
Vẽ một bức họa đồ thật mỏng đầy đủ chi tiết trên một miếng giấy thật mỏng, vo tròn dấu vào một hoàn sáp, tôi gắn vào cái vỏ thứ hai. Lúc đó, đứa con của tôi sanh cho hắn vừa được ba tháng. Sâm-Trấp-Ba dẫn tôi đi săn bắn. Thừa lúc chẳng một ai trông thấy, tôi liệng thanh bảo kiếm ấy xuống hồ Đằng-Bạt. Sau khi về lại cung, tôi thả rất nhiều chim ưng. Tôi viết trên chân chúng ba chữ ⬘hồ Đằng-Bạt⬙.
Tôi hy vọng rằng anh ruột tôi và anh A-Lý khi bắt được một con chim ưng sẽ tới hồ Đằng-Bạt vớt kiếm lên, bóc hoàn sáp, mở họa đồ ra xem mà thực hiện kế hoạch. Nhưng theo lời nhiều người để lại thì hai người không hề tìm thấy được thanh bảo kiếm. Nhưng vì không thể chờ đợi thêm được nữa nên đánh liều, tấn công lên Mê-Thành...
Các dũng sĩ không rành địa thế nên bị lạc đường, nhiều người bị thủ hạ của Sâm-Trấp-Ba giết bất ngờ, trong đó có cả anh ruột của tôi. Thời may, mọi người bắt được một tên thủ hạ của Sâm-Tráp-Ba quân tại Mê-Thành và buộc hắn phải dẫn đường lên đỉnh Bạch-Ngọc-Sơn.
Tất cả vũ khí của đoàn dũng sĩ bị thấp sơn hút sạch. Sâm-Trấp-Ba chỉ huy bọn dũng sĩ của hắn dùng vũ khí bằng ngọc tấn công. Nhưng đoàn dũng sĩ với võ công thượng thừa đã giết sạch đám vệ sĩ của Sâm-Trấp-Ba không mấy khó. Anh A-Lý buộc Sâm-Trấp-Ba phải đưa anh đến thạch thất tìm tôi.
Tưởng đâu tôi sẽ cùng anh A-Lý đi theo ngã hồ phỉ thủy thoát ra Mê-Thành...
Tiêu-Thanh-Đồng chợt đứng dậy reo lên:
-À, thì ra bên ngoài có hồ phỉ thủy! Vậy là có đường ra. Em hãy đọc tiếp cho chị nghe đi!
Hương Hương công chúa mỉm cười tình tứ, đọc tiếp:
Nhìn thấy anh A-Lý, tôi mừng quá chạy tới ôm anh ta. Nhưng trong lúc quá vui mừng, chúng tôi quên mất tên Sâm-Trấp-Ba đàng sau lưng. Hắn từ sau bổ tới một búa ngay đầu anh A-Lý, giết chết anh ấy. Máu bắn tứ tung lên người của tôi. Sâm-Trấp-Ba bế đức con đưa cho tôi bảo:
-Chúng ta mau chạy!
Tôi giận dữ quăng đứa bé mang giòng máu hung ác của tên Sâm-Trấp-Ba kia xuống đất chết tốt. Sâm-Trấp-Ba giận dữ giơ búa vàng lên định chém tôi. Nhưng tôi đứng im không chạy, để cho hắn giết. Không hiểu sao, Sâm-Trấp-Ba thở dài một cái rồi quay lưng chạy thẳng. Nhưng chẳng bao lâu sau, hắn bị dũng sĩ của anh A-Lý bắt lại và xử tử.
Bạo chúa đã chết, dân sa mạc chúng tôi lại sống thanh bình trở lại mà không phải lo âu sợ sệt gì nữa...
Xin Chân-Thần A-Trấp mãi mãi phù hộ cho nhân dân chúng tôi...
Hương Hương công chúa vừa đọc xong chữ cuối cùng liền trịnh trọng đặt cuốn sách da dê lên chiếc giường.

Trần-Gia-Cách, Tiêu-Thanh-Đồng, Kha-Tư-Lệ, cả ba người cảm được gương trung liệt của nàng Mã-Lan-Hương thời xưa đều xúc động bồi hồi, giây lâu không nói được nên lời.
Hương Hương công chúa thở dài nói:
-Vì dân tộc bị bạo chúa áp bức, nàng âm thầm đem tấm thân ngọc hy sinh, dùng mỹ nhân kế để gần gủi hắn để tìm cách dọ thám tình hình địa thế giúp cho người dân mình...
Hương Hương công chúa nói đến đây bỗng nghẹn lời, sụt sùi. Trần-Gia-Cách cũng hết sức cảm khái, nghĩ thầm:
-Đối với người liệt-nữ kia, ta thật xấu hổ vô cùng. Trong người còn mang bao nhiêu trách nhiệm với quốc gia dân tộc, với anh em bang hội mà cứ nghĩ mãi đến những chuyện ái tình cho bản thân. Ta có chết ở đây cũng chẳng có gì là tiếc. Nhưng còn Hồng Hoa Hội... Còn giang san tổ-quốc...
Tiêu-Thanh-Đồng ngồi nghiên cứu lại họa đồ. Nàng suy nghĩ một hồi, nói:
-Từ thạch thất phải có đường hầm thông ra hồ phỉ thủy. Nhưng đường ấy nằm ở đâu?
Chợt nhớ tới ⬘địa huyệt⬙ của Thiết-Đảm-Trang, Trần-Gia-Cách nói lớn:
-Biết đâu phía dưới cái ghế ngọc này có một đường hầm.
Dứt lời, chàng dùng sức đẩy chiếc ghế ngọc, nhưng chiếc ghế vẫn không di động một chút nào cả. Trần-Gia-Các mừng rỡ nói:
-Nhất định dưới cái ghế này phải có một cái gì khác thường!
Tiêu-Thanh-Đồng rọi đuốc xuống chân ghế mới hay rằng cái ghế ngọc ấy dính liền với mặt đất. Như vậy đương nhiên sức người không thể nào làm xê dịch nổi.
Đột nhiên Hương Hương công chúa lại reo lên:
-Xem kìa! Trên mặt ghế có những thứ gì đẹp quá!
Mọi người xúm lại xem. Trên mặt ghế có chạm một con lạc đà bay lên trời. Chỉ có một điều lạ là đầu và thân con lạc đà không dính liền với nhau, mà tách rời nhau cả tấc.
Hương Hương công chúc tò mò, lấy hai tay thử kéo đầu và thân lạc đà dính liền lại với nhau thì lạ lùng thay, phía dưới những ngón tay nàng di động, và hình con lạc đà đầy đủ toàn vẹn hiện ngay ra trước mắt mọi người.
Rồi những tiếng ⬘kẽo kẹt⬙ đưa lên, trên cái giường ngọc tự nhiên hiện ra một hang động. Ba người mừng rỡ vô cùng, cùng nhau reo hò lên.
Trần-Gia-Cách cầm đuốc đi trước. Qua vài khúc rẽ, mọi người bỗng cảm thấy mắt chói lên. Phải ít giây sau, ai nấy mới nhận ra được trước mắt mình là một cảnh vật như chốn Bồng-Lai tiên cảnh.
Chung quanh là cây cỏ, đủ các loại hoa thơm. Cách ba người là một cái hồ nước trong veo. Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Kha-Tư-Lệ! Đây ắt hẳn là hồ phỉ thủy rồi! Em thử xuống tắm xem có đẹp thêm ra nhiều không?
Kha-Tư-Lệ đỏ mặt nói:
-Em không tắm đâu! Chị tắm đi!
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Chị mà tắm thì càng thêm xấu xí mà thôi!
Tiêu-Thanh-Đồng thấy khát nước bèn lấy hai tay dùng làm gáo bỏ xuống hồ, múc một ngụm lên uống thử. Nước hơi lạnh, nhưng hương vị ngọt ngào, trong người nàng như khỏe hẳn lên.
Ba người sau đó đua nhau uống một bụng thật đầy. Hương Hương công chúa đặt mãi hai tay xuống hồ nghịch nước thích thú.
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Giờ phải nghĩ cách làm sao đối phó với lũ ⬘sói người⬙ kia!
Ba người đến thạch thất, đến nơi A-Lý bị bạo chúa Sâm-Trấp-Ba giết lén năm xưa xem xét. Bên cạnh bộ xương khô, có một cây cần câu. Trên cần câu còn nguyên vẹn hàng chữ son, một câu nói bất hủ của Trang-Tử:
"Người ta sống có ranh hạn, mà biết thì không ranh hạn"
Bỏ cây trúc xuống, Trần-Gia-Cách lại giật mình khi thấy các lóng trúc rời rạc cả ra, bên trong có những hàng chữ nhỏ li ti. Chàng đọc kỹ, thấy đó là những lời trong ⬘Nam-Hoa Kinh⬙. (#8)
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Trong di thư của Mã-Lan-Hương có nói A-Lý học trong một bộ sách võ công thượng thặng của người Hán, có thể dùng tay không mà chống vũ khí được. Không chừng là nó đây.
Trần-Gia-Cách nói:
-Trang-Tử dạy người phải biết nhìn xa, thuận lòng trời, hợp lòng người, liên quan gì đến võ công!
Cả ba người lại vào phòng nơi các bộ xương đứng như khoa chân múa tay. Hương Hương công chúa nói:
-Trông thật là ngộ nghĩnh, vui mắt quá!
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Họ đang dùng các thế võ công giết giặc đấy.
Nhìn những bộ xương người và nhớ lại câu nói của Trang-Tử, Trần-Gia-Cách bỗng tỉnh ngộ, vui mừng, lẩm bẩm:
-"Thế này thì không cần binh khí ta cũng có thể giết Trương-Siêu-Trọng và đám Tam-Ma dễ dàng!"
Sau đó, Trần-Gia-Cách chăm chú nhìn những bộ xương thật kỹ càng rồi tự nhiên cũng khoa chân múa tay.
Tiêu-Thanh-Đồng nhìn một lúc liền hiểu ngay, bảo Kha-Tư-Lệ:
-Anh ấy đang luyện tập võ nghệ, chúng ta nên ra ngoài, đừng quấy rối.
Kha-Tư-Lệ chưa kịp trả lời, Tiêu-Thanh-Đồng đã dẫn nàng ra ngoài. Ngồi xuống cạnh hồ phí thủy, Tiêu-Thanh-Đồng giải thích:
-Anh ấy dựa vào những lời trong Nam-Hoa-Kinh mà nghiên cứu được nhiều điều mới lạ vào võ công nên đem ra thử mà áp dụng vào đó.
Hương Hương công chúa hỏi:
-Sao chị không tập luyện?
Tiêu-Thanh-Đồng đáp:
-Chỉ những người võ công thượng thặng mới hiểu được mà thôi. Cái mà anh ấy học được không phải là võ công, mà là cái lý để sử dụng nó, cũng như lời Trang-Tử nói: ⬘Sống có ranh hạn, nhưng biết thì không ranh hạn⬙.
***
Nhắc lại Lý-Mộng-Ngọc và Tiêu-Thanh-Đồng cùng nhau đi tìm Tiêu-Thanh-Đồng theo kế của Từ-Thiện-Hoằng. Trải qua bao cơn sóng gió, lòng Dư-Ngư-Đồng giờ như đã lặng, bình yên hơn bao giờ hết. Chàng cảm kích và yêu thương Lý-Mộng-Ngọc vô cùng, dù chưa dám nói ra.
Hôm ấy vào giờ Ngọ, hai người đang phi ngựa trên sa mạc bỗng chợt thấy một người đang cỡi lừa, như vừa đi vừa ngủ gật. Người ấy trang phục theo lối của người Duy, sau lưng mang một cái nồi bằng đồng. Đầu con lừa đội một cái mão quan Thanh-trào. Người này râu rậm, khoảng chừng trên dưới 50 tuổi. Nhìn thấy Dư-Ngư-Đồng và Lý-Mộng-Ngọc, y tươi cười, đưa tay chào, ra vẻ thân mật lắm.
Dư-Ngư-Đồng vòng tay, lễ phép hỏi:
-Xin hỏi đại thúc có thấy Thúy-Vũ Hoàng-Sam ở đâu không?
Người ấy cười, hỏi lại:
-Huynh đài hỏi Thúy-Vũ Hoàng-Sam có việc gì vậy?
Lý-Mộng-Ngọc đáp:
-Có mấy kẻ thù đang tìm nàng để hãm hại, chúng tôi tìm nàng để giúp đỡ.
Sau đó Lý-Mộng-Ngọc tả rõ mặt mũi của Quan-Đông Tam-Ma. Người ấy cười đáp:
-Đúng rồi! Tôi có gặp bọn ấy. Chúng đi chung với một tên nào đó, bị tôi lấy mất cái mão này đây. Tôi tên là A-Phàm, hai vị có thể cho tôi nhập bọn cùng đi chung để giúp Thúy-Vũ Hoàng-Sam luôn một thể chứ?
Dư-Ngư-Đồng và Lý-Mộng-Ngọc cũng tự giới thiệu mình với A-Phàm, rồi cả ba cùng nhau lên đường.
Hôm đó đang đi, chợt có tiếng gọi sau lưng:
-Anh râu rậm! Đi đâu đó?
A-Phàm quay lại, nhìn thấy người gọi mình là Thiên-Trì Quái-hiệp Viên-Sĩ-Tiêu thì mừng rỡ vô cùng. Đàng sau Viên-Sĩ-Tiêu là vợ chồng Thiên-Sơn Song-Ưng.
A-Phàm lập tức xuống ngựa chào hỏi, chạy lại nắm tay Viên-Sĩ-Tiêu nói:
-Lâu quá rồi mới gặp! Mụ vợ nhà tôi cứ nhắc tới đại ca hoài, lâu rồi sao không thấy ghé!
Viên-Sĩ-Tiêu liền giới thiệu A-Phàm với vợ chồng Thiên-Sơn Song-Ưng cho hai bên biết nhau.
Dư-Ngư-Đồng và Lý-Mông-Ngọc sau đó cũng ra mắt Viên-Sĩ-Tiêu cùng với vợ chồng Thiên-Sơn Song-Ưng.
Thấy Quan-Minh-Mai cỡi con bạch mã, Dư-Ngư-Đồng hỏi:
-Con ngựa này tiền bối thấy ở đâu vậy?
Quan-Minh-Mai nói:
-Ta có thấy Tổng-Đà-Chủ của ngươi cỡi con ngựa này, lại thấy nó chạy lung tung trên sa mạc nên rượt theo mà bắt lại, chờ khi nào gặp y sẽ trả lại.
Sau đó, Quan-Minh-Mai bèn đem tất cả những chuyện xảy ra kể lại cho Dư-Ngư-Đồng và Lý-Mộng-Ngọc nghe.
Dư-Ngư-Đồng giật mình nói:
-Không chừng Tổng-Đà-Chủ chúng tôi gặp nguy hiểm rồi đó! Xin các vị tiền bối giúp cho một tay cùng đi cứu.
Đang bàn chuyện thì vợ chồng Từ-Thiện-Hoằng và Châu-Ỷ cũng vừa đến nơi. A-Phàm bèn mời tất cả mọi người cùng về nhà mình ăn cơm và bàn chuyện. Ai nấy đều cho là thượng sách nên cùng nhau kéo hết lại nhà A-Phàm.
Mọi người nghỉ qua đêm rồi mới tiếp tục lên đường. Trên đường đi, tình cờ không hẹn mà gặp, mọi người gặp lại quần hùng đông đủ, gồm vợ chồng Văn-Thái-Lai, Vệ-Xuân-Hoa, Chương-Tấn, Tâm-Nghiện. Quan-Minh-Mai đổi con bạch mã cho Lý-Mộng-Ngọc.
Bỗng nhiên từ xa, một bóng người râu tóc bạc phơ, phi ngựa tới như bay, nắm vai Lý-Mộng-Ngọc mừng rỡ hỏi thăm. Mọi người nhìn kỹ lại, thì ra đó là Miên-Lý-Châm Lục-Phỉ-Thanh.
Lâu lắm rồi quần hùng mới có dịp tụ tập đông đủ như thế này nên chuyện trò luyên thuyên, mãi không ngừng. Lý-Mộng-Ngọc liền đổi ngựa lại cho Lạc-Băng.
Con bạch mã không cần ai chỉ đường, tự nó dẫn mọi người phi về hướng Tây-Nam. Không đầy một ngày, mọi người đã tới Bạch-Ngọc-Phong.
Đột nhiên tới mội khúc rẽ, con bạch mã bỗng nhiên đứng khựng lại. Mặc cho Lạc-Băng dụ dỗ cách mấy nó cũng nhất định không chịu tiến vào.
Viên-Sĩ-Tiêu nói:
-Hẳn nơi này có điều gì bí ẩn. Chúng ta nên đi vào một lượt thử xem sao.
Mọi người liền xuống ngựa, tìm đường đi vào. Thình lình, con bạch mã bỗn hí lên một tiếng. Mọi người nhìn theo hướng nó tung hai vó lên trời chợt bắt gặp bốn bóng người đang từ phía bên kia đi ra.
Bốn người đang đi ra là Trương-Siêu-Trọng, Đẳng-Nhất-Lôi, Cổ-Kim-Phiêu và Hấp-Hợp-Đài.
Nguyên bốn người này bị kẹt trong Mê-Thành mấy hôm liên tiếp, vừa mới tìm được ngõ ra thì tình cờ lại đụng phải quần hùng chốn này.

Trương-Siêu-Trọng đang đi chợt nhận ra nhị sư huynh Lục-Phỉ-Thanh đang trừng mắt nhìn y với cặp mắt đầy oán hận thì không khỏi rùng mình. Dư-Ngư-Đồng cầm ống sáo vàng định nhảy ra tấn công thì Viên-Sĩ-Tiêu cản lại.
Thiên-Trì Quái-Hiệp chỉ vào mặt Trương-Siêu-Trọng nói:
-Mấy hôm trước gặp ngươi, những tưởng ngươi là một cao thủ của phái Võ-Đang co nên ta mới dành nhiều cảm tình dặc biệt cho. Nhưng không ngờ mi là một tên ác tặc, không có điều gì trên đời mà không dám làm. Luôn cả sư huynh Mã-Chân của mi mà mi cũng còn ra tay ám hại cho được! Mi thật không bằng cả giống cầm thú nữa!
Trương-Siêu-Trọng nhìn trước mặt mình đầy dẫy những cao thủ thì không khỏi điếng hồn. Bản lãnh của Viên-Sĩ-Tiêu hắn đã được biết qua, trên hắn cả một trời mội vựa. Võ công của A-Phàm cho dù không bằng Viên-Sĩ-Tiêu thì chắc chắn cũng trên hắn. Tài nghệ của Trần-Chánh-Đức nếu không hơn được hắn thì chắc chắn cũng không thua. Bản lãnh của sư huynh Lục-Phỉ-Thanh nếu có kém hắn thì cũng phải đấu đến 7 ngày 7 đêm mới mong hạ được. Ngoài ra, lại còn có thêm Quan-Minh-Mai, Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng, Từ-Thiện-Hoằng, Châu-Ỷ, Vệ-Xuân-Hoa, Chương-Tấn, Dư-Ngư-Đồng và Lý-Mộng-Ngọc.
Trước tình huống này, Trương-Siêu-Trọng và Tam-Ma trừ khi học được phép của Tề-Thiên Đại-Thánh thì mới cự nổi mà thôi!
Hết đường tiến, mà cũng không còn đường lui. Trương-Siêu-Trọng chỉ còn một đường liều lĩnh mà thôi. Y liền dùng kế khích tướng nói:
-Bọn ta chỉ có 4 người. Các ngươi ỷ đông hiếp ít, có thắng cũng vinh dự gì?
Viên-Sĩ-Tiêu cả giận nói:
-Một mình ta chấp cả bọn 4 đứa chúng bây đấy!
A-Phàm mỉm cười, vỗ vai Viên-Sĩ-Tiêu nói:
-Cắt cổ đám gà con, đâu cần phải dùng đến dao mổ trâu làm gì? Viên đại ca cứ nhường 4 tên thổ phỉ này lại cho đệ.
Dứt lời, A-Phàm đưa tay vẫy bốn người lại, như thách thức. Đẳng-Nhất-Lôi và Cổ-Kim-Phiêu nổi giận múa vũ khí xông vào. Hấp-Hợp-Đài cũng nhảy đến trợ lực.
A-Phàm vẫn bình tĩnh, tránh tả, né hữu, nhà trước lộn sau như đùa giỡn với Tam-Ma. Thỉnh thoảng, A-Phàm mới đánh trả đòn. Nhưng khi gần trúng đối phương, A-Phàm lại thu tay về. Có thể nói A-Phàm vừa đánh vừa đùa giỡn với Tam-Ma.
Trương-Siêu-Trọng đứng ở ngoài xem xét thủ pháp của A-Phàm. Ban đầu y có ý cùng Tam-Ma hợp sức hạ A-Phàm. Nhưng sau y lại nghĩ ⬘cao⬙ hơn một mức, muốn để cho Tam-Ma ⬘quần⬙ A-Phàm một hồi cho mệt để khi đến lượt y ra tay sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Viên-Sĩ-Tiêu bỗng lớn tiếng gọi:
-Anh râu rậm! Chúng ta còn nhiều việc phải làm! Sao cứ đùa giỡn hoài vậy?
A-Phàm bỗng nhìn Tam-Ma nói lớn:
-Nãy giờ ta nhân nhượng nhiều rồi! Các ngươi hãy biết điều mà thu quyền về không thì đừng trách ta.
Hấp-Hợp-Đài trực tính, biết nãy giờ A-Phàm nương tay, vừa đánh vừa đùa nên trận đấu mới kéo dài như vậy, chứ nếu đối phương có ác ý ắt chuyện đã khác xa.
Nghĩ vậy, Hấp-Hợp-Đài liền nhảy ra khỏi vòng chiến, miệng gọi lớn:
-Lão đại! Lão nhị! Chúng ta nên dừng tay thôi!
Thấy Hấp-Hợp-Đài nhảy ra khỏi vòng chiến, Đẳng-Nhất-Lôi cùng Cổ-Kim-Phiêu lên tiếng thóa mạ rồi tiếp tục xông bừa vào quyết liều mạng.
A-Phàm thấy vậy cả giận, tung ra một ngọn cước ngay ngực Cổ-Kim-Phiêu. Mọi người thấy Cổ-Kim-Phiêu văng ra xa 5 trượng, hộc ra một búng máu tươi nằm bất động.
Đẳng-Nhất-Lôi vừa ra thế công đã bị A-Phàm giựt lấy cây đồng nhân một cách dễ dàng. Vứt binh khí của ⬘đại ma⬙ xuống đất, A-Phàm xông tới chụp ngang hông Đẳng-Nhất-Lôi quăng mạnh xuống giữa triền núi. Một tiếng rống vang lên khủng khiếp, bóng Đẳng-Nhất-Lôi nhỏ dần lại rồi mất hút.
Trương-Siêu-Trọng thấy vậy liền phi thân vào bên trong, theo đường hầm dài mà đi. Theo phản ứng tự nhiên, Hấp-Hợp-Đài sợ bị giết cũng phi thân phóng theo đi chung với Trương-Siêu-Trọng.
Viên-Sĩ-Tiêu hét lên:
-Anh râu rậm! Mau rượt theo! Đừng để cho tên Trương-Siêu-Trọng kia thoát!
Không những chỉ có A-Phàm thôi, mà tất cả mọi người cùng nhau kéo hết vào trong, theo đường hầm mà rượt theo, với Viên-Sĩ-Tiêu đi đoạn hậu. Chạy ngang qua các cung điện, qua thạch thất, lại thấy một đường hầm trên chiếc giường bạch ngọc. Mọi người liền theo đó ra ngoài.
Bên cạnh hồ, mọi người trông thấy Tiêu-Thanh-Đồng và Hương Hương công chúa. Cách đó vào trượng, Hấp-Hợp-Đài đứng im như một pho tượng nhìn hai người đang tỉ võ.
Quần hùng Hồng Hoa Hội mừng rỡ kêu lên:
-Tổng-Đà-Chủ! Tổng-Đà-Chủ!
Thì ra hai người đang tỉ võ đó chính là Trương-Siêu-Trọng và Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội Trần-Gia-Cách.
Viên-Sĩ-Tiêu nhìn Trần-Gia-Cách ra chiêu đàn áp Trương-Siêu-Trọng thì gật đầu liên hồi, mặt tươi cười. A-Phàm cũng hết sức vui mừng nói:
-Đồ đệ của Viên đại ca chỉ đùa giỡn với tên Trương-Siêu-Trọng kia đó thôi, đệ cũng nhìn thấy được điều đó rồi. Chúc mừng đại ca có được một môn đồ cái thế anh hùng, là thiên hạ đệ nhất võ công!
Viên-Sĩ-Tiêu mỉm cười nói:
-Anh quá khen! Y sử dụng Bách-Hoa Thố-Quyền còn tinh xảo hơn tất cả những gì tôi tưởng tượng nữa! Đúng thật là ⬘anh hùng hào kiệt xuất thiếu niên⬙!
Bỗng nghe Trần-Gia-Cách quát lên một tiếng, kế đến là những tiếng loảng xoảng dưới đất rồi một tiếng ⬘bịch⬙ khô khan.
Mọi người trố mắt nhìn chợt thất kinh. Thanh kiếm của Trương-Siêu-Trọng nằm dưới đất, đồng thời Hỏa-Thủ Phán-Quan cũng nằm ngửa trên mặt đất đang cố gắng lồm cồm bò dậy, ngồi vận công.
Thì ra Trần-Gia-Cách ra chiêu quá mau lẹ, không ai nhìn thấy kịp. Một quyền của chàng đánh trúng ngay cổ tay của Trương-Siêu-Trọng khiến y phải buông rời thanh kiếm ra. Trương-Siêu-Trọng chưa kịp trở tay thì đã lãnh ngay một chưởng vào hông bổ ngửa ra đàng sau.
Mọi người thấy Lục-Phỉ-Thanh bay ra rỉ tai Trần-Gia-Cách nói vài câu, lại thấy chàng khẽ gật đầu rồi rút lui. Trần-Gia-Cách cùng Tiêu-Thanh-Đồng và Hương Hương công chúa cùng nhau tới chào hỏi quần hùng.
Nhìn thấy Viên-Sĩ-Tiêu, Trần-Gia-Cách làm lễ ra mắt sư phụ, nói:
-Con xin vấn an ân sư!
Viên-Sĩ-Tiêu cười thích thú, nói:
-Tốt lắm! Tốt lắm!
Lúc ấy Trương-Siêu-Trọng cũng vừa vận công xong. Y vừa nhìn lên chợt bắt gặp đôi mắt Lục-Phỉ-Thanh đang nhìn mình chằm chặp.
Lục-Phỉ-Thanh quay qua Dư-Ngư-Đồng nói:
-Điệt nhi! Con hãy tự tay mà trả thù cho sư phụ!
Đôi mắt của Dư-Ngư-Đồng sáng rực lên. Lửa hận thù trong lòng chàng bỗng khơi dậy. Chàng cầm ống sáo vàng từ từ tiến tới. Trương-Siêu-Trọng biết đây là một trận đấu không thể nào tránh được liền tiến tới thủ thế.
Như một con hổ, Dư-Ngư-Đồng chồm tới, dùng ống sáo vàng tấn công liên tiếp mấy thế đánh vào ngực Trương-Siêu-Trọng. Hỏa-Thủ Phán-Quan vung tả chưởng lên đỡ, đã gạt được ống sáo vàng của Dư-Ngư-Đồng qua một bên, tay mặt đánh trả lại một quyền theo thế ⬘Hoàng long phụ chu⬙.
Dư-Ngư-Đồng chưa kịp tránh né ngọn quyền độc địa của Trương-Siêu-Trọng thì ở hạ bàn, y đã tung ra một cước theo thế ⬘Dã hạc thôn trùng⬙ vào ngay ngực chàng, đồng thời tay trái lại bổ thêm một chưởng vào ngay giữa đỉnh đầu chàng.
Thiên-Sơn Song-Ưng dậm chân kinh hãi, vừa định xông tới cứu Dư-Ngư-Đồng thì thấy Trương-Siêu-Trọng đã sững sờ, trơ người ra như một tượng đá. Nhìn thấy Lý-Mộng-Ngọc mặt mày tươi tỉnh, mọi người mới hay là các yếu huyệt trên người Trương-Siêu-Trọng đã bị trúng phải Phù-dung châm của nàng.
Ngay lúc đó, Dư-Ngư-Đồng nhảy tới, vận đủ mười thành công lực tung ra một quyền đánh vào ngực Trương-Siêu-Trọng. Hỏa-Thủ Phán-Quan hộc ra một búng máu tươi, đôi mắt trợn tròng, ngã xuống đất chết ngay tại chỗ.
Sở dĩ Trương-Siêu-Trọng không tránh được Phù-dung châm của Lý-Mộng Ngọc là vì y chú ý quá nhiều đến Lục-Phỉ-Thanh. Y nghĩ rằng Lục-Phỉ-Thanh thừa thông minh để hiểu Dư-Ngư-Đồng không phải là đối thủ của y, bất quá chỉ dùng chàng ra tay làm tiêu hao đi công lực của y để rồi chính Lục-Phỉ-Thanh sẽ ra tay sau. Vì vậy, khi đấu y cũng ngầm chú ý đến mọi cử động của Lục-Phỉ-Thanh, nhưng khổ nỗi y bỏ quên mất Lý-Mộng-Ngọc!
Trương-Siêu-Trọng đền tội, mọi người ai nấy đều hả hê. Dư-Ngư-Đồng quá cảm kích Lý-Mộng-Ngọc, vì lại thêm một lần nữa nàng cứu nguy cho chàng. Dư-Ngư-Đồng không còn ngại ngùng gì nữa, bước tới nắm chặt tay Lý-Mộng-Ngọc, rơm rớm nước mắt. Lý-Mộng-Ngọc sung sướng, ngả vào lòng của Kim-Địch Tú-Tài.
Quần hùng Hồng Hoa Hội nhìn thấy hai người thân mật như vậy đều vui vẻ, nhất là Văn-Thái-Lai với Lạc-Băng.
Bên địch chỉ còn có Hấp-Hợp-Đài sống sót. Trần-Gia-Cách và Dư-Ngư-Đồng vốn có sẵn cảm tình với hắn nên xin quần hùng tha chết cho y. Hấp-Hợp-Đài cảm động, nói với Trần-Gia-Cách xin gia nhập Hống Hoa Hội.
Nghỉ ngơi trong giây lát, mọi người mới chịu rời khỏi Mê-Thành. Viên-Sĩ-Tiêu sau đó trao lại cho Trần-Gia-Cách một cái túi nói:
-Đây là những gì Vu cố tổng đà-chủ nhờ thầy cất giữ hộ, nhắn sau này giao lại cho con sau khi con nhận lãnh chức Tổng-Đà-Chủ của Hồng Hoa Hội. Nay con đã trưởng thành, chính là lúc sư phụ phải thực hiện theo đúng lời ủy thác của bạn cũ. Trách nhiệm của sư phụ đến đây là hết rồi!
Viên-Sĩ-Tiêu nói câu sau cùng rất là hứng thú. Mọi người ai ai cũng hiểu ông ta có nhiều ẩn ý trong câu nói đó.
Quần hùng sau đó từ giã Thiên-Trì Quái-Hiệp, Thiên-Sơn Song-Ưng cùng A-Phàm để trở lại bản doanh của Mộc-Trác-Luân. Sau đó, mọi người lại giúp Mộc-Trác-Luân dẹp tan luôn đoàn quân còn lại của Triệu-Huệ và Phú-Đức.
Chẳng bao lâu sau, Trần-Gia-Cách lại đem quần hùng trở lại Giang-Nam để bàn thảo kế hoạch lên Bắc-Kinh gặp vua Càn-Long để trao tín vật như đã hứa. Quần hùng Hồng Hoa Hội cũng không quên phòng hờ, chuẩn bị kế hoạch cho cuộc tổng khởi nghĩa ⬘phản Thanh phục Minh⬙ nếu chẳng may bị Càn-Long nuốt lời.
Chú thích:
(1-) Hữu thủ vô vỹ: có đầu, không đuôi.
(2-) Hang sâu nghìn dặm nức hương.
(3-) Dũng sĩ Y-Tư-Lan: dũng sĩ Hồi-Giáo.
(4-) A-Lý: phiên-âm Trung-văn của chữ Ali (tên).
(5-) Căn cứ theo những lời tả trong truyện thì ⬘dị giáo⬙ đây rất có thể là lính ⬘thập tự quân⬙ (crusaders) đến từ Âu-Châu. Độc giả muốn hiểu rõ hơn, xin đọc ⬘Cuộc Thánh Chiến giữa Hồi-Giáo và Thiên-Chúa-Giáo⬙. Có lẽ tác giả cũng dựa vào điển tích này mà lồng vào cốt truyện cho thêm gay cấn.
(6-) Thấp-sơn: núi có đá nam-chân.
(7-) Chân-Thần: Allah.
(8-) Nam-Hoa-Kinh: của Trang-Tử, là một trong "Thất Tài Tử Thư" (7 bộ sách quý giá nhất của nền văn học Trung-Quốc)
Hết


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.