Thời Không Lụi Tàn

Chương 13: Thụy Hiên



Liễu rủ ven đường.

Cành lá đụng vào xe ngựa vang lên những tiếng xào xạc.

Đường núi vắng tênh.

Người đánh xe khẽ huýt gió lên một đoạn dân ca cũ của tỉnh Phúc Kiến

Nhịp điệu bài hát nghe như quen thuộc lại như lạ lẫm. Ca từ bài hát chẳng cần cất lên nhưng cũng tạo cho người nghe cái không khí vui tươi như lúc hăng say lao động cho vụ mùa. Nếu nhắm mắt lại, người nghe chỉ cảm thấy lạc lối trong thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, chết lặng trước vẻ đẹp của đất trời.

Có điều mở mắt ra thì lại là đằm đằm oai khí.

Hai bên xe là hai hàng lính tráng đi đều bước. Một hàng mặc trang phục giống như viên lĩnh vạt ngắn, nhưng tay áo không thụng mà bó chặt lại, phía trước có đeo một lớp giáp thân, cố định lại bằng dây nịt và hai miếng lót hai bên. Trên đầu họ đội mũ bó, quây lại như cái khăn, phía sau có một vạt rũ xuống che hết đuôi tóc.

Hàng lính còn lại mặc quần áo vải ở trong và áo giáp nặng bên ngoài, mũ chóp cao và có lớp giáp bọc xuống phía sau và hai bên. Ở phần chân của giáp nặng được xẻ ra hai nửa để binh lính có thể vận động dễ dàng.

Đi phía trước hai hàng lính là đôi ngựa hắc bạch song song. Trên con hắc mã là một kẻ trùm áo đen che gần như kín hết cả người. Hắn có khuôn mặt hốc hác như bị bệnh, đôi mắt vô thần, một tay cầm dây cương, một tay cầm thứ gì đó giống như một quả cầu pha lê – kiểu mà các nhà chiêm tinh học hay sử dụng để dự đoán tương lai.

Bên cạnh hắn, trên con ngựa màu trắng là một người trung niên khoảng tứ tuần, khuôn mặt nghiêm túc, con mắt liên tục giáo giác nhìn quanh. Nếu để ý kỹ thì sẽ thấy hắn có đôi nét giống với lão bá hộ.

Trong xe đang truyền ra tiếng cười nhàn nhạt, phát ra từ một người trung niên. Ông ta có thân hình mảnh dẻ, hông dắt trường kiếm, mặc một chiếc áo bào trắng kiểu thư sinh, khuôn mặt điển trai cực kỳ. Trên tay ông ta cầm một quân cờ vây trắng, nhẹ nhàng đặt xuống bàn, tay kia vung vẩy quạt miệng nói:

“Thái Úy trên đường đi bất ngờ đổ bệnh, không thể tiếp tục theo đoàn xa giá. Tiểu quan chỉ đành phụng mệnh bồi tiếp, đại nhân không có điều chi bất mãn chứ?”

Người kia có thân hình nhỏ nhắn, lưng hơi gù xuống, khuôn mặt dài như mặt chuột. Hắn đang hé đôi mắt ti hí nói bằng cái giọng bén nhọn:

“Bệnh tật vốn dĩ là do ông trời, ta làm sao có thể trách được.”

“Sứ giả đại nhân, đã đi hết một vòng nước Nam sông núi, ngài cảm thấy thế nào?”

“Nước Nam cảnh trí tuy đẹp nhưng đất dài mà hẹp, con người nghèo đói nhơ nhớp, làm sao sánh được với khí thế bàng bạc của Thiên Triều? Tỉ như bàn cờ này vậy, quân trắng chỉ biết co cụm lại một góc mà phòng thủ, để mặc cho quân đen triển khai trên khắp bàn cờ. Đây âu chính là tất tử cục thế, thua một nước đi còn cứu vãn được, thua cả thế trận chính là hàng luôn ván cờ.”

Người trung niên mỉm cười, tay lại đặt thêm một quân xuống, miệng đáp:

“Nước Nam ta từ Hồng Bàng thời đại lập quốc, trải qua lịch sử mấy ngàn năm, tuy không ít lần bị các nước xung quanh đô hộ, nhưng phong tục tập quán vẫn vững vàng, người dân chưa bao giờ quên cái gốc nguồn cội. Xưa có Nam Việt Vương hùng tài đại lược, xưng đế hiệu, kình chống Lã Hậu, ngồi ngang hàng với Đại Hán một thời. Nay có đức Thái Tổ thừa hưởng mệnh trời, tay vung thanh thần kiếm mà định cả giang sơn. Nhân tài tầng tầng lớp lớp, Lý Thường Kiệt chống tống bình Chiêm, Hưng Đạo Vương đạp bằng Mông Cổ. Nói đâu xa chỉ ngay thời trước, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Ức Trai đại nhân đều là bậc anh hùng công cao chí vĩ. Thử hỏi một nước mà quân hiền, tôi giỏi, nhân dân đồng lòng như vậy, há có thể là nhược quốc?”

“Lương Trực Học Sĩ nói như vậy là cho rằng Đại Việt của các hạ bây giờ sánh ngang với Thiên Triều của bổn sứ?”

“Thiên Triều tại thượng, nước ta vẫn giữ lễ nghĩa bề tôi, tự nhận là chưa bao giờ trái với đạo lý luân thường. Những mong sứ giả đại nhân tấu lời lẽ phải, Hoàng Đế bệ hạ anh minh thần võ mà không động binh biến can qua để không làm khổ bề tôi trăm họ. Ấy là cái đức của Thiên Tử rọi sáng muôn đời, họ Lương tôi đây thay mặt muôn dân cảm tạ ơn nghĩa.”

Tên sứ giả cười khục khặc:

“Ngươi miệng phun chân ngôn, đánh ba tấc lưỡi cũng không giấu được sự thật là nước Nam đã xâm chiếm Chiêm Thành. Lần này đã tới được nơi thị sát cuối của chuyến đi, để xem ngươi có thể lấy cớ chi mà lấp liếm.”

“Sứ giả đại nhân nói như vậy là không đúng rồi. Hơn trăm năm trước, Chế Bồng Nga vua nước Chiêm xâm phạm Đại Việt, cướp phá Thăng Long, giết người vô số, hủy hoại kinh thành, không tội ác nào mà không phạm phải. Lúc đó bổn quốc sai sứ cầu viện, Thiên Triều lấy lý do quốc gia vừa mới thành lập, còn phải kình chống với Bắc Nguyên mà từ chối tương cứu. Nay Đại Việt ta cất binh báo thù, giặc cũng đã dẹp yên được sáu bảy năm, từ mấy năm trước Trần Thật đi sứ sang cũng không kết luận được điều gì bất lợi cho Đại Việt. Giờ Thiên Triều lại một lần nữa cho sứ hạch tội, chẳng hiểu là có ý gì?”

“Việc đại sự thiên hạ, há một cái hàn lâm học sĩ nhỏ nhoi ở tiểu quốc như ngươi có thể hiểu được, chỉ nên thành thành thực thực mà quỳ xuống nghe sai xử của Thiên Triều mới là điều đúng đắn, chớ có vì chút cảm xúc bộc phát nhất thời mà gây họa cho nước nhà.”

“Họ Lương tôi đỗ trạng nguyên vào niên hiệu Quang Thuận năm thứ ba, tới bây giờ làm quan trong triều đã mười mấy năm, tự nhận mình không có tài cán gì nổi bật nhưng lòng vẫn luôn trung với nước nhà. Nếu vì sợ hãi mà để cả dân tộc luồn cúi thì làm sao xứng đáng với hoàng ân của bệ hạ, làm sao có mặt mũi mà nhìn liệt tổ liệt tông. Chuyện của thiên hạ tuy lớn, mỗi con người chỉ như một quân cờ nhưng ngược lại mỗi quân cờ ấy mới là thứ cơ bản tạo nên thiên hạ. Lòng người đều giác ngộ lý tưởng thì lo gì mà chuyện thiên hạ không thành đây?”

Người trung niên đặt quân cờ xuống, thần cơ diệu toán, tới nước đi này thì đã đảo lộn hoàn toàn cục diện ván cờ. Quân trắng tuy dồn tụ về một góc nhưng thế trận cứng cáp, rõ ràng, e rằng khó lòng mà công phá. Quân đen tuy chiếm dữ ưu thế nhưng thế quân tản mác, đông mà không tinh, quân trắng chỉ cần đi thêm đúng ba nước nữa là sẽ xé trận hình của quân đen ra làm đôi. Sứ giả khuôn mặt trắng bệch, đang định hạ hai quân cờ chịu thua thì ở ngoài đã có tiếng quân báo:

“Bẩm các vị đại nhân, chúng ta đã tới địa phận Quảng Nam Thừa Tuyên.”

Chỉ thấy ở bên ngoài, quan huyện đang dẫn đầu người dân của mấy làng xung quanh quỳ đón nghênh tiếp đoàn sứ. Quan huyện là một người hơn ba mươi, nước da đen nhẻm, chắc cũng xuất thân từ tầng lớp nông dân mà ra. Hắn quần áo mũ quan nghiêm chỉnh, đang theo lễ nghi mà lạy ba lạy dập đầu, dân làng cũng vội làm theo. Chỉ nghe một người lính quan tuyên đọc:

“Cung nghênh xa giá của sứ thần Đại Minh triều Chu Hy và quan tòng Tam Phẩm Thừa Tuyên Sứ Lương Thế Vinh đến thị sát xứ Quảng Nam.”

Hàng người quỳ phía dưới cũng nhanh chóng đọc lại. Vốn lần này đoàn sứ bộ là do Thái Úy Lê Niệm trong triều đón tiếp nhưng Thái Úy tuổi cao sức yếu, trên đường đi không khỏi bệnh tật liên miên. Vậy nên vua mới tấn phong cho quan Lục Phẩm Trực Học Sĩ Lương Thế Vinh, vốn là người nhạy bén, thông minh, làm chức tòng Tam Phẩm Thừa Tuyên sứ mà đón tiếp sứ người Hán.

Đây là lần đầu tiên Lương Thế Vinh ra ngoài sau một thời gian dài biên soạn cuốn Đại Thành Toán Pháp, cũng là lần đầu tiên ông đi vào trong Nam. So với kinh đô và các vùng đất lân cận sung túc phồn vinh ở ngoài Bắc, cuộc sống của con người các Thừa Tuyên phía Nam khốn khó hơn nhiều, một phần là vì chiến tranh, một phần là vì khắp nơi thường xuyên có giặc giã.

Lương Thế Vinh mở quạt gấp ra, trên đó viết bốn chữ rồng bay phượng múa “Kinh Bang Tế Thế” lòng không khỏi trĩu nặng.

Chợt từ trong đám đông ở phía sau đi ra một người đàn ông đói rách, mặc quần áo theo kiểu dân Chiêm. Quan Huyện vừa thấy người này thì đã vội lên tiếng cho sai nha ngăn hắn lại. Tiếc thay, cả đám sai nha còn đang quỳ lạy một chỗ, hoàn toàn không kịp nghe theo lệnh quan. Người kia sải chân rất dài, chốc lát đã tới đứng ngay trước đoàn xa giá. Viên thị vệ cưỡi ngựa trắng liền đưa ngang kiếm ra ngăn cản, người kia tâu:

“Tiểu nhân là Ba Mỹ Bài Ma Diệp, người gốc Chiêm, có án oan muốn xin quan xét xử.”

Chu Hy nhìn Lương Thế Vinh đắc chí chờ xem kịch vui, Lương Thế Vinh từ xa đáp:

“Ngươi có oan khuất gì, cứ trình bày ra đây để các quan xem xét.”

Người kia dập đầu hai lạy, miệng không khỏi lên tiếng:

“Tiểu nhân thường trộm nghe quan Trạng là người có tài hoa xuất chúng, chỉ là trong triều hay trọng dụng những khai quốc công thần cũ và thân gia, không có lẽ công bằng, nên người vẫn chưa có cơ hội thăng lên quan chức. Nay được gặp…”

“Điêu dân to gan, sao ngươi dám phát ngôn bình luận chuyện của triều đình?” – Viên thị vệ hét.

Lương Thế Vinh cản tay thị vệ lại nói:

“Được rồi, ngươi không cần tâng bốc ta, cứ vào thẳng vấn đề của ngưoi đi.”

Ba Mỹ Bài Ma Diệp lại sụp xuống lạy:

“Chẳng là dạo trước nhà tiểu nhân có nuôi một con voi trắng, vốn là để buôn bán với thương gia của Đại Việt. Có điều, từ sau khi Chà Bàn thất thủ, nước mất nhà tan, tiểu nhân bị bắt đem giao cho ông bá hộ làng Nam Ô làm kiếp nô lệ, khổ cực trăm bề. Cách đây hai năm, gia đình cũ tìm được tiểu nhân, có thương lượng với ông bá hộ, dùng con voi trắng để đổi lấy một số ruộng đất của nhà lão, cho tiểu nhân được làm kiếp nông dân tự do. Con voi trắng nặng bao nhiêu cân thì có thể đổi được bấy nhiêu diện tích ruộng đất. Ban đầu lão cũng đồng ý, điểm chỉ vào khế ước, giấy trắng mực đen. Có điều, lão nhận voi rồi cứ lần lữa, lấy lý do là không cân nổi con voi, không chịu cấp cho tiểu nhân ruộng đất. Gia đình tiểu nhân kiện lên quan huyện thì đều bị bắt giam lại. Không biết sống chết thế nào. Mong quan lớn soi xét!”

Chu Hy ở bên cạnh góp lời:

“Đó là do gia đình ngươi ngu xuẩn, bao nhiêu đất thì cứ lấy đại đi, lại vẽ vời ra chuyện cân voi cho thêm rách việc. Bị như vậy thì âu cũng đáng lắm.”

“Bẩm đại nhân, người Chiêm chúng tôi nuôi voi đã lâu đời, có tục lệ dựa vào kích thước để ước định cân nặng. Dù có thể không chính xác hoàn toàn, nhưng ai nấy đều đồng ý xem như tiêu chuẩn mà định theo. Ai dè sang bên đây thì lão bá hộ trở mặt không chịu, rõ ràng chỉ là lấy đại một cái cớ để ăn chặn nhà tiểu dân. Đại nhân minh giám.”

Lương Thế Vinh cho truyền lão bá hộ lên. Lúc đi ngang qua thì người thị vệ khẽ nháy mắt với lão một cái. Lão quỳ sụp xuống, khóc lóc nói:

“Bẩm đại nhân, hắn nói thế là oan cho tiểu nhân quá. Vì giải quyết việc này một cách chính xác, công bằng, tiểu nhân đã sai người chạy tận ra ngoài kinh đô, chạy vạy khắp nơi để hỏi thăm một người đo lường chuyên nghiệp, phí tổn thuê, ăn ở đi lại cũng không hề thấp một chút nào. Ai dè những người dở thì không biết làm, người giỏi thì lịch trình bận bịu, mãi vẫn chưa có tin tức, chứ tiểu nhân nào dám chậm trễ việc này.”

Tên thị vệ cũng quay lại nói:

“Bẩm đại nhân, lão bá hộ và tiểu nhân vốn là chỗ quen biết. Tiểu nhân có thể làm chứng cho lão là đích thực có việc này.”

Chỉ nghe Chu Hy quay sang Ba Mỹ Bài Ma Diệp nói:

“Cân voi thì chắc chắn là không được rồi. Hay là như vậy, ngươi cứ nói ra con số ước tính của ngươi, sau đó bên lão bá hộ cũng cử một người ra nói con số ước tính cân nặng của lão. Hai bên cộng lại chia đều, thế là công bằng, khỏi tranh cãi dây dưa.”

“Bẩm đại nhân, sao lại như vậy được ạ, ông bá hộ chắc chắn sẽ ép cân nặng voi xuống. Tiểu nhân… Tiểu nhân…”

“Thế nào, chẳng lẽ ngươi không tin vào con mắt nhìn của chư vị bá quan ở đây?”

“Tiểu nhân không dám ạ.”

Chỉ nghe Lương Thế Vinh gấp quạt lại một cái, miệng nói lớn:

“Chỉ là cân voi thôi mà, ta làm được…”

Chu Hy lên giọng nói móc:

“Trực học sĩ đại nhân, ngươi cũng đừng mở mồm ra mà nói khoác lác. Nếu hôm nay ngươi cân được con voi này thì ta hái đầu xuống cho ngươi làm bóng mà chơi.”

“Vậy thì không dám, nếu tại hạ cân được voi thì chỉ mong quan sứ nói tốt với Thiên Tử vài câu để hai nước thêm bền chặt tình hòa hiếu.”

“Việc đó có chi là khó.”

“Vậy thì tại hạ bắt đầu đây, có điều nơi đây không thích hợp, chúng ta lại đi tiếp một đoạn nữa.”

Nói đoạn, Lương Thế Vinh quay qua dặn dò thuộc hạ vài câu. Người đó vâng lệnh mà đi trước. Cả đoàn xa giá chầm chậm tiến tới, giữa trưa thì đã đến bờ sông gần cửa Hàn Môn. Chỉ thấy trên sông đã buộc sẵn một con thuyền lớn, trên bờ là một con voi trắng ở bên cạnh một đống đá. Chu Hy còn đang thắc mắc không biết chuyện gì xảy ra thì Lương Thế Vinh đã cho sai người bắc ván, dẫn con voi xuống thuyền.

Cân nặng của con voi đè thuyền xuống, ông sai người đánh dấu mực nước rồi dắt voi lên bờ. Sau đó ông lại chất đá lên cho tới khi thuyền chìm ngang với mực nước cũ của con voi trước đó. Chu Hy đã lờ mờ đoán ra được dụng ý của Lương Thế Vinh.

Lương Thế Vinh bắt đầu đo cận nặng cho từng tảng đá, sau đó cộng hết tất cả lại, tính ra được kết quả con voi nặng khoảng mười ngàn cân (*), từ đó mà ra lệnh chia đất cho Ba Mỹ Bài Ma Diệp. Lão bá hộ chỉ đành cắn răng mà làm theo. Chu Hy không khỏi ngợi khen:

(*) Khoảng 6000 kg

“Ngoài những Ngoại Lai Giả ra, bốn sứ còn chưa thấy được ai thông minh đến thế.”

Lương Thế Vinh khiêm tốn đáp lời, mắt không khỏi liếc về phía gã thị vệ áo đen cưỡi hắc mã của Chu Hy mà từ đầu đến cuối vẫn giấu người trong chiếc áo trùm:

“Ngoại Lai Giả vốn là thần tiên trên trời giáng xuống hạ giới, pháp thuật vô biên, kè hèn này làm sao mà so sánh được. Có điều, được Chu đại nhân khen như thế, ta cũng không khỏi cảm thấy vui mừng trong bụng.”

“Tiếc là nước Nam nhân tài chỉ có vậy, ngoài Lương Trực Học Sĩ ra thì chỉ e trong nhân gian cũng chẳng có mấy ai. Nói chi đâu xa, chỉ mấy tên lính kém học trong đội của ta cũng chưa chắc có thể đánh bại được. Như vậy đi, không biết Trực Học Sĩ có muốn đánh cược một phen?”

Lương Thế Vinh đã nghe nhiều về bản tính ham đánh cược của người phương Bắc, cái gì cũng có thể đem ra cược được nên cũng không quá ngạc nhiên. Ông chỉ đáp:

”Không biết đại nhân muốn cược như thế nào?”

“A Hoảng, A Phong, lại đây.”

Chu Hy gọi từ trong đội lính cận vệ ra hai người, quay sang nói với Lương Thế Vinh:

“Ta có hai cái thằng lính quèn ở đây, vốn mồ côi được ta nhận làm gia đinh trong nhà từ thuở nhỏ. Chúng nó ít học, bình thường lại chây lười luyện tập võ công, nên về cơ bản chỉ là hai đứa chẳng ra gì, lần này đi theo chỉ là để mở mang tầm mắt. Ta sẽ cùng hai đứa nó lập thành một đội ba người. Bên Đại Việt các ngươi cũng chọn ra ba, cùng nhau thi đấu ba trận đấu văn hoặc đấu võ. Lấy hai trận thắng làm thắng chung cuộc, ngươi thấy thế nào?”

Lương Thế Vinh nhìn A Hoảng ăn mặc quân trang mà từng cái giơ tay nhấc chân không vượt ra ngoài lễ giáo, lại nhìn A Phong huyệt thái dương nhô cao, thân hình rắn rỏi, không khỏi lo lắng trong lòng. Ông quay sang người thị vệ cưỡi ngựa trắng nói:

“Mạc thị vệ, ngươi tính là một cái đi.”

“Thuộc hạ tuân lệnh”

Sau đó ông lại hỏi quan huyện:

“Ngươi là người ở địa phương, có biết trong dân gian có nhân tài nào có học thức hoặc giỏi võ công, có thể giới thiệu cho ta được không?”

Quan huyện do dự lướt qua một dãy những cái tên trong đầu. Dù sao đây cũng là danh dự của quốc gia chứ không phải chuyện đùa, người hắn nghĩ tới dù ở trong huyện cũng tính là văn tài võ lược nhưng đối với triều đình thì e rằng một cái rắm cũng không phải. Còn đang do dự không biết có nên tiến cử lão đồ Viễn lên không, dù sao lão cũng già rồi, sức khỏe chưa chắc chịu nổi tràng diện lớn như thế này thì lão bá hộ đã đứng ra tâu bẩm:

“Bẩm thừa tuyên sứ đại nhân, thảo dân gần đây có quen biết một người mới tới làng. Anh ta họ Trần, tên chỉ đơn có một chữ Ngọc, sức khỏe phi thường, học vấn cũng có chút thành tựu, trộm nghĩ muốn giới thiệu lên cho đại nhân để vì quốc gia mà cống hiến sức lực.”

Thấy Lương Thế Vinh gật đầu, lão bá hộ mới sai gia đinh chạy vội tới nhà lão đồ Viễn mà kêu gọi Thuốc Nổ.

Lúc này Thuốc Nổ đang chắp bút trả lời cho câu hỏi của thầy đồ Viễn, vốn là một cái đề thi đình năm trước. Lần trước cậu xin phép ông đồ Viễn thì ông thầy này nhất quyết bảo cậu phải hoàn thành cái đề thi này đã rồi mới đi đâu thì đi. Nội dung của nó như sau:

“Các bậc thánh nhân thời cổ, trị hóa thịnh vượng ắt khen Nghiên Thuấn, phò tá giỏi thường có Cao Quỳ. Giả sử trong 242 năm thời Xuân Thu chung một lòng với Đường Ngu, liệu có thể thống nhất được cục diện chia cắt đó chăng?

Trời không đủ cao, đất không đủ dầy, đó là sự vĩ đại của Nho.

Lễ Nghĩa nhờ đó mà hưng, kỉ cương nhờ đó mà dựng, đó là sức của Nho

Dựng chuẩn mực cho dân, mở nền thái bình muôn đời, đó là công của Nho.

Nhà Triệu Tống dùng Nho chuyên nhất so với Hán Đường thực hơn nhiều lắm nhưng binh lực trị hiệu không được thịnh bằng Hán Đường là tại làm sao? Hay là Nho thuật không bằng lưng ngựa?

Trẫm thừa đại thống đến nay đã 16 năm, những việc trị nước quan trọng cấp thiết Trẫm vẫn thường đắn đó, suy nghĩ cùng bàn với mọi người rồi thi hành vào chính sự.

Các ngươi chớ nên phù phiếm, hay hết sức bày bỏ, thiết tha mong trị, Trẫm sẽ đích thân lựa chọn”

Thuốc Nổ đọc xong không khỏi bật cười trước tư tưởng của các vị vua phong kiến. Cai trị bằng nho học cố nhiên là tốt, nó truyền bá những tư tưởng trung quân ái quốc có lợi với giai cấp thống trị. Có điều, dù sao thanh kiếm mũi tên mới là thực chất, lời ba hoa khoác lác tới mấy cũng chẳng thể tẩy não tất cả mọi người. Cái này người đời sau gọi chính là học thuyết về cây gậy và củ cà rốt phải luôn song hành.

Thời Tống, Nho học mang nặng tính hình thức. Vua chúa đều tập trung đối nội nhiều hơn là đối ngoại, bộ máy quân cấm vệ cồng kềnh, chiếm cả nửa quân số của quốc gia, vậy thì hưng thịnh sao nổi. Chẳng lẽ lấy ba tấc lưỡi mà bình định Nữ Chân, Mông Cổ?

Nghĩ vậy nhưng cậu cũng chỉ viết nghuệch ngoạc qua loa. Dù sao ở thời nào thì có tư tưởng riêng của thời đó. Người đời sau có tư tưởng tiến bộ là một chuyện, người xưa có nghe thủng không lại là một chuyện khác. Cậu chẳng hơi đâu mà làm mấy chuyện thân lừa ưa nặng, truyền bá tư tưởng dân chủ, pháp quyền vào thời đại này làm gì.

Tới đầu giờ trưa thì chợt có gia đinh của lão bá hộ tới bảo quan lớn cho mời. Đồ Viễn cũng không còn cách nào khác mà buộc phải nhả cậu ra. Trước khi đi, Thuốc Nổ quay lại mỉm cười một cách thần bí với đồ Viễn rồi mới cất bước.

Lúc Thuốc Nổ tới nơi thì cả đám đều ngồi trong một cái đình. Cậu khẽ quan sát Lương Thế Vinh ở ghế chủ tọa. Đây là một trong những nhân vật lịch sử hiếm hoi của Đại Việt quốc mà cậu nhớ tên. Cậu đánh giá vị trạng nguyên này dù đã ở tuổi trung niên nhưng vẫn rất phong độ, cả người toát ra dáng vẻ thư sinh, có điều chính vì thế nên thanh trường kiếm treo bên hông lại tạo ra cảm giác không hợp khí chất.

Cậu không lạy mà chỉ chắp tay chào, Lương Thế Vinh quan sát cậu hơi ngạc nhiên nhưng cũng không thúc ép. Cậu được giới thiệu luật chơi rồi về chỗ ngồi

Khi cậu đi ngang qua tay thị vệ họ Mạc thì nhạy bén nhận ra hắn đang nhìn chằm chằm vào Mai Từ Khoảnh và Sắn đứng trong đám người. Cái này là dựa hoàn toàn vào tài quan sát của cậu chứ bình thường thì rất khó đoán một người đang nhìn ai ở trong đám đông.

Cậu cũng không quan tâm hắn nhìn họ làm gì, cứ làm tốt việc của mình là được. Để tránh một bên chơi mẹo vặt kiểu Điền Kỵ đua ngựa, thứ tự người tham gia đã được bàn luận sẵn, A Phong sẽ đấu với Mạc thị vệ, Lương Thế Vinh sẽ đấu với Chu Hy còn Thuốc Nổ đấu với A Hoảng. Nếu bên Thiên Triều thắng, Đại Việt sẽ phải thừa nhận nhân tài nước Nam không bằng phương Bắc. Nếu bên Đại Việt thắng, Chu Hy sẽ không được tuyên truyền sai rằng nước Việt người giỏi thưa thớt nữa.

Vốn là lời đã nói ra thì giống như bát nước hắt đi, chẳng việc gì phải quan tâm cả. Có điều trong ngoại giao thì mặt mũi có khi còn quan trọng hơn so với lợi ích về vật chất, bởi vậy cho nên mới có vụ cá cược tưởng như vô nghĩa này.

Thuốc Nổ bình chân như vại nhìn hai người đầu tiên là A Phong và Mạc thị vệ lên sân. Xét về cách di chuyển lên đài của họ và vóc người thì Thuốc Nổ đoán đây là một trận đấu khá cân bằng. Ưu thế có lẽ nghiêng về phía A Phong đôi chút, e là chút nữa gánh nặng phải đè lên cậu rồi.

Kết quả lại khác với dự đoán của cậu.

Truyện về bác sĩ, nghề y. Cvt Ép Tiên Sinh làm, cái tên có làm mấy lão xao xuyến...hehe. Mời đọc
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.