Thiên Thủ Song Tôn

Chương 6: Chương 6




Bỗng nàng lại nghĩ: “Kỳ quá, tại sao mẫu thân, đệ đệ, di mẫu, biểu ca lại cùng đi theo Lã Chí Viễn? Vậy phụ thân của mình là ai?”
Nàng đang tự trách mình vừa rồi do quá xúc động, không hỏi điều tối hệ trọng ấy inh bạch, giác quan mất hẳn linh mẫn, bỗng thấy có người bước vào trong động, nàng không ngẩng lên, cứ tưởng là Tang Bác Cổ đi lấy nước trở về, bèn hỏi :
- Tiền bối trở lại rồi ư? Đưa nước cho vãn bối nào...
Lời chưa dứt, đã nghe tiếng nói :
- Chốn hoang sơn cô động này bất tiện lắm, để ta đem ngươi đến một nơi có đủ thứ của ngon vật lạ...
Lời lẽ ngọt ngào, nhưng giọng điệu vô cùng hiểm độc.
Đường Tử Vi giật mình, ngẩng đầu lên. Ôi! Thì ra đứng trước mặt nàng lại là hai gã bịt mặt từng giao đấu ở trên Nga Mi Kim Đỉnh, một gã râu vàng, gã kia râu lam.
Tử Vi cả kinh, vung tay hữu, cây Thất Khổng thần địch đã được rút từ sau lưng ra cực kỳ mau lẹ.
Ngay lúc đó, gã râu vàng đã thi triển chiêu “Hoàng Long Thám Qua”, hai tay chộp xuống hai vai nàng.
Tử Vi vội vung cây địch xuất chiêu “Thái Phong Khai Bình” chỉ thấy tử quang lưu động, tạo thành ngàn đạo địch ảnh bảo hộ châu thân, phong vũ không lọt.
Gã râu vàng tựa hồ không ngờ nàng xuất chiêu thần tốc đến mức ấy, khiến hắn buộc phải thoái lui một bước.
Gã râu lam thấy địch chiêu của nàng lợi hại, bức sư huynh thoái lui, liền rút Kim Mai Hạc Chưởng ra.
Tử Vi do thụ thương ở chân, không thể đứng dậy ứng chiến, có phần lo sợ, nhưng nhân lúc gã râu vàng thoái lui, nàng lập tức đặt ngang cây địch lên môi, thổi nhanh một hơi, địch thanh phá vỡ không khí, vang động tới trời.
Nhưng địch thanh chưa tắt, Kim Mai Hạc Chưởng của gã râu lam đã chụp xuống đầu nàng.
Tử Vi buộc phải rời cây địch khỏi môi, xoay cổ tay sử chiêu “Bạt Vân Kiến Nhật”, tiếng kim loại va vào nhau tóe lửa.
Bỗng gã râu vàng nói :
- Sư đệ cẩn thận, chúng ta cần bắt sống con nha đầu này, chứ không được giết.
Đoạn hắn tung chân, dùng ngón chân điểm tới huyệt Tiếu Yêu của Tử Vi.
Tử Vi hừ một tiếng, tay tả phóng chưởng, đồng thời tay hữu cầm cây địch thi triển chiêu “Kim Kê Bạt Sí”, trên thì chống đỡ Mai chưởng của gã râu lam, dưới thì quét ngang bàn chân của gã râu vàng, vừa công vừa thủ, khá là lợi hại.
Hai gã bịt mặt chẳng phải hạng tầm thường, một trong hai gã cũng đủ sức đấu với nàng ba trăm hiệp, huống hồ nàng đang thụ thương phải ngồi dưới đất, rất khó xoay trở thân mình, y như một kẻ tàn phế. Hai gã kia nếu không quyết bắt sống, thì nàng đã bị đả thương dưới tay chúng rồi.
Gã râu lam thấy nàng can đảm, liền nghĩ cách chọc giận, bèn nhảy ra phía sau nàng, cười hì hì :
- Sư huynh, chúng ta ập đến từ hai phía, cô nương được tiếp hai trang nam nhi cùng lúc, sẽ thỏa lòng thèm muốn...
Nghe lời lẽ dâm loạn, Tử Vi cô nương đỏ mặt, cau mày, nghiến răng ken két, nhưng nàng phải đối phó cùng lúc với cả hai phía, đành cố thủ, đâu dám cầu tiến công. Nửa thân mình không chuyển động, nàng rất tốn lực chống đỡ phía sau, chỉ sau mấy chiêu, đã biết mình sắp bị bắt...
Đúng lúc ngàn cân treo sợi tóc, bỗng có tiếng cười lớn :
- Hai con quỷ bịt mặt, giữa thanh thiên bạch nhật lại dám tới đây, không sợ trời đánh thánh vật hay sao?
Chính là Vạn Sự Thông Tang Bác Cổ.
Chỉ thấy lão nhân tay hữu cầm một bó củi, tay tả cầm hai ống trúc đựng nước suối, vừa nghe tiếng nói đã vọt tới bên cạnh Tử Vi, đặt các thứ xuống, hai tay vung về hai phía, trông nhẹ nhàng như đùa, vậy mà hai luồng tiềm lực đã đẩy hai gã kia ra xa hàng trượng.
Gã râu lam cả kinh, vội vọt ra phía cửa động, đứng bên cạnh gã râu vàng, rồi hỏi :
- Lão là ai?
Tang Bác Cổ đáp :
- Ta là ai mà ngươi cũng không biết mà đòi xông xáo chốn giang hồ ư? Để ta nói cho nghe, ta là gia gia (ông nội) của ngươi đấy!
Đoạn cả thân hình vẫn bất động, không biết dùng thân pháp gì mà lão nhân đã tiến đến ngay trước mặt hai gã kia, rồi “bốp, bốp” hai tiếng, mỗi gã đã bị một cái tát tối tăm mặt mũi.
- Ối, ối!
Hai gã cùng kêu lên và thoái lui ba bước. Gã râu vàng gầm lên :
- Lão cuồng sấu này, coi đây!
Đoạn sử chiêu “Linh Đài Phiêu Mai” múa Mai chưởng đánh tới đầu Tang Bác Cổ thật nhanh.
Gã râu lam thấy sư huynh xuất thủ, cũng vội sử chiêu “Thiên Chưởng Phục Ma” đánh tới trung và hạ bàn của đối phương.
- Sư đệ cẩn thận!
- Ối, sư huynh mau tránh!
“Keng, keng!” Không hiểu sao Kim Mai Hạc Chưởng của hai gã lại choảng vào nhau, cả hai gã cùng kêu lên như vậy?
Còn Tang Bác Cổ thì đâu rồi? Hai gã nhìn bốn phía, chợt thấy đau nhói nơi mông đít, vội quạt tay ra sau lưng.
Cả hai sững sờ, chỉ nghe “xoạc, xoạc”, áo của chúng đã bị xé rách một mảng mà chúng vẫn chưa nhìn thấy đối phương.
Bỗng có tiếng cười ngạo nghễ từ phía trên nóc động vọng xuống, chúng ngẩng lên, thì lạ chưa, lão nhân đang ngồi chễm chệ trên một mỏm đá cao hơn hai trượng.
Cả hai tức giận vung tay, sáu đạo lam quang vô thanh vô tức bay vọt lên phía Tang Bác Cổ. Chính là ám khí độc môn của Mai Chưởng Tản Nhân, Lãnh Hương Tiêu Hồn Mai.
Tang Bác Cổ cười ha hả, tay hữu vung vẫy đã chộp đủ sáu bông mai, nói :
- Món này chế tạo tinh xảo đây, ta phải giữ để có lúc dùng đến.
Hai gã bịt mặt cả kinh thất sắc, nghĩ rằng giao đấu với bậc cao thủ như lão nhân chẳng khác gì lấy trứng chọi đá, nếu không sớm thoát thân, e khó toàn mạng. Ba mươi sáu kế, tẩu vi thượng sách. Bỗng nghe lão nhân nói với Tử Vi cô nương :
- Vi nhi, võ lâm có một tuyệt kỹ, ngươi đã chứng kiến hay chưa?
Tử Vi nghe khẩu khí, biết Tang Bác Cổ muốn biểu lộ thân thủ, bèn hỏi :
- Bẩm lão tiền bối, đó là tuyệt kỹ gì vậy?
Tang Bác Cổ đáp :
- Ngươi đã nghe nhắc đến “Ẩm tửu như hồng, thổ thúy ngưng băng” hay chưa?
Tử Vi biết đó là phép “Thủy Tiễn” nhưng cố ý nói :
- Vãn bối có nghe qua, nhưng chưa được thấy. Hôm nay muốn được đại khai nhãn giới.
Tang Bác Cổ cười :
- Đã lâu chưa dùng, hôm nay phải thử xem sao.
Hai gã bịt mặt nghe “Ẩm tửu như hồng, thổ thúy ngưng băng” thì biết ngay là nguy cấp, vội quay người định chạy, bỗng nghe Tang Bác Cổ quát :
- Bỏ xuống ta coi!
“Vù vù”! Hai luồng thủy tiễn vọt ra.
Hai luồng thủy tiễn trông như hai cột thủy ngân, thoạt đầu nhỏ bằng que đũa, sau to bằng cái bát, “bép, bép” hai tiếng, trúng ngay vào lưng hai gã. Chúng kêu ối ối, rồi đúng là chống hai tay xuống đất, theo tư thế “cẩu xài phân”.
Tang Bác Cổ chỉ mới khai vị, chưa dụng lực đáng kể. Hai gã vừa chúi xuống đã vội đứng bật dậy, co giò định chạy, Tang Bác Cổ lại quát :
- Nằm xuống!
Vù vù! Lại hai đạo thủy tiễn vọt đi.
Hai gã kia tránh không kịp, đều trúng đòn, kêu ối ối đau đớn, ngã chổng vó lên trời, thành tư thế “cẩu phơi trứng”.
Tử Vi cô nương không nhịn được, cười đau cả bụng.
Tang Bác Cổ vẫn ngồi trên một mỏm đá, liên tiếp nói :
- Lật sang tả!... Lật sang hữu! Nằm ngửa này... nằm sấp này!
Lão nhân nói gì, hai gã kia cứ làm theo răm rắp. Chúng đã biến thành hai trái cầu bằng thịt, lăn lộn kêu oai oái.
Nên biết Tang Bác Cổ sau khi ra khỏi thạch động, đã tìm thấy nguồn nước, lấy đầy hai ống trúc, nhặt vài cành củi khô, bỗng nghe có tiếng địch thổi ré lên rồi tắt lịm, biết là Tử Vi gặp chuyện bất trắc, vội hớp một ngụm nước lớn, rồi chạy về động.
Lão nhân nuốt nước xuống bụng, đưa vào lưu giữ ở Đan Điền, hòa với trung khí trong đó... Cho nên khi phun ra, một tia nước có thể phá vỡ gỗ đá. Quả là một tuyệt kỹ diệu kỳ trong huyền môn.
Lại nói hai gã kia lúc này tối tăm mặt mũi, toàn thân bê bết bùn đất, sớm đã bủn rủn chân tay, chạy không được đã đành, ngay đến cựa quậy cũng chẳng nổi.
Tang Bác Cổ cười ha hả, đáp xuống, tới chỗ hai gã nằm quay lơ trên đất, mỗi tay xách một gã lên như tóm một con gà, bước ra cửa động, vung tay ném chúng ra xa hơn năm trượng, nói :
- Các ngươi nằm đó mà ngủ một giấc nghe!
Đoạn nhìn tứ phía một vòng rồi mới quay vào.
Tử Vi nhóm lửa đun nước, hai người uống xong. Tử Vi có phần e ngại, nói :
- Vừa rồi hai kẻ bịt mặt đã bị lão tiền bối giải quyết, nhưng sợ rằng sẽ còn có kẻ khác tìm đến đây nữa. Tiểu nữ thấy ở trong động này không an toàn, chi bằng chúng ta sớm rời khỏi đây.
Tang Bác Cổ trầm ngâm một hồi mới đáp :
- Đêm nay ta cũng nghĩ như vậy, song...
Tử Vi hỏi :
- Song làm sao kia?
Tang Bác Cổ vuốt râu, thong thả nói :
- Ta muốn ở lại đây một đêm, sáng mai đi cũng không muộn.
Tử Vi vốn thông minh, hiểu ngay ẩn ý, bèn hỏi :
- Vì sao phải ở lại một đêm?
Tang Bác Cổ mỉm cười :
- Đây là một cơ hội, không chừng nếu có cơ duyên, ta có thể được kỳ ngộ!
Tử Vi hiếu kỳ, lòng phấn chấn, hỏi :
- Kỳ ngộ điều gì, lão tiền bối nói đi!
Tang Bác Cổ xua xua tay :
- Mới chỉ là ước đoán và hy vọng, chưa có gì chắc chắn, nói ra mà không kết quả, e ngươi sẽ thất vọng, còn khi xuất hiện kỳ ngộ, ta sẽ kể cho ngươi nghe cũng không muộn, như thế hay hơn.
Tử Vi còn muốn thăm dò, nhưng Tang Bác Cổ nói :
- Hiện tại đã chính ngọ, đêm qua ngươi thức trắng, lại thụ thương vào chân, cũng nên ngủ một giấc cho khỏe... để ta đi lấy chút cỏ...
Đoạn bước ra khỏi động.
Lát sau Tang Bác Cổ ôm một bó cỏ khô trở vào.
Lão nhân kiếm một hốc đá kín đáo, trải cỏ khô thành thảm, rồi cắp Tử Vi đặt vào đó, rồi bước ra khỏi động nhìn vào, thấy nàng được giấu vào một chỗ kín đáo thì mới bước ra ngoài.
Tử Vi nằm xuống, thấy quả là dễ chịu, trong chốc lát đã ngủ thiếp đi.
Tang Bác Cổ quanh quẩn ở bên ngoài động, ngắm nghía địa hình hồi lâu, mới trở vào, thấy Tử Vi đang ngon giấc, bèn đi xem xét kỹ trong động.
Các mỏm đá lồi lõm nhấp nhô, cao thấp không đều, càng và sâu bên trong càng tối, đỉnh động càng thấp.
Cuối cùng không còn chút ánh sáng nào lọt vào, vì đã bị các mỏm đá che khuất hoàn toàn, giơ tay lên đã chạm tới đỉnh động. Tang Bác Cổ căng mắt quan sát, thấy đã tới vách hậu của sơn động, từ động khẩu vào tới đây ước chừng mười trượng.
Lão nhân lấy bùi nhùi ra đốt lên, ánh sáng soi tỏ vách tường. Lão nhân chậm rãi lần từng bước về mé tả, mắt chăm chú quan sát từng tấc trên vách động, tựa hồ hy vọng thấy kỳ kích xuất hiện.
Sau khi xem xét hết mé tả, Tang Bác Cổ lại xem xét kỹ mé hữu, bùi nhùi cháy hết, liền châm tiếp cái khác. Rà soát xong mé hữu, lão nhân lại quay người quan sát trở ngược, cứ đi đi lại lại rất thong thả, mắt chăm chú thị sát từng tấc, từng tấc trên vách động đã tới ba bốn lượt.
Lão nhân không nghĩ đến bất cứ điều gì khác, chỉ chăm chăm chú chú quan sát tìm kiếm, bên ngoài động trời sẫm tối lúc nào cũng chẳng hay.
Đường Tử Vi vì thụ thương và đã tốn nhiều sức lực nên ngủ say như chết. Lúc này trong động trầm lặng, lạnh lùng, bên ngoài động gió thu hiu hắt, quang cảnh thê lương.
Bỗng một bóng người theo gió lao về phía động khẩu nhanh như tên bắn, chính là đệ nhất đệ tử của Mai Chưởng Tản Nhân, gã râu đỏ.
Hắn còn cách động khẩu năm trượng, bỗng phát hiện có hai người nằm lăn lóc trên mặt đất, nhìn kỹ thì ra là hai gã sư đệ của hắn, gã râu vàng và gã râu lam.
Gã râu đỏ thấy hai sư đệ bê bết bùn đất, trông dường như thụ trọng thương, thì bất giác cả kinh, vội lay gọi một hồi, hai gã kia chỉ ú a ú ớ, hắn bèn thi triển thủ pháp “Thôi Cung Quá Huyệt” để truyền lực một hồi, hai gã kia mới hồi tỉnh. Tiếp đó cả ba lặng lẽ đi kiếm củi và cỏ khô vốn có ở xung quanh. Chừng nửa giờ đã được một đống lớn.
Cả ba bắt đầu đem tới chất vào trong cửa động thật nhanh. Sau đó châm lửa và thay nhau dùng chưởng đẩy khói ùn ùn túa vào bên trong sơn động.
Thoáng chốc, lửa cháy đùng đùng, khói xanh cuồn cuộn cứ thế táp vào bên trong, mà Tang Bác Cổ và Tử Vi vẫn không hay biết.
Tử Vi đang nằm mơ, bỗng hít phải khói thì bừng tỉnh, mở mắt nhìn, chỉ thấy hỏa thế đùng đùng, lưỡi lửa đang liếm qua liếm lại đáng sợ, mà Tang Bác Cổ thì chẳng thấy đâu, nàng kinh hoảng gọi :
- Lão tiền bối! Lão...
Lời chưa dứt, có tiếng đằng hắng đáp lại :
- Đừng sợ, ta đây...
Tang Bác Cổ chạy lại. Tử Vi vội hỏi :
- Lửa ở đâu ra vậy?
Tang Bác Cổ đáp :
- Ta cũng chưa biết, chắc là do mấy gã tiểu tử kia, để ta ra coi thử...
Đoạn quay mình vòng sau mô đá tiến ra, thấy hỏa thế mãnh liệt, khói từng cụm dày đặc lan dần vào trong động. Lão nhân không dám chậm trễ, liền vung hai tay tống ra một luồng kình lực, hỏa thế bị chưởng phong quạt qua, tách thành hai mảng, để lộ một khoảng trống ở giữa. Tang Bác Cổ nhân đó vọt ra phía động khẩu, phóng tiếp một chưởng, chỉ nghe các mảnh đá nhỏ bay tứ phía, thì ra cửa động đã bị một khối đá lớn bít kín.
Tang Bác Cổ tung thêm một chưởng, khối đá chắn cửa động không hề lung lay, đã vậy, hỏa thế bị tách đôi vừa rồi đã nhanh chóng chập lại như cũ. Lão nhân lúc này mới cảm thấy sự thể nghiêm trọng, bất giác giậm chân nghĩ thầm: “Vạn Sự Thông ta suốt đời đi săn nhạn, hôm nay không ngờ lại bị nhạn mổ mắt...”
Vừa nghĩ, Tang Bác Cổ vừa vọt trở về bên cạnh Tử Vi.
Tử Vi vội hỏi :
- Động khẩu đã bị bít kín phải không?
Ù ù ù... lúc này lưỡi lửa đã lem lém liếm tới mô đá chỗ hai người.
Tang Bác Cổ không đáp, cắp ngay Tử Vi chạy vào mô đá bên trong, cao hơn chỗ vừa rồi.
Đứng trên mô đá này tuy tránh được lưỡi lửa, nhưng không tránh được khói. Khói bốc lên đỉnh động, rồi lan rộng và dồn xuống bên dưới càng lúc càng dày, bắt đầu khó thở.
Chỗ hai người đã bị khói trùm kín, lão nhân ho vài tiếng, vội ngừng thở để tránh hít khói vào ngực.
Tử Vi nghe tiếng ho của lão nhân, bèn nói :
- Lão tiền bối đừng bận tâm đến tiểu nữ, hãy mau tìm cách thoát thân, kẻo bị lửa thiêu chết mất.
Lời chưa dứt, nàng đã ho liền liền.
Tang Bác Cổ nói rít qua kẽ răng :
- Đừng nói, mau nín thở! Đừng có nói xàm, ta không thể bỏ mặc ngươi...
Tử Vi cảm động, bất giác ứa nước mắt, sụt sịt khóc.
Tang Bác Cổ thấy vậy thì cười ha hả :
- Con nha đầu này thật là thừa nước mắt, cứ yên tâm, chúng ta chưa đến nỗi tuyệt vọng đâu...
Đoạn vung một tay chưởng vào bầu khói đen hai lần liền. Chưởng phong quạt ù ù trong động, dồn khói dày đặc vào một góc, để lộ những khoảng trống khác.
Tử Vi lúc này mới hít một hơi dài, nói :
- Chút nữa thì ngạt thở!
Tang Bác Cổ không nói, hai mắt sáng quắc lên, cứ nhìn chầm chầm vào chỗ góc động tụ khói, tựa hồ vừa phát hiện điều gì kỳ lạ.
Tử Vi ngó lão nhân, thấy vậy liền ngoảnh đầu nhìn theo ánh mắt của lão, bất giác thốt lên ngạc nhiên :

- A!
Đám khói dày đặc bị chưởng phong dồn tụ một góc, đáng lẽ sau đó phải tản khai mới đúng, đằng nay lại mau chóng mỏng đi mất hút.
Thoáng chốc khói đã gần như tan hẳn. Tang Bác Cổ hiểu ngay là ở góc ấy có lỗ thông ra bên ngoài, nếu không thì khói chạy đi đâu? Lão nhân bèn giơ tay phóng một chưởng về phía đó, lần này dụng lực gấp mấy lần hai chưởng vừa rồi. Chỉ thấy nổi lên một trận cuồng phong dồn vào góc động kia, số khói còn tụ ở đấy hóa thành một con rồng dài như chui tọt vào dưới chân một mô đá nhọn.
Tang Bác Cổ thấy vậy thì mừng rỡ, cắp Tử Vi chạy tới bên mô đá nuốt khói ấy, thấy ở giữa mô đá có một lỗ hổng tròn tròn như miệng giếng chênh chếch lên trên.
Lão nhân bảo Tử Vi hú to một tiếng, càng lớn càng tốt, vào lỗ hổng đó.
Tử Vi hiểu ý, liền vận khí, tròn môi hú thật mạnh. Thanh âm truyền vào lỗ hổng, rất lâu vẫn không nghe vọng lại, đủ chứng tỏ bên trong dài rộng. Tang Bác Cổ cười ha hả, nói :
- Hữu tâm tìm hoa, hoa chẳng thấy. Vô tình bẻ liễu, liễu thành rừng. Tốn công dò mãi chẳng xong, nay chúng ta không tốn gì lại sắp được thấy rồi.
Trông lão nhân có vẻ vô cùng cao hứng.
Tử Vi đoán ra được vài phần, bèn hỏi :
- Có lẽ chúng ta sắp được thấy kỳ tích mà lão tiền bối đã nói phải không?
Tang Bác Cổ đáp :
- Chư dám khẳng định, nhưng lão phu đoán rằng sắp rồi.
Tử Vi lại hỏi :
- Lão tiền bối đã tìm ra lời giải rồi phải không?
Tang Bác Cổ đáp :
- Để xem có đúng không đã.
Đoạn lão nhân đẩy một chưởng nhè nhẹ vào lỗ hổng, để số khói đen đã chui vào trong đó tiêu tan nốt, khỏi ảnh hưởng đến hai người khi họ chui vào.
Tử Vi vừa hiếu kỳ, vừa táo bạo, nói :
- Khói tan hết rồi, chúng ta vào thôi.
Tang Bác Cổ đáp :
- Hãy khoan, trong tiểu thạch động ấy còn có năm loại khí độc, vừa rồi đã được khói dồn vào đẩy đi, nhưng vẫn phải cẩn thận đề phòng bất trắc.
Lão nhân vừa nói vừa ngồi xuống, bảo nàng :
- Thánh âm Chấn Tà Trừ Ma của Thất Khổng thần địch không biết ngươi đã luyện đến đâu? Hãy thử một khúc cho lão phu nghe coi.
Tử Vi rút cây địch, hít một hơi, bắt đầu thổi địch. Một hồi sau, Tang Bác Cổ giơ tay bảo ngừng :
- Ngươi hãy thủ sẵn cây địch, đề phòng bất trắc.
Đoạn cắp Tử Vi chui vào trong tiểu động.
* * * * *
Lại nói Đường Chấn Anh khi bị trượt chân rớt xuống vực, bỗng nghe từ trên vách núi vọng xuống tiếng gọi “Anh đệ đệ”. Chàng bất giác chột dạ, vội đề tụ chân khí ở Đan Điền, muốn dùng tuyệt kỹ “Vạn Trượng Ngọc Trụ Huyền Thiên” để chặn đứng thế rơi, nhưng đúng lúc ấy ở vách núi có một con quái mãng xà quật đuôi trúng ngay vào đầu chàng.
Sự biến đột ngột, huống hồ lại đang ở thế rớt nhanh xuống vực. Đường Chấn Anh không kịp né tránh, bị trúng đòn vào đầu, lập tức ngất đi.
Không biết bao lâu sau, chàng cảm thấy từ huyệt “Đỉnh Lương” trên đầu có một luồng nhiệt lưu truyền vào cơ thể, rồi khắp người được vỗ vỗ nhiều chỗ. Chàng lấy làm lạ, bất giác động đậy thân hình, cảm thấy lưng mình tựa vào một vật gì êm êm và có sức đàn hồi.
Chàng kinh ngạc, còn đang nửa mê nửa tỉnh, bỗng nghe có tiếng phun phì phì quái dị... rồi một giọng hoảng hốt, gấp gáp, nhưng trong trẻo dịu dàng :
- Anh đệ đệ tỉnh rồi ư? Tỉnh lại mau, kẻo hai chúng ta mất mạng tức thì!
- Ối!
Đường Chấn Anh chẳng khác gì bị xối nước lạnh vào đầu, rùng mình thốt lên, ngồi bật dậy. Mở mắt nhìn, ô hay, tại sao mình lại vừa nằm trong lòng Lăng Ba Nhất Yến và cũng là cừu nhân của chàng? Chàng đứng ngay lên, định hỏi, song Lăng Ba Nhất Yến đã nói với giọng yếu ớt vô lực :
- Anh đệ đệ, mau vận khí phát chưởng!
Vừa nói, nàng vừa chỉ tay về phía bên cạnh.
Đường Chấn Anh thấy thần sắc dị thường của nàng, bất giác nhìn theo tay nàng chỉ, bỗng giật mình kêu ối! Thì ra cách chỗ chàng đứng tám thước, có hai con mãng xà mình dài hơn một trượng, một con đang nằm lăn lộn trong vũng máu, con kia thì đang nhe răng trông rất đáng sợ, mắt trừng trừng nhìn về phía chàng.
Đường Chấn Anh nào dám chậm trễ, vội vung tay phóng mạnh một chưởng.
Nhưng con mãng xà cực kỳ tinh khôn, ...
(Thiếu trang 119 - 120)
Con mãng xà đau đớn lăn lộn mấy vòng dưới đất, rồi lại nghểnh cao đầu, quăng thân tới. Đường Chấn Anh vừa chém đứt đuôi mãng xà thì phấn chấn, sử chiêu “Võ Đế Xạ Giang”, Nguyệt luân chém trúng ngay đỉnh đầu con mãng xà, óc văng tung tóe, con vật chết tươi.
Đường Chấn Anh quay lại phía sau, thấy Lăng Ba Nhất Yến ngồi ở tư thế tĩnh tọa, hai mắt lim dim, không nói không rằng, cánh mũi phập phồng tựa hồ thở hổn hển vì quá mệt, trên đỉnh đầu nàng có một đám bạch khí ngưng tụ.
Đường Chấn Anh cúi xuống nhìn kỹ, thấy nàng y phục xộc xệch, tóc bay phất phơ lõa xõa, vải bịt mặt đã văng đâu mất, để lộ một diện mạo diễm lệ, thanh tú dị thường.
Chàng cực kỳ kinh dị, vì sao diện mạo của Lăng Ba Nhất Yến lại giống Đường Tử Vi như đúc? Thế là chàng cứ đứng ngây ra trước nàng.
Bỗng một cơn gió lạnh thổi qua, Đường Chấn Anh rùng mình, cảm thấy lạnh ở ngực, vội cúi xuống nhìn thì thấy áo ở chỗ đó bị rách một vệt dài ba tấc.
- Ồ!
Lúc này chàng mới chợt nhớ khi động thủ trên sườn núi, chàng đã bị mũi kiếm của Lăng Ba Nhất Yến làm rách, lòi cả chiếc kim tỏa. Sau đó chiếc kim tỏa bị đối phương chộp lấy, còn chàng thì ngã xuống vực...
Đường Chấn Anh nghĩ tới đây thì trong lòng chấn động, lùi lại hai bước đưa mắt nhìn bốn phía, chỉ thấy tối om om, dưới chân thì lổn nhổn nham thạch, từ vách núi trước mặt có một nguồn nước chảy ra nghe róc rách, róc rách.
Chàng đưa mắt ngước nhìn lên cao, lên cao, lên cao nữa vẫn chưa thấy đỉnh, ngửa hẳn mặt lên mới thấy bầu trời, trông như một dải cầu vồng bắc qua hai ngọn núi.
Lúc này chàng mới nhớ là mình đã rớt xuống vực, vách núi thì cao vạn trượng, bất giác chàng lạnh sống lưng, nhưng vẫn chưa tin rằng mình rớt xuống vực sâu thế này mà không chết...
Chàng cúi xuống nhìn Lăng Ba Nhất Yến ngồi kia, nghĩ thầm: “Ta rớt xuống vực, chẳng lẽ nàng ta cũng rớt xuống theo?”
Lúc này, đám bạch khí ngưng tụ trên đầu nàng đã tan biến, cánh mũi đã hết phập phồng, tựa hồ việc vận khí điều tức đã hoàn tất. Đường Chấn Anh ngưng mục nhìn kẻ cừu nhân đã đoạt mạng mười tám vị đồng môn của chàng, bất giác quắc mắt, sát cơ phát sinh, muốn nhân cơ hội này hạ thủ.
Chàng liền bước tới bên cạnh Lăng Ba Nhất Yến, không nói một lời, giơ ngón tay ấn sẵn chỗ huyệt “Mạng Môn” ở sau lưng nàng, chỉ cần ấn mạnh một cái, đối phương sẽ lập tức chết tươi.
Lăng Ba Nhất Yến không hề động đậy. Nhưng vào khoảnh khắc cuối cùng, Đường Chấn Anh lại nghĩ thầm: “Khoan đã, Đường Chấn Anh ta là một nam tử hán đại trượng phu há lại thừa cơ nguy nan của đối phương mà hạ sát? Dù là cừu địch cũng không nên làm như vậy. Việc này lan truyền ra ngoài, thiên hạ sẽ chê cười”.
Đường Chấn Anh nhân hậu, hành động quang minh chính đại, không chịu mất khí phách quân tử, đang trầm tư suy nghĩ, bỗng thấy dưới ngón tay chàng hơi động đậy, tai nghe tiếng nói :
- Sao không hạ thủ đi? Nên nhớ đêm dài đa mộng, nếu lúc này không giết ta, e sẽ có biến cố, đến khi ấy Anh đệ đệ muốn giết ta cũng không nỡ...
Thanh âm trong trẻo, dịu dàng, tuy kề bên cái chết nhưng không hề có chút run sợ.
Đường Chấn Anh hơi sững sờ, cảm thấy lời Lăng Ba Nhất Yến đầy ẩn ý, bèn buột miệng hỏi :
- Cô nương tỉnh rồi ư?
Tay chàng vẫn ấn sẵn tại huyệt đạo của đối phương.
Lăng Ba Nhất Yến cười khanh khách :
- Anh đệ đệ thật là người hiếu sinh đến mức kỳ dị, ta không tỉnh thì làm sao nói được với Anh đệ đệ?
Đường Chấn Anh đứng chênh chếch một bên, tuy không nhìn thấy nét mặt nàng, nhưng nghe tiếng cười thì biết rằng nàng rất vui vẻ. Bỗng nàng đưa tay nhẹ nhàng sửa tóc cho chỉnh tề, nói :
- Nói thật cho Anh đệ đệ nghe, từ lúc Anh đệ đệ đặt đầu ngón tay vào huyệt “Mạng Môn” của ta, ta đã biết ngay tức thời.
Đoạn nàng ngoảnh nhìn chàng, mắt lộ vẻ đắc ý.
Đường Chấn Anh nhìn diện mạo tuyệt mỹ của thiếu nữ, bất giác chấn động trong lòng, vội ngoảnh đầu ra chỗ khác, hỏi :
- Cô nương đã biết ngay, tại sao lại không vội né tránh?
Lăng Ba Nhất Yến đáp :
- Vì ta đoán rằng Anh đệ đệ sẽ không nỡ giết ta.
Đường Chấn Anh ngạc nhiên :
- Tại sao cô nương đoán như vậy?
Lăng Ba Nhất Yến cười cười :
- Vì ta tin rằng Anh đệ đệ không có lý gì sát hại ân nhân cứu mạng của mình.
Đường Chấn Anh lẩm bẩm :
- Ân nhân cứu mạng? Ai, ai là ân nhân cứu mạng ta kia chứ?
Lăng Ba Nhất Yến không khẳng định, cũng không phủ nhận, chỉ hỏi lại :
- Anh đệ đệ biết bị rớt từ đâu xuống đây chứ?
Đường Chấn Anh ngẩng lên nhìn vách núi, đáp :
- Ta bị rớt từ trên Tuyệt Mệnh nhai xuống đây, cô nương biết rồi sao còn hỏi?
Lăng Ba Nhất Yến nói :
- Vách núi cao vạn trượng, Anh đệ đệ rớt xuống, tại sao không chết?
Câu hỏi khiến Đường Chấn Anh ngớ ra, nghĩ bụng: “Ừ nhỉ, quái lạ thật!”
Liền ấp úng :
- Như vậy là cô nương... đã... cứu ta?
Lời lẽ ấp úng của chàng khiến Lăng Ba Nhất Yến cười như nắc nẻ :
- Nếu không để cứu Anh đệ đệ, thì ta liều mình nhảy xuống theo để làm gì? Chẳng lẽ ta phát cuồng hay sao?
Đường Chấn Anh trong lúc do dự, cảm thấy ngón tay mình tự rụt ra khỏi huyệt đạo của đối phương, rồi bị Lăng Ba Nhất Yến nắm lấy nhanh như điện.
Chàng giật mình định rút ra, nhưng nghe nàng dịu dàng nói :
- Ồ, Anh đệ đệ đúng là bị đuôi mãng xà quật vào đầu nên trở thành hồ đồ, mau ngồi xuống đây để ta nói rõ à nghe.
Đoạn kéo nhẹ tay xuống, có ý bảo chàng ngồi xuống đối diện với nàng.
Đường Chấn Anh lùi lại ba bước, mắt cứ trân trân ngó đối phương, vẫn đứng ngây ra.
Lăng Ba Nhất Yến thấy chàng đầy nghi hoặc, thì nghiêm trang nói :
- Ta đã cứu Anh đệ đệ, không tiếc gì sinh mạng của mình mà nhảy xuống vực. Vừa đỡ Anh đệ đệ, vừa chống trả với con mãng xà trong không trung, thật nguy hiểm vạn phần...
Nàng cúi xuống, tiếp :
- Anh đệ đệ nhìn mà coi, y phục của ta bị rách mấy chỗ, vải bịt mặt cũng bị văng đi mất. Thử hỏi ta vì ai? Chẳng phải là vì để cứu Anh đệ đệ hay sao? Mà Anh đệ đệ còn nghi ngờ ta như thế, không sợ người khác thương tâm ư?
Giọng nói buồn rầu, nghe bi thương. Dưới vực sâu, trong đêm khuya, khiến người ta mủi lòng.
Nghe nhắc đến mãng xà, Đường Chấn Anh bất giác ngoảnh đầu nhìn con mãng xà nằm chết trước trong vũng máu, hỏi :
- Cô nương muốn nói đến con kia?
Lăng Ba Nhất Yến đáp :
- Chính nó, tuy nó tấn công hai chúng ta, nhưng cũng nhờ thi thể của nó che đỡ lúc rớt xuống mà hai chúng ta không bị thịt nát xương tan.
Đường Chấn Anh chỉ con mãng xà bị chàng giết, hỏi :
- Còn con này từ đâu bò đến?
- Khi ta đang thi triển phép Thôi Cung Quá Huyệt để truyền lực cho Anh đệ đệ, đúng vào phút quyết định, bỗng con này từ trên vách núi lao xuống, chắc nó với con kia là một đôi, thấy bạn nó bị giết, mới đuổi theo chúng ta để báo thù. Lúc ấy, ta sợ quá, song không thể xuất thủ hoặc bỏ chạy. Bởi vì nếu làm vậy thì Anh đệ đệ sẽ bị tẩu hỏa nhập ma. Cho nên ta đành ngồi im, toàn tâm toàn ý truyền khí cho Anh đệ đệ... May sao mạng của Anh đệ đệ quá lớn, nên sau khi Anh đệ đệ tỉnh dậy, con mãng xà kia mới tấn công.
Nghe Lăng Ba Nhất Yến kể tỉ mỉ, Đường Chấn Anh mới hoàn toàn tỉnh táo, chàng xúc động định quỳ xuống cảm tạ ơn cứu mạng. Thế nhưng, người cứu sống chàng lại là cừu nhân mà chàng không quản ngàn dặm tìm đến đây để báo thù cho sư môn, thành thử chàng chưa biết nên hành động ra sao.
Vì lẽ gì Lăng Ba Nhất Yến sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu chàng? Vì lẽ gì nàng cứ luôn miệng gọi chàng là Anh đệ đệ?
Nhất là hiện tại nàng rất nhu mì, dịu dàng, hoàn toàn không cao ngạo, lạnh lùng, cuồng vọng như lần hai người gặp nhau trên Nga Mi Kim Đỉnh? Tại sao lại có sự chuyển biến đột ngột như vậy?
Hàng loạt câu hỏi dồn dập nảy sinh, Đường Chấn Anh cảm kích liền chấp tay nói :
- Tại hạ được cô nương cứu sống lần này gần như tái sinh, Đường mỗ ghi nhớ suốt đời, xin hãy nhận một vái.
Đoạn cúi mình mà vái.
Lăng Ba Nhất Yến hốt hoảng vội vàng đáp lễ.
Đường Chấn Anh đã gằn giọng, đổi sắc mặt nói tiếp :
- Cô nương tuy là ân nhân của tại hạ, nhưng lại là cừu địch của sư môn tại hạ. Có câu “đại trượng phu ân oán phân minh”, cô nương có ân cứu mạng tại hạ, tại hạ đương nhiên phải báo đáp. Nhưng cô nương có nợ máu với sư môn của tại hạ, tại hạ cũng phải đòi. Ân là ân, cừu là cừu. Cái nào ra cái đó, quyết không thể lẫn lộn. Giữa tình và lý, đương nhiên phải coi mối thù của sư môn là trọng, còn ân riêng là nhẹ. Cho nên Đường mỗ hôm nay trước hết phải báo cừu, sau đó sẽ đáp ân...
Lời chàng chưa dứt, Lăng Ba Nhất Yến đã cười khanh khách, cười rung cả người, cười váng cả tai, làm rộn ràng cả không khí trầm tịch chốn vực sâu hoang dã, tựa hồ có thể khiến người đang tuyệt vọng đủ vui lên.
Đường Chấn Anh ngơ ngác chẳng hiểu vì sao, bèn hỏi giật giọng :
- Cô nương cười gì vậy, chẳng lẽ tại hạ nói không đúng hay sao?
Lăng Ba Nhất Yến ngừng cười, đôi mắt to tròn nhìn Đường Chấn Anh đăm đăm :
- Anh đệ đệ nói chí lý lắm, ai dám bảo là không đúng? Có điều là...
Mắt nàng nheo nheo tinh quái.
Đường Chấn Anh không nhịn được, hỏi tiếp :
- Có điều là gì?
- Có điều là Anh đệ sắp đặt thứ tự công việc bất hợp lý, đảo lộn trước sau.
- Nghĩa là thế nào, mong cô nương nói rõ.
- Anh đệ muốn báo cừu, đòi nợ máu cho sư môn trước, vậy khi ta chết rồi, Anh đệ làm cách gì để đáp ân với ta? Như thế tức là chỉ nói suông, chứ không thực tâm muốn đáp ân.
Đường Chấn Anh thấy lời này quả có lý, trầm ngâm một hồi vẫn chưa nghĩ ra cách lưỡng toàn, chàng nhìn về phía Lăng Ba Nhất Yến, nàng đang đăm đăm nhìn chàng, miệng hơi hé lộ nét cười, chẳng hiểu đang nghĩ gì.
Chàng bất giác buột miệng hỏi :
- Chắc cô nương có biện pháp lưỡng toàn?
Lăng Ba Nhất Yến tựa hồ chờ đợi câu hỏi này, nên đáp liền :
- Chuyện đó còn gì đơn giản hơn. Muốn chu toàn cả hai việc, thì Anh đệ đệ chỉ cần đảo ngược thứ tự.
- Ý cô nương là tại hạ đáp ân cứu mạng trước, rồi mới báo cừu cho sư môn?
- Đó là cách duy nhất, không còn biện pháp nào khác đâu. Chẳng lẽ Anh đệ đệ cho rằng không thể làm như vậy?
Đường Chấn Anh suy nghĩ một chút rồi đáp :
- Dĩ nhiên có thể làm như vậy, nhưng đáp ân cứu mạng hoàn toàn không phải dễ, đâu thể nói một lời là xong, phải có biểu hiện thực tế. Mà hiện tại cô nương không hề gặp nạn nguy hiểm gì, tại hạ biết làm sao để cứu giúp đây?
Lăng Ba Nhất Yến nói với mắt sáng lên :
- Nếu Anh đệ đệ đã thực tâm muốn đáp ân thì thiếu gì cách. Đâu phải ta cứ gặp tai nạn, Anh đệ đệ mới có thể đáp ân?
Đường Chấn Anh chưa biết xử trí thế nào, nàng đã nói tiếp :
- Nên nhớ báo ân không phải là ân của người ta bao nhiêu thì trả đúng bấy nhiêu, cái chính là ở chân tâm. Một việc dù nhỏ mà đúng nguyện ý của đối phương, cũng coi như đã báo đáp xong. Còn nếu như giả dối, thì dù có làm một việc lớn cho đối phương, đối phương chưa chắc đã vừa lòng.
Đường Chấn Anh thấy nàng nói rất có lý, nên đáp :
- Lời cô nương làm cho tại hạ sáng mắt ra, đúng là đàm luận một buổi với bậc inh còn hơn mười năm đèn sách.

Lăng Ba Nhất Yến nói :
- Khách khí! Khách khí!
Đường Chấn Anh tiếp :
- Theo lời cô nương, nay tại hạ thỉnh cô nương nói ngay cho tại hạ biết một yêu cầu, để tại hạ có thể đáp ứng rồi sau khi báo ân xong, sẽ báo cừu cho sư môn.
Lăng Ba Nhất Yến sớm đã có ý định, bèn hói :
- Liệu Anh đệ đệ có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của ta không đây?
Đường Chấn Anh cau mày nghĩ: “Cũng khó đấy. Nếu trả lời ngay là đáp ứng, chỉ sợ mắc mưu nàng, không đáp ứng thì bảo là giả dối, thiếu chân tâm”.
Bèn thăm dò :
- Cô nương cứ nêu ra yêu cầu, nếu hợp tình hợp lý, tại hạ nhất định sẽ đáp ứng.
Lăng Ba Nhất Yến nhướng mày, mỉm cười, chỉ tay xuống trước mặt nói :
- Anh đệ đệ ngồi xuống đi đã.
Đường Chấn Anh ngồi xuống cách chỗ nàng ba bước.
Lăng Ba Nhất Yến vẫy vẫy tay :
- Ngồi sát lại đây!
Đường Chấn Anh nói :
- Dù cô nương nói nhỏ hết mức, tại hạ ngồi chỗ này cũng nghe rõ, khỏi cần xích lại gần...
Lăng Ba Nhất Yến xịu mặt, hờn dỗi :
- Đó đó, Anh đệ đệ bảo là muốn báo ân, vậy mà một yêu cầu nhỏ của ta cũng không chịu đáp ứng. Ta không phải hổ báo, ngồi gần sợ ta ăn thịt mất chăng?
Đường Chấn Anh vội nói :
- Không phải tại hạ trái lệnh, mà là nam nữ thụ thụ bất thân, nên giữ lễ tiết mới được.
Lăng Ba Nhất Yến khóe miệng dãn ra :
- Ban nãy Anh đệ đệ nằm trong lòng ta thì sao?
Đường Chấn Anh bị câu hỏi bất ngờ, cứng lưỡi hết biết trả lời thế nào. Lăng Ba Nhất Yến nói :
- Thôi đừng ngẩn ra nữa, mau ngồi xích lại, ta muốn nói một chuyện hệ trọng với Anh đệ đệ.
Đường Chấn Anh đành ngồi xích lại gần như ngay sát mặt với đối phương, rồi thúc giục :
- Có điều gì hệ trọng, mong cô nương hãy mau phân phó.
Lăng Ba Nhất Yến mỉm cười :
- Ta có một yêu cầu với Anh đệ đệ, yêu cầu này hết sức đơn giản, lại hợp tình hợp lý, thiết nghĩ nhất định Anh đệ đệ sẽ đáp ứng.
Đường Chấn Anh thấy nàng cứ vòng vo tam quốc, thì sốt ruột ngắt lời :
- Khỏi cần nhiều lời, mong cô nương hãy nói mau cho.
Lăng Ba Nhất Yến mỉm cười :
- Thì ra Anh đệ đệ cũng là người nôn nóng lắm. Anh đệ đệ vừa muốn báo ân, vừa muốn báo oán, cả hai việc đều hệ trọng, song không thể cùng làm một lúc, nghĩa là không thể dùng thời gian đế quyết định. Chỉ còn cách giới hạn trong không gian.
Đường Chấn Anh không hiểu giới hạn trong không gian là thế nào, bèn hỏi :
- Tại hạ ngu muội, mong cô nương nói rõ hơn.
Lăng Ba Nhất Yến đáp :
- Giới hạn trong không gian nghĩa là trong phạm vi Tuyệt Mệnh nhai này thôi. Anh đệ đệ báo ân cứu mạng trong vực sâu này, vì khi ra khỏi đây thì sẽ báo cừu. Tóm lại, cả báo ân lẫn báo cừu đều thực hiện được, nhưng có giới hạn về không gian.
Đoạn nheo nheo mắt, hỏi :
- Anh đệ đệ đã mãn ý chưa?
Đường Chấn Anh ngẩng nhìn lên vách núi cao ngất, hỏi :
- Từ vực sâu này có lối thoát ra không?
Lăng Ba Nhất Yến lắc đầu :
- Ai mà biết? Hai chúng ta đều rớt xuống đây lần đầu tiên, bất quá nghe ba chữ Tuyệt Mệnh nhai, chỉ e không hy vọng thoát khỏi vực sâu này.
Đường Chấn Anh nghe nàng bảo không có hy vọng thoát khỏi vực sâu thì chột dạ, nói :
- Nếu y lời cô nương, giả thiết không thể ra khỏi vực sâu...
Lăng Ba Nhất Yến nói tiếp luôn :
- Thì Anh đệ đệ chỉ báo ân được thôi.
Giọng nàng rất kiên quyết và có vẻ đắc ý.
Đường Chấn Anh sững sờ, nghĩ: “Nếu vậy mình còn báo cừu làm sao được?”.
Lăng Ba Nhất Yến thông minh, sớm đã biết tâm ý của chàng, bèn mỉm cười nói tiếp :
- Anh đệ đệ đừng lo, người tốt ắt được trời cứu, không chừng chỉ sáng mai chúng ta đã có thể thoát ra khỏi chốn tuyệt địa. Vậy thì có thừa không gian để Anh đệ đệ báo cừu rồi.
Thấy Đường Chấn Anh không đáp, cứ ngây người nhìn nàng, nàng bèn nói tiếp :
- Chỉ cần ra khỏi chốn này, ta lập tức để Anh đệ đệ báo cừu. Anh đệ đệ cũng khỏi cần động thủ, ta nguyện theo Anh đệ đệ tới Nga Mi Kim Đỉnh chịu tội là được chứ gì?
Đường Chấn Anh do dự một hồi, chưa biết quyết định có nên đáp ứng biện pháp giới hạn không gian hay chăng. Nếu đáp ứng mà không thoát khỏi chốn này, e bỏ lỡ cơ hội báo cừu, còn nếu không đáp ứng thật chẳng biết thế nào. Nghe nàng bảo cam nguyện đến Nga Mi Kim Đỉnh chịu tội, thì bất giác xúc động hỏi :
- Cô nương nói thực tâm chứ?
Lăng Ba Nhất Yến thừa hiểu tâm ý của chàng, liền nghiêm trang đáp :
- Ta tuy là nữ nhi, nhưng há dám coi nhẹ chữ tín?
Đường Chấn Anh suy nghĩ một hồi, liệu nàng có mưu chước gì chăng, cuối cùng quyết định :
- Nếu đúng như vậy thì tại hạ đáp ứng biện pháp giới hạn không gian của cô nương, có điều là trong khi chưa thoát ra khỏi tuyệt địa, tại hạ chưa biết cách báo ân thế nào, mong cô nương nói rõ hơn.
Lăng Ba Nhất Yến nghiêm nghị nói :
- Việc đó Anh đệ đệ cứ an tâm, ta tuyệt đối không gây khó dễ với Anh đệ đệ. Gọi là báo ân, nhưng ta chỉ cần Anh đệ đệ làm bạn với ta trong cơn hoạn nạn mà thôi. Nếu gặp độc xà mãnh thú trong lúc tìm đường thoát khỏi chốn này, hai ta phải đồng tâm hiệp lực mà đối phó.
Đường Chấn Anh thấy lời nàng hoàn toàn hợp tình hợp lý, nghĩ rằng chẳng cần chàng muốn báo ân, ngay hai người lạ cùng lâm cảnh hoạn nạn cũng nên đồng tâm hợp lực nữa là... Nghĩ vậy bèn nói :
- Bất chấp nguy nan, đồng tâm hiệp lực, tại hạ hoàn toàn đồng ý với cô nương...
Lăng Ba Nhất Yến đột nhiên ngắt lời chàng :
- Hãy khoan, còn điều kiện cuối cùng ta cần nói rõ với Anh đệ đệ. Tuy ta không đặc biệt thỉnh cầu Anh đệ đệ, nhưng khi còn ở chốn tuyệt địa này, Anh đệ đệ phải hành sự theo lời phân phó của ta, không được làm trái. Thế nào?
Đường Chấn Anh đáp luôn :
- Chỉ cần sự phân phó của cô nương hợp tình hợp lý, tại hạ nhất định tuân theo.
Lăng Ba Nhất Yến vui mừng nói :
- Vậy là hai ta đã thỏa thuận xong, từ lúc này trở đi, Anh đệ đệ nên làm theo sự phân phó của ta.
Đường Chấn Anh đã đáp ứng, đâu có thể làm khác, liền ngồi ngay người lại, vẻ nghiêm túc chờ đợi.
Ai ngờ hồi lâu vẫn chẳng thấy đối phương nói gì mà cứ đăm đăm nhìn chàng, cười không thành tiếng.
- Anh đệ đệ, ta không có gì phân phó, chỉ có một điều thỉnh cầu đơn giản thôi.
Đường Chấn Anh hỏi :
- Thỉnh cô nương nói mau cho!
Lăng Ba Nhất Yến nói :
- Chỉ mong Anh đệ đệ ngồi nghe cho hết câu chuyện năm xưa.
Đường Chấn Anh suýt phì cười, phải cố bặm môi lại, nghĩ thầm: “Thân hãm tuyệt địa, chưa biết sống chết thế nào, lại còn dềnh dà dềnh dàng ngồi kể chuyện năm xưa, thật là quái dị đến tức cười”.
Lăng Ba Nhất Yến nói :
- Một khi ta kể, mong Anh đệ đệ đừng hỏi giữa chừng, tốt nhất là để ta kể xong. Anh đệ đệ tự khắc sẽ minh bạch.
Đường Chấn Anh gật đầu.
Thế là Lăng Ba Nhất Yến bắt đầu thong thả, nhỏ nhẹ kể lại câu chuyện đau lòng, trong đó trượng phu bị người giết hại, thê tử bị cưỡng dâm, cũng chính là tiết lộ thân thế của Đường Chấn Anh.
* * * * *
Một ngày xuân mười tám năm về trước, tuyết đã tan hết, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, chim chóc ríu rít, nhất là ở miền Giang Nam cảnh vật càng sống động. Chốn sơn dã được khoác bộ y phục mới màu xanh, trông thật là tươi tắn.
Bỗng trên con đường quanh co vắt ngang dãy núi vang lên tiếng vó ngựa dồn dập, tiếng ngựa hí phá vỡ cảnh yên tĩnh của núi rừng.
Sánh vai đi trước là hai con bạch mã do hai trung niên ngoài ba mươi tuổi cưỡi. Cả hai người khăn áo tề chỉnh, vừa nhìn đã biết ngay là văn nhân nho nhã, diện mạo tuấn tú phi thường. Tuy họ sánh vai bên nhau, nhưng không nói gì, mà chỉ ung dung đưa mắt nhìn bốn bề, tựa hồ đang thưởng thức cảnh vật núi non mùa xuân.
Phía sau vài chục trượng có hai cỗ xe ngựa chạy thong thả, cỗ xe phía sau trùm kín, cỗ xe phía trước thì có lẽ vì sơn đạo ít người qua lại, nên tấm vải che cửa xe đằng trước và cửa hông đều được vén sang bên.
Điều khiển xe là hai tiểu a hoàn dưới hai mươi tuổi, ngồi trong chiếc xe đi đầu có hai thiếu phụ ngoài hai mươi, diện mạo diễm lệ, phong thái cao quý, lại giống nhau như đúc. Còn trong chiếc xe sau có ba hài nhi còn nằm nôi, gồm hai nam một nữ, đôi lúc khóc oe oe, khiến cảnh sơn dã thêm sinh động.
Thiếu phụ ngồi bên tả bỗng nói nhỏ :
- Thư thư, xe tuy chạy chậm, nhưng muội vẫn cảm thấy không an tâm thế nào ấy, chỉ lo cơ thể không được khỏe.
Thiếu phụ ngồi mé hữu mỉm cười nói :
- Muội cứ an tâm, muội mới thụ thai hai tháng, không có gì đáng ngại. Để bảo cho xe chạy chậm một chút nữa vậy.
Chẳng trách hai người giống nhau như đúc, thì ra họ là thân thư muội.
Hai trung niên cưỡi ngựa đằng trước chốc chốc quay nhìn về phía sau, nhất là một người có vẻ lo lắng. Người kia dừng ngựa lại nói :
- Khâm đệ (khâm là anh em đồng hao, anh em cột chèo), huynh thấy bụng của di muội còn nhỏ, chắc thụ thai chưa lâu, khâm đệ chẳng nên lo lắng quá.
- Khâm huynh, huynh cũng biết đó, giai đoạn này rất quan trọng, nếu để động thai sẽ không tốt. Tuy đi như thế này chẳng ngại, nhưng đệ vẫn cứ lo lo thế nào ấy.
Thì ra hai người này là phu quân của hai thiếu phụ ở chiếc xe đằng sau.
Người được gọi là khâm huynh lại nói :
- Khâm đệ không an tâm thì chúng ta đi chậm lại chút nữa. Lần nay chúng ta đến Hàng Châu và Tô Châu chỉ là để du sơn ngoạn thủy, chứ không phải phụng chỉ dụ như trước, đâu sợ chậm trễ.
- Khâm huynh nói có lý, lần này chúng ta an phận tự tại, chẳng bận việc quan, khỏi vướng lo toan.
Người được gọi là khâm huynh gật đầu, sang sảng cất tiếng ngâm thơ:
Đèn sáng lầu cao, chén tiễn hành
Nhạn về, chuông điểm, nguyệt tàn canh.
Nghe chim hót đó đang tìm bạn
Buồn gió xuân kia sắp rẽ tình.
Vàng sẫm sông Hoàng Sa đắp bãi
Xanh ôm bến Bạch liễu xây thành
Tạm đi đất khách xin đừng oán
Anh đến đâu mà chẳng quý anh.
Người được gọi là khâm đệ nghe khâm huynh ngâm bài “Dạ Biệt Vi Tư Sĩ” của Cao Thích đời Đường có vẻ buồn bã, thì xua tay cười nói :
- Khâm huynh ngâm bài này đệ không thú lắm, bởi vì khâm huynh đang là người rất hạnh phúc, có di thư là tuyệt thế giai nhân, sao lại bi lụy? Để tiểu đệ ngâm bài “Tào Khởi” của Lý Thương Ẩn à nghe.
Gió êm sương nhạt sớm mai
Hai ta thức dậy khoan thai trước mành
Hoa cười oanh nói trên cành
Gẫm xem xuân sắc trời dành cho ai?
Khâm huynh tán thưởng, khâm đệ lại ngâm tiếp một bài nữa:
Nhởn nhơ cặp én bay đôi
Bay đôi quấn quýt cho người mến yêu
Lầu vàng gác ngọc, song thêu
Khi mai chắp cánh, khi chiều sóng vai.
Hai người cùng cất tiếng cười vang, thấy hai cỗ xe ngựa đã tới gần, bèn cho ngựa đi tiếp.
Ngay lúc đó, có năm người cưỡi ngựa từ trong rừng hiện ra, vọt qua chỗ họ về phía nam, chỉ kịp nhìn thấy một người áo dài, còn bốn gã kia đeo binh khí, trông đúng là bọn lục lâm thảo khấu.
Năm người kia đã tới chỗ hai cỗ xe ngựa, người áo dài nhìn thấy hai thiếu phụ diễm lệ ngồi trong xe thì đột nhiên dừng ngựa.
Vải che cửa xe lập tức được kéo sang che kín, hai con ngựa bị quất roi giục chạy nhanh hơn. Lát sau, xe ngựa đã chạy xa.
Người mặc áo dài dừng ngựa bên đường, cứ nhìn theo xe hồi lâu, chẳng nói chẳng rằng, khi hai cỗ xe ngựa đã khuất sau một khúc quanh, mới thở dài như nuối tiếc.
Bốn võ trang hán tử nghe người kia thở dài, bèn cúi mình hỏi :
- Sư phụ nếu có tâm sự gì xin cứ nói ra, chúng đệ tử quyết đem thân khuyển mã để báo thù.
Người được gọi là sư phụ nhìn bốn hán tử, không nói gì, bất giác đưa mắt nhìn về phía mấy cỗ xe ngựa vừa chạy khuất.
Bốn hán tử tựa hồ hiểu ý, liền nói :
- Sư phụ chờ một chút, chúng đệ tử sẽ quay lại ngay.
Đoạn không đợi sư phụ trả lời, bốn gã lập tức lao đi.
Gã sư phụ trầm ngâm, không để ý đến cử chỉ, lời lẽ của bốn đệ tử, chợt thấy chúng chạy đi, định gọi lại thì đã không kịp, vội phóng ngựa theo.
Nhưng sự thể đã an bài, khi đến sau khúc đường quanh, tới một đoạn hai bên đường là sườn núi cây cối rậm rạp, có chỗ là dốc sâu, thì nghe thấy phía trước những tiếng kêu thảm thiết của nữ nhân. Gã sư phụ bay vọt tới gần, thấy hai trung niên, hai tiểu a hoàn đã bị giết chết, chiếc xe ngựa chở ba hài nhi lăn xuống dốc sâu bên đường, chỉ có một hài nhi văng xuống vệ đường mà thôi. Hai thiếu phụ thì bị bốn gã đại hán kềm chế trong xe, muốn đập đầu mà chết nhưng không được, đang khóc lóc thảm thiết...

Thế là từ đó hai thiếu phụ trở thành thê thiếp của người được gọi là sư phụ kia. Họ thực tâm không muốn thất tiết, không cam chịu nhục, nhưng hiện thực khiến họ bất đắc dĩ phải ôm hận trong lòng. Bởi lẽ thiếu phụ là muội muội đang mang thai, hy vọng sẽ sinh nam tử để nối dõi tông đường cho phu quân, còn thiếu phụ là thư thư thì ngoài hài nhi nằm kia ra, còn có trách nhiệm chiếu cố đến muội muội. Thế là thư muội hai người đành chịu nhục mà hầu hạ gã sư phụ kia.
Tám tháng sau, thiếu phụ là muội muội sinh ra một nam hài nhi, thế là thư muội hai người quyết tâm nuôi dưỡng nhi tử lớn khôn để sau này báo cừu rửa hận.
Ngoài ra, thiếu phụ là thư thư còn nuôi một hy vọng. Cách đây một năm, một nữ nhi của thiếu phụ mới lên hai đã được một vị cao nhân thế ngoại thu nhận làm đệ tử, mang đi dưỡng dục. Thiếu phụ hy vọng trưởng nữ của mình sẽ có ngày thành tài trở về, không chừng sẽ báo cừu rửa hận cho phụ thân và di phụ, để họ được nhắm mắt dưới cửu tuyền...
* * * * *
Lăng Ba Nhất Yến từ tốn, rủ rỉ kể lại chuyện năm xưa bằng một giọng bi ai, khiến Đường Chấn Anh xúc động, hoàn toàn đắm mình vào hoàn cảnh của các nạn nhân. Khi nghe tới đoạn bọn lục lâm năm tên nọ cướp xe, giết người, chiếm thê nhi... thì bất giác thấy máu như sôi lên, giả sử gã sư phụ kia xuất hiện, chắc hẳn chàng sẽ băm vằm gã ra thành trăm mảnh.
Lăng Ba Nhất Yến kể xong thì sụt sùi nức nở một hồi, đoạn nàng lau nước mắt, tựa hồ đã trấn tĩnh, nhặt một cục đá bóp vụn trong tay, rồi hỏi :
- Anh đệ đệ, nghe chuyện có thấy xúc động chăng?
Đường Chấn Anh hít một hơi dài, nói :
- Chuyện quá bi thương, may chỉ là chuyện năm xưa, chứ không phải là sự thực.
Ngừng một chút, nói tiếp :
- Bất quá câu chuyện ấy chưa đầy đủ.
- Chưa đầy đủ ở điểm nào?
- Các nhân vật như khâm huynh, khâm đệ, thư thư, muội muội, sư phụ cùng các hán tử đều không có họ tên hay sao?
Lăng Ba Nhất Yến thấy chàng hỏi như thế thì mừng thầm, rằng nàng đã không uổng công kể lể, bèn đáp :
- Họ tên đều có, song ta đã lược đi đó thôi. Anh đệ đệ muốn biết tính danh của ai thì cứ hỏi.
Đường Chấn Anh lập tức hỏi :
- Tại hạ muốn biết hai vị văn nhân từ bỏ quan chức để đi ngao du sơn thủy ấy tên là gì?
Lăng Ba Nhất Yến đáp :
- Người được gọi là khâm huynh tên Bạch Tùng Phong, còn khâm đệ thì cũng họ Đường như đệ, là Đường Thành Thương. Cả hai đều từng giữ chức huyện lệnh.
- Như vậy thì hai thiếu phụ, một là Bạch phu nhân, một là Đường phu nhân?
- Đúng thế!
- Ba hài nhi nằm nôi tên là gì?
- Ba hài nhi ấy được đặt tên căn cứ theo nơi sinh, một nam hài nhi là của Bạch phu nhân, tên Bạch Thu Hồng, còn hai hài nhi kia gồm một nam, một nữ do Đường phu nhân sinh hạ. Nữ hài nhi có tên là Đường Tử Vi...
Đường Chấn Anh vừa nghe đến tên sư muội của mình thì thất kinh. Chàng vội hỏi :
- Thế còn nam hài nhi?
Lăng Ba Nhất Yến mỉm cười thần bí, nói :
- Khỏi cần ta nói, Anh đệ đệ tự hỏi mình thì biết.
Đường Chấn Anh sững sờ thốt lên :
- Cái gì, chẳng lẽ nam hài nhi đó là Đường Chấn Anh?
- Anh đệ đệ cho là kỳ lạ lắm sao?
- Trong thiên hạ lại có chuyện trùng hợp hoàn toàn như thế ư? Hai hài nhi trùng tên họ với sư huynh muội tại hạ.
Lăng Ba Nhất Yến nghe câu này mới biết thì ra mấy hôm trước, trên Nga Mi Kim Đỉnh, thiếu nữ áo tím cứ bám sát Đường Chấn Anh từng bước chính là Đường Tử Vi, thì nàng vừa kinh ngạc vừa hoan hỷ, thật không ngờ lại gặp được cả hai cùng một lúc.
Đường Chấn Anh vội hỏi :
- Chuyện cô nương vừa kể là bịa ra hay là sự thực?
- Nếu là sự thực thì sao?
- Nếu là sự thực thì tại hạ phải đi hỏi khắp nơi cho ra tông tích cặp huynh muội trùng họ trùng tên với tại hạ.
Lăng Ba Nhất Yến xua tay :
- Chỉ e không dễ, Anh đệ đệ không nghe ta kể hay sao? Cặp hài nhi ấy đã bị lăn xuống vực rồi.
Đường Chấn Anh hỏi :
- Bị lăn xuống vực là cặp huynh muội đó ư?
Lăng Ba Nhất Yến gật đầu không nói.
Đường Chấn Anh chợt hiểu, bèn hỏi gấp :
- Còn kẻ sát nhân cướp thê nhi tên là gì?
Lăng Ba Nhất Yến sớm đã chờ sẵn câu hỏi này, liền đáp :
- Kẻ đó chính là chủ nhân của Tùng Trúc trang mà Anh đệ đệ vừa xâm nhập tối hôm qua. Hắn là Mai Chưởng Tản Nhân Lã Chí Viễn.
Đường Chấn Anh vừa nghe ba tiếng Lã Chí Viễn thì như bị nước lạnh dội vào đầu, rùng mình sởn gáy, lập tức tỉnh táo trở về với thực tế. Chuyện xưa với thực tại như hòa làm một, quá khứ với hiện hữu liên kết với nhau, trói chặt lấy chàng.
Chàng thông minh, sau một hồi suy xét, đã lần ra đầu mối. Bèn nhìn Lăng Ba Nhất Yến không chớp mắt, hỏi :
- Xin hỏi cô nương là ai?
Giọng chàng âm vang trong vực sâu tuyệt địa.
Lăng Ba Nhất Yến thấy thời cơ đã chín muồi, đáp :
- Là biểu thư của Anh đệ đệ.
Giọng nói dịu dàng nhưng kiên quyết.
Đường Chấn Anh nghe câu trả lời của nàng thì hoàn toàn không cảm thấy đường đột, lại hỏi :
- Vậy thì trong câu chuyện vừa kể, cô nương chính là nữ hài nhi mà Bạch phu nhân đêm ngày mong chờ học xong võ nghệ để trở về báo cừu rửa hận phải không?
Lăng Ba Nhất Yến gật đầu.
Đường Chấn Anh đoán trúng, liền hỏi thăm dò :
- Như vậy cô nương chính là thân thư thư của Bạch Thu Hồng, nhưng chưa biết phương danh là gì?
- Bạch Thu Lăng, nhưng cái tên này đã lâu không dùng nữa. Hôm nay Anh đệ đệ không hỏi tới, chỉ e thư thư quên luôn.
Đường Chấn Anh trầm tư một hồi, lại hỏi :
- Lời cô nương có gì làm bằng chứng?
Lăng Ba Nhất Yến đáp :
- Có kim tỏa đây...
Đoạn nàng rút trong tay áo ra chiếc kim tỏa, nói :
- Đây, để thư thư cho Anh đệ đệ coi.
Rồi nàng ghé mặt sát vào má chàng. Chàng bẽn lẽn cúi đầu xem, rồi nói :
- Kim tỏa này là của tại hạ, chứng thực sao được?
Lăng Ba Nhất Yến nói :
- Thư thư cũng có đây.
Vừa nói vừa mở ngực áo kéo kim tỏa ra.
Đường Chấn Anh ghé đầu lại gần để nhìn cho rõ, thấy chiếc kim tỏa nàng đeo trước ngực có kích thước y hệt cái của chàng, chỉ khác ở chỗ trên kim tỏa của nàng có hình con phượng, còn của chàng có hình con rồng, mặt trước có bốn chữ “Trường Mệnh Bách Tuế”, còn của chàng là bốn chữ “Phú Quý Thọ Khảo”.
Nguyên hai gia đình Đường, Bạch vô cùng thân thiết, đã làm bốn chiếc kim tỏa, hai chiếc khắc hình phượng, hai chiếc khắc hình rồng, mặt sau khắc tên bốn người.
Chiếc thứ nhất hình rồng, có bốn chữ “Phú Quý Thọ Khảo”, dành cho Đường Chấn Anh.
Chiếc thứ hai hình phượng, có bốn chữ “Trường Mệnh Bách Tuế”, dành cho Bạch Thu Lăng.
Chiếc thứ ba hình rồng, có bốn chữ “Niên Niên Như Ý”, dành cho Bạch Thu Hồng.
Chiếc thứ tư hình phượng, có bốn chữ “Tuế Tuế Bình An”, dành cho Đường Tử Vi.
Tới đây hẳn độc giả đã có thể biết biểu huynh biểu muội bốn người này đã được phụ mẫu ghép thành đôi long phượng, có duyên phu thê từ khi còn ở trong bụng mẫu thân.
Lại nói Đường Chấn Anh xem xong kim tỏa, đã tin lời đối phương là thực, thì bất giác có một cảm giác kỳ lạ dâng lên, ngọt ngào cay đắng, buồn tủi, hồ hởi lẫn lộn, chỉ thốt ra :
- Lăng thư thư...
- Anh đệ đệ...
Hai người cùng thốt, khó phân biệt trước sau, rồi bốn cánh tay cùng dang rộng, ôm chầm lấy nhau mà khóc nức nở.
Mười mấy năm nay, đây là lần đầu tiên Đường Chấn Anh gặp được thân nhân, Bạch Thu Lăng thì không thể ngờ rằng người bị rớt xuống đây lại là phu quân tiền định của nàng, vẫn còn sống và kỳ ngộ chốn này, cho nên đôi thiếu niên nam nữ cứ ôm nhau mà khóc như mưa như gió.
Hai bên vừa khóc, vừa không để ý rằng càng lúc họ càng ôm chặt nhau hơn.
Nay thì Đường Chấn Anh đã biết rằng Lã Mộng Long chính là biểu đệ Bạch Thu Hồng của chàng, còn Lã Mộng Giao là thân đệ đệ Đường Chấn Kiệt, thật may là đêm qua, trong cuộc ác chiến ở Siêu Thiên phong, chàng đã không hạ sát thủ, chỉ làm rách quần của hai người đó, nếu không thì khó tưởng tượng hậu quả.
Không biết thời gian trôi qua bao lâu, bỗng có trận gió lạnh thổi qua, hai người mới rời nhau ra, ngẩng đầu lên, thấy khoảng trời trên vực sáng hẳn, nguyên lúc này đã là ban ngày, là chính ngọ, nhưng dưới vực sâu tuyệt địa bị sương mù bao phủ dày đặc, nên chỉ có buổi trưa thì ánh sáng mới lọt xuống, thời gian còn lại hầu như là bóng tối.
Đường Chấn Anh chợt định hỏi vì sao Lăng Ba Nhất Yến phải thảm sát các đệ tử của phái Nga Mi, nhưng thấy nàng cứ đưa tay sờ nắn khắp thân thể như đang tìm một vật gì, dáng điệu rất vội vã và chăm chú, hốt hoảng. Tìm mãi vẫn không thấy, nàng bèn đứng bật dậy nói :
- Anh đệ đệ, mau tìm giúp thư thư chiếc bình ngọc đựng Hàn Sương Giải Dục Hương.
Đường Chấn Anh sục tìm xung quanh, chàng thấy tấm vải đen bịt mặt của nàng, bèn gọi :
- Lăng thư, tìm thấy cái này này!
Lăng Ba Nhất Yến nói :
- Anh đệ cầm lấy đi, sau này có lúc sẽ dùng đến nó.
Hai người tìm kiếm một hồi lâu, vẫn không thấy chiếc bình ngọc đựng giải dục hương, bỗng Lăng Ba Nhất Yến kêu lên :
- Anh đệ, mau tới đây!
Đường Chấn Anh giật mình, vội chạy tới bên nàng, nàng liền ôm chầm lấy chàng. Chàng bối rối nhìn nàng, thấy má nàng ửng đỏ, mắt lim dim, hơi thở hổn hển, không khác gì đang trong cơn hưng phấn mãnh liệt, sắp ngất đi.
Chàng chưa biết phải làm sao, thì nghe nàng gấp gáp nói :
- Anh đệ, mau ôm lấy thư thư, đưa thư thư vào chỗ tối, tốt nhất là một sơn động...
Để nói xong câu đó, dường như nàng tốn rất nhiều sức lực.
Đường Chấn Anh vội bế nàng lên, đi tìm một vòng xung quanh nhưng chẳng thấy có cái động nào, trong khi Lăng Ba Nhất Yến cứ run rẩy toàn thân, người nóng bừng bừng như đang bị lửa dục đốt cháy. Nàng cố gắng gượng dùng ý chí dập tắt mà không được. Bình giải dược bị mất chưa tìm thấy, nay chỉ còn cách duy nhất cứu giúp nàng là Đường Chấn Anh. Nàng nói :
- Thôi đừng tìm kiếm nữa, mau đặt thư thư xuống một chỗ bằng phẳng.
Đường Chấn Anh thấy vẻ đau khổ của nàng, thấy gần chỗ đang đứng có một phiến đá bằng phẳng, vội đặt nàng nằm xuống, đang định nhổm dậy, ai ngờ hai tay nàng cứ níu chặt lấy chàng. Chàng vội nói :
- Thư thư mau buông tay, để đệ đi tìm lọ giải dược.
Lăng Ba Nhất Yến lắc đầu :
- Muộn rồi, không kịp đâu... chỉ mong... Anh đệ cứu... từ mười tám năm về trước... thư thư đã thuộc về Anh đệ...
Nói đoạn nước mắt ứa ra, vẻ mặt rất đáng thương.
Đường Chấn Anh không thể ngờ rằng thiếu nữ diễm lệ đang nằm ngay trước mặt chàng lại là hôn thê của mình.
- Anh đệ đệ, đừng do dự nữa, thư thư đau đớn quá rồi. Ối, mau...
Đường Chấn Anh chưa hiểu, vội hỏi :
- Đệ phải làm gì để cứu thư thư?
Lăng Ba Nhất Yến nói đứt quãng :
- Thư thư đang bị lửa dục thiêu đốt... nếu Anh đệ chậm trễ... e ta chết mất...
Lúc này thần trí nàng tựa hồ đã hôn mê, nàng tự động đưa tay run run cởi áo...
- Anh đệ, mau cởi bỏ y phục... ta chết mất...
Đường Chấn Anh thấy nàng giống như lần trước ở trên Nga Mi Kim Đỉnh, liền không lưỡng lự nữa, vội cởi bỏ y phục cho nàng, vì cứu mạng lúc này là trọng.
Lăng Ba Nhất Yến đã hoàn toàn ở ...
(Thiếu trang 169 - 170)
- Đừng nói to, nó nghe thấy sẽ tấn công ngay.
Soạt! Hai ngọn đèn lạ hạ thấp chừng một trượng nữa. Giữa chốn vực sâu trầm tịch, Đường Chấn Anh rùng mình sởn da gà, nhìn thế đến của con mãng xà quá thần tốc, bàn tay vội sờ đến Song luân.
Nhưng Lăng Ba Nhất Yến đã nhỏm dậy từ trước, tay hữu vung lên vô thanh vô tức, không biết nàng ném vật gì, chỉ thấy một ngọn đèn tắt phụt, một quái âm rền rĩ khắp vực sâu. Ngọn đèn còn lại lắc đảo dữ dội, như có hàng trăm tia điện vung vãi tứ phía, thấp thoáng hiện ra thân mình dài ngoằn thô ráp của con mãng xà đang quằn quại dữ dội.
Lăng Ba Nhất Yến vung tay, ngọn đèn còn lại tắt phụt. Thật là bách phát bách trúng. Cả hai lần xuất thủ, đều huyền diệu, nhẹ nhàng, lần đầu mục tiêu ở thế tĩnh, lần sau mục tiêu ở thế động, nhưng cả hai lần đều chuẩn xác. Chính là Lăng Ba Nhất Yến đã dùng thủ pháp Đả Huyệt Xuyên Mạch Đoạt Mệnh châm, hoặc còn gọi là Thần Tiên Sầu của Càn Khôn Nhất Mẫu.
Đường Chấn Anh thầm thán phục tuyệt kỹ của nàng.
Con mãng xà khổng lồ đã mất hai mắt, vực sâu trở lại tối tăm, chỉ nghe không gian nổi trận cuồng phong, cành lá, đất đá bay rào rào, con mãng xà không biết đã phóng chạy đi hướng nào, chỉ nghe rừng núi rùng rùng chuyển động.
Hai người vội vàng dùng binh khí múa tít để hộ thân, đề phòng đất đá văng phải mình.
Cả hai căng mắt nhìn xuyên bóng tối, thấy con mãng xà khổng lồ chui vào một cái hốc ở sườn núi.
Đường Chấn Anh buột miệng kêu :
- Ồ, có một thạch động.
- Ồ, chắc đó là nơi trú thân của nó. Nhìn kìa!
Lăng Ba Nhất Yến cũng kêu lên kinh ngạc, vì thấy từ chỗ đó đùn ra một luồng khí đen càng lúc càng dày đặc, thoáng chốc đã bao trùm cả vực sâu.
ĐườngChấn Anh vội mặc y phục, vẻ hoảng hốt, Lăng Ba Nhất Yến hít hít một chút khí đen vào mũi, cảm thấy có vị khói thì cười nói :
- Không sao, chỉ là khói mà thôi.
Đường Chấn Anh hít hít, thấy đúng là mùi khói, càng ngạc nhiên hơn :
- Khói phải do lửa sinh ra, giữa Tuyệt Mệnh nhai sao lại có khói? Chẳng lẽ ở trong hốc đá kia có người?
- Thư thư cũng nghĩ như vậy, chỉ mong ở đó có người, vì có người thì ắt có lối ra, vậy thì chúng ta sẽ thoát khỏi nơi này.
Chợt nàng ngừng lời, dỏng tai chăm chú :
- Nghe coi!
Trong vực sâu tuyệt địa, bỗng nghe văng vẳng tiếng địch, tuy thanh âm rất nhỏ, nhưng nghe rõ mồn một, làm cho hai người tràn trề hy vọng. Thoạt đầu tiếng địch dìu dặt, như nước chảy hoa trôi, sau đó dồn dập như cuồng phong bạo vũ, đằng đằng sát khí. Lắng nghe địch vị, đúng là thanh âm từ hốc đá kia vọng ra.
Lăng Ba Nhất Yến liền đề tụ chân khí vào Đan Điền, phong bế tâm huyệt bảo hộ Linh Đài, đề phòng bị thanh âm tập kích. Bỗng nghe Đường Chấn Anh reo vui :
- Đây là thanh âm Thất Khổng thần địch của Vi muội muội, thánh âm chấn tà trừ ma do nàng phát ra đó.
- Ồ, của Tử Vi biểu muội ư?
Đường Chấn Anh đáp :
- Đúng thế, còn ai vào đấy nữa?
- Tại sao biểu muội lại ở trong đó?
Đường Chấn Anh nghe Lăng Ba Nhất Yến hỏi thì cũng thấy kỳ quái :
- Ừ nhỉ, khi đệ rời Nga Mi Kim Đỉnh đến đây một mình, có ai biết đâu? Chẳng lẽ Vi muội cũng đã tới...
Tiếng địch đã ngừng thổi, chỉ còn dư âm vang vọng trông không gian. Màn khói từ hốc đá tuôn ra đã nhạt loãng, Lăng Ba Nhất Yến hỏi :
- Anh đệ có gan chăng?
Đường Chấn Anh hiểu ý, cười ha hả :
- Thư thư muốn xông vào trong hốc đá chứ gì?
Lăng Ba Nhất Yết gật đầu :
- Muốn thoát khỏi chốn này, chỉ còn cách phải mạo hiểm.
Đường Chấn Anh đáp :
- Lăng thư nói chí lý, đệ nguyện đi tiên phong.
Lời chưa dứt, chàng đã sử chiêu “Tiềm Long Thăng Thiên” búng mình lên cao bốn trượng.
Lăng Ba Nhất Yến không ngờ chàng nôn nóng như vậy, bèn giơ tay ngăn lại :
- Anh đệ, hãy khoan.
Đoạn búng mình vọt lên theo như mũi tên rời dây cung.
Đường Chấn Anh búng người chưa tới hốc đá, vội đề tụ thêm chân khí, dùng thức “Vân Long Phiên Thân” vọt lên đúng tới động khẩu.
Vừa đặt chân đứng vững, chàng đã thấy Lăng Ba Nhất Yến ở trước mặt mình, liền thốt lên tán thưởng :
- Lăng thư đi sau mà đến trước, thân pháp như thế thật không hổ với nhã hiệu Lăng Ba Nhất Yến mà võ lâm tôn vinh.
Nàng nói :
- Thư thư không thích ai tán thưởng cả.
Nàng tuy miệng nói vậy, nhưng trong lòng rất ngọt ngào. Nàng lấy bùi nhùi ra, phất mạnh một cái, lửa bừng sáng, thấy động khẩu khá rộng, hai người có thể cùng đi lọt, bên trong tối om, không thấy vách bèn bảo Đường Chấn Anh :

- Anh đệ hãy đi sau giơ cao bùi nhùi soi đường, giữ cự ly năm bước để thư đi trước, phải thận trọng từng bước.
Đường Chấn Anh ngắt lời nàng :
- Lăng thư đi sau, để đệ đi trước cho.
Lăng Ba Nhất Yến không an tâm, nói :
- Hai ta đã ước định, khi chưa ra khỏi nơi đây thì Anh đệ phải nhất nhất theo lệnh của thư.
Đường Chấn Anh đành nói :
- Thôi được, thì Lăng thư đi trước. Nhưng để đệ thi triển Vô Thượng Bát Nhã Luân Thanh đã, một là có thể trấn áp độc xà quái mãng, đề phòng bất trắc, hai là nếu Vi muội có ở trong động thì nàng sẽ biết trước.
Đoạn chàng đập Nhật Nguyệt song luân vào nhau liền ba cái, tuy chỉ dùng năm thành công lực, nhưng cũng đủ làm rung chuyển hang động và vạn vật, các mảnh đá rớt rào rào. Rồi chàng gài Nguyệt luân vào sau lưng, đưa tay tả tiếp nhận cây bùi nhùi, nói :
- Lăng thư đi trước, phải rất cẩn thận đó.
Lăng Ba Nhất Yến rút bảo kiếm múa chiêu “Tiên Nhân Chỉ Lộ” bảo hộ khắp châu thân, rồi từ từ tiến vào bên trong.
Đường Chấn Anh tay hữu thủ Nhật luân, tay tả giơ cao cây bùi nhùi, đi sau năm bước. Được vài bước, bỗng nghe tiếng kêu kinh ngạc của Lăng Ba Nhất Yến, chàng bèn vọt lên, thấy con mãng xà khổng lồ nằm chình ình ngay giữa động, đầu to như cái đỉnh, thân thô ráp, dài ngoẵn không lộ đuôi, thật ghê sợ.
Nhưng con mãng xà khổng lồ này ở hai hố mắt ròng ròng máu đỏ, chưa rõ nó chết hay còn sống, chắc là bị nội thương trầm trọng vì luân thanh. Đường Chấn Anh nói :
- Chính là con mãng xà vừa rồi.
Lăng Ba Nhất Yến dùng mũi kiếm chọc chọc vào đầu con mãng xà thăm dò. Cái thân khổng lồ của nó lập tức lăn lộn làm rung chuyển cả sơn động.
Đường Chấn Anh kéo Lăng Ba Nhất Yến lùi lại, nhưng nàng nóng nảy, bất chấp con mãng xà khổng lồ, nhảy vọt lên cao rồi hai tay cầm chúc mũi thanh bảo kiếm đáp xuống, mũi kiếm chọc ngập sâu vào gáy con mãng xà, đoạn rút kiếm lên và lướt đi phía trên thân mình nó vào phía trong.
Con mãng xà hàng ngàn tuổi giãy giụa một hồi rồi chết hẳn, Đường Chấn Anh còn đứng ngây ra nhìn nó, thì nghe Lăng Ba Nhất Yến gọi :
- Anh đệ đệ, mau tiến vào đi chứ!
Đường Chấn Anh giơ cao bùi nhùi, nhìn theo lưng con mãng xà, không thấy Lăng Ba Nhất Yến, chàng bèn bước trên thân mình nó mà tiến vào. Thân con trăn phải dài tới ngót chục trượng.
Lăng Ba Nhất Yến đứng đợi chàng ở chỗ đuôi mãng xà, nói :
- Anh đệ đệ đừng đi cách xa thư thư quá.
Đoạn nàng lại tiến sâu thêm.
Trong động đầy những mạng nhện, nhũ đá, rêu mốc trông ghê sợ, một mùi khó ngửi xộc lên mũi.
Bỗng họ thấy một đám lúc nhúc hàng mấy chục con độc xà ở phía trước, con nào con nấy giương mắt, há hốc mồm, máu chảy chan hòa. Chúng đều đã chết vì luân thanh.
Tựa hồ sát sinh đã thành đặc tính, Lăng Ba Nhất Yến vung bảo kiếm chém ngang chém dọc vào đám độc xà đã chết kia, khiến máu thịt văng tung tóe, bầy độc xà bị băm thành nhiều khúc.
Đường Chấn Anh không ngờ Lăng Ba Nhất Yến lại tàn nhẫn như vậy, bất giác nghĩ thầm: “Lăng thư thư có ngoại hình kiều diễm như tiên nữ, sao lại mang tâm địa tàn ác như vậy? Thật là trái ngược”.
Hình ảnh các đệ tử phái Nga Mi bị sát hại chợt hiện lên trong óc chàng, tất cả đều do một tay thiếu nữ này gây ra.
Chính chàng và Vi muội muội cũng từng bị nàng dùng Đả Huyệt Xuyên Mạch Đoạt Mệnh châm công kích vào “Huyền Cơ” yếu huyệt. Nếu không có vị cao nhân nọ tiếp cứu, ắt giờ này đã ở chốn cửu tuyền rồi.
Càng hận hơn là chuyện ngũ sư huynh Hư Không đã chết còn bị Lăng Ba Nhất Yến móc đi hai mắt, thật khủng khiếp.
Nghĩ đến đây, Đường Chấn Anh rùng mình, bất giác thở dài tự nhủ: “Đường Chấn Anh ôi Đường Chấn Anh, tại sao mi lại chỉ nghĩ đến tư ân mà quên mối đại cừu của sư môn? Nhưng nàng lại là biểu thư của mi, hơn nữa, theo lời nàng nói, nàng đã là hôn thê của mi. Ôi! Vừa rồi mi đã hồ đồ mê muội giao cấu với nàng. Nhưng mi làm thế hoàn toàn là vì động cơ cứu người và báo ân, chứ đâu phải vì sắc dục... Như vậy, mi cũng được tự an ủi phần nào. Lạ thật, bữa nọ trên Nga Mi Kim Đỉnh nàng cũng lên cơn như vừa rồi, chứng bệnh gì mà quái ác vậy, cứ phát sinh theo chu kỳ hay sao? Ngoại trừ Hàn Sương Giải Dục Hương, phải giao cấu mới trị được chứng bệnh đó ư?”
Miêu tả thì dài, thật ra các ý nghĩ diễn biến mau lẹ. Lăng Ba Nhất Yến nghe tiếng thở dài của chàng, bèn dừng bước, quay lại nhìn chàng, hỏi :
- Anh đệ đệ có điều gì không vui thế?
Giọng lo lắng pha lẫn nghi ngại.
Chàng đang mải mê suy nghĩ, nghe hỏi thì giật mình, bực bội đáp :
- Lăng thư loạn sát như thế, không sợ đắc tội với thiên hạ hay sao?
Lăng Ba Nhất Yến sững sờ đáp :
- Thư có loạn sát gì đâu? Bầy độc xà kia chẳng qua đã chết trước rồi.
Đường Chấn Anh càng giận thêm :
- Độc xà cũng là sinh mệnh, đệ sở dĩ dùng thanh luân chỉ nhằm xua đuổi chúng. Đằng này Lăng thư cố tình dùng kiếm băm vằm như thế, chẳng quá tàn nhẫn đó sao?
Lăng Ba Nhất Yến vốn tính nóng như lửa, không hiểu sao giờ đây lại chẳng nổi giận, chỉ bước lại bên Đường Chấn Anh, tỏ vẻ ân hận, nói :
- Ồ, thư ngần này tuổi đầu chưa hề bị ai nói nặng một câu, ngay cả ân sư Càn Khôn Nhất Mẫu cũng hết lòng sủng ái, cho nên thư muốn làm gì cũng được. Nay Anh đệ đệ là người duy nhất dám chỉ trích thư thư đó.
Đường Chấn Anh quắc mắt, gằn giọng hỏi :
- Lăng thư không thích nghe chăng?
- Không phải vậy, thư rất cảm động, nếu Anh đệ đệ không nói thẳng, thư chỉ nghĩ rằng mấy con độc xà kia chẳng qua là mấy con sâu cái kiến, có giết cũng chẳng đắc tội với ai...
Nàng chớp chớp mắt, cúi mặt xuống, dịu dàng nói tiếp :
- Thư có gì sai trái, Anh đệ đệ cứ chửi mắng, huống hồ Anh đệ đệ đã là... hôn phu của thư, thư không nghe lời giáo huấn của Anh đệ thì còn nghe ai?
Đoạn nàng đỡ lấy cái bùi nhùi để nhường cho Đường Chấn Anh đi trước.
Thật là “anh hùng khó qua cửa mỹ nhân”, Đường Chấn Anh không ngờ suốt đêm qua thiếu nữ này không chịu nhường nhịn chàng một câu, nay lại biến đổi hoàn toàn, thành một kẻ nhu mì, dịu dàng, khả ái đến như vậy. Lòng dạ nữ nhân sao mà khó hiểu lạ.
Kỳ thực đây chính là thứ ái tình vĩ đại, nếu không phải Đường Chấn Anh mà là kẻ khác, thì hôm nay đã tan xương nát thịt với Lăng Ba Nhất Yến rồi.
Lại nói hai người càng đi vào sâu thì sơn động càng rộng thoáng, quanh co nhiều khúc, động đạo mỗi lúc một lên cao. Chừng một giờ sau, đã dùng hết ba cây bùi nhùi, vẫn chưa đến vách hậu của sơn động.
Hai người sốt ruột, muốn đi gấp, vừa qua một khúc quanh, bỗng thấy loáng mắt. Một phiến đá lớn chắn đường, trên gắn tám viên minh châu to bằng trái đào, làm nổi rõ hai hàng chữ:
“Vượt qua chỗ này
Đừng mong toàn mạng”.
Lăng Ba Nhất Yến nhếch mép khinh bỉ :
- Khẩu khí ngang ngạnh thế!
Đường Chấn Anh kinh dị :
- Thì ra trong động quả thật có người.
Lăng Ba Nhất Yến tiếp luôn :
- Dù có người hay không, cũng phải tiến vào xem sao, bất kể hắn là ai!
Phía hữu của phiến đá có một khe hở độ hai thước, Lăng Ba Nhất Yến giơ cao cây bùi nhùi, ngó vào bên trong, thấy đó là một thạch thất rộng hàng mẫu, nền bằng phẳng, nhưng có một lớp khí màu lam bao phủ như mây mù, không hiểu thạch thất là địa đàng hay thiên đường.
Đường Chấn Anh thốt lên :
- Không ngờ ở chốn tuyệt địa lại có nơi tiên cảnh, đào hoa nguyên giữa thế gian.
Nói đoạn định bước vào.
Lăng Ba Nhất Yến kéo chàng lại cười nói :
- Cổ nhân bảo “lạc cực sinh bỉ”, Anh đệ đệ không lưu ý đến tám chữ kia hay sao?
Đường Chấn Anh chột dạ, nghĩ giang hồ lắm điều hiểm ác, cũng cười nói :
- Không chừng họ chỉ hù dọa đó thôi!
Lăng Ba Nhất Yến giơ kiếm nạy một mảnh đá ở vách động, rồi cầm mảnh đá ném vào bên trong bằng thủ pháp Mãn Thiên Phi Vũ. Mảnh đá lao vút đi theo thế ngang dọc, trên dưới, đập vào tứ phương tám hướng trong thạch thất để thăm dò, chỉ nghe tiếng đá chạm vào vách trần và nền, không có gì lạ.
Đường Chấn Anh tán thưởng :
- Hảo thủ pháp!
Lăng Ba Nhất Yến nói :
- Nghe thanh âm thì không có gì nguy hiểm, nhưng chớ khinh suất, hãy để thư đi trước, Anh đệ chờ đây, nhìn thế tay của thư mà hành sự.
Giọng nói kiên quyết, không cho Đường Chấn Anh phản đối.
Nam nhân có lòng tự tôn của nam nhân, nhất là trước mặt nữ nhân, ý thức tự tôn càng lộ rõ, huống hồ nữ nhân này lại là hôn thê của Đường Chấn Anh, cho nên nghe theo thiện ý của nàng, chàng chẳng chút cảm động, mà chỉ phiền não. Đó cũng là thiên tính của đại trượng phu. Chàng định phản đối, nhưng Lăng Ba Nhất Yến đã xông vào trước.
Nàng đề tụ chân khí, nhấc bổng thân hình lướt trên không một vòng trong thạch thất, không thấy gì lạ, mới nhẹ nhàng đáp xuống đất, vung kiếm chém tả hữu trước sau một hồi, mới quay nhìn về phía Đường Chấn Anh để gọi chàng, nhưng chàng đã vọt tới bên nàng.
Hai người đứng giữa thạch thất, đưa mắt quan sát tứ phía, trong màn lam khí, thấy bốn vách không phải hình vuông hoặc hình tròn, mà lồi lõm, lam khí che phủ nên không thấy trần cao bao nhiêu, nhưng quang tuyến trong thạch thất là từ trên trần rọi xuống, chỉ chưa biết đó là do vật gì phát quang?
Lăng Ba Nhất Yến ngó lên trần, tựa hồ hiểu ra màn lam khí này do đâu mà có. Còn Đường Chấn Anh thì quan sát kỹ bốn vách, hy vọng tìm ra một động khẩu khác để tiến sâu vào đó. Chàng nghĩ rằng thạch động không thể dừng ở đây, bên trong ắt còn một tầng sâu nữa. Nếu không, tại sao có khói đen và tiếng địch vọng ra?
Kìa, ở một góc thạch động thấy dường như ẩn hiện thấp thoáng một động khẩu. Đường Chấn Anh lập tức chĩa Song luân ra và lướt tới chỗ đó.
- Anh đệ đừng khinh suất.
Lời chưa dứt, hai chân Đường Chấn Anh cũng vừa chạm đất, bỗng cảm thấy đất chỗ đó mềm nhũn, chàng thầm kêu “hỏng rồi”, vội đề tụ chân khí vào Đan Điền, co chân nâng bổng người lên một trượng.
Ngay lúc đó, chỉ nghe “vù, vù, vù”, từ vách đá đối diện có ba mũi tiễn bay tới, nhằm vào thượng, trung và hạ bàn của chàng.
Đường Chấn Anh nghiến răng, đập Song luân vào nhau ba lượt. “Choang, choang, choang” ba tiếng, ba mũi tiễn đều bị đánh rớt, nhưng thân hình chàng cũng loạng choạng rơi xuống.
Ngay lúc này, trên đầu có gió quạt mạnh, chàng ngẩng lên. Ôi! Một khối đá lớn đang lao thẳng xuống, đồng thời lại nghe “phựt, phựt, phựt” mấy tiếng, từ bên dưới có mấy cái chông sắt phóng lên.
Trên đầu đá rớt, dưới chân ám khí phóng lên, chân khí thì vừa thi triển một hơi đã cạn, đừng nói thân người, ngay cả kim cương la hán tất cũng bị thịt nát xương tan, hết bề né tránh.
“Thôi chết!”, lời chưa kịp thốt, Đường Chấn Anh bỗng thấy dây thắt lưng của mình được kéo giật sang một bên.
Liền đó đá đập xuống chông sắt tóe lửa, sầm sầm sầm sầm. Hú vía! Hú vía!
Đường Chấn Anh đặt chân xuống đất, mới biết là mình thoát chết. Ngoảnh sang, người vừa cứu chàng chính là Lăng Ba Nhất Yến.
Chàng định nói, bỗng thấy nàng chau mày ủ rũ, lệ ứa hai hàng, chàng chưa hiểu sao, vội hỏi nhỏ :
- Lăng thư, nàng làm sao vậy?
Lăng Ba Nhất Yến ai oán nói :
- Anh đệ đệ, chàng hiếu thắng quá, cũng nên nghĩ đến thiếp chứ, giả dụ chàng có mệnh hệ nào, nếu vừa rồi thiếp không cứu kịp, thì còn gì là mạng? Trời ơi, chàng bảo thiếp sẽ ra sao, hu hu hu...
Nàng gục đầu vào ngực chàng mà khóc nấc lên.
Đường Chấn Anh thấy nàng lo lắng ình đến mức ấy thì vô cùng hổ thẹn. Có câu “khó nhất là thụ ơn mỹ nhân”, lúc này đối với Lăng Ba Nhất Yến, chàng đã hết cả nghi ngại, liền quàng tay ôm chặt lấy eo lưng nàng, đôi môi áp xuống miệng nàng.
Trước cử chỉ đột ngột của chàng, Lăng Ba Nhất Yến thầm ngạc nhiên, khẽ rùng mình như có luồng điện chạy qua người, tức thời ngưng khóc. Cảm giác rạo rực khó tả. Nàng bình sinh chưa được hưởng phút giây ngọt ngào như thế này. Thật là trong vòng vài giờ ngắn ngủi, sau cuộc giao hoan tràn trề khoái lạc, nay lại thấy đê mê cùng cực.
Đôi thiếu niên nam nữ đang tận hưởng khoái lạc bỗng cảm thấy đất trời rùng rùng chuyển động, họ chợt tỉnh, mở mắt nhìn. Ôi, thạch thất đã tối sầm lại. Nhưng kìa, chênh chếch mé tả có một vệt sáng lộ ra.
Lăng Ba Nhất Yến chăm chú nhìn về phía đó, thấp giọng hỏi :
- Chàng có sợ không?
Đường Chấn Anh cười đáp :
- Nàng còn không sợ, Đường mỗ há lại sợ ư?
- Vậy chàng cứ đứng đây một mình, để thiếp xông tới chỗ đó xem sao.
- Được, tùy ý nàng phân phó.
Lúc này Đường Chấn Anh đã hoàn toàn tin cậy ở nàng.
Lăng Ba Nhất Yến có vẻ thích chí :
- Thế thì hay lắm!
Đoạn nàng nhún mình lướt đi.
Thật không hổ danh Lăng Ba Nhất Yến, Đường Chấn Anh nhìn thân pháp khinh linh, diễm lệ của nàng lướt nhẹ về chỗ dải bạch quang, trong chớp mắt đã mất hút.
Chàng giơ Song luân lên, dáng vẻ cực kỳ khẩn trương.
Loáng một cái, thân hình Lăng Ba Nhất Yến đã từ chỗ dải bạch quang lướt trở về, nàng vẫy tay, thế là cả hai cùng phi thân tới chỗ đó.
Qua dải bạch quang, quẹo sang một góc, trước mặt bỗng sáng bừng. Thì ra chỗ này có một khe suối rộng rãi chảy dài, kỳ quái là dọc khe cứ cách sáu bảy trượng lại có một thạch trụ cao hơn mặt nước chừng hai thước. Nghe tiếng nước chảy mạnh từ sâu phía trong vọng ra.
Lăng Ba Nhất Yến cầm kiếm đang đứng trên một thạch trụ.
Đường Chấn Anh chưa biết đặt chân xuống chỗ nào, thì nàng đã chỉ tay xuống chân, rồi vọt sang thạch trụ kế tiếp.
Đường Chấn Anh đáp xuống chỗ nàng vừa đứng.
Bỗng sầm một tiếng rung chuyển, hai người ngoảnh nhìn, một tảng đá lớn đã đổ xuống chặn kín lối vừa vào.
Đường Chấn Anh hừ một tiếng, vung tay phóng mạnh một chưởng về phía khối đá. “Bạch” một tiếng, đá vụn văng tung tóe, nhưng khối đá không hề lay chuyển.
- Chàng trông kìa, trong này có chữ.
Đường Chấn Anh nghe gọi liền ngoảnh lại, nhìn theo tay chỉ của Lăng Ba Nhất Yến, thấy trên mặt phiến thạch bàn mé hữu có bốn chữ to nguệch ngoạc như cái đấu: “Thỉnh khách vào đầm”.
Nét chữ phóng khoáng, người tinh mắt biết ngay là được viết bằng thủ pháp Đại Lực Kim Cương chỉ.
Lăng Ba Nhất Yến thốt lên :
- Người nào mà tinh quái thế này...
Đường Chấn Anh thấy lối vào đã bị bít kín, buột miệng hỏi :
- Làm thế nào đây?
Lăng Ba Nhất Yến thản nhiên như không, chỉ tay về phía hàng chữ, cười nói :
- Thỉnh khách vào đầm...
Lời chưa dứt, nàng đã phóng mình nhảy đi.
Đường Chấn Anh thấy nàng thật can đảm, liền vọt theo. Hai người vượt qua đến hơn ba chục thạch trụ dọc khe suối mới tới đầu khe.
Đầu khe là một đầm nước rộng hàng mẫu, thạch trụ cuối cùng cũng chính là nơi tiếp giáp giữa khe suối với đầm nước. Hai người cùng đứng đấy, đưa mắt nhìn tứ phía.
Chỉ thấy xung quanh đầm lô nhô các mỏm đá với đủ hình thù kỳ dị và bí hiểm. Xen giữa các mỏm đá ấy là hàng trăm dòng nước chảy vào đầm, có dòng chảy ào ào, sùng sục, tạo nên âm thanh vang động, ù tai. Từ chỗ đầm nước chảy ra khe suối, nước réo ầm ầm như cơn lũ, khí thế như có thiên binh vạn mã kéo qua.
Đường Chấn Anh nhìn dòng nước, ngạc nhiên nói :
- Tứ phía nước đổ vào đầm, nhiều thế kia mà vẫn không đầy, chẳng lẽ đáy đầm có lỗ thoát ra bên ngoài?
Lăng Ba Nhất Yến tiếp :
- Sơn động và đầm nước này hoàn toàn là do thiên tạo, không chừng xuất hiện từ buổi khai thiên lập địa, tất nhiên đầm nước phải có chỗ thông ra bên ngoài.
Đường Chấn Anh gọi :
- Nàng xem kia là cái gì...
Đoạn nhảy chếch lên phía trên.
Lăng Ba Nhất Yến vọt theo, đến trước một tấm bia đá cao bằng người, rộng hai thước, trên mặt có khắc chữ, nhưng bị rêu xanh che gần hết. Đường Chấn Anh dùng luân gạt sạch rêu, đọc được những chữ viết dưới đây:
“Đầm lạch nuôi cá mực. Một trăm mười năm sau sẽ xuất hiện kỳ tích. Vật chí bảo không biết sẽ rơi vào tay ai. Người tới đây chẳng phải dễ. Đến được sẽ khỏe mạnh suốt đời”.
Bên dưới không đề danh, không chữ ký. Nhưng trông tự dạng, so với bốn chữ “Thỉnh khách vào đầm” ngoài kia, hẳn là cùng một người viết.
Đường Chấn Anh đang mãi đọc văn bia, bỗng nghe Lăng Ba Nhất Yến cao hứng reo lên :
- Ôi, cá mực... cá mực. Không ngờ trong đầm có nuôi cá mực. Có thể cứu được sư phụ, cứu được sư phụ rồi. Chàng ơi, có thể cứu được sư phụ của thiếp rồi.
Nàng hoa chân múa tay, giọng lạc hẳn đi.
Đường Chấn Anh không hiểu chút gì, đang định hỏi thì bỗng nghe Lăng Ba Nhất Yến hét :
- Chàng mau tránh ra!
Đường Chấn Anh chưa kịp phản ứng thì đã bị Lăng Ba Nhất Yến đẩy sang một bên. Định thần nhìn lại, thấy trên đầu tấm bia đá đã có hai con rắn bị Lăng Ba Nhất Yến đập chết. Thủ pháp của nàng thật là thần tốc khó tưởng tượng được.
Hai con rắn kia toàn thân màu đỏ như lửa, điểm các chấm đen, khác hẳn các loại rắn thông thường.
Lăng Ba Nhất Yến nhìn Đường Chấn Anh, hỏi :
- Chàng có biết đây là giống rắn gì không?
Đường Chấn Anh lắc đầu.
Lăng Ba Nhất Yến nói :
- Đây là giống Nhất Trượng Hồng, thịt ăn rất ngon, không hề độc, nhưng giống này rất dâm, sinh sôi nảy nở cực nhanh, thường chỉ sống ở vùng hải đảo nhiệt đới, không hề gặp ở nội địa Trung Nguyên.
- Nàng coi kìa!
Lăng Ba Nhất Yến nhìn theo tay Đường Chấn Anh chỉ, ôi, trên các mỏm đá ở phía trước có xuất hiện hàng vạn con rắn đỏ, uốn mình xen vào nhau bò qua bò lại, nghểnh đầu phóng lưỡi tới tấp.
Lăng Ba Nhất Yến nhìn quanh :
- Sao ở đâu chui ra lắm thứ rắn này như vậy? Nơi đây, ắt có điều bí mật kỳ dị.
Bỗng có một con rắn nhô đầu ra từ mép tấm bia, Đường Chấn Anh lập tức vung Nhật luân, con rắn tức thời bị chém đứt đầu.
Ngay lúc ấy, chỉ nghe kịch một tiếng, tấm bia tự động chuyển dịch sang một bên, để lộ một lối vào. Diễn biến đột ngột khiến Đường Chấn Anh phải nhảy lùi lại ba bước.
Lăng Ba Nhất Yến reo to :
- Kỳ diệu, kỳ diệu. Chàng vừa vung luân đã kích động cơ quan, xem ra chàng là người có phúc lớn.
Nói đoạn bước tới, ngó vào qua cửa, thấy có một dải ánh sáng rất nhạt, màu vàng hắt ra. Không cần đoán cũng biết sắp thấy trời đất. Nàng hiếu kỳ, chẳng hề thương lượng với Đường Chấn Anh, chĩa bảo kiếm lao ngay qua cửa.
Đường Chấn Anh sợ cũng như lúc nãy sẽ bị đá chặn lối vào, vội vọt ngay theo nàng.


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.