Tiếng nhạc lay lắt len lỏi vào trong cơn mơ, kéo cô tỉnh lại từ giấc ngủ sâu. Ngay khi não bộ đoạt lại quyền điều khiển tri giác, cơn đau rách toác da thịt nuốt chửng lấy cô. Phượng kêu lên. Cô đau tới mức tứa ra nước mắt.
“A…Cái quái…”
Cô đau đớn, theo phản xạ đưa tay dò tìm vết thương.
Não của cô định vị điểm phát ra tín hiệu kêu cứu ở phía sau đầu. Cô chạm tay ra phía sau. Thứ cô sờ thấy không phải mái tóc mình, một vết rách chảy máu lênh láng như cô tưởng tượng hay bất cứ thứ vết thương đại loại vậy.
Thứ mà đầu ngón tay của Phượng cảm nhận được, là một loại kết cấu thô ráp, xơ cứng khó tả. Thứ đó bọc bên trên mái tóc của cô.
Phượng chưa hoàn toàn tỉnh táo. Tâm trí của cô quay cuồng. Theo phản xạ, cô tiếp tục sờ xung quanh thứ đó, cố gắng đoán xem nó là gì.
Bỗng, Phượng chạm vào một vật lạnh buốt. Cái lạnh như thuộc về kim loại.
Sự lạnh lẽo ấy truyền từ đầu ngón tay, chạy dọc qua các neuron thần kinh khắp cơ thể, xông thẳng lên não bộ, khiến Phượng chợt tỉnh táo.
Cô ngẩn người.
Ký ức ùa vào não cô. Sự thật khủng khiếp hơn bất cứ cơn đau nào cô đang phải chịu đựng.
Phượng nhớ ra rồi! Cô bị tấn công từ phía sau tại hầm để xe của trung tâm thương mại.
Cô bật dậy.
Tứ chi tê cứng khiến cô lảo đảo. Đột nhiên mặt đất dưới chân tự động phân bậc, Phượng ngã từ trên cao xuống. Cả người đập xuống đất, đau điếng.
Không phải cô chỉ bị đánh sau đầu thôi sao? Tại sao toàn thân nhức mỏi thế này?
Khi còn chưa kịp tự hỏi bản thân bị tấn công bởi ai. Một điều khác đã bật lên báo động trong Phượng.
Cô không nhìn thấy gì hết.
Phát hiện này khiến cô khiếp đảm.
Phượng vồn vã đưa hai tay sờ lên mắt.
Cô không chạm được lên mắt mình, lên da thịt. Không cảm nhận được lông mi, hay làn da của bản thân.
Thứ cô chạm vào là chất da thô nhám, da cứng. Cô hoảng hồn, mười đầu ngón tay sờ khắp mắt, men theo đoạn dây da vòng ra tận sau đầu.
Một miếng da lót nhung độ rộng mười centimet bịt kín đôi mắt của Phượng. Theo bản năng muốn giải thoát bản thân khỏi bóng tối, cô kéo cái bịt mắt ra.
Cô kéo, giật, cào, tới mức phần da trên gò má và quanh mắt trầy đỏ. Cô giật mạnh, giằng xé tới đứt cả tóc. Nhưng cái bịt mắt không hề suy chuyển. Nó vẫn nằm im, như thể trêu ngươi cô.
Bởi, vật kim loại lạnh cóng mà Phượng vừa sờ được sau đầu là một chiếc khóa. Thứ đó đã khóa cứng cái bịt mắt bằng da trên đầu cô. Chặt tới mức chèn vào vết thương sau đầu, đau buốt.
Nhưng hiển nhiên, kẻ khóa nó lên đầu cô chẳng hề lo việc cô phải chịu đơn đớn.
Tiếng nhạc vẫn réo rắt vang lên, rót đầy nỗi sợ hãi trong Phượng.
Tiết tấu chậm chạp, kéo dài lê thê phát ra từ một chiếc loa rè. Giọng ca bị bóp méo, khò khè rát tai.
“Tại sao nàng phải ra đi…
Tôi không biết
Nàng chẳng một lời.”
Là người làm nhạc, Phượng có tiêu chuẩn cao với các loại âm thanh. Hiển nhiên thứ thanh âm kém chất lượng này khiến cô vô cùng khó chịu. Hai hàm răng ê buốt như vừa phải nhai vài quả chanh với muối ớt.
“Tôi đã nói điều gì sai trái
Và giờ, tôi trông ngóng ngày hôm qua.”
Trong cơn hoảng loạn, lý trí giành được một giây tỉnh táo.
Đây không phải bất cứ đoạn nhạc kỳ lạ nào. Loa đang phát ca khúc “Yesterday” của ban nhạc The Beatles mà cô yêu thích. Bản phối chậm, da diết. Quá nhiều tạp âm và nhiễu phóng đại qua dàn loa kém chất lượng. Chẳng khác nào tra tấn lỗ tai của cô.
Mặt Phượng nhăn nhó.
Cô vừa tỉnh dậy sau khi bị chấn thương sọ não tới bất tỉnh.
Vì thế bất cứ tiếng động lớn nào đều ép đầu cô đau buốt. Vậy mà âm lượng này ngày càng lớn, tra tấn cô.
“Ngày hôm qua
Tình yêu là một cuộc chơi dễ dãi
Giờ tôi cần tìm nơi lánh nạn
Ôi ngày hôm qua, tới sao đột ngột…”
Cuối cùng, đoạn nhạc chẳng khác nào hành hình đó kết thúc. Cuối bản nhạc, tạp âm ngày càng lớn. Rào rào chèn lên tiếng dương cầm như mưa đá.
Phượng buông thõng hai tay, để tiếng ồn mà cô ghét tràn vào màng nhĩ.
Không phải tiếng mưa. Không phải tiếng loa rè.
Cô nhận ra rồi.
Đó là tiếng vỗ tay.
Bản gốc ca khúc “Yesterday” có tiết tấu nhanh, lời ca dứt khoát. Còn phiên bản du dương, tha thiết này, không phải của ai khác, mà là chính cô.
Cô chỉ trình diễn bài “Yesterday” duy nhất một lần ở nơi công cộng. Vào chín giờ tối, bảy ngày trước, tại quán bar Phoenix của anh Lợi.
Thứ tràn vào tai cô không phải do chất lượng thấp kém của loa. Mà là tạp âm và tiếng vang – khi ghi âm ca khúc này! Tiếng rào rào mà cô ngỡ tưởng là mưa đá đó chính là tiếng vỗ tay của khán giả.
Phỏng đoán này và khả năng phía sau nó xâm chiếm Phượng bằng nỗi sợ.
Giờ Phượng là kẻ mù. Thị giác biến mất, âm thanh như từng đợt sóng cả dồn dập nhấn chìm cô. Phượng bị bao vây bởi màn đêm.
Không có thị lực, thính giác của Phượng trở nên nhạy cảm hơn. Mặc dù ngay từ trước đó, cô đã luôn nhạy bén với các loại âm thanh.
Tiếng vỗ tay dồn dập xen lẫn tạp âm cùng tiếng vang của khán phòng hòa trộn thành một hỗn hợp tra tấn không ngừng. Tai cô hóa thành cái phễu, bị động dốc toàn bộ đống tạp âm đó.
Phượng hét lên một tiếng, cúi gập người, lấy hai tay bịt chặt tai.
Nhưng vô ích. Âm thanh từ tứ phía – Phượng đoán thế, bao vây cô không đường lui. Chúng xuyên qua bàn tay cô, đâm thủng màng nhĩ của cô.
Tai đau, thần kinh đau, đầu đau, vết thương đau.
Phượng phát điên. Cô kêu lên, giãy dụa. Hai tay cấu vào mép bịt mắt da, dùng hết sức kéo nó ra khỏi đầu mình.
Cô cố, cố hết sức. Đến mức da mặt bỏng rát vì bị móng tay cào vào và vết thương sau đầu muốn nứt bét ra. Cô không dừng lại. Cô kéo, gắng kéo bịt mắt bằng được.
Đột nhiên, tiếng nhạc biến mất. Hoàn toàn. Trả lại sự tĩnh lặng đột ngột cho không gian tối om.
Một giọng nói vang qua loa.
“Đừng bắt tôi khâu cái bịt mắt vào đầu em.”
Giọng nói này khiến Phượng ngẩn ra.
Phượng đang quỳ gục dưới sàn. Cô chậm chạp chồm dậy.
Giọng nói rè phát qua loa.
Phượng rơi vào màn sương mù.
Là bất khả thi để cô có thể xác định bất cứ điều gì trong hoàn cảnh này.
Con người có năm giác quan. Hiện giờ ba giác quan của Phượng bị vô hiệu hoặc gần như tra tấn cô nhiều hơn giúp ích. Thị giác mất hoàn toàn. Hai lỗ tai đau muốn chảy máu. Kết nối với não bộ hiện đang đình trệ. Xúc giác tê rần, gần như không có cảm giác.
Thời điểm này, Phượng không nghĩ nổi bất cứ điều gì.
Nhưng cô đứng dậy. Cô không thể cho phép mình bị động mãi.
Thị giác và xúc giác đóng vai trò định vị và cân bằng trạng thái hoạt động cơ thể. Không có chúng, chỉ đứng dậy thôi cũng khiến cô chao đảo.
Phượng theo bản năng giang tay sang hai bên để giữ thăng bằng. Cong người đứng được dậy rồi, cô từ từ gắng thẳng lưng.
Tưởng tượng rằng hình ảnh hiện tại của mình không quá nhếch nhác, cô mới bắt đầu lên tiếng.
“Ai?”
Phượng không tài nào nghĩ ra bất cứ kẻ nào có thù oán với mình. Toàn bộ những kẻ đối đầu – thành viên gia đình Tiến Phước – đều bị giam sau song sắt.
Một năm cuộc sống êm đềm tới vậy, Phượng không liên hệ nổi đầu mối nào. Phượng bắt đầu nghĩ: “Lẽ nào là kẻ thù của anh?”
Sau khi cô lớn tiếng hỏi, thứ trả lời cô là không gian tĩnh lặng chết chóc.
Không nhìn, không nghe, cũng không cảm nhận được gì. Phượng cảm thấy như mình bị ném vào khoảng không vũ trụ vô tận. Cô lênh đênh bất định.
Xung quanh tối om, không tiếng động, không có bất cứ thứ gì để tứ chi của cô có thể chạm vào. Nơi thậm chí thời gian còn không tồn tại.
Đen sì.
Nỗi sợ lớn nhất của con người, là nỗi sợ những điều bí ẩn.
Nhịp thở hổn hển bán đứng Phượng. Cô bắt đầu sợ hãi và mất bình tĩnh.
Trước khi cô từng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhưng khi ấy, cô hoàn toàn dự đoán được kẻ bắt cóc mình là ai. Cô khỏe mạnh, suy nghĩ minh mẫn để đón đầu diễn biến tiếp theo. Vì thế cô có cái gan. Còn hiện tại, cô không bám víu nổi vào bất cứ manh mối nào.
Kẻ bắt cóc là ai? Một, hay một nhóm người?
Chúng muốn gì?
Cô đang ở đâu?
Phượng rơi vào cái hố không đáy của ngàn vạn câu hỏi mà chẳng có lấy một đầu mối giải đáp.
Khi cô đang choáng ngợp, đột nhiên, dàn loa khủng bố từ bốn phía phóng tiếng.
“Mới hôm qua
Những rắc rối dường như thật xa
Giờ chúng ập tới và ở lại
Ôi, tôi tin tưởng vào ngày hôm qua…”
“A…”
Tiếng ồn bất ngờ nã vào tai khiến Phượng giật thót. Cô chao đảo, ngã ra sàn.
Đầu Phượng đau muốn vỡ tung. Trong biển sóng âm náo loạn, Phượng ôm đầu, gào lên.
“Ai? Các người muốn gì? A…Tắt nhạc đi!”
Nhưng nhạc không ngừng. Âm lượng bất ngờ vặn lớn lên. Phượng dường như cảm thấy mặt đất rung lên. Lồng ngực cô theo đó đập bình bịch như tiếng trống.
Phượng ôm gập người, ngã xuống đất. Cô co quắp hệt con sâu quằn, bó gối, hai tay ôm chặt tai để cản tiếng ồn.
Nhưng những nỗ lực đó chẳng hề có tác dụng.
Cô bị bao vây, tra tấn bởi thứ cô yêu thích nhất. Âm nhạc.
Giờ ngoài những chấn động khủng khiếp đủ khiến người ta đột quỵ, Phượng chẳng cảm nhận được gì. Cô bị giam cầm trong bóng tối.